4/06/2015

'Báo cáo nghiên cứu khả thi' của dự án trị giá 7,500 tỉ chỉ là 'sao chép' 

Hay: "Bản báo cáo về "dự án 7,500 tỉ có thể thực hiện được" chỉ là sự cắt nối, thêm bớt những con số một cách cẩu thả, sai lệch, từ một dự án khác


April 05, 2015


HÀ NỘI 5-4 (NV) .- Sau khi thẩm định “Báo cáo nghiên cứu khả thi” dự án xây dựng phi trường Quảng Ninh, Bộ Xây dựng Việt Nam kết luận, báo cáo này đã sao chép dự án xây dựng phi trường Phan Thiết.
 
Phối cảnh phi trường Quảng Ninh.(Hình: VNExpress)

Dự án xây dựng phi trường Quảng Ninh, tọa lạc tại huyện Vân Đồn, dự trù sử dụng khoảng 290 héc ta đất, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,500 tỉ. Dự án do tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao). Thời gian Sun Group được phép khai thác lên tới 45 năm.

Theo Bộ Xây dựng Việt Nam, “Báo cáo nghiên cứu khả thi” dự án xây dựng phi trường Quảng Ninh, còn “sót” nhiều chi tiết, số liệu có liên quan đến... dự án xây dựng phi trường Phan Thiết, thành ra có mâu thuẫn giữa mục tiêu và thiết kế. Chẳng hạn mục tiêu đầu tư là biến phi trường Quảng Ninh thành phi trường quốc tế nhưng thiết kế của “Báo cáo nghiên cứu khả thi” không tính đến việc đón các chuyến bay từ ngoại quốc đến.

Cũng do sao chép nên “đường nét cấu trúc” của nhà ga “không đồng bộ” với nhà điều hành, đài kiểm soát không lưu, trạm khí tượng, trạm cứu hỏa, kho xăng dầu,...

Bởi sao chép nên khi tính toán công suất – cơ sở để quyết định cho phép đầu tư - “Báo cáo nghiên cứu khả thi” đã “nhầm lẫn” giữa số liệu của phi trường Quảng Ninh và phi trường Phan Thiết. Có một điểm đáng chú ý là ngoài scandal vừa kể, dự án xây dựng phi trường Quảng Ninh liên quan đến một số doanh nghiệp dính dáng đến một số scandal xảy ra gần đây.

Lúc đầu, chủ đầu tư của dự án phi trường Quảng Ninh là liên danh bao gồm Tổng Công ty Cảng hàng không Nam Hàn, Công ty Joinus Việt Nam và Công ty Posco E&C (Posco Engineering & Construction). Báo cáo nghiên cứu khả thi do liên danh này lập ra, dự trù tổng vốn đầu tư là 5,128 tỉ đồng Việt Nam.

Mới đây, Nam Hàn đã tạm giam cựu giám đốc Chi nhánh Việt Nam của Công ty Posco E&C vì nghi ngờ công ty này đã thông đồng với một số đối tác ở Việt Nam để nâng chí phí thực hiện các dự án xây dựng tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2009 đến 2012. Khoản chênh lệch giữa thực chi và khai khống lên tới 10 tỉ Won (khoảng 200 tỉ đồng Việt Nam) đã được Công ty POSCO E&C đưa vào qũy đen.

Sau đó, chưa rõ vì sao chính quyền tỉnh Quảng Ninh thay đổi chủ đầu tư. Sau khi chính quyền tỉnh Quảng Ninh chọn tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư dự án xây dựng phi trường Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư của dự án này đã tăng lên thành 7,500 tỉ.

Cần nhắc lại rằng, với những dự án đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư càng lớn thì chủ đầu tư càng có lợi vừa vì được hưởng nhiều ưu đãi, miễn trừ nhiều nghĩa vụ tài chính, vừa được kéo dài thời gian khai thác – thu lợi.

Tập đoàn Sun Group vốn không xa lạ với công chúng Việt Nam. Tập đoàn này là chủ đầu tư nhiều dự án tại Đà Nẵng: Khu Du lịch InterContinental Đà Nẵng, Sun Peninsula Resort, Novotel Đà Nẵng Premier Han River, Khu Công viên châu Á Đà Nẵng, Khu Du lịch Bà Nà. Sau đó bắt đầu vói tay đầu tư xây dựng: Khu du lịch Fansipan Sapa, Tổ hợp khách sạn JWW Marriott, Rizt - Carlton tại Phú Quốc.

Mới tháng trước, dân chúng Việt Nam, đặc biệt là dân chúng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã chỉ trích kịch liệt việc chính quyền thành phố Đà Nẵng bán đứt Bà Nà cho Tập đoàn Sun Group.
Gần đây, sau khi tập đoàn Sun Group quyết định đóng con đường dài khoảng 15 cây số dẫn lên Bà Nà. Muốn thăm Bà Nà, người ta phải dùng hệ thống cáp treo dài khoảng 5,000 mét. Nếu là dân Đà Nẵng, phí dùng cáp treo là 350,000/người/chuyến đi – về. Không phải dân Đà Nẵng thì phải trả 500,000//người/chuyến đi – về. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment