4/21/2015
Về bản Thông cáo chung của Tổng Bí Thư và Trung Quốc
Những người có quan tâm tới vận mệnh của dải đất được gọi là Việt Nam không khỏi giật mình lo ngại khi đọc tin về chuyến thăm Trung Quốc vừa mới đây của Tổng Bí Thư (TBT) đảng cộng sản Việt Nam. Ngay lập tức sau khi tin về bản Thông cáo chung giữa ông TBT và Trung Quốc được báo đảng công bố, với một danh sách nhiều văn bản thỏa thuận được ký kết, nỗi lo âu đã lan tràn và bao phủ đời sống tinh thần của người Việt.
Nỗi lo âu đã khiến cho GS Tương Lai lên tiếng trên truyền thông quốc tế , và đã khiến cho một số người, trong đó có Hòa Vân và Vũ Quang Việt, bỏ thời gian phân tích và cảnh báo về các nguy cơ mà các thỏa thuận có thể mang lại cho Việt Nam.
Và nó cũng gây nên cảm giác bất an ở nhiều người đến mức họ cảm thấy cần phải có hành động. Có lẽ tới đây sẽ có những hành động thể hiện phản ứng (của những người Việt quan ngại về nguy cơ mất nước) đối với bản Thông cáo chung này nói riêng và chuyến đi của ông Trọng nói chung.
Ông Tương Lai, trong bài phỏng vấn trên BBC, kêu gọi nhân dân Việt Nam phải cảnh giác trước màn kịch đường mật dối trá mà Trung Quốc trình diễn trước ông TBT và phái đoàn của ông ta. Ông Tương Lai nhắc lại sự mù quáng và yếu hèn của ông Nguyễn Văn Linh ở hội nghị Thành Đô năm 1990, đồng thời cũng nhắc lại cảnh báo của ông Nguyễn Cơ Thạch về thời kỳ Bắc Thuộc mới, hậu họa của các ký kết tại Thành Đô. Ông Tương Lai giờ đây quan ngại về nguy cơ một Thành Đô thứ hai, do chuyến đi và sự ký kết lần này của TBT đương nhiệm, tại Bắc Kinh ; ông kêu gọi : « Phải cảnh giác không được để xảy ra một Thành Đô thứ hai ». Ông Tương Lai không ngần ngại chỉ ra « chưa bao giờ người ta thấy bộ mặt nhơ bẩn và nham hiểm của Trung Quốc như thời điểm này ». Và cuối cùng ông nhấn mạnh rằng sự độc lập và phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể gia nhập TPP lần này hay không. Ông khẳng định rõ ràng : ‘Kẻ nào kỳ này mà ăn phải bả của Trung Quốc mà đẩy lùi việc Việt Nam gia nhập TPP thì kẻ đó sẽ là tội đồ của dân tộc ». Hy vọng những lời này đến được tai ông TBT và phái đoàn của ông ta.
Hai tác giả Hòa Vân và Vũ Quang Việt, trong bài viết đăng trên diendan.org, đưa ra cảnh báo về các nguy cơ do việc ký kết của ông Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình, đặc biệt tập trung phân tích thỏa thuận thành lập các « Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng », « Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ » và « Nhóm Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển ». Họ đặt vấn đề về thái độ của TBT, lãnh đạo cao nhất nước, thái độ mà họ cho là « thái độ xin xỏ ». Đồng thời, liên quan đến « Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ », họ quan ngại rằng : « Có phải đây là âm mưu nối lại dự án « đề nghị thanh toán bằng nhân dân tệ tại Việt Nam » mà quả bóng thăm dò đưa ra hồi đầu năm nay đã mau chóng bị dẹp vì phản ứng của người Việt ? ».
Các phân tích về những ký kết của ông Trọng liên quan đến vấn đề Biển Đông cho phép Hòa Vân đi tới kết luận rằng : « ông Trọng đặt bút ký vào một Tuyên bố chung như vậy là cố tình dọn đường cho những bước thu tóm quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị ».
Hòa Vân cũng chỉ ra rằng, bản Thông cáo chung được đăng trên báo Nhân dân đã bị cắt bỏ một thông tin quan trọng mà tờ Nikkei Asian Review của Nhật công bố : «ông Trọng đã đồng ý « đưa cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng.” (tin được đăng lại trên BBC 8.4.2015) ».
Vũ Quang Việt chỉ ra rằng ký kết này mang lại những đe dọa nguy hiểm cho an ninh quốc gia : « Lời hứa trên của Nguyễn Phú Trọng được cụ thể hoá bằng các nhóm công tác có thể đưa đến tình hình tệ hơn những gì xảy ra ở dự án Bô Xít ở Tây Nguyên mà Nông Đức Mạnh đã ký ».
Qua bài phỏng vấn của GS Tương Lai và bài viết của hai tác giả Hòa Vân và Vũ Quang Việt, ta thấy rằng, dường như đã thành quy luật, từ nhiều năm nay, đặc biệt từ 1990, các đời TBT đảng cộng sản Việt Nam, với các ký kết của họ với Trung Quốc, dần dần đưa Việt Nam vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tại sao ông Trọng cho cắt bỏ thông tin về việc ông đồng ý đưa cảng Hải Phòng vào chương trình Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc ? Tại sao ông muốn giấu người dân Việt Nam việc ký kết này ? Phải chăng chính ông cũng biết rằng việc ký kết của ông sẽ giúp Trung Quốc mở con đường tơ lụa, nhưng lại đẩy Việt Nam vào tử lộ ? Ông biết rằng người dân Việt Nam sẽ nhìn ra điều này, sẽ nhìn ra rằng các thỏa thuận của ông có thể đẩy họ vào đường chết, và còn nhìn rõ hơn ông, nên ông cho giấu đi ? Nhưng tai hại là ở chỗ : ông muốn giấu còn Trung Quốc thì không. Trong thời đại toàn cầu hóa và internet hóa này, không có gì có thể giấu giếm được, dường như lãnh đạo Việt Nam thường xuyên quên mất điều này. Tuy nhiên, sự giấu giếm thông tin chỉ chứng minh rằng lãnh đạo Việt Nam không phải không biết đến sự nguy hiểm do các ký kết của mình mang lại. Vậy thì cần phải hỏi : Tại sao họ biết là nguy hiểm cho quốc gia mà vẫn đặt bút ký ? Ông Nguyễn Phú Trọng cần trả lời người dân những câu hỏi đó.
Ngoài ra, khi tôi đi tìm nội dung của các văn bản đã được ký kết lần này, thì không tìm thấy ở đâu cả. Người dân có quyền được biết các nội dung của bản "Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020", cũng như nội dung của tất cả các văn bản đã được ký kết lần này. Trong một xã hội bình thường, người dân phải được biết hai đảng hợp tác những gì. Hoặc đúng hơn, lẽ ra ông Trọng phải hỏi ý kiến của người dân về các nội dung hợp tác trước khi ông đặt bút ký với Trung Quốc, hoặc ít ra ông phải hỏi ý kiến của Quốc Hội. Nhưng thể chế chính trị độc tài khiến xã hội Việt Nam rơi vào tình thế : ngay cả sau khi các chính sách quan trọng, thậm chí có ý nghĩa sống còn đối với quốc gia, đã được ký kết, người dân không hề được biết nội dung của chúng là gì. Đây chính là điểm làm cho những người có suy nghĩ cảm thấy lo lắng, bất an. Đấy là lý do khiến ông Tương Lai và nhiều người khác dự cảm về một Thành Đô thứ hai. Công dân của nước CHXHCNVN không hề được biết số phận của mình và số phận của dân tộc mình được quyết định như thế nào.
Mặt khác, một người làm nghề phân tích văn bản đã trên hai mươi năm như tôi, khi đọc văn bản « Thông cáo chung » này không khỏi cảm thấy choáng váng, vì nhiều lý do. Ở đây tôi chỉ trình bày một lý do, qua việc phân tích điểm 3 và điểm 4 của bản Thông cáo chung mà tôi trích lại nguyên văn dưới đây :
3. Nhân dịp 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Trung Quốc, hai bên nhìn lại truyền thống tốt đẹp kề vai sát cánh, ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân hai nước trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, trong tiến trình thúc đẩy sự nghiệp cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, nhất trí cho rằng hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan, sự phát triển của nước này là cơ hội quan trọng cho nước kia.
4. Hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực thực hiện tốt phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", luôn nắm vững phương hướng phát triển của quan hệ Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên phía trước.
Bản Thông cáo chung này được ông Nguyễn Phú Trọng ký vào thời điểm nào, trong một bối cảnh như thế nào ?
Ông Nguyễn Phú Trọng dường như không biết hoặc cố tình không biết thực tế là Trung Quốc đang leo thang trắng trợn trên Biển Đông. Dường như ông không biết rằng Trung Quốc không chỉ xây dựng thành phố trên Hoàng Sa, vốn là của Việt Nam, dường như ông không biết rằng Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự trên Trường Sa, đang xây đảo nhân tạo nhằm hợp pháp hóa cái gọi là đường chín đoạn. Dường như ông Trọng không biết rằng hành vi lấn lướt của Trung Quốc đang khiến cho cả thế giới lo ngại, nên ông mới có thể hoàn toàn bình thản khi ký vào một văn bản với lời lẽ như vậy ?
Dường như ông Trọng cũng quên mất dàn khoan 981 và nỗi nhục nhã kéo dài hàng hai tháng liền, nỗi nhục của cả nước, và của chính ông, nỗi nhục nhã vẫn còn đang mới nguyên. Dường như ông Trọng cũng quên luôn bao nhiêu ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc giết chết khi đánh bắt trên hải phận của mình, và bao nhiêu chiến sĩ đã chết ở Gạc Ma, ở biên giới Việt-Trung 1979. Nếu ông không quên thì làm sao ông có thể « tiếp tục kiên trì nỗ lực thực hiện tốt » cái « mười sáu chữ vàng, bốn tốt » như trong mục 4 trên đây ? Nếu ông không quên thì làm sao ông dám « nhìn lại truyền thống tốt đẹp kề vai sát cánh, ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau » trong mục 3 trên đây ?
Đành rằng văn bản ngoại giao có những quy tắc cần tuân thủ, có những sự tinh tế và khéo léo phải đảm bảo, nhưng ngôn ngữ của văn bản ngoại giao phải thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo và đảm bảo danh dự cho quốc gia. Một lãnh đạo có tự trọng cá nhân và tự trọng dân tộc không thể để cho người ta muốn viết gì thì viết, không thể chấp nhận mọi thứ lời lẽ, không thể bất chấp thực tế để « uốn lưỡi » mà làm tổn hại đến quốc thể được.
Viết đến đây, tôi không thể nào không nhớ lại văn bản « Hịch tướng sĩ » của người xưa : « Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn; Làm tướng triều đình phải đi hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm ».
Ngày nay, ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là người đứng đầu quốc gia, ký vào một văn bản với lời lẽ dối trá như vậy, sử dụng những lời lẽ « xin xỏ » (như Hòa Vân đã phân tích) thì chính ông đã làm nhục quốc thể, đã làm cho « nước nhục ».
Xin quý độc giả lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà tôi viết « bản Thông cáo chung giữa ông TBT và Trung Quốc ». Đối với tôi, bản thông cáo đó không phải là một sự ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ là sự ký kết giữa cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng cùng phái đoàn của ông ta và Tập Cận Bình. Ông Trọng không đại diện cho toàn bộ dân tộc Việt Nam, không đại diện cho ý nguyện chung của chín mươi triệu người Việt Nam. Ông Trọng chỉ đại diện cho bản thân ông ta, và nếu các đảng viên trong đảng của ông ta, sau khi biết chuyện này mà không phản đối ông ta, thì có thể nói ông ta đại diện cho các đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ông Trọng không thể đại diện cho toàn dân Việt Nam khi ký kết vào những văn bản như vậy. Ít nhất, cá nhân tôi không chấp nhận để ông ta đại diện cho tôi, một công dân Việt Nam, trong hành vi ký kết của ông ta, cái hành vi có nguy cơ dẫn tới việc làm thất thiệt cho lợi ích quốc gia, và làm mất thể diện của quốc gia, như đã phân tích ở trên. Tôi phỏng đoán rằng nhiều công dân Việt Nam khác cũng có thái độ như tôi.
Ông TBT còn một chuyến đi Mỹ ở phía trước. Ông có biết là người dân đang chờ đợi ở ông điều gì ? Ông có thể chứng tỏ cho người dân thấy rằng ông ý thức được cương vị mà ông đang đảm nhiệm, cương vị của một người đứng đầu một quốc gia ? Ông có thể chứng tỏ cho người dân thấy ông ý thức được trọng trách mà ông đang nắm giữ, ý thức được rằng mỗi hành vi, mỗi lời nói, mỗi chữ ký của ông có thể để lại di họa khôn lường hay có thể tạo tiền đề cho đất nước và dân tộc phát triển ?
Giữa tương lai của cả dân tộc và cái bình đầy chuột của ông, ông sẽ chọn cái gì ? Chúng tôi chờ đợi câu trả lời của ông trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới.
Paris, 20/4/2015
Nguyễn Thị Từ Huy
dv
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment