3/19/2017

Trung Quốc: Nỗi ám ảnh của người Việt

Dân Ý
3/19/2017


Thương lái Trung Quốc

“Thời Việt Nam Cộng Hoà, cù lao Cái Bè là trung tâm xuất cảng trái cây sang các nước Nhựt Bổn, Đài Loan, Hương Cảng v.v…Nhất là chuối không bao giờ bị ế hàng. Anh Chệt không có cửa mà mua. Còn bây giờ chuối chỉ xuất khẩu qua Trung cộng. Nếu anh hàng xóm ‘4 tốt-16 chữ vàng’ bẻ chĩa không mua thì mình đem về ép mỏng phơi khô để dành ăn trừ cơm, cũng đâu có mất mát gì đâu phải không, thưa quý bà con nông dân quốc nội?”

Đây là chia sẻ của một vị thính giả ở hải ngoại gửi đến những nông dân trồng chuối tại Việt Nam, sau khi nghe thông tin thương lái Trung Quốc ngưng mua mặt hàng này khiến cho họ bị rơi vào tình cảnh điêu đứng, cũng như nhiều nông dân khác phá sản vì trồng chanh dây lấy giống từ Trung Quốc.

Một vài thính giả nhắn tin cho Hòa Ái rằng dòng chia sẻ vừa rồi nghe có vẻ thật là chua chát cho số phận của nông dân Việt Nam, luôn bị cuốn vào vòng xoáy thương trường do thương lái từ Trung Quốc bày vẽ ra mà chính những nông dân siêng năng, cần cù này lại không bao giờ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Hòa Ái cũng ghi nhận có không ít thính giả lên tiếng “Tại sao nông dân Việt Nam cứ hết lần này rồi đến lần khác để thương lái Trung Quốc lừa?” Họ liệt kê nào là dưa hấu, là bắp cải là đĩa…đã bao lần khiến cho nhà nông Việt Nam tay trắng. Nhưng người nông dân vẫn không học được bài học kinh nghiệm nào, lại cứ chui cổ vào tròng. Và những vị thính giả này đặt câu hỏi “Phải chăng là lỗi của họ?”

Tuy vậy, rất nhiều thính giả RFA khẳng định lỗi thuộc về Chính phủ Việt Nam. Thính giả Minh Quy nói rằng:


Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm.
– Thính giả Minh Quy

“Nguyên do là xây dựng nền tảng kinh tế yếu kém và thiếu kế hoạch trong dự báo thị trường cùng với chính sách của chính phủ… Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm”.

Song song với thông tin nông dân quốc nội đối mặt khó khăn vì trồng chuối và trồng chanh dây Trung Quốc thì Việt Nam nhập khẩu rau quả, trị giá đến 2 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Và nguồn hàng này nhập từ Trung Quốc được tiên liệu sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa, do mức thuế suất là 0%. Thính giả Nguyễn Thanh Long bày tỏ:

“Với cách thức làm ăn ‘sống chết mặc bây, tiền ông bỏ túi’ ở Việt Nam thì người dân không thể sống nổi. Môi trường thì tan hoang và nhiễm độc. Đại đa số dân chúng vẫn chủ yếu bán sức lao động để lấy cái ăn, cái mặc. Tình trạng mua đất, xây cất trái phép, lập phố người Trung Quốc. Đất đai, lãnh thổ đang mất dần theo phương thức loang da báo đang xảy ra khắp ba miền Bắc-Trung-Nam…Ôi, không hiểu Dân tộc và Tổ quốc Việt nam liệu còn tồn tại được bao lâu nữa đây?”

“Phố Tàu” xây tại Đà Nẵng?

Bên trong công trình đang xây dựng này còn có đường xá, đèn điện, quảng trường thu nhỏ.Courtesy of baogiaothong.vn

Trong tuần qua, thông tin một công trình đang xây dựng bí mật tại Đà Nẵng vừa bị phát hiện khiến dư luận hoài nghi rằng khu “Phố Tàu” sắp mọc lên ở thành phố trọng điểm miền Trung hay không? Những du khách Trung Quốc đã được một hướng dẫn viên du lịch, thuộc Công ty Overseas Travel Đà Nẵng, hướng dẫn tham quan một “khu phố” xây dựng trái phép trong nhà kho của Công ty VietMay Home, ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Người hướng dẫn viên đó đã bị xử phạt hành chính vì là hướng dẫn viên du lịch “chui”.

Còn công trình xây dựng không có giấy phép này được giới chức địa phương cho biết là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên hợp Thế Duy thuê đất để xây Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam. Hiện, công trình đã bị đình chỉ xây dựng. Thính giả Ha Tran đề nghị cơ quan chức năng Đà Nẵng nên cưỡng chế, đập bỏ để làm gương vì doanh nghiệp xây dựng trái phép như thế là quá xem thường pháp luật. Trong khi đó, một số thính giả nhận xét “Đây là công trình được xây đúng quy trình của lãnh đạo tham nhũng tại Việt Nam. Và cứ chờ mà xem!”

Tượng đài tử sĩ Gạc Ma

Nhiều người dân Việt Nam, trong tuần qua, hồi hộp rồi có phải công trình xây dựng bí mật ở Đà Nẵng sẽ là một khu phố của người Trung Quốc hợp pháp trong tương lai, trong khi rất nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do tỏ ra hài lòng trước thông tin Khu tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma với biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, được xây ở Khánh Hòa, sắp hoàn thành.

“Hoan nghênh và ủng hộ. Việc này nên làm và đáng làm. Chỉ mong có một điều đừng mượn công trình này để thò bàn tay lông lá của tham nhũng vào ăn chia. Hãy trong sáng trong việc làm để hương hồn các Liệt sĩ Gạc Ma mỉm cười nơi chín suối.”

“Dù muộn còn hơn không, có nơi để đồng bào ta thắp nhang tưởng nhớ 64 chiến sĩ Việt Nam ôm cờ chịu trận để cho quân lính của Trung Quốc ung dung tha hồ diễn tập.”

“Cũng trông làm cho mau hoàn thành để người Việt có nơi mà tưởng niệm những tử sĩ đã ngã xuống trước họng súng xâm lược của kẻ thù phương Bắc, chứ không riêng gì sự kiện Gạc Ma.”

Tuy nhiên cũng có những quan điểm trái chiều như các ý kiến sau đây:

“Dân chúng tưởng niệm và biểu đạt thì không cho. Xây lên làm gì cho tốn kém?”

“Xây xong rồi có cho bà con đến thắp nhang tưởng niệm họ không? Hay lại cấm như ở Tượng đài Lý Thái Tổ?”

“Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ ngã xuống ở biên giới, hải đảo bị Trung cộng giết hại.”


Người dân đặt hoa và thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma. Ảnh chụp hôm 14 tháng 3 năm 2016 ở Hà Nội. AFP photo



Liên quan đến thông tin những người đi thắp hương tưởng niệm những người lính Việt Nam đã bất khuất hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 và trận Gạc Ma năm 1988 với Trung Quốc bị ngăn cản, đánh đập và bắt bớ, thính giả lấy tên Vô Danh đặt câu hỏi rằng:

“Tôi không biết mấy năm về trước có nhiều người Việt quan tâm đến việc tưởng niệm như bây giờ không?”

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, Hòa Ái xin được thưa những gì thuộc về lịch sử dù không được nhắc đến hay thậm chí bị cấm đoán với mục đích nào đó, chẳng hạn người dân Việt Nam thường được nghe lời giải thích từ chính quyền rằng “không có lợi cho quốc gia”, thì luôn không đồng nghĩa tất cả dân chúng lãng quên lịch sử của dân tộc. Hòa Ái được dịp trao đổi với những nhân viên, cán bộ làm việc trong ngành truyền thông chính thống của Việt Nam và được cho biết họ luôn luôn nhận chỉ thị không được đưa tin tức “nhạy cảm”, trong đó có những thông tin liên quan đến các cuộc chiến với Trung Quốc và chỉ được đưa tin trong phạm vi cho phép.

Người dân trong nước luôn tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân tất cả những anh hùng vị quốc vong thân trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 ngàn năm văn hiến của Việt Nam.


Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ …
– Thính giả

Và một điều không thể chối cãi, những hình ảnh người dân đi thắp hương tưởng niệm bị gặp trở ngại, bị ngăn cản, bị quấy rối, hay thậm chí bị đánh đập, bắt bớ ngày càng được truyền tải rộng rãi qua các trang mạng xã hội khiến dư luận thắc mắc liệu rằng nếu không có internet thì những tin tức như thế sẽ bị bưng bít đến bao giờ?

Theo RFA
Tác giả: Zanna K. McKay
Dịch giả: Trần Văn Minh
4-3-2017




Sự thay đổi nhanh chóng hình dáng bầu trời của TP HCM, từng được gọi là Sài Gòn. Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel sẽ phát hành cuốn sách ảnh ghi lại các trang web di sản và sự hủy hoại của chúng trong 5 năm qua (Ảnh: Alexandre Garel).

Từng là viên ngọc kiến trúc mang tính biểu tượng từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, Thương xá Tax [Sài Gòn] với mặt tiền nghệ thuật Art Deco giờ đây hầu như chỉ còn là đống gạch vụn.

Mặc dù có một chiến dịch thu thập chữ ký của phong trào bảo tồn lịch sử đang lớn dần, tòa nhà đã bị phá hủy trong những tháng gần đây. Thay vào đó, các công ty xây dựng đã hoạch định một khu phức hợp cao 43 tầng nối kết với tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong của phố.

Thương xá Tax, được xây vào năm 1924, là một trong nhiều tòa nhà lịch sử trong 20 năm qua đã bị phá hủy hoặc bị biến đổi nghiêm trọng, theo một trung tâm nghiên cứu liên chính phủ Pháp-Việt.

Các nhà bảo tồn cho biết, các công ty xây dựng và các quan chức chính phủ đang có ý định làm cho thành phố này trở nên hiện đại và rất ít quan tâm đến những di tích của thời thuộc địa quá khứ. Tuy nhiên, phá hủy quá nhiều tòa nhà lịch sử, họ cảnh báo, sẽ làm cho thành phố kém hấp dẫn hơn đối với du khách – có thể làm giảm sự tăng trưởng kinh tế mà chính phủ đang nuôi dưỡng hy vọng.

Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa, 27 tuổi, là người đứng đầu chiến dịch ký kiến nghị để cứu Thương xá Tax nhưng không cứu được, nói: “Khi càng có nhiều người bị cuốn vào lối sống tiêu thụ, thì càng khó chuyển tải những vấn đề được được xem là sự quan tâm “xa xỉ” như việc bảo tồn di sản. Nhưng tôi lạc quan rằng một phong trào quần chúng mạnh mẽ đang phát triển ở Việt Nam”.

Trang mạng của Tổ chức Bảo vệ Di sản ra mắt vào cuối tháng Giêng, mở rộng cho bất cứ ai muốn kêu gọi sự chú ý đến bất kỳ tòa nhà lịch sử nào bị đe dọa ở bất kỳ thành phố nào của Việt Nam. Thông tin sẽ được chuyển tới chính phủ và các nhóm dân sự có khả năng can thiệp.

Chính phủ chưa có hệ thống sẵn sàng như vậy. Các nhà nghiên cứu, sử gia và những người khác liên quan đến việc bảo tồn kiến trúc nói rằng, một cuộc kiểm kê toàn diện là bước đầu tiên quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị của kiến trúc lịch sử.

“Chúng ta không thể bảo tồn hoặc bảo vệ bất cứ điều gì nếu chúng ta không biết nó ở đâu”, Daniel Caune, nhà phát triển phần mềm người Pháp đứng đàng sau trang mạng, là người đã làm việc ở Việt Nam trong 7 năm. Tổ chức Bảo vệ Di sản đã có 130.000 bức ảnh lịch sử với phụ đề đang được lưu trữ.

Ông Caune cũng đang phát triển một ứng dụng iPhone để nhắc nhở người dùng chụp lại hình ảnh các địa điểm di sản mà họ thăm viếng, đồng thời giáo dục họ và sử dụng vị trí địa lý để đánh dấu địa điểm trên bản đồ.

Ông Caune đang nhờ các nhóm Facebook như “Saigon – Chợ Lớn: ngày ấy và bây giờ” với 5.500 thành viên, đăng những bức ảnh lịch sử và hiện tại về các di sản văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Caune và Tim Doling, một nhà sử học người Anh và là người sáng lập nên nhóm Facebook, nói rằng, người trẻ Việt Nam đang đi đầu trong phong trào bảo tồn [di sản văn hóa].

Kevin Đoan, kiến trúc sư ở thành phố Hồ Chí Minh, là người tổ chức các sự kiện của tổ chức Bảo vệ Di sản, cho biết, sự thiếu thốn thực phẩm và nhà ở là mối quan tâm chính sau chiến tranh. “Bây giờ nền kinh tế đã mở ra và những người của thế hệ trước đã có tiền, họ cho rằng việc tạo dựng một căn nhà mới là một bước cải tiến lớn”.

Ông nói, “Nhưng ngày càng có nhiều thanh niên đăng ký vào tổ chức bảo tồn di sản”.

Những người trẻ đang bắt đầu tham gia, bất chấp các nguy cơ liên quan đến việc chống chính quyền một cách công khai. Việc bắt giữ một blogger nổi tiếng, được biết đến với tên “Mẹ Nấm”, cho thấy sự đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến vẫn là một mối đe dọa.

Ông Caune hy vọng, hội bảo tồn di sản sẽ là một danh mục liệt kê các tòa nhà lịch sử, bất kể chúng có bị trở thành mục tiêu phá hủy hay không.

Ông Mark Bowyer, người điều hành trang mạng rustycompass.com, và đã viết rất nhiều về ngành du lịch Việt Nam, nói: “Đây không chỉ là một vấn đề di sản mà còn là vấn đề kinh tế. Sự hủy hoại di sản bất chấp hậu quả ở Sài Gòn làm tổn thương tới ngành du lịch – và thậm chí tệ hơn, nó làm tổn hại đến đời sống của thành phố, thương hiệu toàn cầu và kế đến, những lợi ích kinh tế lâu dài. Di sản không còn là mối quan tâm đặc biệt đối với người nước ngoài ở Việt Nam”.

An Pham, 18 tuổi, một sinh viên ngành kỹ sư, làm việc với Caune để đưa địa điểm đầu tiên lên trang mạng của hội Bảo vệ Di sản, là Hội An, một thị trấn ở miền Trung Việt Nam, làm ví dụ về những gì có thể xảy ra khi các di tích lịch sử được bảo tồn và quảng bá cho du lịch.

Trung tâm thị trấn, phố cổ Hội An, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Phố cổ thuộc sở hữu của nhà nước, đã ra tuyên bố là một địa điểm văn hóa quốc gia vào năm 1985. Kế hoạch dài hạn là liên kết phố cổ với khu bảo tồn sinh thái Cù Lao Chàm gần đó và chỉ định đây là “thị trấn sinh thái” đầu tiên của Việt Nam.

Cuối năm ngoái, một công trình tu bổ 1,5 tỷ USD, Thành phố Hội An Mới, đã khai trương tại một địa điểm bờ biển giáp với thị trấn. Công trình bao gồm nhà chung cư, trung tâm thương mại và văn phòng. Các công ty xây dựng quảng bá công trình này như là “Trái tim của du lịch Việt Nam”.

Các biệt thự kiểu Pháp với tuổi đời hàng thế kỷ và các tòa nhà chính phủ thời thuộc địa của Việt Nam là điểm hấp dẫn đối với 8 triệu du khách đến thăm đất nước mỗi năm.

Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuel Ly-Batallan, nói: “Ngay cả ở Pháp chúng tôi cũng không có nhiều ví dụ về những lan can và cầu thang sắt đẹp như bạn thấy ở đây”.

Những mái nhà nặng trĩu được thiết kế để chịu đựng các cơn bão và cửa sổ lớn được đặt ở vị thế thích hợp để hứng gió. Lãnh sự quán, hiện đang bị một tòa nhà chọc trời đang xây dựng che khuất, được coi là một trong những ví dụ điển hình về kiến trúc Cochinchina, tên tiếng Pháp của miền Nam Việt Nam.

Một đề xuất của Hội đồng Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh để hạn chế việc phá dỡ các biệt thự tư nhân trong vòng các biệt thự có ít giá trị lịch sử và văn hóa, hiện đang chờ sự phê duyệt của chính quyền thành phố. Rào cản lớn nhất là tạo lập ngân quỹ để giúp chủ nhà bảo tồn các tòa nhà lịch sử. Nhiều chủ nhà đã phải phá hủy biệt thự một cách miễn cưỡng, nói rằng chúng đang đổ nát.

Ví dụ, mùa hè năm ngoái, một biệt thự ở trung tâm thành phố với những hàng cột và cổng vòm chạm trổ, đã bị phá hủy một phần trước khi những người hàng xóm yêu cầu quan chức địa phương can thiệp. Báo Tuổi Trẻ cho biết, chủ nhà đã bỏ ra 10 tháng để xin giấy phép trước khi bắt đầu phá dỡ. Biệt thự vẫn còn đó, một phần đã bị phá hủy, trong khi chủ nhà chờ đợi quyết định của chính phủ.

Chủ nhà, Phạm Công Lưu nói với báo Sài Gòn Giải Phóng rằng, nhu cầu của cuộc sống hiện đại và sự thiếu quan tâm của các quan chức địa phương, làm cho việc bảo tồn biệt thự khó thực hiện.

Các cuộc biểu tình và kiến nghị thường ít có ảnh hưởng, đặc biệt khi công ty xây dựng có tiền. Xưởng đóng tàu Ba Son, được xây dựng vào năm 1790 cho hải quân Hoàng gia Việt Nam, đã bị phá hủy vào năm 2015, mặc dù xưởng đã được chỉ định là một di sản quốc gia.

Xưởng được bán cho các công ty tư nhân để phát triển. Một khu phức hợp ven sông với những căn nhà sang trọng được bao quanh bởi công viên, trung tâm văn hóa và trung tâm vận chuyển đang được xây dựng ngay trên khu đất của xưởng. Nhiều tòa nhà chọc trời 60 tầng cũng được lên kế hoạch.

“Trong mắt của những người lo lắng về việc bảo tồn di sản, tình trạng này [việc phá hủy xưởng đóng tàu Ba Son] như đã tóm tắt những điều sai trái của thành phố”, ông Doling nói.


Bên trong xưởng Ba Son khi bị phá hủy vào năm 2015. Xưởng vẫn còn nhiều tòa nhà nguyên thủy thời Pháp, gồm một số tòa nhà kiểu kiến trúc công nghiệp từ thập niên 1880. (Ảnh: Aleandre Garel)

Một gói thầu trị giá 5 tỷ USD do công ty phát triển Hàn Quốc EUNSAN bỏ thầu đối với xưởng đóng tàu đã bị từ chối để chọn Vinhomes, công ty phát triển địa ốc lớn nhất tại Việt Nam, với với số tiền không được tiết lộ. Theo tạp chí Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vingroup, công ty mẹ của Vinhomes, đã trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam vào năm 2013.

Bảo tồn lịch sử có thể là một sự khó thuyết phục trong môi trường kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nhà thờ lâu đời nhất của thành phố, Giáo xứ Thủ Thiêm – được xây dựng năm 1875 – cũng dự định phá bỏ để nhường chỗ cho dự án phát triển 1,2 tỷ USD.

Kiến nghị để cứu Thương xá Tax, tập hợp được 3.500 chữ ký, đã thu hút được sự quan tâm của công chúng đến nỗi công ty xây dựng hứa hẹn sẽ giữ lại một số sắc thái của tòa nhà và cho chúng vào mặt tiền của tòa nhà chọc trời mới.

Cầu thang đôi của Thương xá Tax, rực rỡ với thảm gạch mosaic kiểu Ma Rốc xếp bằng tay, là một trong những ví dụ hàng đầu trong thế giới về sự đam mê nghệ thuật Bắc Phi của thời thuộc địa Pháp. Chủ nhân cũng đã đồng ý giữ lại các thảm gạch mosaic nguyên thủy bên trong tòa nhà, nhưng cầu thang đã bị phá hủy và các viên gạch đã được tháo gỡ mà không nói sẽ làm gì với chúng.

Khi hàng loạt các kiến trúc lịch sử bị mất đi, động lực để bảo vệ chúng bắt đầu thành hình.

An Phạm, sinh viên ngành kỹ sư, nói: “Không có lý do gì để phá hủy tất cả”. Có rất nhiều chỗ trong thành phố cho cả những tòa nhà lịch sử và sự phát triển mới, ông nói. “Nhưng người ta cho rằng họ không thể kiếm được tiền từ các địa điểm di sản”.

Bài viết này được hoàn thành với sự cộng tác của Round Earth Media www.RoundEarthMedia.org, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các phóng viên trẻ nước ngoài trên toàn cầu.

3/05/2017

KHÔNG AI CỨU ĐƯỢC VIỆT NAM CẢ!

Nguyễn Hưng Quốc
2014
(bài viết đã lâu nhưng vẫn còn ý nghĩa)





Nhìn hình ảnh những chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, nhiều người thấy nóng mặt; càng nóng mặt hơn nữa khi thấy những phản ứng đầy tức giận nhưng đồng thời cũng đầy sự kiềm chế đến nhẫn nhục của thủy thủ đoàn Việt Nam.

Thật ra, theo tôi, sự kiềm chế tội nghiệp ấy không có gì đáng trách. Việt Nam không còn chọn lựa nào khác. Đánh nhau trên biển, Việt Nam không thể có kết quả nào khác ngoài sự bại trận. Ai cũng biết Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Trên bộ, còn chơi trò du kích. Ngoài biển khơi, vũ khí và khoa học kỹ thuật quyết định tất cả.

Hơn nữa, sự nhịn nhục còn là một chiến thuật cần thiết về phía Việt Nam: Họ cần có thật nhiều hình ảnh để chứng minh với thế giới họ chỉ là nạn nhân chứ không phải là nhữnng kẻ khiêu khích như Trung Quốc tuyên truyền. Tính chất nạn nhân ấy cần một thời gian để tạo ấn tượng mạnh và sâu đủ để thu hút sự đồng cảm, và từ đó, sự ủng hộ của quốc tế.

Không nên trách móc nhà cầm quyền Việt Nam trong chiến thuật chịu đựng nhẫn nhục ấy.

Điều đáng trách của họ nằm ở chỗ khác: Dường như, với họ, chịu đựng nhẫn nhục là một chiến lược chứ không phải là chiến thuật, nghĩa là có tính lâu dài chứ không phải chỉ tạm thời, trong một vài ngày hay một vài tuần, vài tháng. Bởi, nếu đặt câu hỏi, sau khi đóng vai trò nạn nhân ấy rồi, Việt Nam sẽ làm gì? Nổ súng ư? – Thì chắc chắn cũng sẽ bị đánh giập đầu ngay tức khắc. Chờ đợi quốc tế nhảy vào giúp đỡ để đương đầu với Trung Quốc ư? Câu trả lời đã hiển nhiên: Sẽ không có ai cả.

Nhìn lại, người ta dễ dàng nhận ra ngay một sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam: Lâu nay, hầu như mọi người đều biết âm mưu thâm độc của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có một kế hoạch nào để chuẩn bị và đối phó cả. Thì đành là họ có mua một số tàu ngầm, tàu thủy và vũ khí của Nga. Nhưng số lượng những chiến cụ và vũ khí ấy so với Trung Quốc chẳng khác nào kiến chọi với voi. Điều ai cũng thấy nhưng Việt Nam không hề làm, hoặc nếu làm, chỉ là giả bộ làm: tìm kiếm đồng minh thực sự có đủ sức để giúp đỡ Việt Nam trong trận đấu nhau với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng lăng xăng đi đây đi đó, cũng ký hiệp ước này hiệp ước nọ, nhưng thứ nhất, chủ yếu với các nước thuộc loại trung, trong đó, không có nước nào có thể là địch thủ của Trung Quốc cả; thứ hai, quan hệ giữa Việt Nam với các nước ấy vẫn rất hời hợt, không có nước nào tin cậy và thương yêu Việt Nam đủ để có thể nhảy ra chia lửa với Việt Nam trong trận chiến với Trung Quốc cả.

Nhưng dại dột nhất là Việt Nam đã không có đủ thiện chí để xây dựng một quan hệ tin cậy với Mỹ, nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Chơi với Mỹ, họ chỉ tính toán những trò lặt vặt, kiểu bắt dân làm con tin, khi nào Mỹ yêu sách thì thả vài người rồi lại bắt vài người khác. Trên các phương tiện truyền thong, thậm chí, trên các diễn đàn chính thức của đảng, thỉnh thoảng vẫn chửi Mỹ, xem Mỹ như kẻ thù, người đứng đằng sau xúi giục cho âm mưu “diễn tiến hòa bình”.

Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam cô đơn như hiện nay. Thời kháng chiến chống Pháp, họ được Trung Quốc giúp đỡ; thời chiến tranh Nam Bắc, cả Trung Quốc lẫn Liên Xô giúp đỡ; thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, họ được Liên Xô giúp đỡ. Bây giờ: hoàn toàn không.

Đó không phải là một thất bại về ngoại giao mà còn là một thất bại về chiến lược. Hình như không ai thấy, hoặc nếu thấy, họ cũng mặc kệ không thèm làm.

Chính quyền Việt Nam không những cô đơn trong quan hệ quốc tế. Họ còn cô đơn trong quan hệ với dân chúng. Suốt bao nhiêu năm vừa qua, họ thẳng tay trấn áp một cách phũ phàng và tàn bạo tất cả những người yêu nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận trong nước lâu nay vẫn xem chính quyền chỉ là một bọn nhu nhược hoặc, gay gắt hơn, bán nước.

Khi, vì sợ Trung Quốc hay vì muốn bênh vực cho Trung Quốc, họ giang chân đạp thẳng vào mặt những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc, họ hoàn toàn tự cô lập với nhân dân.

Bây giờ, ở cái thế vừa cô lập với dân chúng trong nước vừa cô lập với thế giới bên ngoài như vậy, có lẽ chính quyền Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài việc giả vờ cứng rắn một hồi, lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng để Trung Quốc muốn làm gì trên Biển Đông thì làm. Mặc kệ. Quyền chức và tài sản của họ vẫn nguyên vẹn.

Kẻ thua trận, cuối cùng, là đất nước và nhân dân.

3/04/2017

5 tháng 3 ngày bạn biểu tình hay ra đường

LỜI KÊU GỌI


Yểm Trợ Phong Trào Tranh Đấu Đòi Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Dân Chủ,
Nhân Quyền, Đòi Công Lý Môi Trường Và Chống Bất Công Xã Hội

Nhận định rằng:

1. Đất nước chúng ta đang trải qua một thời kỳ hết sức đen tối, quyết định sự sống còn của cả dân tộc. Chúng ta đã và đang mất nước từng bước một vào tay đế quốc mới là Trung Cộng, kẻ thù truyền kiếp của dân Việt. Trong lúc đó, tập đoàn cộng sản Việt Nam tự nguyện làm tay sai chư hầu, tiếp tay đế quốc Trung Cộng, phản dân hại nước.

2. Tại miền Trung, đồng bào đã đứng lên đòi công lý sau thảm họa môi trường, đòi đền bù những thiệt hại to lớn do công ty Formosa cấu kết cùng quan tham nhà nước gây ra. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản vẫn cố tình bao che thủ phạm, ngăn cản, trù dập, bắt bớ những đồng bào tranh đấu trong ôn hòa.

3. Nhà cầm quyền cộng sản VN gia tăng đàn áp, sách nhiễu các chức sắc và tín đồ các tôn giáo độc lập chân truyền, thực hiện chủ nghĩa cộng sản vô thần, bịt miệng tiếng nói của lương tâm, của tinh thần đang mạnh mẽ cất lên từ lòng các Giáo hội.

4. Nhà cầm quyền gia tăng đánh đập, bắt bớ, giam cầm những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, cho môi trường, cho công bằng xã hội, đã áp đặt những bản án bất công phi lý, nhằm triệt tiêu các phong trào nông dân, ngư dân, công nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập.

5. Đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của lịch sử, nhiều vị lãnh đạo tinh thần, nhân sĩ trí thức, chiến sĩ dân chủ, dân oan đòi đất, đồng bào trong nước và hải ngoại đã thành lập những tổ chức đấu tranh, liên kết thành các phong trào Quốc Dân Việt Nam kế tục Diên Hồng hào khí, Lam Sơn khởi nghĩa, Tây Sơn nổi dậy năm xưa để diệt ngoại thù xâm lược và nội thù bán nước. Riêng LM Nguyễn Văn Lý đã kêu gọi đồng bào khắp nơi đồng loạt biểu tình ôn hòa liên tục trong những ngày Chủ Nhật kể từ mồng 05 tháng 03 nhằm nói lên quyết tâm và nguyện vọng của toàn dân.

Trước tình hình bi thảm nguy cấp của đất nước, trước sự ngoan cố của tập đoàn cai trị cộng sản Việt Nam, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam:

1. Hoàn toàn ủng hộ các cao trào tranh đấu nói trên, nhiệt liệt hỗ trợ cuộc tổng biểu tình ngày 5-3-2017 và những ngày kế tiếp...
2. Đòi hỏi tập đoàn cộng sản phải chấm dứt hành động khủng bố dân lành yêu nước, ngưng ngay đánh đập dã man đồng bào vô tội, nhất là tấn công tàn bạo những vị lãnh đạo tôn giáo; phải thả lập tức và vô điều kiện các tù nhân lương tâm và những tù nhân án oan hình sự.
3. Đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đóng cửa Formosa, buộc họ phải làm sạch môi trường và đền bù xứng đáng cho những đồng bào nạn nhân về những thiệt hại do ô nhiễm.
4. Kêu gọi đồng bào Hải Ngoại nhiệt tình ủng hộ và yểm trợ các phong trào Quốc Dân Việt Nam, nỗ lực vận động công luận quốc tế, chính giới các nước dân chủ tự do và Liên Hiệp Quốc yểm trợ cho cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của đồng bào trong nước.

Chính Nghĩa tất thắng Phi Nghĩa
Công Lý Sự Thật phải thắng Bất Công Gian Tà
Trí Nhân sẽ thắng Bạo quyền

Việt Nam Muôn Năm

Làm tại Quốc Nội và Hải Ngoại ngày 3-3-2017
TM. Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam


Cố Vấn:

· LM Nguyễn Văn Lý, Việt Nam

· Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Hải Ngoại.

Đồng Chủ Tịch:

· HT Thích Không Tánh (Phật Giáo), Đồng Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN.
· LM Phan Văn Lợi (Công Giáo), ĐCT Hội Đồng Liên Tôn VN.
· CTS Hứa Phi (Cao Đài Chơn Truyền), ĐCT Hội Đồng Liên Tôn VN.
· Nhân sĩ Lê Văn Sóc (PGHH Thuần Túy), ĐCT Hội Đồng Liên Tôn VN.
· MS Nguyễn Hoàng Hoa (Tin Lành), ĐCT Hội Đồng Liên Tôn VN.
· BS Võ Đình Hữu, CT. HĐĐB Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ.
· BS Đỗ Văn Hội, CT. HĐCH CĐNVQG/LBHK.
· Nhân sĩ Lưu Văn Tươi, CT. HĐGS CĐNVQG/LBHK.
· Nhân sĩ Nguyễn Văn Tánh, Chủ Tịch UB Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế, Cố Vấn CĐNVQG/LBHK.
· Nhà Biên Khảo Phạm Trần Anh, CT. Diên Hồng Thời Đại.
· PTS Trần Viết Hùng, TTK Liên Hiệp Hội Thánh Em và Tín Đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh Hải Ngoại.
· Nhân sĩ Cao Xuân Khải, PCT Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Tôn Giáo Việt Nam.
· Nhân sĩ Trần Văn Đông, Ban Kiểm Soát Liên Hội Người Việt Canada (cựu Tổng Thư Ký)
· Nhân sĩ Lạc Việt, Ban Yểm trợ Truyền Thông Khối 8406, Canada.
· BS Hoàng Thị Mỹ Lâm, CT. Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn CHLB Đức.

***