9/09/2017

Đừng tưới nước lên gốc cây rã mục (phản biện bài viết của GS Tương Lai)

Trần Trung Đạo
9/8/2017





Giáo sư Tương Lai, trong bài viết Vietnam’s Overdue Alliance With America đăng trong mục Ý Kiến của Nytimes.com và bản tiếng Việt Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ do Liêm Nguyễn dịch đăng trên nhiều trang web tiếng Việt, đã lấy làm tiếc khi nhiều cơ hội đã bị bỏ qua cho một liên minh Việt Mỹ.

Lần đầu do cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) “giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối năm 1944”. Và cơ hội khác khi TT Truman không phúc đáp các lá thư của Hồ Chí Minh “bày tỏ lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam” đối với “dân tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm thấy bị lôi cuốn”.

Tôi không dám phê bình trình độ chính trị học của giáo sư Tương Lai nhưng sẽ ngạc nhiên nếu ông thật sự tin rằng nếu lúc đó TT Truman đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh và quân đội Mỹ, giống như OSS từng làm, yểm trợ Việt Nam để phục hồi nền độc lập, xây dựng đất nước thì Việt Nam đã là một quốc gia dân chủ, tự do chứ đâu phải bị nô lệ trong ý thức hệ cộng sản (CS) và bị Trung Cộng đè đầu cưỡi cổ như hiện nay.

Giáo sư Tương Lai bỏ qua mối quan hệ “tuy hai mà một” giữa Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Trung Quốc (CSTQ) như vô số tài liệu cho thấy và cũng không nhắc đến những khả năng gì sẽ xảy ra với liên minh Mỹ Việt sau khi CSTQ đã chiếm hết lục địa Trung Hoa năm 1949.

Quan điểm của giáo sư Tương Lai cũng có thể gây cho người đọc hiểu lầm rằng Hồ Chí Minh không hẳn là người CS và chỉ trở thành người CS khi không có chỗ dựa nào khác trong cuộc chiến chống thực dân Pháp mà quên đi sự kiện chính Hồ Chí Minh từ tháng 2 năm 1920 đã “vui mừng đến phát khóc” khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin.

Lý do TT Truman không đáp ứng thư của Hồ Chí Minh

Theo tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, tổng số gồm 11 lá thư Hồ Chí Minh gởi TT Truman, Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lá thư thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng Hai năm 1946.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, đã điện đàm với Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là CS.

Không những thế, ông Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là CS”.

Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân chủ nắm giữ.

Khi George M. Abbott hỏi có hay không có một đảng CS tại Việt Nam, Hồ Chí Minh thừa nhận là trước đây có nhưng đã giải tán mấy tháng trước rồi. Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là những câu nói dối.

Ngày 12 tháng Ba năm 1947, TT Harry Truman xin quốc hội chuẩn chi ngân sách 400 triệu Mỹ kim để viện trợ vũ khi cho chính phủ Cộng hòa Hy Lạp để đánh bại phiến loạn CS và để giúp hiện đại hóa quân đội Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với đe dọa quân sự của Liên Xô.

Ngăn chận làn sóng CS trên phạm vi thế giới là trọng tâm của Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine). Lẽ ra, những lá thư của Hồ Chí Minh là cơ hội hiếm hoi để Truman đóng nút sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở Đông Nam Á qua ngả Trung Quốc. Nhưng không. TT Truman không đáp ứng vì chính phủ Mỹ biết rõ rằng Hồ Chí Minh và đảng CS Việt Nam là một bộ phận Đông Dương của đệ tam quốc tế CS chứ chẳng quốc gia dân tộc gì.

Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường.

Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật từ bỏ đảng CS.

Niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa CS đã đóng đinh vào nhận thức của các tầng lớp lãnh đạo CSVN. Cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Dòng lịch sử đầy tang thương của đất nước diễn ra từ đó đến nay qua các đợt khủng bố tiêu diệt các đảng phái quốc gia, Cải Cách Ruộng Đất, đày ải nhiều trăm ngàn công nhân viên chức VNCH, đưa đất nước vào ngõ tối độc tài lạc hậu đã cho thấy nhận định của chính phủ Truman về Hồ Chí Minh và đảng CSVN là đúng.

Năm 1954, vừa chiếm được nửa nước, chưa có một ngày ổn định và đời sống người dân miền Bắc còn quá sức nghèo, trung ương đảng CSVN đã nghĩ đến việc chiếm nửa nước còn lại. Có tổng tuyển cử? Tốt, đảng sẽ chiếm miền Nam mà không tốn nhiều xương máu. Không có tổng tuyển cử? Không sao, đảng vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng súng đạn Nga, Tàu. Dù qua phương cách gian lận bầu cử, khủng bố cử tri hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN.

Trung Cộng muốn gì?

Hôm nay, hoàn cảnh chính trị thế giới đã thay đổi. Việt Nam đang đứng trước một đế quốc thực dân mới và lần này là chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng. Như người viết đã phân tích trong các bài trước, Trung Cộng muốn Việt Nam:

- Hoàn toàn lệ thuộc về cơ chế chính trị và tư tưởng.

- [Là] Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.

- Trung Cộng độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng Biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.

Nội dung của mật ước Thành Đô không được công bố, tuy nhiên, các diễn biến kinh tế, chính trị và quốc phòng cho thấy ba điểm nêu trên là ba yêu sách chính mà Trung Cộng đã đưa ra trong các phiên họp vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Về mặt kinh tế chính trị: Khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Về mặt quốc phòng: Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc phòng “ba không”: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Đây là một chính sách quốc phòng tự sát vì chỉ có lợi cho Trung Cộng. Việt Nam là một nước nhỏ, và cũng chính vì là một nước nhỏ, những người lãnh đạo lẽ ra phải biết từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại, biết nâng cao vị thế quốc gia trong bang giao quốc tế, biết linh động trong việc mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, gần và xa để tạo thế đứng thuận lợi trong hòa bình và chiến lược trong chiến tranh.

Trong Thế chiến thứ Hai, trong số 20 quốc gia châu Âu tuyên bố trung lập chỉ có 6 quốc gia là không bị lôi kéo vào chiến tranh. Sáu quốc gia này may mắn không phải nhờ Hitler tôn trọng lời tuyên bố mà chỉ vì không nằm trên trục tiến quân của các sư đoàn Panzer Đức, rất tốn kém để chinh phục như trường hợp Thụy Điển, hay vì vị thế chính trị có lợi cho khối trục mà không cần đánh chiếm như trường hợp Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Francisco Franco.

Để làm nhẹ áp lực Trung Cộng, Việt Nam cần có liên minh. Vâng, nhưng liên minh được với Mỹ trong vị trí tương xứng với Nam Hàn, Nhật Bản chỉ là giấc mơ ngày. Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có xung đột với Trung Cộng về ảnh hưởng kinh tế chính trị và cả quân sự trong vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có. Mỹ có phê bình, lên án chính sách bá quyền Trung Cộng đối với các nước nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương? Có. Tuy nhiên, với quan hệ kinh tế tài chánh quá lớn và vô cùng phức tạp giữa hai cường quốc này như hiện nay, ngoại trừ xung đột sâu sắc, trầm trọng và trực tiếp về quyền lợi của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Trung Cộng và Việt Nam hay Trung Cộng và một quốc gia nào đó của ASEAN. Trung Cộng hiểu được điều đó nên theo đuổi chính sách gặm nhấm từng mảnh nhỏ tài nguyên của Việt Nam, bao vây kinh tế Việt Nam, và tránh né việc quốc tế hóa các xung đột với Việt Nam và các nước trong vùng.

Nỗi sợ lớn nhất của Trung Cộng

Như người viết đã phân tích trong bài Để thắng được Trung Cộng, chính sách tuyên truyền thâm độc và bưng bít thông tin tuyệt đối tại Trung Cộng cho thấy mối lo sợ lớn nhất của lãnh đạo CSTQ là ánh sáng dân chủ. Trung Cộng không ngại mấy chiếc tàu ngầm kilo mà rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Việt Nam có dân chủ trước Trung Cộng là cách tốt nhất để vô hiệu hóa sự lệ thuộc vào Trung Cộng về mặt cơ chế chính trị và tư tưởng. Độc lập chính trị là tiền đề dẫn đến độc lập chủ quyền lãnh thổ.

Với Trung Cộng, việc giải quyết xung đột lãnh thổ gắn liền với nhu cầu ổn định nội bộ. Theo nghiên cứu của M. Taylor Fravel trong tác phẩm Strong borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China‘s Territorial Disputes, trong thập niên 1960, lãnh đạo Trung Cộng nhân nhượng lãnh thổ với hàng loạt quốc gia nhỏ như Burma, Nepal, Mongolia, Bắc Hàn, Pakistan và Afghanistan chỉ vì họ cần tập trung vào việc ổn định vùng biên giới phía Bắc sau cuộc xâm lăng Tây Tạng và giải quyết nạn đói sau chính sách Bước tiến nhảy vọt đầy thảm họa của Mao.

Con đường giành lại được Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là con đường dài, đầy kiên nhẫn, khai thác mọi khó khăn, mọi nhược điểm của Trung Cộng, nhưng dù làm gì cũng phải bắt đầu từ độc lập về cơ chế chính trị. Không có con đường nào khác. Như người viết đã nhấn mạnh nhiều lần, một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đừng hoài công tưới nước lên gốc cây rã mục

Ba mươi chín năm qua, không chỉ đất nước đứng trước ngã ba mà nhiều người Việt quan tâm cho đất nước cũng đang đứng trước ngã ba. Không ít người, ngoài miệng lớn tiếng phê bình đảng nhưng trong đáy lòng vẫn nghĩ chỉ có đảng CS mới thay đổi được hướng đi của đất nước. Vì thế họ mãi loay hoay, hy vọng, chờ đợi trong mỏi mòn một bình minh không bao giờ đến.

Thay vì tìm cách cứu đảng hãy chung lưng góp sức để đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ được diễn ra và thành công trong hòa bình, thuận lợi, ít lãng phí tài nguyên dân tộc. Con đường dân chủ có thể làm cho một số người chưa quen cảm thấy bỡ ngỡ lúc ban đầu hay ngay cả gây ít nhiều đau nhức nhưng đó là con đường của thời đại. Hãy đi cùng dân tộc và thời đại. Ý thức hệ CS chưa bao giờ lỗi thời và lạc hậu hơn hôm nay. Đừng hoài công tưới nước vào một gốc cây đang rã mục mà hãy dành để tưới lên những mầm xanh hy vọng của tương lai đất nước.


Đốt sách thời Nguyễn Phú Trọng

Ngô Nhân Dụng
9/5/2017




Khi nói đến Đốt Sách, người Á Đông nghĩ ngay tới Tần Thủy Hoàng. Nhưng nếu so sánh với đảng Cộng Sản Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng chỉ đáng gọi là một anh “ăn cắp vặt,” Cộng Sản mới là một đảng cướp lớn. Bây giờ, sau khi nhiễm được những thói quen văn hóa của người dân đã sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Việt Cộng không còn đốt sách nữa. Nhưng thói quen trộm cướp không dễ gì xóa bỏ được. Các “đỉnh cao trí tuệ” đã sáng tạo ra phương pháp đốt sách mới: Không đốt cả cuốn sách! Đốt từng chút một! Đốt từng chữ, từng dòng; nếu sơ ý sẽ không ai nhìn thấy chúng nó đang đốt sách!

Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn ra lệnh “Phát động phong trào chống văn hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng xóm đem đốt. Những quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách khảo cứu, tiếng Việt, tiếng ngoại quốc, được tập trung tại phố Tràng Thi, rồi đốt! Những thứ sách nào bị kết tội là văn hóa nô dịch? Thí dụ, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh, Thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Thế Lữ, Xuân Diệu viết trước 1945, đều bị kết tội cực kỳ phản động!


Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời của Lê Duẩn. Trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp. Một gia đình giữ cuốn từ điển Larousse toàn tiếng Pháp, vì nghĩ tự điển không có lập trường chính trị nào cả! Chủ nhà vẫn bị đưa đi học tập cải tạo! Một ông chủ tiệm cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên, kế bên trường Cơ Đốc và nhà thờ Ba Chuông, đã tự sát với một trái lựu đạn! Tội nghiệp các em học sinh vô tội chết oan chỉ vì Việt Cộng bắt đeo băng đỏ đi tịch thu sách!

Việt Cộng theo Mao Trạch Đông lên án giới trí thức đứng đầu các người “phản động,” đốt sách là một mặt của chính sách tiêu diệt trí thức. Từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, chính sách của “đảng ta” trước sau như một, là độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận, độc quyền báo chí, do đó, phải đốt sách. Những sản phẩm văn hóa nào “không do đảng lãnh đạo” đều đáng đốt!

Không biết từ năm nào, Việt Cộng đã ngưng không đốt sách? Không có một văn bản nào cho phép người ta giữ các sách “phản động.” Tức là chính sách của đảng không hề thay đổi. Chỉ “thả lỏng” trong thực tế thôi, có ngày đảng có thể đốt sách lại! Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, một công an cấp phường, cấp xã cũng có thể đi “bắt sách” như cũ. Vì không có luật lệ nào cấm họ.

Xét thành tích đốt sách thì Việt Cộng qua mặt Tần Thủy Hoàng, hàng ngàn, hàng triệu lần!

Mà đúng ra, Tần Thủy Hoàng không phải là người chủ trương đốt sách. Bốn chữ “phần thư, khanh nho” (焚書坑儒) viết trong Sử Ký của Tư Mã Thiên khiến cho ông hoàng đế đầu tiên của nước Tàu mang tội suốt 2,300 năm nay. Người Tàu tin Tư Mã Thiên nên đã kết án Tần Thủy Hoàng đốt sách (năm 213 Trước Công Nguyên) và chôn các nhà Nho (năm 210 TCN) mà không tìm các chứng cớ khác. Năm 210, Thủy hoàng chết, hai năm sau người dâng sớ xin đốt sách là Thừa Tướng Lý Tư cũng chết. Tất cả các sự kiện phần thư, khanh nho đều căn cứ vào lời tường thuật của Tư Mã Thiên.

Lý Tư cũng là người có học, cho nên biết quý sách. Ông ta cho đốt tượng trưng những sách cấm, nhưng những cuốn bị cấm nặng nề nhất như Kinh Thi, Kinh Thư, vẫn lưu giữ hai bản mỗi cuốn, cất trong văn khố. Những học giả được triều đình công nhận vẫn được giữ đủ các thứ sách trong nhà để tham khảo.

Tư Mã Thiên sống vào đời Hán, một triều đại lập nên khi lật đổ nhà Tần, cho nên kể rất nhiều chuyện xấu về Tần Thủy Hoàng! Điều đáng nghi ngờ nhất là trong hơn một trăm năm trước Tư Mã Thiên, không có một tài liệu nào nói đến các biến cố đốt sách và chôn học trò.

Nhưng chúng ta biết chắc rằng dù Tần Thủy Hoàng ác tới đâu cũng không thể nào nghĩ ra những mưu đốt sách quỷ quyệt như Việt Cộng ngày nay.

Biết rằng đốt sách là một hành động bị cả thế giới khinh bỉ, những người kế nghiệp Lê Duẩn và Hồ Chí Minh không dám công khai thi hành nữa. Không những thế, ngày nay họ còn cho phép tái bản các cuốn sách đã từng bị kết tội và bị đốt. Thí dụ các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn.

Khi nhìn thấy những tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam được bày bán ở các tiệm sách, người ta có cảm tưởng rằng chế độ Cộng Sản đã thay đổi, không kiểm soát văn chương cũ từ thế kỷ trước nữa.

Nhưng không phải như vậy! Tất cả các tác phẩm cũ, xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, và trên toàn quốc trước năm 1954, trước khi được in ra đều phải xin phép và đi qua những con mắt kiểm duyệt của Tuyên Huấn. Đó là nơi đưa “lưỡi kéo” cắt, hoặc dùng bút sửa những chữ, những câu nào không đúng đường lối của đảng. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng hay Vũ Trọng Phụng, đều được kiểm duyệt như vậy. Nhiều cuốn tiểu thuyết bị đưa lên máy chém, sau khi đã in ra, như sách của Dương Nghiễm Mậu!

Không những vung đao chém các nhà văn gần đây, bọn Tuyên Giáo Cộng Sản còn chém cả tổ tiên, từ thế kỷ 15 nữa! Nhà văn Phạm Xuân Đài mới trình bày một hành động sửa văn bài Bình Ngô Đại Cáo, khi in trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam mới ra đời năm 2017.

Trong đoạn chót bài Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “…Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy! Than ôi! Vẫy vùng một mảng nhung y nên công đại định,” theo bản dịch của Bùi Kỷ in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Học sinh trung học thời Việt Nam Cộng Hòa nhiều em đã thuộc lòng những câu trên khi học lịch sử.

Nhưng, ông Phạm Xuân Đài nhận ra và tố giác, trong cuốn 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam, bài Bình Ngô Đại Cáo đã mất hẳn một câu. Đó là câu: “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Trong tạp chí mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, Phạm Xuân Đài đã kể thêm rằng cuốn lịch sử mới in của Cộng Sản Việt Nam ghi chú rằng họ in bài Bình Ngô Đại Cáo dựa theo bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập (in lần đầu năm 1980). Như vậy thì không phải ban Tuyên Giáo thời Nguyễn Phú Trọng đã kiểm duyệt văn Nguyễn Trãi, mà nó đã bị cắt, bị thiến từ thời các ông Lê Duẩn, Trường Chinh!

Phạm Xuân Đài thuật lời nhà văn Nguyễn Minh Cần (đã quá cố ở Nga), kể rằng các ông Trường Chinh và Tố Hữu đã cắt bỏ câu “Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Lý do, vì người Cộng Sản họ không tin ở trời đất mà cũng chẳng cần biết đến tổ tông. Đó là thứ “văn hóa phản động” mà dân tộc Việt vẫn “mê tín” suốt mấy ngàn năm, trước khi Hồ Chí Minh “giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê Nin!”

Phạm Xuân Đài cũng tìm ra trên trang 261 quyển Lịch sử Việt Nam bản in 1976 thì ở chỗ câu văn Nguyễn Trãi bị cắt đó, họ có in mấy dấu chấm. Tức là báo cho độc giả biết có những chữ bị cắt bỏ; người tò mò có thể tra cứu tìm cho đầy đủ. Đến bản in năm 2017 thì cả mấy dấu chấm đó cũng biến mất! Coi như Nguyễn Trãi bị cắt đứt, mất cả tung tích!

Đó là chính sách “đốt sách” kiểu mới của đảng Cộng Sản thời Nguyễn Phú Trọng, kiểm soát văn hóa tư tưởng một cách kín đáo hơn thời Lê Duẩn, nhưng tàn bạo hơn nhiều!

Hội "Phụ Nữ Việt Nam" của CSVN, một lũ người vô dụng!

Bạch Hoàn
9/6/2017


Tôi đọc đi đọc lại lá đơn xin từ bỏ Tự Do của chị L., người phụ nữ bị hiếp dâm ở Long An trong tình huống kẻ ác cầm dao doạ giết hai con chị, nhưng cơ quan điều tra lại không khởi tố vụ án hình sự với kẻ hiếp dâm vì cho rằng không có hành vi phạm tội.

“Tôi không còn muốn làm một công dân bình thường do các ông quản lý nữa. Tôi muốn trút bỏ… Bây giờ các ông đã dồn tôi vào bước đường cùng, đã ngay từ đầu áp bức tôi từ một nạn nhân trở thành một con tội phạm điên loạn, nguy hiểm”.

Mỗi lần đọc những câu chữ ấy, tôi đều tự hỏi, có phải vì phận là phụ nữ, sinh ra đã luôn phải nhận phần thiệt thòi, đã luôn phải chịu khổ đau, bất hạnh về mình?

Mỗi lần đọc những đắng cay đến tận cùng kia, tôi tự hỏi, lẽ nào, dưới gầm trời này, sống là một con người lại khó đến như vậy hay sao?

Mỗi lần đọc lá đơn xin từ bỏ tự do vì thấy ngang trái và bế tắc của người phụ nữ khốn khổ kia, tôi đều tự hỏi, Hội phụ nữ Việt Nam, với 5 người lãnh đạo hội đều là phụ nữ, họ đã ở đâu, đã làm cái gì trong suốt những ngày qua?

Hội phụ nữ Việt Nam, chức năng của họ là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ (lẽ ra họ chỉ nên dùng từ phụ nữ, không phân biệt tầng lớp). Nhiệm vụ của họ được nêu rất rõ là phản biện xã hội, là giảm sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Vậy nhưng, trước một thân phận phụ nữ đang khẳng định mình bị oan khiên và tủi nhục gây ồn ào, gây phẫn nộ trong dư luận nhiều ngày qua, Hội phụ nữ Việt Nam đã làm gì cho người phụ nữ ấy? Các chị lãnh đạo cái hội này đã thăm hỏi, đã động viên, đã đứng ra xem xét vụ việc chưa? Nếu có oan khiến thực sự, thì họ đã lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người phụ nữ ấy chưa?

Họ như mù khi tỏ ra như không nhìn thấy lá đơn xin trút bỏ tự do – một lá đơn thể hiện sự tột cùng của nỗi bất lực.

Họ đang tỏ ra như điếc khi không nghe thấy tiếng kêu đầy đau đớn của một phận người và sự phẫn nộ đến mức cạn kiệt niềm tin vào lẽ công bình của dư luận những ngày qua.

Họ như câm khi chẳng hé miệng nói lấy một lời đồng cảm của những người phụ nữ với nhau, của lương tri con người với nhau, chứ chưa nói đến chức phận là lãnh đạo của một hội đại diện cho quyền lợi phụ nữ ở đất nước này.

Tôi tìm kiếm trên Gôgle bằng cụm từ khoá “Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam”. Kết quả bằng hình ảnh chỉ là một bà Thu Hà với những trang phục lúc nào cũng rực rỡ, với mái tóc lúc nào cũng mượt mà, gương mặt lúc nào cũng trang điểm tỉ mỉ. Đó là một Thu Hà trong nhung lụa, trong một thế giới sáng rực đèn hoa, đối lập với những cuộc đời xám xịt của quá nhiều phận phụ nữ ngoài kia.

Hội phụ nữ Việt Nam, mỗi năm tiêu xài hết 155 tỉ đồng tiền ngân sách. Từng đồng, từng cắc đều là mồ hôi của nhân dân, là xương máu của nhân dân, mà ở đó có những giọt nước mắt mặn đắng của người phụ nữ. Tiêu xài những đồng tiền ấy mà lại vô cảm như vậy sao? Không, nói đúng hơn là vô dụng đến vậy hay sao?

CSVN Muốn Tiền Của Người Việt Cờ Vàng Nhưng Hâm Hực Muốn Bỏ Cờ Vàng

VN muốn Úc ngừng treo cờ vàng?


Lá cờ vàng ba sọc đỏBản quyền hình ảnhAFP GETTY
Image captionLá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là một biểu tượng chính trị và văn hóa mà Cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ và Úc và nhiều nơi trên thế giới tôn trọng

Báo Úc đưa tin Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ở Hội nghị G20 vào tháng 7 ngừng để cờ của Việt Nam Cộng Hòa được treo ở Úc.
Trước thông tin này, cộng đồng người Việt ở Úc đã lên tiếng phản đối và không muốn chính phủ Việt Nam can thiệp vào quyền treo lá cờ vàng, một biểu tượng chính trị và văn hóa đối người Việt tị nạn sau chiến tranh Việt Nam ở Úc.
Chủ tịch Hội Người Việt tại Úc, ông Peter Thang Ha, nói lá cờ là biểu tượng của bản sắc văn hoá của người Việt tị nạn ở Úc, theo tờ Daily Telegraph ở Úc (dailytelegraph.com.au).
"Lý do khiến nhiều người rời bỏ Việt Nam là do chế độ Cộng sản", ông Thang Ha cho biết.
"Chúng tôi treo cờ này vì chúng tôi vẫn không chấp nhận chế độ hiện tại và lá cờ đỏ; nó không phải là một phần của nền văn hoá của chúng tôi và nó đã không bao giờ được chấp nhận. "

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình cùng Tổng thống Trump và Thủ tướng Úc Malcom TurnbullBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình cùng Tổng thống Trump và Thủ tướng Úc Malcom Turnbull (ngoài cùng bên trái) trước thềm Hội nghị G20 hồi tháng Bảy

Hội đồng Thành phố Fairfield cũng ủng hộ quyền của Cộng đồng gốc Việt tại đây treo cờ vàng ba sọc đỏ vào những dịp đặc biệt.
Ông Thang Ha cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop đưa ra vấn đề này trong một cuộc họp gần đây với cộng đồng tại Canberra.
"Đây là một vấn đề địa phương, nhưng Chính phủ Việt Nam lại làm lớn chuyện với việc đề cập đến nó với Julie Bishop", ông Thang Ha được tờ Daily Telegraphy dẫn lời.
Phát ngôn viên của bà Bishop nói rằng các quy định pháp lý của bang và địa phương không bị ràng buộc bởi luật lệ theo Nghị định Treo Cờ của Chính phủ Úc.
"Đó là một thông lệ của chính phủ Úc, khi các tổ chức địa phương treo cờ vàng, họ được khuyến khích theo chính sách của Chính phủ là chỉ treo những lá cờ được ÚC chính thức công nhận cùng với quốc kỳ Úc", bà nói.



Nghị quyết chống treo cờ đỏ sao vàng trên các cột cờ thành phố San Jose, Mỹ.

Thị trưởng Fairfield Frank Carbone cho biết tại một cuộc họp Hội đồng thành phố hồi tháng Năm rằng nhiều thuyền nhân Việt Nam tại Fairfield coi lá cờ vàng như một biểu tượng, di sản và cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ.
"Thành phố Fairfield là nơi chúng ta coi trọng sự đa văn hóa, nhưng chúng tôi phải kết hợp với các giá trị của Úc, bao gồm việc tôn trọng di sản và văn hoá của nhau và tự do cho phép biểu hiện văn hoá", ông nói.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng thành phố Milpitas ở California, Hoa Kỳ vừa thông qua nghị quyết cấm cờ đỏ sao vàng hôm 5/9 với 100% phiếu thuận.

Người Việt tại thành phố Miltipas vui mừng khi nghị quyết chống cờ đỏ sao vàng được thông quaBản quyền hình ảnhFB JACK DUONG
Image captionNgười Việt tại thành phố Miltipas vui mừng khi nghị quyết chống cờ đỏ sao vàng được thông qua 

9/07/2017

Tâm tình với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng về việc G.S Tương Lai ra khỏi Đảng

Nguyễn Thị Thanh Bình
(Danlambao) thực hiện
9/7/2017






Nguyễn Thị Thanh Bình: Thưa nhà báo, nhà văn, T.S kinh tế Phạm Chí Dũng, cho phép xin được “tra tấn” thêm một chuyên viên trả lời phỏng vấn rất tinh tế và thành thật như anh. Chắc anh đã nghe, đã thấy và cũng không lạ gì với tình trạng hỗn mang tranh sáng tranh tối của giới đấu tranh cho dân chủ tự do, và nhân quyền lúc này. Do đó hy vọng cuộc trò chuyện này được mở ra trong tinh thần xây dựng, có lý có tình hơn là sẵn sàng bôi bác, thành kiến và đào sâu thêm những hố thẳm chia rẽ, ngăn cách.

Thường thì khi đảng viên sắp hoặc đã về hưu trí, có chữ “nguyên” đi kèm đánh dấu mọi sự ngừng sinh hoạt, cũng có thể cả đảng phái của họ, thì những đảng viên ấy mới dám phản tỉnh bằng cách nộp đơn ra khỏi Đảng, vậy điều gì đã khiến họ phải “ngâm tôm” nỗi bứt rứt trăn trở của mình suốt năm tháng dài để cuối cùng mới dám đưa ra quyết định hẳn là rất nhiêu khê khó khăn ấy? Phải chăng đa phần chỉ vì sợ sẽ bị khai trừ sớm muộn trước sau gì, hoặc hứa hẹn gặp phải phiền toái nào đó nên đảng viên mới chọn cảnh “dứt áo ra đi” mà thôi, và khi ra đi thì liệu họ có còn điều gì để phải cảm thấy lấn cấn, ngoài những hệ lụy gia đình chăng?

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Nếu tính từ năm 2013 trở lại đây, con số bỏ đảng là quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng. Tình hình này phản ánh tâm thế e ngại và sợ sệt vẫn bao phủ trong tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù theo tôi biết thì tâm lý đảng viên trong đảng đã quá chán ngán chế độ chính trị này, và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.

Do bị gò bò bởi kỷ luật đảng và sợ ảnh hưởng đến vị thế chính trị lẫn công việc nên rất hiếm trường hợp đảng viên dám ra đảng trong lúc còn làm việc, mà chỉ đến khi nghỉ hưu mới có một ít người dám “xổ lồng”. Cho tới nay, đây vẫn là một tâm lý bao phủ lên 3,7 triệu đảng viên.

Nhưng có một thực tế là ngay cả một ít đảng viên hưu trí từ bỏ đảng lại không phải xuất phát từ thái độ dứt khoát chia tay ý thức hệ hoặc phản kháng với một đảng tham nhũng, mà do những người này đã có những hoạt động bị đảng quy kết là “đa nguyên”, thậm chí “ủng hộ các thế lực phản động”, nên cấp ủy đảng gây sức ép khai trừ họ. Để tránh bị “hạ nhục”, những đảng viên này đã chủ động tuyên bố ra đảng trước khi bị khai trừ.

Tuy nhiên, tình trạng thoái đảng lại rất lớn ở Việt Nam. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…

Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.

Nếu như những năm trước, có những người muốn bỏ đảng nhưng vẫn lo sợ bị chính quyền cắt sổ hưu hoặc bị sách nhiễu bản thân và thân nhân, thì với một số trường hợp bỏ đảng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt gần đây như ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ông Lê Văn Hòa – cựu chuyên viên Ban Nội chính Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà báo Tống Văn Công - nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động… cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí, xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an, cũng muốn công khai bỏ đảng.

Hoàn toàn không thể có chuyện chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng, vì làm như vậy là vi phạm pháp luật.

Một nguy cơ khác đối với đảng cầm quyền là đang manh nha dấu hiệu một số cán bộ lão thành, trung cấp và cả cao cấp, muốn từ bỏ đảng CSVN để trở về… đảng Lao Động. Trường hợp này vừa xảy ra với giáo sư Tương Lai ở Sài Gòn. Nếu khuynh hướng này mở rộng trong thời gian tới, tương lai “tách đảng” là dễ thấy.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Dường như anh có người bố đã có 65 tuổi Đảng, và khi anh chia sẻ bức tâm thư đoạn lìa “ly dị” Đảng, thì ba anh có tỏ ra thông cảm cho một đứa con vốn có cá tính mạnh và độc lập tư duy như anh chăng? Thật ra anh đã phải thuyết phục gia đình như thế nào để được tôn trọng tự do cá nhân và sự dũng cảm của anh, cũng như thấy quyết định của anh là một quyết định đứng đắn hợp thời đã dám buông bỏ, thoát ra khỏi những cũi lồng để được bay bổng tự do?

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Thật ra, tôi đã không hề hỏi ý kiến ba tôi về việc tôi công khai tuyên bố từ bỏ đảng vào tháng 12 năm 2013, vì tôi không muốn bị phân tâm bởi sự tác động của gia đình.

Việc từ bỏ đảng của tôi hoàn toàn không dễ dàng: từ năm 2003 khi nhận thấy càng đấu tranh thì tham nhũng càng nhiều, tôi bắt đầu nhận ra nếu chỉ có một đảng thì triển vọng chống tham nhũng sẽ là vô phương. Tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều hơn một đảng để có được cơ chế kiểm soát chéo quyền lực như ở phương Tây, và cũng bắt đầu nghĩ đến việc đến một lúc nào đó sẽ ra đảng.

Nhiều đảng viên vẫn cho rằng ở lại trong đảng thì có điều kiện đấu tranh hơn là ra đảng. Nhưng tôi lại nhận ra một bài học đắt giá là chính đảng CS cũng luôn tuyên truyền và thuyết mị như thế để mọi người khỏi ra đảng, trong khi thực tế từ trước đến nay việc đấu tranh hiệu quả chống tiêu cực trong đảng là vô cùng hiếm hoi, mà bằng chứng rất rõ là toàn bộ những đảng viên trí thức, cựu quan chức trong nhóm 72 trước đây và nhóm 61 sau này đã không nhận được bất kỳ một hồi âm nào từ phía đảng và chính quyền sau khi họ gửi đi nhiều bản kiến nghị đầy tâm huyết.

Phải mất 10 năm tôi mới có được quyết định của mình. Tôi không cho đó là một sự dũng cảm của bản thân, mà chỉ đơn giản là khi tôi thấy ông Lê Hiếu Đằng – mà tôi xem như một người anh – quyết định viết thư bỏ đảng trên giường bệnh, tôi nghĩ rằng nếu lúc đó mà tôi không thể quyết định bỏ đảng thì e rằng sau đó có thể bị nhụt chí và chẳng biết bao giờ mới có đủ quyết tâm.

Vậy là ngay đêm hôm sau khi ông Lê Hiếu Đằng ra đảng, tôi viết tâm thư từ bỏ đảng và công bố luôn trên mạng xã hội để chặn đường lùi của mình, và sang ngày hôm sau mới nộp đơn ra khỏi đảng cho chi bộ như một thủ tục cần có. Sau đó cũng buồn một thời gian, nhưng lại nhẹ lòng vì mình không còn nằm trong một chính đảng không đi cùng được với nhân dân. Phải ra đảng, rồi muốn ra sao thì ra…

Nguyễn Thị Thanh Bình: Về việc chọn một ngày đặc biệt như ngày “Quốc Khánh 2/9” để xin ra khỏi “Đảng Nguyễn Phú Trọng” đang thao túng, nhưng vẫn muốn “chiến đấu” trong vai trò một đảng viên cũ của Đảng Lao Động, G.S Tương Lai là một khuôn mặt trí thức nổi bật của XHCN mới đây nhất vẫn một mực nêu cao “Tư tưởng HCM”, vậy liệu anh có thấy mình ủng hộ sự chọn lựa này, hay ít nhất là tôn trọng, đồng cảm với việc G.S Tương Lai đã chặt đứt tư duy “còn Đảng còn mình” với Đảng CSVN hay “Đảng Nguyễn Phú Trọng”, cách gọi muốn nhấn mạnh của G.S chăng. Liệu như thế có đồng nghĩa là G.S Tương Lai cho rằng Đảng của đời này (Nguyễn Phú Trọng) khác với Đảng của đời xưa (Hồ Chí Minh) và dĩ nhiên đảng của những thế hệ trước, thế hệ của chính G.S đã có mặt tham dự đóng góp là tốt, và đáng ca ngợi trường tồn, và đó là điều vị G.S này có quyền núp bóng hãnh tiến, nhất là khi phải đối diện với “Đảng Nguyễn Phú Trọng” đương thời thì than ôi chỉ thấy rặc những tham vọng quyền lực, giáo điều không thể chấp nhận được, nên phải nói lời chia tay, và như thế liệu có điều gì lợn cợn, lập lờ và điều gì bất ổn dưới cái nhìn dứt khoát của nguyên là đảng viên CS như anh?

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Theo những tin tức mà tôi được biết trong mấy năm qua, việc đưa đảng Cộng sản VN trở lại tên đảng Lao Động là tâm tư của một bộ phận nhỏ đảng viên, chủ yếu là đảng viên hưu trí. Kể cả đổi tên nước, từ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thâm tâm, những đảng viên này có phần tin rằng nếu trở lại quá khứ dù chỉ với tên gọi như thế, đảng cầm quyền ở Việt Nam có thể tự thanh lọc mình và gần dân, vì dân hơn.

Từ năm 2014, khi cuộc xung đột trong nội bộ đảng CSVN trở nên công khai và dữ dội, sử dụng mạng xã hội để bôi xấu và tấn công nhau, có những dấu hiệu một lực lượng trong đảng có thể đã muốn ngả về khuynh hướng “tách đảng”, tức tách đảng CS làm hai - một phần là đảng CS, còn phần kia trở về đảng Lao Động. Nhưng cần chú ý, “tách đảng” và “đa đảng” là hai việc khác nhau nhiều về bản chất. Với động cơ tiếp tục duy trì quyền lực và lợi ích nhóm của những lực lượng trong nội bộ đảng, “tách đảng” chỉ là một hình thức “đảng trong đảng”, mà về thực chất vẫn là cuộc chơi tham tàn của các nhóm xuất thân từ đảng CS, chưa hẳn chấp nhận đa nguyên chính trị và vẫn không có vai trò của nhân dân trong đó.

Tôi tôn trọng suy nghĩ và cách hiểu của những đảng viên hưu trí muốn trở về tên đảng Lao Động. Tuy nhiên, cần nói thẳng là cho dù có gắn tên Lao Động hay những cái tên khác cho đảng mà không thật sự cải cách theo hướng bỏ điều 4 hiến pháp về độc đảng, tam quyền phân lập một cách thực chất và công nhận xã hội dân sự - tức những quyền căn bản của nhân dân đã được hiến định – thì cũng sẽ chỉ là động tác “thay áo” để mị dân mà thôi. Có khi lại kéo dài thêm một thời kỳ đau khổ mới cho con dân nước Việt, vốn trước đó đã quá khốn khổ.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Trong bức tâm thư ra khỏi Đảng vốn được nhiều người và dư luận tâm đắc của anh mới đó cũng đã gần 4 năm rồi, anh đã viết không kém những bài diễn văn hùng hồn, và mãnh liệt nhất của một giai đoạn lịch sử có những đảng viên trí thức phản tỉnh: “Tôi tự thấy Đảng CS không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi cho đại đa số nhân dân và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng, cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy, tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng CS.” Và câu kết luận rất đánh động lòng người: “Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng CS là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi với nhân dân và quyền lợi người nghèo. Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.” Tâm đắc ở đây đồng nghĩa với sự ủng hộ hết mình, và cảm phục tấm lòng cùng ý chí sâu sắc của anh. Vậy thì qua bản “Tuyên bố” của G.S Tương Lai, anh có thể chia sẻ là anh tán thành với G.S điều gì và không thể đồng cảm điều gì? Nhất là tôi hơi thắc mắc một điều là không phải chính ông Hồ Chí Minh cũng đã thú nhận với đảng viên kỳ cựu là ông Nguyễn Văn Trấn: “Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê.” Không lẽ G.S Tương Lai không thấy cả thế giới đã rũ bỏ thứ chủ thuyết lỗi thời Mác-Lê này hay chính ông một lần nữa phải tự đánh lừa mình có một “hệ tư tưởng”, một chủ thuyết giả tưởng như thế làm kim chỉ nam để giữ sự tồn tại trong một chế độ chuyên chính, hay chỉ là những mâu thuẫn đối kháng nội tâm nào đó thật không dễ để giải thích? Chúng ta cũng đã có dịp nghe khá nhiều bình luận và chỉ trích trên những trang cá nhân Facebook, cũng như báo chí truyền thông với những bài viết thẳng thắn của TS Hà Sĩ Phu, TS Nguyễn Quang A, cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên…. Ước gì có thêm một cái nhìn lắng đọng, phân tích cặn kẽ chân tình đến từ một nhà báo độc lập, đối lập như anh. Và điều này hy vọng sẽ được G.S Tương Lai đón nhận lên tiếng phản hồi trong tinh thần “dân chủ đa nguyên” trong nay mai.

Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi tôn trọng quan điểm của giáo sư Tương Lai, nhưng tôi thấy khó chia sẻ suy nghĩ trở về “đảng Hồ Chí Minh” của ông. Câu chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là quá khứ của hơn bảy chục năm trước, cùng sự khác biệt rất lớn về bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, quốc tế. Không có gì bảo đảm là nếu đảng CS chịu lấy lại tên đảng Lao Động thì tình hình đất nước sẽ khả quan hơn. Cũng chưa có bất kỳ cơ sở nào để nhìn ra một sự “thành tâm” của giới chóp bu trong đảng CS nếu họ muốn “thay áo”. Tất cả chỉ tính toán cho quyền lực cá nhân và lợi ích nhóm, lo tranh giành đấu đá, tham nhũng và “ăn của dân không chừa thứ gì”.

Vào năm 2014 và 2015, không ít đảng viên và cả người thuộc giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam đã từng kỳ vọng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như một “Gorbachev Việt Nam”. Nhưng rốt cuộc ngoài vài lời nói ve vuốt mơ hồ về dân chủ và tinh thần “thoát Trung”, ông Dũng đã không thể hiện bất cứ hành động nào để ít ra cũng cho thấy ông ta quan tâm đến tuyệt đại đa số người dân Việt đang ngụp lặn trong vũng bùn quan chức. Ngược lại là đằng khác, chế độ Nguyễn Tấn Dũng bị rất nhiều người xem là một chế độ tham nhũng và phá chưa từng có trong toàn bộ lịch sử của triều đại cộng sản ở Việt Nam. Giả dụ sắp tới Nguyễn Tấn Dũng có đứng ra thành lập hoặc hậu thuẫn để thành lập đảng Lao Động thì hành động này cũng chỉ là hình ảnh “bình mới rượu cũ” mà thôi.

Vì thế, tôi nghĩ rằng giáo sư Tương Lai nên dứt khoát tuyên bố từ bỏ đảng CS chứ không chỉ cắt đứt liên hệ với “đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng”, trước khi đảng này có thể làm điều gì đó xúc phạm ông. Còn ở thêm trong đảng ngày nào, còn phải mang danh nghĩa đảng viên của một đảng mà đã từ lâu không còn của dân nhưng vẫn ăn thuế của dân, điều được gọi là lòng tự trọng và liêm sỉ của mỗi chúng ta đều đáng bị người dân đánh giá thấp hơn thế.

Một khả năng có lẽ duy nhất mà tôi thấy có ý nghĩa là nếu giáo sư Tương Lai và những người như ông khởi động một phong trào trở về tên đảng Lao Động, việc này có thể lôi kéo một số đảng viên đảng CS “tự chuyển hóa”, làm tiền đề cho việc tách đảng CS, trước khi dẫn đến đa đảng một cách thực chất. Hành động này sẽ được nhiều đảng viên, cựu quan chức và kể cả quan chức đương nhiệm ủng hộ theo nhận thức “có còn hơn không”. Tuy nhiên, làm thế nào để khi trở về tên đảng Lao Động mà không bị các lực lượng và các nhóm lợi ích trong đảng CS lợi dụng thì lại là một vấn đề rất khó khăn, mà về điều đó thì tôi e rằng có thể sẽ không được kiểm soát bởi giáo sư Tương Lai hay những người như ông.

Sau cùng, tôi muốn nói về Tương Lai. Đất nước này, xã hội này đang tràn ngập những chỉ dấu bất ổn và chuẩn bị biến động như thời chỉ vài ba năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990. Khi đó, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên kia mà! Và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an! Nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. Việt Nam cũng đang và sẽ như vậy chỉ trong ít năm nữa thôi, bất chấp số đảng viên được xem là “trung thành” còn tới gần 4 triệu người. Và cũng chỉ trong ít năm nữa thôi, tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn hẳn đảng viên không vì phải chịu sức ép khai trừ mà sẽ hoàn toàn chủ động chia tay với đảng, chia tay với một chính đảng phi nhân bản để kiếm tìm một bến bờ mới hứa hẹn nhân văn hơn rất nhiều. Dù là để đến được bến bờ đó, xã hội và chính trị Việt Nam có thể phải trải qua một thời gian đầy biến động và hỗn loạn như thời hậu Xô viết vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tôi nghĩ rằng cần chờ đợi thêm, nhưng là chờ đợi trong tâm thế chủ động. Sau SUY tất phải VONG, rồi mới PHỤC được. Mỗi người trong chúng ta vẫn có thời gian cho những lựa chọn chính trị của mình.

Trân trọng cảm ơn thời giờ quý báu, chịu khó soi rọi kỹ lưỡng những góc khuất của lòng mình và xã hội cho độc giả khắp nơi của nhà báo, nhà văn Phạm Chí Dũng.

Phóng Sự Đặc Biệt - Những Nữ Tù NhânChính Trị





Các Tù Nhân Lương Tâm Bị Triệt Đường Sống






Nguyễn Mai Trung Tuấn: Hình ảnh thế hệ dân oan tiếp nối

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-09-06
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Tù nhân lương tâm Nguyễn Mai Trung Tuấn. Hình chụp năm 2015.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Mai Trung Tuấn. Hình chụp năm 2015.
 Photo: RFA
Nguyễn Mai Trung Tuấn, thành viên trẻ tuổi nhất trong nhóm tám thành viên của một gia đình chống cưỡng chế đất tại Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị kết án tù vừa được cho về nhà trước thời hạn 6 tháng, chia sẻ về thời gian hơn 2 năm tù đày khi em tròn 15 tuổi.

Đi tù ở tuổi vị thành niên

“Họ nhốt em từ 9 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm và không cho em ăn uống gì hết. Họ nói ‘Bây giờ mày khai không? Mày không khai là tao giết mày’. Em nói “Tôi không có gì để khai. Gia đình tôi hoàn toàn bị mất tất cả rồi’. Lúc đó họ còng tay chân em lại. Đến chiều, họ đánh vào ngực em, đá vào hông em. Em thì có tiền sử bị hen suyễn và bị bệnh tim, cho nên em rất mệt. Em có nói ‘Sức khỏe của tôi bây giờ bị kiệt sức. Cần được cấp cứu’. Em nêu ra vậy nhưng họ bỏ mặc em trong phòng và đóng cửa lại. Một lúc sau là em ngất luôn.”
Lời bộc bạch vừa rồi là của em Nguyễn Mai Trung Tuấn, có thể được xem như một dân oan trẻ tuổi nhất tại Việt Nam phải chịu án tù vì đã cùng gia đình phản đối chính quyền địa phương “cướp đất” hồi trung tuần tháng 4 năm 2015.
Sau khi về đến nhà vào tối ngày 31 tháng 8 từ Trại giam Long Hòa, Bến Lức, tỉnh Long An, sáng sớm hôm sau, em Nguyễn Mai Trung Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện cùng Hòa Ái với những hồi ức mà em bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần.
Những phạm nhân đó biết gia đình em bị mất đất mất nhà và vì em chống đối nên em bị bắt bỏ tù. Họ cũng đồng cảm với em và có nói rằng ‘Nếu như là anh, chị thì anh, chị cũng sẽ chống đối như thế tại vì gia đình chỉ còn một phần đất mà cha mẹ bị bắt nữa
-Nguyễn Mai Trung Tuấn
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn cho biết bản thân và gia đình đón nhận thông tin nhà cửa bị di dời từ năm 2009. Vụ việc kéo dài cho đến ngày 14 tháng 4 năm 2015, gia đình chọn cách đốt nhà, ném bom xăng và tạt axit lực lượng cưỡng chế để phản đối chính quyền đã đẩy họ vào con đường cùng do đền bù với mức giá rẻ mạt, không đủ cho việc tái định cư.
Cơ quan chức năng bắt giữ 13 thành viên của gia đình, trong đó có ba mẹ và cả em Nguyễn Mai Trung Tuấn vì đã làm cho 20 người của lực lượng cưỡng chế bị thương.
Biến cố của gia đình xảy ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2015, khi em Nguyễn Mai Trung Tuấn được 15 tuổi. Và những gì diễn ra tại buổi hỏi cung trong cùng ngày 14 tháng 4 là ký ức hằn sâu trong tâm trí của một cậu bé tuổi vị thành niên, theo như lời em vừa thuật lại. Không chỉ thế, phiên tòa sơ thẩm tuyên bản án tù về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình sự Việt Nam dành cho bị can Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng sẽ không bao giờ phai nhòa đối với em. Nguyễn Mai Trung Tuấn nhớ rõ từng chi tiết tại phiên tòa sơ thẩm, diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2015:
“Khi tuyên án em 4 năm 6 tháng ở tòa sơ thẩm thì em có hô là ‘Đả đảo Cộng Sản Việt Nam-Đả đảo bản án bất công-Đả đảo phiên tòa xét xử không công khai’. Em bị khống chế lên xe. Em vẫn la lên như thế khi lên xe thì có 3 người trấn áp em, đánh vào mặt em, đá vào ngực em.”
Bước vào tuổi đời vừa mới lớn, cậu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn đối diện với những năm tháng tù đày đầy bạo lực và sự nhẫn tâm của nhân viên trại giam. Em cho biết trong suốt 2 năm 24 ngày ở tù, em phải làm công việc dọn dẹp vệ sinh, bị chích điện 2 lần, liên tục bị nhân viên trại giam đe dọa, như lấy dao mổ bụng và em cũng từng tuyệt thực 5 ngày để phản đối tình trạng phạm nhân bị đánh đập.

Tiếp tục đấu tranh

17309106_753357671489436_3391460189066972103_n.jpg
Anh Trịnh Bá Phương và bà con dân oan Dương Nội. Courtesy: Facebook Trịnh Bá Phương
Trả lời câu hỏi của RFA rằng bên cạnh những ký ức buồn, có điều gì khiến em lưu luyến trong thời gian hơn 2 năm tù tại Trại giam Long Hòa hay không, Nguyễn Mai Trung Tuấn nói rằng em được gặp gỡ và sống cùng các phạm nhân mà sự đồng cảm của những hoàn cảnh cùng khổ đã giúp cho em vững vàng hơn:
“Những phạm nhân đó biết gia đình em bị mất đất mất nhà và vì em chống đối nên em bị bắt bỏ tù. Họ cũng đồng cảm với em và có nói rằng ‘Nếu như là anh, chị thì anh, chị cũng sẽ chống đối như thế tại vì gia đình chỉ còn một phần đất mà cha mẹ bị bắt nữa’.”
Từ sự đồng cảm, cậu bé tuổi vị thành niên Nguyễn Mai Trung Tuấn còn có lòng thương cảm dành cho các phạm nhân lớn tuổi hơn mình. Cậu kể về trường hợp của một phạm nhân là người bán hàng rong, bị đi tù vì đã đốt chiếc xe là phương kế sinh nhai duy nhất của gia đình, khi lực lượng trật tự đô thị mang chiếc xe bán hàng đi. Hành trang sau khi ra tù của cậu thanh niên 17 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn là lời nhắn gửi của các phạm nhân đến cộng đồng nhờ giúp đỡ lên tiếng đấu tranh cho những tù nhân bị tra tấn và bị đối xử một cách vô nhân đạo:
“Em rất thương các anh, chị phạm nhân. Họ bị ép cung trong lúc hỏi cung và họ bị đánh đập rất dã man, rất tàn bạo. Thậm chí, họ không được cho gia đình thăm gặp. Nếu họ phản đối thì bị bắt làm những công việc nặng không phù hợp với sức khỏe của họ và những người Cộng Sản của trại giam cho là họ chống đối, kỷ luật các anh, chị và đánh anh, chị đến nỗi họ đập đầu vào tường tự giận.”
Ra tù với tình trạng sức khỏe không tốt, nhưng tinh thần của Nguyễn Mai Trung Tuấn thật rắn rỏi với lời khẳng định:
Khi bước chân đến Sài Gòn, lúc đầu tiên bắt chiếc xe Uber thì anh lái xe đã nhận ra em và anh ấy đã chở đi qua nhiều tuyến phố. Sau đó anh ấy không lấy tiền và nói muốn chia sẻ cùng với em
-Trịnh Bá Phương
“Em vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi lại công lý, đòi lại dân chủ nhân quyền cho gia đình em và cho cả những người dân Việt Nam bị đán áp, áp bức, bị bắt bỏ tù.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cộng đồng cư dân mạng xã hội bày tỏ sự vui mừng trước thông tin Nguyễn Mai Trung Tuấn cùng 7 thành viên của gia đình được ra tù. Họ chào đón và ủng hộ em với ý chí chọn lựa tiếp tục con đường không bị khuất phục trước những bất công của xã hội.
Anh Trịnh Bá Phương, một cư dân mạng và cũng là con trai của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu từng hai lần bị tuyên án tù vì đấu tranh giữ đất và chống tham nhũng, chia sẻ rằng những người con của các dân oan như chính anh hay Nguyễn Mai Trung Tuấn và nhiều người khác nữa sẽ không đơn độc trong những ngày tháng của cuộc đấu tranh vì xã hội tốt đẹp hơn, tương lai đất nước tươi sáng hơn với cuộc sống của dân chúng bình đẳng và nhân bản hơn. Anh Trịnh Bá Phương cho biết rất xúc động trước tấm lòng của nhiều người dành cho tù nhân lương tâm trẻ tuổi nhất Nguyễn Mai Trung Tuấn, dành cho những đứa bé là con của 2 nữ tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, cũng như dành cho 3 anh em của gia đình mình. Anh Trịnh Bá Phương kể lại một vài kỷ niệm của riêng anh:
“Khi bước chân đến Sài Gòn, lúc đầu tiên bắt chiếc xe Uber thì anh lái xe đã nhận ra em và anh ấy đã chở đi qua nhiều tuyến phố. Sau đó anh ấy không lấy tiền và nói muốn chia sẻ cùng với em. Trong lần mới gần nhất em thăm mẹ em vào ngày 6 tháng 7. Khi em đến Pleiku thì bạn bè và các anh em trong đó dành cho gia đình em tình cảm rất lớn. Khi em vừa vào đến nơi thì có bạn đã chuẩn bị một chiếc xe ô tô, dự định đưa em đến trại giam Gia Trung luôn ngay chiều khi em vừa đến Pleiku. Tuy nhiên, em cũng lo sợ vì muộn giờ. Đến sáng hôm sau, có một bạn khác mà em được biết anh ấy là một giang hồ, anh ấy đã chuẩn bị một chiếc xe 4 chỗ để đưa em, bạn em cùng 1 người dân Dương Nội đến thẳng trại giam Gia Trung.”
Cậu thanh niên Nguyễn Mai Trung Tuấn hay anh Trịnh Bá Phương đều nói với RFA rằng niềm tin của họ về sự dấn thân, tiếp bước thế hệ ông bà, cha mẹ mình chắc chắn sẽ gặt hái kết quả vì có sự đồng lòng của những người với tên gọi “dân oan”.