Sổ Tay Tháng Mười Một - 2015

Máu của người yêu nước đã đổ nhưng không phải do kẻ thù như trong lịch sử chống xâm lăng, mà do chính nhóm lãnh đạo đất nước

Bùi Hồng Lĩnh
7/11/2015

Quốc hội CSVN hứa sẽ cho ra đời bản dịch bài diễn văn của Tập Cận Bình đọc trước Quốc hội CSVN ngày 6/11/2015 và 2 ngày sau bản dịch này vẫn chưa được phổ biến, và nếu có phổ biến thì người ta không biết CSVN có cắt xén đoạn nào không.(Tin tức mới nhất, đài BBC đã có bản dịch, và nội dung thì cũng không có gì đặc biệt, không nói đến chủ quyền biển Đông)

Dù không được dịch ngay dù cho chuyện chuyển dịch này chỉ cần mất vài tiếng đồng hồ, nhưng theo sự phát biểu của vài đại biểu quốc hội, thì TCB đã không đả động gì đến chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà mọi người mong đợi để nghe tận miệng từ nguòi chủ tịch đảng cộng sản Trung cộng này.

Tại sao TCB lại không nhắc đến chủ quyền biển đảo mà lại chỉ đề cập đến 2 nước có “sông liền sông núi liền núi” và truyền thống liên hệ lâu dài?

Thực ra, sự im lặng của TCB là có một ý nghĩa đặc biệt. Sự im lặng này nó còn nói nhiều hơn là sự lên tiếng nói. TCB có thể lên tiếng trước quốc hội CSVN về vấn đề chủ quyền biển đảo, nhưng không, TCB lại đợi ngày hôm sau khi qua Singapore mới lên tiếng trước Đại học Quốc Gia Singapore là “Trung cộng là chủ nhân của vùng biển này từ thời xa xưa, không thể chối cãi”. Có hai lý do để giải thích sự im lặng này của TCB khi TCB còn ở Việt Nam.

Một là TCB không muốn khơi dậy thêm sự bực bội của một số thành viên trong quốc hội CSVN bất lợi thêm cho họ, hay không muốn đổ thêm dầu vào lửa trong những cuộc biểu tình chống TCB đang diễn ra ngay tại Hà Nội trước khi TCB đọc diễn văn. Đề cập đến chuyện chủ quyền ngay lúc này sẽ khơi dậy them sự phẫn uất của dân Việt Nam, qua cuộc biểu tình đang diễn ra trước mắt.

Hai là, TCB coi như chủ quyền của vùng tranh cãi trên biển Đông là sự đã giải quyết xong, và Trung cộng là chủ nhân của vùng đó, mà CSVN đã thừa nhận, hay chỉ chống đối bằng những phát ngôn lấy lệ. Một trong những bằng chứng của sự chủ quyền này mà CSVN đã không phản đối đến cùng, đó là nhiều người đánh cá trên vùng biển mà CSVN tuyện bố có chủ quyền đã phải mua giấy phép của Trung cộng để đánh cá. Nếu CSVN thực tình muốn bảo vệ chủ quyền thì đây là một bằng chứng hiển nhiên để đưa Trung cộng ra toà án quốc tế. CSVN đã không làm thế, và tệ hơn nữa, CSVN lại tuyên bố rằng vì số tầu tuần tra có hạn nên CSVN không thể trải dài ra khắp biển Đông để bảo vệ người dân đánh cá. Thực sự không phải vậy, có những lần tầu tuần tra của CSVN đã không đến cứu tầu đánh cá VN mặc dù đang ở gần.

Sự không lên tiếng nói về vấn đề chủ quyền vùng biển Đông của TCB trước quốc hội CSVN mà trên “danh nghĩa”, đại diện cho toàn dân VN (thực sự là đại diện cho đảng CSVN qua hình thức đảng cử dân bầu), là sự tính toán không thể chối cãi được, khi chính TCB đã đòi hỏi có bài diễn văn này trước quốc hội CSVN. Theo Tập Cận Bình, CSVN và người dân Việt Nam qua quốc hội của họ đương nhiên chấp nhận Trung cộng là chủ nhân vùng biển đảo rồi, do đó TCB không cần phải mang ra để xác nhận trước người dân Việt Nam nữa. TCB muốn rằng, Trung cộng chỉ cần xác nhận với diễn đàn quốc tế, và Singapore là nơi TCB đã đề cập đến vấn đề chủ quyền này.

Theo thông lệ, thì sau khi người khách nói chuyện, chủ tịch Quốc hội CSVN có bài diễn văn đáp ứng. Trong trường hợp này, Nguyễn Sinh Hùng không thể đáp ứng những gì Tập Cận Bình KHÔNG MANG RA, và dù TCB có mang ra chăng nữa, người ta cũng đoán rằng Nguyễn Sinh Hùng cũng sẽ im tiếng.

Đảng CSVN chưa có khả năng và chưa có nghị lực để “chơi trên cơ” Trung cộng được. Chỉ có người dân mới có thể đương đầu với Trung cộng mà thôi.

Cách nào? Biểu tình khi TCB qua Việt Nam là sự khởi đầu: khi sự phẫn uất vượt trên sự sợ hãi, thì không có gì có thể ngăn cản được. Người dân Việt Nam đã đổ máu để bảo vệ quê hương trong nhiều ngàn năm qua chống lại Trung quốc xâm lăng, và sẽ sẵn sàng đổ máu để bảo vệ quê hương lúc này chống lại sự xâm lăng lần nữa của Trung cộng. Sự tranh đấu lần này của người dân Việt sẽ khó khăn hơn, khi chính những người lãnh đạo đất nước lại là những người đàn áp những người dân yêu nước, và giọt máu người dân đổ ra lần này, cho đến nay, lại do đảng CSVN gây ra không phải do quân xâm lược. Đảng CSVN đáng lý ra phải là người băng bó những vết thương của những người Việt Nam yêu nước. Nhưng nói như vậy thì CSVN đâu còn là đảng CSVN nữa vì bản chất của CSVN là bám lấy đảng dù có phải bán nước.

Bùi Hồng Lĩnh
7/11/2015


Sự Xoay Trục về biển Đông của Hoa kỳ đã xong giai đoạn một: "Bán hàng trăm tỉ dollars vũ khí để các nước trong vùng phát triển quốc phòng"

Bùi Hồng Lĩnh
3/11/2015


Vùng biển đông châu Á lại bắt đầu một biến động mới: những ngày cuối tháng 10, 2015, chiến hạm Hoa kỳ sau khi có lịnh từ Tổng Thống Obama, đã chính thức vào trong vùng 12 hải lý của quần đảo Trường Sa mà Trung cộng đã ngang nhiên chiếm đoạt coi là lãnh hải và lãnh thổ của mình. Chiến hạm (khu trục hạm) USS Lasen của Mỹ đã tuần tra qua hai bãi đá ngầm Subi và Mischief, nơi Trung cộng đã mua cát từ Việt Nam qua để bồi đắp những bờ đá ngầm trở thành những giải đất có thể dùng làm sân bay.

Rồi ngày 2/11/2015, Phụ Tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa kỳ lại tuyên bố rằng chiến hạm Hoa kỳ sẽ tuấn tra trong vùng biển này ít nhất 2 lần mỗi 3 tháng, và ông tuyên bố thêm rằng Hoa kỳ sẽ hành xử cái quyền đi lại trên biển bất chấp sự phản đối của Trung cộng, vì Hoa kỳ vẫn tuân theo luật lệ hàng hải quốc tế. Hoa kỳ đang thực hiện chiến dịch Tư Do Hàng Hải trên khắp thế giới.

Sự ngang nhiên đi sâu vào "lòng địch với chiến hạm dưới biển và chiến đấu cơ trên trời" xẩy ra ngày 26/10/2015 không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là sự sửa soạn kỹ lưỡng từ khi Obama lên làm Tổng Thống, khi biết được ý đồ của Trung cộng muốn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa làm của riêng, và làm nơi kiểm soát tầu thuyền qua lại vùng biển này từ Thái Bình Dương qua Ấn Dộ Dương từ năm 2007. Tuy chủ trương đối ngoại của Obama là để cho các nước trong từng vùng trên thế giới tự giải quyết các xáo trộn và bất đồng có tính cách cục bộ, và Hoa kỳ sẽ không trực tiếp làm trọng tài khắp nơi trong thế giới nữa, nhưng vùng biển Đông lại quá quan trọng cho an ninh và kinh tế của Mỹ và các nước trong khối tự do nên Hoa kỳ đã "xoay trục" về vùng biển này với sự hiện diện của trên 1/5 lực lượng Hải quân Hoa kỳ.

Để chuẩn bị cho sự xoay trục này, việc đầu tiên là thuyết phục một đàn em yếu kém của Trung cộng là Cộng sản Việt Nam là hãy thức thời tìm cách rời bỏ qũy đạo của Trung cộng. Sự thuyết phục này cũng đã có khuynh hướng thành công khi Hoa kỳ đã chính thức đặt chiến hạm nằm ụ trong vịnh Cam Ranh dù mang danh nghĩa là để sửa chữa. Sự thành công đặt ảnh hưởng của Hoa kỳ trong vùng vịnh Cam Ranh còn được đánh dấu thêm khi chiến hạm Nhật cũng sẽ trên đường đến Cam Ranh trong thời gian gần. Và cũng đã thành công khi Hoa kỳ bắt đầu bán vũ khí hạng nặng cho CSVN. Một nguyên tắc căn bản của Hoa kỳ về sự bán vũ khí là không bao giờ Hoa kỳ lại để cho vũ khí của mình giết chính binh lính của mình trong tương lai; cho nên khi đã bán vũ khí cho CSVN thì sự có chiến tranh giữa CSVN và Hoa kỳ sẽ không có nữa it ra là cho đến khi CSVN có thể chế tạo được những thứ vũ khí nặng nhẹ tương đương. Từ sự Hoa kỳ và Nhật cũng như Phi Luật Tân ra vào Cam Ranh như ở sân nhà cho đến sự chấp nhận bán vũ khí cho CSVN, Hoa kỳ và CSVN như thế đã cùng chung một chiến tuyến hay ít ra không còn là kẻ thù.

Sự thuyết phục CSVN đã khó thành hình nếu Hoa kỳ trước đó đã không kéo về phe mình những quốc gia bao quanh Trung cộng trong vùng biển Đông hay chung "biên giới nước" với Trung cộng, đó là Nhật, Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Indonesia, Mã Lai, Miến Điện, Pakistan và Ấn Độ. Sau nhều năm thuyết phục ngấm ngầm hay công khai, Hoa kỳ đã bán được hàng trăm tỉ dollars vũ khi nặng nhẹ cho hầu hết những nước kể trên để những nước này đủ mạnh để "cảm thấy an toàn" mà lên tiếng trước sự ngang ngược của Trung cộng. Để có được thị trường mới để bán vũ khí nặng nhẹ, Hoa kỳ đã phải dùng đủ chiến thuật để thuyết phục các nước trong "quỹ đạo mới" không những mua vũ khí của Hoa kỳ mà còn "ngưng mua vũ khí của những nước khác". Thí dụ, trước năm 2013, Ấn độ đã mua vũ khí từ Nga và Hoa kỳ (Tổng thống Obama) đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao chặt chẽ với chính phủ đương trời của Ấn độ từ nhiều năm nay để cuối cùng, năm 2014, 2015, Ấn độ đã không còn mua vũ khí từ Nga nữa, và bắt đầu đặt hàng từ Hoa kỳ, cả trăm tỉ dollar vũ khí, máy bay chiến đấu,... trong vòng 10 năm tới.

Hoa kỳ cũng đã vận động và thúc đẩy các nước nhỏ tuyên bố có chủ quyền về một hay nhiều hơn những đảo biền, để bẻ gẫy âm mưu của Trung cộng là thương thuyết với từng nước trong khồi Phòng Thủ Đông Nam Á về chủ quyền biển Đông. Có lẽ chỉ có Cam Bốt là tích cực ủng hộ Trung cộng mà thôi. Mấy lúc sau này Hoa kỳ và đồng minh trong vùng biển Đông liên tục có những cuộc tập trận trên biển Đông hay Ấn độ Dương, như mới cách đây một tuần Hoa kỳ, Nhật và Ấn Độ đã có cuộc tập trận chung trong Ấn Độ Dương không màng đến sự phản đối của Trung cộng. Sự kiện Hoa kỳ thuyết phục được những nước bao quanh Trung cộng ngả theo Hoa kỳ đã khiến Việt Nam phải xét lại sự tương quan của mình với Trung cộng và với Hoa kỳ, nhất là khi lòng người trong nước đa số đều muốn CSVN phải ngả về Hoa kỳ, một quốc gia mà "đa số người dân cũng như đảng viên đảng CSVN" đều muốn thăm viếng, cho con đi du học, hay chuyển tài sản sang để lập nghiệp, hưởng thụ tài sản đã tích lũy được ở trong nước, thì CSVN lại có thêm một yếu tố thuận lợi để ngả theo Hoa kỳ.

Sự xoay trục của Hoa kỳ từ Trung Đông trở về vùng biển Đông Châu Á đã giúp nền kỹ nghệ quốc phòng của Hoa kỳ đứng vững trong nhiều thập niên nữa với số lượng vũ khí, máy bay, tầu chiến đặt hàng từ những quốc gia trong quỹ đạo của Hoa kỳ này. Sự rời khỏi vùng tranh chấp Trung đông có được nhanh chóng hơn dự trù là vì đến nay nước Hoa kỳ không còn tùy thuộc vào dầu hỏa của những nước sản xuất dầu hỏa vùng Trung Đông, và cho hoa kỳ rảnh tay "bao vây và cô lập Trung cộng". Tin tức mới nhất là giá dầu thô đang từ $120 hai năm trước đây bây giờ đã xuống còn $50 và cón có thể xuống nữa và hệ quả của sự xuống giá cũng như thặng dư dầu thô là bây giờ là lúc Hoa kỳ không cần thiết tiêu tiền để bảo vệ những ông Hoàng Lạc Đà Trung Đông nữa (nhưng Hoa kỳ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho những nước trong vùng Trung Đông này).

Sự xoay trục về Thái Bình Dương của Hoa kỳ bắt đầu bằng việc Hoa kỳ bán vũ khí cho các nước trong vùng với lý do được đưa ra là để các nước này vừa tự vệ vừa cùng chung sức chống lại Trung cộng. Nếu không có sự hung hăng và xâm chiếm vùng quần đảo Trường và Hoàng Sa cùng sự vạch ra đường Lưỡi Bò của Trung cộng, thì làm gì có sự các quốc gia trong vùng phải phát triển về quân sự, và nếu Hoa kỳ đã mang chiến hạm vào vùng quần đảo Nhị Sa này từ năm 2007 khi Trung cộng bắt đầu loan báo Nhị Sa là của Trung cộng thì làm gì có sự Xoay Trục hiện nay, vì Trung cộng lúc đó còn đang yếu về quốc phòng lẫn kinh tế, sẽ không muốn đương đầu với Hoa kỳ. Nhất là lúc đó nếu Trung cộng có im tiếng thì cũng không bị "mất mặt". Hoa kỳ đã kiên nhẫn đợi Trung cộng lún sâu trong bùn để ra tay.

Đồng thời với sự bao vây về quân sự, Hoa kỳ cũng đã và đang tìm cách bao vây Trung cộng bằng kinh tế. Sau trên một thập niên thừa hưởng những lợi điểm vể kinh tế khi khối tự do phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chánh, Trung cộng đã bắt đầu nhìn thấy sự tuột dốc về kinh tế của mình. Hiệp Ước Thương Mại Trans Pacific Partnership Trade (TPP) của 12 nước ven Thái Bình Dương mà không có Trung cộng, sẽ là một khối tài chánh khổng lồ (chiếm 40% tổng sản lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới) bao vây Trung cộng.

Nhiều người cho rằng Hoa kỳ vẫn ở thế yếu vì phải vay tiền của Trung cộng, và khi Trung cộng bắt phải trả một lúc thì tiền đâu mà trả. Thực sự không phải thế, Hoa kỳ đã "dụ" Trung cộng mua công khố phiếu của nước Hoa kỳ khi Trung cộng có hàng chục ngàn tỉ Dollars thặng dư không biết để làm gì, và Trung cộng phải mua công khố phiếu đó vì Trung cộng không thể tìm được khối tiền tệ nào an toàn hơn Dollars. Bây giờ Trung cộng đang bán lại cho Hoa kỳ những công khố phiếu đó và trong nuóc Hoa kỳ cũng như trên thế giới, có rất nhiều người muốn mua khi Trung cộng bán ra. Sự bao vây kinh tế này nó làm nền tảng cho sự bao vây về quân sự của Hoa kỳ và đồng minh đối với Trung cộng.

Không những thế, Hoa kỳ còn làm cho Trung cộng trở thành kẻ thù đáng sợ của những nước láng giềng Trung cộng khi Hoa kỳ vẫn để yên cho Trung cộng làm mưa làm gió vùng Trường Sa và Hoàng Sa khi tự động chiếm đảo và liên tục bồi đất để xây phi trường, xây căn cứ quân sự và để yên cho Trung cộng đe doạ những nước này. Hoa kỳ có vài lần tuyên bố là Hoa kỳ trung lập không thiên vụ bên nào trong vụ tranh chấp biển đảo này và những lời tuyên bố đó lạ càng làm cho Trung cộng hung hăng hơn trong sự cưỡng chiếm biển đảo này. Các nước láng giềng cũng sợ Trung cộng thật, và để tự vệ, ngả về Hoa kỳ là điều khó tránh được. Hoa kỳ, như vậy lại đã thành công về sự bao vây chính trị đối với Trung cộng.

Hoa kỳ cũng đã biết rõ về khả năng quân sự của Trung cộng vì hầu hết những sáng chế về vũ khí của Trung cộng đều ăn cắp kỹ thuật từ Hoa kỳ, và Hoa kỳ cũng đi trước Trung cộng về vũ khí, nhiều bước. Chúng ta còn nhớ hai năm trước đây, khi Trung cộng vừa khoe là đã chế được phi đạn bắn xa hàng ngàn dặm, có thể bắn được những hàng không mẫu hạm của Hoa kỳ trên biển Đông, thì ngay sau đó Hoa kỳ đã loan báo là thành công với chương trình vũ khí "Star war" trong việc thử những tia laser đón bắt trên không trung và làm vô hiệu hoá những phi đạn được bắn đi từ xa, sau khi những phi đạn này rời giàn phóng

Từ ngày 26/10/2015, Hoa kỳ có thể chính thức thách thức Trung cộng khi xâm nhập vào "lãnh hải tự phong" của Trung cộng vì Hoa kỳ đã chuẩn bị cho tất cả những phản ứng của Trung cộng rồi. Nếu Trung cộng ra tay về quân sự, Hoa kỳ cũng đã sẵn sàng. Nếu Trung cộng trả thù Hoa kỳ bằng kinh tế khi "cash out" trên 14,000 tỉ dollars, thì cũng sẽ có nhiều người, nhiều công ty và có thể nhiều nước khác sẵn sàng mua lại những công khố phiếu do Trung cộng bán ra. Nếu Trung cộng trả thù Hoa kỳ bằng cách gây chiến với Việt Nam hay Phi Luật Tân hay Nhật Bản, những nước này đã và đang hay sẽ nhờ Hoa kỳ "bảo vệ". Nếu tất cả những điều này Trung cộng không thể làm đối với Hoa kỳ, thì điều gì Trung cộng có thể làm sau khi Hoa kỳ xâm nhập vào biên giới tự phong của Trung cộng? Trung cộng đã đi quá xa, và Hoa kỳ cũng cố ý để Trung cộng đi quá xa, đến nỗi sa lầy.

Cho đến hôm naỷ, 3/11/2015 Trung cộng chỉ phản ứng yếu ớt. Ngoài việc gọi Đại sứ của Hoa kỳ để hỏi cho biết Hoa kỳ muốn gì, và ngoài việc kêu gọi Tư lệnh lực lượng Hải quân Hoa kỳ họp với mình, Trung cộng chỉ còn biết đánh trống lảng và tuyên bố rằng họ theo dõi sát nút sự di chuyển của những chiến hạm tuần tra của Hoa kỳ, và nếu những chiến hạm này có những động tác nào khả nghi thì Trung cộng sẽ có phản ứng. Phản ứng gì bây giờ, chiến hạm Hoa kỳ đã đến rồi đi và sẽ còn trở lại vùng đất do Trung cộng bồi đắp đó nữa, rồi Trung cộng cũng sẽ lại to mồm mà thôi. Trung cộng đã đe dọa là sẽ xử dụng mọi phương tiện để bảo vê "chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải" sau khi chiến hạm Hoa kỳ đã rời xa. Trung cộng đã hiện nguyên hình là con cọp giấy đối với Hoa kỳ.

Đối với Hoa kỳ, Trung cộng là con cọp giấy, nhưng lại là con cọp thực đối với CSVN, hay ít ra dưới mắt của đảng CSVN, Trung cộng là con cọp thực. Vì nếu không coi Trung cộng là con cọp thực thì tại sao Tập Cận Bình kêu Nguyễn Phú Trọng qua trình diện chỉ trong vòng 5 ngày sau khi kêu qua Trung cộng, thì Nguyễn Phu Trọng lật đật đi qua, và Tập Cận bình muốn qua Việt Nam trước khi CSVN có đại hội Trung Ương để bầu bán chức tước, và sau khi Nguyễn Phú Trong qua Hoa kỳ, thì CSVN lại không có cách gì không nghe lời, mà đón tiếp, rồi còn mời Tập Cận Bình nói chuyện trước quốc hội CSVN nữa. CSVN đã không còn dấu dìếm cái hình ảnh thuần phục Trung cộng, là lãnh tụ Trung cộng qua Việt Nam trước khi Trung ương sắp xếp chức vụ cho nhau.

Trong khi đó, theo tin tức mới nhất thì CSVN chỉ còn có 44,000 tỉ đồng VN trong khi chờ đợi dân đóng thêm thuế, để sống còn và để trả nơ cho các ngân hàng trên thế giới cho nên dù có muốn theo chân Hoa kỳ ra khơi, cũng không còn khả năng nữa. Cho nên, CSVN đã không dám có phản ứng chính thức nào về chuyện Hoa kỳ tuần tra quần đảo Trường Sa mà CSVN đã từng tuyên bố rằng đó là vùng đất thuộc chủ quyền của Việt Nam. CSVN đã không dám tuyên bố ủng hộ Hoa kỳ cũng như không dám tuyên bố phản đối Hoa kỳ khi Hoa kỳ ngang nhiên mang chiến hạm vào vùng biển mà Trung cộng ngang nhiên chiếm đoạt từ CSVN.

Ôi! cái câu tự phong (dù chỉ do một nhà báo ngoại quốc nói - không biết là khen thật hay mỉa mai), là "trong nước Việt Nam đi đâu cũng gặp người anh hùng" phải đổi thành "đi đâu cũng gặp người hèn": bán cái cho Hoa kỳ trong việc bảo vệ giang sơn tổ quốc, và ngậm kín miệng không dám phản đối Hoa kỳ khi chính Hoa kỳ lại vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trong cùng một hành động, cùng một biến cố ngày 26/10/2015 với chiến hạm USS Lassen.

Bùi Hồng Lĩnh

3/11/2015

No comments:

Post a Comment