Khi con trẻ không biết tự bảo vệ mình
Hoài Nam
Dân Luận: Chúng ta không thể trách các em tại sao quá khờ dại cam chịu trước bạo lực. Vì ngay cả chính người lớn chúng ta hiện nay vẫn chấp nhận sống cam chịu trước những bất bình, tiêu cực trong xã hội. Thử hỏi làm sao có thể làm gương cho trẻ nhỏ?
Khi bị đánh, nữ sinh N.T.H. P. không hề phản kháng. Có thể em không được trang bị kỹ năng tự vệ tối thiểu nhưng nguy hiểm hơn hình ảnh “chịu đựng” của em còn thể hiện sự mất niềm tin trầm trọng vào người lớn và vào chính bản thân mình của trẻ.
Thật xót xa khi nhắc đến vụ nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn đánh hội đồng. Hình ảnh một nhóm học trò vung tay chân, dùng sức mạnh đám đông, hành vi tàn bạo đánh bạn làm nhói tim bao nhiêu người. Song song với đó là hình ảnh em P. ngồi im chịu trận cũng rất đáng trăn trở.
Trái với vẻ ngoài ồn ã, học trò ngày nay cô đơn và mất niềm tin trầm trọng vào người lớn lẫn bản thân. (Ảnh minh họa)
Biết rằng em P. bị bạn tổ chức đánh rất quy mô, đánh hội đồng – nghĩa là em rất khó để thoát. Nhưng điều đó không có nghĩa là em không thể phản kháng trong khả năng có thể với những hành động như ôm đầu, né người, chiu gầm bàn… để tránh những tổn thương xác thịt trực tiếp hay đến việc phản ứng mạnh mẽ hơn để bảo vệ mình.
Sự im lặng kéo dài với gia đình, thầy cô của chính em P. là điều làm nhiều người băn khoăn. Nhưng lỗi hẳn không phải chỉ ở em… Em có đầy đủ thầy cô, bố mẹ xung quanh. Vậy mà những lúc khó khăn, cô độc nhất em không tìm cho mình được một điểm tựa để sẻ chia, để nhờ hỗ trợ. Mình em chịu đựng nỗi đau khủng khiếp về thể xác lẫn tinh thần.
Em không dám mách lại với ai vì những lời cảnh báo của nhóm bạn. Đó chỉ là một phần của lý do, lý do lớn hơn có thể là em không có niềm tin ở người lớn – ngay cả bố mẹ và thầy cô – những người có thể giúp đỡ mình hay chỉ để tâm sự những lo sợ, hoảng loan.
Phải chăng đó là một sự mất niềm tin đáng sợ của con trẻ vào người ruột thịt và thầy cô của mình. P. là hình ảnh của rất nhiều trẻ em ngày nay: cô đơn, không chỗ dựa cho dù bên cạnh tưởng như có tất cả. Phải chăng xuất phát từ sự thờ ơ và có phần vô trách nhiệm của người lớn?
Không chỉ mất niềm tin ở người khác mà điều đáng sợ nhất là em mất niềm tin ở chính bản thân. Theo lời một chuyên gia tâm lý, khi bị đánh, em P. không hề phản kháng không chỉ vì em không được trang bị kỹ năng tự vệ tối thiểu mà còn thể hiện sự mất niềm tin trầm trọng ở bản thân.
Khi bị đánh, P. mặc nhiên tự ti cho rằng mình không thể làm gì ngoài chịu đựng. Sức mạnh bên trong em – sức mạnh được coi là lớn nhất của con người và cũng là bản năng sống còn – đã không hề được đánh thức vào lúc cần kíp nhất.
Hoàn thành bế tắc, đường cùng luôn là động lực cho sức mạnh, nội lực con người vùng dậy. Nhưng một khi không có niềm tin ở bản thân, con người rất dễ đầu hàng trước những tiêu cực, những bất bình.
Trong một lần nói chuyện với giáo viên tâm lý ở TPHCM, TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) kể về câu chuyện em học sinh nhút nhát thường xuyên bị bạn dùng chai nước đánh vào mặt. Mỗi lần như vậy, cậu ta chấp nhận bị đánh rồi ôm mặt khóc đầy uất ức.
Cho đến một ngày giáo viên biết chuyện, cô chưa trách cậu bé đánh bạn mà trách cậu học trò bị đánh trước. Cô nói với em học trò, em phải làm gì để không bị đánh chứ?
Cậu học trò đáp: “Em sẽ giơ tay ra đỡ để bạn không đánh trúng mặt”.Vậy em hãy giơ tay đi!
“Khi thấy bạn em sẽ bỏ chạy đến đám đông”. Vậy thì em hãy chạy đi!
“Em sẽ lên báo với cô giáo”. Vậy em hãy lên báo với giáo viên!
“Em sẽ nói với bạn: mày còn đánh tao, tao sẽ mách bố tao và mách bố mày. Tao sẽ không tha cho mày đâu”. Vậy em hãy làm điều đó đi!
Bời nếu em không làm gì hết mà chỉ có thái độ chấp nhận thì chẳng thể tránh được tình cảnh “uất ức để bạn đánh vào mặt”. Trước khi tìm đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai thì chính bản thân em phải có niềm tin vào chính mình sẽ làm được điều gì đó.
Để trẻ biết cách bảo vệ bản thân, các em cần được trang bị rất nhiều kỹ năng. Nhưng để trẻ vượt qua được các nghịch cảnh thì trước hết cần cho các em niềm tin vào sức mạnh, khả năng của chính mình, vào bố mẹ, thầy cô.
Âu đó cũng là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của giáo dục mà lâu nay phải chăng chúng ta đang bỏ ngỏ!
Hoài Nam
No comments:
Post a Comment