3/18/2015

Chính quyền CSVN làm gì khi người dân đói khổ đi làm thuê nơi đất khách quê người?

Trong nước không tìm được việc làm, hàng chục vạn người đã trốn sang Trung Quốc để lao động chui dù biết phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm. Mới đây, trên tờ Công An Nhân Dân đã tiết lộ, từ năm 2011 đến nay đã có khoảng 200 ngàn người sang Trung Quốc để làm việc theo kiểu thời vụ.
 
Rất nhiều người vượt biên sang Trung Quốc làm thuê ở độ tuổi ăn học. Ảnh: Lao Động
 
Cali Today News - Đấy chỉ mới là con số được khảo sát tại 10 địa phương giáp biên giới với Trung Quốc, thực tế ắt hẳn phải còn nhiều hơn.
 
Từ sau Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng tại các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc đã bắt giữ khá nhiều vụ đưa người vượt biên “lậu”. Cho dù tình trạng này không còn xảy ra ồ ạt như trước đây nhưng cũng không thuyên giảm là bao. 
 
Trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế Việt Nam đi xuống và chưa có dấu hiệu phục hồi. Chỉ riêng năm 2014, cả nước có đến gần 68 ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Đi kèm với đó là hàng chục vạn lao động mất việc làm, không có thu nhập. Thông tin từ báo chí cho biết, hiện tại ở Trung Quốc đang rất cần lực lượng lao động chân tay, không đòi hỏi kỹ năng. Chính vì vậy, từ những người đã từng đi làm chui ở Trung Quốc về, họ trở thành những người môi giới, dẫn dắt người khác sang bên đó làm việc. Cứ mỗi người được giới thiệu đi làm việc phải đóng số tiền từ 4-8 triệu cho người môi giới. Sau khi đã tập hợp đủ số lao động, phía người môi giới sẽ thuê xe, chở đến các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, chờ cơ hội để vượt biên trái phép sang bên đó làm thuê.
 
Cũng từ báo Công An Nhân Dân cho biết, những tỉnh thành như: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Giang… cứ mỗi ngày như vậy có hàng ngàn người vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê. Không chỉ ở những tỉnh trên, mà ngay cả những tỉnh cách xa Trung Quốc, như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa cũng tạo ra những đường dây để đưa người sang Trung Quốc làm việc.
 
Rất nhiều người ý thức được việc vượt biên”lậu” là bất hợp pháp, vậy nhưng họ chẳng còn lựa chọn nào khác khi chính quyền trong nước không tạo được công ăn việc làm, họ cần phải có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình.
 
Người dân Việt Nam ùn ùn sang Trung Quốc để làm thuê. Ảnh: Người Lao Động
 
Sang làm việc chui ở Trung Quốc chẳng sung sướng gì, nhiều người bị giới chủ đối xử như con vật. Họ bị đưa đi làm tại những nhà xưởng cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, phải làm việc từ 11-14 tiếng mỗi ngày. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của chủ, nhiều người còn bị đánh đập, bị bỏ đói nhằm cảnh cáo cho những lao động khác. Rất nhiều người còn bị chủ nợ lương, chỉ trả ½so với thỏa thuận ban đầu. Vì là lao động chui nên họ không hề có hợp đồng lao động, không được luật pháp sở tại bảo vệ. Chưa dừng ở đó, trong những đợt bố ráp, vây bắt hàng ngàn người đã phải ngồi tù hàng tháng trời. Số tiền bị chủ nợ cũng theo đó mà mất luôn. Rất nhiều nạn nhân sau khi trở về từ Trung Quốc cho rằng, đó là một cách mà giới chủ áp dụng để quịt tiền lương trả cho họ.
 
Trên tờ Lao Động dẫn lời một nạn nhân là chị Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1984) cho biết: “Chúng tôi phải trả 5 triệu đồng/người cho người môi giới. Họ nói, sang đó làm ăn mỗi tháng cũng để ra được 10 triệu đồng. Tin họ, tôi bán vội tài sản đi để “chạy”. Ai ngờ, vừa sang tới nơi thì bị bắt và giam tới 20 ngày mới được thả về”.
 
Những người sau khi bị công an Trung Quốc bắt họ phải bị nhốt tù, lao động công ích, phải nộp phạt, thậm chí có trường hợp còn bị ép phải hiến máu để có tiền nộp phạt. Khổ là thế, hiểm nguy là thế nhưng nhiều người vẫn liều mình vượt biên qua biên giới để lao động chui.
 
Trong khi người dân Việt Nam không có việc làm, phải vượt biên sang Trung Quốc để làm việc, đối diện với biết bao hiểm nguy rình rập, thì ngay tại Việt Nam, chính quyền lại cho phép hàng vạn lao động Trung Quốc vào làm ở những khu kỹ nghệ có chủ đầu tư là người Trung Quốc. Đa phần những người lao động không giấy phép là người Trung Quốc đều làm những công việc chân tay, không đòi hỏi kỹ năng. Đó là những công việc mà người dân Việt Nam có thể đáp ứng được.
 
Chính vì không thể tạo việc làm được cho người dân, lượng người thất nghiệp diễn ra lan tràn, tạo ra vô số tệ nạn, cướp của giết người như hiện nay, chính quyền đã rất nhẹ tay khi phát giác những vụ vượt biên “lậu” sang Trung Quốc để làm việc. Thông qua các tờ báo trong nước, hầu như những người vượt biên “lậu” này đều không phải nhận những bản án hình sự do việc vượt biên của mình. Mặt khác, chính quyền còn hỗ trợ bằng cách cấp giấy thông hành, hộ chiếu nhanh chóng để người dân không phải vượt biên “lậu”.
 
Trước tình trạng đông đảo người dân vượt biên sang Trung Quốc kiếm việc làm, nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền Việt Nam. Dường như họ đã bất lực vì không thể tạo công ăn việc làm cho người dân, cho dù họ được thành lập ra, lãnh lương để làm những việc đó. Chính quyền đang phơi bày bộ mặt “đem con bỏ chợ” trước an nguy của công dân mình.
 
Người Quan Sát

No comments:

Post a Comment