3/11/2015

BẠO LỰC VÀ VĂN HÓA CƯỚP

Lê Đức Diễn


Người ta nói nhiều đến bạo lực trong xã hội Việt Nam. Lý do vì sao sao và đâu là nguyên nhân chính của vấn nạn này?

Ở quốc gia nào cũng có tình trạng bạo lực, nhưng ở Việt Nam hiện tượng bạo lực trở nên phổ biến, nổ ra trong những bối cảnh hết sức bình thường của cuộc sống. Con người trở nên cộc cằn, thô bạo, hành xử với nhau độc ác ngày mỗi gia tăng.
Trước hết, phải nói tình trạng này xuất phát từ tâm lý bị tác động bởi một xã hội mà trong đó bạo lực được xem là chính sách của nhà cầm quyền.
Tiếp theo là xã hội bị nhào nặn trong một nền giáo dục lạc hậu, vong bản, dung dưỡng dối trá và đạo đức giả.
 
Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) giành được quyền lực là do cướp được chính quyền từ cuộc đấu tranh giai cấp và đo đó cũng dùng bạo lực để bảo vệ nó.
 
Vang lừng mặt trận rung trăm trống
Cách mạng quân ta cướp chính quyền

(Tố Hữu)
 
Toàn bộ guồng máy nhà nước của chế độ vừa nỗ lực tuyên truyền, vừa thực thi bạo lực.
Mao Trạch Đông, lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc, từng nói “súng đẻ ra chính quyền,” hoàn toàn đúng với lịch sử của ĐCSVN.
 
Từ khi cầm quyền ở miền Bắc đến năm 1975, ĐCSVN tiến hành cuộc xâm chiếm, nhuộm đỏ miền Nam bằng một cuộc cách mạng bạo lực. Từ năm 1975 đến nay, chế độ cai trị độc quyền được áp đặt trên cả nước.
 
Ngay sau khi cầm quyền ĐCSVN đã thiết lập một nhà nước dựa trên nền tảng bạo lực. Khủng bố và giám sát của công an là những biện pháp cơ bản để chống lại kẻ thù của chế độ. Bộ máy bạo lực gây ra sự sợ hãi và làm tê liệt sự phản kháng của xã hội.
 
Nhiều điều trong luật pháp của chế độ mơ hồ và phần lớn bị áp dụng tùy tiện. Có những bộ luật ban hành chỉ cốt để chống lại tư tưởng đối lập.
 
Chính quyền áp đặt ý thức hệ của đảng lên xã hội và buộc người dân phải tuân theo, nhưng lại xem đó là sự lựa chọn của nhân dân.
 
ĐCSVN giám sát và kiểm soát lưu thông các ý tưởng và thông tin, văn hóa, giáo dục, khoa học. Bất kỳ lĩnh vực sinh hoạt nào của xã hội cũng có bóng dáng của công an.
Trong quá trình tồn tại chế độ độc tài cộng sản luôn cần có kẻ thù, nếu không có thì họ sẽ tạo ra bằng được, thường xuyên được gọi là các “thế lực thù địch.”
 
Xu thế bạo lực tăng lên trong ngành công an. Nhiều trường hợp công an sử dụng nhục hình, tra tấn, ép cung dẫn đến kết án oan trái. Những vụ công an đánh đập làm chết người trở nên thường xuyên. Chỉ riêng trong năm 2014, đã có tới 18 trường hợp chết tại đồn công an vì các lí do như tự tử, đau ốm mà thực chất là hậu quả của việc đánh đập của công an.
Đời sống thường nhật bị bao trùm một không khí cảnh giác, đối phó trước nguy cơ bị trấn áp.
 
Với một môi trường như thế con người sống trong đó bị ảnh hưởng về suy nghĩ và cách hành xử, lý trí bị đánh mất, sự hung hăng, kiêu ngạo trỗi dậy. Người ta tin rằng, chỉ bằng phương pháp bạo lực mới có thể giải quyết được sự việc nhanh chóng, dứt điểm.
Và thế là chỉ cần một cái va quẹt nhỏ trên đường là trở thành một cuộc cãi vã, thậm chí xung đột bạo lực.
 
Theo báo cáo chính thức của Bộ Y Tế, từ ngày 15 đến 22 Tháng Hai (túc 27 Tháng Chạp đến mùng 4 Tết) vừa qua đã có trên 6 ngàn 200 người phải vào viện do ẩu đả, đánh nhau.
Tờ “Dân Trí” trong bài “Bạo lực đang đe dọa thế hệ trẻ” ngày 4 Tháng Ba năm 2015 viết rằng, “Con số hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh với những ai quan tâm đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Cái ác ngày càng lấn lướt cái thiện, bạo lực đang đe dọa tâm hồn, suy nghĩ, nhân cách con người, đặc biệt là lây truyền đến thế hệ trẻ.”
 
Để tìm sự bình yên dân làng có thể hùa nhau đánh hội đồng đến chết những kẻ trộm chó mà chẳng cần chờ pháp luật xét xử.
 
Từ một lễ hội văn hóa vui chơi, giải trí bỗng nhiên biến thành một cuộc tranh cướp kinh hoàng, giẫm đạp lên nhau vì một quả cầu phết, “lộc thánh” hay thậm chí bảo kiểm.
Hình ảnh những người tranh cướp bị tả tơi quần áo, máu me đầy mình được ông Phan Đăng Long, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, nói đây là “cướp” có văn hóa!
 
Thời tôi còn nhỏ, ở nông thôn cũng có những lễ hội truyền thống, nhưng diễn ra yên lành, vui nhộn, tuyệt nhiên không hề có chuyện ẩu đả. Hàng xóm làng giềng vẫn giữ được lối sống bảo bọc nhau lúc tối lửa tắt đèn. Học sinh rất mực tôn trọng lễ nghĩa với thầy cô giáo. Sau mấy chục năm giờ đây đã hoàn toàn khác hẳn.
 
Ở nước ngoài tại một số quốc gia có những lễ hội dân tộc mang màu sắc bạo lực nhưng có ý nghĩa khác hẳn, điển hình có thể nêu ra ở Tây Ban Nha.
 
Lễ hội “rượt bò” San Fermin thường niên, có từ năm 1592, vào Tháng Bảy, với hàng nghìn người từ khắp Tây Ban Nha và nhiều nước tới tham dự. Sáu con bò tót rượt đuổi những người mặc đồng phục trắng thắt khăn đỏ trên những con phố hẹp dài 825 mét của thành phố Pamplona tới quảng trường Plaza de Toros . Những người đứng xem cũng bị bò tấn công chạy toán loạn. Dù có người bị thương, thậm chí đã có lúc thiệt mạng vì bị bò húc, nhưng lễ hội này vẫn được duy trì. Ở đây, lòng dũng cảm của con người được đánh giá cao, không phải bằng đánh nhau mà là đối diện với thú vật hung dữ.
 
Một lễ hội khác là “La Tomatina” tồn tại từ năm 1945 được tổ chức vào Tháng Tám tại thị trấn Bunlo thu hút tới hàng chục ngàn du khách từ khắp thế giới. Một cuộc hỗn chiến ném cà chua vào nhau. Nguồn cung cấp hơn một trăm tấn cà chua được chọn lựa bảo đảm không gây sát thương. Không có kẻ thắng người thua, ai cũng thấm mệt và mãn nguyện. Khi “cuộc chiến” kết thúc, sở cứu hỏa địa phương dùng vòi để rửa đường phố và trả lại bình an và yên tĩnh cho thị trấn nhỏ. Điều thú vị là chỉ trong vòng khoảng một giờ, tất cả những người tham gia đều trở lại đường phố với quần áo sạch sẽ và tiếp tục cuộc vui tiệc tùng, nhảy múa, xem hòa nhạc...

Trước cảnh người người thượng cẳng chân, hạ cẳng tay phang nhau u đầu, mẻ trán mà có thể ăn nói ngây ngô, mập mờ, đổi trắng thay đen như ông Phan Đăng Long thì ông ta chỉ có thể được đào tạo và trưởng thành trong môi trường cướp bóc.
 
“Văn hóa cướp” dường như là con đẻ của chế độ Cộng Sản. Cướp chính quyền; cướp đoạt đất đai của nông dân; cướp tiền dân thông qua đổi tiền; cướp tài sản của công dân thông qua cải tạo công thương nghiệp; cướp tiền bạc, tài nguyên của đất nước từ các dự án kinh tế; cướp cạn của công an trên các tuyến đường giao thông, v.v...
 
Phát biểu của ông Phan Đăng Long là đồng nghĩa với bao biện cho sự gây rối trật tự công cộng, cổ vũ cho bạo lực.
Không có phép mầu nào chữa trị được căn bệnh bạo lực hiện nay của xã hội Việt Nam khi mà ĐCSVN còn thống trị. Nó đã là bản chất, là sản phẩm của “văn hóa cướp,” là khối u ác tính của chế độ.
 
Chỉ trong một xã hội dân chủ với đức tin lành mạnh, thì pháp luật mới được thượng tôn; con người mới được tôn trọng và có tâm hướng về cái Thiện; nhân ái thay cho thù hận; tha thứ thay cho lỗi lầm...

Linh Mục Ba Lan Jerzy PopieBuszko, một người bị an ninh cộng sản Ba Lan ám hại vào năm 1984, đã nói rằng, “Nơi nào có bất công nơi đó có bạo lực, đạo đức giả, sự hận thù, nhân phẩm bị chà đạp, không có chỗ cho tình yêu, không có không gian cho trái tim, lòng vị tha và sự hy sinh vì nhau.”
 
.

No comments:

Post a Comment