NMVN đăng lại bài này, được đăng lên từ nhiều báo Việt ngữ ngoài nước. Không biết bao nhiêu trong trên 800 báo "lề phải" trong nước sẽ đăng tin này, hay lại là "bí mật quốc gia" cần phải che dấu.
nmvn
Muốn được viện trợ, CS Việt Nam phải trả lại tiền nhận hối lộ
Lãnh đạo CSVN tham nhũng, vơ vét đã trở thành căn bệnh nan y. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này lan tỏa khắp mọi ngỏ ngách trong các cơ quan chính quyền Việt Nam.
Mô hình tuyến đường sắt đô thị trên cao Metro số 1 do Nhật Bản viện trợ bằng vốn ODA. Ảnh: An ninh tiền tệ
Cali Today News - Thật mất mặt khi một tổ chức của Nhật Bản lại báo động cho Chính phủ Việt Nam biết rằng, họ sẽ ngừng viện trợ cho Việt Nam, nếu phía Việt Nam không minh bạch, cứ tiếp tục nhũng nhiễu, đục khoét, tham nhũng từ nguồn vốn ODA mà nước này viện trợ. Biết đến khi nào quan chức Việt Nam mới biết đến liêm sĩ để khỏi khỏi làm dơ bẩn bộ mặt quốc thể?
Đó là những gì nhìn thấy được tại cuộc họp báo giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vào ngày 1/4/2015. Trong cuộc họp này, trả lời phóng viên báo chí, ông Yamamoto Kenichi, phó đại diện JICA đã nói rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ ngừng cung cấp ODA nếu Việt Nam còn nhận hối lộ.
Sở dĩ, ông Kenichi nói như vậy vì liên quan đến vụ Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) muốn nhận được hợp đồng tại công trình ở Việt Nam, Tập đoàn này đã phải hối lộ rất nhiều quan chức ngành đường sắt Việt Nam. Đây là khoản viện trợ ODA mà phía Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam làm dự án đường sắt đô thị trên cao. Vào tháng 3/2014, báo chí Nhật Bản phanh phui Chủ tịch JTC của Nhật đã hối lộ một quan chức Việt Nam đến 80 triệu Yen (tương đương 16 tỷ đồng). Ngay sau đó, phía công an Việt Nam đã cho điều tra và bắt giữ 6 người, đáng kể là ông Trần Quốc Đông (nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).
Nhưng đó chưa phải là vụ đưa, nhận hối lộ duy nhất bị phanh phui. Trước đó, vào năm 2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ lúc đó đang là phó giám đốc Sở Giao thông thành phố Sài Gòn bị đình chỉ công tác vì liên quan đến đường dây nhận hối lộ để được đấu thầu làm công trình Đại lộ Đông-Tây (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt). Bên đưa hối lộ là Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI). Đến tháng 2/2009, công an đã ra lệnh bắt ông Sỹ. Theo phía công tố của Nhật, tổng số tiền mà phía PCI đã đưa cho ông Sỹ là 2,43 triệu Mỹ kim.
Ông Trần Quốc Đông, người đã bị bắt vì nhận hối lộ 16 tỷ từ phía Nhât đến nay vẫn chưa đưa ra tòa.
Ảnh: Dân Trí
Chính những vụ hối lộ đình đám bị phanh phui, người dân Nhật đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ phải cân nhắc trong việc viện trợ cho phía Việt Nam.
Tờ Dân Trí dẫn lời ông Kenichi nói: "Tôi cũng tha thiết mong đây là vụ cuối cùng bởi nếu xảy ra lần thứ 3, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ việc lần này, cả 2 phía đều phải bắt tay nhau vào thực hiện nghiêm túc. Nếu không thì sẽ không còn lối thoát nào nữa".
Bên cạnh đó, ông Kenichi còn cho biết thêm sẽ tiếp tục viện trợ vốn cho Việt Nam tiếp tục làm dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Metro số 1. Nhưng ông này còn cho biết thêm, sẽ chỉ được viện trợ một khi phía Chính phủ Việt Nam hoàn trả lại số tiền "lót tay" mà lãnh đạo Đường sắt Việt Nam đã nhận trước đó.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ ra tòa bị tuyên án chung thân vì đã nhận số tiền lên đến 2,43 triệu Mỹ kim từ vốn ODA. Đến nay, tài sản của ông Sỹ vẫn chưa được chính quyền tiết lộ. Ảnh: Kiến Thức
Trong trường hợp tiếp tục cung ứng vốn cho tuyến đường sắt đô thị, phía JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hình thành một cơ chế giám sát. Cơ chế mới này sẽ áp dụng bên thứ 3 độc lập giám sát và đưa ra đánh giá trong quá trình khai triển dự án. Điều này đồng nghĩa rằng, phía Nhật Bản không tin tưởng phía Việt Nam, họ nghi ngờ số tiền viện trợ sẽ lọt vào túi các quan tham.
Đại diện JICA cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã có đến 20 năm liên tục nhận nguồn vốn ODA từ Nhật, và vấn đề mà cơ quan này quan tâm là trong bao lâu nữa thì Chính phủ Việt Nam mới thôi không nhận ODA. Phía Nhật Bản hy vọng thời gian tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam không còn phải kéo dài, có thể là 5 năm hoặc 10 năm là phía Việt Nam quyết định nhưng Việt Nam đến lúc phải nghĩ đến việc thôi nhận viện trợ ODA của Nhật.
Cho dù phía Nhật Bản đã nói thẳng là yêu phía chính quyền Việt Nam phải trả lại số tiền quan chức đường sắt Việt Nam đã nhận hối lộ, nhưng họ sẽ trả bằng cách nào? Công khai hay bí mật? Hỏi cũng là tự trả lời vậy.
Người Quan Sát
No comments:
Post a Comment