4/27/2015

Sau 40 năm: chiến thắng của cộng sản nhường chỗ cho tham nhũng của tư bản đỏ như thế nào?

Nhưng thực tế bây giờ Việt Nam kết thúc với thứ tồi tệ nhất của hai hệ thống: nhà nước xã hội chủ nghĩa độc tài và lý tưởng không thể ngăn cản của chủ nghĩa tân tự do; hai thứ này kết hợp lại để tước đoạt tiền của và nhân quyền của người dân Việt Nam trong khi một nhóm nhỏ thượng tầng thu góp đầy túi và ẩn núp đằng sau những lời hô hào cách mạng. Cuối cùng, đó là sự dối gạt lớn nhất. Vinh quang trong chiến tranh nhưng bị đánh bại trong hòa bình, tuyên bố xã hội chủ nghĩa của lãnh đạo Việt Nam giống như khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch. Theo lời của một cựu du kích, là người đã không tiếc mạng sống của mình cho cách mạng: “Họ là những nhà tư bản đỏ”.

Tác giả: Nick Davies
Người dịch: Trần Văn Minh
23-04-2015

Sau chiến thắng quân sự, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa của Việt Nam bắt đầu sụp đổ. Bị Hoa Kỳ cấm vận thương mại và từ chối viện trợ tái thiết, Việt Nam rơi vào tình trạng nghèo đói. Hiện nay, nền kinh tế đang bùng nổ, cũng như tình trạng bất bình đẳng và nạn tham nhũng.

Binh sĩ Nam Việt Nam đang ngủ trên một tàu quân vận của Hải quân Mỹ vào năm 1962. Ảnh: AP / Horst Faas


Vào một buổi sáng sớm tháng 2 năm 1968, khi cuộc chiến ở miền Trung Việt Nam đạt đến mức độ điên rồ mới, một nhóm các binh sĩ Hàn Quốc tràn vào một ngôi làng có tên là Hà My, là một tập hợp những căn nhà lá nằm rải rác với ruộng lúa cách thành phố Đà Nẵng khoảng một giờ lái xe. Họ đến từ đơn vị gọi là Rồng Xanh, cùng chiến đấu bên cạnh người Mỹ, và đang cố gắng để ngăn chặn cuộc nổi dậy của cộng sản.

Trong nhiều tuần, họ đã dồn các gia đình nông dân vào trong một khu vực đông đúc mà người Mỹ gọi là “ấp chiến lược”. Bằng cách đưa nông dân ra khỏi làng, họ hy vọng có thể cắt đứt nguồn thực phẩm và nơi trú ẩn cho du kích cộng sản. Và trong nhiều tuần, nông dân và gia đình của họ đã tìm cách thoát ra ngoài. Họ tìm về Hà My, chán ghét cảnh bị giam cầm trong ấp chiến lược và cần phải cày cấy. Tới lúc này, những người lính Rồng Xanh (Blue Dragon) đã mất kiên nhẫn.

Sau khi đến nơi, binh sĩ Nam Hàn đã lùa dân làng theo thành từng nhóm nhỏ và sau đó, một cách có phương pháp, khai hỏa. Một giờ sau đó, họ đã giết chết 135 người. Rồi họ đốt nhà và xác, và ủi toàn bộ vụ việc xuống những ngôi mộ tập thể. Qua nhiều năm, sự thật cũng bị chôn vùi.

Hiện nay có một đài tưởng niệm về vụ thảm sát đó, được xây dựng 30 năm sau với sự trang trải của các binh sĩ Rồng Xanh, trở lại để tỏ lòng hối hận sâu xa. Nhưng có một điều gì đó không đúng. Đài tưởng niệm đứng sừng sững, lớn như một ngôi nhà, với mái nhà trang trí công phu chứa hai ngôi mộ tập thể và một bia đá lớn ghi tên người lớn và trẻ em đã chết. Nhưng không có lời giải thích về cái chết của họ.

Dân làng nói rằng khi tượng đài bắt đầu được xây, mặt sau của mộ bia diễn tả cảnh tượng sống động về những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Một người thậm chí còn có một bản sao của bài viết, là một bài thơ hùng hồn nhắc lại cảnh máu lửa, thịt cháy, xác chết vùi trong cát: “Thật hãi hùng khi thấy trẻ em và trẻ sơ sinh la khóc, hai tay vươn ra, miệng vẫn còn ngậm vú mẹ đã chết…” Nhưng dân làng nói rằng, một số nhà ngoại giao Nam Hàn đã đến thăm trước buổi khai mạc chính thức và than phiền về bài thơ; thay vì phản ứng lại, viên chức Việt Nam đã ra lệnh che phủ bài thơ bằng một bức tranh hoa sen. Một nhà nhân chủng học Nam Hàn, Heonik Kwon, người đang khảo cứu tại Hà My vào thời điểm đó, ghi lại lời một dân làng nói rằng sự chối bỏ sự thật này giống như một vụ thảm sát thứ hai, “giết chết ký ức về vụ thảm sát”.

Tại sao người Việt Nam lại thỏa hiệp như thế? Tại sao những người thắng cuộc chiến này lại cho phép những kẻ thua cuộc định nghĩa câu chuyện chiến tranh?

Những người dân làng nói câu trả lời rất đơn giản: Nam Hàn đã trở thành một trong những nhà đầu tư kinh tế nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam và đã đề nghị chi trả cho một bệnh viện địa phương nếu bài thơ thảm sát được che giấu. Vì thế, nhà chức trách Việt Nam đã đồng ý; họ không thể từ chối được. Và đó là tâm điểm của những gì đã xảy ra với Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc 40 năm trước, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Một tháng đi du lịch đó đây vào đầu năm nay – nói chuyện với nông dân, trí thức, chuyên gia học thuật và các cựu chiến binh của cả hai bên – đã làm lộ diện nhiều sai lầm và thỏa hiệp, được những kẻ quyền thế áp đặt lên người dân Việt trong quá trình theo đuổi lợi nhuận. Mỹ đã thành công trong việc thúc đẩy một câu chuyện sai lạc về nguyên nhân và cách thức tiến hành chiến tranh của họ. Mặc dù thua trong cuộc xung đột quân sự, Mỹ và các đồng minh của họ đã trở lại với vũ khí tài chánh còn mạnh hơn, ép buộc người Việt đi xuống con đường mà họ không chọn. Bây giờ, chính những người lãnh đạo của họ là những kẻ nói dối nhiều hơn cả.

Nguyễn Hào Thu, 90 tuổi, đang sống trong một căn hộ đẹp và sáng sủa tại Hà Nội. Bà nói tiếng Pháp trôi chảy như chim hót và bập bẹ với tiếng Anh, mô tả, khi còn là một người phụ nữ trẻ, bà đã nhìn thấy đất nước bị nghiền nát giữa hai kẻ thù to lớn như thế nào. Đầu tiên, người Pháp đã từ chối không nhả thuộc địa của họ ra vào cuối Đệ Nhị Thế chiến. Năm 1946, ở tuổi 21, bà Thu đã đi vào rừng và tham gia chiến tranh du kích, chuyên về trộn axit, hỏa tiêu và cồn để làm thuốc súng: “Tôi rất vui khi ở trong rừng. Với bột trong quả bom, bạn có thể – đùng! – thấy được giấc mơ của chúng tôi”.

Và giấc mơ đó không phải chỉ đơn giản là chủ nghĩa dân tộc hay đánh đuổi quân xâm lược. Đó chính là cộng sản và cách mạng. Bà Thu nhớ lại thời thơ ấu khi người Pháp bắt cha bà, một giáo viên mầm non; bà thường mang thức ăn vào tù cho ông khi chỉ mới bảy tuổi. Bà nói, “Tôi ghét tất cả những người muốn chiến đấu và chiếm Việt Nam. Trong tâm trí của tôi, tôi đã trở thành người cộng sản”. Gia đình bà yên ổn trong tầng lớp trung lưu, nhưng trong thập niên 1930, bà cho biết, nhà của gia đình bà được sử dụng làm nơi hội họp cho Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động ngầm. Vào năm 16 tuổi, bà nhớ đã đọc Marx – Lenin và cách thức người Pháp tử hình một trong những người bạn của bà như thế nào. “Thực tình, tôi là người cộng sản”.

Ông Lê Nam Phong là người cũng lớn tuổi như bà Thu. Ông 17 tuổi khi đăng ký đi lính chống Pháp vào năm 1945. Ông đã trải qua 30 năm sau đó trong chiến tranh, thăng cấp dần để trở thành một thiếu tướng trong quân đội Bắc Việt và một nhân vật chủ chốt trong việc phá hủy sau cùng bộ máy quân sự của Mỹ. Ngồi bên ngoài căn nhà tiện nghi của mình, cắt một miếng xoài vào một buổi tối ấm áp, ông nhớ đến động lực cách mạng của riêng ông: “Chủ nghĩa xã hội? Vâng, lẽ tất nhiên. Mục đích của tất cả sự chiến đấu là để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, để đạt được tự do, độc lập và hạnh phúc. Trong những ngày đầu chống Pháp và chống Mỹ, chúng tôi đã có trong tâm trí một xã hội mà chúng tôi muốn tạo ra – một xã hội không có người bóc lột người; công bằng, độc lập, bình đẳng”.

Đây là nơi mà sự giải thích riêng của Mỹ về hành vi của họ bắt đầu sụp đổ. Các phiên bản Mỹ về các sự kiện kể rằng khi người Pháp bị đánh bại vào năm 1954, quân đội Mỹ khởi sự tham gia bảo vệ quốc gia của miền Nam Việt Nam khỏi mối đe dọa cộng sản từ miền Bắc Việt Nam xâm chiếm. Thực tế là người Pháp đã đánh mất cảm tình của người dân trên khắp Việt Nam, đẩy họ vào vòng tay Đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh. Và, quan trọng hơn, [thời đó] không có hai quốc gia riêng biệt. Năm 1954, mặc dù với chiến thắng của quân đội Việt Nam, Pháp và các đồng minh phương Tây cố bám lấy quyền lực tại cứ điểm phía nam. Tại hội nghị quốc tế ở Geneva, tất cả các bên sau đó đã đồng ý rằng đất nước nên được chia cắt tạm thời – thành miền Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam, cho đến tháng 7 năm 1956, một cuộc bầu cử sẽ đưa tới một chính phủ mới trên toàn quốc.

Dwight Eisenhower, Tổng thống Mỹ khi đó, sau này thừa nhận rằng nếu cuộc bầu cử đó được phép xảy ra, khoảng 80% người dân Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh và xã hội xã hội chủ nghĩa mới – và những người Việt mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng ý. Tuy nhiên, Mỹ không cho phép chuyện đó xảy ra. Thay vào đó, họ quay sang một nhân viên CIA khét tiếng, Edward Lansdale, người đã tiến hành sử dụng một sự kết hợp khéo léo giữa hối lộ và bạo lực để dựng nên một chính phủ mới ở Sài Gòn, do chính trị gia Công giáo Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông là người chuyên quyền và gia đình trị, nhưng chống cộng sản và ủng hộ Mỹ. Vào tháng 10 năm 1955, Lansdale gian lận trong cuộc bầu cử ở miền Nam để cho ông Diệm làm Tổng Thống. Cuộc bầu cử toàn quốc bị hủy bỏ. Sự phân chia “tạm thời” bây giờ trở thành một giả dụ kéo dài rằng Việt Nam thực sự là hai quốc gia khác nhau, miền Nam là nạn nhân thụ động của cuộc xâm lược từ miền Bắc.

* * *

Lúc đầu, Mỹ, vốn tài trợ cho cuộc chiến tranh của Pháp, bằng lòng đổ tiền vào quân đội của miền Nam Việt Nam, và chỉ gửi quân đội tới dưới chiêu bài “cố vấn” – 16.300 người. Đến tháng 3 năm 1965, Mỹ đã gửi người vào chiến trường. Ở cao điểm của cuộc chiến, năm 1969, Mỹ đã sử dụng 550.000 nhân viên quân sự, cộng với 897.000 từ quân đội của Nam Việt Nam và hàng ngàn người khác đến từ Nam Hàn và các đồng minh khác. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, số người chết, đã không thể đếm nổi, có thể lên tới 3,8 triệu người, theo một nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard và Đại học Washington.

Phóng viên nước ngoài người Anh James Cameron mô tả hành động của Mỹ như là “một sự xúc phạm đến danh dự cộng đồng quốc tế, vừa kinh tởm vừa vô lý”. Viết vào năm 1965, ông quay lại nhìn con đường dẫn đến chiến tranh: “Thật là vụng về, độc ác, thiếu suy nghĩ và không suy xét. Từng bước, phương Tây gây thêm lỗi lầm và loạng choạng đi vào một tình thế khó xử mà họ không bao giờ hiểu hoàn toàn và chưa bao giờ thực sự đi tìm: ngay từ đầu, họ chỉ tranh luận trên lý thuyết”.

Bạo lực của những năm đó vẫn còn tồn tại với những người bị thiệt hại nặng. Trong một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, như nhiều người Việt Nam vẫn gọi là thành phố Hồ Chí Minh, một cựu du kích quân cộng sản nhớ lại máy bay ném bom Mỹ gầm thét xuống trên căn cứ trong rừng của họ, và cách thức ông và các đồng chí của ông ẩn trốn trong các hố cá nhân nông cạn: “Chúng tôi có rượu đế rất mạnh. Nếu bạn uống, nó sẽ làm bạn chảy nước mắt. Chúng tôi thường gọi là ‘nước mắt quê hương’. Nó làm cho chúng tôi hết sợ hãi”.

Mỹ đã đổ nhiều bom xuống Việt Nam hơn các đồng minh đã dùng ở cả Đức và Nhật cộng lại trong thế chiến thứ hai. Họ cũng đã thả bom napan, là chất dẻo dính vào nạn nhân trong khi thiêu cháy da của họ; phốt pho trắng sẽ đốt cháy đến tận xương; bom bi là loại bom tung ra những viên bi và mảnh thép khắp các hướng; và 73 triệu lít hóa chất độc hại, bao gồm 43 triệu lít chất độc da cam, đã giết chết thảm thực vật và gây bệnh tật cho những người tiếp xúc với nó.

Xấu hổ thay, Mỹ còn ném bom Hà Nội – một thành phố đầy dân thường không có lực lượng không quân phòng vệ. Một phụ nữ mà lúc đó khoảng tám tuổi nhớ phải mang một nhánh lá trên vai như một vật ngụy trang mong manh chống máy bay ném bom F-111 bay với hai lần vận tốc âm thanh. Một người đàn ông làm việc trên một dàn súng phòng không nói rằng anh ấy về nhà sau một đêm phòng thủ không có kết quả để tìm thấy khu phố của mình bị san bằng: dấu hiệu duy nhất của đứa con trai của ông là một cái chân bị đứt, mà ông nhận ra nhờ một vết thẹo.

Trên mặt đất, các cuộc tấn công của Mỹ cũng khốc liệt như thế. Trong một ngôi làng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bà nông dân cỡ tuổi 60 ngồi yên bình trong ngôi nhà với sàn nhà bằng đất sét. Bà nhớ lại cái ngày mẹ chồng bà, người đang làm việc ở cánh đồng gần đó, đã phạm phải sai lầm là bỏ chạy khi một máy bay trực thăng Mỹ đổ xuống phía bà: một quả tên lửa đuổi theo và đè nát bà thành mảnh vụn tựa vào một cây dừa. “Chúng tôi đã phải đi thu lượm thi thể của bà. Chúng tôi đã phải nhặt răng của bà”. Bà nói, các trực thăng vũ trang đã giết chết ba người anh em của bà. Bà nói thêm, tất cả những năm sau đó, bà vẫn khó ngủ và hoảng hốt khi nghe thấy bất kỳ âm thanh nào giống máy bay trực thăng.

Một lính dù Mỹ hướng dẫn một máy bay trực thăng cứu thương đáp xuống để chở những người lính bị thương trong một cuộc hành quân kéo dài năm ngày tại Việt Nam hồi tháng 4 năm 1968. Ảnh: AP / Art Greenspon

Nhiều người Mỹ hiện nay tin rằng vụ thảm sát khét tiếng dân làng tại Mỹ Lai là một sự kiện duy nhất, hiếm có, nhưng nhà báo Nick Turse tìm thấy một hình ảnh khác ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2001. Ông phát hiện hồ sơ ghi chép những khám phá của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, Nhóm Điều tra Tội ác Chiến tranh Việt Nam. Họ cho thấy rằng quân đội đã chứng thực hơn 300 tố cáo về thảm sát, giết người, hãm hiếp và tra tấn bởi lính Mỹ.

Ông Turse sau đó đã đến thăm Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Giết bất cứ gì di động, ông mô tả cố gắng tìm địa điểm của một sự cố từ các tập hồ sơ về 20 phụ nữ và trẻ em được cho là đã bị giết chết trong một ngôi làng ở Tây Nguyên. Ông nói, theo chân người dân địa phương, ông tình cờ gặp phải bia tưởng niệm của năm vụ thảm sát khác trong cùng khu vực nhỏ: “Tôi đã nghĩ rằng tôi đang tìm kiếm một cây kim trong đống cỏ khô; những gì tôi thấy thực sự là một đống những cây kim”. Ông kết luận rằng sự kết hợp của sự vô cảm chủng tộc đối với đời sống của người dân Việt Nam, áp lực chính thức để nâng cao con số ‘giết’ và chỉ định các khu vực nông thôn là ‘vùng bắn tự do’ có nghĩa là ‘các cuộc sát hại dân thường trở nên phổ biến, thường xuyên và trực tiếp liên quan đến chính sách hành quân của Mỹ’.”

Những người sống sót đôi khi bị bắt làm tù binh và bị nhục hình. Năm 1970, một nhóm các nghị sĩ Mỹ đi thăm nhà tù Côn Đảo khét tiếng. Ở đó, họ tìm thấy đàn ông và phụ nữ bị xích trong “chuồng cọp”, bị bỏ đói, bị đánh đập, tra tấn và bị bắt ăn côn trùng. Mặc dù có sự phản đối khi điều này được thuật lại, nhà tù vẫn hoạt động.

* * *

Cho tới vài năm trước đây, các nhà báo từ một trong những nhóm báo lớn ở Sài Gòn thường dừng lại để mua cà phê từ một người phụ nữ dễ thương, người từng trải qua mỗi ngày trên vỉa hè trước văn phòng của họ. Ít người trong số họ biết tên của cô ta. Họ thường gọi cô là cô Cà Phê. Cô có câu chuyện nhỏ của riêng mình về chiến tranh, nhưng trên hết là cô có một câu chuyện về những gì đã xảy ra kể từ khi hòa bình trở lại. Đây là bối cảnh mà đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay nói những điều dối trá.

Cô nhớ lại ngày giải phóng: niềm hân hoan vô bờ bởi vì chiến tranh đã qua; niềm tự hào tuyệt đối rằng lực lượng cộng sản đã đánh bại những gì mọi người nói là quân đội lớn nhất trong lịch sử thế giới; niềm hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng vẫn có sợ hãi. Có những tin đồn về sự trừng phạt bạo lực và cướp bóc. Cô Cà Phê lo lắng về những người điên khùng nhặt những khẩu súng cô thấy nằm trên đường phố. Và cô buồn, vì một lý do rất cá nhân.

Vài năm trước, cô làm bồi bàn trong một căn cứ Mỹ tại Vũng Tàu, trên bờ biển gần Sài Gòn, và tại đó cô đã gặp một người lính tên là Ronald. Ông đến từ New York và ông bay các phi vụ thám thính trên bầu trời Việt Nam và Campuchia. Họ đã yêu nhau. Bất thình lình, ông được phái trở lại Mỹ, nhưng trong một thời gian ông tiếp tục viết thư, và ông nói với cô rằng ông sẽ bảo lãnh cô để đoàn tụ với ông. Sau đó, ông biệt tăm, và cô hiểu rằng không thể có cơ hội để ông quay lại với cô. Sợ rằng chế độ mới có thể tức giận, cô đốt thư từ của Ronald và không bao giờ được biết tin về ông nữa. Nhiều năm sau, bây giờ đã 64 tuổi, tóc muối tiêu và bình lặng, ngồi lặng lẽ bên ngoài một ngôi chùa, cô vẫn còn cảm nhận nỗi buồn.

Cô Cà Phê không thuộc về bên nào trong cuộc xung đột. Cô chỉ đơn giản là một người phụ nữ Việt Nam, yêu một người đàn ông Mỹ và tìm kiếm một cuộc sống yên ổn. Ngày giải phóng đã không đưa tới thời kỳ thoải mái. Lúc đầu, cô tìm được việc làm tại một cơ xưởng hợp tác xã mới. Ở đó, cô ngồi cúi đầu trên máy may 11 tiếng một ngày, thu nhập không nhiều hơn một tem phiếu cho phép cô có một lượng nhỏ gạo chất lượng kém và một ít thịt nhỏ hơn. Trong nhiều năm qua, cô chia sẻ ngôi nhà nhỏ với em trai, người trầm mình cả ngày ở một hãng dệt khác. Nền kinh tế rơi vào một thập niên suy thoái. Cô nói, “Cuộc sống thật là khó khăn cho người dân bình thường”.

Mỹ ra đi để lại hạ tầng cơ sở Việt Nam trong tình trạng suy sụp. Đường bộ, đường sắt, cầu cống và kinh rạch bị bom đạn tàn phá. Vỏ đạn chưa nổ và mìn rải rác vùng nông thôn, thường là dưới nước trong ruộng lúa mà nông dân lội. Năm triệu hecta rừng bị mất sự sống do bom đạn và chất độc da cam. Chính quyền mới cho rằng, hai phần ba trong số những ngôi làng ở miền Nam đã bị phá hủy. Tại Sài Gòn, di sản của người Mỹ bao gồm hàng đàn trẻ mồ côi lang thang trên đường phố và nạn dịch ma túy. Trên toàn quốc, chính quyền mới dự đoán phải đối phó với 10 triệu người tị nạn; 1 triệu góa phụ chiến tranh; 880.000 trẻ em mồ côi; 362.000 thương binh và 3 triệu người thất nghiệp.

Nền kinh tế rơi vào hỗn loạn. Vào thời điểm ngày giải phóng đến, lạm phát lên tới mức 900%, và Việt Nam – một đất nước đầy ruộng lúa – đã phải nhập khẩu gạo. Trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, Mỹ đã đồng ý trả 3,5 tỷ USD viện trợ tái thiết để sửa chữa cơ sở hạ tầng hư hỏng. Họ chưa từng trả một xu. Cộng thêm sự xúc phạm đến hoàn cảnh khốn cùng, Mỹ tiếp tục đòi chính quyền cộng sản trả hàng triệu đô la do kẻ thù của họ, chế độ Sài Gòn cũ, vay. Việt Nam rất cần thế giới cung cấp thương mại và viện trợ để có thể xoay chuyển nền kinh tế. Mỹ đã làm hết sức mình để bảo đảm rằng họ sẽ không được bất cứ điều gì.

Ngay sau khi thua cuộc chiến, Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm vận thương mại, cắt đứt đất nước bị chiến tranh tàn phá không chỉ với xuất khẩu và nhập khẩu từ Mỹ, mà còn từ các quốc gia khác chịu áp lực của Mỹ. Trong cùng một cách, Mỹ dựa vào các cơ quan đa phương bao gồm IMF, Ngân hàng Thế giới và Unesco để từ chối viện trợ cho Việt Nam. Mỹ thừa nhận rằng chất độc da cam có khả năng gây bệnh tật nghiêm trọng và dị tật bẩm sinh và trả 2 tỷ USD bồi thường – nhưng chỉ trả cho các cựu chiến binh của mình. Các nạn nhân Việt Nam – hơn 2 triệu người – không được gì.

Không rõ bằng cách nào một mô hình kinh tế có thể sống sót trong cảnh bị bao vây thù địch này. Không thể tránh khỏi, mô hình xã hội chủ nghĩa của Việt Nam bắt đầu sụp đổ. Việt Nam đã thông qua chính sách thô thiển của Liên Xô ép buộc người nông dân giao lại hoa màu của họ để đổi lấy tem phiếu. Với tình trạng không có động lực để sản xuất, sản lượng bị suy sụp, lạm phát tăng trở lại mức thời chiến, và đất nước một lần nữa lại phải nhập khẩu gạo. Vào đầu thập niên 1980, giới lãnh đạo đã bị buộc phải cho phép những người nông dân bán sản phẩm dư thừa, và như thế chủ nghĩa tư bản bắt đầu trở lại. Vào cuối thập niên 1980, đảng cộng sản chính thức chấp thuận các ý tưởng của “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chính sự thay đổi này đã cho phép cô Cà Phê rời khỏi xưởng dệt vào năm 1988 để trở thành một người buôn bán. Cô cho biết, mỗi buổi sáng cô thức dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị cà phê để đủ thời gian đi vào thành phố. Lúc 5:00 giờ, cô đã ngồi trên một chiếc ghế nhỏ bên ngoài tòa báo. Thay đổi đã xảy ra chung quanh cô trong suốt thập niên 90. Các nhà đầu tư nước ngoài được phép đi vào và các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích – thương mại tự do, thị trường tự do, một số người có lợi nhuận, một số người có lương bổng. Đằng sau hậu trường, chính quyền gửi tín hiệu muốn bang giao với Washington. Họ không còn đòi hỏi 3,4 tỷ USD viện trợ tái thiết hoặc bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam và các tội ác chiến tranh. Họ thậm chí đồng ý trả nợ chiến tranh 146 triệu USD của chế độ Sài Gòn cũ. Năm 1994, Mỹ hòa dịu dần và dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đã bóp cổ Việt Nam trong gần 20 năm. Ngân hàng Thế giới, IMF và các nhà tài trợ khác bắt đầu trợ giúp. Kinh tế bắt đầu tăng tiến lên đến 8,4% một năm, và chẳng bao lâu Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Điều quan trọng, trong suốt thập niên 90, vẫn còn có những phe phái mạnh mẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống lại trào lưu mới của chủ nghĩa tư bản. Cho dù với sự hỗn loạn kinh tế, họ đã thành công trong việc làm giảm đáng kể đói nghèo. Khi chiến tranh kết thúc, 70% người Việt sống dưới mức nghèo chính thức. Đến năm 1992, con số là 58% và năm 2000 là 32%. Trong khi đó, chính quyền đã xây dựng một hệ thống các trường tiểu học ở các cộng đồng địa phương và trường học trung cấp ở khắp nơi; họ cũng xây dựng một cấu trúc cơ bản về chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí. Trong một thời gian, các phe phái xã hội chủ nghĩa vẫn có đủ cơ bắp chính trị để điều khiển con tàu tư bản mới. Ba lần trong cuối thập niên 90, Ngân hàng Thế giới đề nghị các khoản vay phụ trội trị giá hàng trăm triệu đô la nếu Việt Nam đồng ý bán các công ty nhà nước và cắt giảm thuế quan thương mại. Mỗi đề nghị đều đã bị từ chối.

Nhưng từ năm 2000, tốc độ thay đổi tăng nhanh và cán cân chính trị thay đổi. Phản ánh áp lực liên tục từ các nhà tài trợ quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam hiện nay chấp thuận việc bán công ty nhà nước. Họ cũng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, và cuối cùng đạt tới đỉnh cao vào năm 2006 khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, có nghĩa là Việt Nam có thể thu nhận nhiều đầu tư nước ngoài và viện trợ hơn nữa. Ba thập niên sau khi những người cộng sản nổi lên như kẻ chiến thắng trong chiến tranh, giờ đây họ là một thành viên đầy đủ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Cuối cùng Phương Tây đã thắng.

Trên vỉa hè ở Sài Gòn, cô Cà Phê đã chứng kiến tất cả sự kiện này xảy ra, nhưng cô không thấy có sự thay đổi trong cuộc sống của cô. Cô nói, “Tôi kiếm tiền vẫn như thế, vẫn sống trong cùng một phòng. Cửa tiệm có nhiều hàng hóa hơn, nhưng giá cả tiếp tục gia tăng. Đất nước này đã thay đổi, nhưng không phải cho những người như tôi. Những kẻ có các mối quan hệ trở nên giàu có hơn”. Trong suốt những năm này, cô vẫn vướng mắc với cùng một thương hiệu cà phê do Việt Nam sản xuất, Trung Nguyên. Trong khi cô vẫn nghèo, người chủ công ty, kẻ cưỡi cơn thủy triều tự do kinh doanh mới và hiện có tài sản lên tới 100 triệu USD.

* * *

Trong một văn phòng bên kia thành phố có mặt ông Nguyễn Công Khế. Trong nhiều năm, ông làm tổng biên tập báo Thanh Niên, tờ báo có trụ sở trong tòa nhà mà cô Cà Phê buôn bán ở bên ngoài. Dưới quyền biên tập của mình, ông Khế bất bình với một số người quyền thế, ông Khế tiết lộ mối liên hệ giữa một băng xã hội đen Sài Gòn và các quan chức cao cấp, sau đó cho xuất bản câu chuyện về một vụ bê bối rộng lớn về trộm cắp tài sản công dính líu tới một số gia đình có liên hệ chặt chẽ. Đây là điều nguy hiểm. Việt Nam có một hệ thống kiểm duyệt vụng về, bằng cách gọi các biên tập viên lên mỗi tuần – vào các ngày thứ Ba ở Hà Nội và thứ Năm tại Sài Gòn – để nói cho họ biết những gì phải đăng tải và những gì phải che giấu. Do những việc làm của ông, trong năm 2008, ông Khế đã bị sa thải.

Vào tháng 11 năm ngoái, một lần nữa ông Khế mạo hiểm bằng cách thông qua tờ New York Times để kêu gọi chính quyền cho phép tự do báo chí. Ngồi trong văn phòng, bây giờ là nơi ông điều hành một trang web tin tức, ông đi xa hơn. Nhấn mạnh rằng tên của ông được gắn liền với lời kêu gọi này, ông nói ra những điều mà người khác chỉ dám nói qua trung gian: đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kẻ phản bội với chính nguyên lý của họ.

“Ngay từ lúc khởi đầu, những người cách mạng dựng nên một chính quyền với ý hướng trung thực phát triển đất nước và tạo nên thịnh vượng một cách công bằng nhất, nhưng mọi thứ đã đi sai đường ở đâu đó. Những người tham gia cách mạng, kẻ thề phải minh bạch – cuối cùng đã phản bội sự cam kết và lý tưởng của họ”.

Ông Khế tự là một phần cách mạng. Là một sinh viên vào đầu thập niên 70, ông khuấy động chống Mỹ và đã phải trải qua ba năm tù. Ông là một đảng viên lâu năm. Ông hiểu lý do tại sao các nhà lãnh đạo đã phải quay sang các công cụ của chủ nghĩa tư bản để khởi động nền kinh tế, nhưng ông đã nhìn thấy mặt tối của đồng tiền tự do mới – đó là tham nhũng và bất bình đẳng.

Bạn có thể thấy điều đó trên các đường phố. Mặc dù quá khứ đen tối, Sài Gòn đã bùng nổ thành một khối thể sôi sục với các hoạt động thương mại. Nhưng dù sao, đó cũng là một thành phố trong thế giới đang phát triển, với dấu hiệu đói nghèo trên mọi mặt. Và kia, đường Đồng Khởi – một hòn đảo của sự giàu có sa đọa, nơi giới đại gia mới có thể mua một chiếc áo thun hiệu Hermes với giá 500 USD, một chiếc đồng hồ Versace giá 15.000 USD, hoặc một cái bàn ăn với bốn chiếc ghế bọc da bê điểm lá cây bằng vàng và bên trong nhồi lông ngỗng với giá 65.000 USD. Và ở góc phố, khách sạn Continental bán các phần ăn với giá bằng tiền lương một tuần của một công nhân, trong một nhà hàng gọi là – như một cái tát vào mặt của Hồ Chí Minh – Le Bourgeois.

Ông Khế cho rằng, với mỗi 10 USD phê chuẩn cho bất kỳ dự án nào, 7 USD sẽ vào túi của ai đó. Thật hả? Như thế, 70% ngân sách nhà nước ở Việt Nam đang bị ăn cắp? Đó thật là một sự trộm cắp với tỷ lệ chóng mặt. Chúng tôi đã nói chuyện qua một người phiên dịch. Ông gật đầu và xoắn một tay trong không khí. “Giữa 50 và 70%”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm ngoái tường trình rằng Việt Nam được coi là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, tệ hơn 118 nước khác và chỉ có 31 điểm trên chỉ số 100 điểm tốt.

Không ai cho rằng tham nhũng là mới. Có một truyền thống lâu đời của các công chức ở Việt Nam là bán sự ảnh hưởng của họ và thiên vị cho gia đình họ. Nhưng những lời cáo buộc này đã chạm đến tầng lớp mới của lãnh đạo hiện nay. Người ta nói rằng tham nhũng gia tăng chính là do việc tư nhân hóa các công ty lớn của nhà nước Việt Nam và các cơ hội tạo ra, đã đưa tới sự việc một số chính trị gia và các quan chức đề cử bản thân và gia đình của họ là các giám đốc điều hành. Học giả người Anh, Martin Gainsborough, là người đã ở Việt Nam nhiều năm làm công việc thực nghiệm cho công trình nghiên cứu của ông về sự phát triển ở Đông Nam Á, đã viết: “Thay vì lấy cảm hứng từ những tư tưởng cải cách, các quan chức được thúc đẩy bởi ham muốn tham nhũng … Những gì chúng tôi thường đề cập tới như “cải cách” chỉ nhiều lắm là những nỗ lực của đối thủ của các lợi ích chính trị-kinh doanh để giành quyền kiểm soát tài chính và các nguồn lực khác”.

Trong ba tháng gần đây, một trang web bất thường công bố chi tiết những cáo buộc về hành vi của những thành viên bị nêu tên của tầng lớp quyền thế thượng lưu Việt Nam. Trang web có tên là Chân Dung Quyền Lực và hỗ trợ cho các tuyên bố của họ bằng các văn bản, băng ghi âm và đoạn phim. Trang web chưa bao giờ được xác minh, nhưng giới quan sát cho rằng đó là công việc của một chính trị gia rất quyền thế sử dụng thông tin nội bộ để cố gắng làm phương hại các đối thủ. Trang web tuyên bố sẽ đưa ra ánh sáng một thế giới trộm cắp bí mật.

Trang web tấn công một nhân vật rất cao cấp, tuyên bố rằng một quan chức địa phương đã giao một vali chứa 1 triệu USD tiền mặt tới nhà, như là kết quả của việc ông đồng ý không thu 150 triệu USD tiền thuế do một công ty bất động sản thiếu, là công ty dự phần vào một dự án “phát triển khổng lồ”. Sau đó công ty này đã tặng ông và các quan chức địa phương những biệt thự miễn phí. Trang web tiếp tục chỉ ra hai chính trị gia hàng đầu, tuyên bố rằng một người đã ngăn chặn việc truy tố một viên chức ngân hàng tham nhũng và hiện tại đang nhận lãnh tiền lại quả khả quan; và người thứ hai đã chuyển 1 tỷ USD từ một công ty nhà nước qua tài khoản ngân hàng của em gái, là người đang nắm giữ 20 doanh nghiệp khác. Trang web cũng cáo buộc một nhân vật quân sự cao cấp đã sử dụng công ty của con trai để bán đất quân đội cho lợi ích cá nhân. Trong trường hợp của ông, trang web trưng ra một bức thư của nhân viên ngân hàng, cho biết ông là một phần của một “mạng lưới tham nhũng có quy mô cực kỳ to lớn”, với các tài khoản ngân hàng trị giá hàng triệu đô la.

Dần dần, nhà nước thừa nhận có tham nhũng và [bắt đầu] bài trừ tham nhũng. Trong các phiên tòa xử các nhân vật cao cấp hồi cuối năm ngoái, bốn giám đốc điều hành của các công ty nhà nước trước đây đã bị kết án tử hình vì tội hối lộ và gian lận; hai người khác bị kết án tù chung thân. Ông Khế không tin những phiên tòa này xứng với tầm mức của vấn đề. Ông nhún vai: “Chúng tôi đã đánh đổi hàng triệu sinh mạng cho độc lập và bình đẳng. Khi tôi còn ở trong tù, tôi tưởng tượng đất nước sẽ không còn tham nhũng sau chiến tranh, nhưng điều đó đã không xảy ra. Sự phát triển của đất nước nên tiếp tục, vì vậy chúng tôi không chống lại những người kiếm tiền chính đáng. Nhưng chúng tôi không thể cho phép những kẻ làm giàu bất chính để tiếp tục làm cho những người nghèo càng nghèo hơn”.

Tại đây, ông chạm phải nỗi đau đớn nhất. Mặc dù hồ sơ ghi nhận trước đó về sự phân phối thành quả kinh tế tương đối đồng đều, Việt Nam bây giờ không còn bênh vực người nghèo như họ đã từng làm. Báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Thế giới ghi nhận rằng “sự bất bình đẳng đã trở lại”. Báo cáo tìm thấy, giữa năm 2004 và 2010, thu nhập của 10% dân số nghèo nhất đã giảm một phần năm trong khi 5% giàu nhất của Việt Nam hiện nay chiếm gần một phần tư tổng thu nhập.

Trình trạng bất bình đẳng tệ hại nhất là ở các vùng nông thôn. Hàng triệu nông dân đã bị đẩy ra khỏi mảnh đất của họ để nhường chỗ cho các cơ xưởng hay đường xá. Đầu thập niên 90, gần như tất cả các gia đình nông dân (91,8%) sở hữu đất. Đến năm 2010, gần một phần tư trong số họ (22,5%) không còn đất. Một đợt thủy triều vô tận của những nông dân nghèo đã đổ về các thành phố, nơi họ sẽ nhập bọn với hàng hàng trăm ngàn người lao động bị sa thải do những người chủ tư nhân của công ty nhà nước cũ bắt đầu cắt giảm chi phí. Làn sóng người đã quyện vào “khu vực phi chính thức” – được che giấu trong những cơ xưởng tại nhà riêng hoặc ngồi buôn bán trên vỉa hè – và gia nhập vào mạng lưới trải dài của các khu chế xuất và khu công nghiệp mới.

Trong lĩnh vực phi chính thức, không hề có sự bảo vệ gì cả. Trong lãnh vực công nghiệp, sự bảo vệ đã trở nên yếu ớt đáng kể. Giáo sư Trần Ngọc Angie là một chuyên gia nghiên cứu lao động ở Việt Nam. Trong cuốn sách của mình, Ties That Bind [tạm dịch: Nút thắt vững chắc], bà giải thích cách thức luật lao động của nước này – một thời nổi tiếng tiến bộ – bị lỏng lẻo đi, một phần do kết quả vận động hành lang của các nhóm như Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Các nghiệp đoàn do nhà nước tài trợ thì yếu ớt và chưa bao giờ kêu gọi một cuộc đình công. Giáo sư Angie kết luận: “Với sự gia tăng vốn vào Việt Nam qua ngã đầu tư nước ngoài và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhà nước trở nên ngày càng ít phục vụ dân chúng hơn. Đôi khi, một số cơ quan và các tổ chức nhà nước liên kết với các nhà tư bản”.

Mọi nhân công được bảo đảm một mức lương tối thiểu. Ban đầu, vào năm 1990, điều này đã được thiết lập ở một mức độ tương xứng với “tiền lương sinh hoạt” – nghĩa là nó đáp ứng các nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Nhưng qua nhiều năm, vì sợ mất vốn nước ngoài, chính quyền đã cho phép mức lương tối thiểu bị cắt giảm, đông cứng và bị lạm phát qua mặt, với kết quả là vào tháng 4 năm 2013, các công đoàn nhà nước đã phản đối rằng mức lương hiện nay chỉ đáp ứng được 50% các chi phí thiết yếu. Liên đoàn lao động cho biết, hầu hết công nhân thành phố là “người nghèo khổ và lãng phí thể chất … Họ thuê phòng trọ giá rẻ, tồi tàn và cắt giảm chi phí thường nhật đến mức tối thiểu … bị suy dinh dưỡng trầm trọng và các nguy cơ sức khỏe khác”.

Trong khi đó, y tế và giáo dục không còn được miễn phí. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng “thu nhập đang trở nên quan trọng hơn trong việc xác định quyền tiếp cận các dịch vụ căn bản”, và rằng chính quyền đang chi ra nhiều hơn chi phí bệnh viện cho người khá giả so với các trung tâm y tế cộng đồng cho người nghèo.

Việt Nam không phải là một đất nước yếu kém. Sự phục hồi của Việt Nam từ cuộc chiến tranh gần như là kỳ diệu, đặc biệt là trong việc cắt giảm nghèo đói, trong khi mức nghèo đói tại các nước phát triển như Anh đang gia tăng. Nhưng thực tế bây giờ Việt Nam kết thúc với thứ tồi tệ nhất của hai hệ thống: nhà nước xã hội chủ nghĩa độc tài và lý tưởng không thể ngăn cản của chủ nghĩa tân tự do; hai thứ này kết hợp lại để tước đoạt tiền của và nhân quyền của người dân Việt Nam trong khi một nhóm nhỏ thượng tầng thu góp đầy túi và ẩn núp đằng sau những lời hô hào cách mạng. Cuối cùng, đó là sự dối gạt lớn nhất. Vinh quang trong chiến tranh nhưng bị đánh bại trong hòa bình, tuyên bố xã hội chủ nghĩa của lãnh đạo Việt Nam giống như khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch. Theo lời của một cựu du kích, là người đã không tiếc mạng sống của mình cho cách mạng: “Họ là những nhà tư bản đỏ”.







dv

No comments:

Post a Comment