12/24/2016

Sẽ xảy ra cuộc chiến giành nguồn nước ở châu Á?

The Observer
Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
12/23/2016




Nguồn: Brahma Chellaney, “A Water War in Asia?”, Project Syndicate, 27/11/2016.

Căng thẳng liên quan đến nước đang gia tăng ở Châu Á – và không chỉ vì các yêu sách mâu thuẫn trên biển. Trong khi các tranh chấp lãnh thổ, ví dụ như ở Biển Đông, thu hút sự chú ý nhiều nhất – suy cho cùng, chúng đe dọa sự an toàn của các tuyến đường biển và tự do hàng hải, điều ảnh hưởng đến cả các cường quốc ngoài khu vực – thì hệ lụy chiến lược của sự cạnh tranh liên quan đến nguồn nước ngọt được chia sẻ giữa các quốc gia lại cũng đáng lo ngại không kém.

Châu Á có tỷ lệ nước ngọt trên đầu người ít hơn bất cứ lục địa nào, và nó đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước mà theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts thì sẽ tiếp tục tăng cao, với sự thiếu hụt nước trầm trọng dự kiến vào năm 2050. Trong hoàn cảnh mối bất hòa về địa chính trị lan rộng, sự tranh giành các nguồn tài nguyên nước ngọt có thể sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và sự ổn định lâu dài tại châu Á.

Cuộc chiến thực tế đã bắt đầu, với Trung Quốc là kẻ gây hấn chính. Thật vậy, việc Trung Quốc chiếm đoạt lãnh thổ ở Biển Đông được thực hiện cùng lúc với việc chiếm đoạt một cách âm thầm hơn các nguồn tài nguyên tại lưu vực các con sông chảy xuyên quốc gia. Tái điều chỉnh các dòng sông xuyên biên giới là một phần thiết yếu trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khẳng định sự kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn của họ trên toàn châu Á.

Trung Quốc chắc chắn đang ở một vị thế thuận lợi để thực hiện chiến lược này. Nước này khống chế tuyệt đối các lưu vực sông, với 110 sông và hồ xuyên quốc gia chảy vào 18 quốc gia ở hạ lưu. Trung Quốc cũng có nhiều đập nhất thế giới, và họ chưa bao giờ e ngại sử dụng chúng để kiềm chế các dòng chảy qua biên giới. Trên thực tế, các công ty xây dựng đập của Trung Quốc đang nhắm chủ yếu vào các con sông quốc tế chảy ra khỏi lãnh thổ nước này.

Phần lớn các nguồn nước được chia sẻ quốc tế của Trung Quốc đều nằm trên Cao nguyên Tây Tạng mà Trung Quốc đã sáp nhập đầu những năm 1950. Không bất ngờ khi cao nguyên này là trung tâm mới của việc xây dựng đập của Trung Quốc. Thật vậy, Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, được công bố năm nay, đã kêu gọi một làn sóng dự án đập mới trên cao nguyên này.

Hơn nữa, Trung Quốc vừa mới chặn dòng một nhánh của sông Brahmaputra, con sông huyết mạch giữa Bangladesh và Bắc Ấn Độ, để xây dựng một con đập trong một dự án thủy điện lớn ở Tây Tạng. Và nước này đang làm việc để ngăn đập trên một nhánh khác của sông Brahmaputra, nhằm tạo ra một loạt các hồ nhân tạo.

Trung Quốc cũng xây dựng sáu siêu đập trên dòng Mekong, con sông chảy vào khu vực Đông Nam Á nơi mà các tác động ở hạ lưu đã nhận thấy rõ. Nhưng, thay vì hạn chế xây dựng các con đập, Trung Quốc lại đang tích cực xây dựng thêm nhiều đập trên sông Mekong.

Tương tự, nguồn cung nước ở Trung Á phần lớn khô cằn đang chịu ngày càng nhiều sức ép khi Trung Quốc chiếm đoạt ngày càng nhiều nước từ sông Illy. Hồ Balkahsh của Kazakhstan đang có nguy cơ bị thu hẹp đáng kể, giống như Biển Aral – nằm trên biên giới với Uzbekistan – vốn gần như khô cạn chỉ trong chưa đến 40 năm qua. Trung Quốc cũng đang nắn dòng sông Irtysh, con sông cung cấp nước uống cho thủ đô Astana của Kazakhstan và cung cấp nước cho sông Ob của Nga.

Đối với Trung Á, các dòng sông xuyên biên giới bị suy giảm chỉ là một phần của vấn đề. Các hoạt động năng lượng, sản xuất, và nông nghiệp của Trung Quốc đang mở rộng vô tội vạ ở Tân Cương thậm chí còn có ảnh hưởng lớn hơn, bởi vì chúng đầu độc nguồn nước của các con sông xuyên quốc gia qua khu vực này bằng các hóa chất độc hại và phân bón, giống như Trung Quốc đã làm với các con sông ở khu vực trung tâm của người Hán.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gây nên xung đột về nguồn nước. Như thể để nhấn mạnh rằng tranh chấp lãnh thổ đang xấu đi ở Kashmir cũng có liên quan đến nước bên cạnh đất đai, Pakistan đã lần thứ hai trong một thập niên khởi kiện Ấn Độ ra tòa trọng tài quốc tế theo các điều khoản của Hiệp ước sông Ấn năm 1960. Nghịch lý ở đây là Pakistan, nước ở phía hạ lưu, đã sử dụng hiệp ước đó – vốn là thỏa thuận chia sẻ nguồn nước hào phóng nhất thế giới khi dành hơn 80% lượng nước của 6 con sông thuộc hệ thống sông Ấn cho Pakistan – để duy trì xung đột với Ấn Độ.

Trong khi đó, Lào, đất nước không có biển – với mục tiêu xuất khẩu thủy điện, đặc biệt là cho Trung Quốc, chỗ dựa chính cho nền kinh tế nước này – vừa thông báo với các nước láng giềng về quyết định tiếp tục dự án đầy tranh cãi thứ ba của mình, con đập 912 MW Pak Beng. Lào trước đó đã gạt sang một bên các lo ngại trong khu vực về sự thay đổi dòng chảy tự nhiên để thúc đẩy các dự án đập Xayaburi và Don Sahong. Không có lý do gì để hy vong một kết quả khác vào thời điểm này.

Những hệ quả của việc gia tăng cạnh tranh nguồn nước ở Châu Á sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực. Một số quốc gia châu Á lo lắng về an ninh lương thực đã thuê những vùng đất rộng lớn ở vùng châu Phi hạ Sahara, gây ra những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ ở vài khu vực. Năm 2009, khi Công ty Hậu cần Daewoo (Daewoo Logistics Corporation) của Hàn Quốc đàm phán một thỏa thuận để thuê gần như một nửa vùng đất có thể canh tác thuộc Madagascar nhằm sản xuất ngũ cốc và dầu cọ cho thị trường Hàn Quốc, các cuộc biểu tình và can thiệp quân sự diễn ra sau đó đã lật đổ một vị tổng thống được bầu lên một cách dân chủ.

Cuộc đua chiếm đoạt các nguồn nước ở châu Á đang kìm hãm ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, hủy hoại các hệ sinh thái, và làm gia tăng sự thiếu tin tưởng và bất hòa đầy nguy hiểm trong khu vực. Điều này cần phải chấm dứt. Các nước châu Á cần làm rõ các toan tính chính trị ngày càng mờ ám liên quan đến nguồn nước. Vấn đề then chốt sẽ là các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và thỏa thuận về các dàn xếp chia sẻ nguồn nước minh bạch hơn.

Châu Á có thể xây dựng một hệ thống quản lý nguồn nước hài hòa, dựa trên luật lệ. Nhưng nó cần Trung Quốc tham gia. Ít nhất là cho đến nay, điều đó dường như vẫn không có khả năng xảy ra.

Brahma Chellaney, giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

Trump có phải là một Nixon mới của Kissinger?

Việt Nguyên (Nguoi-viet)
12/21/2016

“Đại thắng mùa Thu” của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa đến chiến thắng cho Tổng Thống (TT) Nga Vladimir Putin và khiến đảng Cộng Hòa lo âu. Cơ quan tình báo CIA cho thấy Putin đích thân ra lệnh tin tặc tấn công vào hệ thống máy điện tính của đảng Dân Chủ để trả thù bà Hillary Clinton, kết quả là Putin đã tìm được một đồng minh đáng tin cậy ở Tòa Bạch Ốc sau ngày khối Sô Viết sụp đổ.

Từ sau khi Nga tấn công vào Ukraine và chiếm Crimea ở Hắc Hải năm 2014, đảng Cộng Hòa cũng như TT Obama đã nghi ngờ thiện chí hòa bình của TT Putin. Sự quan tâm về hòa bình ở vùng biển Hắc Hải cũng tương tự như sự quan tâm về hòa bình ở Nam Thái Bình Dương. Các giới chức quân sự Hoa Kỳ năm 2015 đã cảnh cáo về hiểm họa quân sự của Trung Cộng qua cuốn tiểu thuyết “Hạm đội ma” của Angust Cole và P.W. Singer nhờ vậy Hải Quân Hoa Kỳ tập trung vào Biển Đông.

Tháng 5 năm 2016, các giới chức quân sự Hoa Kỳ lại được cảnh cáo về hiểm họa quân sự của Nga với âm mưu Putin trên vùng Hắc Hải qua cuốn tiểu thuyết quân sự “2017 chiến tranh với Nga” của Tướng Sir Richard Shirreff, nhưng khác với vùng biển Đông, Hoa Kỳ không quan tâm đặc biệt về âm mưu của Putin ngoại trừ vài người như Thượng Nghị Sĩ John McCain và các đảng viên Cộng Hòa đã có kinh nghiệm đấu tranh với Cộng Sản.

Tướng Shirreff là cựu đệ nhị tư lệnh quân sự NATO viết cuốn sách khi thấy Putin có tư tưởng vào tháng 3 năm 2014: “Đoàn kết các sắc dân nói tiếng Nga dưới lá cờ mẹ Nga” không khác như khi Hitler sát nhập Sudetenland vào Đức năm 1938. Cựu tư lệnh quân đội đồng minh Âu Châu, Đô Đốc James Stavridis viết lời tựa cho cuốn “2017 chiến tranh Nga” đã cảnh cáo: “Tất cả những thách đố Hoa Kỳ đang phải đối đầu, nguy hiểm nhất là nước Nga đang lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của Putin.”

Chiến tranh bắt đầu với Nga xâm lăng Ukraine tấn công qua Hắc Hải. Ukraine không thuộc khối NATO nên NATO không phản ứng. Nga biết các nước vùng Baltic dễ xâm lăng, quả thật khi tiếng súng bùng nổ, thủ tướng Anh đang ngồi uống rượu đủng đỉnh ở quán Luân Đôn, dân Đức tê liệt vì lo lắng, Hy Lạp và Hungaria nằm trong túi của Nga. Quân Nga tiến qua các nước Baltic trong khi các nhà lãnh đạo NATO còn bàn cãi. Lính lực lượng đặc biệt Nga trà trộn vào đám người biểu tình chống chính phủ Ukraine, bắt cóc cố vấn quân sự Mỹ ở Kharkov trong khi họ đang huấn luyện quân Ukraine. Lính Mỹ bị bắt đưa về Nga, chính quyền Nga đưa họ lên đài truyền hình, tố cáo Hoa Kỳ xâm lăng lãnh thổ Nga qua biên giới Nga – Ukraine. Nga có cớ xâm lăng Ukraine. Quân nhảy dù từ Pskov xuống chiếm Riza sau đó xe tăng Nga xâm lăng như thời Sô Viết xâm lăng Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungaria. Tiếp đến Nga chiếm Latvia, sau đó là Esponia và Lithuania. Các nước Baltic lọt vào tay Nga, nếu Âu Châu can thiệp Nga sẽ dùng vũ khí nguyên tử. Trong sách, nhân vật hung ác nham hiểm sẵn sàng đàn áp và dùng vũ khí nguyên tử là Vladimir Vladimirovich nhưng ai cũng hiểu là Vladimir Putin.

Đối với Tướng Shirreff, V. Putin cần gây chiến vì uy tín trong lãnh đạo cần có giống như Tập Cận Bình gây hấn ở Biển Đông để chứng tỏ vị trí đàn anh và để các thành phần chống đối trong nước bị quên lãng. Chiến tranh ở Hắc Hải thật sự có thể xảy ra trong tình trạng chính trị Âu Châu hiện nay với khối NATO thiếu đoàn kết. Anh đang rời khỏi liên hiệp Âu Châu. Thổ Nhị Kỳ thù Hoa Kỳ sau cuộc đảo chánh và trừng phạt đối lập. Thổ và Anh là hai quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong khối NATO. Trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa kỳ hồi Tháng Mười, ứng cử viên Donald Trump lại giúp Putin có thêm niềm tin khi nói “Âu Châu phải tự bảo vệ không cần đến Hoa kỳ.” TT Putin đã thấy Âu Châu chưa bao giờ bị rối loạn như vậy từ sau cơn khủng hoảng kinh đào Suez năm 1956

.

Hình nộm ông Trump và Putin trong một cuộc biểu tình ở Pennsylvania. (Hình: Getty Images)

Năm 2014, Nga xâm chiếm Crimea và can thiệp vào Ukraine ngoài lý do kinh tế suy thoái vì giá dầu xuống (Putin có kế hoạch kinh tế ngũ niên dựa trên giá dầu) còn vì chính sách của chính quyền tham nhũng Putin làm cho dân Nga mất thiện cảm, thay vì phải đối đầu với những vấn đề đối nội, Putin đoàn kết quốc gia bằng chủ nghĩa quốc gia cực đoan.

Dân Nga yêu nước, ủng hộ Putin đưa Nga trở về lại thời kỳ hãnh diện trước năm 1991 khi Sô Viết sụp đổ. Trong khi đồng tiền Nga xuống giá, Putin xuất cảng vũ khí nhiều hơn. Các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania trước thuộc về Nga từ thời Nga Hoàng qua đến Sô Viết nay Putin muốn gom lại trong đại quốc Nga.

Cơ quan nghiên cứu RAND của Hoa Kỳ đã nhận định: khối NATO không thể tự phòng thủ và bảo vệ các quốc gia vùng Baltic vì từ nhiều năm qua NATO đã cắt ngân sách quốc phòng xuống đến mức quá thấp. Nga hiện nay khác với Nga năm 1993 không đe dọa bất cứ các nước láng giềng nào ở Âu Châu, tất cả thay đổi vì nhân vật Vladimir Putin.

Trong thập niên 1990 hậu cộng sản, dân Nga đã cảm thấy nhục nhã vì thua kém các nước Tây Phương, chính quyền thay đổi không bền vững từ thủ tướng này qua thủ tướng khác. Ông Yeltsin được Hoa Kỳ và các nước Tây Phương thích nhưng đối với dân Nga ông nhu nhược. Từ một nhân viên tình báo KGB, Putin đi lên làm thủ tướng và tổng thống với con đường khác với các cựu nhân viên tình báo KGB.

Vladimir Putin chạy theo quyền lực thay vì chạy theo đồng tiền như các nhân viên KGB khi chính thể thay đổi từ cộng sản qua tư bản. Con đường quyền lực trong cơ quan công lực đưa đẩy nhân viên Putin lên đến phó thị trưởng St Petersburg, vào đến điện Cẩm Linh với bàn tay máu nắm giữ quyền lực, rồi quyền lực sinh ra tiền, con đường quen thuộc của các nhân vật lãnh đạo ở các nước cộng sản và chậm tiến. Putin giúp Nga ra khỏi cái nhục hậu cộng sản, giá dầu xuất cảng tăng, gia sản của Putin cũng tăng theo, mặc dù kinh tế thế giới khủng hoảng đi xuống từ năm 2009. Con đường của Vladimir đi ngược với con đường của ông Donald Trump, ở xứ tư bản Mỹ, tiền bạc mua danh vọng và quyền lực.

Tổng thống đắc cử Trump đã nhạo báng giới tình báo Hoa Kỳ khi cơ quan CIA công bố điều tra về tin tặc. Hai đồng minh mới có những dấu hiệu chung đáng kể trong ngành gián điệp với V. Putin là nhân viên tình báo. Người ta đã nhận thấy ông Trump có vẻ như là gián điệp của cơ quan tình báo Nga. Ông dùng những người thân tín có liên hệ buôn bán với Nga và Putin, các bộ trưởng cao cấp như bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson giám đốc hãng dầu Exxon Mobil làm ăn buôn bán với Nga, được giải thưởng Hữu nghị tối cao từ tay Putin, cố vấn an ninh quốc gia Trung tướng Michael Flynn gặp riêng V. Putin, được đài truyền hình Nga trả tiền. Một số nhân viên CIA còn đi xa hơn kết luận là điện Cẩm Linh đã đưa ông Trump vào tòa Bạch Ốc vì vậy ông đã về phía Cẩm Linh chống lại và nhạo báng CIA.

Năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhà tỷ phú nổi tiếng về đầu tư địa ốc lỗ lã ở Florida đã nhận $95 triệu từ tỷ phú Nga liên hệ mật thiết với Putin. Có qua có lại, lên cầm quyền, ông Trump chủ trương dùng các biện pháp kinh tế và ngoại giao nhằm đẩy giá dầu thô lên đến 71 Mỹ Kim một thùng, giúp kinh tế và sức mạnh quân sự Nga. Thị trường Nga từ ngày ông Trump đắc cử tăng 20% giúp các nhà tỷ phú Nga trong đó có Putin giàu thêm, hơn hẳn số $95 triệu họ đã giúp ông Trump hồi ông xuống dốc. Chính sách của ông Trump chủ trương bỏ cấm vận kinh tế Nga từ năm 2014 khi Putin gây chiến Ukraine và nhập Crimea vào Nga. Chung quanh ông Trump là những nhân vật nổi tiếng thân Putin như Carter Page và Paul Manafort nên người ta không lạ khi tân tổng thống không chịu chỉ trích tổng thống Nga Putin cũng như chủ trương không ủng hộ khối NATO đồng thời gây hấn với Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan và tự do giao thương.

Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã ngưỡng mộ đường lối cai trị cầm quyền của TT Nga V. Putin “nhà lãnh đạo mạnh kiểm soát chặt chẽ nước Nga.” Hai nhà lãnh đạo, một từ giới nghèo đi lên cầm quyền một giàu sẵn từ bé có đủ tiền tài nay có địa vị đã ái mộ lẫn nhau và có nhiều thủ đoạn chính trị giống nhau đưa đến cách cầm quyền giống nhau. Ông Trump đã chỉ trích bà Clinton là người nói láo nhưng ông Trump và Putin là hai người nói láo thẳng thừng, nói láo không ngượng. Năm 2014, bị NATO cấm vận khi xâm lăng Crimea, Putin chối bay chối biến, không hề có quân đội Nga ở Crimea. Từ năm 2014 đến 2015, Putin tiếp tục nói với ký giả Tây phương rằng không có đánh nhau ở Ukraine, qua đến năm 2016 Putin xác nhận có chiến tranh với quân Nga ở Ukraine. Putin nói láo như “Vẹm” thời chiến tranh Việt Nam, như CSVN ở hội nghị Paris. Putin nói láo bất cứ khi nào muốn nói láo, nói láo bất cứ điều gì có lợi, Tây phương gọi là nói láo như vua, dân Việt Nam gọi là vua nói láo.

Ông Trump nói láo giữa 3 giờ đêm qua Twitter, lúc đầu loan tin thắng cử cả số phiếu cử tri đoàn lẫn phiếu phổ thông, sau đó nói đáng lẽ thắng phiếu phổ thông nhưng thua vì có đến 3 triệu phiếu dân Mễ bất hợp pháp. Trong những ngày bầu cử, ứng cử viên Trump hứa sẽ cho mọi người xem giấy tờ khai thuế trong 20 năm qua nhưng đắc cử rồi hơn một tháng tài chính của ông Trump vẫn lờ mờ. Ông Trump hứa sẽ họp báo để tuyên bố tách rời dịch vụ thương mại Trump ra khỏi công việc tổng thống nhưng vẫn hứa lần hứa lừa. Ngay sau khi CIA cho thấy tin tặc Nga tấn công vào máy điện tính đảng Dân Chủ, tân tổng thống lại nói láo: “tin tặc do đảng Dân chủ loan ra sau khi ông đắc cử, trước đó không hề có tin tặc trong những ngày bầu cử.” Thời buổi truyền hình, tin mạng, nhưng ông Trump và Putin vẫn dùng thủ đoạn tuyên truyền của Cộng Sản Sô Viết, Tàu Cộng, Việt Cộng với những tin giả loan qua Facebook và Twitter. Không dùng những dữ kiện đúng nhưng với quyền lực (độc tài như Putin và tài chính của Trump) tân tổng thống luôn luôn hăm dọa và xem báo chí là kẻ thù. Ông Trump, khác với báo chí, phải luôn luôn xem lại dữ kiện có đúng sự thật trước khi đăng, đã trắng trợn hỏi “dữ kiện là gì mà phải coi trọng?” Cũng như TT Putin, ông Trump không chấp nhận chỉ trích của báo chí xem báo chí viết về ông không trung thực còn tin giả tung ra qua Twitter từ tay ông lúc nào cũng đúng. TT Putin đóng cửa báo chí, kiểm duyệt giới truyền thông đã dạy ông Trump bước đầu độc tài. Trong tay có Twitter, ông Trump có cảm tưởng như cầm cây gậy chỉ huy. Facebook và Twitter làm ông thông minh, tiếp xúc với các yếu nhân trên thế giới nên không cần phải tham dự tường trình ngoại giao và tình báo mỗi ngày. Facebook ngày 15 Tháng Mười Hai, 2016, đã phải bắt đầu kiểm soát dữ kiện tin tức chận tin tức giả.

Đảng Cộng Hòa bắt đầu thấy ngại với con đường đầu của tân tổng thống, ông Mitt Romney đã tự động rút lui không muốn tranh chức bộ trưởng ngoại giao vì ông Trump đi con đường gần giống Putin, con đường Mafia cai trị Nga với tiền, quyền lực và phe phái.

“Quốc gia Mafia” là danh từ của nhà xã hội học Bálint Magyar trong đó bộ máy cầm quyền như một bộ lạc, mọi người phải có liên hệ với nhau qua bè phái, không ai được vào nếu không được mời và không được tự động đi ra, liên hệ được xây dựng trên sự trung thành. Giống như tổ chức Mafia, những người trong chính quyền của Putin phải hứa trung thành với lãnh tụ và tổ chức. Mọi người trong tổ chức phải có tham vọng và tham lam. Kiểu mẫu của ông Trump khi lập nội các đã làm những người như cựu thị trưởng Nữu Ước, đảng Cộng Hòa, Rudy Giuliani không tham gia nội các khi nhìn thấy cách ông Trump chia tiền bạc và quyền hành cho gia đình, đem tất cả người trong gia đình vào tòa Bạch Ốc.

Quốc gia Nga mà V. Putin xây dựng là “quốc gia Mafia hậu cộng sản” còn con đường tân tổng thống Trump đi nếu không được đảng Cộng Hòa ngăn bớt sẽ là con đường đi đến “quốc gia Mafia hậu dân chủ”, danh từ của Magyar. Ông Trump khôn khéo hơn Putin, khi lập nội các ngoài mặt đã theo vài chương trình bảo thủ để làm thỏa mãn giới Cộng Hòa cực hữu.

Nội các Trump là một nội các không được bình thường, gồm nhiều triệu phú, tỷ phú thân Nga và có tinh thần chống khoa học. Ông Rex Tillerson cựu giám đốc Exxon Mobile thân Putin. Cựu thống đốc Texas Rick Perry bộ trưởng năng lượng, không tin vào bảo vệ môi sinh, không tin năng lượng xanh, chủ trương đào thêm dầu đào thêm than. Giám đốc cơ quan môi sinh, không tin có hiện tượng thay đổi nhiệt độ toàn cầu vì con người gây ra đã được chứng minh bởi 97% các khoa học gia. Bộ trưởng y tế Tom Price nhắm bỏ Obamacare. Bà bộ trưởng giáo dục Betsy Davis chủ trương tư hữu hóa các trường công. Bộ trưởng lao động Andrew Puzder tranh đấu cho các đại công ty thay vì tranh đấu cho công nhân, chủ trương không tăng mức lương tối thiểu. Bộ trưởng tài chánh Steven Mnuchin (giám đốc công ty tài chánh Goldman Sachs) chủ trương cắt 50% thuế cho các đại công ty và giới có lợi tức trên $700,000 còn giới trung lưu được hứa giảm thuế nhưng tiền khấu trừ của tiền đóng thuế nhà và tiền lời nợ ngân hàng được trừ thuế mỗi năm bị giảm.

Ông Trump được cơ quan súng NRA ủng hộ tuyệt đối từ đầu, với cơ quan quyền lực tài chánh mạnh này nội các của ông Trump mạnh về súng đạn hơn là y tế.

Ông Trump cả đời thích nổi tiếng, thích xuất hiện trước công chúng, ăn nói sôi nổi vô tội vạ khác với một Putin con người tình báo sống trong bóng tối, thâm trầm ít nói, nay ông Trump lại gần với Putin khiến các lãnh tụ đảng Cộng Hòa như TNS John McCain lo ngại.

Đồng chí với Putin là thật hay là màn kịch của Donald Trump do Tiến sĩ Kissinger cố vấn ngoại giao đạo diễn? Năm 1972, qua bang giao Mỹ- Trung, Hoa Kỳ đã nuôi Trung Cộng lớn mạnh để chận Sô Viết, hơn 40 năm sau phải chăng Hoa Kỳ đang nuôi con gấu Nga để chận con rồng Trung Quốc đang bay bổng? Thời gian sẽ cho biết Donald Trump có phải là một Nixon mới của Henry Kissinger.

12/13/2016

Sự tàn nhẫn và vô nhân đạo

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
12/9/2016





Sự tàn nhẫn và vô nhân đạo



Tôi không có dịp đi nước ngoài nhiều, nên không biết ở ngoài người ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo hay không. Nhưng nhìn từ góc độ y đức tôi thấy chuyện dành ra một tài khoản và ban bệ chỉ để lo chuyện sức khỏe cho lãnh đạo thật là vô minh.

Thời còn làm trong bệnh viện nhà nước tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Thường dân không có thuốc phải nằm chờ chết. Cán bộ cao cấp thì được lệnh mua thuốc ngoại, giá bao nhiêu cũng được duyệt.

Thường dân nằm la liệt hành lang bệnh viện. Cán bộ nằm phòng có máy lạnh. Đó là thời 79-85. Nhưng thời nay cũng chẳng có gì khác. Cũng như giữa giàu và nghèo, khoảng cách giữa dân và quan càng ngày càng lớn. Quan thì giàu, dân thì nghèo.

Người ta nói một chuyện làm một chuyện khác. Nói xóa bỏ giai cấp, nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tờ nhân dân, nhưng trong thực tế là cha mẹ nhân dân. Ngôn ngữ dưới thời XHCNVN không còn ý nghĩa thật của nó nữa.

Sài Gòn có bệnh viện Thống Nhất dành cho lãnh đạo. Nhưng ít ai biết rằng bất cứ tỉnh nào cũng có một khu trong bệnh viện chỉ dành cho lãnh đạo. Phải bao nhiêu tuổi đảng mới được nằm ở các khu đặc trị đó.

Tôi không có vinh dự điều trị cho các vị lãnh đạo vì tôi đoán lý lịch của mình không “sạch” mấy (do học y thời trước 75). Nhưng tôi được biết đồng nghiệp điều trị cho các lãnh đạo than trời lắm. Họ nói các vị lãnh đạo coi bác sĩ chẳng ra gì, đối xử với bác sĩ như là cấp trên và cấp dưới. Chán lắm. Bực tức lắm. Nhưng nhiệm vụ và y đức thì phải làm, chứ chẳng ai ham làm trong các khu đặc trị cho lãnh đạo cả.

Thật ra, mấy khu đặc trị là những khu nguy hiểm trong bệnh viện. Dù trang bị tốt hơn các khu khác, nhưng tử vong vẫn cao trong mấy khu đặc trị. Lý do đơn giản là bác sĩ chẳng dám quyết định gì cả. Cái gì cũng hỏi cấp trên.

Có lẽ nhiều người không biết, nhưng có ca phải hỏi ý kiến… cấp ủy. Không có hệ thống y khoa nước nào quái đản như nước ta, bác sĩ xin ý kiến cấp ủy để điều trị !?!

Có cụ bị để nằm cho đến chết vì chẳng ai dám quyết định, ai cũng sợ trách nhiệm. Có lần tôi tham dự hội chẩn về một trường hợp và bị ám ảnh lâu dài về hệ thống y tế dưới thời XHCN. Ông cụ không phải là cán bộ cao cấp, nhưng là bố của một ông thứ trưởng, nên cũng được nằm khu dành cho lãnh đạo. Ông cụ bị cao huyết áp và tiểu đường, bệnh rất hay gặp.

Người ta hội chẩn mãi, xin ý kiến mãi, thậm chí ông thứ trưởng bay vào Sài Gòn thăm bố. Chẳng ai dám làm gì! Ba tuần sau, ông cụ qua đời. Chính cái hệ thống phân biệt đối xử và giai cấp làm cho ông cụ chết.

Chính cái hệ thống đó đang giết người dân nữa. Đọc blog thấy có tin Thanh Hóa “đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa“. Có cái gì ghê tởm ở đây. Chúng ta biết rằng người dân Thanh Hóa đang đói. Gần 250.000 người đói. Vậy mà người ta thản nhiên xây tập trung tiền bạc vào việc chăm sóc sức khỏe cán bộ !?!

Đâu chỉ Thanh Hóa mới lo chăm sóc sức khỏe cán bộ. Trung ương cũng thế. Chẳng những huy động, mà còn huy động toàn hệ thống. Thử đọc bản tin Huy động sức mạnh của toàn hệ thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thì biết người ta muốn gì. Đọc bản tin đó gần chục lần tôi vẫn không giải thích được tại sao người ta lại vô cảm, ngạo mạn, ngang nhiên, trắng trợn như thế.

Trong khi bệnh viện các cấp quá tải, trong khi hai ba bệnh nhân phải nằm chung giường, trong khi bệnh nhân nằm ghế bố la liệt ngoài hành lang, mà có một giai cấp ngang nhiên huy động toàn hệ thống để chăm sóc cho một nhúm cán bộ đảng viên.

Họ xem bệnh viện, bác sĩ, y tá, chuyên gia như là tài sản của riêng họ, muốn làm gì thì làm. Không hiểu trong lịch sử nước nhà, đã có một giai cấp thống trị nào chẳng những bất tài mà còn tàn nhẫn với người dân như hiện nay. Tìm hoài trong cổ sử mà chưa thấy.

Tạm thời có thể nói đảng viên là giai cấp tàn nhẫn nhất với người dân trong lịch sử Việt Nam ??

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

12/08/2016

Một thời đại ‘post-truth?


Lê Mạnh Hùng
12/7/2016

Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ trong đó “tin ngụy tạo” đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông Donald Trump đã dẫn đến một sự hốt hoảng nhất là trong giới trí thức và trực tiếp đưa đến ý tưởng rằng chúng ta sống trong một thời đại “hậu sự thật” (post-truth era). Nó trở nên phổ biến đến nỗi cuốn tự điển Oxford English Dictionary đã đặt chử “post-truth” là từ ngữ của năm 2016 và định nghĩa từ này là:

“Những trường hợp trong đó những sự thật khách quan ít ảnh hưởng trong việc uốn nắn dư luận của quần chúng bằng việc khêu gợi cảm tính và niềm tin cá nhân.”

Thế nhưng cũng giống như vấn đề “tin ngụy tạo” sự thật – nếu tôi có thể dùng chữ này – về thời đại “post truth” này phức tạp hơn người ta tưởng nhiều.

Không phải bây giờ tin ngụy tạo mới phổ biến và có ảnh hưởng chính trị.

Năm 1920, nhật báo Dearborn Independent , một tờ báo do nhà doanh nghiệp Henry Ford làm chủ, đăng một lọat bài về một âm mưu chi phối thế giới của những người Do Thái dựa trên cuốn sách “Protocols of the Elders of Zion,” một cuốn sách ngụy tạo của nước Nga thời Sa Hòang. Hàng chục tờ báo khác đăng lại coi như là tin tức đáng tin cậy.

Năm 1924, bốn ngày trước cuộc tổng tuyển cử tại Anh, nhật báo Daily Mail đăng tải một lá thư ngụy tạo là của Zinoviev nói lên chỉ thị của Moscow cho đảng Cộng Sản Anh huy động “những lực luợng có cảm tình” cho đảng Lao Động Anh. Đảng Lao Động vì thế đại bại trong cuộc tổng tuyển cử.

Trong những năm 1960 cơ quan FBI của ông J. Edgar Hoover tung ra một chiến dịch bôi nhọ mục sư Martin Luther King, tung tin giả cho các báo. FBI còn làm giả một lá thư đe dọa tố cáo Mục sư Kinh là trụy lạc về đề nghị ông hãy tự sát.

Năm 2003, trước khi Mỹ can thiệp vào Iraq báo chí quốc tế đăng đầy tin về các vũ khí hủy diện hàng loạt của Saddam Hussein mà sau này người ta mới biết là giả.

Thành ra có thể nói là gian dối giả mạo thành sự thật đã có từ lâu đời chứ không phải bây giờ mới xuất hiện và đó là điều ta cần ghi nhớ khi xét đến cái giòng nước lũ khổng lồ các tin ngụy tạo trên các môi trường truyền thông xã hội và những gì làm cho tình hình lần này khác biệt với trong quá khứ.

Trong quá khứ, các chính quyền, các định chế dòng chính và báo chí thao túng tin tức và thông tin. Vào lúc này, bất cứ ai có môt trương mục Facebook là đều có thể làm được chuyện nảy. Thay vì những tin ngụy tạo đuợc chuẩn bị cặn kẽ của quá khứ, vào lúc này ta có một giòng chảy vô tổ chức các tin giả. Điều thay đổi ở đây không phải là sự xuất hiện của các tin giả mà là những người có trách nhiệm bảo vệ sự thật đã mất đi quyền lực và uy tín. Khi giới thượng lưu lãnh đạo mất ảnh hưởng của họ đối với đa số cử tri thì họ cũng mất khả năng xác định cái gì là tin đúng và cái gì là tin giả.

Chính trị không bao giờ chỉ dựa vào những dữ kiện. Nó còn tùy thuộc vào một khung ý thức hệ qua đó người ta giải thích các dữ kiện. Trong quá khứ khung ý thức hệ này xuất phát từ cái lằn ranh chính trị giữa tả và hữu. Mỗi phe cung cấp một lăng kính ý thức hệ khác nhau để nhìn vào thế giới và diễn tả cùng một dữ kiện một cách khác nhau để đưa ra những kết luận khác nhau về chính sách.

Thế nhưng vào lúc này, cái khung ý thức hệ chính trị truyền thống đó đã tan rã và được thay thế bởi một khung ý thức hệ khác dựa vào truyền thống và sắc tộc. Lằn ranh chia cắt lúc này không còn là giữa tả và hữu nữa mà là giữa những người hoan nghênh một thế giới cởi mở và những ngươi cảm thấy bị bị bỏ rơi lại bởi một thế giới mất bản chất truyền thống.

Những người ủng hộ ông Trump và những người chỉ trích ông nằm ở hai bên lằn ranh mới này. Những người ủng hộ ông Trump coi tình trạng kinh tế bấp bênh của họ là hậu quả của tiến trình tòan cầu hóa và di dân và họ cảm thấy rằng họ bị bỏ rơi về chính trị. Trong khi nhiều người chống ông Trump coi những người này là chậm tiến và hoài niệm một thời vàng son không hề có. Cả hai nhìn vào các sự kiện và tin tức qua lăng kính chính trị và văn hóa của mình.

Tất cả những điều đó đã dẫn đến những cuộc tranh luận đầy lo lắng về việc người ta nay sống như trong những thế giới cách biệt trong đó những quan điểm độc nhất mà họ được nghe và coi là những quan điểm giống như của họ cũng như là vai trò của các môi trường truyền thông xã hội trong việc tạo ra những thế giới đó.

Nhưng các môi trường truyền thông xã hội không hề sáng tạo ra thế giới phân mảnh đó. Chúng chỉ phản chiếu và khuyếch đại một thế giới đã có sẵn, một thế giới mà uy tín của các định chế truyền thống đã bị sói mòn. Trong đó các phương tiện để thay đổi chính trị đã hầu như biến mất thành ra nhiều khi có một sự nổi lên giận dữ trong khung cảnh chính trị bình thường.

Nếu vấn đề tin ngụy tạo phức tạp hơn là người ta nghĩ thì những biện pháp giải quyết nhiều khi lại còn tệ hơn là vấn đề muốn giải quyết nữa. Có những đòi hỏi rằng facebook cần phải kiểm duyệt để loại bỏ các tin ngụy tạo hoặc là chính quyền đưa ra luật truy tố những kẻ dưa tin giả.

Nhưng ai là người quyết định tin nào là giả?

Tôi thà chấp nhận các tin giả còn hơn là để cho Mark Zuckerberg hay là chính phủ Hoa Kỳ quyết định cái gì là sự thật. Tin giả là một vấn đề, nhưng chúng ta không nên quá khuyếch đại ảnh hưởng của nó hay chịu một sự kiểm duyệt còn tệ hơn là chính nó.

Bà Thái Anh Văn khôn nhất

Ngô Nhân Dụng
12/6/2016


Ngay lúc bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng Hòa, nhiều người Mỹ chọn ông Donald Trump vì họ chán ngán các chính trị gia chuyên nghiệp. Trong ba cuộc tranh luận, lần nào bà Hilary Clinton cũng thắng, vì bà nói năng khôn ngoan, khéo léo quá, trong khi ông Trump thì cứ ngắt lời bằng những tiếng ngắn gọn làu bàu, như, Sai rồi! Không phải vậy! Thế tôi mới khôn (khi bà Clinton tố ông không đóng thuế). Nhưng các cử tri đã chán ngấy những nhà chính trị quá khéo léo khôn ngoan rồi! Họ muốn thay đổi. Cứ bầu cho một người chưa làm chính trị bao giờ, nghĩ sao là nói huỵch toẹt ra! Nói sai rồi chữa lại cũng không sao. Thích gì thì làm ngay, chẳng chờ suy nghĩ hoặc tham khảo các chuyên gia, các cố vấn!

Các cử tri ủng hộ ông Trump không ai ngạc nhiên khi ông tổng thống tân cử nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn, tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng cả thế giới kinh ngạc! Từ năm 1979, sau khi Mỹ lập bang giao với Cộng Sản Trung Quốc, tất cả các vị tổng thống Mỹ đã tránh, không ai trò chuyện trực tiếp với người lãnh đạo Ðài Loan như vậy!

Một người kinh ngạc nhất chắc là ông Henry Kissinger. Ông cựu ngoại trưởng “tuần chay nào cũng có nước mắt” mới qua Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình mấy ngày trước đó. Ông Kissinger hẳn đã được mời qua để thuyết trình cho ông Tập Cận Bình nghe những dự đoán về chính sách của chính quyền Trump đối với nước Tàu. Chắc chắn ông Kissinger không thể đoán trước cú điện thoại của bà Thái Anh Văn gọi chúc mừng ông Trump!

Nhưng chính ông Trump cũng tỏ ra kinh ngạc trước những phản ứng ồn ào! Ông hỏi: Nước Mỹ vẫn bán cho Ðài Loan những vũ khí biết bao nhiêu là tiền! Nói chuyện mấy câu với một khách hàng trung thành gọi chúc tụng mà không được sao? Ðúng là cách suy nghĩ của một thương gia, không theo lối các nhà chính trị! Hơn nữa, công ty địa ốc của ông đang sắp mở một khách sạn lớn ở thị trấn Ðào Nguyên, con trai ông, Eric Trump sắp sang đó gặp ông thị trưởng để tiến hành!

Nhưng các công ty của ông Donald Trump cũng tìm cơ hội làm ăn ở trong lục địa từ lâu. Trong 18 năm qua ông đã ghi tên nhiều công ty mang tên Trump trong nước Tàu, nhưng gặp chướng ngại kỳ cục: Ở bên Tàu nhiều nhãn hiệu mang tên Trump đã trình tòa từ trước rồi! Ðiều này không có gì mới lạ, vì người Trung Hoa học cách làm ăn tư bản rất nhanh; trong đó có trò giành đăng ký các nhãn hiệu sớm hơn người khác! Công ty Apple từng phải trả 60 triệu Mỹ kim mua lại tên của mình, mà một người Tàu đã lấy bản quyền trước! Hiện nay có tới 46 nhãn hiệu Trump được công nhận trong nước Tàu, trong đó chỉ có 29 nhãn hiệu là của các công ty ông Trump làm chủ! Trong hai năm 2015 và 2016 các luật sư của ông Trump đã xin trình tòa 14 nhãn hiệu khác.

Các luật sư của ông Trump đã tranh đấu suốt 10 năm nhưng không thắng được một tay “mạo danh” nổi tiếng tên là Dong Wei. Từ năm 2006 anh này đã được phép sử dụng tên Trump trong nhãn hiệu một công ty xây dựng, với số đăng ký 5743720. Số đăng ký trễ hơn, 5771154, được trao cho một công ty của ông Trump nhưng chỉ dành cho các công tác trang trí hoặc tu sửa nhà cửa, và khách sạn!

Một người Tàu ở Thẩm Quyến đã trình tòa nhãn hiệu Trump cho một loại chỗ ngồi phòng vệ sinh, toa lét, và được cấp giấy phép! Ông này nói với nhà báo rằng cái tên đó hoàn toàn ngẫu nhiên; ông chối không hề biết có người Mỹ mang tên Trump! Có lẽ các quan chức ở Bắc Kinh cũng không biết nốt! Vì vào năm 2004, họ đã từ chối khi có người Tàu đăng ký một nhãn hiệu cho loại tã trẻ em dùng xong vứt đi, mang tên George W. Bush!

Nhưng sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, người Tàu biết đến tên ông; cho nên chính quyền đã mở cửa, công nhận thêm những nhãn hiệu mang tên TRUMP, viết hoa!

Ông Donald Trump sẽ còn tiếp tục việc doanh thương, ở Trung Quốc hoặc ở Ðài Loan, nhưng khi ông nhậm chức sẽ trao cho các con ông điều khiển.

Nhiều nhà chính trị vẫn đoán rằng ông Trump sẽ thay đổi tác phong sau khi đắc cử. Lúc tranh cử ông nói năng bất chấp quy tắc, nhờ thế được báo, đài bám sát để loan tin, toàn những tin động trời. Ông lại có thói quen thức khuya, ba giờ sáng còn dùng Tweeter phát biểu những câu ngắn gọn để sáng hôm sau cả nước Mỹ đọc và nghe tin ứng cử viên Trump đêm qua nói gì! Nhờ thế mà ông không cần trả tiền vẫn được báo chí quảng cáo rầm rộ. Nhưng chắc khi lên ngôi tổng thống ông không thể trị quốc, bình thiên hạ bằng các thông điệp Tweeter – mỗi lần không được viết quá 140 chữ cái!

Ðúng vào lúc người ta nghĩ ông Trump bắt đầu hành động và nói năng giống hình ảnh một vị tổng thống Mỹ, thì ông lại “tiếp tục tranh cử” bằng cách biểu diễn một màn Tweeter mới! Ông tỏ ý ngạc nhiên tại sao người ta lại sợ ông làm phật lòng giới lãnh đạo Trung Nam Hải bên Tầu!

Ông Trump hỏi thẳng vào mặt những người phản đối: “Nước Tàu có xin phép mình khi họ hạ thấp hối suất đồng Nguyên (để các công ty nước mình khó cạnh tranh với họ), đánh thuế nặng các sản phẩm của mình đem vào nước họ (còn mình thì không đánh thuế hàng họ xuất cảng) và họ xây những căn cứ quân sự ở Nam Hải hay không? Tôi nghĩ là không!” Ông Trump phải “tweet” hai lần mới nói hết ý, vì một câu đầu đã dùng nhiều hơn 140 chữ.

Ông Trump đúng là một người mới gia nhập trò đá banh chính trị, mà lại đá ngay trên một sân banh lớn nhất, sắp làm tổng thống Mỹ! Không những dân chúng và Quốc Hội Mỹ sẽ phải tập thói quen sống với ông Tổng Thống Trump, mà các đấu thủ thượng thặng cả thế giới cũng đang loay hoay ngó coi ông đá thế nào! Rõ ràng là chưa chính thức vào sân cỏ ông đã bắt đầu biểu diễn “đá không theo quy ước” rồi!

Phản ứng của chính quyền Trung Cộng cho thấy họ rất bình tĩnh trong lúc quan sát động tĩnh của cầu thủ mới. Ngoại Trưởng Vương Nghị là người duy nhất nói một câu sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn. Ông ta không nhắc gì đến ông tổng thống tân cử ở Mỹ mà chỉ nói rằng đây là một trò “khôn vặt” của Thái bà bà! Nhưng ngày hôm sau, ngay lời tuyên bố dè dặt đó cũng bị gỡ xuống không còn trong website của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nữa!

Trong suốt một tuần qua, cuối cùng chỉ có bà Thái Anh Văn thắng lớn! Từ năm 1979 đến nay, Trung Cộng tìm đủ cách để cô lập hóa chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, tức là Ðài Loan. Bỗng dưng, bà tổng thống, mới nhậm chức hồi giữa năm nay, điện đàm thân mật với một ông sắp làm tổng thống Mỹ! Bà Thái đã học Luật tại Ðại Học Cornell bên Mỹ năm 1980, bốn năm sau lại tốt nghiệp Ph.D. từ London School of Economics; là một người thông minh, khỏi cần nói. Nhưng cú điện thoại vừa rồi cho thấy bà cũng lão luyện trong nghề chính trị quốc tế! Từng đóng vai một nhà ngoại giao chuyên về các quan hệ với Trung Cộng, bà bị Bắc Kinh ghét nhất vì thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ, một đảng vốn có khuynh hướng tách Ðài Loan ra khỏi nước Tầu, thành một quốc gia độc lập. Sau khi bà đắc cử, Bắc Kinh đã ngưng mọi quan hệ giữa hai bên eo biển.

Nhưng bà Thái Anh Văn đã chọc giận được các cụ già trong Trung Nam Hải cũng nhờ có một guồng máy vận động hành lang do các chính quyền Quốc Dân Ðảng để lại. Guồng máy lóp bi đó từng do chính tay bà Tống Mỹ Linh, phu nhân cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch gây dựng từ thập niên 1950, khi Ðài Loan còn lo bị Mỹ bỏ rơi cho Trung Cộng nuốt! Những hội đoàn tư của người Mỹ gốc Hoa vẫn hoạt động tích cực bên cạnh các viên chức ngoại giao, quốc hội và các chính khách cả hai đảng lớn ở Mỹ. Họ nuôi dưỡng quan hệ với các người có vai trò lãnh đạo dư luận ở Mỹ, giống như Mạnh Thường Quân đời xưa nuôi các tân khách, chờ đến lúc cần thiết sẽ có việc làm! Ông Reince Priebus, sắp làm chánh văn phòng của Tổng Thống Trump, từng được mời qua Ðài Loan gặp bà Thái trước khi bà nhậm chức. Ông Peter Navarro, sắp gia nhập chính phủ Trump và từng viết nhiều cuốn sách đả kích Trung Cộng, từng ca ngợi Ðài Loan là một xã hội dân chủ tự do làm gương cho cả Á Châu!

Với các “tay trong” nằm vùng như vậy, bà Thái Anh Văn mới có thể thu xếp xin một cú điện thoại gọi chúc mừng ông Trump đắc cử – một hành động nghe rất vô hại nhưng hậu quả khó lường

Không phải chuyện tình cờ mà khi tự biện hộ về cú điện thoại 10 phút này, ông Trump nói ngay đến vai trò của Ðài Loan như một khách hàng chuyên mua vũ khí của Mỹ. Vì tất cả các chính phủ Ðài Loan vẫn đòi mua thêm từ năm 1979 đến giờ mà bị các chính phủ Mỹ từ chối vì không muốn chọc giận Bắc Kinh!

Guồng máy vận động của Ðài Loan ở Mỹ vẫn rêu rao từ lâu rằng các chính quyền Mỹ, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, không cung cấp đủ vũ khí cho Ðài Loan để tự vệ. Họ nói, Ðài Loan chỉ có “một nửa không quân” và “một nửa hải quân!” Mỹ chỉ bán cho Ðài Loan những chiến đấu cơ F-15 và F-16 thuần túy tự vệ, không có khả năng đánh vào trong lục địa. Bình thường, cách tự vệ hữu hiệu nhất là đánh thẳng vào phi trường bên địch, tiêu diệt các máy bay của họ trước khi chúng cất cánh! Nhưng những máy bay Mỹ bán cho Ðài Loan đã bị “thiến” mất khả năng tấn công đó! Hải Quân Ðài Loan cũng chỉ mua được các tàu chiến Mỹ không cần dùng nữa, không thể đọ sức với loại tầu ngầm loại Kilo của Trung Cộng!

Chắc bà Thái Anh Văn đã bắt mạch được dòng máu kinh doanh chảy trong ông Trump, với các cố vấn thân cận của ông xuất thân từ kỹ nghệ quốc phòng! Chính phủ Trump tăng cường Không Quân và Hải Quân Mỹ với một ngân sách khổng lồ. Những máy bay và tầu ngầm cũ sẽ phế thải nếu bán được sẽ giúp nước Mỹ có thêm tiền sản xuất tầu bay, tầu ngầm mới!

Ông Donald Trump đã đặt Cộng Sản Trung Quốc trước một “việc đã rồi.” Cuộc cờ ba phía, Mỹ, Trung Cộng và Ðài Loan không còn bầy giống như các đời tổng thống Mỹ trước. Bắc Kinh tỏ ra không có gì hốt hoảng, chứng tỏ họ cũng nắm trong tay những quân cờ lớn.

Các công ty Mỹ đã đổ vào nước Tàu 228 tỷ đô la trong 25 năm, qua 6,700 vụ đầu tư. Trung Cộng cũng đầu tư vào Mỹ 64 tỷ, sử dụng 100,000 công nhân trong hầu hết các tiểu bang.
Hơn 1,300 công ty Mỹ đang hoạt động ở trước lục địa, trong số đó 430 công ty đầu tư hơn 50 triệu và 56 công ty bỏ vào hơn một tỷ. Khi ông Trump bàn kế hoạch kinh tế đối với Trung Cộng, các công ty Boeing, Apple, và các nhà nông vẫn bán đậu nành và bắp sang Tàu sẽ sốt sắng góp ý kiến!

Năm ngoái, chính ông Donald Trump từng nói: “Tôi yêu nước Tàu! Tôi vẫn thương lượng với họ hoài!” (I love China! I do deals with them all the time!) Ông hỏi: “Quý vị có biết ngân hàng lớn nhất thế giới, với 400 triệu thân chủ, tên là gì không? Ðó là ICBC (Trung Quốc Công Thương Ngân Hàng)! Bạn có biết trụ sở chính của ICBC ở Mỹ nằm đâu không? Trong Trump Tower!”

Từ năm 2012, ICBC đã là thân chủ chính của Trump Tower, New York. Họ trả giá đắt nhất, 95.48 đô la một bộ vuông (square foot). Tính ra, mỗi năm ông Trump thu được gần hai triệu đô la tiền thuê nhà! Có lẽ vì thế cho nên các cụ già ở Bắc Kinh vẫn ngồi yên chờ coi ông Trump khi lên chức tổng thống sẽ làm gì, họ không vội vã phản ứng.

Thực ra cả thế giới cũng đang ngồi ngó, chờ coi ông Trump sẽ múa các món võ nào. Ngoại Trưởng Ðức Frank-Walter Steinmeier mới khuyên các đồng sự ở Châu Âu: “Ðừng ngồi đó như mấy con thỏ trố mắt nhìn con rắn!” (Nicht wie Kaninchen auf die Schlange starren!)

Chỉ có bà Thái Anh Văn là khôn; bà không ngồi yên trố mắt nhìn. Bà hành động trước. Cú điện thoại 10 phút thay đổi tình trạng 25 năm Ðài Loan bị Trung Cộng cô lập hóa! Phải kết luận, bà là một phụ nữ giỏi giang!

12/05/2016

NHỮNG MỐI ĐE DỌA CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

David Brown
12/4/2016
Binh Yên Đông lược dịch

Thay đổi khí hậu sẽ nhấn chìm Đồng bằng sông Cửu Long?
(Will climate change sink the Mekong Delta?)


Lời giới thiệu của người dịch: Đây là loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt. Những mối đe dọa này – dù có thể thấy trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ là những suy đoán “mờ mịt” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, mực nước biển dâng…) hay là những điều cấm kỵ của chế độ (chánh sách phát triển sai lầm và thiển cận của Hà Nội sau chiến thắng 1975) – là có thật và cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”. Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay suy ngẫm và thực hiện.

Bài viết dưới đây được cộng tác viên của BVN, ông Bình Yên Đông dịch cách đây mấy ngày, nhưng do biết ông David Brown là người cẩn trọng nên chúng tôi chờ dịch giả xin phép trực tiếp. Nay đã có ý kiến của tác giả tán thành cho sử dụng (xin xem 2 thư trao đổi giữa dịch giả và tác giả), nên xin được công bố rộng rãi để bạn đọc tham khảo.

On Fri, Dec 2, 2016 at 10:53 AM, wrote:
Dear Mongabay.com,
I am a retired Water Resources Engineer and was working for the South Vietnam's National Commission on Water Resources in Saigon before 1975. I am writing to request for the permission from Mongabay.com and Mr. David Brown to translate the Mekong Delta articles into Vietnamese and post them on Vietnamese websites for educational purposes. The translated drafts are attached for your review.
Thank you very much.
BYD
*
From: Mongabay Rights
To: qmnguyenla
Sent: Fri, Dec 2, 2016 8:56 am
Subject: Re: Permission to translate Mr. David Brown's articles on the Mekong Delta and post on Vietnamese websites for educational purposes
As long as you didn't make any changes to the text and credit and link back to the original article, then we give permission to reproduce this article.
Thanks!
Tiffany


Bauxite Việt Nam
---------------------------------------

Không có đồng bằng nào trên thế giới bị thay đổi khí hậu đe dọa nhiều hơn. Liệu Việt Nam sẽ hành động kịp thời để cứu vãn?

· Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển dâng lên 1 m vào cuối thế kỷ sẽ khiến cho 3,5-5 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dời chỗ. Mực nước biển dâng lên 2 m có thể buộc gấp 3 số người đi đến vùng cao hơn.
· Những thay đổi về mưa và lũ lụt cũng đe dọa một trong những môi trường sản xuất nông nghiệp trù phú nhất trên thế giới.
· Chánh quyền Việt Nam ở Hà Nội hiện nay có trách nhiệm chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại (comprehensive adaptation and mitigation plan).

Đây là bài đầu tiên trong một loạt 4 bài phân tích chi tiết nhằm tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và làm thế nào để đối phó.

Một thực tế đáng buồn là đã có nhiều thập niên để nói về thay đổi khí hậu nhưng vẫn chưa có những nỗ lực nghiêm chỉnh để thích ứng với hiện tượng hầu như không thể tránh được này. Theo các nhà tâm thần học vì chúng ta là con người. Chúng ta không theo kịp những đe dọa to lớn, phức tạp và diễn biến chậm. Phản ứng theo bản năng của chúng ta là thờ ơ, chớ không hành động. Nghịch lý đó ở trong trí của tôi trong suốt thời gian trở lại ĐBSCL thần thoại và trù phú của Việt Nam, một đồng bằng sũng nước rộng bằng Thụy Sĩ. Đây là nơi sinh sống của 20% dân số 92 triệu người Việt Nam và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thay đổi khí hậu và nhân tai, dường như do việc xây đập không ngừng nghỉ trên thượng nguồn sông Mekong.

Samuel Johnson từng nổi tiếng khi nói rằng “không có gì gây ấn tượng cho bằng sắp sửa bị treo cổ”. Đã 9 năm kể từ khi nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới xem ĐBSCL như là một trong những nơi trên hành tinh bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng. Nếu ở nơi khác, tôi tưởng tượng, tôi có thể cảm thấy sự khẩn trương. Tôi sẽ tìm trước những biện pháp thích ứng.

Tôi đã sai. Các bộ trong Chánh phủ Việt Nam, chánh quyền địa phương, chuyên viên ở các trường đại học và tổ chức quân sư Việt Nam, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu và các chánh phủ ngoại quốc: tất cả đang đưa ra những kế hoạch và chánh sách. Vấn đề là phải lựa chọn những ý tưởng tốt nhất, có quyết định thích hợp và tìm tài nguyên cần thiết để thực hiện một cách chặt chẽ và đúng lúc.

Mọi việc cuối cùng có lẽ đã đến, tôi kết luận sau khi nói chuyện với một số quan chức địa phương, giáo sư, phóng viên và nông dân vào giữa tháng 6. Không ai phủ nhận thực tế của vấn đề. Nhiều người còn liên kết câu hỏi làm thế nào với thay đổi khí hậu với những tranh luận trước đây về những cách tốt nhất để canh tác tốt hơn và nhiều hơn.

Một số người nói chuyện với tôi mong rằng Chánh phủ mới của Việt Nam sẽ tiết lộ chiến lược của Chánh phủ vào cuối năm 2016. Họ hy vọng Hà Nội sẽ làm đúng. Việt Nam là một quốc gia độc đảng. Khi một chánh sách được chấp thuận và truyền xuống, rất khó để thay đổi đường lối. Tuy nhiên, nếu các biện pháp không hợp lý cho 13 tỉnh của ĐBSCL, các đại diện đảng/nhà nước/địa phương có thể không thi hành. Ở Việt Nam, rất thường thấy những viên chức thiếu lương tâm, thực hiện những biện pháp của Hà Nội theo cách thông thường, không có trách nhiệm, và sau cùng, không có kết quả.

Vì nguy cơ rất cao, giả sử rằng chỉ có một câu trả lời đúng: trong vài tháng sắp tới, Hà Nội sẽ chấp thuận một kế hoạch tổng thể để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại cho 13 tỉnh ĐBSCL, và các tỉnh đủ hài lòng để thực hiện nó. Ít hơn thế sẽ là một kết quả thảm khốc.

Sự thịnh vượng mong manh

Cao độ trung bình của ĐBSCL cao hơn mực nước biển không quá 2m. Hầu hết rất thích hợp để trồng lúa. Nông dân cũng trồng cây ăn trái và dừa và nuôi tôm cá. Thu hoạch của họ phong phú nhờ có lũ lụt hàng năm và hệ thống kinh rạch chằng chịt, đập và cống.

Đó là một môi trường được kiến tạo cao, một xã hội được thủy lợi hóa hiện đại dựa trên thâm canh và cơ sở hạ tầng phản ánh lũ lụt, xâm nhập của nước mặn, giao thông thủy và ngư nghiệp, và cung cấp đủ nước ngọt cho thủy nông [?]. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng thế. Khi những người Việt đầu tiên định cư ở ĐBSCL cách đây 300 năm, họ đương đầu với địa hình thay đổi bởi gió mùa, bão tố, thủy triều và lũ lụt hàng năm của sông Mekong. Các quan lại triều đình, và sau đó là các kỹ sư thuộc địa người Pháp, đã huy động hàng ngàn người tiên phong để đào kinh dẫn thủy và thoát thủy. Theo thời gian, công việc xây dựng cơ sở hạ tầng được cơ giới hóa. Nhiều thập niên chiến tranh làm chậm việc thuần hóa ĐBSCL, nhưng ngay trong những năm “Chiến tranh Chống Mỹ (American War)” cũng có cải cách ruộng đất và du nhập cái gọi là “lúa thần kỳ (miracle rice)” – một giống lúa có thể cho gấp đôi năng suất nếu có đủ nước, phân và thuốc trừ sâu.

Các viên chức miền Bắc vào Nam sau khi chánh quyền miền Nam sụp đổ năm 1975 có ý định cải cách nông nghiệp theo kiểu Xô Viết, như họ đã làm ở Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc. Tuy nhiên, tập thể hóa không mang lại kết quả. Nông dân không chăm sóc những thửa ruộng hợp tác xã giống như họ chăm sóc hoa màu trên đất riêng của họ. Mười năm sau, Hà Nội thừa nhận thất bại của kế hoạch tập trung, tái phân phối đất nông nghiệp và cho phép kinh tế tư nhân hoạt động cùng với các công ty quốc doanh.

Những cải cách gọi là “đổi mới” này đã đưa đến sự phát triển kinh tế đáng ngạc nhiên cho Việt Nam trong ¼ thế kỷ. Đối với ĐBSCL, tiền cho vay và viện trợ từ các quốc gia Tây Phương tài trợ cho việc sửa sang và nới rộng cơ sở hạ tầng thủy lợi. Sự du nhập các loại lúa cao sản, nới rộng diện tích trồng lúa và chú trọng vào việc trồng hai mùa, và nhiều nơi, ba mùa khiến cho sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, từ 7 triệu đến 24 triệu tấn mỗi năm. Việc Việt Nam hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu mở rộng thị trường cho lúa gạo và các nông sản mới – đặc biệt là tôm và cá tra nuôi trong ao hồ.

Dĩ nhiên là có những hoài nghi về tính bền chắc (sustainability) của sự thịnh vượng chưa hề có này. Một số nhà khoa bảng thắc mắc về sự khôn ngoan của việc tập chú không ngừng vào việc độc canh lúa. Họ nói rằng trong những vùng không còn bị ngập lụt hàng năm, cần phải có một số lớn phân hóa học và thuốc trừ sâu để duy trì sản lượng. Nhiều nông dân than phiền rằng Công ty Lương thực miền Nam của nhà nước hưởng lợi từ việc buôn bán lúa gạo của họ trồng. Khi nền kinh tế lương thực của quốc gia chuyển từ khan hiếm qua dư thừa, Hà Nội vẫn tiếp tục chú tâm đến “an toàn lương thực (food security)” – có nghĩa là, ở ĐBSCL, dành riêng hơn ½ đất canh tác cho việc trồng lúa – càng ngày dường như càng lỗi thời.

Nhưng, khi sản lượng lương thực và xuất cảng tăng hàng năm, có thể tưởng rằng thịnh vượng sẽ thường trực với ĐBSCL. Chỉ mong rằng những cảnh báo của các nhà nghiên cứu thay đổi khí hậu, các đập khổng lồ đang được xây cất ở thượng lưu, và lợi tức thấp triền miên của nông dân trồng lúa sẽ không bao giờ đến.

Cồng báo động: tương lai đã đến

Đã nhiều năm, Dương Văn Ni và các công sự ở Đại học Cần Thơ đã cảnh báo mọi người có quan tâm đến những thay đổi của ĐBSCL. Dữ kiện đã có và có tính thuyết phục.

Vào một buổi chiều giữa tháng 6, khi mưa mùa đập trên mái tôn của quán cà phê ở gần trường, Giáo sư (GS) Ni chỉ cho tôi trường hợp (scenario) mà nhân viên của DRAGON (Delta Research and Global Observation Network (Hệ thống Quan sát Toàn cầu và Nghiên cứu Đồng bằng)) đã thực hiện và trình bày với vô số cử tọa. Nó kết hợp hơn 100 năm dữ kiện khí hậu và thủy học với hệ thống GIS (geographic information system) và dữ kiện viễn thám do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey (USGS)) cung cấp.

Không có một vùng đồng bằng nào – không phải cửa sông Ganges, sông Nile hay sông Mississippi – dễ bị tổn thương hơn cửa sông Mekong đối với những ảnh hưởng thay đổi khí hậu được tiên đoán. Mực nước biển dâng 1 m được dự đoán vào cuối thế kỷ 21st, mọi thứ khác giống nhau, sẽ dời chỗ từ 3,5 đến 5 triệu người. Nếu mực nước biển dâng lên 2 m, và nếu không có những biện pháp đối phó có hiệu quả, khoảng 75% dân số 18 triệu của ĐBSCL sẽ phải dời lên chỗ cao hơn.

GS Ni nói, lượng mưa vào đầu mùa mưa năm nay đã giảm đáng kể, và sẽ có nhiều mưa vào cuối mùa. Đỉnh lũ của sông Mekong giảm 1/3 kể từ năm 2000. Nước từ thượng nguồn chứa ít phù sa để bồi đắp vùng ngập lụt. Khối lượng nước ngọt giảm trong khi mực nước biển dâng cao. Điều nầy khiến cho nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu vào các cửa sông và vùng đất ngập nước ven biển trong mùa khô.

Mô hình của khuynh hướng hiện nay cho thấy nhiệt độ trung bình của ĐBSCL sẽ tăng trên 3 oC vào cuối thế kỷ này. Lượng mưa hàng năm sẽ giảm trong nửa thế kỷ đầu, và sau đó sẽ tăng cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20th. Vùng ngập lụt trong mùa thu không thay đổi nhiều, nhưng lũ sẽ không kéo dài.

Mọi thứ khác như nhau, năng suất lúa sẽ tụt giảm khi nhiệt độ tăng lên [?]. Mưa nhỏ trong những tháng đầu của mùa mưa là một thách thức cho sự khéo léo của nông dân. Mực nước biển dâng và lưu lượng của sông giảm sẽ là một thử thách nghiêm trọng cho hệ thống đê biển. Bờ sông và bờ biển ĐBSCL đã vỡ vụn; và nó sẽ tăng tốc. Nông dân không có khả năng đối phó sẽ di cư về phía bắc để tìm việc làm trong ngành kỹ nghệ và xây cất.

Chưa hết. Ở slide 70 (trong số 86 slides) của phần trình bày DRAGON, sự chú ý được chuyển sang việc xây cất đập ở thượng lưu đối với cơ chế thủy học của ĐBSCL. Đối với Trung Hoa, Lào và Thái Lan, tiềm năng thủy điện của sông Mekong dường như là một cơ hội phát triển không thể cưỡng lại được. Có thể tất cả các đập mà họ dự trù sẽ không được xây ngang sông chánh Mekong. Dù có một vài hay nhiều đập, ảnh hưởng của chúng đối với nông nghiệp của Việt Nam và Cambodia sẽ rất tiêu cực. GS Ni, các cộng sự của ông ở Đại học Cần Thơ, và chuyên viên ở các tổ chức khác ở miền Nam đã gióng tiếng cồng báo động trong nhiều năm. Chuỗi đập là mối nguy hiểm gần và dễ thấy hơn, và hiển nhiên thay đổi khí hậu thì không thể dừng được.

Phần trình bày của DRAGON kết thúc với lời kêu gọi hành động. Tương lai ảm đạm nhưng không phải tuyệt vọng nếu những chiến lược thích ứng và giảm thiểu thiệt hại thích hợp được đề ra. Cái mà ĐBSCL cần là: phát triển bền và chắc (sustainable development) dựa trên nền tảng hữu hiệu của an toàn nguồn nước, an toàn lương thực và an toàn xã hội.


Sơ lược về tác giả

David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên tờ báo Asia Times, Asia Sentinel, East Asia Forum, China Economic Quarterly, Asianomics, Foreign Affairs và Yale Global.

B.Y.Đ.
Dịch giả gửi BVN

LỒNG (TIẾNG -NGHỀ LỒNG TIẾNG)

Song Thao
12/4/2016

Phim bộ, dù là phim Hàn Quốc, Hong Kong hay Trung Quốc, Ấn Độ, đều hấp dẫn. Chẳng thế mà dân ta từ bao năm nay mê mệt thức đêm thức hôm, mì gói làm chuẩn, dán mắt vào màn hình. Hay là vì chuyện phim nhiều tình tiết, tài tử đẹp, phong cảnh trữ tình, áo quần bắt mắt, nhưng hay cũng là vì phim được lồng tiếng Việt trơn tru, không gượng ép, giọng nói của nhân vật nào ra nhân vật nấy. Công đó là của những người giấu mặt ngày đêm chuyển âm cho chúng ta thưởng thức. Họ là ai, hỏi cho vui vậy thôi chứ ít người biết, mà cũng chẳng cần biết làm chi. Người sành nghe giọng nói đôi khi nhận ra được giọng của Ngọc Đan Thanh hay Việt Thảo. Hai nhân vật này thường xuất hiện trên những cuốn video ca nhạc nên khán giả quen mặt quen giọng. Còn những người khác đều vô danh.

Thực ra, chuyện lồng tiếng Việt vào phim ảnh ngoại quốc là một chuyện vất vả mà khán giả chúng ta ít có thể tưởng tượng ra được. Nếu tinh ý, bằng vào những từ dùng khi chuyển âm, chúng ta thấy có hai…trường phái: hải ngoại và nội địa. Còn một trường phái thứ ba là Hong Kong. Trường phái này nay đã mai một. Nhưng trước đây, khi loại phim chưởng còn thịnh hành, dân ta đã được nghe thứ tiếng Việt lơ lớ rất nản. Câu mà mọi người còn nhớ và mang ra giễu là: “Em gả cho anh nhé!”. Đó là câu một cậu trai hỏi cưới một cô gái!

Hải ngoại trước đây có nhóm Túy Hồng, nhóm Việt Thảo, công ty Triều Thành hoạt động nhưng từ 20 năm nay nhóm Vina Entertainment, có trụ sở tại Garden Grove, hoạt động hăng hái nhất. Công ty này chuyên sản xuất và phân phối những bộ phim của Đại Hàn, Trung Quốc và Hong Kong. Nhờ có dàn máy hiện đại và những cộng sự viên tài năng nên Vina Entertainment đã sản xuất được những bộ phim rất ăn khách. Chắc dân ghiền phim bộ đã từng coi những cuốn phim hấp dẫn như: Hoàng Cung Dậy Sóng, Danh Gia Vọng Tộc, Trắng Và Đen, Hương Đêm, Cám Dỗ Chết Người, Thiên Thần Báo Hận, Người Đàn Bà Tuyệt Vời, Người Vợ Đòi Chính Nghĩa, Cô Con Gái Cưng, Nụ Hôn Lừa Dối, Cà Phê Tình Nhân, Cười Trong Nước Mắt, Bác Sĩ Đồ Tể. Tất cả là sản phẩm của Vina Entertainment. Minh Hiền là người phân vai nhân vật cho các diễn viên…không diễn. Nói một cách khác, diễn bằng lời chứ không bằng điệu bộ. Điệu bộ đã có những diễn viên ngoại quốc lo! Các chiếc miệng làm việc trong nhóm có Thu Tuyết, Khánh Hoàng, Hoàng Dũng, Hoàng Đạo, Quốc Tuấn, Vân Yên, Ngọc Thu…Người ta ví von gọi họ là những người thổi hồn cho nhân vật. Diễn viên có khi là người Đại Hàn, Hong Kong hay Trung Quốc, Nhật Bản nhưng qua những giọng nói của những người nói giỏi chúng ta nhận họ là người Việt. Hay ít ra cũng tưởng họ là người Việt. Được như vậy là vì họ là những người có tay nghề (chắc phải nói là…miệng nghề mới đúng!).

Ngồi xem một bộ phim ăn nói trơn tru, chúng ta thường nghĩ là các diễn viên lồng tiếng cũng ngồi khểnh như chúng ta để liên tục nói. Không phải vậy. Mỗi người phải làm việc riêng rẽ. Và mỗi người thường phải đảm nhiệm nhiều vai trong một bộ phim. Tai đeo headphone, tay cầm kịch bản, người lồng tiếng lúc thì nói giọng của một bà lão tám chục tuổi, lúc thì đổi giọng thành một phụ nữ trung niên điềm đạm, khi chuyển sang giọng một thiếu nữ nhí nhảnh, lúc phải vào tiếng của một em bé thơ ngây hồn nhiên. Cứ khi nhân vật xuất hiện trên phim là phải vào vai nhân vật này, thoắt cái lại chuyển vai qua nhân vật khác nếu thấy họ xuất hiện trên màn hình trước mặt. Phải nói sao cho khán giả không nhận ra từng ấy giọng chỉ phát ra từ một chiếc miệng nhảy cóc từ nhân vật này qua nhân vật khác. Chưa hết, diễn viên chuyển âm đồng thời phải nhìn vào miệng nhân vật để nói cho khớp với miệng diễn viên. Không thừa, không thiếu dù chỉ một nhịp, nhưng câu nói tiếng Việt vẫn phải rõ ràng, dễ nghe, đồng thời phải có khả năng biểu cảm để thu hút người nghe. Không biết các fan của phim bộ có nhận ra là giọng chuyển âm đều là giọng miền Nam. Đó mới là giọng chuẩn trong chuyển âm phim bộ. Ngay ở trong nước, các nhóm lồng tiếng cũng rặt giọng miền Nam bởi vì chỉ có dân miền Nam mới coi phim chuyển âm. Dân miền Bắc nay vẫn có thói quen coi phim thuyết minh!

Chúng ta ngồi khểnh thưởng thức phim bộ chắc ít khi nghĩ tới những khổ cực của người chuyển âm cho chúng ta hiểu bộ phim. Họ cũng ngồi coi từng tập như chúng ta nhưng coi trong một tâm trạng cóc nhẩy. Phải nhanh mắt nhanh miệng. Thấy nhân vật mình phụ trách lồng tiếng xuất hiện là phải nhảy vô nói liền. Mà nói nhiều giọng tùy theo các nhân vật mình đảm trách, trong khi các nhân vật do người khác đảm nhận lồng tiếng vẫn sủa tiếng Hoa hay tiếng Hàn chẳng hiểu mô tê chi. Họ phải như cắc kè thay đổi màu da trong khoảng thời gian có khi tính bằng một tích tắc. Muốn hoàn thành vai trò khó khăn này, họ phải có thực tài và kinh nghiệm để hóa thân một cách chớp nhoáng vào một nhân vật trẻ, già, hiền lành, ác độc, tức giận, đau đớn khóc nghẹn, tức tưởi hay khoái chí, hạnh phúc qua cách nhấn nháy, luyến âm, luyến chữ. Họ phải diễn bằng lời, một cách diễn rất hạn hẹp mà tôi nghĩ khó khăn hơn diễn bằng thân hình nhiều. Mắt chăm chăm vào màn hình, trước mặt là kịch bản, họ theo sát và nói thế từng lời cho diễn viên. Không phải chỉ nói lưu loát, dễ nghe mà phải nhại theo tiếng nói khi mỗi khi diễn viên hít hà, uống nước, hút thuốc hoặc nói khi vừa khóc hoặc vừa cười. Thui thủi một mình như vậy, họ làm việc để cho ra thị trường đúng hẹn những tập phim mới. Mỗi tuần chỉ có một ngày họ làm việc chung. Đó là chuyển âm các cảnh có đám đông. Họ họp nhau lại để la hét, tạo tiếng ồn. Coi như một ngày không cô đơn trong phòng thu âm!

Minh Hiền vào nghề…nói dùm từ khi tới Mỹ vào năm 1983. Ngày xưa, chị hát trong nhóm thiếu nhi Sao Băng của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Người đưa chị vào nghề giấu mặt này là nghệ sĩ Nhật Minh. Chị nhớ lại:

“Hồi đó thương chú Nhật Minh hết sức. Khi ấy, dụng cụ rất thô sơ, người lo kỹ thuật âm thanh phải nghĩ mọi cách để làm tiếng động cho phim. Tỷ như thổi một trái bong bóng lên, để chén nước kế bên, nhúng ngón tay vào chén nước rồi kéo trên bong bóng để làm tiếng kẹt cửa. Để tạo tiếng bước chân đi trên cỏ thì để bao ni lông vỗ bèm bẹp trên đùi. Hoặc vỗ tay vào đùi để tạo tiếng chân đi dép. Lúc đó, diễn viên chuyển âm cũng cực lắm. Không như bây giờ, tự mình ngồi bấm máy, nói cho tới khi nào đạt được mới lưu lại và chuyển sang câu khác. Ngày đó, có kỹ thuật viên bấm máy, khi mình nói sai, hoặc chưa đạt, kỹ thuật viên phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhiều khi mình nói xong mà vẫn chưa vừa ý, nhưng vì sợ làm phiền nên cho qua luôn. Vì vậy, sau khi xem lại phim, luôn luôn ước mong được làm lại thì sẽ hay hơn!”.

Vân Yên vào nghề từ năm 1990. Cô có giọng nói trong trẻo, hiền lành nên thường được giao lồng tiếng cho những vai đào thương, như vai Hạ Tử Vi trong “Hoàn Châu Cách Cách”, vai cô chị trong “Chiếc Giầy Thủy Tinh”. Cô rất yêu nghề:

“Hơn hai chục năm sống bằng nghề chuyển âm, tôi học được nhiều triết lý từ các câu nói trong phim và áp dụng vào cuộc sống của mình. Dù phim chỉ là hư cấu nhưng tôi đã học được cách đối xử giữa người với người. Học được bài học về sự bao dung và vị tha. Điều tôi thường thấy trong phim bộ là không chịu giải tỏa sự hiểu lầm, cứ để chồng chất và gây tổn thương cho nhau. Qua đó, tôi nhận thấy mình cần phải chia sẻ, thành thật với nhau…Khi bước vào công việc chuyển âm là tôi sống chết theo nhân vật, quên đi con người thật của mình. Nhưng nhiều khi vì sức khỏe không được tốt, không diễn đạt được như mong muốn. Khi xem lại thấy không hài lòng, luôn ươc ao được làm lại.”

Ngọc Đan Thanh rất nổi đình nổi đám trong nghề chuyển âm phim bộ. Cô có giọng sang trọng, rất hợp với các vai mệnh phụ quyền quý hay công chúa, thái hậu. Làm nghề lồng tiếng từ năm 1990, khi vừa đặt chân tới Mỹ, cô tâm sự:

“Chuyển âm rất gần gũi với công việc sân khấu kịch nghệ của Ngọc Đan Thanh. Trên sân khấu, chính mình tự diễn vai trò đó. Nhưng bên ngành chuyển âm thì mình diễn lại vai trò của người khác. Mỗi ngày, khi mình vào trong phòng thu âm, một mình làm việc, chỉ mình mình với tất cả các loại vai. Chỉ một mình mình nói, cười, khóc… Những gì trong đời sống ngày thường mình không bộc lộ, thì trút hết trong những nhân vật khi mình chuyển âm. Khoảng chục năm trở lại đây, phim Đại Hàn mới phát triển mạnh trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Vốn đã quen với tiếng Quảng Đông trong phim Hồng Kông, nên lúc đầu khi chuyển âm cho phim Đại Hàn rất khó với Ngọc Đan Thanh. Vì tiếng Đại Hàn lạ lắm, có lúc Ngọc Đan Thanh phải vặn nhỏ tiếng của diễn viên xuống, chỉ để nhìn thấy miệng diễn viên nhép thôi. Và canh làm sao nói cho khớp miệng diễn viên. Chứ nếu không, cứ nghe tiếng của diễn viên, là bị chi phối, không thể nói theo được.Mỗi một phim, mỗi một hãng thực hiện, mỗi một tài tử là một khác biệt, thành ra sau mỗi lần thực hiện xong phim là thêm cho mình một bài học. Đòi hỏi mình sống trọn vẹn với vai diễn trong khoảng thời gian đó, sau đó qua bộ phim khác, lại sống với nhân vật khác nữa”.

Khi ngồi coi một bộ phim chuyển âm, chắc chùng ta không biết rõ công việc lồng tiếng lại gay go như vậy. Những người cho mượn tiếng nói rất yêu nghề. Họ luôn luôn tâm niệm mỗi ngày mỗi hoàn chỉnh hơn mà không hề nghĩ tới sự nổi tiếng. Khán giả có thấy mặt mũi mình đâu mà tiếng tăm!

Thực ra cũng có những khán giả biết tới công khó của những người làm công việc chuyển âm. Tỷ như ông Bùi Xuân Đáng, đã viết trong bài “Những chồng phim bộ ”:

“Trước hết xin ghi một đỉểm son cho những người trong ban chuyển ngữ đã truyền đạt cho khán giả những lời văn chương tao nhã, những triết lý cao siêu diễn tả hết lời hay ý đẹp của người viết truyện. Tôi không được hân hạnh biết rõ quý vị này là ai, song nghe bạn bè nói toàn là những nhà trí thức khoa bảng lầu thông Hán học. Xin ngả mũ kính chào bái phục. Những vị trong ban chuyển âm, nghe đâu có Túy Hồng, La Thoại Tân và những người có tên tuổi trong làng kịch nghệ và truyền thanh. Xin thành thực cám ơn quý vị! Giọng nói của quý vị thực là siêu phàm xuất chúng. Âm thanh không những ăn khớp với miệng nói mà giọng nói cũng diễn tả được những nỗi buồn vui, hờn giận theo gương mặt cuả diễn viên trong bất cứ cảnh huống nào. Có thể nói mà không sợ mình quá chủ quan rằng nếu không có quý vị phim bộ Trung Hoa, Đại Hàn khó lòng xâm nhập thị trường Việt nam được.Trong dịp về thăm quê hương cũ, mở đài truyền hình xem những đoạn phim chuyện không hề thấy có việc chuyển âm mà lại dùng cách thuyết minh chán ngắt như đứa trẻ đọc bài học thuộc lòng”.

Thuyết minh là chuyện chỉ có trong xã hội miền Bắc. Họ đã quen như vậy rồi. Thậm chí tới nay tại các tỉnh miền Bắc, họ vẫn chuộng thuyết minh chứ không coi phim lồng tiếng. Những ngày đi tù cải tạo, chúng tôi bị bắt buộc ngồi ngoài trời coi những phim tuyên truyền của Trung Quốc hay Liên Xô. Toàn phim thuyết minh. Đoàn chiếu phim lúc nào cũng có một thuyết minh viên ngồi dưới ánh đèn đỏ quạch, đọc bằng một giọng đều đều đến buồn ngủ. Thân phận tù tội, chúng tôi ngao ngán cho trình độ của những người thắng cuộc. Miền Nam chúng ta ngày xưa đâu có cái trò chán phèo này! Chúng ta chưa có phim lồng tiếng nhưng các phim ngoại quốc đều có phụ đề Việt Ngữ. Phụ đề có cái hay là khán giả được nghe tiếng nói của chính các diễn viên và những tiếng động trung thực của phim hơn. Nhưng nếu không nhanh mắt, chúng ta không thể vừa đọc phụ đề vừa coi phim được. Đuổi theo phụ đề nhiều lúc mệt đứt hơi.

Hầu hết các nước Bắc Âu và Tây Âu không cho phép lồng tiếng cho các bộ phim chiếu ngoài rạp mà chỉ cho chuyển âm các bộ phim truyền hình và phim hoạt họa. Nhưng các nước Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ kỳ, Hung và Nga vẫn ưa thích phim chuyển âm.

Nếu chúng ta có con em coi phim hoạt họa trong nhà thì, nếu là những cao thủ điện ảnh, hẳn chúng ta sẽ nhận ra tiếng nói của các thú vật sao quen quen. Tai chúng ta không phản bội lại chúng ta đâu. Bởi vì tiếng nói của những con thú dễ thương hay hung dữ trong phim chính là tiếng nói của các tải tử nổi tiếng trong phim ảnh Hollywood. Như nàng Angeline Jolie đã cho đại tỷ Sư Tử trong phim Kung Fu Panda mượn tiếng. Lý do cô minh tinh ăn khách này chịu ngồi trong phòng tối để nói dùm cô Sư Tử là vì muốn chiều lòng các con. Tài tử Owen Wilson nói giùm cho chiếc xe Lighning McQueen mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mê mẩn trong phim Pixar. Chúng ta cũng nghe được tiếng nói của Julia Roberts trong Charlotte’s Web, Reese Witherspoon trong Monsters vs. Aliens, Will Smith trong giọng nói của chú cá Oscar trong phim hoạt họa Shark Tale, Nicole Kidman trong Happy Feet. Cameroon Diaz khoái nghề lồng tiếng cho phim vẽ vì không cần trang điểm cầu kỳ và tha hồ làm trò méo mặt méo mũi trong phòng thu âm. Minh tinh Julie Andrews cũng thích cho mượn tiếng nhưng cô luôn cảm thấy cô đơn khi một mình ngồi diễn trong phòng thu âm kín mít.

Đó là những tên tuổi lớn của Hollywood chịu chuyển âm cho phim hoạt họa dành cho trẻ em. Họ là những diễn viên lồng tiếng tài tử. Làm cho vui vì thích trẻ em. Phần lớn công việc …tối thui này vẫn do nhóm chuyển âm nhà nghề thực hiện. Trong số này có một người Việt Nam. Đó là cô Xantha Huỳnh.

Xantha Huỳnh còn trẻ, sanh ngày 22 tháng 6 năm 1987 tại Los Angeles, năm nay mới xấp xỉ 30 tuổi. Tốt nghiệp Bachelor of Arts in Dramatic Arts tại Đại Học UC Irvine, đáng lẽ cô phải xuất hiện trên sân khấu cho thiên hạ biết mặt biết tên. Nhưng một tình cờ đã hướng cô qua ngành lồng tiếng cho các phim hoạt họa Mỹ và Nhật Bổn. Năm 2007, vừa tròn 20 tuổi, bạn bè rủ cô đi ghi danh vào cuộc thi tuyển chọn diễn viên lồng tiếng Ax Idol tại Anime Expo. Cô không thắng giải nhưng đã vào tới vòng chót và được thưởng một chuyến đi thăm phòng thâu của công ty Bang Zoom tại Burbank, California. Cô tò mò thâu tiếng thử cho một đoạn phim hoạt hình và được ban Giám Đốc chú ý và mời cô cộng tác. Cô đã thổi hồn vào các nhân vật trong nhiều phim vẽ và game. Các vai nổi tiếng nhất là vai Ui Hirasawa trong chương trình K-On, vai nhà nghiên cứu trong Hottarake no Shima, vai Nagisa Momoe trong Puella Magi Madoka Magica.

Là người Mỹ gốc Việt duy nhất thành công trong chuyển âm, Xantha Huỳnh đã đối mặt với nhiều khó khăn. Cô giãi bày:

“Trái với suy nghĩ của nhiều người, diễn viên lồng tiếng đôi khi không có nhiều thời gian chuẩn bị vì không nhận được kịch bản trước để có thể tập luyện. Do đó, tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để khi vào phòng thu, mình có thể quán xuyến những tình huống khác nhau. Điều khó khăn nhất trong ngành này là phải canh để nói cho khớp với nhân vật. Người lồng tiếng phải đọc kịch bản, truyền cảm xúc và nhìn vào màn hình cùng một lúc”.

Ngồi phè cánh nhạn coi phim bộ, chắc chúng ta ít khi nghĩ tới nỗi nhọc nhằn của những người mang nhân vật trong phim tới gần với chúng ta. Những người làm việc trong bóng tối luôn cam phận nép vào bóng tối. Bóng tối trong tâm khảm của mỗi khán giả!

12/04/2016

TSKH Phan Hồng Giang: Làm thế nào để chấn hưng đạo đức dân tộc?

Tôn Phi thực hiện
12/3/2016

(VNTB) - Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết


Vào đầu tháng 9 năm 2016, tiến sĩ Phan Hồng Giang có bài viết được rất nhiều người chú ý và nhiều báo đăng tải đồng loạt, đó là bài viết “ Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa?”. Vấn đề bằng cách nào để cứu vãn đạo đức xã hội, bằng cách nào để giảm thiểu tội ác này được ngày càng nhiều tri thức trong ngoài nước trăn trở. 

Hội nhà báo độc lập Việt Nam có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, từng là viện trưởng viện Văn hoá – nghệ thuật Việt Nam, tác giả của bài luận ngắn trên.

P.v: Mến chào tiến sĩ Phan Hồng Giang đã trở lại trong chuyên mục phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo. Đạo đức xã hội xuống cấp, suy đồi đang trở thành một vấn nạn đáng báo động. Tăng cường nhiều công an tư tưởng, cảnh sát, xây nhiều nhà tù, có thể là nơi giáo dục đạo đức, răn đe cộng đồng bớt phạm tội lâu dài được hay không?

TSKH Phan Hồng Giang (P.H.G.) : Quả là đạo đức xã hội đang suy đồi, đáng báo động ở mức cao nhất. Tăng cường nhiều công an tư tưởng là việc không nên làm, vì bản thân suy nghĩ - tư tưởng mới tồn tại trong đầu hoặc thể hiện qua lời nói, chữ viết ôn hòa thì chưa thể là - và không thể bị coi là - hành vi phạm tội. Còn tăng cường lực lượng cảnh sát, xây thêm nhà tù… ở khía cạnh trấn áp tội phạm, chừng mực nào đó, cũng có tác dụng ngắn hạn giáo dục đạo đức ( ở mức tối thiểu là không vi phạm pháp luật). Và thực ra, theo tôi, tác dụng này cũng không quá lớn: Bằng chứng là dù số lượng cảnh sát đã tăng cao đến mức kỷ lục, nhà tù liên tục được mở rộng, xây thêm thì vẫn không đủ chỗ để nhốt tội phạm sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa ! 

Về lâu dài thì cần áp dụng biện pháp căn cơ, sâu xa hơn : Tính cách con người chủ yếu là do hoàn cảnh tạo ra; muốn cải tạo tính cách theo chiều hướng Chân-Thiện-Mỹ thì trước tiên phải tập trung cải tạo hoàn cảnh – sao cho môi trường xã hội trở nên tử tế, hợp đạo lý hơn.


P.v: Có một ý kiến so sánh thế này: Người châu Phi cũng nghèo, thậm chí tính về thu nhập bình quân đầu người thì còn nghèo hơn Việt Nam. Nhưng cái nghèo ở châu Phi không làm cho con người ta rơi vào vòng tội lỗi, dân nghèo ở châu Phi vẫn có tâm hồn trong sáng, trong khi cái nghèo ở Việt Nam lại biến nhân dân thành những người “đa nhân cách”. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang thì “đa nhân cách” có phải là hiện trạng chung của dân Việt Nam, và có nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng hay không?

TSKH Phan Hồng Giang: Cách đây 15 năm tôi có dịp đi dự một Hội thảo về văn hóa ở Cộng hòa Benin, miền Trung Phi. Khi dạo chơi ngoài phố, tôi ngạc nhiên đầy thú vị khi thấy các xe máy không gắn biển số và hầu hết người dân khi dừng đậu xe ở vỉa hè vào cửa hàng hay đi đâu đó đều không phải làm cái động tác đã thành bản năng ở xứ ta là… khóa xe ! Nghĩa là người dân Benin, tuy chưa phải là giàu có gì nhiều, đã không thường xuyên bị đe dọa bởi nạn ăn cắp xe, trong khi ở xứ ta dù xe đã khóa vẫn có thể …bốc hơi chỉ 5-7 giây sau khi chủ xe khuất mắt ! Ở ta không gì có thể không bị mất cắp: từ gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, hộp số xe máy đến biển số (!) xe hơi (người bị mất đành cắn răng ra Chợ Giời tìm hỏi mua lại chính biển số xe của mình (!). Thật là một kiểu ăn cắp độc nhất vô nhị trên cả thế giới diễn ra công khai trước mũi người ngay và… công an !

Sự phổ biến của nạn dân ta ăn cắp đã trở nên khá nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Nhiều cửa hàng ở các nước đó đã phải treo biển cảnh báo về nạn ăn cắp bằng… tiếng Việt ! Dù các cụ đã dạy : “Bần cùng sinh đạo tặc”, nhưng xin nói ngay rằng ăn cắp phần lớn không phải do nghèo. Phi công, tiếp viên hàng không bị bắt vì trộm cắp ở Nhật đâu phải vì nghèo ? Bị bắt vì trộm kính đeo mắt trong cửa hàng miễn thuế ở sân bay Thái Lan là Giám đốc một Công ty lớn…

Anh nhắc đến căn bệnh “đa nhân cách” của nhiều người dân ta, theo tôi, cũng là một cách lý giải dễ thuyết phục. Theo tôi, nên dùng chữ “rối loạn nhân cách” hay “lệch lạc nhân cách” thì độc giả bình thường dễ hiểu hơn. Dù về cơ bản, “rối loạn nhân cách” được hiểu như một căn bệnh – bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng hiểu là bệnh như thế, theo tôi, dễ dẫn đến chỗ không còn coi ăn cắp là một tội hình sự, một hành vi vô đạo đức. Nếu không kịp thời chú trọng giáo dục nhân cách, không nghiêm khắc áp dụng chế tài đủ mạnh đối với vấn nạn trộm cắp thì các cá nhân và cộng đồng ở xứ ta còn phải chịu bất an dài dài. (Xin nhắc : theo Luật Hồi giáo cực đoan, kẻ trộm cắp phải bị … chặt tay !).

P.v: Vừa rồi có vụ các cô giáo bị ép đi tiếp khách, bộ trưởng giáo dục thì đứng về phía những người ép các cô làm lễ tân. Thật khó mà tin cậy vào ngành giáo dục là nơi rèn luyện nhân cách được nữa. Nhiều người già nói rằng do thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh, người dân Việt Nam mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi, cho nên không ngừng phạm tội. Tiến sĩ Phan Hồng Giang có nhận định thế nào về ý kiến này?

TSKH Phan Hồng Giang: Câu chuyện xoay quanh việc các cô giáo ở thị trấn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bị cấp trên “giao nhiệm vụ” đi tiếp khách cho các quan chức ăn nhậu làm dư luận phải nghi ngờ về năng lực rèn luyện nhân cách của các nhà quản lý ngành giáo dục. Đặc biệt đáng thất vọng là ông “tư lệnh” ngành giáo dục, một vị GS,TS chữ nghĩa bề bề, lại thể hiện một tư duy lệch lạc: trước Quốc hội, trước bàn dân thiên hạ, vị này gọi đó là “chuyện vui vẻ thôi mà” ! Trả lời cánh báo chí, ông dạy dỗ các cô giáo “trước hết phải tự trách mình đã không biết từ chối” công việc không phải của mình ! Ông như người ở trên trời vừa rơi xuống hay sao mà không biết tai họa nào sẽ chắc chắn đổ xuống đầu các cô gái trẻ nếu họ dám từ chối “nhiệm vụ chính trị” (!) mà quan trên đã đắc chí áp xuống ! Các cô giáo vốn là nạn nhân, thay vì được thương xót bênh vực thì lại bị phê phán ! Thật là ngược đời !
Câu chuyện trên, nói cho đúng ra, chỉ là điều thất vọng nhỏ trong vô số những điều gây thất vọng lớn hơn nhiều trong “sự nghiệp trồng người” – từ triết lý giáo dục bất cập; chương trình - sách giáo khoa thiếu hệ thống, nhiều lý thuyết yếu thực hành; coi nhẹ truyền bá kỹ năng sống; phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo… đến cách thi cử nặng nề; chất lượng giáo viên còn xa mới đạt yêu cầu; thái độ học tập đối phó; nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; bạo lực học đường không còn hiếm thấy v.v…
Quả là như anh vừa nhắc, “thiếu sự đào luyện tôn giáo và tâm linh”, người dân chúng ta nhiều khi “mất đi cảm thức về phúc đức và tội lỗi”. Khi con người không còn tin vào điều gì thiêng liêng, không còn biết sợ bất kỳ điều gì – sản phẩm cực đoan của chủ nghĩa vô thần – thì họ chỉ còn cách hành động phạm tội một gang tay ! Những báu vật trong các chùa chiền ở khắp các miền quê đã tồn tại hàng trăm năm không ai dám động đến vì sợ bị “Thánh vật”. Còn bây giờ dù cửa đóng then cài thì sểnh ra là bị đạo chích rinh mất như tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Mễ Sở - Hưng Yên đã 2 lần bị bọn trộm vô đạo hỏi thăm…

P.v: Trong bài báo “Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa”, tiến sĩ đưa ra giải pháp thúc đẩy quyền tự do dân chủ, vì thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Liệu có giải pháp nào để cải thiện đạo đức dân tộc mà không đi qua con đường tự do dân chủ không? Giải pháp đó có cấp bách hay không?

TSKH Phan Hồng Giang: Cải cách thể chế xã hội , dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, theo tôi, là chìa khóa vạn năng, là giải pháp tiên quyết, căn bản, lâu dài để ngăn chặn đà suy thoái của văn hóa – trước hết là văn hóa đạo đức, rồi từ đó xây dựng được một nền văn hóa đạo đức tử tế, lương thiện, bền vững. (Điều này phần nào tôi đã giải thích trong bài báo anh đã nhắc đến).

Đã là giải pháp căn bản, lâu dài thì khó có thể là cấp bách, phải làm được trong ngày một ngày hai.
Tôi nghĩ, nếu nhận được sự đồng thuận xã hội, nếu được các nhà lãnh đạo “bật đèn xanh” thì đạo đức xã hội có thể được cải thiện thông qua việc thấm nhuần sâu sắc, thực chất và rộng khắp các giáo lý cao đẹp của tôn giáo. Thực tế đã chứng minh rằng ở những nước theo quốc đạo là Phật giáo như Lào, phạm đều rất thấp, (Myanmar dù còn rất nghèo, vẫn đứng đầu Bảng xếp hạng các nước trên thế giới về mức độ làm từ thiện). Ngay ở nước ta, những vùng công giáo toàn tòng (như ở Hải Hậu, Bùi Chu, Phát Diệm…) các vấn nạn trộm cắp, nghiện ngập, ly hôn… đều rất ít xẩy ra. Vai trò tích cực của tôn giáo ở đây là rất rõ ràng.

P.v: Dù sao thì vẫn phải thừa nhận giáo dục vẫn là một trong những mặt trận cốt yếu để cứu vãn đạo đức xã hội. Theo tiến sĩ Phan Hồng Giang, bản thân nền giáo dục Việt Nam có những tiền đề tự thân để có thể thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản, ít nhất là như các triều đại trước hay không?

TSKH Phan Hồng Giang: Đương nhiên phải thừa nhận giáo dục là lĩnh vực mà nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi đi tìm giải pháp chấn hưng văn hóa.

Bên cạnh những điểm yếu dễ thấy, tôi rất tin là nền giáo dục nước ta, may mắn là còn có, như chữ dùng của anh, “những tiền đề tự thân” để có thể “thanh lọc bản thân và trở lại thành một nơi giáo dục con người một cách nhân bản”. Đa số các thầy cô tận tụy với nghề, phụ huynh đều mong muốn con em mình “nên người”, học sinh đều muốn “học ít, biết nhiều”, cả nước từ trên xuống dưới đều khát khao “đổi mới căn bản và toàn diện” lĩnh vực giáo dục sao cho các “sản phẩm giáo dục” có thể sớm đáp ứng yêu cầu xây dựng được một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh, toàn dân hạnh phúc, tự do.

Bởi xét cho tới cùng, nhân bản vị tha là phương cách duy nhất để cho loài người tồn tại. Sự độc ác, tồi tệ giữa con người với nhau, sự tụt dốc không phanh của văn hóa chỉ là sản phẩm nhất thời của một thời loạn lạc vô đạo, khi hệ thống giá trị bị đảo lộn, đồng tiền bất chính lên ngôi, bạo lực được tôn vinh thành chủ thuyết phát triển, dối trá ăn vào máu, con người trở nên vô cảm trước tai họa của đồng bào và Đất nước..

Xin được cám ơn tiến sĩ Phan Hồng Giang đã dành thời gian quý báu cho độc giả Việt Nam Thời Báo. Mến chúc ông có được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Kinh tế Trung Quốc thời Donald Trump

Ngô Nhân Dụng
12/2/2016


Tuần trước, Giáo Sư Dư Vĩnh Ðịnh (Yu Yongding) nguyên cố vấn Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh đã viết trên tờ báo chính thức của đảng khuyên Trung Cộng hãy ngưng cố gắng bảo vệ giá trị đồng nguyên. Hãy để cho đồng tiền tụt giá so với đô la Mỹ, trước khi ông Donald Trump nhậm chức đầu năm 2017. Bởi vì dù cố gắng đến mấy để giữ giá, đồng nguyên sẽ còn xuống nhanh hơn nữa, khi chính sách kinh tế của vị tân tổng thống Mỹ được thực hiện.

Theo hứa hẹn của ông Donald Trump khi tranh cử, trong năm đầu tiên ông sẽ cắt giảm thuế cho các công ty và những người lợi tức cao nhất nước Mỹ, đồng thời sẽ bắt đầu một kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống, vân vân. Hai biện pháp đó sẽ tăng số tiền lưu hành ở nước Mỹ, thúc các hoạt động kinh tế lên cao, nhưng lạm phát chắc chắn lên cao hơn. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, giá trị của đồng đô la sẽ lên theo.


Từ sang năm, ngân sách Mỹ sẽ thêm khiếm hụt, số nợ công sẽ tăng, khi chính phủ vay ịa sẵn sàng cho chính phủ Mỹ vay nợ, ngoài các quốc gia xuất cảng dầu lửa còn có các nước Á Ðông. Từ hai chục năm nay, tiền từ các nước Á Ðông đem cho nước Mỹ vay vì đó là nơi gửi tiền an toàn nhất, mà cũng vì người dân các nước đó bị “cưỡng bức tiết kiệm.” Người tiêu thụ Trung Hoa lục địa và Nhật Bản đều chi tiêu rất ít so với dân Mỹ, không phải vì họ muốn như vậy nhưng vì chính sách của các chính phủ ưu đãi việc xuất cảng, bỏ rơi thị trường nội địa, bắt dân phải tiết giảm tiêu thụ. Thí dụ, vào năm 2014, trong khi dân Mỹ tiêu dùng 68% GDP thì số chi tiêu của dân Nhật Bản lớn bằng 60% tổng sản lượng nội địa, dân Tàu chỉ được tiêu hơn 37% số tiền họ tạo ra.

Ðồng đô la Mỹ sẽ lên giá; khi các nước Á Ðông đem tiền cho Mỹ vay vì lãi suất lên cao hấp dẫn. Nhưng đô la lên mãi sẽ tới lúc phải xuống; đến khi chính phủ Mỹ trả lại lãi và vốn các món nợ cũ thì những nước cho vay sẽ thiệt vì nhận đồng tiền giá trị thấp hơn. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc bắt dân nhịn tiêu thụ để đem tiền cho vay, cuối cùng sẽ thiệt.

Cố giữ cho đồng nguyên vững giá so với đô la Mỹ là trái ngược với quyền lợi của chính nước Tàu! Nhưng Cộng Sản Trung Quốc đang cố làm công việc đó, trong khi tổng thống tân cử Donad Trump vẫn lớn tiếng chỉ trích Trung Cộng “âm mưu” hạ giá đồng tiền của mình để hàng xuất cảng sang Mỹ giá rẻ hơn.

Trước khi ông Trump nhậm chức, tiền ở Trung Quốc vẫn tiếp tục được đổi sang đô la Mỹ, USD, để chuyển ra nước ngoài, khiến đồng nguyên xuống giá nhanh hơn. Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh đã can thiệp mạnh mẽ trong mấy tuần cuối tháng 11 để ngăn ngừa, khi thấy đồng nguyên mất 7% giá trị so với đô la trong một năm qua. Ngân Hàng Nhân Dân cấm dùng thẻ tín dụng xài đô la; ra lệnh dân Tàu không được mua bảo hiểm của nước ngoài; không cho phép các xí nghiệp trong nước Tàu đầu tư quá $10 tỷ; không cho các doanh nghiệp nhà nước mua các xí nghiệp ngoại quốc hoặc mua các cơ sở địa ốc ở nước ngoài với giá cao hơn $1 tỷ. Một lệnh khác của Ngân Hàng Trung Ương cấm các xí nghiệp không được chuyển ra nước ngoài số tiền cao hơn 30% số vốn.

Tất cả các biện pháp đó đều nhằm ngăn cản việc đổi đồng nguyên lấy đô la, cốt giữ vững giá đồng tiền và ngăn chặn thất thoát ngoại tệ. Nguyên nhân chính khiến quỹ dự trữ ngoại tệ Trung Quốc giảm sụt là tiền vốn chạy ra nước ngoài.Năm 2014, số dự trữ này lên cao nhất, tới gần $4,000 tỷ, hiện nay chỉ còn hơn $3,000 tỷ. Riêng trong tháng 11 vừa qua, quỹ đã giảm bớt $46 tỷ.

Lý do chính khiến đồng nguyên mất giá là kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng với tốc độ cũ. Trong năm 2016, GDP sẽ chỉ tăng 6.7%, so với tỷ lệ 6.9% đạt được năm ngoái. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố chấp nhận tỷ lệ thấp, nhưng vẫn muốn sẽ không xuống dưới 6.5%, là tỷ lệ tối thiểu để không gây nạn thất nghiệp trầm trọng.

Nhưng đồng nguyên sẽ tiếp tục xuống giá so với đô la Mỹ trong thời gian tới. Một lý do khác là số nợ chồng chất trong nền kinh tế đã lên quá cao, Ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp để các con nợ không bị phá sản; khi họ phải vay nợ mới trả nợ cũ. Trong khi đó, lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên thì đổi tiền Tàu lấy tiền Mỹ cho vay lợi hơn nhiều.

Lý do thứ hai là số lượng hàng xuất cảng của Trung Quốc đang xuống. Nhiều công ty quốc tế, kể cả các công ty Trung Quốc, đã chuyển cơ xưởng sản xuất qua những nước còn giữ đồng lương thấp hơn. Ðể giảm bớt tốc độ đi xuống của ngành xuất cảng, Bắc Kinh không thể cho giá đồng nguyên tăng lên để mất lợi thế.

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ phải đối phó trước viễn tượng đồng nguyên xuống giá. Vì trong năm tới đồng đô la Mỹ sẽ lên giá, khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) sẽ phải tăng lãi suất trước mối đe dọa của lạm phát khi ngân sách Mỹ khiếm hụt vì vừa cắt giảm thuế vừa tăng công chi.

Theo lời khuyên của Giáo Sư Dư Vĩnh Ðịnh, họ có thể chọn hành động mạnh, chính thức hạ giá đồng nguyên một lần trước khi ông Trump nhậm chức. Làm sớm để tránh phản ứng nặng nề, vì ông Trump vẫn kết án Trung Cộng âm mưu hạ thấp đồng tiền để bán hàng. Nhưng năm ngoái, Bắc Kinh đã phá giá đồng nguyên một lần khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Một hành động mạnh bây giờ không phải chỉ khiến Mỹ và các nước Tây phương đồng loạt phản đối, mà còn khiến người dân nước Tàu nghi ngờ khả năng điều khiển kinh tế của giới lãnh đạo!

Cho nên, có thể đoán rằng Bắc Kinh sẽ còn cố tỏ thiện chí với ông Trump bằng cách bảo vệ giá trị đồng nguyên, như Nhân Dân Ngân Hàng đang làm trong mấy tuần qua. Sau đó, họ sẽ chấp nhận cho đồng nguyên xuống giá từ từ, biện minh rằng đó là do áp lực của thị trường.

Trong số những người được ông Trump bổ nhiệm trong các vai trò điều khiển kinh tế, tài chánh có rất nhiều người xuất thân từ công ty tài chánh Goldman Sachs, mà chính công ty này từ đầu năm 2016 đã tiên đoán đồng nguyên phải xuống giá, vì các lý do kinh tế khách quan chứ không phải do chính sách của Cộng Sản Trung Hoa. Tình trạng đồng nguyên xuống giá là điều chính quyền Bắc Kinh không thể cưỡng lại được; nó chỉ chứng tỏ kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu.

Một điều Trung Cộng có thể an tâm là kế hoạch kinh tế của ông Trump trong năm tới sẽ khiến chính phủ Mỹ phải vay nợ nhiều hơn; và Trung Quốc là một nguồn vốn cho vay sẵn sàng chấp nhận lãi suất thấp. Ông Trump có thể đưa ra những biện pháp tức thời nhằm “trừng phạt” Trung Cộng để làm vui lòng những cử tri đã bầu cho ông, như tăng thuế nhập cảng hàng sắt thép và nhôm từ Trung Quốc. Nhưng không một nhà kinh tế nào lại nghĩ nước Mỹ sẽ làm lấy những thứ hàng rẻ tiền như dân Trung Quốc hoặc Việt Nam đang làm. Ông Trump sẽ chỉ yêu cầu Trung Cộng cũng như các nước Á Châu mở cửa cho hàng hóa Mỹ được bán vào dễ dàng hơn.

ực hiện việc cải tổ kinh tế nhanh hơn. Bao lâu nay, Trung Cộng vẫn đặt ưu tiên cho các xí nghiệp quốc doanh đầu tư trong khi dân không được tiêu thụ, gây ra tình trạng mất thăng bằng. Ở một nước với bao nhiêu xí nghiệp sản xuất dư thừa, không bán được hàng, trong khi đó giá hàng hóa vẫn cao khiến người dân không được tiêu thụ, đó là do chính sách của đảng Cộng Sản gây ra từ hàng chục năm nay. Cuộc cải tổ cơ cấu mà ông Tập Cận Bình vẫn hô hào hai năm nay nhưng không tiến được, vì bị các thủ lãnh địa phương trì hoãn. Bao nhiêu nhà máy quốc doanh lỗ lã được lệnh đóng cửa nhưng vẫn hoạt động, trung ương không làm gì được! Sang năm họp đại hội đảng, Tập Cận Bình có thể nhân thời cơ thay thế hết các thủ lãnh địa phương!

Cộng Sản Trung Hoa sẽ phải thay đổi cơ cấu kinh tế lỗi thời. Phải chấm dứt chính sách cưỡng bức tiết kiệm, trả lại đồng tiền vào tay dân chúng tiêu thụ, thay vì cứ đưa cho các cán bộ nhà nước phung phí trong những dự án đầu tư không có lời. Những đe dọa của ông Trump có thể giúp đảng Trung Cộng bắt đầu cải tổ nhanh hơn.

Nước Mỹ đang sản xuất một phần tư giá trị kinh tế trên địa cầu (25% GDP thế giới) dù dân số chỉ lớn bằng 5% toàn thể nhân loại. Ngược lại, dân Trung Hoa lục địa lớn bằng 18% dân số toàn cầu nhưng hiện nay sức sản xuất chỉ bằng 15% toàn thể. Không ai có thể chối cãi rằng Trung Quốc sẽ phải trở thành một cường quốc kinh tế. Trong hiện tại, họ đã là nước buôn bán nhiều nhất với thế giới bên ngoài. Trong tương lai, khi giới trung lưu Trung Hoa giầu hơn, họ sẽ là khối người tiêu thụ lớn nhất, bất cứ nhà kinh doanh hoặc ông tổng thống Mỹ nào cũng không thể bỏ qua!

Ðứng trước viễn tượng đó, người Việt Nam chỉ có một con đường để thoát khỏi cảnh lệ thuộc là tự mình cải tổ, sớm hơn và nhanh hơn Cộng Sản Trung Quốc. Không nên mơ tưởng các nước lớn sẽ đấu đá nhau cho nước mình thừa cơ thủ lợi. Chỉ có một đường đi là làm sao kinh tế nước Việt Nam hưng thịnh. Guồng máy chính trị độc tài là nguyên nhân chính khiến kinh tế chậm lụt. Cho nên, phải cải tổ triệt để, nghĩa là trên cả hai lãnh vực, kinh tế và chính trị.

12/03/2016

NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG THỂ GIẢI ĐÁP

Đặng Chí Hùng
12/2016


- Những câu hỏi này thật thường tình, nó chẳng có gì cao xa cả. Nhưng nếu mà các Dư Luận Viên hoặc những ai còn ca tụng cho Hồ Chí Minh và CSVN, là những người luôn tự cho mình là yêu nước có thể trả lời chính xác được 1/3 số câu hỏi này thôi thì tôi sẽ tự nguyện không viết bài về sự thật của CSVN nữa.

- Sở dĩ tôi gọi là “Những câu hỏi không thể giải đáp” là vì tôi biết nó không thể thi hành được với sự ngụy biện và một thực tế không thể chối cãi của CSVN.

Ngoài ra bài viết này tôi cũng xin dành tặng anh Nguyễn Ngọc Già bởi vì trước khi bị bắt, anh đã có những thách thức mà không Dư Luận Viên, Đảng Viên nào có thể giải thích được. Nay anh đang ở tù, với lòng cảm mến của mình đối với anh. Tôi xin gửi đến Dư Luận Viên, Đảng Viên CSVN những câu hỏi của tôi với cam kết như đã nêu trên.

Câu hỏi số 1: - Vì sao Hồ Chí Minh và CSVN yêu nước lại dùng công hàm Phạm Văn Đồng dâng Hoàng Sa Trường Sa cho Tàu cộng ?

- - Nếu coi HS-TS chỉ là của VNCH theo cách biện luận của CSVN vậy thì công cuộc thống nhất đất nước mà đảng CSVN vẫn đang tự kể công làm gì ?

- - Thống nhất đất nước lại không bao gồm HS- TS hay sao?

- - Nếu coi HS-TS là của Việt Nam thì tại sao lại công nhận nó là của Tàu ?

- - Tại sao không cho phép toàn dân tri ân các anh hùng tử sĩ đã ngã xuống trong trận chiến 1974 và sau đó luôn cả những người lính CSVN đã chết năm 1988 ?

Câu hỏi số 2: - Vì sao trên thế giới chỉ còn lại vài nước (3 nước) theo chủ nghĩa cộng sản và những nước này đều nghèo nàn, lạc hậu. Vậy thứ chủ nghĩa “vô địch thiên hạ, bách chiến bách thắng” mà đảng CSVN tuyên truyền đã đi đâu và đã làm được gì cho dân tộc Việt Nam này ?

- -Nếu thật sự chủ nghĩa CS đem lại vinh quang cho dân tộc Việt và Việt Nam vẫn đang trên đà “phát triển” như nhiều người đảng viên, DLV luôn ca tụng thì tại sao các cán bộ cao cấp CSVN từ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… đều mua nhà cửa, gửi con cái chạy ra nước ngoài mà không sống dưới chế độ CS "luôn tốt đẹp" ?

Câu hỏi số 3: - Tại sao CSVN nói rằng là bảo vệ đất nước, nhưng lại đàn áp các cuộc biểu tình của những người yêu nước và chưa hề bảo vệ được bất cứ 1 tàu cá, một ngư dân nào đã và đang bị giặc Tàu bắt để đòi tiền chuộc cả. Vậy đảng CSVN và quân đội, Cảnh sát biển đã “bảo vệ” nhân dân chỗ nào ?

Câu hỏi số 4: - Tại sao CSVN nói ở VN có nhân quyền, tự do ngôn luận lại không cho báo chí tư nhân và công đoàn độc lập hoạt động như các nước khác ?

Câu hỏi số 5: - Ai đã cấp giấy phép hoạt động cho đảng CSVN ? Xin mời trưng ra giấy phép đó ? Một đảng phái muốn hoạt động hợp pháp phải có giấy phép hoạt động.

Câu hỏi số 6: - Đảng CSVN nói điều 4 HP để bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng. Nhưng mà đảng CSVN lại nói “Đất nước của dân, do dân, vì dân”. Vậy Đảng CSVN đã trưng cầu dân ý công khai về điều 4 HP hay chưa?. Tại sao đảng CSVN lại tuyên bố “Hiến Pháp không bằng cương lĩnh đảng “ ?

Câu hỏi số 7: - Ở những nước tự do người ta không cần ai định hướng dư luận cả. Tại sao ở Việt Nam đảng CSVN lại sinh ra DLV để định hướng suy nghĩ người khác. Những người này ăn tiền thuế của dân mà không thông qua ý dân thì giải thích ra sao ?

Câu hỏi số 8: -Quân đội và công an của nhà cầm quyền CSVN đều có tên là “Quân đội nhân dân” và “Công an nhân dân” thì tại sao Quân đội và Công An lại không bảo vệ người dân mà chỉ biết “còn đảng còn mình” ?!

Câu hỏi số 9: - Đảng CSVN nói VNCH là “NGỤY”. Mà Ngụy tức là bán nước. Vậy xin trưng ra bằng chứng VNCH đã bán phần đất nào của tổ quốc ?

Câu hỏi số 10: - CSVN nói họ không bán nước. Vậy CSVN hãy chứng minh vì sao thác Bản Giốc vào thời Pháp còn nằm trong lãnh thổ Việt Nam và tính từ thác đó đến Biên giới Việt – Trung là 5km. Mà nay thác đó chỉ còn 1 nửa là của Việt Nam ?!

Câu hỏi số 11: - Vì sao đảng CSVN lại “xuất khẩu lao động” rồi sau đó cho công nhân Tàu có trình độ thấp vào lao động tại Việt Nam nếu không phải là bán nước ?!

- - Thật ra thì còn có hàng ngàn cái “tại sao” mà đảng CSVN không thể trả lời.

- - Nhưng tạm thời tôi chỉ gửi đến DLV và đảng CSVN 11 câu hỏi đó mà thôi.

- - Bởi vì tôi tin chắc để trả lời nó có tình và có lý thì đã là một chuyện không thể được đối với đảng CSVN !

- - Tôi cũng như toàn dân Việt Nam không cs đang chờ những câu trả lời đó !


Đặng Chí Hùng 18/03/2015

Nước Mỹ hoang mang, Việt Nam bối rối

Phạm Trần
12/2/2016

Nếu nước Mỹ hoang mang thì cả thế giới cũng hồi hộp chờ xem chuyện gì sẽ xảy đến cho Tổng thống đắc cử Cộng hòa Donald Trump vào ngày 19/12/2016.

Riêng Việt Nam, kết quả trong ngày này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và quan hệ với Hoa Kỳ trước rắp tâm muốn chiếm đóng Việt Nam của Trung Quốc.

Tại sao? Vì như đã quy định, sau 41 ngày có kết quả bầu phiếu ngày 8/11/2016, Cử Tri Đoàn gồm 538 người của 50 Tiểu bang và Quân hạt Columbia (District of Columbia, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) phải họp tại Thủ đô của mỗi nơi để chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Do đó cuộc bỏ phiếu năm 2016 của “cử tri đoàn” rơi vào ngày Thứ Hai 19/12/2016 .

Cuộc bỏ phiếu bầu 2 chức danh Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ riêng biệt. Ứng cử viên Tổng thống phải được đa số, tức 270 phiếu, trong tổng số 538 “cử tri đoàn” mới được coi là đắc cử.

Vậy “Cử tri đoàn” là ai, ở đâu ra?

Họ là số người được đảng của họ, hiện nay là Dân chủ và Cộng hòa, chọn tại mỗi Tiểu bang, tương đương với tổng số Dân biểu và Nghị sĩ của Tiểu bang ấy. Như vậy, tổng số 538 “cử tri đoàn” cũng bằng với 3 số cộng lại gồm 100 Nghị sĩ, 435 Dân biểu và 3 “Cử tri đoàn” đặc biệt dành cho Thủ đô Hoa Thịnh Đốn được một tu chính Hiến pháp cho phép.
Nhưng tại sao phải bầu lại khi ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã thắng 306 phiếu, hơn số phiếu 270 cần thiết, trong cuộc bầu cử của cử tri Mỹ ngày 8/11/2016?

Lý do

Bởi vì thủ tục bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã liên tục dành quyết định sau cùng cho “Cử tri đoàn” từ ngày lập quốc năm 1776 nên trong suốt chiều dài lịch sử 44 đời Tổng thống của nước này (Geroge Washington-Barack Obama), cơ chế “cử tri đoàn bầu Tổng thống và Phó Tổng thống” vẫn tồn tại.

Việc làm này của “cử tri đoàn” được các chuyên gia bầu cử và học gỉa Hiến pháp Mỹ coi như “một lớp vỏ bọc thứ hai” (extra layer) để bảo đảm sự trung thực, trong sáng và công bằng của lá phiếu cử tri đã quyết định trong ngày bầu cử Tổng thống.

Mặt khác, lối dùng “cử tri đoàn” còn được coi như để ngăn chặn phe “đa số” cử tri do toa rập, kết cánh dồn phiếu cho một người phe mình trong cuộc bầu cử để nhân danh dân chủ mà thao túng, chèn ép các nhóm dân khác trong xã hội.

Do đó, khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu ngày 8/11/2016 thật ra là họ không bầu trực tiếp Tổng thống và Phó Tổng thống như ở các nước khác mà đã bầu cho những “cử tri đoàn tại Tiểu bang mình” để những người này sau đó “chính thức” bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thay cho mình.

Vì vậy, khi tranh cử, hai ứng cử viên Donald Trump của Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Dân chủ đã tập trung vận động tại các Tiểu bang có nhiều “cử tri đoàn” và cạnh tranh bất phân thắng bại giữa 2 đảng. Báo chí Mỹ gọi những nơi này là “Battle ground”, tạm gọi là “vùng chiến địa”. Ai thắng ở đó coi như đắc cử Tổng thống.

Việc này giải thích tại sao các ứng cử viên Tổng thống đã không vận động tranh cử tại tất cả 50 Tiểu bang.

Trong cuộc bầu cử ngày 8/11/2016, các tiểu bang quan trọng như Florida, Pensylvania, Ohio, North Carolina và Michigan đã giúp ông Trump thắng cử.

Trái ngang

Tuy nhiên, sau khi kiểm phiếu thì thấy bà Clinton đã được hơn ông Trump trên 2 triệu phiếu của cử tri, hay “phiếu của đại chúng” mà người Mỹ gọi là Popular vote.

Cho đến cuối tháng 11/2016, thống kê bầu cử cho thấy số phiếu bà Clinton đạt được là 64,223,986 (48.1%), ông Trump được 62,206,395 phiếu (46.6%). Khoảng cách biệt là 2,017,591 phiếu (1.5%).


Nhưng bà Clinton không phải là người đầu tiên dù có số phiếu cử tri hơn đối thủ mà vẫn không đắc cử Tổng thống. Trong lịch sử Mỹ đã có 4 trường hợp như thế.


Trường hợp gần nhất là năm 2000, khi Phó Tổng thống Al Gore, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, tuy hơn ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush khỏang 540,000 phiếu mà vẫn thua ông Bush, người được 271 phiếu Cử tri đoàn. Ông Gore chỉ thu được 266 phiếu “cử tri đoàn” nên thất cử.

Lịch sử Mỹ cũng chứng minh ông Andrew Jackson, thắng phiếu đại chúng năm 1824 mà thua cho John Quincy Adams. Năm 1876, ông Samuel Tilden hơn phiếu Rutherford B.Hayes nhưng thua phiêu “cử tri đoàn”. Sau cùng là Grover Cleveland thua Benjamin Harrison năm 1888, dù có nhiều phiếu đại chúng nhiều hơn.

Bất tín nhiệm Trump

Vì có những trường hợp trái khoáy như thế nên cử tri bất bình. Nhiều đề nghị tu chính Hiến pháp để thay thế “cử tri đoàn” bằng số phiếu của đại chúng (popular vote) nhưng không thành công vì thủ tục tu chính Hiến pháp rất rườm rà và lâu dài.

Từ năm 1948, viện trưng cầu ý kiến Gallup cho biết có tới 53 % người Mỹ muốn hủy bỏ “electoral college” (cử tri đoàn). Đến năm 2013, số người muốn hủy bỏ tăng lên 63%. Và mặc dù đã có ít nhất 17 cuộc điều trần và 700 lần vận động thảo luận tại Quốc hội về đề nghị bỏ “cử tri đoàn” mà vẫn chưa có lần nào được đem ra thảo luận trước các phiên khoáng đại.

Nhưng dù có được Quốc hội đồng ý chăng nữa thì quyết định bỏ “cử tri đoàn” còn phải được ¾ tổng số 50 Tiểu bang đồng ý là điếu rất khó đạt được.

Vì vậy, cuộc bỏ phiếu ngày 19/12 năm 2016 được đặc biệt quan tâm của nhiều người Mỹ và nhiều nước khác vì người được chọn làm Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới (2016-2020) sẽ là ông Donald Trump, nếu ông ta bảo vệ được được ít nhất 270 trên tổng số 538 phiếu “cử tri đoàn”. Kết quả bầu cử ngày 8/11/2016 đã dành cho ông Trump tới 306 phiếu “cử tri đoàn”, nhưng kết quả bỏ phiếu sau cùng ngày 19/12/2016 mới thật sự có gía trị đối với Hiến pháp và lịch sử Mỹ.

Hơn nữa riêng với năm nay (2016), nhân vật Donald Trump đã bị nhiều giới chống đối vì tư cách, lời ăn tiếng nói làm phật lòng nhiều giới, nhất là phụ nữ, người thiểu số, người Hồi giáo và người di dân, đặc biệt người gốc Nam Mỹ. Vì vậy, mặc dù thắng cử nhưng ông ta vẫn bị nhiều người Mỹ coi là “unfit to be president”, hay “không đủ tư cách làm Tổng thống”.

Do đó hiện nay ở Mỹ đã có 2 cuộc vận động “cử tri đoàn” không bỏ phiếu cho Donald Trump vào ngày 19/12/2016.

Cuộc vận động thứ nhất, tuy âm thầm nhưng tích cực trong hàng ngũ “cử tri đoàn” do ít nhất 8 “cử tri đoàn Dân chủ”, đứng đầu bởi P. Bret Chiafalo, tiểu bang Washington và Michasel Baca tuộc bang Colorado.

Ông Chiafalo nói với hãng thông tấn AP (Associated Press) sẽ không bỏ phiếu cho bà Clinton, nhưng đã cùng với ông Baca tung ra chiến dịch “Moral Electors” (tạm gọi là “Những cử tri đoàn có lương tâm”) để vận động 37 Cử tri đoàn Cộng hòa không bỏ phiếu cho Donald Trump, trong tổng số 306 phiếu ông Trump thu được trong ngày bầu cử 8/11/2016. Nếu họ thành công thì số phiếu còn lại của ông Trump là 169 “cử tri đoàn”, tức ít hơn 1 phiếu để thành Tổng thống.

Mục đích của hai “cử tri đoàn” này là tìm đủ phiếu để phủ nhận Trump rồi trao cho Hạ viện Mỹ quyết định tìm người khác của Cộng hòa làm Tổng thống. Cả hai cho biết họ đang vận động “cử tri đoàn” Cộng hòa để cử cựu ứng viên Tổng thống năm 2012 Mit Romney hay đương kim Thống đốc Cộng hòa John Kasich của Tiểu bang Ohio, thay cho Donald Trump.

Theo AP ông Chiafalo nói: ”This is a longshot. It’s a Hail Mary,” Chiafalo said in a phone interview. “However, I do see situations where — when we’ve already had two or three [Republican] electors state publicly they didn’t want to vote for Trump. How many of them have real issues with Donald Trump in private?”
(Tạm dịch: “Đây là một chặng đường dài, ngoài tầm tay với. Nhưng tình thế của chúng tôi hiện nay là chúng tôi đã có hai hay ba “cử tri đoàn” Cộng hòa cho biết là họ không muốn bỏ phiếu cho Trump. Vậy còn bao nhiêu người khác đã có vấn đề với Donald Trump mà không nói ra ?”)

Hai vận động viên này nhìn nhận họ khó thành công vì qua kinh nghiệm của lịch sử, rất ít khi xảy ra chuyện các “cử tri đoàn” bỏ hàng ngũ chống lại ứng cử viên của đảng mình.
Cho đến nay có 24 Tiểu bang ràng buộc các “cử tri đoàn” phải giữ lời hứa trung thành với đảng mình, nhưng không có quyền cấm họ bỏ hàng ngũ để bỏ phiếu cho người khác. Cử tri đoàn nào làm như thế thì chỉ bị phạt từ 500 đến 1,000.00 Dollars.

Những người ủng hộ bà Hillary Clinton nói họ rất vui mừng và sẵn sàng đóng tiền phạt cho “cử tri đoàn Cộng hòa” quay đầu lại với Donald Trump.

Cuộc vận động chống Trump thứ hai do nhóm Change.org petition phát động kêu gọi “cử tri đoàn” bỏ phiếu cho bà Clinton vì bà thu được nhiều phiếu hơn Donald Trump.

Tin của nhóm này cho hay họ đã thu được trên 4 triệu chữ ký ủng hộ cuộc vận động, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, tài tử. Một trong số ca sĩ nổi tiếng ủng hộ phong trào là Lady Gaga, nhưng không thấy có lãnh tụ nổi tiếng nào của đảng Dân chủ công khai tham gia.

Tuy viễn ảnh “hạ bệ Donald Trump” bình thường đã khó, nhưng dù có thành công ở ngày bỏ phiếu 19/12 thì chức Tổng thống, cuối cùng, vẫn thuộc về đảng Cộng hòa vì Hạ nghị viện do đảng Cộng hoà chiếm đa số có quyền quyết định tối hậu. Họ sẽ bầu cho một người của Cộng Hòa chứ chẳng bao giờ lại bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Nhưng nếu trong số những “cử tri đoàn” bỏ phiếu phủ nhận Donald Trump có một ít người của đảng Cộng hòa thì sự kiện lịch sử này sẽ đeo đuổi ông ta suốt đời, chứ không phải là chuyện bình thường trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Việt Nam và ngày 19/12/2016

Vậy kết quả bỏ phiếu của “cử tri đoàn” ngày 19/12/2016 có ảnh hương đến Việt Nam ra sao?

Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến TPP và quan hệ “đối tác toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ dứt khoát “từ gĩa” TPP ngay sau ngày nhận chức 20/1/2017. Như vậy, nếu ông thắng ngày 19/12/2016 thì con đường mậu dịch của Việt Nam trong tương lai sẽ chông gai.

Điều này đã được nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Vũ Khoan nói với báo Công an Nhân dân (đăng ngày 27/11/2016) như thế này: ”Trước hết, phải nói TPP là một mắt xích quan trọng của quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Với việc ông Trump đã chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, quá trình tự do hóa toàn cầu ấy chịu một sức ép không nhỏ.
Tình hình sẽ diễn biến ra sao thì chúng ta phải chờ đợi. Mỹ sẽ rút khỏi TPP theo tuyên bố của ông Trump, nhưng quy trình diễn ra như thế nào vẫn còn rất nhiều dấu hỏi, như những quy định của nội luật Mỹ, hay những phản ứng của các thế lực khác nhau trong lòng nước Mỹ cũng chưa thể nói trước.”

Tuy nhiên, ông Vũ Khoan lưu ý: ”Bất luận thế nào, chắc chắn 2017 sẽ chưa có TPP, và nếu giả dụ có trong tương lai, nó cũng sẽ khác TPP đã ký. Việt Nam, trước tình hình bất định như vậy, cần theo dõi rất kỹ lưỡng chiều hướng và chủ động có những bước đi để đối mặt.
Một số người nói có hay không có TPP cũng không vấn đề gì. Nếu nói như vậy, ta sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì anh vào TPP làm gì, cố công đàm phán bao nhiêu năm trời, thậm chí có rất nhiều kỳ vọng, nhiều dự đoán lạc quan. Có người còn nói không có thì càng tốt, là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế. Cách nói như thế không chuẩn xác.”

Ông Vũ Khoan là một chuyên gia kinh tế, từng tham gia nhiều cuộc đàm phán với Mỹ và các nước khác để đạt được các thỏa hiệp giúp Việt Nam phát triển và cải cách nền kinh tế lạc hậu, sau 1975.

Ông cũng là người không ngại phê bình, đôi khi chỉ trích những lời nói và hành động “phi kinh tế” và “bốc đồng”của một số viên chức lãnh đạo nhà nước.

Do đó, ông mới nhìn TPP bằng con mắt thận trọng, và nói: ”Theo tôi, nên đặt vấn đề thế này: TPP là một mắt xích quan trọng trong quá trình nước ta hội nhập với thế giới. Bây giờ nó không có nữa, hay nó thay đổi đi, thì ta phải tính toán, thích nghi với tình hình đó.”

Ông cũng đã có vai trò không nhỏ trong quá trình đàm phán để đạt được thỏa hiệp thương mại Mỹ - Việt có tên là “US-Vietnam Bilateral Trade Agreement (BTA)” và Free Trade Agreement (FTA) với các nước khác trên thế giới.

Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn của báo Công an Nhân dân, ông Vũ Khoan đã cảnh giác: ”Nếu không đổi mới các DNNN (Doanh nghiệp Nhà nước), không xóa bỏ những rắc rối trong thủ tục, nếu còn có cơ chế xin – cho, thì chẳng có FTA nào cứu được đâu”.

Tại sao phải đổi mới DNNN ? Bởi vì các Doanh nghiệp này làm ăn lời ít, lỗ nhiều và lỗ liên liên mà vẫn được nhà nước gánh nợ thay từ năm này qua năm khác. Bởi vì tham nhũng, lợi ích nhóm, ăn chia và nợ nước ngòai, nợ công, tiêu hao tài sản của nhân dân cũng từ những ổ này mà ra cả.

Đảng và nhà nước thì cứ nói “đổi mới” và “tái cơ cấu” mãi, nhưng càng đổi, càng tái lại càng cũ đi và xám xịt tương lai.

Bà Phạm Chi lan – Lê Doãn Hợp

Một cuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan còn cảnh báo về chuyện TPP không còn đối với Việt Nam. Bà viết trên Vietnam Forbes, số ra tháng 12/2016 : “Trước tình hình mới này, Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về các khả năng trong tương lai, và đặc biệt là về việc mình phải làm gì để thích ứng với bối cảnh kinh tế chính trị trên thế giới chắc chắn sẽ khác trước.
Thứ nhất, về cải cách kinh tế. TPP với những chuẩn mực cao được kỳ vọng sẽ tạo động lực và áp lực cho VN trong việc cải cách mạnh thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cải cách thể chế trước hết là yêu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, Chiến lược phát triển của VN cho thời kỳ 2011-2020 đều coi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Do vậy, có hay không có TPP thì người VN vẫn phải tự mình chủ động tiến hành công cuộc cải cách này”.

Nhưng “cải cách thể chế” là gì ? Cơ bản là phải cải thiện, tổ chức lại của guồng máy nhà nước sao cho tinh gọn, nhẹ nhàng, bén nhạy, tổ chức nhân sự phải lấy đức và tài là chính thay vì chỉ biết lấy con ông cháu cha, bạn bè, đồng chí dù tốt ít xấu nhiều làm gốc như đang diễn ra.

Đảng và nhà nước đã nói rất nhiều về cải cách hành chính và gỉảm biên chế, nhưng càng nói cải thì lại hành dân là chính. Thủ tục, giấy tờ bảo giảm nhiều hay chỉ một cửa thì càng rườm rà rắc rối. Ra nghị quyết bớt số nhân viên, cán bộ và công chức thì khối nhân sự ăn lương của các cơ quan lại càng phình to ra.

Hãy nghe nguyên Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nói với báo VietTimes (Dân Trí đăng lại 16/6/2016).

Nhà báo (Hỏi): ”Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1/1994), đã đưa ra 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của dân tộc: tụt hâu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Hơn 22 năm qua, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự, nó không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành những thách thức hiển hiện trong thực tế và càng ngày càng trở nên bức thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nhưng theo ông, đâu là nguy cơ nguy hại nhất?

LDH: ”Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra thì nguy cơ nào cũng nguy hại. Tuy nhiên, tụt hậu về kinh tế ngày càng xa hơn, thực sự đang đe dọa đất nước và tác động đến 3 nguy cơ còn lại theo chiều hướng xấu nhanh hơn.

Mặc dù có những thành tựu đáng tự hào trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển. Năm 1990, khoảng cách Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000USD, thì sau hơn 20 năm, khi GDP bình quân của Việt Nam đạt 2.000 USD thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 USD, khoảng cách phát triển đã lên gấp 2 lần. Về giáo dục: theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Về y tế: theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia. Trong khi đó, theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc nhóm 1/4 quốc gia cuối bảng.”

Bà Phạm Chi Lan cũng bổ túc trong bài viết: ”Tình trạng sụt giảm tốc độ tăng năng suất lao động, sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và những vấn đề nổi cộm trong mấy năm gần đây đều có nguồn gốc từ thể chế. Để gỡ những nút thắt tăng trưởng và tránh bị tụt hậu xa hơn, người VN biết rõ cần cải cách càng sớm, càng triệt để càng tốt. Động lực, áp lực từ bên trong đối với cải cách đang tăng cao hơn bao giờ hết. VN thấy rõ, qua những cam kết trong TPP, cần cải cách như thế nào để xây dựng một hệ thống thể chế hiện đại, nhằm khắc phục những vấn đề hiện tại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai”.

Nhưng nay thì ông Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP. Và khi ông tồn tại sau cuộc bỏ phiếu ngày 19/12/2016 thì nền kinh tế của VN sẽ phải chịu thêm nhiều nút thắt từ nền kinh tế của Trung Quốc.

Việt Nam từng hy vọng TPP sẽ giúp thoát dần lệ thuộc kinh tế đơn độc vào Trung Hoa, vì theo bà Phạm Chi Lan: ”TPP được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nền kinh tế còn tương đối nhỏ và thiếu thốn nhiều bề của VN những nguồn lực cần thiết để có thể phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Đó là thị trường hàng hóa và dịch vụ, là dòng vốn đầu tư, là công nghệ, kỹ năng và tri thức, là sự kết nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu… TPP tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực đó, nên không có TPP, khả năng tiếp cận các nguồn lực này, đặc biệt từ Mỹ, sẽ khó khăn hơn. VN sẽ phải điều chỉnh những dự định, chiến lược phát triển các sản phẩm của mình cho phù hợp với bối cảnh thay đổi cả về cấu trúc thị trường và điều kiện, phương thức tiếp cận các nguồn lực”.

"Như vậy, cho dù Donald Trump có ở lại hay ra đi sau cuộc bỏ phiếu của 538 “cử tri đoàn” ngày 19/12/2016 thì Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với một chính sách “kinh tế bảo thủ” mới của nước Mỹ thời đảng Cộng hòa cầm quyền. Khẩu hiệu “America first” của ông Trump được cử tri ủng hộ không phải là viên kẹo ngọt mà là viên thuốc đắng cho các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam.