4/20/2015

TRUNG ÚY SƠN

(hình ảnh & âm thanh: Triển)
xin mới bấm lên hình hay bấm vào tựa bài để nghe bài đọc


* nguyên tác: A Life On The Road (Charles Kuralt)
* dịch thuật: Lan Huệ
* lời dẫn: Mờ Mờ
* giọng đọc: 4M





Lời người dịch thuật
Lan Huệ dịch từ Lieutenant Son, trong A Life on the Road (1990) - ký sự của Charles Kuralt (1934-1997), với sự giúp đỡ của chị Lú-Xì, anh Hoài Vọng, anh Ngọc Hân, anh Gun Ho. Xin cảm ơn các anh chị.
Chân thành tưởng niệm Trung úy Sơn và những người con anh dũng của đất nước đã hy sinh cho chính nghĩa tự do.


Mùa Xuân năm ấy, Les Midgley thốt ra một từ, mà chỉ cần chệch đi vài mươi xăng-ti-mét, tôi đã tiêu ra ma. Ông ấy nói, "Vietnam".

Lúc đó là tháng Tư năm 1961. Ghi chú của tôi có viết rằng "Áng chừng 500 cố vấn quân sự Mỹ hiện diện ở đây." Chưa một hãng thông tấn Mỹ nào coi cuộc chiến Việt Nam đủ quan trọng để thiết lập một văn phòng thuờng trực tại quốc gia này. Cuộc thăm viếng của một phái đoàn truyền hình Mỹ bất thường đến nỗi khi anh chàng quay phim người Los Angeles, Fred Dieterich và tôi đáp xuống phi trường Saigon, chánh phủ Nam Việt Nam đã phái hẳn một chiếc Citroen với tài xế riêng, đón chúng tôi về thành phố. Họ đã sắp xếp cho chúng tôi phỏng vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Dinh Tổng Thống vào sáng hôm sau.

Diệm là tổng thống dân cử nhưng đã trở thành một nhà độc tài, ra lệnh bắt giữ phe đối lập và kiểm duyệt báo chí gắt gao hòng chiến thắng được Cộng Sản. Quân đội của ông đã chiến đấu một cách khốc liệt trong rừng thẳm, nơi đồng ruộng, và họ đang từ từ sa lầy. Trong cuộc phỏng vấn, ông Diệm thẳng thắn nói về số phận khốn khổ của đất nước mình, không hề che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ như tôi tưởng nhầm. Ông thẳng thừng xin viện trợ quân sự Mỹ.

Khi Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, ông nói, có 900.000 người đã chạy vào Nam. Phần lớn họ là những người di cư chống Cộng, ông nói, nhưng trong đó có khoảng 10.000 người là Việt-Cộng, là binh lính có huấn luyện hẳn hoi, được lệnh trà trộn vào dân chúng và khủng bố họ.

"Giết ấp trưởng," ông nói, "giết ấp phó, khủng bố dân chúng, kiểm soát thôn làng. Đó là sách lược của họ. Hiện nay Việt Cộng hùng mạnh hơn với sự tham gia trực tiếp của cán binh Hà Nội. Đây là một cuộc xâm lăng được ngụy trang tinh vi, được Trung Cộng và Nga Xô ủng hộ. Để chống lại họ, chánh quyền chúng tôi cần rất nhiều viện trợ quân sự từ nước Mỹ."

Tôi đề nghị rằng là một cựu thuộc địa của Pháp, miền Nam Việt Nam có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của người Pháp.

"Người Pháp không có ý chí," Diệm nói thẳng. "Chỉ nước Mỹ của ông mới đủ cương quyết để bảo vệ tự do cho thế giới. Nếu nước Mỹ cũng mất đi quyết tâm của họ, Việt Nam sẽ không còn tự do nữa."

Ngày ấy, Ngô Đình Diệm đã cho tôi một số hiểu biết về lịch sử. Và cũng như một số tiên đoán về tương lai.

Tôi thấy Sài Gòn là thành phố hấp dẫn nhất trong các thành phố. Chiến tranh ở miền quê chưa ảnh huởng lên thủ đô. Những người tôi đã gặp, những thầy giáo, ký giả, hầu bàn và tài xế tắc-xi, tất cả đều thân thiện và chu đáo. Phụ nữ xinh đẹp, tôi nghĩ thế, tha thướt trong những tà áo trong mờ, và tiết xuân đáng yêu, và cà phê vĩa hè ngon tuyệt. Ban ngày tôi bách bộ trên những đại lộ với hàng cây rợp bóng, ban đêm trong khách sạn Majestic cổ kính tôi nằm dài trên giường dưới cây quạt trần lười lĩnh, lắng nghe dòng sông rì rào chảy. Cũng như hàng đàn phóng viên Tây Phương vào những năm sau đó, tôi đã yêu thuơng Sài Gòn. Nó thật xứng đáng cho ta chiến đấu vì nó, tôi nghĩ. Nếu thành phố rực nắng, duyên dáng này rơi vào tay Cộng Sản và trở nên xám xịt và cứng ngắc, thì chẳng còn chút hy vọng nào cho nền văn minh nhân loại.

Mỗi ngày, tôi ghé qua phòng báo chí của chánh quyền để kỳ kèo một viên chức ở đấy cấp cho tôi giấy phép đi theo một cuộc hành quân. Ban đầu ông ấy nói, "Nguy hiểm lắm," rồi sau đó, "Không chừng," rồi khi ông ấy biết là tôi không chịu biến đi đâu cả, cuối cùng đến một ngày, "Mai nhé. Buổi trưa Trung úy Sơn sẽ đón ông ở khách sạn. Hãy chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài mấy ngày."

Hôm sau Fred Dieterich quăng mớ đồ nghề của anh vào phần sau chiếc xe Jeep của quân đội Việt Nam và leo lên ngồi ở băng sau. Tôi ngồi ghế trước với tài xế, với Trung úy Sơn, may thay anh là một sĩ quan Biệt Động Quân đã được huấn luyện mấy tháng ở Mỹ. Tiếng Pháp tồi tệ của tôi và mớ tiếng Anh ít ỏi của anh đủ cho chúng tôi trò chuyện với nhau trên đường rời khỏi thành phố. Mặc dù còn trẻ, Trung úy Sơn đã là một người lính dầy dạn. Gia đình anh là người quốc gia, anh nói. Anh và hai anh, đã theo Việt Minh đánh đuổi thực dân Pháp, và chính anh, một liên lạc viên, đã tham dự trận vây hãm cuối cùng ở Điện Biên Phủ năm 1954. "Nhưng chúng tôi muốn có một đất nước tự do," anh nói. "Gia đình chúng tôi không kháng chiến chống Pháp để rồi bị cai trị bởi Hồ Chí Minh." Anh nhún vai và mỉm cười. "Do đó, giờ đây chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu. Ông sẽ gặp nhiều người giống tôi trong binh chủng Biệt Động Quân."

Cùng với Trung Úy Sơn và đơn vị của anh, Đại đội 150 Biệt Động Quân, chúng tôi nghỉ đêm trong một nhà kho bỏ hoang thuộc địa phận quận Bến Cát. Sơn giới thiệu chúng tôi với trung đội của anh. Chúng tôi trịnh trọng bắt tay từng người và sau đó anh diễn thuyết với họ. "Tôi bảo họ, ngày mai phải chăm sóc hai anh," anh vừa nói vừa nhoẽn miệng cười.

Khi đêm xuống, Sơn mang thức ăn đến, cơm và thịt với một thứ nước sốt hôi hôi. "Cái gì vậy?" tôi hỏi. "Tôi không biết diễn tả," anh nói, và cười to. "Dù sao, đừng có hỏi." Anh đưa ghế bố cho Fred và tôi nằm, trong khi anh và các người lính lăn lóc dưới đất trên mấy tấm chăn. "Tôi không chịu đâu," tôi nói. "Chúng tôi sẳn sàng sống y hệt như các anh." Anh dơ tay khỏi đầu. "Hai anh là khách," anh nói.

Các sĩ quan tụ lại ở một góc nhà kho, nghiên cứu bản đồ dưới ánh sáng một ngọn đèn không chụp treo lơ lửng từ trên trần. Sáng hôm sau, ba trung đội Biệt Động Quân được điều động về phía nam tới một vùng đất giữa sông Saigon và một con kênh, hy vọng bắt được một nhóm Việt Cộng ở một nơi gọi là An Điền. Trung đội của Trung úy Sơn đi giữa. "Chúng ta không đi đường mòn," Sơn nói như xin lỗi. "Tôi rất tiếc, chân hai anh sẽ dính bùn."

Chúng tôi khởi hành bằng xe cam nhông trước khi trời sáng. Chỉ một đoạn ngắn, xe đã ngừng lại ở ven một cánh rừng rậm. Trong bóng tối, các quân nhân đội mũ sắt, khoác súng trường và đeo băng đạn lên người trong im lặng. Trong lúc chúng tôi đổ vào rừng, pháo binh ở một nơi nào đó đàng sau chúng tôi, nã đạn 155 ly qua đầu chúng tôi vào - vào cái gì? tôi nào có biết. Vào bất kỳ thứ gì bên trong kia.

Khi mặt trời lên, tôi nhận ra là chúng tôi đã đi qua những cụm nhà hoang vắng trong rừng."Không có ai ở nhà," Sơn nói. "Sợ chúng tôi, sợ kẻ thù. Lúc nào cũng trốn chạy."

Cuộc pháo kích đã ngừng. Buổi sáng trở nên im ả, ngoại trừ tiếng động gây bởi khoảng ba chục đôi giày bốt trên mặt đất. Chúng tôi ra khỏi cánh rừng, leo một hàng rào kẻm gai và lội bì bõm hàng cây số đất ruộng. Freddy Dieterich và tôi đi trước người lính tiền tiêu mấy bước, quay mặt lại để quay cảnh đoàn quân tiến tới. Ngày bắt đầu nóng bức. Tôi nghĩ trong đầu, được rồi, chẳng có gì xảy ra hết. Nhưng ít nhất, mình cũng có những thước phim đẹp về cảnh hành quân trên đồng ruộng.

Vừa khi chúng tôi lên tới chỗ cao nhất của một cái hào, tiếng súng máy nổ dòn từ hàng cây bên bờ kia của dòng suối cách chúng tôi chừng một dặm. Súng nổ to hơn, dồn dập hơn cho đến khi chúng giống như một tiếng bom dài không dứt. Chúng tôi có thể trông thấy bóng người lúp xúp chạy men theo hàng cây và nghe tiếng reo hò của họ.

Trung úy Sơn hét to mệnh lệnh cho lính của anh. "Bị phục kích!" anh nói với tôi. "Trung đội kia đã trúng ổ phục kích. Họ cần chúng ta." Anh rút khẩu súng lục 45 ly, quơ cao khỏi đầu, dẫn binh lính xông vào chỗ giao tranh. Quân lính chạy theo anh, băng qua suối và lăn xả đến rặng cây. Không một chút chậm trễ, Fred Dieterich và tôi cũng theo kịp để ghi hình và thâu âm cảnh những người lính xung trận.

Khi chúng tôi tới bên rặng cây, tiếng súng đã ngừng, chỉ còn lại vài tiếng nổ rời rạc từ rừng sâu vọng ra. Tôi thấy xác người rải rác ở bìa rừng, phần lớn là Biệt Động Quân, nhưng cũng có hai người mặc đồ bộ đen kiểu Việt Cộng. Một khẩu Browning, súng trường tự động nằm kế bên một xác VC. Xác kia chỉ trang bị với một thanh mã tấu.

Trung úy Sơn cho trung đội của mình dừng lại ở hàng cây. Theo lệnh của anh, mỗi người lấy một chiếc khăn mùi-xoa và cột nó vào cánh tay trái. Sơn đưa khăn tay cho chúng tôi. "Làm như thế để vào trong kia, chúng ta không bắn nhầm nhau," anh nói. "Bây giờ mình từ từ tiến vào. Hai anh đi sát theo tôi."

Những người lính tỏa theo hình rẻ quạt dọc theo hàng cây và theo hiệu lệnh của Sơn, chúng tôi xông vào rừng. Chúng tôi trườn tới, bốn mươi lăm mét, rồi chín mươi mét, mỗi chiến sĩ đều vô cùng cảnh giác trước những di động dù nhỏ nhặt nhất. Chúng tôi gặp thêm nhiều xác chết. Chúng tôi bò qua một người lính Biệt Động Quân bị thương nhẹ, đang cố gắng cầm máu ở ngực một đồng đội bị thương rất nặng; Sơn ngừng lại vài giây, nói với anh ta rồi tiếp tục dẫn chúng tôi, chầm chậm, không lời. Fred Dieterich thì thào. "Dễ sợ như địa ngục."

Cuối cùng chúng tôi cũng ra tới một con đường dẫn vào một cánh rừng thưa. Ở đây có một ngôi chùa nhỏ, điêu tàn và một căn nhà tróc nóc. Sơn ra hiệu cho bốn người lính kiểm tra ngôi chùa và căn nhà. Họ dùng bá súng đẩy cửa chùa rồi ùa vào. Trống không. Họ thận trọng bao quanh căn nhà và xông vào. Trống không. Họ mừng rỡ đón những người còn lại ngay giữa trảng. Chúng tôi xếp thành một vòng tròn, mỗi người chăm chú quan sát cánh rừng tĩnh mịch.

Và rồi trần gian biến thành địa ngục hỗn loạn. Rừng chung quanh nổ đì đùng. Chúng tôi bị bắn xối xả, tiếng súng đinh tai điếc óc. Phải mất một hai giây tôi mới hiểu, đạn đến từ những họng súng cách chúng tôi chỉ vài thước, và nhắm vào chúng tôi. Tôi nhìn quanh tìm chỗ núp, nhưng không có chỗ nào ngoại trừ một trũng cạn ở giữa trảng. Fred và tôi, cùng một lúc, nhảy vào trũng cạn này. Chúng tôi có thể nhìn thấy bóng người lố nhố trong rừng đang bắn vào chúng tôi. Không thể tin nỗi, Fred bật ổ kính chuyển sang ống tầm xa, chống mình trên khuỷu tay, nhắm vào họ, và bấm lia bấm lịa.

"Ngừng lại!" tôi gào lên. "Núp xuống!"

Fred Dieterich bình thản nói, "Charlie, tôi tính rồi. Bề nào cũng nên chụp vài tấm để sau này người ta còn biết chuyện gì đã xảy ra cho chúng ta."

"Không cần đâu!" tôi quát to. "Không đúng như vậy đâu! Núp mau!"

Mong mỏi trợ giúp cho trung đội bị phục kích đầu tiên, đoàn chúng tôi đã rơi vào một ổ phục kích khác. Dù đầu nép rất thấp, tôi cũng có thể nhìn quanh và thấy ngay rằng chúng tôi đang ở trong một tình huống nguy kịch. Rất nhiều Biệt Động Quân bị trúng đạn trong đợt tấn công đầu tiên, nằm la liệt chung quanh, đã chết hay bị thương. Tuy vậy, những người còn đứng vững vẫn chiến đấu một cách dũng cảm. Một người vừa chạy vào rừng vừa ôm súng bắn cho đến khi gục ngã dưới lằn đạn kẻ thù. Anh nằm xuống, ngón tay vẫn ghì chặt cò súng, súng của anh giựt từng tràng đạn lên trời. Những người lính khác đâu lưng thành một vòng và đều đặn bắn hàng tràng đạn vào trong rừng. Trung úy Sơn bị trúng đạn ở cánh tay, nhưng anh vẫn còn hoạt động, quỳ bên cạnh người lính truyền tin, quay mạnh cần chiếc radio từ, cố gọi cho bộ tư lệnh tiểu đoàn xin cứu viện. Fred Dieterich và tôi trườn vài mét tới gần anh để ghi hình nỗ lực này. Đạn rơi rào rào chung quanh. Sơn mặc kệ chúng và tiếp tục gật cái cần máy. Việc làm này không có hiệu quả. Không một câu trả lời nào. Chúng tôi đang ở ngoài vùng phủ sóng.

Rồi người lính truyền tin, một cậu bé chưa quá mười bẩy hay mười tám tuổi, có một hành động can đảm táo bạo nhất mà tôi đã từng gặp. Không nói một lời, cậu thò tay vào túi xách, rút một cuồn dây kim loại, cột một đầu dây vào ăng ten của máy truyền tin. Cậu vừa tháo cuồn dây vừa chạy tới một cái cây. Miệng ngậm đầu dây, cậu trèo lên cây giữa lưới đạn bao quanh, cột dây vào một nhánh cao rồi thoăn thoắt trèo xuống, trở lại với máy truyền tin của mình, không một chút sây sướt. Cậu quay mạnh chiếc cần. Trung úy Sơn, nằm cạnh máy, nói vào mi-crô, liên lạc với tổng hành dinh của tiểu đoàn và đọc toạ độ cho họ. "Cứ nằm sát đất," anh nói với Fred và tôi. "Ổn rồi. Sẽ có lính Nhảy Dù."

Cuộc giao tranh dịu lại. Tôi không còn thấy tên VC nào trong rừng, mặc dù thỉnh thoảng vẫn từ một chỗ nào đó vài tiếng súng còn rời rạc bắn xuyên qua trảng. Hai người lính của Sơn băng bó cánh tay cho anh, rồi với túi cứu thương, họ bò quanh để xem có thể giúp gì cho những người bị thương. Họ kéo nhiều thương binh để dựa vách ngôi chùa, nơi đó một số lớn bị sốc và chết trong khi chúng tôi chờ đợi lính Dù.

Sơn đứng dậy, đi lòng vòng trong trảng, khuyến khích tinh thần những người còn sống. Anh đến gần Freddy và tôi, rồi quỳ xuống. "Chúng ta sắp hết đạn," anh nói. "Hai anh nên biết điều này. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ bị tấn công lần nữa, nhưng nếu có, chúng ta sẽ ..."

Một phát súng đơn độc bắn từ trong rừng ra. Viên đạn xuyên vào chính giữa cái nón sắt của Sơn, từ ót trổ qua trán. Anh đổ ụp vào tôi và ngã xuống.

Thoạt nhìn thì vết thương rất nhỏ. Tôi ôm đầu anh vào lòng. Tôi nhặt một nắm lá trên mặt đất và cố nhét chúng vào vết thương cho máu ngừng chảy.

Tôi nhớ rằng phát đạn kết thúc đời Sơn là phát đạn cuối cùng đã bắn ra trong ngày hôm đó. Lính Dù tới, bằng xe cam nhông. VC đã biến mất vào rừng, cùng với người chết và thương binh của họ. Chúng tôi theo đường lộ đi vài ba cây số tới một ngôi trường làng để tụ họp lại. Có một tấm áp-phích rớt trên nền nhà, tôi nhặt lên và sau này nhờ người ta dịch. Tấm áp-phích viết: "Không góp gạo cho Cộng Sản. Không cung cấp tin tức cho Cộng Sản. Không cho Cộng Sản vào nhà." Tấm áp phích nằm dưới đất, vì Cộng Sản đã đột kích nhà trường đêm trước.

Một Đại tá chỉ huy Biệt Động Quân, đến ngôi trường bằng xe Jeep. Ông tập hợp những người lính và nói, "Các anh là một đại đội oai hùng. Các anh đã cầm cự được kẻ thù với quân số lớn gấp năm lần. Đừng nghĩ tới người chết. Các anh chiến đấu cho lý tưởng và chiến thắng sẽ thuộc về các anh."

Nhưng mười chín người trong đại đội không có mặt để nghe ông nói. Họ đã chết ngày hôm ấy.Trong đó có hai sĩ quan, Trung úy Sơn và viên sĩ quan chỉ huy đại đội. Tôi thấy có ít nhất mười một người bị thương; có lẽ còn có thêm nhiều người khác.

Đại tá dành một chiếc xe bọc thép đưa Fred Dieterich và tôi trở lại Sài Gòn. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã về tới chốn an toàn của cái thành phố duyên dáng này. Xe chúng tôi rầm rập chạy qua những đại lộ thênh thang. Đây đó vài chiếc xe đạp thong thả lăn bánh. Những quán cà phê vỉa hè đông nghẹt khách. Chúng tôi về đến cửa chánh của khách sạn Majestic trước khi trời tối và chúng tôi mang đồ nghề của mình, đi qua hành lang tới thang máy. Mọi người đều quay lại nhìn chúng tôi, vì chúng tôi trông quá sức bẩn thỉu và lạc lõng. Sơ-mi của tôi còn bệt dính máu của Trung úy Sơn.

Tôi không bao giờ gạt được Trung úy Sơn ra khỏi tâm trí của mình. Suốt những năm của chiến tranh Việt Nam, tôi luôn nghĩ đến anh. Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần, theo các chuyến hành quân về quê -- nhưng khi ấy với quân đội Mỹ -- và tôi đã chứng kiến cái chết của nhiều con người nghĩa hiệp ở những cánh rừng thưa. Khi cuộc chiến kéo dài không phân thắng bại và con số thương vong của người Mỹ gia tăng, ở Mỹ đã trở thành hợp mốt khi người ta nói rằng thanh niên Mỹ chết không có chính nghĩa. Tất cả các bạn tôi đều đồng ý đó là một cuộc chiến vô đạo đức, một cuộc chiến mà đế quốc Mỹ chống phá lại "nhân dân Việt Nam."

Tôi không bao giờ nghĩ vậy. Những người Việt mà tôi gặp không muốn dính dấp gì đến chiến tranh. Họ muốn được yên thân. Nhưng họ không được để yên. Họ bị xâm lăng bởi một đạo quân từ miền Bắc, gởi đi từ một chính quyền họ căm ghét. Tôi nghĩ đến Sơn, người đã ước muốn một nước Việt tự do nhiều đến nỗi anh đã tiếp tục vào lính, cho dù những ngày chiến đấu của anh lẽ ra phải chấm dứt từ lâu. Tôi nghĩ đến những người lính của Đại đội 150, người lính đã ôm khẩu tiểu liên chạy bổ vào rừng, người lính đã trèo cây với hàm răng ngậm sợi ăng ten. Tôi nghĩ, và tôi vẫn còn nghĩ rằng, công lý và chính nghĩa ngự trị trong những con người can đảm này. Tôi ghét lắm, khi sau này trở lại và nghe chính đồng bào của tôi gọi họ là "gooks."

Những người sống sót -- không nhiều Biệt Động Quân đâu -- hiện thời có lẽ đang "học tập cải tạo." Thành phố Sài Gòn chậm rãi, đáng yêu đã trở thành Thành Hồ. Vết thương của cuộc chiến tranh Việt Nam ở Mỹ lành dần. Phần lớn người Mỹ không còn nhớ nhiều đến cuộc chiến, hay họ cũng chẳng hề quan tâm gì tới ước vọng của "nhân dân Việt Nam."

Khi đến Hoa Thịnh Đốn, thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam. Có tên của một vài người mà tôi quen biết khắc trên cẩm thạch đen. Tôi nghĩ đến họ. Không có tên của Sơn, dĩ nhiên, nhưng tôi cũng nhớ tới anh.

Tôi chỉ gặp anh trong một ngày.

Tôi còn chưa hề tìm biết trọn tên anh.


Lan Huệ dịch thuật







dv

No comments:

Post a Comment