5/03/2021

Ngày Mai Viet Nam Trở Lại

NMVN đã vắng bóng được trên 3 năm, quê hương và thế giới đã và đang trải qua nhiều thay đổi, cũng như chúng ta có lẽ cũng trải qua nhiều kinh nghiệm vui buồn trong cuộc sống. Một điều vẫn không thay đổi là một số bạn đọc cứ vẫn vào thăm trang NgayMaiVietNam dù chủ nhà vắng bóng. NMVN xin cám ơn tấm chân tình của quý bạn.


Có người đi vắng cửa không cài
Sân trước vườn sau chẳng thấy ai
Vùi trong tro bếp than còn ấm
Có lẽ người về trong nay mai

Chiếc võng chiều hoang ngồi im mãi
Đưa đời lên xuống thoảng hương ai
Áo cơm còn nặng trong tay nải
Buông nghỉ cho đời nhẹ đôi vai

Không biết người còn trở lại đây
Hay theo cơn gió lạc đường mây
Nhà riêng một bóng ngồi mong đợi
Gợi lửa cho lòng ấm phút giây


2/13/2018

Văn Tế 50 Năm Cộng SảnThảm Sát Dân Huế Tết Mậu Thân

Thân chào quý bạn,

Thời gian qua, vì lý do riêng, nmvn đã không thể đến với bạn đọc được. Xin chân thành cám ơn quý bạn cũng vẫn vào thăm nmvn, nhất là quý bạn đang ở trong Việt Nam.

Tuần tới đây là đúng 50 năm ngày CSVN đã đánh lừa VNCH và đồng minh khi mở một chiến dịch tổng tấn công khắp nơi sau vĩ tuyến 17 trong những ngày Tết Mậu Thân, ngày mà CSVN tự động đề nghị ngưng chiến (trong 3 đến 7 ngày) để dân ăn tết, và VNCH cũng như Mỹ và đồng minh đã đồng lòng.

CSVN đã thảm sát dân lành nhiều nhât là ở Huế, mà cho đến nay CSVN vẫn không nhận là họ đã là thủ phạm gây ra mặc dù đã có nhiều bằng chứng. Tuần vừa qua, Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong một video xin lỗi, đã thừa nhận một trong những lỗi lầm của CSVN trong trận Mậu Thân ngoài Huế, là "quân đội cách mạng" đã giêt nhiều người dân.

Xin gửi bạn đọc một bài Văn Tế để tưởng nhớ những nạn nhân của sự thảm sát do CSVN gây ra năm 1968:


Văn Tế 50 Năm Cộng SảnThảm Sát Dân Huế
Tết Mậu Thân

Trời đất thảm vẫn bao trùm xứ Huế
Năm mươi năm u uất vạn oan linh
Người thân quen vẫn vật vã thân mình
Lòng đau xót vẫn ngập đầy thương nhớ

Nhớ xưa
Lúc trận chiến đang đến hồi quyết liệt
Thịt xương tan, máu đổ xuống hàng ngày
Để tạm thời ngưng máu đỏ tuôn rơi
Các phe nhóm đã đồng lòng ngưng chiến
Ba ngày tết sẽ không còn binh biến
Sẽ đón xuân lòng cảm tạ đất trời

Nhớ xưa
Đêm ngày xưa năm ấy
Đón đêm xuân, hoa quả với hương đèn
Lòng thành khẩn kính dâng lên tiên tổ
Nước thanh bình
Dân bớt khổ
Nhà nhà được yên ấm đoàn viên

Nào ngờ
Loài quỷ đỏ
Bội lời, phản hứa
Đã lừa dân khi khai hỏa tấn công
Hung hăng giết không chừa ai mạng sống

Dân hốt hoảng không biết đâu hư thực
Tưởng tiếng đạn là muôn vàn tiếng pháo
Cho đến khi máu đổ thịt rơi
Giặc vào nhà đem bắn giết từng người
Và bịt mắt trói tay
Trong đêm khuya đẩy người vào chỗ chết
Chỉ Huế thôi, 6000 dân vô tội
Bị chôn vùi tập thể quá đau thương
Xác đào lên, thân vẫn trói trọi xương
Xác đào lên, đầu óc vỡ tang thương
Xương chất cao tưởng chừng hơn núi Ngự
Máu nhuôm sâu đỏ thẫm đáy sông Hương

Nhưng oai hùng thay
Giặc dù muốn nhưng không bao giờ được Huế
Tạm chiếm thôi lại phải kéo nhau đi
Không những Huế mà khắp miền đất nước
Ngọn cờ vàng phất phới đón xuân sau
Dân dù chết, dù tuôn đổ máu đào
Lại cùng sống, cùng nhìn cao ngẩng cổ
Xây nhà mới trên hoang tàn đổ vỡ
Dân và quân tình nghĩa đậm bên nhau

Xuân năm nay
Bên phía trời Đông
Loài quỷ đỏ vẫn ăn mừng ngày bội hứa
Ngày thiêu thân định chiếm trọn miền Nam
Nhưng đã chết trên trăm ngàn binh lính
Thêm dân lành thành hàng vạn vong linh

Xuân năm nay
Xin hương linh tiên tổ
Hương linh người đã chết năm xưa
Mà máu đỏ đã thấm vào đất Huế
Mà thịt xương đã thấm đất lòng quê
Biến uất hận máu xương thành đất đai mầu mỡ
Và oan khiên nở hoa trái tự do
Biến mồ mả hoang liêu thành trường thành giữ nước
Giúp giống nòi rèn tâm chí quật cường
Để muôn đời theo sóng nước sông Hương
Chỉ dân Việt mới theo thuyền ra biển lớn
Giữ giang sơn xa mãi tận Trường Sa

Thương thay
Hôm nay
Với tấm lòng thành, người xa xứ xin tâm thành khấn nguyện:

Hồn hãy thoảng theo từng làn hương khói
Bát cơm này hạt ngọc khóc vong linh
Chốn quê xưa Đất ôm ấp thân mình
Hồn yên nghỉ Nước muôn đời bảo bọc

Thượng Hưởng



BHL
2/10/2018

10/29/2017

BẢN CHẤT CỦA SỰ “TRÙNG TU NGHIÃ TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ”

Bùi Hồng Lĩnh
10/29/2017


Một số bản tin mới nhất về hoạt động của VAF liên quan đến sự “trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà” đã được đăng tải trên nhiều tờ báo. Người viết xin đóng góp vài nhận xét và ý kiến sau đây:


1. Định nghĩa “trùng tu”: “Trùng tu” (động từ) là hành động có tính cách sửa chữa, mang lại hình thể như cũ của một vật gì, một cơ sở gì có hình dạng thường thì to lớn, có tính cách quan trọng và có thể liên quan đến lịch sử trên nhiều phương diện như văn hóa, xã hội, tôn giáo,và chính trị.

2. Nếu chúng ta đồng ý với định nghĩa trên về “trùng tu” thì khi áp dụng vào trong trường hợp sự trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội ỏ Biên Hòa (NTQDBH), điều trước tiên chúng ta cần biết là NTQDBH này đã bị hư hại gì mà cần phải được trùng tu. Xét trong khía cạnh tinh thần và ký ức người dân đã sống trong thể chế VNCH thì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vẫn còn hiện diên, nhưng nếu xét theo thực tế thì có 3 nhận xét sau đây chứng tỏ rằng NTQDBH đã bị hủy hoại rất nhiều, và sau 2 năm trùng tu, người dân đã đến NTQDBH trước năm 1975 bây giờ quay lại, khó có thể nhận ra nghĩa trang này:

a) Thứ nhất, không nơi nào có bảng đề hay danh hiệu NTQDBH nữa. Nếu một người con cháu của những ngôi mộ cha ông về thăm NTQDBH thì sẽ không còn dấu bảng hiệu, chữ viết gì của nghĩa trang này. Nghĩa trang này đã bị đổi tên thành “Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An” do một Nghị định của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 27 tháng 11, 2006.

b) Thứ hai, những ngôi mộ của cố quân nhân VHCH đã bị thay đổi rất nhiều, trên 1/3 bị đào lên, nhiều ngôi mộ không còn dấu vết người chết, nhiều hãng xưởng hay cơ quan qụân, tỉnh đã xây dựng cơ sở trên nhiều ngôi mộ.

c) Thứ ba, những biểu tượng của NTQDBH đã không còn nguyên vẹn: Nghĩa Dũng Đài bị cắt 16 mét, từ 36 xuống còn 20 mét cao. Đền thờ Tử Sĩ bị gọi là Đền Liệt Sĩ, Tượng Người Lính Vô Danh bị phá hủy hoàn toàn

3. Nếu trùng tu hiểu theo nghĩa trên thì những sự sửa chữa đã hoàn tất không thể gọi là NTQDBH đã được trùng tu:

Điểm quan trọng nhất là cái tên “NghĩaTrang Quân Đội” đã không còn nữa và bị thay thế bằng cái tên khác”Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An”. Dưới thời VNCH, có nhiều Nghĩa Trang Quân Đội ở một số tỉnh lớn, mà Biên Hòa là một trong những tỉnh được xây dựng nghĩa trang cho tử sĩ VNCH. TT Nguyễn Tấn Dũng (NTD) khi mang thêm chữ “Nhân Dân” vào tên Nghĩa Trang Bình An có thể có dụng ý là thay thế chữ “Quân Đội”. NTD có thể đã không thể dứt khoát bỏ hẳn sự “có mặt” của 18,000 ngôi mộ cố quân nhân của Quân Đội VNCH cho nên gồm họ chung vào danh từ “Nhân Dân” vì nhân dân bao gồm mọi thành phần dân chúng. Nói là dụng ý vì rất ít khi có danh từ “Nhân Dân” trong tên của các nghĩa trang. Dưới đây là hình ảnh danhxưng cũ và mới của NTQDBH:




Sự đổi tên nghĩa trang này phản lại hoàn toàn bản chất của sự “trùng tu”. Thí dụ, sau khi sửa sang “Hồ Hoàn Kiếm” ở Hà Nội, chúng ta lại đặt cho nó cái tên khác như “Hồ Nhân Dân Hà Nội” thì không những cái tên mới này đánh mất tính cách lịch sử của sự tích “rùa trả lại kiếm”, mà còn làm mọi người không biết hồ này là hồ nào, cho đến khi được giải thích. Đó là chưa kể sự vô lý và nhiều ẩn ý của sự đổi tên. Và như thế, người ta không có quyền gọi sự sửa sang Hồ Hoàn Kiếm này là sự trùng tu Hồ Hoàn Kiếm được.

Cũng thế, cho đến khi cổng vào nghĩa trang này có chữ Nghĩa Trang Quân Đôi sau khi hoàn tất sự trùng tu, thì sự trùng tu này mới có chính danh và đúng nghĩa. Tuy nhiên, vì sự “tế nhị” của chính trị, và cũng có thể do sự “hòa hợp hòa giải với chính phủ Hoa Kỳ và nhóm VAF để đạt được một số quyền lợi”, CSVN cũng có thể làm bảng với tên là “Nguyên là Nghĩa Trang Quân Đôi Trước 1975” nơi khu của trên 10,000 ngôi mộ tử sĩ VNCH sẽ được gôm vào một chỗ.

Điểm quan trọng thứ hai, là tên của đền thờ vong linh những người đã chết. Tên của đền này trước năm 1975 được gọi là Đền Tử Sĩ. Sau khi sửa chữa, được CSVN gọi là Đền Liệt Sĩ. VNCH có lý do để chỉ gọi là Đền Tử Sĩ (người đã chết – Sĩ có thể được chỉ Quân Nhân) vì nghĩa trang này đã có NGHĨA DŨNG ĐÀI cao 36 mét để nói lên lòng ngưỡng mộ với sự anh dũng làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tổ quốc của quân nhân cán chính VNCH, không cần ca tụng người lính đã chết một lần nữa. Chỉ có CSVN gọi những người lính đã chết là Liệt Sĩ, và gọi tên cái đền Tử Sĩ này là Đền Liệt Sĩ thì không đúng theo lịch sử. Đó không phải là sự trùng tu, mà là thay đổi. Dưới đây là bản vẽ tổng quát của dự án trùng tu NTQDBH của CSVN với chữ “Đài Liệt Sĩ” thay thế cho “Đền Tử Sĩ”


Điểm quan trọng thứ ba là sự dựng lại Tượng Thương Tiếc ngay cổng vào NTQDBH thời trước 1975 sau khi bị giật đổ năm 1975. Chúng ta tin chắc là sẽ không có chuyện dựng lại tượng Tiếc Thương này và như vậy sự trùng tu NTQDBH sẽ không xẩy ra theo đúng nghĩa của nó.





Điểm quan trọng thứ tư là sự trùng tu Nghĩa Dũng Đài, đã bị cắt đi 16 (từ 36 xuống còn 20 mét) chiều cao. Chiều cao này biểu tượng cho thanh gươm mà những ai còn nhớ khi trong quân trường huấn luyện, thanh gươm được đeo ngang người tốt nghiệp thủ khoa và á khoa, và chào gươm là biểu tượng cho lời thề bảo vệ tổ quốc. Cắt đi gần một nửa lưỡi gươm và không xây lại, không thể gọi là trùng tu được. Sau đây là những hình ảnh về Nghĩa Dũng Đài cùng Chào Gươm:





Một điều mà VAF đang làm mà được CSVN cho phép, đó là sửa sang lại những ngôi mộ của tử sĩ VNCH mà CSVN cho phép theo tính cách “nhân đạo”. VAF nói là họ đã sửa sang lại nhiều ngàn ngôi mộ thời trước 1975 và mỗi ngôi mộ còn lại sẽ cần khoảng 60 US dollars để hoàn tất. Nếu còn khoảng 10,000 ngôi mộ cần sửa sang thì chi phí sẽ là $600,000, một số tiền không lớn để phải cần đến sự bàn cãi và nhúng tay của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ đóng góp số tiền $600,000 ngàn đó? Và tại sao người Việt ở nước Mỹ hàng năm tự nguyện đóng góp trên $1,000,000 cho thương binh VNCH tại quê nhà, lại không có thể đóng góp $600,000 cho việc tu sửa những ngôi mộ tử sĩ VNCH?

Cộng đồng Việt Nam ngoài nước đã thể hiện sự không đồng ý với sự kêu gọi trùng tu NTQDBH do VAF chủ trương và kêu gọi, vì họ nghi ngờ sự trùng tu này khi chính quyền Việt Nam đã làm mất đi cái tên Nghĩa Trang Quân Đội và thay vào đó bằng một cái tên có tính chất địa phương.

Một dự án nữa của tổ chức VAF liên quan đến việc tìm kiếm và di hài về NTQDBH những quân cán chính VNCH đã bị chết trong những trại giam của CSVN sau năm 1975. Có lẽ đó là một lý do khiến VAF cần có sự lên tiếng của Quốc Hội Hoa Kỳ, và cần có sự hợp tác, cho phép của chính phủ Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ đóng góp tiền và phương tiện, Việt Nam sẽ đóng góp địa điểm của những trại giam cùng danh sách của những người tù đã chết. Nói là “có lẽ” vì chúng ta chưa có dịp tìm hiểu chi tiết những dự án do VAF nộp cho chính quyền Việt Nam và quốc hội Hoa Kỳ.

Một trong những mục tiêu chính của VAF khi hoạt động là đem lại sự hoà hợp hoà giải (reconciliation) giữa các phía trong trận chiến trước 1975, và những ngôi mộ của tử sĩ VNCH trong Nghĩa trang Quân Đội cũ cùng những ngôi mộ của người tù trong ngoài những trại giam “cải tạo” là một chiêu thức được xử dụng.

Nhiều điều chúng ta chưa hiểu rõ về chuyện trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội (VNCH) ở Biên Hòa này. “Trùng tu” có phải là chữ dùng chính xác không? Ai sẽ được lợi trong sự trùng tu này? Có phải những người đã nằm yên dưới lòng đất? Một điều chúng ta cần lưu ý, có lẽ rất nhiều những ngôi mộ đó không phải là nhân dân Bình An. Người viết bài này biết điều đó, vì chính người viết đã trực tiếp thăm xác và đưa quan tài 3 người quen biết là sĩ quan trong quân lực VNCH đến mộ phần trong NTQDBH. Họ sinh trưởng ở Sài Gòn và Đà Nẵng.

9/09/2017

Đừng tưới nước lên gốc cây rã mục (phản biện bài viết của GS Tương Lai)

Trần Trung Đạo
9/8/2017





Giáo sư Tương Lai, trong bài viết Vietnam’s Overdue Alliance With America đăng trong mục Ý Kiến của Nytimes.com và bản tiếng Việt Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ do Liêm Nguyễn dịch đăng trên nhiều trang web tiếng Việt, đã lấy làm tiếc khi nhiều cơ hội đã bị bỏ qua cho một liên minh Việt Mỹ.

Lần đầu do cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) “giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối năm 1944”. Và cơ hội khác khi TT Truman không phúc đáp các lá thư của Hồ Chí Minh “bày tỏ lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam” đối với “dân tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm thấy bị lôi cuốn”.

Tôi không dám phê bình trình độ chính trị học của giáo sư Tương Lai nhưng sẽ ngạc nhiên nếu ông thật sự tin rằng nếu lúc đó TT Truman đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh và quân đội Mỹ, giống như OSS từng làm, yểm trợ Việt Nam để phục hồi nền độc lập, xây dựng đất nước thì Việt Nam đã là một quốc gia dân chủ, tự do chứ đâu phải bị nô lệ trong ý thức hệ cộng sản (CS) và bị Trung Cộng đè đầu cưỡi cổ như hiện nay.

Giáo sư Tương Lai bỏ qua mối quan hệ “tuy hai mà một” giữa Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Trung Quốc (CSTQ) như vô số tài liệu cho thấy và cũng không nhắc đến những khả năng gì sẽ xảy ra với liên minh Mỹ Việt sau khi CSTQ đã chiếm hết lục địa Trung Hoa năm 1949.

Quan điểm của giáo sư Tương Lai cũng có thể gây cho người đọc hiểu lầm rằng Hồ Chí Minh không hẳn là người CS và chỉ trở thành người CS khi không có chỗ dựa nào khác trong cuộc chiến chống thực dân Pháp mà quên đi sự kiện chính Hồ Chí Minh từ tháng 2 năm 1920 đã “vui mừng đến phát khóc” khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin.

Lý do TT Truman không đáp ứng thư của Hồ Chí Minh

Theo tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, tổng số gồm 11 lá thư Hồ Chí Minh gởi TT Truman, Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lá thư thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng Hai năm 1946.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, đã điện đàm với Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là CS.

Không những thế, ông Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là CS”.

Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân chủ nắm giữ.

Khi George M. Abbott hỏi có hay không có một đảng CS tại Việt Nam, Hồ Chí Minh thừa nhận là trước đây có nhưng đã giải tán mấy tháng trước rồi. Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là những câu nói dối.

Ngày 12 tháng Ba năm 1947, TT Harry Truman xin quốc hội chuẩn chi ngân sách 400 triệu Mỹ kim để viện trợ vũ khi cho chính phủ Cộng hòa Hy Lạp để đánh bại phiến loạn CS và để giúp hiện đại hóa quân đội Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với đe dọa quân sự của Liên Xô.

Ngăn chận làn sóng CS trên phạm vi thế giới là trọng tâm của Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine). Lẽ ra, những lá thư của Hồ Chí Minh là cơ hội hiếm hoi để Truman đóng nút sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở Đông Nam Á qua ngả Trung Quốc. Nhưng không. TT Truman không đáp ứng vì chính phủ Mỹ biết rõ rằng Hồ Chí Minh và đảng CS Việt Nam là một bộ phận Đông Dương của đệ tam quốc tế CS chứ chẳng quốc gia dân tộc gì.

Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường.

Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật từ bỏ đảng CS.

Niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa CS đã đóng đinh vào nhận thức của các tầng lớp lãnh đạo CSVN. Cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Dòng lịch sử đầy tang thương của đất nước diễn ra từ đó đến nay qua các đợt khủng bố tiêu diệt các đảng phái quốc gia, Cải Cách Ruộng Đất, đày ải nhiều trăm ngàn công nhân viên chức VNCH, đưa đất nước vào ngõ tối độc tài lạc hậu đã cho thấy nhận định của chính phủ Truman về Hồ Chí Minh và đảng CSVN là đúng.

Năm 1954, vừa chiếm được nửa nước, chưa có một ngày ổn định và đời sống người dân miền Bắc còn quá sức nghèo, trung ương đảng CSVN đã nghĩ đến việc chiếm nửa nước còn lại. Có tổng tuyển cử? Tốt, đảng sẽ chiếm miền Nam mà không tốn nhiều xương máu. Không có tổng tuyển cử? Không sao, đảng vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng súng đạn Nga, Tàu. Dù qua phương cách gian lận bầu cử, khủng bố cử tri hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN.

Trung Cộng muốn gì?

Hôm nay, hoàn cảnh chính trị thế giới đã thay đổi. Việt Nam đang đứng trước một đế quốc thực dân mới và lần này là chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng. Như người viết đã phân tích trong các bài trước, Trung Cộng muốn Việt Nam:

- Hoàn toàn lệ thuộc về cơ chế chính trị và tư tưởng.

- [Là] Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.

- Trung Cộng độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng Biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.

Nội dung của mật ước Thành Đô không được công bố, tuy nhiên, các diễn biến kinh tế, chính trị và quốc phòng cho thấy ba điểm nêu trên là ba yêu sách chính mà Trung Cộng đã đưa ra trong các phiên họp vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Về mặt kinh tế chính trị: Khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Về mặt quốc phòng: Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc phòng “ba không”: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Đây là một chính sách quốc phòng tự sát vì chỉ có lợi cho Trung Cộng. Việt Nam là một nước nhỏ, và cũng chính vì là một nước nhỏ, những người lãnh đạo lẽ ra phải biết từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại, biết nâng cao vị thế quốc gia trong bang giao quốc tế, biết linh động trong việc mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, gần và xa để tạo thế đứng thuận lợi trong hòa bình và chiến lược trong chiến tranh.

Trong Thế chiến thứ Hai, trong số 20 quốc gia châu Âu tuyên bố trung lập chỉ có 6 quốc gia là không bị lôi kéo vào chiến tranh. Sáu quốc gia này may mắn không phải nhờ Hitler tôn trọng lời tuyên bố mà chỉ vì không nằm trên trục tiến quân của các sư đoàn Panzer Đức, rất tốn kém để chinh phục như trường hợp Thụy Điển, hay vì vị thế chính trị có lợi cho khối trục mà không cần đánh chiếm như trường hợp Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Francisco Franco.

Để làm nhẹ áp lực Trung Cộng, Việt Nam cần có liên minh. Vâng, nhưng liên minh được với Mỹ trong vị trí tương xứng với Nam Hàn, Nhật Bản chỉ là giấc mơ ngày. Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có xung đột với Trung Cộng về ảnh hưởng kinh tế chính trị và cả quân sự trong vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có phê bình, lên án chính sách bá quyền Trung Cộng đối với các nước nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương? Có. Tuy nhiên, với quan hệ kinh tế tài chánh quá lớn và vô cùng phức tạp giữa hai cường quốc này như hiện nay, ngoại trừ xung đột sâu sắc, trầm trọng và trực tiếp về quyền lợi của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Trung Cộng và Việt Nam hay Trung Cộng và một quốc gia nào đó của ASEAN. Trung Cộng hiểu được điều đó nên theo đuổi chính sách gặm nhấm từng mảnh nhỏ tài nguyên của Việt Nam, bao vây kinh tế Việt Nam, và tránh né việc quốc tế hóa các xung đột với Việt Nam và các nước trong vùng.

Nỗi sợ lớn nhất của Trung Cộng

Như người viết đã phân tích trong bài Để thắng được Trung Cộng, chính sách tuyên truyền thâm độc và bưng bít thông tin tuyệt đối tại Trung Cộng cho thấy mối lo sợ lớn nhất của lãnh đạo CSTQ là ánh sáng dân chủ. Trung Cộng không ngại mấy chiếc tàu ngầm kilo mà rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Việt Nam có dân chủ trước Trung Cộng là cách tốt nhất để vô hiệu hóa sự lệ thuộc vào Trung Cộng về mặt cơ chế chính trị và tư tưởng. Độc lập chính trị là tiền đề dẫn đến độc lập chủ quyền lãnh thổ.

Với Trung Cộng, việc giải quyết xung đột lãnh thổ gắn liền với nhu cầu ổn định nội bộ. Theo nghiên cứu của M. Taylor Fravel trong tác phẩm Strong borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China‘s Territorial Disputes, trong thập niên 1960, lãnh đạo Trung Cộng nhân nhượng lãnh thổ với hàng loạt quốc gia nhỏ như Burma, Nepal, Mongolia, Bắc Hàn, Pakistan và Afghanistan chỉ vì họ cần tập trung vào việc ổn định vùng biên giới phía Bắc sau cuộc xâm lăng Tây Tạng và giải quyết nạn đói sau chính sách Bước tiến nhảy vọt đầy thảm họa của Mao.

Con đường giành lại được Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là con đường dài, đầy kiên nhẫn, khai thác mọi khó khăn, mọi nhược điểm của Trung Cộng, nhưng dù làm gì cũng phải bắt đầu từ độc lập về cơ chế chính trị. Không có con đường nào khác. Như người viết đã nhấn mạnh nhiều lần, một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đừng hoài công tưới nước lên gốc cây rã mục

Ba mươi chín năm qua, không chỉ đất nước đứng trước ngã ba mà nhiều người Việt quan tâm cho đất nước cũng đang đứng trước ngã ba. Không ít người, ngoài miệng lớn tiếng phê bình đảng nhưng trong đáy lòng vẫn nghĩ chỉ có đảng CS mới thay đổi được hướng đi của đất nước. Vì thế họ mãi loay hoay, hy vọng, chờ đợi trong mỏi mòn một bình minh không bao giờ đến.

Thay vì tìm cách cứu đảng hãy chung lưng góp sức để đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ được diễn ra và thành công trong hòa bình, thuận lợi, ít lãng phí tài nguyên dân tộc. Con đường dân chủ có thể làm cho một số người chưa quen cảm thấy bỡ ngỡ lúc ban đầu hay ngay cả gây ít nhiều đau nhức nhưng đó là con đường của thời đại. Hãy đi cùng dân tộc và thời đại. Ý thức hệ CS chưa bao giờ lỗi thời và lạc hậu hơn hôm nay. Đừng hoài công tưới nước vào một gốc cây đang rã mục mà hãy dành để tưới lên những mầm xanh hy vọng của tương lai đất nước.


Đốt sách thời Nguyễn Phú Trọng

Ngô Nhân Dụng
9/5/2017




Khi nói đến Đốt Sách, người Á Đông nghĩ ngay tới Tần Thủy Hoàng. Nhưng nếu so sánh với đảng Cộng Sản Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng chỉ đáng gọi là một anh “ăn cắp vặt,” Cộng Sản mới là một đảng cướp lớn. Bây giờ, sau khi nhiễm được những thói quen văn hóa của người dân đã sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Việt Cộng không còn đốt sách nữa. Nhưng thói quen trộm cướp không dễ gì xóa bỏ được. Các “đỉnh cao trí tuệ” đã sáng tạo ra phương pháp đốt sách mới: Không đốt cả cuốn sách! Đốt từng chút một! Đốt từng chữ, từng dòng; nếu sơ ý sẽ không ai nhìn thấy chúng nó đang đốt sách!

Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn ra lệnh “Phát động phong trào chống văn hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng xóm đem đốt. Những quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách khảo cứu, tiếng Việt, tiếng ngoại quốc, được tập trung tại phố Tràng Thi, rồi đốt! Những thứ sách nào bị kết tội là văn hóa nô dịch? Thí dụ, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh, Thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Thế Lữ, Xuân Diệu viết trước 1945, đều bị kết tội cực kỳ phản động!


Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời của Lê Duẩn. Trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp. Một gia đình giữ cuốn từ điển Larousse toàn tiếng Pháp, vì nghĩ tự điển không có lập trường chính trị nào cả! Chủ nhà vẫn bị đưa đi học tập cải tạo! Một ông chủ tiệm cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên, kế bên trường Cơ Đốc và nhà thờ Ba Chuông, đã tự sát với một trái lựu đạn! Tội nghiệp các em học sinh vô tội chết oan chỉ vì Việt Cộng bắt đeo băng đỏ đi tịch thu sách!

Việt Cộng theo Mao Trạch Đông lên án giới trí thức đứng đầu các người “phản động,” đốt sách là một mặt của chính sách tiêu diệt trí thức. Từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, chính sách của “đảng ta” trước sau như một, là độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận, độc quyền báo chí, do đó, phải đốt sách. Những sản phẩm văn hóa nào “không do đảng lãnh đạo” đều đáng đốt!

Không biết từ năm nào, Việt Cộng đã ngưng không đốt sách? Không có một văn bản nào cho phép người ta giữ các sách “phản động.” Tức là chính sách của đảng không hề thay đổi. Chỉ “thả lỏng” trong thực tế thôi, có ngày đảng có thể đốt sách lại! Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, một công an cấp phường, cấp xã cũng có thể đi “bắt sách” như cũ. Vì không có luật lệ nào cấm họ.

Xét thành tích đốt sách thì Việt Cộng qua mặt Tần Thủy Hoàng, hàng ngàn, hàng triệu lần!

Mà đúng ra, Tần Thủy Hoàng không phải là người chủ trương đốt sách. Bốn chữ “phần thư, khanh nho” (焚書坑儒) viết trong Sử Ký của Tư Mã Thiên khiến cho ông hoàng đế đầu tiên của nước Tàu mang tội suốt 2,300 năm nay. Người Tàu tin Tư Mã Thiên nên đã kết án Tần Thủy Hoàng đốt sách (năm 213 Trước Công Nguyên) và chôn các nhà Nho (năm 210 TCN) mà không tìm các chứng cớ khác. Năm 210, Thủy hoàng chết, hai năm sau người dâng sớ xin đốt sách là Thừa Tướng Lý Tư cũng chết. Tất cả các sự kiện phần thư, khanh nho đều căn cứ vào lời tường thuật của Tư Mã Thiên.

Lý Tư cũng là người có học, cho nên biết quý sách. Ông ta cho đốt tượng trưng những sách cấm, nhưng những cuốn bị cấm nặng nề nhất như Kinh Thi, Kinh Thư, vẫn lưu giữ hai bản mỗi cuốn, cất trong văn khố. Những học giả được triều đình công nhận vẫn được giữ đủ các thứ sách trong nhà để tham khảo.

Tư Mã Thiên sống vào đời Hán, một triều đại lập nên khi lật đổ nhà Tần, cho nên kể rất nhiều chuyện xấu về Tần Thủy Hoàng! Điều đáng nghi ngờ nhất là trong hơn một trăm năm trước Tư Mã Thiên, không có một tài liệu nào nói đến các biến cố đốt sách và chôn học trò.

Nhưng chúng ta biết chắc rằng dù Tần Thủy Hoàng ác tới đâu cũng không thể nào nghĩ ra những mưu đốt sách quỷ quyệt như Việt Cộng ngày nay.

Biết rằng đốt sách là một hành động bị cả thế giới khinh bỉ, những người kế nghiệp Lê Duẩn và Hồ Chí Minh không dám công khai thi hành nữa. Không những thế, ngày nay họ còn cho phép tái bản các cuốn sách đã từng bị kết tội và bị đốt. Thí dụ các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn.

Khi nhìn thấy những tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam được bày bán ở các tiệm sách, người ta có cảm tưởng rằng chế độ Cộng Sản đã thay đổi, không kiểm soát văn chương cũ từ thế kỷ trước nữa.

Nhưng không phải như vậy! Tất cả các tác phẩm cũ, xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, và trên toàn quốc trước năm 1954, trước khi được in ra đều phải xin phép và đi qua những con mắt kiểm duyệt của Tuyên Huấn. Đó là nơi đưa “lưỡi kéo” cắt, hoặc dùng bút sửa những chữ, những câu nào không đúng đường lối của đảng. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng hay Vũ Trọng Phụng, đều được kiểm duyệt như vậy. Nhiều cuốn tiểu thuyết bị đưa lên máy chém, sau khi đã in ra, như sách của Dương Nghiễm Mậu!

Không những vung đao chém các nhà văn gần đây, bọn Tuyên Giáo Cộng Sản còn chém cả tổ tiên, từ thế kỷ 15 nữa! Nhà văn Phạm Xuân Đài mới trình bày một hành động sửa văn bài Bình Ngô Đại Cáo, khi in trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam mới ra đời năm 2017.

Trong đoạn chót bài Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “…Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy! Than ôi! Vẫy vùng một mảng nhung y nên công đại định,” theo bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Học sinh trung học thời Việt Nam Cộng Hòa nhiều em đã thuộc lòng những câu trên khi học lịch sử.

Nhưng, ông Phạm Xuân Đài nhận ra và tố giác, trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam, bài Bình Ngô Đại Cáo đã mất hẳn một câu. Đó là câu: “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Trong tạp chí mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, Phạm Xuân Đài đã kể thêm rằng cuốn lịch sử mới in của Cộng Sản Việt Nam ghi chú rằng họ in bài Bình Ngô Đại Cáo dựa theo bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập (in lần đầu năm 1980). Như vậy thì không phải ban Tuyên Giáo thời Nguyễn Phú Trọng đã kiểm duyệt văn Nguyễn Trãi, mà nó đã bị cắt, bị thiến từ thời các ông Lê Duẩn, Trường Chinh!

Phạm Xuân Đài thuật lời nhà văn Nguyễn Minh Cần (đã quá cố ở Nga), kể rằng các ông Trường Chinh và Tố Hữu đã cắt bỏ câu “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Lý do, vì người Cộng Sản họ không tin ở trời đất mà cũng chẳng cần biết đến tổ tông. Đó là thứ “văn hóa phản động” mà dân tộc Việt vẫn “mê tín” suốt mấy ngàn năm, trước khi Hồ Chí Minh “giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin!”

Phạm Xuân Đài cũng tìm ra trên trang 261 quyển Lịch sử Việt Nam bản in 1976 thì ở chỗ câu văn Nguyễn Trãi bị cắt đó, họ có in mấy dấu chấm. Tức là báo cho độc giả biết có những chữ bị cắt bỏ; người tò mò có thể tra cứu tìm cho đầy đủ. Đến bản in năm 2017 thì cả mấy dấu chấm đó cũng biến mất! Coi như Nguyễn Trãi bị cắt đứt, mất cả tung tích!

Đó là chính sách “đốt sách” kiểu mới của đảng Cộng Sản thời Nguyễn Phú Trọng, kiểm soát văn hóa tư tưởng một cách kín đáo hơn thời Lê Duẩn, nhưng tàn bạo hơn nhiều!