CÂU
CHUYỆN HÀNH TRÌNH TÌM ĐẾN TỰ DO CỦA TÔI:
VƯỢT
NGỤC VÀ VƯỢT BIÊN (PHẦN
2)
Lão Ngoan Đồng
2/
- Vượt biên thành công với nhiều gian
nguy kinh hoàng.
Sau chuyến vượt biên thất bại vì biển động,
không còn ghe và máy để tiếp tục , 3 anh em chúng tôi, bàn tính tìm phương cách
để mua lại ghe, máy và các dụng cụ cho cuộc hải hành vượt biên một lần nữa.
Trước hết phải tìm chổ ở vì đang trú ngụ
lậu trong nhà người thân của anh Bình, rất bất tiện và nguy hiểm cho chủ nhà,
cho nên chúng tôi phân công mỗi người một việc. Anh Nhơn ở lại Sài Gòn lo tìm
người hợp tác về tài chánh, tôi trở về xã X, tiếp tục ẩn náo với danh nghĩa người
trốn khu kinh tế mới, về đây làm mướn. Riêng anh Bình thì đi đi về về xã X và Sài
gòn để theo dõi tình hình.
Chờ đợi khoảng gần 2 tháng, việc tìm kiếm
tài chánh cho chuyến vượt biên kế tiếp chưa có kết quả khả quan, không biết có
thành công không, tôi nghĩ đến việc vào chiến khu để sinh hoạt với những anh em
phục quốc.
Đầu tiên, tôi nhớ đến lực lượng Khăn Trắng
của những tín đồ Hòa Hảo ở vùng Long xuyên-Châu Đốc. Tôi nói với anh Bình là tôi
sẽ thử, nếu không được, tôi sẽ trở lại xã X. Tuy anh Bình không muốn, nhưng chờ
đợi tiền để mua sắm ghe, máy chưa biết đến chừng nào, thành thử anh đành phải tạm
đồng ý để cho tôi thử xem.
Tôi đi Long xuyên, tìm về những bà con và
bạn bè thân tín của tôi ở đó, vì có một thời gian từ 1969 đến 1971, đơn vị Tiểu
Đoàn 73 Công Binh KIến Tạo của tôi đồn trú ở cầu Trại Mai, gần ngã ba đi Rạch
giá, Long Xuyên.
Đến Long xuyên, tôi được hướng dẩn đến gập
một người thuộc nhóm phục quốc, xin gia nhập. Tôi nói với ông ta là tôi vừa được
thả ra sau hơn 4 năm ở tù cải tạo. Ông ta chúc mừng tôi đã được thoát củi sổ lồng,
nhưng ông từ chối, bảo tôi hảy ở đâu thì ở đó, tìm cách làm ăn sinh sống, tổ chức
của ông ta sẽ cứu xét sau. Tuy nhiên, người bà con của tôi cho biết là họ không
tin những người đã từng bị tù cải tạo, vì đã có rất nhiều tên việt cộng giả làm
tù cải tạo để xâm nhập tổ chức với ý đồ phá tan các tổ chức phục quốc thật sự.
Thất vọng, tôi tìm đường khác bằng cách về Sài Gòn, tìm đến những tổ chứ phục
quốc khác ở vùng 3.
Tôi về Sài Gòn, nhờ một người anh bà
con, tìm giúp tôi. Sau khoảng một tuần, anh ấy cho tôi biết là đã gập họ, nhưng
câu trả lời cũng giống như những người trong tổ chức ở Long Xuyên: “ở đâu hảy ở
đó”, chờ tin.
Trong thời gian nầy, tôi liên lạc với
anh Nhơn, anh ta cho tôi biết đã tìm được một số bạn bè thân thuộc đóng góp, nhưng
ngân khoảng hiện có, đoán chừng phân nửa số cần thiết, tôi đành phải quay trở lại
xã X để chờ.
Tại xã X, để làm cho giống người làm mướn,
tôi giúp chủ nhà, vét mương, làm cỏ vườn, hái trái cây trong vườn, đem ra chợ bán…
Đột nhiên, tôi nghĩ đến, nếu có ghe, chúng
tôi sẽ ra biển bằng đường nào. Nhớ lại đường từ Hốc Năng về Cà Mau, người đốn củi
lậu đã chở chúng tôi về, sau khi thất bại chuyến vượt biên lần trước, tôi đề
nghị với anh Bình là nên trở lại nơi đó để quan sát và làm quen với lộ trình
cho sau nầy.
Bằng chiếc ghe tam bản lúc trước, khi lẩn
tránh kiểm tra dân số của việt cộng, gắn thêm máy đuôi tôm Kohler 4, tôi và anh
Bình cùng đi xuống Cà Mau.
Tôi nhớ là cái cửa khém xuyên qua rừng vẹt để đến rạch Hốc Năng
nằm trên sông Rạch Gốc, bên kia bờ đối diện vời chợ Năm Căn, xéo về hướng cửa
biển. Như vậy, từ sông Cà Mau cắt qua kinh Đội Cường, đến chợ Chà Là rồi chợ Cái
Keo, đến kinh Thầy Cai (có thể không nhớ đúng tên) vào đến sông Năm Căn.
Mày mò tìm bên bờ hữu ngạn, cuối cùng tìm
được ngỏ vào để đến khém (con rạch nhỏ) vào rừng vẹt. Cái khém nầy rất nhỏ, nếu
nước ròng, chỉ có xuồng hay tam bản đi được, nếu ghe lớn hơn, phải chờ nước lớn
mới có thể đi thông suốt không bị mắc cạn.
Chúng tôi đậu ghe tại rạch Hốc Năng 4 ngày,
giả làm người giăng lưới cá. Trong thời gian nầy, gặp một người cũng đang thả
lưới cá, chúng tôi là người lạ mặt nên anh ta biết ngay, vì vậy chúng tôi nói với
anh ta là chúng tôi ở Ngã Năm Sóc Trăng, muốn dò đường để sẽ đem ghe đáy xuống
tại cửa biển nầy đóng đáy kiếm ăn. Anh cho chúng tôi biết phải cẩn thận khi đóng
đáy tại đây, mấy tháng trước đây có một toán người, dường như ở ngoại quốc về xâm
nhập vào Việt Nam tại cửa Hốc Năng. Chúng tôi hỏi anh ta làm sao anh biết được.
Anh ta nói là anh thấy trên bờ trong rừng vẹt, có dấu chân của rất nhiều người,
và các lon thịt hộp, nhiều vỏ của bao gạo xấy còn bỏ lại nơi đó. Chúng tôi đoán
nhóm người xâm nhập đó chính là chúng tôi, sau khi bị bảo, tấp vào bờ trong lần
vượt biên thất bại kỳ trước.
Trong thời gian 4 ngày nầy, tôi vào rừng
vẹt, leo lên cây vẹt cao nhứt, dùng ống dòm ngó ra biển, quan sát lưu thông ngoài
biển, xem có ghe hay tàu tuần của việt cộng không. Sau hai ngày quan sát, thấy
thỉnh thoảng mới có một ghe đánh cá đi ngang qua ngoài khơi, không có tàu của
việt cộng. Có lẻ cửa biển nầy quá nhỏ, không phải là cửa chánh ra biển, nên tại
cửa Hốc Năng nầy, không có đồn kiểm soát, và vào sâu trong bờ từ cửa biển hơn một
cây số, cũng không có nhà dân ở.
Trở về xã X, lên Sài gòn để xem xét tình
hình. Anh Nhơn cho chúng tôi biết là bây giờ đã gom góp cũng được gần đủ cho
nhu cầu, anh giao lại cho anh Bình, vì có một người bà con bên vợ của anh ta, đã
tổ chức xong ghe và người, nên anh Nhơn theo người bà con đó đi vượt biên trước.
Anh Bình và tôi phải đành chấp nhận, vì thoát được người nào hay người đó, và
chúc cho anh Nhơn đi thuận buồm xuôi gió.
Lúc nầy anh Bình phải thường trực tại Sài
Gòn để nhờ những người bạn đã đóng góp, tiếp tay tìm thêm người hợp tác. Đến
khoảng tháng 4 năm 1980, tiền bạc gom được có thể đủ để mua ghe, tôi bàn với
anh Bình sẽ tìm mua một chiếc ghe loại “cà
dom cui” như lần trước nhưng lớn hơn. Loại
ghe nầy nguồn gốc từ Châu Đốc, vượt sóng rất tốt qua kinh nghiệm lần trước.
Nhờ người quen tại Long Xuyên đang làm
nghề tàu kéo ghe, hướng dẩn chúng tôi đến Quận Chợ Mới, mua được một chiếc ghe
dài 13 thước, nhưng không có máy.
Đây là chiếc ghe Cà Dom
Cui, cùng cở với ghe vượt biên của tôi
Làm ghe xong, kéo về nhà người bạn nầy tại
kinh Cái Sắn, và cũng nhờ anh bạn nầy hướng dẩn chúng tôi xuống Rạch Giá để tìm
mua máy. Tìm nhiều nơi nhưng không có loại máy mà chúng tôi muốn, vì lúc đó cũng
có nhiều nhu cầu mua máy tàu cho những chuyến vượt biên. Cuối cùng tìm được một
máy Yanmar 2 blocks (cylinders) đầu xanh rất cũ, đã bất khiển dụng nhiều năm,
nhưng có thể tân trang lại.
Chúng tôi đem máy đến một tiệm thợ tiện
tại chợ Rạch Giá, nhờ họ tiện lại nấp máy (culasse), xoáy cylinder, xoáy lổ mũi
cho đúng kiểu cở…nói chung là sửa và tân trang lại những bộ phận cần thiết để máy
có thể chạy được.
Tại rạch giá, tôi gập một người anh bà
con bên ngoại, nguyên là sĩ quan phục vụ tại tiểu khu Kiên Giang, đã được thả về
sau gần 4 năm ở tù cải tạo. Rủ anh ta đi với tôi, nhưng anh ấy nói cũng đang tổ
chức một cuộc vượt biên với bên vợ của anh ấy. Sau nầu nghe nói anh ta đã vượt
biên thành công và hiện đang ở bên Úc.
Sửa xong chở máy về Long xuyên, đi tìm
mua một cây láp (l’abre), gắn máy vào ghe, cho máy chạy thử một ngày, không có
gì trở ngại. Tôi ở lại Long xuyên trên ghe để chờ, nhân tiện mua thêm một vài bộ
phận thay thế cho máy có thể cần khi đi trên biển. Cũng tại Long Xuyên, tôi gập
lại 2 người bạn cùng đơn vị với tôi lúc đồn trú tại cầu Trại Mai Thốt Nốt, họ
chỉ bị cải tạo tại chổ, vì việt cộng không biết gì về cách kiến tạo cầu đường,
nên họ được xử dụng lại. Rủ họ cùng đi, nhưng họ từ chối vì còn bận bịu lo cho sinh
sống của gia đình.
Đến giữa tháng 6 năm 1980, nhiệm vụ mua
ghe và máy của tôi đã hoàn tất, chỉ chờ đợi anh Bình mua hải đồ của khu vực Việt
Nam và Mã Lai, la bàn, dầu diesel chạy máy, thực phẩm khô, dụng cụ đựng nước uống,
và chờ ngày tập hợp hành khách bạn bè đã góp của cho chuyến vượt biên.
Lúc nầy, tôi nhờ anh Bình báo cho vợ tôi,
chuẩn bị sẳn sàng một chiếc ghe tam bản, để di chuyển từ Vĩnh Long đến Cà Mau, đi
vượt biên cùng với tôi, kể cả gia đình của anh Bình cũng vậy, vì chúng tôi nghĩ
rằng trên đường từ Vĩnh Long đến Cà Mau, có thể chúng tôi sẽ gập trở ngại với bọn
việt cộng, chừng đó sống chết không biết ra sao, nếu đi cùng chung ghe, gia đình
có thể bị liên lụy giữa hai lằn đạn, có thể cả gia đình sẽ bị tử vong, vì chúng
tôi đã quyết sanh tử bằng cách ăn mặc giả bộ đội, mua 2 cây súng AK, một K54, một
colt 45 và một M79.
Có một ngày, tôi lên chợ Vĩnh Long tìm
mua hai cái béc dầu (fuel injection) phòng hờ cho máy, đang lui cui lựa hàng,
liếc mắt ngó lên, thấy tên Năm ốm (không còn nhớ hắn tên gì, hắn là trung úy việt
cộng, trong ban hậu cần tại trại tù cải tạo Vườn Đào, cai quản nhà máy đèn, rất
rõ mặt tôi), hoảng quá, tôi vội cuối gầm mặt xuống,
chờ cho hắn đi khỏi, tôi vội vã trở về
ghe ngay, không còn dám chần chờ ở chợ Vĩnh long nữa.
Trước ngày hẹn một ngày, một người bạn
trong số hành khách, tổ chức một đám cưới giả để tập họp, và tối đêm đó, tất cả
mọi người lần lược được chở đến ghe tôi đang đậu bên kia bờ sông, đối diện với
nhà lồng chợ Vĩnh Long. Đến khoảng 11 giờ đêm thì mọi người đã xuống ghe an toàn,
lúc đó hai ghe tam bản có gắn máy đuôi tôm, chở gia đình tôi và anh Bình đã sẳn
sàng để khởi hành. Anh Bình đi trên ghe tam bản riêng với gia đình anh, tôi và 4 người thanh niên trong số bạn
thân thiết với chúng tôi, giả bộ đội, mặc đồ lính việt cộng, ngồi trên mui ghe
mỗi người mang một khẩu súng. Rất tiếc, không mua được khẩu M79 vì phải chờ đợi
lâu, sẽ bị trể ngày đi, cho nên phải đành có gì chơi nấy.
Đóng tất cả cửa sổ bên hông để bên ngoài
không nhìn thấy, chúng tôi khởi hành vào khoảng 12 giờ đêm 28 tháng 6 năm 1980.
Xuyên qua rạch Cầu Lầu, kinh Ba Càng, chuyễn qua rạch Cái Vồn ra sông Hậu
Giang, xuống đến Cái Côn vào lúc trời vừa hừng sáng, từ đó đi qua Ngã Bảy, đến
chợ Ngã Năm. Tại Ngã Năm, có một trạm kiểm soát của việt công, kêu ghe chúng tôi
ghé lại để kiểm soát. Một người bạn đang giả làm bộ đội mang cấp bậc trung úy
VC, mang súng K54 chửi thề bằng giọng Bắc (anh ta là người Bắc), “đ.m bộ đội đi
công tác mà du kích chúng mầy muốn kiểm soát hả? coi chừng ông bắn bỏ mẹ cả lủ
bây giờ!”, nghe vậy tôi cố miếm môi cười thầm trong bụng và rất đồng tình với lời
chửi đó. Thế rồi chúng tôi cứ tiếp tục di chuyển, nhưng hai ghe tam bản chở gia
đình theo sau, bị chúng nó gọi nên phải ghé vào. Thấy vậy nhưng tôi đành phải
tiếp tục đi khỏi nơi đó chừng 2 Km mới đậu lại một nơi vắng vẻ để chờ.
Chờ khoảng 1 giờ, không thấy họ đến, tôi
đành phải tiếp tục hành trình, vì ban ngày đậu lâu quá sợ bị lộ, trong lòng rất
lo không biết điều gì xảy ra cho họ, vì trên mỗi ghe đó có chở theo vài can 20
lít bằng nhựa chứa dầu diesel.
Đến cầu Cà Mau vào khoảng 6 giờ chiều, vẫn
không thấy tăm hơi của hai chiếc ghe tam bản, tôi quyết định đi đến ngã tư kinh
Đội Cường sẽ dừng lại để chờ họ, vì anh Bình đã có đi với tôi qua đường nầy nên
chắc chắn anh biết đường.
Chờ tại ngã tư kinh Đội Cường đến 5 giờ
sáng hôm sau vẫn không thấy họ đến, trong lòng tôi rất bối rối, lo sợ họ bị việt
cộng bắt lại, lo sợ đậu tại nơi nầy lâu quá, trời sáng có thể bị phát hiện. Một
ý nghĩ chợt hiện trong đầu là quay lại để tìm họ. Nhưng nếu họ đã bị bắt thì biết
tìm họ ở đâu với bản thân là tù cải tạo vượt ngục, đi đường bằng giấy giả, vã lại
còn những người đi chung ghe với tôi thì họ làm sao đây ?
Cuối cùng lương tâm đã dẩn tôi đến quyết
định, một quyết định hết sức khó khăn trong suốt đời tôi, là phải tiếp tục đi bỏ
gia đình ở lại, bỏ người bạn đã cứu tôi ra khỏi ngục tù và lo lắng, giúp đở tôi,
và vì an toàn sinh mạng của 78 người đang đồng hành với tôi. Tôi vào khoang
ghe, nói với mọi người: “Tôi phải bỏ lại vợ con và bạn bè vì sự an nguy của quý
vị, tôi quyết định tiếp tục hành trình, và mong tất cả mọi người hảy tuyệt đối
nghe theo hướng dẩn của tôi kể từ giờ phút nầy, vì trên đường vượt biển, có thể
chúng ta sẽ gập rất nhiều nguy hiểm, và nếu bị việt cộng phát hiện, chúng tôi sẽ
chống cự bằng vũ khí hiện có, không để cho chúng bắt, nếu ai không đồng ý thì tôi
sẽ đưa quý vị lên bờ và trở về nhà”. Tất cả đều nói cám ơn tôi vì hự hy sinh đó,
tiếp tục đi và sẽ luôn luôn nghe theo chỉ dẩn của tôi cho đến khi đến được bến
bờ tự do.
Ra sau lái ghe, tôi đứng lặng yên ngó về
hướng Cà mau lòng đau như cắt, không thể cầm được nước mắt vì nhớ đến vợ con tôi,
không biết giờ nầy họ ra sao ? Chỉ có thể
cầu Trời Phật phù hộ cho họ mà thôi.
Leo lên mui ghe, ngồi cầm cần tay lái,
nhờ anh em quay máy và nhổ neo, trực chỉ về hướng Năm Căn. Qua khỏi kinh Đội Cường
xuống đến Chà Là, qua chợ Cái Keo và vào kinh Thầy Cai, gần đến ngã ba Năm Căn,
đậu ghe sát vào bờ, quan sát đồn gác biên phòng của việt cộng ngay ngã ba, thấy
chúng không có xét ghe nào lưu thông ngang đó, tôi mới tiếp tục lái ghe đi bên
bờ đối diện với đồn kiểm soát, và đã trót lọt ra được sông Năm Căn, thế là đã
thoát được phần nguy hiểm nhứt, trong lộ tình đến cửa biển.
Đến cửa rạch vào rừng vẹt, nước còn đang
ròng, chưa thể vào được, tôi đậu lại giả bộ như bị hư máy, cho anh em bôi dầu
nhớt vào tay, cầm dụng cụ thợ máy như đang sửa chửa, chờ nước lớn chừng 2 giờ nữa.
Nhân tiện cho những người đồng hành nào muốn, lên rừng vẹt, hít thở không khí tươi
mát, hoặc xả bầu tâm sự sau một ngày và một đêm tù túng trong ghe.
Khoảng 4 giờ chiều thấy nước đã lớn nửa
sông, tôi gọi tất cả mọi người lên ghe, nhổ neo, bắt đầu di chuyển. Len lỏi vào
trong khém nhỏ xuyên qua rừng vẹt, chỉ dùng sào chống để đi, không thể chạy máy
vì sợ chơn vịt chặt trúng cây ngầm bị gãy, do vậy phải mất gần 2 giờ mới ra khỏi khém, đến rạch Hốc Năng. Đến đây
tôi cho chạy máy, dặn tất cả mọi người đóng cửa sổ bên 2 hông ghe lại và tuyệt
đối giữ im lặng. Cho ghe chạy từ từ hướng ra cửa biển để tránh sự chú ý bất thường,
nếu có ai giăng lưới cá trên rạch hoặc hai bên bờ đốn củi vẹt.
Đúng 6 giờ chiều ngày 30 tháng 6 năm
1980, ghe tôi đã đến cửa biển Hốc Năng, bắt đầu cuộc hành trình vượt biên tìm tự
do cho tất cả 79 người trên ghe. Tôi lấy hướng 210 độ trên la bàn, nhắm hướng Mã
Lai trực chỉ, với tốc lực 2/3, ước lượng khoảng 10 hải lý/giờ.
Đến 7 giờ tối, mặt trời vừa lặn, thấy xa
xa có ánh đèn của một chiếc tàu biển chạy về hướng Bắc. Vì không muốn đến gần để
bị phát hiện, tôi đổi hướng về hướng Hòn Khoai khoảng 240 độ, đến khi không còn
nhìn thấy chiếc tàu đó nữa tôi mới lấy lại phương hướng 210 độ như cũ.
Đến khoảng 9 giờ đêm trời đầy mây, không
nhìn được vì sao nào, mưa bắt đầu rơi, nhưng gió không mạnh lắm, tuy có sóng khá
lớn, nhưng có thể điều khiển ghe để dàng. Tôi mặc áo mưa kiểu áo Poncho nhà
binh nhưng làm bằng plastic trong suốt,
dùng một sợi dây buộc vào lưng, hai đầu
buộc vào lan cang hai bên mui ghe, để nếu bị ngủ gục không bị rơi xuống biển, vì
đã 2 ngày 2 đêm tôi không có ngủ được một giây phút nào, chỉ cầm cự bằng ngậm củ
sâm. Vài giờ đồng hồ sau thì trời lặng mây tan, đã nhìn thấy được sao Bắc Đẩu,
xem lại la bàn thì vẫn đi đúng hướng. Yên lòng, chừng đó mới thấy đói và khát.
Lấy thuốc rê ra vấn một điếu hút cho đã cơn thèm vì từ khi vào khém trong rừng
vẹt, quá tập trung vào lái ghe và lo lắng về an toàn, nên đã quên cơn ghiền thuốc.
Nhờ anh bạn nhỏ tên Quốc, một Hạ Sĩ Quan xạ thủ đại liên trực thăng của Không
Quân QL.VNCH, tìm có gì ăn và uống mang lên mui ghe cho tôi. Một lát sau, anh
ta mang lên cho tôi 2 khoanh bánh tét và một cái ca bằng nhựa đựng trà bông lài
nóng. Nhờ vậy, sự mệt mõi của cơ thể và sự căng thẳng tinh thần đã trở lại bình
thường. Lúc đó, tôi nhờ Quốc xuống dưới khoang ghe xem coi có ai bị say sóng không
thể chịu đựng nổi nữa, có thể lên trên mui ghe ngồi cho thoáng, đở bị say sóng
hơn. Khoảng chừng hai chục người, đã lên mui ghe, xấp xểp chổ nằm, ngồi cho an
toàn, cùng trò chuyện với nhau cho quên đi niềm sợ hải.
Đến khoảng gần 3 giờ sáng, thấy xa xa có
đèn của một chiếc tàu, dường như đứng yên không di chuyển, tôi lái ghe đến gần,
dùng đèn pha, nhìn ra là một tàu dân sự bằng sắt, trọng tải khoảng trên ngàn tấn,
bên hông tàu phía sau lái có hàng chữ CARENA, nhưng không nhìn được cờ quốc tịch.
Dù chưa gặp nguy hiểm và khẩn cấp, tôi cũng dùng đèn pha cầm tay đánh tín hiệu
SOS, rồi rọi đèn vào số người trên mui ghe của tôi, lúc đó có một số người đã
ra đứng trước mũi ghe, gồm đàn bà và trẻ em, để họ thấy không phải là tàu cướp.
Tuy nhiên không biết lý do gì, họ quan sát một lúc rồi kéo neo bỏ đi. Tuy thất
vọng không được cứu vớt, nhưng tôi vẫn an lòng vì trời yên gió lặng, có thể chừng
hơn một ngày nữa là có thể đến Mã Lai.
Trời sáng, tiếp tục hành trình trong thời
tiết rất tốt, nắng và gió nhẹ, tôi bảo tất cả mọi người trong ghe thay phiên
nhau ra bồng lái làm vệ sinh cá nhân nếu cần, và có thể lên mui, ra đằng mũi
hay sau lái để nhìn trời và biển, nhìn những đàn cá heo (dauphin) đang nhảy
tung tăng và lội theo ghe, hưởng chút không khí trong lành của biển khơi. Ai có
đói thì có thể lấy nước, đựng trong các thùng nhựa 20 lít, nấu sôi lên, chế vào
các bao gạo xấy lương khô mà chúng tôi mang theo. Tất cả mọi người đều tỏ ra an
tâm và vui vẻ. Có một số người đã hô lớn “hoan hô anh Bảy” (tên giả của tôi) vì
đã đưa họ ra khỏi Việt Nam an toàn.Tôi đáp lại rằng, khoan hảy hoan hô, chúng
ta còn một đoạn biển dài nữa mới đến được bến bờ tự do, xin các vị chớ vội buông
lỏng sự cẩn thận, khi chúng ta vẫn còn trên biển, nguy nan vẫn có thể xảy ra bất
cứ lúc nào.
Đến khoảng giữa trưa, nhìn xa xa lại thấy một chiếc tàu, dùng ống dòm, thấy
đó dường như là tàu đánh cá, không biết là của nước nào, hoặc có thể là một tàu
vượt biên khác, nhưng lại đi ngược hướng với ghe của tôi. Dù là tàu gì đi nữa,
tôi chắc rằng không phải tàu của việt cộng. Tôi cứ chạy thẳng tới phía chiếc tàu
đó.
Đến gần trong vòng 300 mét, nhìn thấy có
khoảng 5 hay 6 người ở trần trùng trục, tay chân đang múa may như kêu gọi chúng
tôi lại gần. Đến gần khoảng 150 mét thấy đa số họ đều có xâm mình, tay cầm dao
búa, tôi đoán chắc họ là cướp Thái Lan, tôi rẻ tàu qua hướng khác tránh xa họ,
liếc về hướng tàu của họ, thấy có một người cầm trên tay một khẩu súng lục, chỉa
về hướng chúng tôi. Tôi la lớn lên để mọi người trong ghe nghe thấy: “nằm xuống,
chúng có súng”, ngay sau đó tôi nghe vài tiếng súng nổ từ tàu của bọn cướp, và
tức thời liền sau đó , bên ghe tôi có tiếng nổ của hai tràng AK về hướng tàu cướp,
do hai người nào đó trong chúng tôi nhả đạn. Nhìn sang tàu cướp, không còn thấy
tên cướp nào đứng trên bong tàu nữa, có lẽ hoặc là bị trúng đạn, hoặc chúng
nghe tiếng súng bắn trả, chúng biết là chúng tôi có vũ khí nên đã nằm mẹp xuống
sàn tàu để tránh đạn.
Có một vài người trên ghe hô lớn: “Thằng
Vượng bị thương rồi !”. Lúc đó Vượng, một thanh niên em của một người bạn tôi, đang
nằm trong ghe, rất may mắn là vết thương bị đạn súng lục ở tầm xa, bắn xuyên
qua vách bên hông ghe trúng vào đùi, đạn không trổ ra ngoài nên máu không chảy
nhiều. Tôi nhờ người dìu Vượng lên mui ghe, và nhờ một cô hành khách nguyên là
y tá săn sóc, băng bó cầm máu cho Vượng. Vài người thấy trên ghe chúng tôi bị
cướp biển bắn bị thương nên rất tức giận, bảo tôi hảy quay ghe lại cướp tàu của
chúng, nhưng tôi không đồng ý, cho rằng chúng ta đi tỵ nạn, không thể thành kẻ
cướp được, hơn nữa khi đến trại tỵ nạn chúng ta trả lời với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên
Hiệp Quốc làm sao đây ? Tôi vẫn tiếp tục huớng về phía Mã Lai mà tiến tới.
Sau khi đã đi xa, không nhìn thấy tàu cướp
nữa, tôi nhờ một anh Thượng sĩ Hải Quân (về ngành cơ khí) cầm lái thay tôi để tôi
xem tình trạng của Vượng như thế nào. Thấy Vượng vẫn còn tỉnh táo, vết thương đã
băng bó gọn ghẽ, đã bớt đau nhức vì được cô y tá đã dùng thuốc Péniciline và
Aspirine do chúng tôi mang theo để phòng khi cấp cứu. Thấy vậy tôi đã yên tâm,
an ủi Vượng vài câu và trở lại cầm lái tàu.
Đến khoảng 4 giờ chiều, vị trí của chúng
tôi lúc đó độ chừng đã vượt qua khỏi vĩ tuyến ranh giới của Thái Lan và Mã Lai,
tôi cho ghe hướng 240 độ, tiến về gần bờ Mã Lai. Chạy được khoảng nữa giờ, nhìn
xa xa thấy có một đoàn nhiều chiếc tàu đánh cá đang hành nghề. Khi đến gần, thấy
có khoảng 8 chiếc tàu cá Thái Lan, đang cắt dây lưới, nổ máy chạy bao vây ghe tôi.
Biết gập cướp nữa, tôi bảo anh chị em trong ghe nếu có tài sản quý giá hảy
nhanh cất dấu, tất cả vũ khí đạn dược hảy ném hết xuống biển, vì tôi nhận thấy
với số vũ khí ít ỏi đó, không thể đẩy lui được bọn cướp, hơn nữa tôi chắc chúng
cũng có súng, và với lực lượng 8 chiếc tàu của chúng, có thể đâm nát ghe của chúng
tôi nếu bị bắn. Quả nhiên 8 chiếc tàu đó bao quanh và cập sát vào ghe, có khoảng
một chục tên cướp với dao búa cầm tay, có 2 tên cầm súng lục nhảy qua ghe. Bọn
chúng với bộ mặt dữ tợn, khám xét tất cả mọi người để tìm tài sản. Lúc đó tôi đang
ở trên mui ghe, có hai tên đến gần bảo tôi tắt máy, xong chúng cởi áo và quần
dài của tôi ra, chỉ chừa lại chiếc quần đùi. Sau khi mò mẩm để tìm xem tôi có dấu
gì trong quần áo không. Chẳng tìm thấy gì ngoại trừ chiếc đồng hồ và cái quẹt máy
để hút thuốc, chúng giựt lấy, còn quần và áo của tôi chúng quăng hết xuống biển.
Có lẻ muốn dự phần ăn cướp, một chiếc tàu
cướp khác ủi mũi tàu của chúng vào hông bên phải ghe, gây nên một tiếng động dữ
dội, ghe bị lắc mạnh, bên tàu cướp nhảy qua thêm hai tên nữa để dự phần. Chừng
5 phút sau, đột nhiên mấy tên cướp hấp tấp
rời khỏi ghe trở về tàu của chúng. Có nhiều tiếng la thất thanh từ trong ghe:
“Tụi nó đụng bể ghe, vô nước nhiều quá, sắp chìm rồi !”. Nhìn chung quanh, tôi
thấy các tàu cướp đã bỏ chạy ra xa. Tôi nhảy xuống mũi ghe, nhìn vào bên trong
thì thấy nước đã ngập đến máy. Biết là ghe sắp chìm, tôi bảo các anh chị em bên
trong, đổ mấy can chứa dầu và nước uống ra, dùng làm phao, thoát ra ngoài mũi và
lái ghe, rồi hảy leo lên mui để tránh bị kẹt lại bên trong. Lúc đó, một cảnh tượng
hãi hùng của những người đồng hành, kẻ khóc người la cầu cứu, nhiều người đứng
chết lặng như kẻ mất hồn, tôi chẳng nghĩ gì về chết chóc cá nhân của mình nữa,
chỉ tội nghiệp cho những đứa trẻ từ một đến mười hai mười ba tuổi, đã tháp tùng
theo cha mẹ chúng trong chuyến vượt biên nầy, không biết lội, chắc chắn phải chết.
Tôi gọi các anh thanh niên và đàn ông hảy giúp và chỉ cách cho đàn bà và trẻ
con, nắm chặc vào khoảng 30 cái phao bằng can nhựa rổng, 2 người vào một phao,
phần còn lại thì chia ưu tiên cho những ai không biết lội. Sau đó, tôi quỳ gối
xuống mũi ghe, chấp tay cầu khẩn những đấng linh thiêng hảy cứu giúp chúng tôi cho
tai qua nạn khỏi.
Dường như những đấng linh thiêng đã nghe
lời khẩn cầu của tôi, một chiếc tàu cướp đã bỏ đi lúc nảy, quay đầu chạy lại gần
ghe, quăng dây sang ghe chúng tôi. Tôi và vài anh thanh niên khác, chụp đầu dây
kéo mạnh để ghe cập vào tàu cướp. Khi ghe đã cập sát vào tàu, tôi la lớn lên: “
trẻ em và đàn bà lên trước, đàn ông lên sau cùng !”.
Cuối cùng thì tất cả mọi người đều lên
được tàu cướp, tôi là người cuối cùng nhảy lên tàu. Nhìn lại thì thấy chiếc ghe
đã từ từ chìm xuống, sau một lúc thì không còn thấy tâm hơi chiếc ghe đâu nữa cả,
nó đã chìm sâu xuống đáy biển.
Lên được trên tàu cướp xong, tôi hỏi lớn
rằng có thiếu mất ai không ? Tất cả đều im lặng, có nghĩa là chúng tôi còn sống
đầy đủ. Xem lại Vượng, lúc đó đang rên rỉ vì chân bị thương đang hành hạ, có lẻ
vì khi từ ghe chuyển qua tàu cướp, vì xô đẩy để cố gắng thoát thân nên bị va chạm
đâu đó, chổ vết thương đã rỉ máu trở lại, lúc đó thuốc men cấp cứu đã chìm theo
ghe, thân nhân của Vượng cố gắng dùng quần áo hiện có, bó chặc vết thương, không
còn cách nào khác.
Đám cướp nầy còn có một chút nhân đạo, và
có lẻ chúng là những tên cho tàu đụng ghe của chúng tôi khiến nó bị chìm. Sau
khi mọi việc cấp cứu xong, bọn chúng nấu một nồi cháo mực tươi cho mọi người ăn.
Ăn xong, bọn chúng gọi tôi (vì tôi là tài công lái tàu) lên phòng lái của tàu gập
thuyền trưởng.
Vào phòng lái tàu (phòng chỉ huy) gập một
người khoảng chừng 40 tuổi, anh ta nói tiếng Tàu với tôi. Tôi trả lời bằng tiếng
Anh là tôi không hiểu anh ta nói gì, xin hảy nói chuyện bằng Anh ngữ. Té ra tên
thuyền trưởng tàu cướp là người Thái gốc Hoa, không biết nói tiếng Anh, cũng
may lúc đó có một tên trong bọn cướp biết chút ít tiếng Anh, thông dịch lời của
tên thuyền trưởng là hắn muốn đưa chúng tôi về Thái Lan.
Bọn chúng là cướp Thái Lan, nếu đi Thái
Lan là vào ổ cướp, tôi không muốn như vậy. Tôi không trả lời ngay cho chúng, bảo
rằng tôi phải hỏi ý kiến của những người đồng hành với tôi.
Trở lại xuống bong tàu, thông báo cho mọi
người về ý muốn của bọn cướp, thêm vào ý của tôi là hảy đòi đi Mã Lai. Tất cả mọi
người đề la lớn lên “đi Mã Lai, Pulau Bidong…”. Tiếng la hét của chúng tôi đã có
hiệu quả, bọn cướp đồng ý, quay mũi tàu lại về hương Đông Nam, hứa sẽ đưa chúng
tôi đến Mã Lai.
Khoảng 7 giờ chiều, bọn cướp lấy 4 cây sào
tre buột lại thành một khung hình chữ nhựt,
chung quanh buột chừng 12 cái phao, ở giữa là một tấm lưới. Nói với tôi
là chúng sẽ bị Mã Lai bắt, nếu đến gần bờ biển thuộc lảnh thổ Mã Lai, vì vậy chúng
sẽ đến gần bờ khoảng 4 hay 5 cây số, thả cái bè lưới đó xuống biển. Những người
không biết lội sẽ ngồi trong lưới, những người biết lội bám chung quanh bè, sẽ
đẩy bè vào bờ.
Chúng tôi không đồng ý cách đó vì có thể
sẽ chết hết, đòi hỏi chúng phải đưa chúng tôi vào bờ. Thấy chúng tôi, trong đó
khoảng 50 người đàn ông, có thể áp lực chúng bằng sức mạnh, nên chúng đồng ý không
dùng cái bè đó nữa, và sẽ đưa chúng tôi vào bờ.
Lúc đó tôi đã yên tâm, hỏi xin bọn cướp một cái bao tương tự như bao cát,
khoét 3 lổ cho đầu và hai tay, tròng bao cát vào mình, thay thế cho áo của tôi đã
bị bọn cướp liệng xuống biển. Sau khi đã đủ ấm với chiếc áo bắng bao cát đó, tôi
tìm chổ để ngũ vì đã quá kiệt sức. Tôi dựa lưng vào be tàu phía trước mũi, không
đầy 5 phút tôi đã ngủ say như chết.
Đến khoảng 12 giờ đêm, có người gọi tôi : “anh Bảy thức dậy để đi !” Tôi choàng tỉnh dậy hỏi ngay: “đi đâu ở giữa biển khơi?”. Nhưng sau khi hoàn toàn ra khởi cơn ngủ mê, tôi nhìn sang bên hông phải tàu, thấy có một chiếc tàu khác đang cập sát với tàu cướp, những người đồng hành của tôi cũng đang gấp rút nhảy qua tàu kia. Thấy vậy tôi cũng theo họ nhảy sang tàu đó.
Sau khi tất cả chúng tôi đã rời bỏ táu của
bọn cướp, tôi thây trên chiếc tàu nầy chỉ có 2 người, dường như là Ấn Độ, tôi
liền đến gập người tài công để hỏi. Thì ra, hai người nầy là dân Mã Lai, nói tiếng
Anh khá trôi chảy, đi đánh cá ngoài biển, đêm đến họ bỏ neo để ngủ, bất thình lình
thấy tàu Thái Lan cập vào và xô đẩy nhiều người qua tàu của họ, vì ít người họ
chẳng dám làm gì, đành phải đứng im.
Tôi giải thích với họ tình cảnh của chúng
tôi, xin họ giúp đưa chúng tôi đến một đồn cảnh sát Mã Lai nào gần nhứt. Họ đồng
ý, nổ máy và nhổ neo chạy hướng vào bờ.
Khoảng chừng 2 giờ sau, tàu cập bến tại một cầu tàu. Họ bảo chúng tôi hảy ngồi chờ, để họ đi trình báo với cảnh sát. Chờ khoảng 20 phút, anh tài công Mã Lai cùng với một người khác có vẻ là cảnh sát xuống tàu, bảo chúng tôi theo viên Cảnh sát đó lên bờ. Chúng tôi hối hả rời khỏi tàu, theo chân anh ta đi đến một đồn cảnh sát có rào kẽm gai chung quanh.
Sau khi đã tụ họp đầy đủ, viên cảnh sát
đếm số người chúng tôi, xong anh ta chỉ vào sân cỏ trước đồn trong vỏng rào, tìm
chổ nghỉ ngơi chờ sáng trưởng đồn đến giải quyết. Tôi đoán chừng lúc đó khoảng
2 giờ sáng ngày 2 tháng 7 năm 1980.
Sáng hôm sau, vào khoảng 6 giờ, có rất
nhiều người Mã Lai đến đứng ngoài rào, ném vào cho chúng tôi những cái nồi rất
lớn, những túi vải đựng gạo và cả cá khô, bảo chúng tôi hảy nấu cháo mà ăn, họ
cho biết đây là một hòn đảo nhỏ (rất tiếc tôi không còn nhớ tên), và biết chúng
tôi là những ngưòi Việt Nam tỵ nạn cộng sản.
Sau khi chúng tôi đã ăn uống xong, còn đang
dọn dẹp, một người Mã Lại mặc quân phục đến tìm tôi (vì tôi là tài công kiêm luôn
trưởng tàu). Ông ta tự xưng là cảnh sát trưởng ở đây, bảo chúng tôi hảy ghi tên
họ và tuổi tác, giao cho ông ta để trình lên thượng cấp của ông ta. Sau khi đã
làm danh sách xong, ông ta chỉ hướng cầu tàu và bảo nếu ai cần tắm biển thì xuống
bải biển, xong rồi thì đến dòng suối sau trại để tắm lại nước suối. Ông ta cho
tôi biết là đảo nhỏ nầy cũng đã từng có một lần đón tiếp ghe tỵ nạn Việt Nam.
Chiều hôm đó, ông cảnh sát trưởng cho tôi
hay rằng ông ta đã trình cho thượng cấp, và ngày mai (4-7-1980) sẽ có tàu của
Cao Ủy Tỵ Nan LHQ đến đón chúng tôi về trại tỵ nạn Pulau Bidong. Ông ta lấy cho
tôi một cái áo cũ, mặc thay thế cái áo bao cát của tôi. Được tin nầy, chúng tôi
hết sức vui mừng, vì đã đạt được bước đầu của hành trình tìm Tự Do.
Sáng sớm ngày 4 tháng 7 năm 1980, tất cả
chúng tôi đều nôn nao nhìn xuống cầu tàu, ngóng trông chiếc tàu cứu tinh… Mãi đến
trưa mới thấy ló dạng một chiếc tàu từ xa, dần dần chạy tới và cập bến.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được lịnh
xuống tàu để di chuyễn về đảo Pulau Bidong, nơi có trại tỵ nạn của Mã Lai. Lúc đó
vào khoảng 1 giờ 30 trưa.
Sau khi chúng tôi đã xuống tàu xong, tàu
rời bến trực chỉ về đảo Pulau Bidong. Người chỉ huy trên tàu là một thiếu tá Mã
Lai, chỉ huy trưởng của toán đặc nhiệm (Task force) có trách nhiệm an ninh cho
trại tỵ nạn Bidong. Tôi nói với ông là có một người trong chúng tôi bị cướp Thái
Lan bắn bị thương, xin ông hảy giúp đở đưa đến bịnh viện, giải phẩu lấy đầu đạn
ra. Ông ta bằng lòng và sẽ làm việc nầy khi đến Bidong.
Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, chúng tôi bước
chân lên cầu tàu Setty tại đảo Bidong, với những bước chân thất thểu mệt mõi nhưng
lòng vui mừng khôn tả: “đã đến được bến bờ Tự Do”.
Sau khi làm thủ tục khai lý lich tại Ban
Chỉ Huy trại, chúng tôi được phân phát nhà ở, riêng biệt hay tập thể tùy theo tình
trạng có gia đình hay độc thân. Riêng tôi được xếp ở chung với gia đình của một
người bạn tại khu F gần bờ biển.
Ngày hôm sau, Vượng, người bị thương bởi
hải tặc Thái Lan, được chuyễn đến bịnh viện trong thành phố Trenganu, Mã lai để
chửa trị.
Đến
được trại tỵ nạn Bidong, tất cả mỗi người chúng tôi chỉ có một bộ y phục dính
da, nên được phân phát thêm y phục để thay đổi tại ban xã hội trại, tạm sống chờ
ngày đi định cư ở nước thứ ba. Tuy đời sống tại trại tỵ nan Bidong có rất nhiều
thiếu thốn, nhưng ai nấy đề rất vui lòng vì đã bước chân đến được vùng đất, nơi
mà bọn việt cộng không thể mon men đến, để hành hạ chúng tôi như khi còn ở Việt
Nam.
Sau đó
không lâu, tất cả chúng tôi đều được nước thứ ba chấp nhận cho địng cư, chia
tay nhau từ trại tỵ nạn Bidong đi đến các nước ở Âu Châu, Úc
Đại Lợi, Canada và Hoa kỳ, không còn người nào kẹt lại trại tỵ nạn Bidong. Người
đi định cư sớm nhất là sau 2 tháng đến trại, người chậm nhứt là sau 1 năm. Cá
nhân tôi thì được chuyễn qua traị chuyễn tiếp Sungei Besi ở ngoại ô Thủ Đô
Kuala Lumpur, ở tại đó 10 ngày để làm thủ tục khám sức khỏe và visa, lên máy
bay tại phi trường Kuala Lampure Mã lai, đến Montreal Canada ngày 19 tháng 9 năm
1980 và đến định cư tại Winnipeg ngày 23 tháng 9 năm 1980, sau đúng 1 năm ngày
vượt ngục từ trại tù cải tạo Vườn Đào Cai Lậy.
Tôi
nghĩ rằng, ngày khởi hành cho hành trình tìm tự do của tôi chính là ngày 23 tháng
9 năm 1979.
Sau
khi đến Canada 1 năm, tôi bảo lảnh gia đình, và 3 năm sau nữa, vợ và 3 con của
tôi đã được sum họp với tôi tại thành phố Winnipeg, tỉnh Manitoba, Canada.
Cuộc
đời của những người đồng hành, trên cùng một chuyến tàu tỵ nạn chúng tôi, có thể
nói là đã chết đi nhưng được sống lại đầy đủ, nhờ ơn những Đấng linh thiêng độ
trì, và nhờ những bàn tay nhân ái của người dân và chánh phủ của các nước đã chấp
nhận chúng tôi, với danh nghĩa là những Người Tỵ Nạn cộng sản Việt Nam đi tìm Tự
Do.
Xin cám
ơn Trời, xin cám ơn Người.
Lão
Ngoan Đồng
Cuối
tháng 4 năm 2015
No comments:
Post a Comment