4/04/2015

Đình công, biểu tình và những lổ hổng đáng lo ngại



Theo dõi nhiều cuộc đình công, đặc biệt là cuộc đình công đang diễn ra tại Pouyuen, Sài Gòn, tôi giật mình nhận ra là phần đông anh chị em công nhân, người lao động Việt Nam quá thật thà, quá xốc nổi và dễ bị rơi vào cái bẫy của công an. Thậm chí, nếu có “cái lõi” của cuộc đình công hay biểu tình tại Pouyuen thì cách sắp xếp hoạt động như vậy sẽ rất dễ rơi vào bẫy của công an, tạo ra cái cớ để họ tha hồ bắt bớ, đánh đập và dập tắt.

Những điểm yếu nằm ở đâu? Và làm thế nào để khắc phục?

Có hai điểm yếu rất cơ bản của người lao động Việt Nam mà nhà nước dựa vào đó để khai thác, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ dập tắt mọi thứ, đó là: Sự nghèo khổ và; chưa bao giờ có tư duy tổ chức.

Ở điểm yếu thứ nhất, người lao động Việt Nam luôn là những người nghèo, ít có ai giàu có, khá giả, và nếu giàu có, khá giả họ đã không đi làm công nhân, không phải cắn răng chịu đựng môi trường làm việc vừa ngột ngạt lại vừa bị ép chế đủ điều, tiền lương ba đồng ba cọc.

Cũng chính vì nghèo nên nhu cầu tối thiết của người lao động Việt Nam bao giờ cũng xoay quanh vấn đề ăn, mặc, ở. Ba vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết ổn thỏa, người lao động loay hoay trong mớ bòng bong cơm áo gạo tiền và nợ nần. Chính vì thế họ chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề dân chủ, nhân quyền và cũng không bao giờ biết rằng đó mới là cái lõi, là động lực kéo họ ra khỏi mớ bòng bong hiện tại.

Và khi quyền lợi cơm áo gạo tiền của người lao động bị xâm hại trực tiếp (như vụ thay đổi luật bảo hiểm xã hội đang diễn ra) thì người lao động sẽ đứng lên, sẽ đình công, sẽ biểu tình để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.

Nhưng mọi sự đòi hỏi, chống đối, đứng lên này đều xoay quanh trục ăn, mặc, ở không phát triển xa hơn được. Chính vì vậy mà nhà cầm quyền, công an thấy ngay điểm yếu của các cuộc đình công, họ chỉ cần khóa ATM, không cho người lao động rút tiền là họ đạt được 50% thắng lợi. Đương nhiên là cách làm này của nhà cầm quyền miễn bàn về độ bẩn cũng như thủ đoạn. Vấn đề ở đây là người lao động đã không lường trước được thủ đoạn này, dễ dàng bị sập bẫy. Và cho đến bây giờ, người lao động vẫn chưa có hướng kiện về vấn đề khóa ATM từ phía nhà nước trong khi họ có đủ quyền đề làm điều này. Vấn đề này cần có một luật sư chuyên vấn.

Ở khía cạnh thứ hai, người lao động Việt Nam chưa bao giờ có tư duy tổ chức. Điểm này, rất dễ nhận thấy, phần đông người lao động Việt Nam đều có gốc gác nông nghiệp, tính cách lãng đãng bờ tre thửa ruộng, con trâu cái cày, sương sớm chiều tà vốn dĩ ăn sâu trong huyết quản. Đương nhiên là khi làm việc cho hệ thống các công ty công nghiệp, người lao động Việt Nam phải chấp nhận thay đổi theo những ứng xử công nghiệp nhưng chắc chắn là khó, rất khó để họ hình thành một loại tư duy logic, biết tổ chức, xếp đặt một cuộc đình công cho bản thân và cho cộng đồng.

Cuộc đình công ở Pouyuen và nhiều cuộc đình công khác đều do bức xúc về quyền lợi, phẩm hạnh nhưng không phải tự thân nó bộc phát, không phải do Công đoàn lao động Việt Nam của nhà nước CSVN đứng ra khởi xướng mà do những nỗ lực của các nhà hoạt động, đấu tranh cho quyền của người lao động thuộc các tổ chức nước ngoài khai sáng và giúp người lao động nhận ra họ đang mất gì, họ sẽ được gì khi đình công, biểu tình.

Rất tiếc, vì những nhà hoạt động này không thể trực tiếp tham gia đình công hoặc chỉ huy, sắp xếp cuộc đình công theo chiều hướng thành công. Nếu họ xuất hiện không khéo léo, họ sẽ là người bị công an bắt đầu tiên. Chính vì vậy mà các cuộc đình công đều thiếu cái lõi tư tưởng, dễ bạo động và dễ rơi vào vô hướng, bị bẫy thành một đám đông lộn xộn.

Quan sát cuộc đình công, biểu tình Pouyuen. Khi công an, cảnh sát và dân phòng xuất hiện, xua đuổi người lao động, bên phía công nhân liền la ó phản ứng, có người hô: “Trả tiền cho người lao động, cướp à!”. Thái độ phản ứng nhằm giữ vững vị trí đình công, biểu tình là tốt nhưng cách hô như vậy cho thấy người biểu tình, đình công vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa việc mình đình công. Nếu như toàn bộ công nhân hô to khẩu hiệu “Bỏ luật bảo hiểm xã hội mới! Đảm bảo quyền lợi người lao động!” thì mọi chuyện lại khác!

Hoặc là khi công an trấn áp một vài người phía trước, những người đứng sau người bị trấn áp biết họ phải làm gì. Họ có thể vừa bảo vệ người bị trấn áp, vừa hô to: “Không được phép đánh người, không được phép xâm phạm người!”. Và tiếng hô cộng hưởng của hàng chục ngàn công nhân sẽ là loại vũ khí cực mạnh, mạnh hơn cả hơi cay, dùi cui, thậm chí súng đạn.

Một khi những tiếng hô cộng hưởng của hàng chục ngàn con người vang vọng, nó không những thấu tận trời Tây mà nó còn thấu tận trời xanh, nó khiến cho kẻ thủ ác phải chùng tay, mọi bạo lực sẽ bị tiêu trừ đến mức thấp nhất có thể. Nhưng không, chính vì không có cái lõi tổ chức nên cuộc đình công, biểu tình ở Pouyuen sớm bị mắc bẫy mặc dù vẫn chưa dừng.

Cái bẫy thứ nhất như đã nói, các cột ATM bị khóa, điều này tạo phản ứng dây chuyền trong cuộc đình công, tâm lý lo sợ thiếu tiền để mua gạo, thiếu tiền chi tiêu sẽ nhân rộng trong giới lao động. Cái bẫy thứ hai, khi công an bắt người, những lao động hô những nội dung bị lạc đề (?), không hiểu những người hô có thực sự là người lao động đang đình công, biểu tình hay là thành phần khác chen lẫn vào để tìm cách phá rối?! Và trong cái bẫy thứ hai, công an đã kích hoạt được tâm lý đám đông của người lao động, họ cho dân phòng tới gây sự, sau đó nhập nhằng chờ cho người lao động nổi giận, gỡ bỏ barie, thì họ vờ bỏ chạy để các công nhân ùa theo, cảnh diễn ra như đang rượt đuổi, như là công nhân đang chiếm thế thượng phong.

Trên thực tế, đó là những cái bẫy của công an sắp đặt cả. Thế thượng phong của người lao động nằm ở chỗ họ đã đình công, biểu tình đúng tinh thần pháp luật Việt Nam hiện hành, không bạo động và họ bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Bằng chứng của việc này chính là luật bảo hiểm xã hội mới 2014, sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2016 có những qui định vô lý, gây bất lợi cho người lao động.

Và trên thế thượng phong đó, người lao động phải đạt được những thương thuyết, đạt được những cam kết từ phía nhà cầm quyền, người lao động phải hiểu được nhà cầm quyền là ai, họ đã hứa nhăng hứa cuội bao nhiêu lần rồi, thương thuyết cũng như lời hứa của họ phải được giải quyết bằng văn bản cam kết trong thời gian đình công, biểu tình.

Nếu không đạt được những yêu cầu đó, nghe vài ông quan đứng lên hứa nhăng hứa cuội theo kiểu “Chúng tôi sẽ đề nghị… Chúng tôi sẽ kiến nghị…” thì không đi đến đâu cả. Vì bản chất của lời hứa “chúng tôi sẽ” chỉ cho thấy 50% khả năng họ biến lời hứa thành hiện thực. Đó là chưa nói đến các “kiến nghị” của họ chả là gì cả trong cái cơ chế họ đang phục vụ. Chính vì vậy, vấn đề quyền lợi của người lao động cần được giải quyết bằng văn bản cụ thể ngay trong các cuộc đình công.

Đừng bao giờ ngưng đình công vì mấy lời hứa để rồi khi vào làm việc, bạn sẽ là đối tượng được nhắm đến của công an với tội danh “phá rối trật tự công cộng” hoặc “dẫn đầu, tổ chức biểu tình”… Không còn cách nào khác là phải đạt bằng được những kết quả thương thuyết có lợi cho người lao động bằng văn bản cụ thể ngay trong lúc đình công và biểu tình đang diễn ra.

VietTuSaiGon






dv

No comments:

Post a Comment