4/18/2015
TẠI SAO ĐẤT NƯỚC TA NHƯ THẾ NÀY?
Đất nước giàu có tại thiên nhiên
Ban tặng “tiền rừng bạc biển”
Người dân cần cù lao động
Có cả một vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long
Và châu thổ Sông Hồng
Xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới
Đất nước ta có biết bao tài nguyên hầm mỏ, đa dạng đủ loại không thiếu một thứ gì trong lòng đất, than khoáng sản, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm, thiếc, titan, suốt dãy núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, có cả một hệ thống sông ngòi lớn nhỏ hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện.
Có 3.000 km bờ biển, có một thềm lục địa vĩ đại chạy dài từ vịnh Bắc Bộ đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Bộ. Có cả hệ thống đảo ven bờ từ Bạch Long Vĩ Bắc Bộ đến đảo Phú Quốc, Nam Bộ. Đảo Phú Quốc to ngang tầm với đất nước Singapore.
Có biết bao nhiêu nhân tài trí thức, các nhà khoa học, các kỹ sư, giáo sư đủ loại cấp bậc, từ tiến sĩ, phó tiến sĩ, bùng phát nhiều như lợn con.
Còn có các nhà khoa học, nhiều bộ môn như kinh tế học, có cả một bộ máy nhà nước hoàn chỉnh ở các cấp bộ như Nông-Công-Thương nghiệp, Môi trường, Y tế. v.v…
Thế mà đời sống của người dân vẫn cực khổ. Tại sao???
Về nông nghiệp
Như đã nói ở trên, lúa gạo xuất khẩu ở nước ta đứng nhất nhì thế giới. Thế nhưng, mức thu nhập của người nông dân quá thấp, các phương tiện truyền thông cho biết, mức thu nhập bình quân của người nông dân trên 500.000 đ một tháng, tương đương 25 USD.
Vì mức sống quá thấp đó đã khiến hàng trăm nghìn cô gái rời bỏ quê hương đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Thậm chí lấy cả những ông già tàn tật, miễn sao thoát khỏi quê hương đau khổ. Rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan tới chuyện lấy chồng nước ngoài khác có thể tìm thấy ở trên các bài báo chính thống.
Ở nhiều nơi, nông dân chặt bỏ nhiều loại cây như cao su, ruộng mía vì bị ép giá không có người mua. Đáng lẽ ra nhà nước phải có ban điều phối đứng ra giải quyết những bất cập phát sinh có hại cho nông dân.
Về công nghiệp
Nước ta đã có các nhà máy ra đời cách đây nửa thế kỷ, như nhà máy đầu đàn khu Gang thép Thái Nguyên, cơ khí Hà Nội còn gọi là “Trung quy mô”, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Lương Yên, cơ khí Mai Động, Đồng Tháp, Minh Nam, Giải Phóng, Pin Văn Điển, nhà Máy Cao su, thuốc lá, Xà phòng, nhà máy dệt 8/3, Diêm Thống Nhất v.v…
Ta hãy tìm hiểu xem, thành tích tiến bộ của các nhà máy này có hiệu quả không? Hàng thập kỷ nay, như mọi người đã biết, sản phẩm chính của các nhà máy gang thép Thái Nguyên là thép xây dựng chưa làm được các loại thép công nghiệp như trục ray tàu hỏa, các loại thép công nghiệp phổ thông các cỡ U-I-L lớn nhỏ và các loại tôn kích cỡ dày mỏng cán nguội, cán nóng rất cần thiết cho ngành cơ khí chế tạo vỏ ôtô, mái nhà, tàu biển, mỗi năm các xưởng đóng tàu biển phải nhập hàng triệu tấn để làm vỏ tàu.
Đó là thực trạng ngày nay của nhà máy “Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên do Trung Quốc giúp đỡ”. Còn nhà máy cơ khí Hà Nội hay gọi là Trung quy mô do Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng, chuyên sản xuất các loại, máy cắt gọt kim loại như máy tiện, máy khoan, máy phay bào và các dụng cụ cắt gọt .v.v… Thời gian trôi đi lạc hậu đeo bám so với thế giới gần một thế kỷ, hiện nay không biết ở đâu? Làm gì?
Nhà máy Trần Hưng Đạo chiếm cả một khu rộng lớn bao gồm mấy tuyến phố, Bà Triệu, Thái Phiên, Mai Hắc Đế chuyên sản xuất máy Bông Sen lắp vào xe công nông 3 bánh, mấy năm qua nhà nước cũng đã cấm loại xe này lưu hành vì nó xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường và hay gây tai nạn.
Còn các nhà máy Đồng Tháp, Minh Nam, Lương Yên hình như đã xóa sổ, còn lại các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, cơ khí Mai Động, Giải Phóng, Pin Văn Điển đang cầm cự chờ số phận.
Nhà máy Pin ra đời cách đây nửa thế kỷ cũng chỉ sản xuất được hai loại pin Con Thỏ to đại, chưa làm được các loại pin “cúc” mỏng nhỏ sử dụng trong các đồng hồ nhỏ và đồ chơi trẻ em. Tại sao vậy? Với tình trang trì trệ, lạc hậu như vậy, làm sao công nhân, người lao động khá lên được?
Về thương nghiệp
Buôn bán trao đổi xuất nhập khẩu tổng hợp đa dạng các mặt hàng nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khoáng sản, giày dép, quần áo và các thiết bị máy móc thiết bị điện tử, y tế, giao thông, tàu bè, ô tô…
Về xuất khẩu
Nước ta là nước nông nghiệp, chiếm 80% nông sản lúa gạo xuất đi các nước trên thế giới hàng triệu tấn mỗi năm, để các “thương lái” điều hành lũng đoạn thị trường vơ vét làm giàu bắt bí nông dân, mua với giá rẻ, không khác nào “cấy lúa trên lưng” người nông dân không am hiểu nắm bắt thị trường thế giới, bán phá giá cho các đối tác nước ngoài với số lượng lớn. Thua ngay cả Thái Lan về giá cả, làm thiệt hại cho nông dân và đất nước.
Về rau quả xuất đi nước ngoài cũng bị động thua thiệt, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Như mọi người đã biết, hàng năm “đến hẹn lại lên”, ngót một nghìn xe chở dưa hấu và các rau quả khác mắc kẹt ở cửa khẩu Tam Thanh tắc nghẽn đường chờ làm “thủ tục” ở phía Trung Quốc, chờ lâu hàng hóa ứ đọng thối nát phải đổ đi dọc đường, năm nào cũng diễn ra như vậy, thiếu phân bổ không nắm được hợp đồng chặt chẽ với đối tác trao đổi số lượng “chính ngạch” là bao nhiêu? Còn lại “tiểu ngạch” là bao nhiêu?
Ngược lại ta nhập của Trung Quốc rau quả, khoai tây, tỏi những thứ rau quả này tẩm hóa chất quá mức an toàn có hại cho sức khỏe. Chưa kể hết được các loại thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh như thịt gà-bò-lợn ướp lạnh không rõ nguồn gốc, kể cả các loại ngũ tạng gà lợn ôi thiu v.v… Còn về xuất khẩu mặt hàng dệt may quần áo, giày dép chủ yếu là hàng gia công cho nước ngoài vì ta không có nguyên liệu.
Thua thiệt nhiều trong lĩnh vực trao đổi mua bán hàng hóa do sự lệ thuộc ít hiểu biết thị trường thế giới cập nhật hàng ngày, bỏ qua những thông tin bổ ích, thiếu suy nghĩ không biết làm, hàng năm đã xuất thô bao nhiêu khoáng sản kim loại quý như titan, aluminum (nhôm) v.v… với giá rẻ, làm cho đất nước nghèo đi. Vậy còn gì nữa đây?
Có lẽ xuất khẩu lao động là khả thi nhất, vì có nhiều mối lợi xóa đói giảm nghèo, người đi lao động phải nộp một khoản tiền. Nhiều người thậm chí bán cả nhà hoặc vay ngân hàng để đóng lệ phí, để đi sang các nước “tư bản bóc lột”, cũng kiếm được một số tiền kha khá đổi đời gửi tiền về cho gia đình và không ít những người bị lừa trắng tay, rơi vào cảnh bần cùng không lối thoát.
Bất kỳ ở đâu khi tiếp các lãnh đạo nước ngoài, đại diện của ta luôn kèm theo quảng bá chào hàng, lao động dư thừa giá rẻ hấp dẫn, ký kết hợp tác lao động có cả triệu người sang các nước kể cả Thái Lan, Malaysia, Singapore, Síp, thậm chí cả các nước Trung Đông thuộc châu Á như Qatar, các nước ARập rất giàu có về tài nguyên dầu mỏ nhưng ngược lại rất nghèo về đạo lý tình người. Ở nơi đó rất cần nhiều lao động để lấn biển, mở sân bay rộng lớn tầm cỡ nhất nhì thế giới; ở nơi đó thiếu văn minh đúng nghĩa của nó đối xử với lao động quá tồi tệ không có an toàn lao động, tai nạn chết chóc xảy ra thường xuyên với mức lương quá thấp so xới sức lao động bỏ ra. Nhiều người đã bỏ mạng nơi đất khách quê người vì nơi ăn ở thiếu thốn, ốm đau bệnh tật, nơi đó quả thật là địa ngục trần gian, qua các tư liệu thông tin hình ảnh cho biết.
Về nhập khẩu
Nhiều thiết bị, máy móc ta không làm được phải nhập loại có giá trị cả triệu USD, do đó nhập siêu nhiều hơn là xuất.
Nhiều thứ nhập rồi bỏ đi làm sắt vụn, đồng nát như máy bay, tàu biển, ụ nổi Vinashin và nhiều thiết bị khác không kể xiết, chỉ kể một số sự việc được các thông tin truyền thông đăng tải vừa qua. Trong nước có nhiều biển cảng, riêng cảng Hải Phòng chứa trên dưới 10.000 container siêu trường, siêu trọng loại to đổ phế liệu rác thải bỏ đi; những người mang về chứa hàng chục năm nay, chắc hẳn phải có thế lực họ không am hiểu về chuyên môn, hám lợi, thiếu cái tâm.
Về môi trường
Sức khỏe và sự sống của con người là do môi trường trong sạch, trong đó có nước và không khí, đặc biệt quan trọng với sức khỏe con người. Đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, các nhà máy mọc lên khắp nơi, khói bụi và nước thải bừa bãi làm chết biết bao con sông, hóa chất độc hại thấm sâu vào đất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các loại rau quả, sinh vật, cá, tôm, tép đều chết, đã xuất hiện nhiều làng ung thư, gây nên nỗi đau cho người dân ốm đau mắc bệnh ung thư. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan chức năng bảo vệ môi trường chưa làm hết trách nhiệm với dân, các chế tài chưa mạnh không có sự đền bù cho dân ốm đau bệnh hoạn ở các làng ung thư, người dân biết kêu ai? Hầu như không có một cơ quan nào đứng ra bắt các nhà máy phải đền bù cho dân, làm sống lại các con sông chết (việc này ở miền Nam làm tốt hơn miền Bắc).
Về y tế
Đời người ai cũng ốm đau, ít nhất cũng vào viện đôi ba lần, những điều muốn nêu lên ở đây là viện phí quá đắt so với mức sống thu nhập của người dân. Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, đi khám qua loa vài cái xét nghiệm cũng mất tới 4- 5 triệu, chưa kể tiền thuốc, mức chi phí này vượt quá mức lương lao động trong một tháng của người dân. Nếu bệnh nan y phải phẫu thuật, hóa trị, xạ trị vv… ôi thôi khỏi phải nói! Số tiền chữa bệnh có thể lên đến hàng trăm triệu thậm chí cả bạc tỉ. Người lao động làm cả đời cũng không để dành được số tiền đó. Nói về thẻ bảo hiểm, có hỗ trợ gì đâu vì bệnh nhân hầu hết là trái tuyến, không có thanh toán.
Tôi đã từng là bệnh nhân phải vào viện K điều trị trong hoàn cảnh 4 người nằm một cái giường con, giá tiền nằm một ngày là 80.000 đ; giường quá nhỏ, ngồi cũng không đủ cho 4 người. Vậy ban quản lý hay giám đốc có biết không? Còn rất nhiều chuyện kiếm tiền của bệnh viện nói ra thì trang giấy này không đủ. Nói riêng về thiết bị máy móc quá cũ, hỏng luôn, bệnh nhân phải chờ đợi, tôi là người trong cuộc thấu hiểu rõ cách đối xử với bệnh nhân của bệnh viện, hầu như tất cả các bệnh viện đều quá tải. Tại sao vậy?
Ốm đau nhiều, vì môi trường, vì tai nạn, ít am hiểu phòng bệnh. Để giảm tải sự ốm đau, tốt nhất là ngành y tế có phương pháp tổng thể tuyên truyền khắp nơi trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình từ bản làng đến các xã, huyện, thành phố, dán áp phích, tờ rơi nói về cách phòng các loại bệnh. Cách làm này ít nhiều cũng có kết quả.
Là người Việt Nam, tôi thấu hiểu trình độ dân trí hãy còn thấp, ít ai quan tâm đến báo chí tin tức thời sự, chính trị, khoa học, kinh tế, xã hội… bỏ qua các thông tin bổ ích trong đời sống, chỉ thích các loại phim truyện tầm phào, hài hước, chuyện vui, chuyện hài vv…
Nắm được tâm lý ý dân, Bộ y tế, Bộ giao thông liên kết với Bộ văn hóa, cho ra đời những tiểu phẩm chuyên nói về cách đề phòng các loại bệnh và luật giao thông an toàn nhờ các diễn viên hề nổi tiếng đóng trong các tiểu phẩm hay clip chiếu rộng rãi trên các kênh TV hàng ngày giảm bớt chương trình quảng cáo thương mại hóa, lợi thì ít, hại thì nhiều. Các tiểu phẩm này nêu cả sai trái của người tham gia giao thông, trên các phương tiện đi bộ, đi xe đạp, xe máy, ô tô, nếu làm được những điều kể trên thì tin chắc tai nạn giao thông sẽ giảm và bệnh viện không còn nỗi lo quá tải.
Nhớ lại thời Pháp thuộc xa xưa cách đây gần một thế kỷ (70 năm) đã cho chiếu bộ phim hoạt hình ở khắp thành phố, bến xe, chợ quán. Bộ phim nói về 3 loại bệnh xã hội phổ thông như: lao phổi, tiêu chảy, sốt rét và cách phòng chống. Những ai xem đều có ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Tại sao Bộ Y Tế không làm được việc đó?
Ngày nay hệ thống truyền thông bùng nổ, các dạng truyền thanh, truyền hình suốt ngày đêm (24/24 tiếng) phát hầu hết các chương trình sinh hoạt chính trị.
Kỷ niệm năm này, năm kia của đất nước cũng như các ngành bộ đua nhau kỷ niệm ngày thành lập 5-10-20 năm v.v… chưa kể một số phim truyện nước ngoài quá dài, hàng trăm tập xen kẽ vào quảng cáo nhiều, còn đưa ra chương trình văn hóa giáo dục công dân.
Có lẽ truyền hình Việt Nam đứng đầu về quảng cáo so với các hãng truyền thông trên thế giới như CNV- Nhật Bản (NHK World), Dicovery, National – Geogranphic – Pháp v.v…
Nếu không sớm bừng tỉnh, mở tầm mắt nhìn ra thế giới, tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu? Nguyên nhân tại sao đất nước Việt Nam như thế này? Ở cái tuổi gần đất xa trời, sống trong tổ quốc, tôi đang tìm hiểu lý do tại sao?
Xin phép được nói rõ: Tôi là người dân (đúng nghĩa của dân thường) bị loại bỏ, không được làm ở cơ quan nhà nước, cũng không được học ở trường lớp nào, tự học nghiên cứu đa lĩnh vực khoa học, công nghệ, chế tạo, kinh tế, chính trị, văn hóa v.v… Lao động làm thợ ở các HTX thủ công từ thời bao cấp (HTX) cho đến khi HTX giải thể (tan rã). Về hưu tay trắng, không có lương hưu. Gần suốt cuộc đời “cầm búa”, đến nay mới cầm bút, viết bài này chắc chắn hãy còn nhiều thiếu sót, mong mọi người đóng góp thêm.
Phạm Văn Chính
37 Lý Nam Đế – Phường Hàng Mã
Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội
ĐT: 097.52291
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment