GỌI 30/4/1975 LÀ “NGÀY QUỐC HẬN” CHO ĐẾN KHI NÀO?
(từ trang "Sổ Tay Tháng Tư")"Sau 40 năm, đối với nhiều người “VNCH” còn ở Việt Nam, sự mất tự do dân chủ đã không còn làm cho họ khó chịu nữa vì sự áp bức từ CSVN và sự chịu đựng của họ đã theo thời gian mà ẩn sâu trong nội tâm. Tuy nhiên, đối với những người “VNCH” khác, dù còn ở trong nước hay đang sinh sống ở ngoài nước, thì cái mối hận bị CSVN cưỡng chiếm, tước đoạt mảnh đất của họ, gia đình và tài sản của họ, tuổi trẻ của họ, tương lai của họ và gia đình, không bao giờ nguôi, và họ vẫn mong toàn dân Việt Nam sống trong một môi trường tự do, dân chủ"
Cho đến năm 2015, đã có nhiều nỗ lực muốn cho ngày 30/4/1975 một cái tên mới, hoặc là “Ngày Tìm tự Do”, “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”, “Ngày Quốc Nạn”, “Ngày Hành Trình Đến Tự Do”, “Ngày Miền Nam VNCH”, “Ngày Tưởng Niệm”, ngoài cái tên “Ngày Quốc Hận”, hay để thay cái tên này.
Làm cách nào để chúng ta gọi ngày này (hình thức) cho đúng với với cái “nội dung” của nó? Vì hình thức và nội dung phải đi song song với nhau.
30/4/1975 KHÔNG CHỈ LÀ “MỘT NGÀY VỚI 24 GIỜ”
30 tháng 4 năm 1975 không chỉ là MỘT ngày có 24 tiếng, mà là một ngày biểu tượng cho một chuỗi những ngày tháng năm sau đó với những biến cố xẩy ra bắt đầu từ khi có những người Việt Nam rời nước vì không muốn sống dưới sự cai trị của CSVN, cho đến khi chấm dứt những người thoát khỏi Việt Nam để tị nạn chính trị.
Chúng ta còn nhớ là trong những ngày tháng đầu tiên sau tháng 4, 1975, chưa có một danh xưng nào cho ngày 30/4/1975 này. CSVN chiếm được miền Nam vì chính quyền VNCH thua trận với lý do này hay lý do khác, và ngày 30/4/1975 chỉ đơn thuần là ngày CSVN chiếm được miền Nam. Nhưng những chuyện xẩy ra trong những năm tháng sau đó đã cho ngày này một cái tên mới phổ thông: Ngày Quốc Hận.
ĐỊNH NGHĨA “HẬN” VÀ “QUỐC HẬN”
Những chuyện xẩy ra sau đó là gì để ngày 30/4/1975 gọi là Ngày Quốc Hận? Tuy nhiên, trước tiêcần định nghĩa thế nào là “hận”, và thế nào là “quốc hận”, để chúng ta có một sự đồng ý căn bản:
“hận” là một trạng thái tình cảm của một cá nhân, nói lên sự tức giận, sự căm phẫn sâu sa và lâu dài khi đời sống tình cảm, vật chất cũng như thân thể của cá nhân đó cùng những người thân thuộc bị một thế lực bên ngoài -mạnh hơn, có quyền hành hơn - xâm phạm, cưỡng chiếm, bóc lột, trả thù, dày vò, thách thức, mà những cá nhân đó không có phương tiện và hoàn cảnh để phản công lại. Sự tức giận và căm phẫn mà vì không thể chống lại hay không thể biểu lộ, sẽ ẩn sâu vào tâm thức cá nhân đó và theo thời gian, sẽ trở thành mối hận. Mối hận này càng sâu sa và lâu dài hơn, nếu kẻ áp đặt đã là những thành phần mà họ tin là sẽ không làm những sự áp bức đó.
“quốc hận”, theo tinh thần của định nghĩa chữ “hận”, là sự căm phẫn sâu sa và lâu dài của một dân tộc đã bị áp đặt tiêu cực lên đời sống tâm linh, đời sống vật chất, lối sống cá nhân và gia đình -những thành phần của dân tộc- những sự thay đổi mà họ không muốn nhưng vẫn phải chịu đựng. Ai là thành phần đã áp đặt lên những thành phần của một dân tộc những gía trị không muốn này: đó là nhóm cai trị đất nước, hay nói chi tiết hơn, là nhóm cai trị người dân của dân tộc đó.
“quốc hận” bao gồm cả những mối “hận” cá nhân và trong trường hợp VN, những mối hận “cá nhân” trùng hợp với nhau,liên quan đến sự tồn vong, niềm hãnh diện và sự phát triển của cả một dân tộc.
NHỮNG SỰ KIỆN TẠO NÊN SỰ UẤT HẬN
Nếu những định nghĩa đó được đồng ý, thì những sự kiện xẩy ra sau tháng 4, 1975 cho đến năm 2015, đến những người đã sống, đã đồng ý hay hưởng thụ những giá trị của “Việt Nam Cộng Hòa”, đã bị áp đặt làm những điều họ không muốn, cũng như bị cưỡng chiếm tài sản tinh thần và vật chất của họ, như sau:
1. Trên một triệu quân cán chính VNCH sau ngày 30/4/1975 đã bị tước quyền công dân, bị tù đày mà không có bản án, trái với tinh thần hiệp định Geneve về sự đối xử với tù binh chiến tranh. Đây là sự trả thù hạ cấp của CSVN đối với “kẻ thù” của họ. Những mối hận của thành phần quân cán chính VNCH khi “kẻ thắng cuộc” đã hành hạ tinh thần và thể xác của họ trong nhiều năm, một cách vô cớ, ngoài cái cớ trả thù, không thể nào nguôi.
2. Hàng ngàn người trong số trên một triệu quan cán chính VNCN đã bị chết dưới nhiều hình thức trong khi bị giam cầm trong những nhà tù của CSVN. CSVN đã “tự do” kết án, thủ tiêu những người đã buông súng theo lệnh của một người lãnh đạo sau cùng của VNCH, Dương Văn Minh. Sự giết người không có một tấc sắt để tự vệ này tạo nên những mối hận không bao giờ nguôi nơi gia đình và đồng ngũ của họ.
3. Vợ của những người quân cán chính VNCH đã bị thành phần cán bộ chiến thắng chiếm đoạt thân xác, tài sản bằng sư dụ dỗ, doạ dẫm sẽ bị trừng phạt nếu lời yêu cầu của những kẻ thắng cuộc này không được thoả mãn. CSVN coi vơ và tài sản của những thành phần họ bắt vào tù, là chiến thắng phẩm của họ, họ có quyền được hưởng. Đã có biết bao nhiêu câu chuyện về những người linh CSVN đã mang tài sản của “người thua cuộc” về Bắc. Những sự cưỡng chiếm này trong khi người chồng của họ không có ở nhà và đang bị tù đầy đã để lại mối hận không thể xóa nhòa. Nếu không gọi là “hận” thì gọi là gì bây giờ?
4. Con cháu, thân nhân của những cựu quân cán chính VNCH đã không thể tham gia thăng tiến trong lãnh vực giáo dục, công việc, vì có chủ gia đình là kẻ thù của họ, CSVN.
5. Hàng trăm ngàn thương binh VNCH bị ngược đãi, vất ra bên lề xã hội
6. Các nghĩa trang của cố quân nhân VNCH bị bỏ hoang, đào xới, biến thành nghĩa trang thường dân
7. Dân miền Bắc, sau 1975 và những năm sau đó biết là đã bị CSVN lừa
8. Toàn dân việt Nam đến nay đã biết rằng một phần đất lớn lao và quan trọng đã bị CSVN bán nhượng cho Trung cộng để đổi lấy vũ khí và quân Trung cộng trong cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam, theo chủ trương bành trước của chủ nghĩa CS.
9. Hàng ngàn người dân kêu oan vì bị chiếm đất, chiếm nhà mà không được đền bù xứng đáng,
TỪ NGUYÊN NHÂN ĐẾN HẬU QUẢ, TỪ NHIỀU ĐẾN ÍT
Ngày 30/4/1975 và những năm tháng sau đó đã xẩy ra 3 sự kiện: sự kiện thứ nhất: CSVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam cùng những sự áp bức cưỡng chiếm xẩy ra sau đó; sự kiện thứ hai: nhiều người bỏ nước ra đi để ra nước ngoài tị nạn khỏi CSVN; và sự kiện thứ ba: tìm được nơi sống có tự do và dân chủ. 3 sự kiện này, có khi trong nhiều năm đã cùng xẩy ra cùng một lúc, nhất là vào những năm cuối của thập niên 1970. Trong khi CSVN bỏ tù quân cán chính và cưỡng chiếm vợ con, tài sản của họ, thì vẫn có những người tìm cách bỏ nước ra đi tìm tự do, và cũng có những người đã ổn định đời sống trong một nước có tự do và dân chủ.
Nếu xét về phương diện luận lý, thì “hành trình tìm tự đo” là một động tác gây ra từ nguyên nhân “người dân bị cưỡng chiếm quyền sống tự do dân chủ”, và định cư được ở một xứ sở co tự do dân chủ lại là “kết quả của hành trình tìm tự do”. Không có nguyên nhân “bị cưỡng chiếm” thì không có sự bỏ đi tìm tự do; và nếu không có hành trình tìm tự do thì không bao giờ có cái kết quả là người bị cưỡng chiếm được định cư nơi một quốc gia khác. Khi nhìn một tiến trình như vậy, cái sự nhớ đến đầu tiên phải là cái “nguyên nhân”, thay vì cái kết quả hay cái hình thức đi tìm.
Cái “nguyên nhân bị cưỡng chiếm” xẩy ra từ ngày 30/4/1975 thì là một sự kiện xẩy ra cho hà ng mấy chục triệu người; đến“hành trình tìm tự do” thì số người ít đi chỉ còn vài triệu, và khi đến được bến bờ tự do thì con số đó lại càng ít hơn nữa. Cho nên, gọi ngày 30/4/1975 là ngày Tự Do thì nó có tính cách “cá nhân” hơn, và không trọn nghĩa, vì nó đã quên đi sự kiện là có hàng trăm ngàn người đã phải bỏ mình trên đường tìm tự do. Gọi ngày 30/4/1975 là ngày “hành trình tìm tự do” cũng không trọn nghĩa, vì nó đã bỏ quên hàng triệu người còn ở lại, muốn tìm tự do nhưng không có phương tiện, nhất là phương tiện tiền bạc. Họ vẫn có “hành trình tìm tự do” dù trong dự định hay trong trí tưởng tượng, trong giấc mơ. (Đã có người cho đến năm 2015 mới thực hện được giấc mơ “rời khỏi nước để đến xứ có tự do.)
Khi lên tiếng, gọi ngày 30/4/1975 là ngày gì thì chúng ta phải tìm một danh từ bao gồm được đa số những người có chung một hoàn cảnh, một tâm trạng, và nhất là nói lên một sự thực, mặc dù sự thực đó không xẩy ra cho một số người khác. Thí dụ, có những người cả gia đình rời khỏi nước và định cư trong lãnh điạ xứ tự do trước ngày 30/4/1975, họ bỏ lại tài sản cho thân nhân còn lại, thì họ có thể có “mối hận chung”, mà không có “mối hận riêng”, vì họ và gia đình đã không bị cưỡng chiếm cái gì. Đốí với những người này, có thể họ coi ngày 30/4/1975 là “Hành Trình Tìm Tự Do”, vì cái danh xưng đó phản ảnh đúng những điều đã xẩy ra cho họ. Họ có quyền ăn mừng ngày này, hay tổ chức lễ cám ơn những chính phủ đã tiếp đón họ như là “một nhóm cá biệt”, nhưng không thể dùng danh xưng đó như là một đại diện cho hàng triệu người đã đang và sẽ chịu đựng sự ngược đãi, cưỡng chiếm và tước đọat những quyền và tài sản mà họ đáng lẽ phải có. Những mối hận này không bao giờ mất đi, và ngày này không thể là ngày vui được.
NHỮNG LÝ DO GỌI 30/4/1975 LÀ NGÀY QUỐC HẬN
Tóm lại, ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc Hận” có ý nghĩa nhất cũng như thuận lý nhất vì những lý do sau đây:
1. Ngày đó và những biến cố sau đó do CSVN gây ra cho những công dân VNCH là NGUYÊN NHÂN cho những HỆ QUẢ sau đó: hệ quả “Hành trình tìm tự do” và hệ quả “Tìm ĐượcTự Do”. NGUYÊN NHÂN phải là yếu tố đầu tiên được nhắc đến.
2. Nhắc đến NGUYÊN NHÂN bị cưỡng chiếm là điều thuận tiện nhất để NUNG NẤU Ý NGUYỆN LOẠI TRỪ CSVN. Chỉ nhắc đến cái hệ quả “hưởng thụ tự do” dễ làm cho chúng ta quên đi cái sự toàn dân trong nước đã đang và sẽ bị cai tri dưới sự độc tài độc đảng của CSVN mà cho đến nay chúng ta đều biết cái hậu quả nó tồi tệ thế nào cho đất nước.
3. “HẬN” và “QUỐC HẬN” là tâm trạng của đa số dân chúng miền Nam Việt Nam, và sau này dân chúng miềm Bắc nữa (vì bị CSVN lừa dối đến từ những biến cố cưỡng chiếm của CSVN, ), kể luôn cả những người Việt Tị Nan Cộng sản đang sống khắp nơi trên thế giới. Nó ĐẠI DIỆN được cho đa số, kể cả đa số thầm lặng: những người lính hạ sĩ quan VNCH trở xuống phải ở lại quê nhà, hàng trăm ngàn thương phế binh VNCH, hàng trăm ngàn quả phụ tử sĩ VNCH đã không thể lên tiếng nói hay có điều kiện đi tìm tự do, những người “dân oan” bị tước đoạt nhà cửa, ruộng vườn, nhà thờ, chùa, tài sản suốt từ năm 1975 cho đến 2015.
ĂN MỪNG THÀNH ĐẠT CÁ NHÂN HAY CHIA SẺ NỖI BUỒN CÙNG DÂN TỘC
Chúng ta cho rằng “Ngày Quốc Hận 30/4/1975” có ý nghĩa nhất vì không muốn phủ nhận ý kiến của những người cho rằng ngày này là ngày “Hành Trình Tìm Tự Do”, hay “Hành Trình Đến Tự Do”, nhưng muốn nhấn mạnh rằng: gọi như vậy thì chỉ áp dụng được cho chính trường hợp của họ, hay nhóm của họ mà thôi. Kỷ niệm ngày “có tự do”, nó dễ cho chúng ta “ăn mừng sự thành công” thay vì phải “ngậm ngùi sự mất mát”và dễ bị hiểu lầm là vui sướng bên cạnh sự bất hạnh của những người khác. Không phủ nhận ý kiến của họ vì đó là sự tự do tư tưởng, tự do phát biểu mà chúng ta tôn trọng nơi họ mặc dù không đồng ý với cái nội dung.
PHẢI THAY THẾ NỖI UẤT HẬN BẰNG SỰ QUẬT KHỞI
Trong tinh thần “tị nạn” và “lên tiếng cho những người không thể lên tiếng”, chúng tôi vẫn nghĩ rằng 30/4/1975 là ngày Quốc Hận, tuy vẫn không đồng ý về tính cách tiêu cực của tiếng gọi này mặc dù nó phản ảnh sự thực của lịch sử. Tiêu cực vì chữ những chữ “hận” trong lịch sử hay trong dân gian đều gắn liền với sự thất vọng, mất mát mà người “đeo hận” không bao giờ nguôi (thí dụ” hận mất Chiêm thành của dân Chàm”; “hận đời vì người yêu phụ bạc”; “hận sông Gianh chia rẽ đất nước”,…). Tiêu cực vì nó nói lên sự thụ động và chịu đựng thay vì quật cường và bền bỉ tranh đấu; tiêu cực vì nó không tạo cho chúng ta những vũ khí để làm thay đổi lịch sử, lật đổ CSVN một cách nhanh chóng; tiêu cực vì nó khiến chúng ta chưa thể gọi ngày này bằng một danh xưng khác mà không bị hiểu lầm, một danh xưng không những diễn tả những điều đã xẩy ra, mà còn bao gồm dự phóng cho một tương lai không còn cộng sản. Gọi là dự phóng, vì hàng triệu người Việt đang sống tự do đang và sẽ là một trong những mầm mống của sự tái tạo tự do dân chủ trong Việt Nam. Ngày nào mà chúng ta có một danh xưng “quật khởi” hơn, ngày đó “Quốc Hận” sẽ không còn nữa, vì lúc đó CSVN không còn có thể áp đặt bất cứ một thứ chủ nghĩa hay chính sách vô giá trị nào trên dân tộc Việt Nam.
Bùi Hồng Lĩnh
No comments:
Post a Comment