Những Kỷ Niệm Khó Quên
Sau ngày 30 tháng 4 năm1975, cùng số phận với những người lính trong Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, ông xã nhà tôi cũng lên đường "học-tập cải-tạo". Thời gian được biết là mười ngày. Tôi tự trấn an "Mười ngày rồi cũng qua mau thôi". Nhưng! nếu cuộc đời mà không có chữ nhưng thì hay biết mấy?
Mười ngày đã qua! Hai mươi ngày cũng qua! Rồi bốn tháng, năm tháng cũng qua luôn! Tuyệt-vọng bao trùm cả gia đình! Tuyệt-vọng bao trùm cả thành phố, cả miền nam VN!
Đến tháng thứ sáu thì chúng tôi nhận được thư. Nhìn nét chữ ngoài phong bì tôi mừng và xúc-động vô kể. Đúng là nét chữ của chàng. Tôi nhớ ngày lên xe hoa về làm vợ chàng, tôi cũng chưa xúc-động như vậy. Hú hồn! Cuối cùng rồi cũng có tin. Nhìn địa chỉ trên phong bì, tôi đọc được hai chữ "hòm thư", tự nhiên tôi rùng mình, rởn tóc gáy! Cái từ nầy lạ lẫm quá! Người miền nam hòm là cái quan tài chôn người chết. Đúng là "giải-phóng" cái gì cũng lạ! Nhưng hôm hay quan-tài cũng được, đọc thư hẳn hay. Tin chàng cho biết đang ở Tây ninh. Trong thư chàng hỏi thăm sức khỏe ông bà nội các cháu và mấy mẹ con chúng tôi. Cuối cùng chàng hứa sẽ cố gắng cải-tạo tốt để sớm được về sum họp với gia đình!
Đọc thư tôi thấy lạ quá! Đây là lời lẽ của chàng sao? Sau nầy tôi mới biết đó là mẫu để những người tù viết về thăm gia đình.
Người ta bảo thời gian xoáy mòn tình cảm, nhưng riêng tôi không thấy điều đó. Tôi chỉ thấy thời gian đong đầy thêm sự nhớ thương.
Giai đoạn kế tiếp biết chàng ở Long-giao, Long-khánh, nhưng chỉ được gởi thơ chứ không cho thăm. Tôi tìm cách để được nhìn thấy chàng cho lòng tôi cân bằng được chút ít; Tôi làm quen với người địa phương, mượn quang gánh của họ, mua ít bánh kẹo, làm người bán hàng rong chờ chàng ở đoạn đường về trại. Tôi chờ đến ba buổi chiều! Quá sức mừng! Tôi đã thấy chàng sau giờ lao-động trở về. Thấy tôi chàng khựng lại! Lòng tôi xót xa tê tái! Hình ảnh người lính hào-hùng của chồng tôi ngày nào không còn nữa. Chàng hiện thân là con người yếu đuối trước mắt tôi. Mấy tuần sau, tôi nhận được thư chàng kèm theo mấy câu thơ:
Vợ tôi như thiếu phụ bên sông
Giả bán hàng rong đứng đợi chồng
Tôi đi vác củi về qua đó
Lệ ướt rèm mi ai biết không?
Những năm tháng sau đó, tôi thăm chàng ở nhiều nơi . . . . Tôi nhớ có lần lên tận Bùi-gia-mập, Bùi-gia-phúc, địa danh phát xuất bài hát "Tiếng chày trên sóc Bam-bo".
Đoàn người thăm nuôi xuống xe lỉnh kỉnh mang, xách. Sau hơn nửa ngày vất vả trên những đoạn đường đầy "ổ voi" và đất đỏ, đám đàn bà chúng tôi bỗng thấy khỏe và tươi tỉnh hẳn ra. Chúng tôi vui vì sắp được gặp mặt ai đó? Một chị bỗng cười to rồi kêu lên, "Các bà nhìn kìa". Chúng tôi đồng loạt nhìn theo hướng chị chỉ. Phía trước là con đường mòn chạy sâu vào rừng, cái cổng chào hiện ra, một tấm gỗ dài bắt ngang hai trụ lớn. Trên tấm bảng đọc được hai chữ KHÔNG CÓ ở phần đầu; Đoạn chữ ở giữa đã bị những bàn tay bí mật "giải phóng" mất. Phần cuối tấm bảng chỉ còn hai chữ TỰ DO. Chúng tôi thích thú đi vào vùng đất với cổng chào mang dòng chữ : KHÔNG CÓ . . . . . TỰ DO.
Gặp chàng vui vẻ đó, nhưng sao có chút cay đắng, xót xa. Thượng-đế ơi, chúng con là vợ chồng, chúng con là những con người!
Ăn với chàng một bữa
Ngủ với chàng nửa đêm
Lần thăm hai bữa: cơm, đèn
Còn gì má phấn tóc đen hỡi chàng,
(sưu tầm)
Thời gian sau cùng họ đưa chàng ra miền trung (Xuân-phước, La-hai, thuôc Phú yên). Mẹ con chúng tôi lại đùm túm nhau về Nha-trang - quê ngoại - để đi thăm chàng cho gần.
Năm đó tôi có giấy cho thăm vào dịp tết Âm lịch. Sau khi sắp xếp cho mấy đứa lớn ở nhà, tôi dẫn thằng út đi xe lửa đến La-hai để từ đó đi bộ vào trại Xuân-phước.
Đến nơi thì đã tối, hai mẹ con phải chờ. Sáng mùng hai họ lại báo là mùng ba mới được thăm!
Đồ thăm nuôi lần nầy càng tệ hơn những lần trước, ngoài ký đường, ký mè vài trăm gram cà-phê, một gói xôi và lọ thịt kho mặn cùng một ít thuốc trị kiết-lị, không còn gì khác. Chẳng lẻ đến nơi chưa thăm lại phải trở về? Suy nghĩ, "tiến thoái lưỡng nan". . . . Cuối cùng, thằng con đói, phải lấy gói xôi và lọ thịt hai mẹ con ăn sạch. Biết làm sao hơn vì một ngày một đêm chưa ăn gì!
Đến hai giờ chiều, cán bộ trại ra báo: "Sáng mai, tám giờ sẽ cho cải tạo ra thăm, ai muốn gặp thân nhân ngày mai thì nạp giấy tờ, bây giờ anh em cải tạo đang bận đá bóng". Tôi quyết định ở lại. Thằng út đòi đi tìm ba nó trong sân đá bóng. Làm sao biết mặt ba nó mà tìm? Lúc chàng đi thằng út mới được hai mươi tháng tuổi. Thằng bé thật bướng, nó nói biết ba nó trong hình, rồi nhất định chạy vào chỗ đá bóng để tìm ba. Tôi sốt ruột chờ nó trở ra. Cuối cùng nó chạy về mặt buồn hiu. Tội nghiệp con tôi, thằng bé mới năm tuổi làm sao hình dung được mặt cha sau nhiều năm tháng! Sà vào lòng tôi, nó kể lại cách tìm ba của nó: "Con thấy một bác rất giốngt ba. Con lại thưa phải bác là ba con không? Con là Chiến. Ba con tên Nguyễn-văn . . . . mẹ con tên . . . . Nội con làm thuốc Bắc , ngoại con làm nem chả nhưng bác ấy lắc đầu. Con đến một bác nữa cũng nói tên ba, tên mẹ, con còn nói cả tên của các cô chú, bác ấy lắc đầu! Con thấy bác lấy áo chùi mắt, bác đã khóc; Sao kỳ vậy mẹ? Rồi có một bác khác đến ôm con bảo đừng tìm nữa; Bác đó nói ba không có ra ngoài; Bác sẽ về nói lại với ba ngày mai ra thăm mẹ và con. Con về chỗ mẹ đi, đừng chạy lung tung".
Cuộc đời của vợ con tù cũng cay đắng, cũng nếm đủ hương vị? Ngày mai mẹ con tôi sẽ được gặp chàng, nói với nhau được vài câu rồi dắt díu nhau trở về chờ đợi và chỉ biết chờ đợi!
Đoạn đường từ Nha-trang đi Xuân-phước lắm đèo nhiều dốc, trên xe nhìn xuống dốc đá sâu thẳm, nguy hiểm rợn người.
Đường Tuy-hòa gập-ghềnh đèo dốc
Đến La-hai, Xuân-phước tìm anh
Bao nhiêu cực khổ Trời dành
Cho anh trang điểm đời anh sau nầy,
Không biết cuộc đòi chàng có được trang điểm không? Nhưng riêng tôi đang được trang điểm quá nhiều cơ-cực và lo-âu! Nhiều lúc nhìn đàn con dại thiếu ăn, thiếu mặc giống như bầy heo con thiếu sửa, thiếu cám, tôi mơ ước một phép mầu làm thế nào cho tôi được tan biến khỏi thế giới buồn phiền nầy!
***
Qua nhiều năm chia cách, bây giờ chúng tôi được bình-an bên nhau. Chàng của tôi nay đã già. Nhiều lần tôi phát hiện ông cụ đã hơi lẩm cẩm!
Chúng tôi đã tạm yên ổn về cả tinh-thần lẫn vật-chất, nhưng lòng chúng vẫn không quên những nguời bạn đã bất-hạnh chết trong bệnh tật, tù đày!
Chúng tôi chỉ biết cuối đầu cảm tạ ơn trên đã ban cho chúng tôi một hạnh-phúc.
Liên Hoa
dv
No comments:
Post a Comment