6/09/2017

Huyền thoại Sài Gòn tan biến

Deutsche Welle
Bản dịch của Tâm Việt
6/8/2017

"Huyền thoại Sài Gòn tan biến" (Mythos "Saigon" verschwindet) là nhan đề một bài báo dài trên trang web của đài DW ngày 07.06.2017, kênh đối ngoại của truyền thông Đức. Tác giả báo động về tình trạng phá hoại vẻ đẹp cổ kính của thành phố này, gây ra bởi đám trọc phú mới, dưới sự dung túng của giới chính trị.



Thành phố Sài Gòn không là cái gì nếu không có lối kiến trúc theo kiểu Pháp của thời kỳ thuộc đia? Thành phố HCM ngày nay có lẽ chỉ là một đô thị Á châu lớn như bất cứ một thành phố Á châu nào khác. Số phận này đang đe dọa thành phố VN.

Làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết Sài Gòn của nhà văn Graham Green „Người Mỹ trầm lặng“, công trình kiến trúc trang nhã của các cao ốc, dinh thự thời thuộc địa ở thành phố này nhờ vậy đã nổi tiếng trong văn học. Ngày nay, nét đẹp kiến trúc của thành phố là một hấp lực cho du khách và thuộc tiết mục ngoạn cảnh không thể thiếu được trong mỗi chương trình đi xem thành phố. Tuy nhiên, các cao ốc, dinh thự cổ này đang bị đe dọa.

Một rừng các cần cẩu xây dựng mọc cao lên nền trời „Sài Gòn“, ngày nay là TP HCM. Những nhà cao tầng cứ chen chút ở chân trời. Thành phố lớn nhất của VN và cũng là một trong những đô thị cực lớn, tăng trưởng nhanh nhất ở Á châu nói chung. Như nhiều người dân của thành phố, ông Trần Trọng Vũ rất đau xót trước sự thay đổi nhanh chóng này. Ðể lấy chỗ cho các nhà trọc trời xây mới, những khu phố cổ xưa bị lấn át không thương tiếc. „Những ngôi nhà này thật sự cưu mang một giá trị văn hóa. Chúng ta nên gìn giữ và trùng tu các chứng tích này và đừng thay thế vào đó bằng các cao ốc“, ông kêu gọi như vậy.


Ðiểm hò hẹn: Khách sạn Continental, nơi Graham Green trú ngụ.

Trò trẻ con cho các nhà đầu tư

Nhiều người lo ngại rằng, không bao lâu nữa và TP HCM cũng chẳng khác gì bất cứ một đô thị cực lớn nào ở Á châu. „Vào những năm 1960 và 1970 mọi nơi vẫn còn nét của Pháp, bây giờ tất cả ngày càng giống Mỹ: ở mọi góc đường đều có hàng Mc Donald“, theo ông Nguyễn Hiệp, người đã lớn lên tại TP HCM và viết nhiều sách về di sản kiến trúc của thành phố nơi ông được sinh trưởng. Ông nói thêm,“Một con đường bị lấy mất đi lịch sử của nó thì không còn giá trị nữa“.
Người ta thấy sự phá hại rõ rệt nhất ở trung tâm thành phố. Ngày càng nhiều những người trẻ dọn vào đây, họ muốn có một khung cảnh sống tân tiến, cả chốn ở và chỗ làm việc. Một nhu cầu chính đáng thôi. Nhưng ông Nguyễn nói đến một khía cạnh khác: „Ở đây có dính dáng với thật nhiều tiền và quyền lợi của các nhà đầu tư“.


Công trường xây cất khắp nơi: Ở đây, cứ một khu vực nhà ở mọc lên trên 3300 mẫu tây.

Gìn giữ di tích văn hóa, lịch sử ở đâu?

Các nhà đầu tư lắm tiền đã mua đứt những khu đất béo bỡ từ lâu. Các công trường xây cất đang lấn chiếm các mãnh đất mà trước đây có nhiều dinh thự cổ và các công thự lịch sử tọa lạc. Mới đây là việc san bằng khu bến tàu „Ba Son“ trên sông Sài Gòn đã làm dân chúng phẩn nộ. Cả khu vực có từ thời Pháp thuộc phải bị dẹp đi. Tập đoàn xây cất Vincom đang xây nơi đó một khu nhà ở mới. Phạm Nhất Vượng, người chủ tập đoàn, là nhà tỉ phú giàu nhất nước. Ông ta thích được gọi là Donald Trump của Việt Nam.

Thời gian qua, Toà thị chánh Thành phố đã lập một danh sách gồm trên 1000 ngôi nhà được xây cất từ năm 1887 tới 1954, dưới thời Pháp thuộc. Trong số đó có Nhà hát Thành phố, Tòa nhà Bưu điện hoặc Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Ðức bà). Các tòa nhà này trang điểm, làm đẹp cho thành phố HCM: các cao ốc trên đều là các tụ điểm hấp dẫn du khách. Còn có một vài nơi Graham Green ưa thích ở đường Catinat. Ngày nay đuờng này mang tên Ðồng Khởi và các cửa hàng nơi đây bày bán những hàng danh hiệu như Hermès và Chanel.

Sự chống đối nổi dậy

Không có những con số đáng tin cậy cho biết bao nhiêu trong số các ngôi nhà lịch sử đã bị tàn phá. Fanny Quertamp thuộc Hiệp hội Thiết kế đô thị PADDI đoán chừng đã có tới 50% các ngôi nhà thời Phápthuộc, thuộc vùng trung tâm thành phố đã bị dẹp sạch. Một làn sóngphản đối đang nổi lên chống lại sự phá củ xây mới không ngừng nghỉ này.


Chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành hiếm hoi? Nhà hát Thành phố, khánh thành năm 1899.

Daniel Caune, một nhà làm phim trò chơi Video, dấn thân cho việc bảo tồn lối kiến trúc thời Pháp thuộc. Bằng việc thực hiện một App chưa hoàn thành xong „Heritage Go“, ông muốn đánh thức nguời dân thành phố cũng như du khách cần chú ý tới di sản kiến trúc. Khi người dùng điện thoại cầm tay chụp một trong các toà nhà cổ, họ sẽ được xem hình và lời giải thích về lịch sử của tòa nhà đó. Chương trình App này chưa đưa ra thị trường. Ông Caune nói, „ông muốn mọi người có ý thức hơn về di sản lịch sử của họ“. Ông là thành viên của Hội “Heritage-Observatory“, làm công việc thu lượm và sắp xếp có hệ thống các ngôi nhà được xây từ thời Pháp thuộc.

Mối lo về ngành du lịch

Tòa thị chánh Thành phố cũng theo đuổi cùng mục đích này và đề ra một chương trình thu góp các kiến trúc thời thuộc địa. Một công tác cực lớn, kéo dài qua nhiều năm tháng. Những người muốn bảo vệ di tích lịch sử không được sự cổ võ ở trong một đô thị đang muốn vươn lên. „Ðòi hỏi thành công kinh tế và đòi hỏi tiến bộ gây áp lực rất lớn lên đầu họ“, ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ đạo Nhóm làm việc về Kiến trúc thuộc Cơ quan thiết kế đô thị của TP HCM.


Một cách để lấp kín các đất còn bỏ trống: Trung tâm thương mại hạng sang được xây theo lối kiến trúc của thời thuộc địa

Nhiều nhà đầu tư chiếm cứ được các mảnh đất quí gía thuộc Trung tâm thành phố chẳng đếm xỉa gì đến di sản lịch sử, ông nói thêm. Ông mong muốn sớm có một chương trình phát triển thành phố để chấm dứt các động thái này. Và lấy thí dụ như phố cổ Montreal ở Gia Nã Ðại. Sự phản đối của dân chúng và nổ lực của một nhà thiết kế đô thị đã mang lại kết quả là từ năm 1964 khu phố cổ Vieux-Montreal hoàn toàn được đặt dưới sự bảo vệ các di tích lịch sử. Thay gì bị giựt sập, các cao ốc được tu sửa lại mới, và qua nhiều năm phát triển khu vực trở thành một nơi lôi cuốn du khách và rất được ưa chuộng.

Sự mỉa mai của lịch sử

Các nhà đầu tư đã xây cất ở trung tâm du lịch Ðà Nẵng một thành phố kiểu Pháp thời Trung cổ trên châu thổ sông Hàn, gọi là „French Village“(Làng Pháp) có nhiều tháp nhỏ, tường thành góc cạnh và đường đi lát đá. Bảo trì di tích cổ không xong, nhưng một thế giới Pháp thời Trung cổ theo hình thức của một Disneyland lại được. Thế giới ngược đời.

Kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn cả quyết rằng, TP HCM sẽ mất hằng triệu du khách nếu nét đẹp của Pháp biến mất trên các đường phố „Sài Gòn“. Chẳng khác nào một người tự cưa đi nhánh cây mà mình đang ngồi trên đó.

Tình thế của một dân tộc vay mượn (bài 1)

Lê Văn Tích
6/8/2017

So sánh tình thế của Đại Nam và Việt Nam


“Tìm hiểu lịch sử không chỉ giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ mà còn đánh giá đúng hiện tại và, ở một mức độ nào đó, có thể đoán định được tương lai.” Ai đó đã nói đại thể như vậy?

Với tinh thần này, chúng tôi muốn đối chiếu “tình thế Việt Nam” hiện nay với “Lịch sử Đại Nam” cách chúng ta gần 100 năm trước. Có gì đó, các thế hệ Việt Nam hôm nay, soi chiếu như những bài học xương máu mà không nên, không thể lãnh cảm, thờ ơ!

Trước tiên xin sơ lược về hai thời kỳ trên.

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam (大南), ngụ ý một nước Nam rộng lớn, nhưng không được chấp thuận. Khi nhà Thanh suy yếu, vua Minh Mạng chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839 (có sách ghi là năm 1838). Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945. (1)

Cách mạng tháng Tám, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.(2)
Ở phương diện thống nhất lãnh thổ, cả hai thời kỳ này có gì đó rất giống nhau.

Nhà Nguyễn, sau những năm tháng chinh chiến không biết mệt mỏi (1773-1801), cuối cùng Vua Gia Long đã lật đổ nhà Tây Sơn, thống nhất toàn diện đất nước. Dù có đứng trên “sử quan” nào thì cũng không thể phủ nhận được nhà Nguyễn và Vua Gia Long là người có công đầu trong việc tạo lập ra cương vực của nước Việt cơ bản như ngày nay. (Từ Móng Cái phía Bắc vào đến Cà Mau ở phía Nam, Tây Nguyên phía Tây và phía Đông là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.)

Nước Việt Nam ngày nay cũng trải qua biết bao cuộc “bể dâu”, dù còn nhiều cách nhìn phải rất lâu nữa mới thống nhất, song một điều không thể chối bỏ được là cương vực thống nhất kể từ 1975 đến nay đang thuộc về chính thể Nước CHXHCN Việt Nam. Có điều, “trong cơn ly loạn”, ở phía Đông của đất nước, một phần của quần đảo Trường Sa và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nay không còn thuộc quyền kiểm soát của người Việt nữa. Ngư dân miền Trung cũng không còn được “thoải mái” đi đánh cá ở ngư trường truyền thống của mình do “bạn vàng” và “tàu lạ” thường xuyên cấm đoán, cướp bóc, đánh đập…

Vấn đề thống nhất cương vực lãnh thổ thường là vấn đề sống còn, “đau đớn” của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới. Người Do Thái phải mất 2000 năm lưu đày mới phục quốc; Dân tộc Triều Tiên bên cạnh chúng ta đã bị chia cắt hơn sáu chục năm mà vẫn chưa thấy tia hy vọng nào cho ngày thống nhất…

Vua Gia Long phải mất gần ba chục năm (1773 – 1801) lập ra nước Việt Nam (越南) mà sau cháu con ông đã để mất vào tay Pháp;

Nước Việt Nam thống nhất như ngày nay thì cha ông ta cũng phải chính chiến hơn một trăm năm nếu tính từ khi Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), khi nhà Nguyễn công nhận quyền cai quản của nước Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn Lôn. Cho đến 1975, sau cuộc “kháng chiến chống Mĩ cứu nước”.

Tôi đi lính thời bình, thỉnh thoảng tham gia huấn luyện chiến đấu giả định vài tiếng đồng hồ thôi mà cũng thấy ngao ngán, huống hồ cha ông mình phải chinh chiến trận mạc hơn một trăm năm thì thật khó mà hình dung ra được nỗi gian truân, mất mát mà họ phải gánh chịu.
Ở phương diện “khủng hoảng và cải cách”

Nhà Nguyễn trong bối cảnh của “xã hội phong kiến phương Đông”, thật khó để có thể thoát ra được số phận của nó (bị xâm lược và nô dịch). Tuy nhiên, cũng trong cái “khung cảnh” ấy, Nhật Bản và một phần Thái Lan, họ đã thoát khỏi số phận chung của “phương Đông châu Á”.

Ở phương diện này, chúng ta, những thế hệ sau có quyền nghi hoặc về “trí tuệ và bản lĩnh” của cha ông mình.

Nghi hoặc không có nghĩa là phán xét và buộc tội cha ông mình, quan trọng hơn, coi đó là những bài học xương máu không thể thờ ơ, cần rút ra mà cải thay cho hiện tại, cho tương lai?

Tại sao trong cùng một khu vực địa lý, đồng văn, đồng chủng, thậm chí nhiều mặt, người Việt thuận tiện hơn, họ lại tránh được, còn chúng ta thì đắm chìm trong thân phận tôi tớ hèn hạ?

Rất nhiều kiến giải được bạch hóa trong không gian “thế giới phẳng” đó là: (i) quyền lợi dòng họ giai cấp đặt trên quyền lợi dân tộc; (ii) bối cảnh lịch sử khách quan trong sự đối trọng giữa xe tăng họng pháo với súng thần công, giáo mác; (iii) tư tưởng bảo thủ lỗi thời, ác với dân hèn với giặc, không dám thực thi những đề nghị cải cách tiến bộ vì sợ mất lợi quyền…

Xin dừng lại mà liên hệ, đối chiếu với tình thế của Việt Nam ở hai điều, đó là điều (i) và điều (iii)

Nước ta đang ngày càng tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu cải cách thay đổi. Rất nhiều phản biện, đề nghị cải cách đất nước hội nhập với thế giới văn minh lần lượt bị nhà cầm quyền bỏ qua rất đáng tiếc.

Phải chăng, quyền lợi dòng họ, gia đình và giai cấp đang đứng trên quyền lợi dân tộc giống như thời nhà Nguyễn?

Câu chuyện của gia đình ông Triệu Tài Vinh (Bí thư Hà Giang), của gia đình ông Nguyễn Nhân Chiến (Bí thư Bắc Ninh) và vô số “gia định trị” khác không đếm xuể đang tàn phá mảnh đất vốn cằn cỗi của nước Việt này… Chính là những tảng đá cản bước chân dân tộc Việt Nam? Sao dân ta lại để cho họ làm điều đốn mạt đó?

Năm trăm vị đại biểu “dân cử” nhưng chỉ hơn 10 người không phải đảng viên? Nếu đem điều này đi đối chiếu với những giá trị phổ quát của thế giới đương đại thì ai chấp nhận?

Nó phi lý rõ ràng ra đó nhưng một nhóm người có lợi ích đã nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho dân đen quằn quại trong cơn đói rách, đau ốm. Phần đa người dân biết chữ cũng chẳng hơn gì đứa vô học, ngậm miệng để vun vén cho cái niêu cơm của nhà mình, bỏ mặc dân tộc giẫy dũa thét la …

Ngồi đọc lại những quy kết của các “sử gia” đương thời đối với triều Nguyễn trong việc để mất nước ta vào tay Pháp mà thấy gì đó không công bằng. Chính họ những người được gọi là “trí thức” của thế kỷ này cũng không đủ tư cách xách dép cho những người mà họ được ngồi để phán xét. Đó chính là lý do đẩy Việt Nam đến tình thế như ngày hôm nay. Tình thế dân tộc vay mượn !?

Chú thích:

(1) Wikipedia
(2) Đại cương Lịch sử Việt Nam, tr 370)

Có còn con sông nước lớn, nước ròng?

Le Quynh
6/2016

Nằm ở phía cuối cùng của lưu vực sông Mekong, tiếp giáp với biển, đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được chính dòng sông này mang phù sa miệt mài bồi đắp trong 6.000 năm nay. Là một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới, nét văn hóa và sinh kế của cư dân nơi đây chịu ảnh hưởng của sông nước và biển. Nhưng trong tương lai, đồng bằng có nguy cơ không còn thấy cảnh “con nước lớn, con nước ròng” do sự liên thông với biển đang dần bị cắt đứt. Đồng bằng có khi trở thành một vùng nước hồ tù đọng.


ĐBSCL có nguy cơ không còn thấy cảnh “con nước lớn, con nước ròng” do sự liên thông với biển đang dần bị cắt đứt – Ảnh: L.Quỳnh

Rồi liệu gần 20 triệu dân sinh sống ở đây, cùng nền văn hóa sông nước có bị lụi dần?

Câu hỏi này cứ đau đáu chúng tôi trong suốt một hành trình điền dã một vòng từ Đồng Tháp Mười, qua Bạc Liêu dài theo Kênh Xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp, vòng về Bến Tre theo đường ven biển qua phà Đại Ngãi, băng ngang Cù Lao Dung giữa dòng Hậu Giang.

Miền đất này đang đứng trước những “mất mát” lớn, không chỉ nguy cơ sạt lở dẫn đến tan rã dần do thiếu phù sa từ hệ lụy các đập thủy điện trên dòng Mekong, mà còn do tư duy xem nước mặn là kẻ thù, dẫn đến những công trình to lớn cắt đứt sự liên thông giữa sông và biển.

Mâu thuẫn nguồn nước

Ở ấp 4 xã Bình Thới, huyện Bình Đại, Bến Tre, ông Tư Thiệt (Nguyễn Hoàng Thiệt) là người có nhiều ao nuôi tôm nhất quanh vùng: 6 ao trên khoảng 3 ha. Xưa ông nương theo con nước tự nhiên, mặn vô thì nuôi tôm, ngọt vào thì trồng lúa. Nuôi tôm từ năm 1989, ông bảo gia đình mình sống nhờ tôm, đến khi có kĩ thuật nuôi tốt hơn, gia đình ông lại được giàu từ tôm. Năm 2000, tỉnh xây cống đập Ba Lai, ngăn mặn từ cửa Ba Lai vào, trữ ngọt cho toàn khu vực bắc Bến Tre. Vậy là như mọi hộ nuôi tôm khác nằm bên trong cống đập, ông Tư Thiệt phải đào giếng lấy nước mặn ngầm. Ngặt nỗi, ngay nước giếng cũng bị nhiễm kim loại, phải khử độc trước khi vô ao. Toàn bộ hệ thống ao nuôi khép kín, tránh ô nhiễm từ bên ngoài vào. Hết vụ, 60% nước mặn được giữ lại trong ao, làm sạch dùng tiếp cho vụ sau, còn lại thải ra kênh mương bên ngoài. Vùng nước mặn mà hiếm mặn, năm nào mưa nhiều còn phải mua hàng tấn tấn muối đổ vào.

Khó vậy, nhưng ông Tư Thiệt bảo, nuôi tôm vẫn hơn trồng lúa. Như gia đình ông, một vụ lúa với 4 ha ruộng (cũng nhiều nhất vùng) mỗi năm thu được chừng 500 giạ lúa, khoảng 45 triệu đồng, còn thua cả một ao tôm nhỏ cỡ chừng 400mét vuông! Không vậy mà ở cả vùng này, dù nhà nước đã cấm đào giếng đào ao nuôi tôm, nhưng rất nhiều hộ gia đình vẫn đành lén đào ao mới nuôi tôm rồi xây tường cao lên để giấu, đào giếng trong tận phòng ngủ, dưới gầm giường… Tính ra, trong vùng ngọt hóa bắc Bến Tre có đến hàng ngàn cây khoan nước mặn nuôi tôm như vậy.

Là tỉnh cuối nguồn sông MeKong, Bến Tre giáp biển Đông nên những tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nước mặn xâm thực vào đất liền hơn 3/4 diện tích toàn tỉnh. Làm sao để trồng được lúa, cây trái? Một hệ thống cống đập Ba Lai hoành tráng với chín hạng mục ra đời. Khi dự án hoàn thành, sông Ba Lai hứa hẹn sẽ trở thành hồ nước ngọt khổng lồ với trữ lượng 90 tỉ m3, phục vụ tiêu úng, thau chua, rửa phèn 115.000ha đất tự nhiên, 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và phục vụ sinh hoạt cho hơn 2/3 dân số của Bến Tre!

Cống đập Ba Lai nằm gần cuối dòng Ba Lai – một trong chín nhánh của sông MeKong đổ ra biển. Thế nhưng từ ngày “con rồng” Ba Lai bị con người chuyển hóa thành… con đập Ba Lai, toàn vùng bỗng chốc biến thành một vùng “xôi đậu”.

Dẫn chúng tôi tới ngay điểm chữ thập của dòng Ba Lai (có thượng nguồn rất bé, nơi lấy nước từ hai sông Hàm Luông và Mỹ Tho vào), ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL nói rằng, bên trong cống đập Ba Lai hiện nay vẫn bị mặn “tập hậu” từ sông Mỹ Tho và Hàm Luông. Con lộ chạy dọc cù lao An Hóa dài ngoài 20 km nhưng có hàng trăm con kênh lớn nhỏ dẫn nước mặn vào trung tâm vùng ngọt. Ông Trần Hữu Hiệp, tổ trưởng tổ Quản lý cống đập Ba Lai phân trần, đó là vì hai hạng mục âu thuyền An Hóa và Bến Tre đến nay vẫn chưa triển khai được, thì chưa thể tạo thành một hệ thống cống đập Ba Lai khép kín (!). Vậy nên mới sanh chuyện khóc cười. Bên trong cống đập, mặn khiến người dân trồng lúa, mía, dừa không mấy ăn, bèn đua nhau mặn hóa trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Còn bên ngoài đập, vùng nước mặn nuôi tôm, sò, làm muối của người dân thì lại lao đao theo dòng ngọt từ trong Ba Lai xả ra mỗi tháng hai lần.

Hóa ra, mâu thuẫn nguồn nước không còn là câu chuyện nóng bỏng giữa các quốc gia trên cùng một dòng Mekong kéo dài từ Tây Tạng đến ĐBSCL, mà đã xảy ra ngay trong cùng một mảnh đất bởi đôi dòng mặn ngọt…





Nuôi tôm trong vùng quy hoạch ngọt hóa là một giải pháp đặng chẳng đừng, vì miếng ăn mưu sinh – ảnh: Chí Nhân



Dù trồng trong vùng ngọt hóa nhưng dừa vẫn bị chết vì mặn “tập hậu” từ sông Mỹ Tho và Hàm Luông vào – Ảnh: Chí Nhân

Chặn mặn trữ ngọt, Ba Lai ngừng chảy

Hoạt động đã được 10 năm, hệ thống công đập Ba Lai từng và vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học và nhà quản lý. Một loạt câu hỏi đang được đặt ra. Giá trị của mặn là gì? Giá trị của ngọt là gì?

Có nhất thiết phải trồng lúa khắp nơi không, khi chúng ta đang là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, ở phân khúc thị trường giá trị thấp và người nông dân trồng lúa không thể thoát nghèo?

Có nhất thiết phải chuyển đổi hệ thống canh tác ở nơi vốn là mặn, hay mặn ngọt luân phiên sang ngọt bằng mọi giá với những khoản đầu tư lớn, trong khi canh tác nước mặn có thể mang lại giá trị cao hơn?

Suy cho cùng, ngọt hóa là nhằm hai mục đích: nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và nước ngọt để chuyển sang hệ canh tác ngọt. Nhưng thực tế lại cho thấy cả hai mục đích đều khó đạt, thậm chí khi tất cả chín công trình của cụm công trình Ba Lai sẽ hoàn tất. Khi đó, vùng bên trong sẽ là vùng tù đọng, ô nhiễm, nước ngọt khó có thể sử dụng cho sinh hoạt. Còn mục tiêu thứ hai, chuyển sang canh tác ngọt, xem ra đắt đỏ, kém kinh tế, mà người dân cũng không muốn.

ThS Thiện tâm tư bảo, ngọt hóa bằng cách biến những dòng chảy liên thông với biển bằng các công trình khép kín, theo thời gian sẽ dần biến bên trong thành một vùng tù đọng, ô nhiễm, dù có xả nước định kì. (Chưa kể, toàn vùng Bến Tre hiện nay vẫn chưa có hệ thống xử lý chất và nước thải, tất cả đều bị đổ thẳng xuống sông, kênh rạch). Môi trường nước mặn bị ngọt hóa hay ngược lại môi trường nước ngọt bị xâm nhập mặn có thể dẫn đến thay đổi thảm thực vật, thành phần các loài sinh vật, và hoạt động sống của con người. Bên bờ phía mặn của cống Ba Lai, người dân vẫn có nơi vung chài đánh bắt, nhưng phía bên kia, tiệt nhiên không còn cảnh ấy nữa. Ông Tư Thiệt thì bảo với chúng tôi rằng, từ lâu ông không còn xài nước sông, vì nó “nhớt nhớt, tanh tanh”. Ông và đa số người dân ở đây quay về dùng nước mưa trữ lại trong lu, y như cái thời xưa ông bà mình vẫn vậy cho hai mùa mặn ngọt.

Dòng Ba Lai đã dần chết. Khảo sát của nhóm chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN gần đây cho thấy, hai bên bờ Ba Lai đang khép lại dần. Phân tích như Ths Thiện, khi Ba Lai nhận được một lượng nước vào mùa lũ vào, thì toàn bộ phù sa trong lượng nước đó sẽ lắng xuống đáy sông, qua nhiều mùa như thế sông Ba Lai sẽ chết hẳn. Rồi khi khép một dòng như Ba Lai, sẽ làm hai dòng hai bên (Hàm Luông và Cửa Đại) mạnh lên và tái phân phối dòng chảy, gây đảo lộn dòng chảy ven bờ biển, dẫn đến đảo lộn về sạt lở, bồi lắng ven bờ biển, chỗ thì sạt lở, chỗ thì bồi lắng cho đến khi nó đạt trạng thái cân bằng mới. Nghiên cứu của Viện Địa chất, và của nhóm tác giả Nguyễn Thọ Sáo (ĐH Quốc gia HN) cũng chỉ ra rằng, hệ thống thủy lợi Ba Lai đã khiến dòng sông này ngừng chảy. Vậy là, cùng với cửa sông Ba Thắc (Bassac, Bách Sác) ở Sóc Trăng đã ngưng chảy do bồi tụ từ đầu thế kỷ 20, Cửu Long nay đã thành “Thất Long”!



Nước trong mương ít, chỉ tới đầu gối, mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, lại ô nhiễm nên không thể vào ao vào ruộng được – Ảnh: Chí Nhân



Từ ngày có cống đập Ba Lai, dòng Ba Lai dần trở thành dòng sông chết. Bên trong cống đập giờ vắng bóng người vung chài – ảnh: Chí Nhân

Vũng hồ đồng bằng?

ĐBSCL vừa phơi mình trong cơn hạn mặn lịch sử khốc liệt, khi theo NASA (Mỹ) năm 2016 là năm khô nóng cao nhất trong lịch sử 136 năm. Nên những ngày này, đi suốt nhiều tỉnh miền Tây lại càng dễ nghe người ta bàn, nói về chuyện phòng chống hạn mặn, bão lũ, đặc biệt là bằng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi thủy sản. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã tuyên bố rằng sẽ tập trung đầu tư xây dựng các công trình lớn đến 2020, từ hoàn thiện hệ thống cống đập Ba Lai bắc Bến Tre, xây dựng hệ thống cống đập khu vực cống An Minh, An Biên, Măng An Thít đến Sông Cái Lớn, sông Cái Bé,…

Nhưng cứ nhìn từ bài học Ba Lai, nhiều nhà khoa học nhiều năm nay đã buộc phải lên tiếng trong tuyệt vọng rằng: nếu như vội vã xem tình hình hạn mặn năm 2016 là tình hình chung, làm cơ sở quy hoạch để từ đó xây dựng công trình kiểm soát mặn ở các cửa sông lớn như Sông Cái Lớn, Sông Cái Bé (sông lớn nhất biển Tây, cửa như nắm rễ đước từ Rạch Giá xuôi vô, tỏa chằng chịt nhiều nhánh khắp mấy tỉnh),… thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Các dòng sông ở ĐBSCL nhờ ăn thông với biển mà có nước lớn, nước ròng, nhờ đó dòng sông được làm sạch, có cá tôm và hình thành nền văn hóa sông nước. Khi có công trình thì sẽ không còn nước lớn, nước ròng mà bên trong sẽ tù đọng, ô nhiễm, không còn cá tôm, ảnh hưởng văn hóa sông nước. Ngoài ra, sinh thái biển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Biển sẽ nghèo đi khi không còn giao lưu sinh thái được với đất liền qua các cửa sông, rạch này.

ThS Thiện nói những công trình, chương trình lớn như thế này, trên thế giới thường được Đánh giá môi trường chiến lược trước khi Đánh giá tác động môi trường cụ thể cho từng công trình. Đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành sớm và song song với quá trình ra quyết định là để giúp đưa ra những quyết định ở tầm chiến lược một cách đúng đắn và minh bạch.

Cũng hóa ra, thật thấm thía, nói như TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, ở vùng đồng bằng này, chung qui là vì chúng ta đã quên mất cái vai trò “liên kết” của nước. Bởi vì nước không chỉ liên kết về mặt môi trường sinh thái mà còn là liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau nhờ vào phong tục tập quán, liên kết giữa các cộng đồng sống rất xa nhau nhờ vào giao thương kinh tế, và nói rộng hơn là liên kết giữa các quốc gia nhờ vào việc sử dụng cùng một dòng sông. Vì vậy, nếu cái văn hóa chia sẻ bị mai một, thì “tình làng, nghĩa xóm” giữa các cá nhân trong một cộng đồng ắt sẽ phai nhạt; xung đột lợi ích giữa các cộng đồng sẽ trở nên gay gắt, và bất ổn trong toàn khu vực do mâu thuẫn giữa các quốc gia là điều khó tránh khỏi!…

Lê Quỳnh

6/06/2017

NƯỚC SÔNG CƯU LONG BÂY GIỜ LÀ MỘT MÓN HÀNG TRAO ĐỔI:

Bùi Hồng Lĩnh
6/6/2017

* người viết xin cám ơn Luật sư Trần Đình Hoành đã nêu ra một số nhận định và ý kiến giá trị trong khi trao đổi ý kiến với người viết về đề tài này


TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯƠNG MẠI SÔNG MÊ KÔNG?


Một trong những giải pháp trong GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đưa ra trong bài viết có tựa đề “Chỉ đúng nguyên nhân ĐBSCL - đồng bằng sông Cửu Long sạt lở và các khuyến nghị” (đã đăng trong NMVN ngày 3 tháng 6, 2017, nguồn baodatviet ngày 2 tháng 6, 2017) để giải quyết vấn đề “sạt lở” sông Cửu Long, là giải pháp số 9 sau đây:

“… (9) Kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế. (tham khảo Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu, cải tiến Hiệp định MRC 1995).

Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực.”

Giải pháp dựa trên luật quốc tế xử dụng nước hay dựa vào Uỷ Ban Sông Mê kông (Mekong River Commission – MRC), một Thoả Thuận được ký kết năm 1995 mà GS Trân gián tiếp nói đến ở trên, không thể thực hiện được vì tính cách “không bắt buộc” những hội viên ký kết Thỏa Thuận này phải tuân theo.

Bốn hội viên chính thức của Uỷ Ban Sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Thái và Cam Bốt thì không ai có quyền phủ quyết nên chẳng ai bảo được ai, cứ lợi cho nước mình hay cho nhóm là xây đập để làm Thủy Điện hay xây những hồ lớn chứa nước Bằng chứng là năm 2013, Lào cứ mặc nhiên tiến hành xây đập Xayabouri mặc cho có sự chống đối của VN và Cam Bốt, và năm 201 cũng bắt đầu xây một đâp nước khác. Còn 2 nước trên thượng nguồn là Miến và Trung Hoa thì không là hội viên của MRC nên họ có xây đập ngăn nước cũng không cần lấy ý kiến của các nước hạ nguồn. Năm ngoái VN thiếu nước trầm trọng, nhờ Trung Hoa nhả đập một thời gian nhưng số lượng nước này lại bị Lào, Thái và Cam Bốt mang về những đập của nước họ nên VN cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Dù những nước hội viên MRC có tranh cãi nhau về xây hay không xây đập, Liên Hiệp Quốc cũng không dính dáng vào những tranh chấp nước sông Cửu Long đựợc vì các đề nghị đều không có điều kiện pháp luật hay luật quốc tế để những nước tranh chấp phải thi hành.

Nhiều quốc gia đã đề nghị những giải pháp hợp tác nhưng không nước nào có những giải pháp đưa ra được tất cả các hội viện MRC đồng nhất chọn lựa, và Việt Nam là nước ở cuối nguồn phải lãnh đủ hậu quả của những chính sách xây đập của 5 nước thượng nguồn với trên dưới 20 đập nước to nhỏ đã và đang xây.

VN đã làm gì để đối phó với tình trạng có thể thiếu nước do các nước thượng nguồn sông Cửu Long giữ nước lại (hay thừa nước nếu các đập trên thượng nguồn đều xả nước ra cùng lúc). Câu trả lời là: không có biện pháp hay giải pháp nào. VN bậy giờ là "con tin" của Trung Hoa và 4 nước thượng nguồn. CSVN đã có thể dựa vào số ngoại tệ khổng lồ từ kiều hối có được từ nhiều năm nay, hay ngăn bớt sự thua lỗ mà ngân hàng nhà nước phải bù vào lên đến hàng chục tỉ Mỹ Kim cho những công ty quốc doanh để thực hiện một số đề nghi như xây đập để ngăn nước biển tràn vào sông, hay xây đập xây hồ để trữ nước của sông Cửu Long khi vào đến VN và do đó điều khiển sự giữ hay thải nước theo nhu cầu của nước mình. Nhưng CSVN đã không làm thế. Những giải pháp của những nước ngoại cuộc đề nghị cách phân phối nước từ sông Cửu Long (CL) hay cho đồng bằng sông CL của Nhật Bản hay Hà Lan đều bị lờ đi

Năm 2014, tờ New York times có một bài báo nói về tình trạng này và đã đề cập đến một nguồn năng lượng tự tái tạo, đó là năng lượng mặt trời để chế ra điện (gọi t1ăt là Solar Electricity) để thay thế những đập thủy điện trên sông CL. Nếu hoạch định cho đúng, điện từ năng lượng mặt trời này (solar electricity) sẽ đủ cung cấp cho những nhu cầu điện quan trọng của nhiều vùng, nhiều thành phố bằng hay hơn số điện đến từ những đập Thủy Điện và kết quả sẽ là trên song CL, số lượng đập giữ nước sẽ không gia tăng. Nói đến sự dùng điện từ năng lượng mặt trời, Trung Hoa cũng đã và sẽ là một trong những nước xử dụng solar electricity nhiều nhất trên thế giới trong thập niên tới. Riêng nước Mỹ, dự trù số solar electricity sản xuất cho đến cuối năm 2021 sẽ đủ cung cấp cho 22,000,000 (22 triệu) căn nhà trong nước Mỹ. Các nước bên bờ sông Cửu Long đã đến lúc phải nghĩ đến solar electricity phụ với thủy điện. Nếu theo con số 22,000,000 căn nhà trong nước Mỹ có solar electricity vào năm 2021, thì cần đủ điện cho 6 triệu dân nước Lào (khoảng 1 đến 2 triệu căn nhà) thì không phải là chuyện không tưởng. Vấn đề không phải là kỹ thuật hay dùng đến nước sông CL, mà là nước Lào có đủ lợi để dùng solar electricity hay không.

Nhũng giải pháp điạ phương hay khu vực (mà đồng bằng sông CL với những tỉnh, thành phố), hay cho toàn vùng đồng bằng sông CL trong VN đi nữa, chỉ có hiệu quả khi những nước thượng nguốn có giải pháp thích đáng cho nhu cầu điện, hay nhu cầu “dẫn thủy nhập điền” của họ. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, nước dùng cho thủy điện không bị mất đi. Những thứ bị mất đi đó là phù sa và những loại cá không thể bơi vào đập được. Những chuyên viên đã dự đoán rằng khi Lào xây xong đập Xuri…, trên 100 loại cá và thủy sản sẽ không xuôi xuống hạ nguồn được.

Sau đây là một vài dữ kiện liên quan đến sông CL mà chúng ta nên biết:

1. Nước Lào, với dân số chưa tới 6 triệu (với trên 1/3 dân số có mức lợi tức rất thấp- dưới $2 dollars một ngày) nhưng đã và đang xây nhiều đập thủy điện (2 cái đang xây, một là sẽ bán điện cho Thái Lan, và một là đang có sự đầu tư vốn của Mã Lai). Tổng số đâp trong nước Lào sẽ là 6. Họ cũng không lưu tâm đến sự phản đối của Ủy Ban Sông Mê Kông, với lý do xây đập là cần thiết cho sự phát triển kinh tế.

2. Thái Lan cũng đang muốn hợp tác với những nước thượng nguồn như Trung Hoa để nới rộng lòng sông, phá hủy những bãi đá, cù lao nhỏ trên sông cho những thuyền tầu lớn có thể di chuyển để phát triển kỹ nghệ du lịch và mậu dịch với những nước này. Thái Lan cũng dự trù xây đâp thủy điện.

3. Cam Bốt cũng không để yên, dự trù xây 3 đập nước

4. Ngoại trừ một số nước từ sông Cửu Long sẽ được mang vào sâu trong đất liền, lượng nước để dùng cho thủy điện sẽ không bị mất đi nhiều và sẽ trở lại dòng sông. Tuy nhiên, sự thiệt hại do thiếu hụt phù sa, thủy sản, tôm cá,.... cho những nước hạ nguồn sẽ rất lớn vì những đập này sẽ ngăn cản tôm cá lớn xuôi dòng (đã nói đến ở trên)

5. Hầu như những đập được xây là để phục vụ nhu cầu kinh tế của những nước xây đập, bất kể sự ảnh hưởng đến những nước khác, cho nên, vì không có tính cách ràng buộc pháp lý, Ủy Ban Sông Mê Kông sẽ chỉ là một tổ chức "ngồi chơi xơi nước", chỉ có tính cách chia sẻ những tin tức có tính cách kỹ thuật.

Bản đồ và danh sách một số đập nước đã và sẽ xây trên sông CL:



Với những điều trên, cộng thêm sự hoạt động của những đập nước của Trung Hoa, Miến Điện trên thượng dòng sông Cửu Long, đời sống của trên 18 triệu dân Việt Nam sống trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Đã đến lúc VN phải nghĩ là không thể dựa vào quốc tế hay dựa vào sự “nhân đạo” của các nước khác trong bờ sông CL để giải quyết những nguy hại sắp tới do sự lên xuống bất thường của nước song CL hay do sự tràn về của nước biển do mực nước sông CL thấp hơn mực nước biển.

VN nên nghĩ đến việc "mua nước" từ những nước thượng nguồn, bằng cách đầu tư vào những nhà máy thủy điện của họ hay đầu tư vào những chương trình Solar electricity để họ có những lợi tức thay thế những lợi tức họ sẽ có hoặc mất đi khi không còn có sự đầu tư từ những nước khác nữa. Sự "mua nước" này được thực hiện song song với những chương trình xây những hồ chứa nước dọc sông Cửu Long cũng như đi sâu vào nội địa. Chính phủ VN phải nghĩ đến chuyện"mua bán nước sông Cửu Long" thay vì đòi hỏi những nước thượng nguồn tuân theo những luật xử dụng nước quốc tế. Mekong River Commission nên đổi thành "Mekong River Trading Partnership". Nếu đã thương thuyết với thế yếu như VN đang làm bây giờ và không đem lại kết quả tốt đẹp, nhà cầm quyền VN nên đổi chiến thuật, đặt mình trong vị trí những nước này và mang lợi ra làm nguyên tắc của sự thảo luận.

VN cũng nên khai thác lợi thế địa dư của mình, đó là những cửa biển mà Cam Bốt, Thái và Lào không có. Một sự hợp tác về kinh tế để khai thác sông CL có lẽ là một giải pháp cho VN. Chúng ta thử tưởng tượng:

- Những du thuyền hàng ngàn người lên xuống trong lòng sông CL, ghé thăm Vạn Tượng, ghé Thái, ghé Cam Bốt và thăm viếng mua bán tại những thành phố ven sông VN trước khi đổ ra biển và trở về. Bên Âu Châu bấy lâu nay có những chuyến du lịch trên sông qua một số nước mà du khách tốn cả trên dưới $20,000 dollars chưa kể những số tiền mua sắm trên bờ. Hay:

- Những tầu đánh cá biển ngoài bờ biển VN, khởi xuất từ Lào, từ Thái, Cam Bốt. Những dân tộc như Lào hay Miến Điện không có biển, thực phẩm từ biển sẽ là những thức ăn sẽ được ưa chuộng. Hay:

- Những kiện hàng trao đổi giữa những nước trong vùng hay đến từ những nước khác sau khi những tầu lớn đổ hàng xuống nơi những cửa biển tại Việt Nam. Hình như cho đến nay, sông CL chưa được khai thác đúng mức về cách thông thương này, để hàng hóa đến các nước bên bờ sông CL và những nước lân cận có thể được hưởng những phương tiện này.

Để đạt được những sự phát triển kể trên qua 3 phương diện Du Lịch, Thực Phẩm và Hàng Hóa, những nước tham gia cần hợp tác để thực hiện những dự án sau, cần thiết cho sự phát triển 3 kỹ nghệ kể trên:

a. Hợp tác sửa đổi lòng sông và bờ sông để đủ chiều sâu và độ rộng cho tầu bè di chuyển dễ dàng.

b. Hợp tác để phân phối và điều chỉnh lượng nước trong sông CL quanh năm hay từng mùa, điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của 3 kỹ nghệ kể trên cũng như đời sống của dân chúng mà phần lớn dựa vào sông CL.

c. Xây dựng những khu vực giải trí, thăm viếng dọc theo sông CL hay trong đất liền, thể hiện và giữ nguyên được tính chất địa phương tại mỗi nước để du khách có lý do đến khu vực sông CL để du lịch. Tính chất mới là và đặc biệt của sông CL, có những vùng vẫn còn rất hoang dã sẽ là sự thu hút đặc biệt cho du khách.

Những sự hợp tác cho chương trình phát triển sông CL này dựa trên nguyên tắc sau: đóng góp những gì mỗi quốc gia có sẵn để cùng phát triển và hưởng lợi chung thay vì chia cho nhau những gì đang thuộc về mỗi quốc gia, một sự đòi hỏi mà cho đến nay đã thất bại.

Tóm lại, "Nước sông Cửu Long" bây giờ là một "món hàng có giá", khi chảy qua nước nào, nó trở thành tài sản của nước đó, không phải chỉ là sản phẩm của thiên nhiên nữa. VN cần phải thay đổi tận gốc rễ sự suy nghĩ về vấn đề sống còn này.

Bùi Hồng Lĩnh

6/04/2017

Chỉ đúng nguyên nhân ĐBSCL sạt lở và các khuyến nghị

(Quan điểm) - Bài viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL về tình hình sạt lở ở khu vực này.

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL ngày càng nhiều và nghiêm trọng.

Các nguyên nhân cơ bản thường được nói đến thời gian gần đây là do thiếu hụt trầm tích bị các đập thủy điện trên dòng chính sông Lancang – Mekong giữ lại, và do lạm khai thác cát sông.

Hiểu sâu để có giải pháp tốt. Nhằm mục đích này, xin đóng góp một số ý kiến vào nhận thức khách quan vấn đề sạt lở và từ đó một số việc cần làm theo thiện ý của tác giả.

1. Trước tiên, việc sạt lở bờ sông ở đồng bằng đã từng xảy ra trong những thập niên 1980 và trước đó, tại thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và nhiều nơi khác nữa, mỗi lần đã từng “nuốt chững” hàng chục căn nhà kiên cố. Lúc đó chưa có đập thủy điện nào ở thượng nguồn. Bởi lẽ bồi lở hai bờ của một con sông là tất yếu và có tính quy luật. Không chỉ thấy sạt lở mà quên yếu tố bồi. Trong sạt lở có bồi và ngược lại.

2. Sau khi sạt lở, các cơ quan chức năng ở An Giang đã đo địa hình lòng sông trong khu vực sạt lở. Đã “thấy” một hố sâu đến -43 mét và vách đứng nơi sạt lở (Hình 1). Chúng ta sẽ trở lại dưới đây về các hố sâu giữa sông, các vách đứng dọc bờ, kết quả tác động của dòng chảy lên lòng sông và bờ sông.



Hình 1. Ngã ba sông Hậu – sông Vàm Nao (trái) và nơi sạt lở phóng to (phải). Nguồn: Tỉnh An Giang

Một tài liệu nghiên cứu (1) chỉ ra hơn 400 hố sâu trong dòng chính trong hạ lưu vực sông Mekong, trong đó có 22 ở đồng bằng sông Cửu Long (Hình 2 trái). Ở hai đầu và dọc sông Vàm Nao nối liền sông Tiền và sông Hậu có những hố sâu.

Có hai điều đáng lưu ý: (a) các hố sâu là nơi cư trú của các loài thủy sản, nhất là vào mùa khô; (b) các hố nằm trong vùng có địa hình cao của An Giang và Đồng Tháp, và ở những khúc quanh hoặc ở nơi hợp lưu của dòng chảy (Hình 2 phải).



Hình 2. 22 hố sâu trên sông Tiền và sông Hậu và địa hình An Giang, Đồng Tháp. Nguồn của sơ đồ địa hình: Chương trình 60-B


3. Trên dưới 10 năm nay, chiều ngang sông Vàm Nao và sông Hậu bị thắt lại bởi doi đất mới được bồi ở huyện Phú Tân. Sông Hậu còn bị thu hẹp do cù lao Bình Mỹ, huyện Châu Phú được bồi về phía hữu ngạn. Tình hình bồi tụ và xói lở ở ngã ba sông Hậu – sông Vàm Nao diễn biến khá nhanh (Hình 3).


Hình 3. Ngã ba sông Hậu – Vàm Nao, dòng chảy, bồi tụ và xói lở. Nguồn: Google Earth

Diễn biến này chắc chắn đã góp phần vào sạt lở ở ấp Mỹ Hội. Điểm sạt lở nằm trong khu vực dòng chảy sông Hậu đạp thẳng vào địa bàn Tổ 13, ấp Mỹ Hội và bị dòng chảy sông Vàm Nao đẩy lệch về phía Nam.

Sạt lở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp các ngày 3,4, và 7,8 tháng 4.2017 có rất nhiều điểm tương đồng.

Khu vực sạt lở nằm trong vùng sông Tiền đạp thẳng vào tả ngạn sông Tiền dọc theo QL 30, và bị dòng chảy từ Cồn Én dịch chuyển xuống phía Nam (Hình 4). Chiều ngang sông Tiền ở đoạn sạt lở co thắt lại đáng kể (Hình 5).


Hình 4. Khu vực sạt lở ở tả ngạn sông Tiền, ấp Bình Hòa. Đối diện là khu vực đang được bồi


Hình 5. Chiều ngang sông Tiền thắt lại đáng kể ở khu vực sạt lở

4. Dòng chảy một con sông có mặt thoáng (là mặt sông) và có biên là đáy sông và bờ sông. Ở đồng bằng sông Cửu Long, đáy sông và bờ sông thuộc loại đất nền yếu, có thể biến dạng dưới tác động của dòng chảy, tuân thủ ba định luật cơ bản của thủy động lực học là bảo toàn khối lượng, động lượng và năng lượng. Cần nhấn mạnh thêm rằng các tác động này không phải nhất điểm, nhất thời mà còn lũy tích theo không gian và theo thời gian.

Những điều mang tính quy luật trên đây giải thích sự hình thành của các hố sâu, bờ sông vách đứng, các “hàm ếch” mà dòng chảy có thể khoét vào bờ sông.

Kè hóa bờ sông biến biên bờ sông mềm (biến dạng được) thành biên cứng. Trong trường hợp lưu lượng về nhiều, nếu dòng chảy không tràn bờ được, vận tốc sẽ tăng, năng lượng không được tiêu hao ở nơi có kè sẽ tác động mạnh hơn về hạ lưu nơi không còn kè, thậm chí còn phá hỏng cả kè. Do vậy việc kè hóa cần được tính toán kỹ mặt được – mặt mất với các hệ quả lũy tích.

Thiếu trầm tích mà nó chuyển tải, dòng chảy sẽ tiêu hao năng lượng bằng cách tác động lên các biên là bờ sông, lòng sông và cồn bãi trong sông.

5. Các đập thủy điện trên dòng chính giữ lại trầm tích làm thay đổi địa hình lòng sông, bờ sông, cửa sông và đường bờ biển. Nhắc lại đã xảy ra sạt lở trước khi có các đập thủy điện ở thượng nguồn không mâu thuẩn chút nào với khẳng định này bởi lẽ khối lượng lớn trầm tích bị giữ lại gây nên cán cân trầm tích âm ở đồng bằng sông Cửu long, nguyên nhân cơ bản gây sạt lở nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Điều tác giả thấy cần nhấn mạnh, và không bao giờ thừa, là đồng bằng được hình thành từ 5500 đến 6000 năm nay từ quá trình biển rút và từ trầm tích được sông Mekong tải ra biển Đông. Hiện nay, đồng bằng đang ở trong giai đoạn đầu của một quá trình ngược lại: biển dâng và trầm tích về chỉ còn 25% nếu 14 đập thủy điện Trung Quốc và 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Lancang – Mekong đi vào hoạt động (2). Có nghĩa là đồng bằng bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình.
6. Thêm vào đó là tình trạng khai thác cuội, sỏi và cát sông Mekong tại địa bàn.Hình 6 cung cấp số liệu khai thác năm 2011, 2012 của Lào, Thái Lan, Campucia và Việt Nam, trích từ một công trình nghiên cứu nước ngoài (3).


Hình 6. Số liệu khai thác cuội, sỏi, và cát sông Mekong năm 2011, 2012

Một công trình khác (4) giải đoán ảnh vệ tinh độ phân giải cao, đánh giá tổng lượng cát mất đi trên hai đoạn sông Tiền và sông Hậu, thời đoạn (1998 – 2008) như hình 7.



Hình 7. Lượng trầm tích đáy sông mất đi dọc hai đường thủy trực sông Tiền và sông Hậu

Tài liệu đã dẫn trên đây còn cung cấp tình hình bồi lở đường bờ biển đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2003 đến 2011/2012. (Hình 8).




Hình 8. Bồi và lở dọc 3 đoạn đường bờ biển ĐBSCL (dưới); chiều sâu bồi và lở (m/năm) và diện tích bồi, lở (km2/năm) dọc 3 đoạn đường bờ biển ĐBSCL từ năm 2003 đến 2011/2012

7. Làm gì để hạn chế sạt lở? Xin đề xuất một số công việc cần được triển khai càng sớm càng tốt.

(1) Trước hết, Nhà nước và người dân cần nhận thức rõ các thách thức mà đồng bằng đang đối diện và hành động tương ứng vì sự phát triển bền vững của đồng bằng. Cụm từ “Người dân” bao gồm bà con nông ngư dân, các chủ nông hộ, các doanh nghiệp, các viện, trường và các nhà khoa học.

(2) Hiểu rõ các quy luật của dòng chảy sông trong một châu thổ tương đối phẳng, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, trong bối cảnh các thách thức; tuân thủ các quy luật này trong các quy hoạch, đặc biệt quy hoạch thủy lợi và đô thị. Hạn chế tối đa tác động đến đường bờ biển.

(3) Làm tốt công tác quản lý nhà nước: (a) trong quan trắc, theo dõi các yếu tố thủy văn, hải văn, trầm tích, nước biển dâng; (b) trong quản lý khai thác tài nguyên (đất, nước, cát sông và nước ngầm), và (c) trong dự báo các khu vực, các điểm có khả năng xảy ra sạt lở.

(4) Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chuyên đề, được kết nối với nhau. Phát huy các khả năng kết nối giữa internet đám mây và internet kết nối vạn vật để xây dựng quy chế sử dụng mở cho các viện, trường, các nhà khoa học khai thác các cơ sở dữ liệu này.

(5) Tập hợp các chuyên gia, đầu tư để sớm làm chủ một số mô hình với số liệu địa hình luôn được cập nhật để chủ động trong công tác mô phỏng, áp dụng cho những vùng cần theo dõi sạt lở.

(6) Khai thác ảnh vệ tinh, đặc biệt ảnh vệ tinh VNREDSAT 1 của Việt Nam để theo dõi sạt lở.

(7) Dòng chảy tuân thủ quy luật tự nhiên, không theo ranh giới hành chính. Cần sớm thể chế hóa việc liên kết vùng để tối ưu hóa việc phòng chống sạt lở.

(8) Có dự án để đẩy mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng nhẹ cho nền đất yếu, bền trong môi trường ngập, mặn phục vụ các công trình thủy lợi, giao thông và dân dụng.

(9) Kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế. (tham khảo Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu, cải tiến Hiệp định MRC 1995).

Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực.

..........................................................................

Chú thích:
(1) MRC, Atlas of deep pools in the Lower Mekong River and some of its tributaries, MRC Technical Paper N.31, August 2013.
(2) C.Thorne, G.Annandale, J.Jensen, Review of Sediment Transport, Morphology, and Nutrient Balance, Part of The MRCS Xayaburi Prior Consultation Project Review Report, March 2011.
(3) Bravard J.P., Goichot M., Gaillot S. Geography of Sand, and Gravel Mining in the Lower Mekong River, First Survey and Impact Assessment, EchoGeo, 26 (2013), 10 – 12 2013.
(4) E.J. Anthony et all, Linking rapid erosion of the Mekong river delta to human activities, Scientific Report | 5:14745 | DOI: 10.1038/srep14745, 8 October 2015.
GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân -Nguyên Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983 – 1990); Đại biểu Quốc hội CSVN các khóa IX, X, XI.












Trái Tim Vẫn dập


Từ Nay Có Hai Mầu Nước

Trên những bờ ruộng
tươi xanh những bông lúa ngày nào
Người con gái xắn ống quần, bước xuống vũng nước mặn
Tay luồn trong bùn kiếm những con cá còn thoi thóp
Sống lất lây đã nhiều ngày tháng qua
Cá quậy mình muốn vụt ra khỏi bàn tay đang nắm chặt mình
Những con cá nước ngọt
đang thở những hơi cuối cùng trong nước mặn.

Đã lâu trời không còn những cơn mưa
Và nước từ thượng nguồn cũng đổ về ít ỏi
Vũng nước ngọt cũng cạn dần trơ ra những gốc dừa nước khô bùn
Những con cá trốn vào những ngách sâu ẩn mình
Nằm im lìm, thở rất nhẹ
Như giữ lại những sức lực để sống cho qua mùa khô héo
Miệng thoi thóp ngậm những vẩn bùn hoà với nước đặc xệt

Rồi trên không mang về quê người con gái những luồng gió
có mùi biển mặn
Sông đã có thêm những dòng nước từ biển ào về
Những cánh đồng khô héo đã có nước che lấp những kẽ nứt
Và những vũng nước ngọt còn lại cũng đã đón thêm những dòng nước muối tràn về

Chiều bên sông vàng vọt
Bóng những con thuyền đánh cá đang thấp thoáng trở về
Nguòi con gái ngồi lặng yên bên bờ vũng nước
Vài con cá bắt được cũng nằm yên
Một ngày sắp tắt

Chiều mang về những âu lo
Người con gái sờ lên lưng những con cá trong chiếc rọ tre
ủ trong thùng nước từ ao, giật mình vẫy mạnh
Nhắn nhủ những con cá đã sống được với hai dòng nước
Hãy truyền cho đồng lúa những nhiệm mầu
Để những hương thơm đòng đòng vẫn còn mãi bên những bờ ruộng
Từ nay có hai mầu nước

BHL




6/03/2017

Một dân tộc đang tang thương và bất lực

Thân chào bạn đọc,

NMVN đã không đăng một bài nào từ ngày cuối tháng tư cho đến hôm nay. Trên một tháng không đến với bạn được, nhưng có thể giống như bạn, chúng tôi vẫn theo dõi những chuyện liên quan đến Việt Nam, và trình bày với bạn một vài ý nghĩ, dưới đây:

1. Sau nhiều năm viết bài và đăng bài của nhiều người Việt, đóng góp hay nhận xét, phê bình cho sự tiến triển hay thay đổi dẫn đến tự do dân chủ của VN, tình trạng của Việt Nam trên nhiều phương diện, đã không sáng sủa hơn sau hơn 42 năm CSVN quản trị đất nước. Điều này khiến chúng tôi phải suy nghĩ đến hiệu quả của sự đóng góp rất nhỏ của riêng cá nhân cũng như của một số người mà chúng tôi đã mang bài vào để bạn đọc tìm hiểu thêm (mặc dù bây giờ, bạn đọc có thể tìm dễ dàng trên internet). Chúng tôi vẫn loay hoay với "nhiệm vụ" không ai bắt buộc này, ngọai trừ chính sự suy nghĩ của mình. Sau hơn một tháng loay hoay, chúng tôi hôm nay lại từ từ từng bước một trở về với bạn đọc, như một người bị đau đang còn uống thuốc, ngồi dậy.

2. Thế giới biến chuyển thật nhanh chóng, nhưng trong Việt Nam, sự thay đổi còn nhanh chóng hơn và sự thay đổi trong Việt Nam làm cho chúng ta phải bàng hoàng. Không ai có thể tưởng tượng chỉ vì một nhà máy thép, mà do sự cẩu thả và bao bọc của CSVN, biển miền Trung Việt Nam đã trở thành nghĩa địa cá, và bờ biển cũng như sâu trong đất liền, miền Trung Việt Nam đã và sẽ trở thành những vùng đất thưa người dân sinh sống vì nguồn sống của họ đã bị đầu độc cho đến hàng chục năm, và họ sẽ phải bỏ làng xóm ra đi. Sự độc ác và lơ là đến đời sống người dân của CSVN đã lên đến mức không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi, trong sự bất lực của mình, chỉ biết im lặng ngưỡng mộ những người dân đang vật vã và liên tục tranh đấu cho sự sinh sống của gia đình nơi những vùng đang bị nhiễm độc đó. Họ đã không quản bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập. liên tục biểu tình tranh đấu cho những nguồn nuôi sống gia đình.

Trong thời gian vắng trên nmvn này, chúng tôi cũng đã nhận được những tin tức của những người đang phải phấn đấu để tìm cách giữ lại nhà cửa, đất đai ruộng vườn của họ trong mấy chục năm nay, bây giờ có lệnh phải bỏ lại tất cả cho nhà nước và những tổ chức đầu tư, mặc dù sự đền bù không thể bằng một phần gia tài của họ gầy dựng bao nhiêu năm nay. Chúng tôi thực tình thấu hiểu sự oan ức và uất hận của những người dân này, có một ít thời gian để tìm hiểu thêm về những bế tắc của người dân trong những hoàn cảnh nêu trên.

3.Trump lên làm tổng thống nước Mỹ, có nhiều người ưa và cũng có nhiều người không đồng ý về những quyết định của ông Trump cho đến hôm nay. Dù ý kiến thế nào, người Việt Nam cũng muốn biết chính sách của Trump và của chính quyền Mỹ về biển Đông, về Việt Nam. Cho đến hôm nay (3 tháng 6, 2017), cũng chưa có dâu hiệu lạc quan nào về sự bang giao giữa 2 nước, ngoại trừ Trump muốn cân bằng cán cân mậu dịch giữa 2 nước, không muốn số nhập từ Việt Nam bỏ xa số xuất cảng từ Mỹ qua VN.

Người Việt cũng muốn biết thêm, khi nhờ Trung cộng áp lực Bắc Hàn về vũ khí nguyên tử, Mỹ đã đánh đổi gì với Trung cộng, và để yên cho Trung cộng lấn áp biển Đông có phải là một sự trao đổi hay không?

4. Mỹ mới giao cho CSVN 4 tầu tuần tra biển Đông. Điều này làm cho chúng tôi suy nghĩ đến khả năng "quốc phòng" đất nước của CSVN. Cho đến năm nay, kiểm điểm lại, CSVN CHƯA CHẾ TẠO NỔI MỘT CHIẾN XA, CHIẾN CỤ, VŨ TRANG, SÚNG ĐẠN, VŨ KHÍ HẠNG NẶNG HAY NHẸ, MÁY BAY, TẦU CHIẾN LỚN NHỎ nào. Tại sao lại yếu đến như thế? Tại sao dân số đứng hàng thứ 10 trên thế giới, và đã "độc lập" trên 42 năm rồi mà nền "quốc phòng" của VN lại dựa 100% vào vũ khí của thế giới. Hậu quả của sự lệ thuộc vào vũ khí của nhiều nước trên thế giới (vừa bạn lẫn thù vì hôm nay là bạn, ngày mai có thể thành thù, hay ngược lại), nhất là những vũ khí này thường hay được điều khiển bằng computer software,dễ bị khóa lại bởi nước cung cấp, thì cái khả năng tự tin và trong thế mạnh để thương thuyết cho sự độc lập và vững mạnh của CSVN sẽ không có đủ. (chúng tôi mong sẽ có dịp trở lại với đề tài này)

NMVN chúc quý bạn đọc một ngày vui khỏe.

GS PHẠM MINH HOÀNG BỊ TƯỚC QUỐC TỊCH VIỆT NAM???

FB Phạm Minh Hoàng
6/2/2017
https://www.facebook.com/phamminh.hoang.351/posts/10207132222823142


TÂM THƯ,

Kính gởi cộng đồng Facebook,
cùng các bạn bè, thân hữu xa gần,

Ngày 1/6/2017 vừa qua, Tổng Lãnh Sự (TLS) Pháp tại Sàigòn đã mời tôi lên để thông báo một tin "rất xấu": nhà nước Việt Nam ngày 17/5 đã ký quyết định hủy bỏ quốc tịch Việt Nam của tôi, và điều này đưa đến việc trục xuất tôi về Pháp (tôi có song tịch Pháp Việt).

Khi tôi đặt bút xuống viết những dòng này, tôi có cảm tưởng như còn đang say rượu. Vợ và con tôi nghe tin này khóc ngất. Anh tôi (thương phế binh VNCH tật nguyền gần 100%) cũng bàng hoàng. Hoàn cảnh gia đình không cho phép vợ tôi đi cùng, vì còn phải chăm sóc mẹ già cũng như lo cho ông anh tật nguyền, điều này có nghĩa gia đình chúng tôi sẽ phải ly tán.

Tháng 11/1973...

nhưng tôi còn nhớ như ngày hôm qua, tôi cất bước sang Paris du học. Khi máy bay đang lượn trên bầu trời Sàigòn, tôi nhìn qua cửa sổ và tự nhủ sẽ trở về để xây dựng quê hương đang điêu tàn vì chiến tranh. Hai năm sau, mọi suy tính của tôi sụp đổ và tôi bắt buộc phải bước vào một cuộc đời mới, nơi một phương trời mới với những suy nghĩ mới, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn canh cánh hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Sau một thời gian sinh sống và làm việc, tư tưởng trở về Việt Nam lại nhem nhúm trở lại và tôi đã cắp sách đến trường để trang bị cho mình những kiến thức ích lợi cho công việc ở Việt Nam. Trở về nước năm 2000, tôi trầy trật mới tìm được một công việc thích hợp trong Đại học Bách Khoa SG với đồng lương ít ỏi. Trong suốt 10 năm giảng dạy, tôi vẫn tự nhủ mình không phải là một người thầy giỏi, tôi chỉ được mỗi cái chăm chỉ và tận tâm. Tôi tự hài lòng với bản thân vì đã đem hết sinh lực và tâm trí của mình để truyền đạt kiến thức đến cho giới trẻ. Khi tôi bị bắt vào năm 2010 vì đã lên tiếng về tình hình đất nước, tôi đang dạy cùng lúc 5 môn toán khác nhau và đó là lúc khả năng và óc sáng tạo của tôi đang ở mức sung mãn vượt bực.

Nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp và sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền cũng như sự đấu tranh của nhiều người trong, ngoài nước, án của tôi tương đối nhẹ, chỉ 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Có điều sau đó thì hoài bão đi dạy của tôi cũng sụp đổ. Thỉnh thoảng tôi tính mở lớp Pháp văn nhưng họ vẫn rầy rà đủ thứ. Thậm chí vào năm 2016, khi cùng các bạn trẻ chia sẻ và trao đổi các kiến thức về quyền con người, về pháp luật Việt Nam, về kỹ năng sống cũng bị công an giải tán một cách thô bạo, máy móc bị tịch thu. Cho đến ngày hôm nay những khiếu kiện của tôi vẫn bay vào hư vô.

Cho dù khó khăn và đe dọa đủ điều, tôi vẫn cố gắng duy trì những phản ứng và những đóng góp của mình về các vấn đề của đất nước. Những bài viết của tôi mang tính phê bình nhưng bao giờ cũng chừng mực, ôn hòa và không thể kết luận là nguy hại đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dưới mắt nhà cầm quyền cộng sản, chừng ấy là chưa đủ. Qua các kênh thông tin, tôi biết tôi vẫn là một cái gì đó tiềm tàng đe dọa đến họ, và mặc dù đã duy trì phản ứng của mình một cách rất chừng mực và thận trọng, họ cũng không yên lòng, để sau cùng đi đến quyết định tước quốc tịch của tôi.

Việc tước quốc tịch đồng nghĩa với việc trục xuất, nghĩa là tôi không có quyền sống và chết trên quê hương của mình.

Tôi còn nhớ, khi tiếp xúc với TLS Pháp vào năm 2010-2011 khi còn ở trong tù, tôi có minh định rằng tôi chọn ở tù hơn bị trục xuất. Ngài TLS lúc ấy đã ghi nhận và nhắc đi nhắc lại nguyện vọng của tôi và hứa sẽ giúp tôi toại nguyện.

Ngày hôm nay tình hình có vẻ đã thay đổi. Việc bỏ tù một công dân Pháp có lẽ sẽ phức tạp cho cả hai chính phủ và cuối cùng họ đã chọn một giải pháp đỡ phiền phức nhất nhưng cũng vô nhân đạo nhất, vì hơn ai hết, họ biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi đơn chiếc như thế nào.

Ngày xưa, khi bị tù, tôi nghĩ đó sẽ là những chuỗi ngày đau khổ nhất của một con người, nhưng bây giờ tôi thấy còn một thứ kinh khủng hơn, đó là không được sống trên quê hương của mình.

Ngay trong lúc này, tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về vụ tước quốc tịch, nên chỉ biết gởi đến bà con thân thương những dòng tâm sự này và mong được sự cảm thông và hậu thuẫn của mọi người bằng cách chia sẻ rộng rãi bức Tâm Thư này đến cho bạn bè. Gia đình chúng tôi cũng đã liên hệ với luật sư để tìm hiểu thêm và tôi được biết hành vi tước quốc tịch tôi là sai pháp luật Việt Nam (xin xem tài liệu dưới đây).

Cuối thư, tôi xin chép lại đây một câu nói của một người đấu tranh đã bị trục xuất: "Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không ai có thể đưa Việt Nam ra khỏi tôi."


Phạm Minh Hoàng

NGÔN NGỮ, TRÌNH ĐỘ & ĐỐI THOẠI

Tưởng Năng Tiến)
6/1/2017

Một lời nói tử tế có thể làm ấm lòng người suốt cả mùa Đông.
Ngạn ngữ Nhật Bản


*
Cứ theo như dư luận chung (chung) thì ông Võ Văn Thưởng tuy là một đảng viên nhưng tốt. Ít nhất thì ông cũng không đến nỗi quá xấu như những người tiền nhiệm: Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Nguyễn Khoa Điềm, Hà Đăng ...

Mặt tốt này của đương kim Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương vừa được hé lộ, tại một hội nghị trực tuyến,vào hôm 18 tháng 5 vừa qua:

Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.

Phải chi hồi thập niên 60 hay 70 của thế kỷ trước mà ông (nguyên) Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương, Tố Hữu, cũng nói được một câu tương tự thì qúi hóa biết chừng nào. Tuy ông Võ Văn Thưởng phát ngôn hơi bị muộn nhưng dư luận, xem ra, vẫn khá ... lạc quan - như thường lệ:

"Dự định đề nghị xem xét mở 'đối thoại' với bất đồng chính kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, ông Võ Văn Thưởng, là tín hiệu mới, đáng khích lệ và là 'lời mời rất quý báu', một 'cơ hội' cần được 'chớp lấy', theo một số ý kiến bình luận, quan sát của khách mời tại Tọa đàm cuối tuần của BBC Việt ngữ."

Một trong những vị khách mời này, T.S Cù Huy Hà Vũ, cho rằng quan điểm của ông Thưởng "rất đáng chú ý và rất đáng khuyến khích.”

Lê Công Định thì dè dặt hơn đôi chút: "Tôi ngờ rằng đây không phải là chủ trương mới của Đảng Cộng Sản."Trí nhớ của vị luật sư trẻ tuổi này, quả nhiên, không tệ.

Khi chưa vào tù, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đã có lúc mừng (hụt) vì cái "chủ trương rất đáng chú ý và khuyến khích" này:

Phát biểu tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc 2012 diễn ra sáng nay 9/12/2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói: "Đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet...
Một thông tin khá bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thích thú...
Hãy công khai tranh luận một cách chính danh quân tử, thay vì sử dụng những biện pháp kỹ thuật lén lút cướp phá không khác gì bọn hacker, hoặc chụp mũ chính trị và kết án một cây bút chỉ vì những bài viết góp ý, phê bình phản biện của họ. Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và nhà giam...

Trương Duy Nhất & Võ Văn Thưởng. Ảnh: RFA

Trương Duy Nhất đã lãnh đủ ca ba (“còng số 8, nòng súng và nhà giam”) trước khi ông có cơ hội "đối thoại" với đám dư luận viên của chế độ hiện hành. Sau đó, sau khi bước ra khỏi nhà tù vào hôm 26 tháng 5 năm 2015, cũng không thấy nhà báo của chúng ta "bút chiến" hay "tranh luận" với một ông (hay bà) dư luận viên nào ráo trọi.

Sợ chăng?

E không phải thế đâu. Và cũng chả riêng gì trường hợp Trương Duy Nhất. Tôi chưa hề thấy một tù nhân lương tâm nào ở đất nước mình đã tỏ ra khiếp sợ và giữ im lặng sau sau khi ra khỏi nhà tù cả. Chỉ có những vị đã đi tù lần nữa, hoặc đang sẵn sàng chuẩn bị để ngồi tù tiếp tục - nếu cần!

Sở dĩ không có tranh luận hay đối thoại gì ráo trọi giữa những nhà bất đồng chính kiến với Nhà Nước Việt Nam, theo tôi, chả qua là vì bất đồng ngôn ngữ mà thôi. Cái "tầng ngôn ngữ" của đội ngũ dư luận viên hiện nay, rõ ràng, hơi quá xa lạ với số đông dân Việt:

TUYÊN BỐ TỪ BỎ QUỐC TỊCH PHÁP

FB Phạm Minh Hoàng
Saturday, June 3, 2017 at 12:03am
https://www.facebook.com/phamminh.hoang.351/posts/10207136571571858


TUYÊN BỐ TỪ BỎ QUỐC TỊCH PHÁP
(xin vui lòng chia sẻ rộng rãi)


Kính thưa bà con và thân hữu gần xa,


Việc nhà cầm quyền Việt Nam tước quốc tịch của tôi nhằm trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam đồng thời tước đi quyền được sống trên quê hương mình là một hành vi cực kỳ vô nhân đạo.

Sở dĩ họ hành xử như thế vì đã biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi và tôi là người song tịch.

Tôi sẽ không ngồi yên để họ làm chuyện ấy.

Vì thế ngày hôm nay tôi tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp và kể từ giờ phút này tôi chỉ còn một quốc tịch, đó là quốc tịch Việt Nam.

Dưới đây là lá thư tôi sẽ gởi cho Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội để xin thôi quốc tịch Pháp.
Kính mong mọi người tiếp tục hậu thuẫn chúng tôi.

Xin vui lòng tiếp tục chia sẻ status này đến cho mọi người.
Chân thành cảm ơn,
Phạm Minh Hoàng

----------------------


Monsieur l'Ambassadeur de France
57 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
HaNoi, VietNam


Je soussigné Pham Minh Hoang né le 08-08-1955 à Phuoc-Tuy, VietNam; ayant la double nationalité française et vietnamienne; déclare vouloir exercer mon droit de répudiation conformément aux dispositions des articles 23 du Code civil.

En conséquence, je vous demande de bien vouloir considérer que je n'ai plus cette nationalité française et de ne conserver que la nationalité vietnamienne.

Je vous adresse ci-joint :

- le document officiel attestant ma nouvelle nationalité,
- un justificatif de mon domicile actuel au Vietnam,
- une copie de ma carte d'identité,

En vous remerciant à l'avance, je vous prie d'agréer Monsieur l'Ambassadeur, l'expression de mes salutations distinguées.
Pham Minh Hoàng.

*
*
(bản dịch)

Kính gởi Ông Đại Sứ Cộng Hòa Pháp,
Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội
57 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Tôi ký tên dưới đây Pham Minh Hoang sinh ngày 08-08-1955 tại Phước-Tuy, VietNam; tôi có song tịch Pháp Việt. Tôi tuyên bố thực thi quyền từ bỏ quốc tịch chiếu theo điều 23 Bộ luật Dân Sự.

Vì lý do trên, tôi xin Ông vui lòng xem như tôi không còn quốc tịch Pháp và chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam.

Tôi xin gởi đến ông:

- văn bản chứng nhận quốc tịch Việt Nam
- chứng thực địa chỉ của tôi ở Việt Nam.
- thẻ căn cước Pháp.

Trân trọng kính chào Ông Đại Sứ.
Phạm Minh Hoàng

Những người vợ hy sinh bội phần

Lan Hương, phóng viên RFA
6/2/2017


Gia đình nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền.
Photo: fb Bach Hong Quyen

Thông thường phụ nữ luôn được coi là phái yếu và là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn trong xã hội cũng như cuộc sống gia đình. Trong thời buổi hiện đại, hầu hết phụ nữ đều tham gia lao động phụ giúp tài chính, về nhà lại lo việc nhà và con cái, lo đối xử nội ngoại sao cho phải đạo,… Nhưng ít nhất phần đông trong số họ có sự giúp đỡ, sẻ chia từ chồng nên vơi bớt phần nào.

Tuy nhiên, những người vợ có chồng tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn những người vợ bình thường vì công việc của chồng họ.

Vợ anh Bạch Hồng Quyền

Gặp anh Quyền khi cả hai cùng lên tiếng đấu tranh lấy lại đất cho một nhà thờ địa phương, chị Linh đã thầm mến người đàn ông quên đi lợi ích của bản thân để tìm lại công bằng cho mọi người. Cả hai đều cùng chung chí hướng nên ngay từ những ngày đầu yêu nhau, chị đã luôn ủng hộ và giúp đỡ anh Quyền trên con đường anh chọn:

Trước khi yêu nhau bọn mình cùng lên tiếng về vụ đất đai ở giáo xứ Thái Hà những năm 2008 – 2010. Cả hai cùng đi đòi đất cho nhà thờ nên mình đã biết và xác định con đường anh Quyền sẽ đi rồi.

Anh Bạch Hồng Quyền là một nhà hoạt động môi trường, một trong những nhân vật có tiếng nói tích cực và hiệu quả nhất về thảm họa môi trường do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4 năm ngoái. Ngày 12/5 Công An Hà Tĩnh đã phát lệnh truy nã anh sau khi quyết định khởi tố anh với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Trước đó anh bị cáo buộc “chủ mưu, kích động” vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trong hôm 3/4/2017.

Lấy anh Quyền đã nhiều năm nay, chị Linh vẫn luôn là một người vợ ủng hộ từng bước đi của chồng nhưng chị cũng không phủ nhận con đường ấy mang lại nhiều gian nan cho gia đình.

Quan trọng nhất là vấn đề nhà cầm quyền. Họ luôn làm khó gia đình. Vốn dĩ họ đã o ép về kinh tế, khiến gia đình không thể làm ăn bất cứ chuyện gì. Nếu có sự kiện thì họ canh gác, khủng bố và phá hoại tài sản của mình.
Mình muốn nhắn với chồng rằng hãy cố gắng vững bước trên con đường đã chọn. Mọi người, anh em, bạn bè luôn ở cạnh anh.
- Chị Linh, vợ Bạch Hồng Quyền


Chị cho biết đến chỗ ở của gia đình cũng không được yên ổn, phải thường xuyên thay đổi vì chủ nhà “ngại” không muốn cho thuê. Hơn nữa chính quyền thường xuyên truyền bá các thông tin không hay về gia đình chị, khiến dư luận lời ra tiếng vào, gây áp lực lớn cho cả gia đình.

Tất cả những khu dân cư chỗ mình thuê họ không hề hiểu, họ tỏ ra rất sợ hãi gia đình mình kiểu như gia đình mình làm việc gì đó không được đàng hoàng và nguy hiểm. Họ không muốn tiếp xúc với gia đình mình, và nhìn mình với ánh mắt dị nghị. Rồi những lời nói không hay lắm đằng sau lưng. Nhưng mình và bố mẹ mình rất hiểu công việc anh Quyền đang làm nên bỏ ngoài tai hết những lời nói đó và chỉ biết cầu nguyện mọi người sớm nhận ra rằng công việc anh Quyền và những anh em khác đang làm chỉ là muốn mọi người được nhận thức rõ hơn về quyền con người.

Vợ chồng anh Bạch Hồng Quyền hiện tại có hai con nhỏ, một cháu 4 tuổi rưỡi và một cháu mới được hai tuổi:

Hai cháu vẫn còn bé nên hiện tại chưa bị gì hết. Chỉ có điều bố không có nhà nên các cháu thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố thôi. Hiện tại các cháu đang học trên trường dòng là trường của các sơ nên chưa thấy chính quyền đả động gì đến việc làm khó chuyện học hành của các cháu.

Cũng là một phụ nữ tuổi xuân thì nhưng thay vì được sống hạnh phúc với gia đình, được chồng yêu thương chiều chuộng, chị Linh lại phải một thân một mình nuôi 2 con nhỏ và sống trong những lời đàm tiếu của xã hội. Tuy vậy nhưng khi được hỏi liệu khi các cháu lớn lên chị có muốn cho các cháu theo con đường con đường của bố không, chị Linh vẫn hoàn toàn đồng ý:

Mình mong muốn khi con mình lớn lên đất nước sẽ thay đổi rồi, chứ nếu tình trạng đất nước vẫn còn bạo quyền và không có quyền con người như thế này các cháu sẽ rất khổ. Mình muốn các cháu đi theo con đường của bố nhưng là khi các cháu được hưởng trọn vẹn các quyền xứng đáng được hưởng và sẽ đi phổ biến quyền con người theo cách bình yên hơn chứ không có bất công, đổ máu hay bạo lực như tình trạng đất nước bây giờ.

Từ ngày anh Quyền bỏ trốn đến nay đã mấy tuần vợ không được gặp chồng, con không được gặp bố. Tuy nhiên qua trang phụ nữ của RFA, chị Linh muốn nhắn gửi tới chồng mình rằng hãy yên tâm và tự hào vì những điều anh làm vì sau anh là vô số tiếng nói ủng hộ:

Mình muốn nhắn với chồng rằng hãy cố gắng vững bước trên con đường đã chọn. Mọi người, anh em, bạn bè luôn ở cạnh anh. Và chúng mình không hề cô đơn, gia đình luôn tiếp tục đấu tranh cho anh. Những người anh em ở Việt Nam đang bị tù đày áp bức hay đang ở ngoài mà phải chịu bất công từ chính quyền, họ không hề cô đơn vì luôn có mọi người ủng hộ.

Vợ anh Nguyễn Văn Oai


Chị Linh Châu cùng chồng, anh Nguyễn Văn Oai. Photo: fb Linh Châu

Cách nhà chị Linh chừng 200 km, ở một vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An nơi có những mảnh đất cằn cỗi đã gắn bao đời với người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chị Châu cũng như họ phải lao động cực khổ trên mấy thửa ruộng để chăm lo cho mẹ già và đứa con sắp chào đời.

Chồng chị là cự tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bị công an Nghệ An bắt vào hôm 19/1 vừa qua với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “không thi hành bản án quản chế.

Trước đó cũng vào cuối tháng 7 năm 2011, anh Oai bị an ninh Việt Nam bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn và sau đó bị toà án kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 BLHS. Anh ra tù tháng 8 năm 2015.

Khi còn ở nhà, anh Oai một tay lo kinh tế cho gia đình và chăm sóc mẹ già, là trụ cột của gia đình. Nhưng kể từ khi anh bị bắt, mọi trách nhiệm lớn nhỏ trong gia đình chị Châu phải gánh vác thay chồng:

Trước khi anh bị bắt người ta thường xuyên đến “thăm” anh để tạo áp lực và để hàng xóm dị nghị nói rằng thằng này làm gì mà công an đến thăm suốt, rồi thằng này thế nọ thế kia, toàn những lời xấu xa để anh ấy bị cô lập. Giờ anh ấy bị bắt rồi thì họ bảo mình vào khuyên chồng nhận tội rồi sẽ được khoan hồng. Rồi họ nói với hàng xóm để người ta xa lánh mình vì mình có người chồng tù tội. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng chồng tôi có tội đâu mà khuyên tôi bảo chồng nhận tội.
Giờ anh ấy bị bắt rồi thì họ bảo mình vào khuyên chồng nhận tội rồi sẽ được khoan hồng. Nhưng tôi vẫn nói với họ rằng chồng tôi có tội đâu mà khuyên tôi bảo chồng nhận tội. 

Sau ngày anh Oai bị bắt, truyền thông trong nước liên tục đăng những bài viết gọi anh bằng những từ ngữ như “thằng phản động”, “thằng hám tiền”, và còn có bài viết gọi niềm tin chị Châu dành cho chồng là nhuốm màu lừa mị, viển vông và là hệ quả của nhận thức thiếu chín chắn.

Trước đây người ta ủng hộ việc anh làm vì đó là việc đúng, hơn nữa anh lại hay giúp đỡ người khác. Nhưng sau khi nghe những điều trên TV nói anh ấy làm những việc đó vì tiền, bị người ta xúi giục làm phản động, những người họ dùng Facebook họ hiểu thì vẫn ủng hộ anh, còn nếu chỉ xem trên báo đài thì họ cho rằng anh làm việc đó vì tiền chứ không phải vì lòng tốt.

Chị Châu cho biết trước đó anh Oai làm việc ở bất cứ đâu, chủ cũng đều bị người ta làm phiền tới mức ngại không muốn thuê anh nữa. Ngay cả người mẹ già yếu cũng thường xuyên bị dư luận buông lời “chửi rủa”:

Dân làng người ta bảo bà này không biết dạy con, ham tiền, vì họ nghĩ anh làm như vậy được nhiều tiền, để con phá làng phá xóm. Rồi bên chính quyền thì bảo là làm như thế chỉ được cho dân làng thôi chứ mình được cái gì. Rồi bảo bà khuyên anh đừng làm vậy. Mà anh thì tìm lại công bằng cho làng xóm, thuế đất hay tiền học phí của học sinh anh đều đòi lại hết nhưng chính quyền lại bảo bà như vậy.

Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Châu đã bật khóc khi nghĩ về ước muốn nhỏ nhoi là được hạnh phúc bên chồng của chị mà khó thực hiện được. Chị nói nhìn vào những gia đình khác thấy gia đình người ta hạnh phúc chị cũng thấy phần ghen tị và tủi lòng. Dẫu vậy chị vẫn quyết ủng hộ anh Oai đến cùng vì chị muốn hạnh phúc đó dù có đến muộn nhưng phải được xây đắp trong một xã hội tự do:

Mong đất nước thay đổi sớm để anh được tự do, và chị cũng muốn được hạnh phúc. Nhìn vào các gia đình khác chị cũng muốn được hạnh phúc lắm. Nhưng phải là hạnh phúc trong đất nước tự do!

Chị muốn anh ấy yên tâm, vững mạnh. Mẹ con chị luôn ủng hộ anh ấy và sẽ chờ ngày anh ấy trở về. Anh là một người đứng đắn, biết giúp đỡ người khác. Từ khi yêu anh, biết anh đến nay chị chưa bao giờ thấy anh làm điều gì sai.

Dù là vợ của tù nhân hay đối tượng truy nã đi chăng nữa, những người phụ nữ như chị Linh, chị Châu cũng cần được hưởng những hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng như những người phụ nữ bình thường.

Hai chị chỉ là những ví dụ nhỏ trong số những những người vợ, người mẹ, người thân của rất nhiều tù nhân chính trị, nhà hoạt động, blogger đang bị bắt giữ và hàng loạt các nhà hoạt động khác đang bị hành hung, sách nhiễu từng ngày.

Theo thống kê của bộ ngoại giao Mỹ, Việt Nam hiện đang giam cầm 96 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt 9 nhà hoạt động dân chủ và truy nã 2 người.