AP (nguoivietonline
11/30/2016
Đây là thỏa thuận giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2008, và sau hai năm giá dầu đã xuống thấp hơn phân nửa vì lượng dầu hỏa cung cấp dư thừa trên thị trường thế giới.
Thỏa hiệp đạt được sau khi Saudi Arabia và Iran đồng ý.
Saudi Arabia là nước sản xuất nhiều dầu lửa nhất, không muốn giảm sản lượng vì lo ngại mất thị phần trên thế giới.
Iran mới được giải tỏa cấm vận và muốn xuất cảng nhiều hơn, đồng thời muốn tái tạo vị trí trong khối OPEC.
OPEC quyết định sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 4.5% hay 1.2 triệu thùng dầu mỗi ngày, bắt đầu từ năm 2017.
Tổ chức này cho biết, trong sáu tháng đầu năm, sản lượng tối đa mỗi ngày sẽ không quá 32.5 triệu thùng.
Trước tin tức này, giá dầu thô trên thị trường thế giới lên khoảng gần 10% tới $51.84/thùng, giá cao nhất trong tháng.
Đầu năm nay, giá dầu xuống tới dưới $30 một thùng.
Nigeria và Venezuela là những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dầu lửa mất giá.
Nga là nước xuất cảng dầu lửa nhiều nhất, cũng bị thiệt hại vì giá dầu rẻ, dù Nga không phải là thành viên OPEC.
Ông Mohammed al-Sada, bộ trưởng Bộ Năng Lượng Qatar, đương kim chủ tịch OPEC, cho biết các nước ngoài OPEC cũng đồng ý giảm bớt sản lượng 600,000 thùng mỗi ngày trong đó Nga chấp thuận giảm 300,000 thùng.
Nhiều công ty nhỏ ở Mỹ khai thác dầu đá phiến bằng kỹ thuật “fracking” đã phải ngưng sản xuất vì lỗ lã do giá dầu hạ, hy vọng có thể hoạt động trở lại nếu giá dầu lên cao.
Nhưng những chuyên gia về dầu lửa cho rằng phải chờ thời gian mới có thể biết hiệu quả quyết định của OPEC vì giá dầu trên thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố phức tạp.
Chưa thể nào rõ các thành viên OPEC cũng như các nước ngoài OPEC có tuân thủ quyết định giảm sản lượng một cách đúng đắn hay không. Kinh nghiệm từ quá khứ đã nhiều lần cho thấy tất cả đều vi phạm giới hạn, chưa kể đến việc xuất cảng lậu ngoài quy định khi không có một cơ chế kiểm soát nào.
Tại Mỹ, tổng thống đắc cử Donald Trump hứa hẹn trong thời gian tranh cử là sẽ hủy bỏ thỏa hiệp nguyên tử mà chính quyền Obama và sáu cường quốc đã ký kết với Iran. Nếu điều này được Mỹ thực hiện và các cường quốc khác không đồng ý thì Iran vẫn có thể xuất cảng dầu lửa, thậm chí gia tăng sản lượng không chấp nhận bất cứ một hạn chế nào.
Chính sách năng lượng mà ông Trump đề xuất là cho phép sử dụng năng lượng quốc nội từ hầm mỏ, bao gồm dầu khí và than đá, không chịu giới hạn bởi các quy định môi trường cũng như Hiệp Ước Paris của Liên Hiệp Quốc về khí hậu địa cầu.
Ông Jim Krane, phân tích gia về năng lượng của đại học Rice University nói: “Nếu giá dầu lên và sản xuất năng lượng cũng tăng thì giá dầu không thể tiếp tục ở mức cao trong một thời gian dài, và mọi chuyện sẽ trở lại chỗ khởi đầu.”
Giá dầu trên thị trường không lên cao sẽ ảnh hưởng đến đầu tư và sự phát triển kinh tế toàn cầu. Không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể tự phát triển bên ngoài những liên hệ ràng buộc của toàn thế giới ngày nay. (HC)
No comments:
Post a Comment