11/26/2016

Quan điểm của người Châu Á về vai trò của Mỹ ở Châu Á

Asia Foundation | Trần Giao Thuỷ
11/26/2016

http://dcvonline.net/2016/11/26/quan-diem-cua-nguoi-chau-a-ve-vai-tro-cua-my-o-chau-a/


Sáu năm trước đây Hoa Kỳ “tái cân bằng” về phía châu Á như một tuyên bố chuyển hướng rõ rệt về kinh tế, chính trị và chiến lược. Nó đã một thời gây ra những cuộc tranh luận nẩy lửa ở khu vực về những động cơ và ý định của chính phủ Hoa Kỳ.

Châu Á, nói chung, vẫn hoan nghênh chiến lược cân bằng của Mỹ đã có từ lâu tại đây. Đồng thời đa số các quốc gia trong khu vực cũng chào đón sự trỗi dậy của Trung Quốc, đẩy mạnh mực phát triển về mặt kinh tế. Châu Á có thể một lượt sống chung hoà bình với hai cường quốc có mặt cùng lúc tại đây mà vẫn tránh được bất ổn và xung đột hay không? Và nếu như thế thì chính sách nào là tối ưu?

Suốt sáu mươi năm qua, mục tiêu chính của Quỹ châu Á (The Asia Foundation, TAF) là phát triển sự hiểu biết và đối thoại giữa Hoa Kỳ và châu Á để thúc đẩy mục đích của họ là đi đến một châu Á hoà bình, công bằng và thịnh vượng. Họ tin rằng muốn có những giải pháp khả thi cho các vấn đề phổ biến ở châu Á thì quan điểm của chính phủ và người dân ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương phải được lắng nghe. TAF tin rằng nhờ mối quan hệ rộng rãi và có những đối tác đáng tin cậy đã cho phép họ vận động được một loạt các nhà lãnh đạo ở cả Hoa Kỳ và châu Á, ở trong cũng như ngoài chính phủ, những người có thể bày tỏ ý kiến và trình bày quan điểm thích hợp.

Trung tuần tháng 11, 2016 TAF cho phát hành báo cáo bốn năm một lần, lần thứ năm, về “Vai trò của Hoa Kỳ tại châu Á”. Khác với đa số những nghiên cứu ở Mỹ về chính sách châu Á thường phản ảnh quan điểm của người Mỹ, dự án này đặt trọng tâm vào quan điểm của người châu Á. Bản báo cáo dài 100 trang của nhiều tác giả, ngoài những người đã nổi danh trong ngành ngoại giao, còn có những nhân vật của thế hệ lãnh đạo trẻ thuộc những tổ chức dân sự và những viện soạn thảo chính sách.

Tựa đề của bản báo cáo 2016 của TAF là “Quan điểm của Người châu Á về Vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á: Tương lai của chính sách Tái cân bằng”

Sau đây là phần sơ lược nội dung “Quan điểm của người châu Á về Vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á: Tương lai của chính sách Tái cân bằng” và những đề nghị trực tiếp với Tổng thống thứ 45 cùng lưỡng viện Quốc hội của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ.

http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2016/11/AVARA-cover-400x570.jpg
Bìa bản báo cáo 2016 của The Asia Foundation.

Như ở nhiều nơi khác trên thế giới, giới hoạch định chính sách ở châu Á đã sững sờ vì những thay đổi trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 của Hoa Kỳ. Cuộc chạy đua giữa Donald Trump và Hillary Clinton đã bất ngờ đặt nền tảng cho một cuộc thảo luận toàn diện về chính sách hậu chiến của Hoa Kỳ gồm những cam kết của họ với hệ thống an ninh toàn cầu và một chế độ mậu dịch tự do. Khi Hoa Kỳ xét lại nhiều trong những giả thiết truyền thống về vai trò của họ trên thế giới, thì giới lãnh đạo châu Á lo ngại sâu sắc về sự yểm trợ lâu dài của Mỹ cho trật tự tự do kinh tế toàn cầu và quyết tâm chính trị của Washington để duy trì những cam kết họ đã có từ lâu trong lãnh vực an ninh quốc tế.

Đối diện với sức mạnh của chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc kinh tế, Hoa Kỳ không thể thu nhỏ vai trò lãnh đạo của họ trong trật tự quốc tế. Hoa Kỳ đã là một thế lực lớn ở châu Á trong 70 năm qua, một giai đoạn của tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng chưa từng có cùng những thay đổi xã hội đã chuyển đổi hầu hết các quốc gia ở châu Á và đẩy toàn bộ khu vực đến một vị trí ưu việt toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ này, các nước châu Á đang đứng trước một số thách thức phức tạp và có khả năng gây bất ổn ở mặt quốc tế và trong nội bộ – từ những tranh chấp lãnh thổ và phổ biến vũ khí hạt nhân, đến nạn cướp biển và buôn người và ma túy, rồi tham nhũng, mức đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng thu nhập và nghèo đói, dân số lão hoá, cùng những thảm họa thiên nhiên.

Chính sách “xoay trục về châu Á” năm 2011 sau đổi tên là “tái cân bằng” của chính quyền của Tổng thống Obama tạo ra nhiều cảm tưởng tích cực ở khắp châu Á đối với Hoa Kỳ. Theo Trung tâm nghiên cứu PEW, có khoảng 66 phần trăm người ở Philippines, Nam Hàn, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia có cái nhìn thiện cảm với Hoa Kỳ. Nhiều nước châu Á xem Hoa Kỳ như một nước đối trọng với Trung Quốc. Nhưng trong khi châu Á có thể hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh và đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của khu vực, vẫn có lo ngại rằng chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo có thể dao động trong vai trò lãnh đạo của họ.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, đôi khi đã có những ý kiến ​​tại Hoa Kỳ về việc chấm dứt những cam kết của Mỹ về an ninh ở châu Á. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích của cả Mỹ và khu vực, và sẽ buộc các quốc gia châu Á phải đi tìm những cách khác để đảm bảo an ninh cho chính họ. Rút các lực lượng của Mỹ khỏi Nhật Bản và Nam Hàn sẽ buộc hai quốc gia này phải tự tìm cách vũ trang hạt nhân để tự vệ, làm cho vùng Đông Bắc Á trở thành nơi nguy hiểm hơn và làm suy yếu nghiêm trọng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ bị thiệt hại trầm trọng vì sự dễ biến động tăng cao ở mặt an ninh. Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, vì sự tính toán sai lầm của Bắc hàn đột nhiên có thể là điều rất hợp lý. Cùng với những lo ngại này, còn có sự lo lắng đáng kể trong khu vực về viễn cảnh và những hậu quả của việc Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, và những hệ quả mà quyết định này có thể gây ra cho an ninh khu vực. Trong nội địa Đông Nam Á, tiểu khu vực sông Cửu Long đang đang trở thành một đấu trường đầy căng thẳng và xung đột. Và đương nhiên, tất cả mọi người đang chăm chú theo dõi tình hình ở trên vùng biển phía Nam Trung Quốc.

Ngoài ra, giữa niềm hy vọng mới cho sự tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phát triển ở châu Á, còn có mối quan tâm đáng kể về sự phản đối đang lên ở phương Tây đối với việc toàn cầu hóa. Sự suy giảm nhanh chóng của những hậu thuấn chính trị cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay cho khuynh hướng thương mại tự do nói chung, là một bất ngờ khó chịu cho giới hoạch định chính sách ở châu Á đã quen thuộc vớii trò lãnh đạo Hoa Kỳ trong thời hậu chiến, và trật tự kinh tế tự do. Mặc dù chỉ là năm trong số 12 quốc gia châu Á tham gia vào TPP, những quốc gia trong TPP đại diện cho 40 phần trăm nền kinh tế toàn cầu. Không phê chuẩn Hiệp định TPP nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phủ nhận thành phần kinh tế quan trọng trong chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama, và khiến nhiều nước ở châu Á sẽ đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của Hoa Kỳ. Mặc dù hầu hết các nước châu Á vẫn chưa phải là thành viên của TPP, nhưng họ nhìn thấy sự quay mặt mang tính lịch sử với thương mại tự do của đảng Cộng hoà, cũng như những tình tự mới với chủ nghĩa cô lập kinh tế trong nội bộ Đảng Dân chủ, là những mối đe dọa lớn đối với triển vọng kinh tế của châu Á.

http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2016/11/asia.jpg
Một góc ở châu Á. Nguồn TAF

Trong tâm của những mối quan hệ với châu Á của Hoa Kỳ hôm nay là sự nổi lên của Trung Quốc. Sau 35 năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ khi mở cửa trở lại với thế giới vào năm 1978, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn thế giới. Ngày càng tự tin về những thành tựu kinh tế, Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ, và những nước khác ở châu Á, cung với thế giới công nhận vai trò và lợi ích của Trung Quốc trong các vấn đề trên thế giới. Tăng sức mạnh kinh tế và phát triển khả năng quân sự của Bắc Kinh hiện nay đồng nghĩa với Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị lớn trên khắp châu Á. Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB), một tổ chức tài chính tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển có thể giúp giảm đói nghèo, và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của họ (OBOR) là hai ví dụ hàng đầu về khả năng của Trung Quốc để thách đố trật tự kinh tế toàn cầu.

Hoa Kỳ phản ứng thế nào là điều rất quan trọng. Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc sẽ không biến mất, và chống lại chúng không đem lợi ích gì cho cả Hoa Kỳ và châu Á.

Cách tốt nhất để có ảnh hưởng đến những sáng kiến của Trung Quốc là tạo dựng khung sườn để phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực, trong những hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ, và những nước khác. Hỗ trợ và tham gia xây dựng sẽ tăng sức bật của các nước châu Á với Trung Quốc và bảo đảm cho sự phát triển cân bằng hơn.

Trong bốn năm qua, các cuộc xung đột lãnh thổ và tranh chấp biên giới trong vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Hoa đã trở nên ngày càng gay gắt. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt rằng tuyên bố của Bắc Kinh với bản đồ có “đường chín gạch” là trái với pháp luật và khiển trách Trung Quốc vì những thiệt hại môi trường họ đã gây ra khi xây dựng những hòn đảo nhân tạo ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã bác bỏ quyết định, không có thẩm quyền thi hành, của PCA. Mặc dù Hoa Kỳ đã không ngả theo bên nào trong những tranh chấp ở vùng biển phía Nam Trung Hoa, nhưng họ ủng hộ trật tự quốc tế pháp định mà PCA đã khẳng định.

Hoa Kỳ phải đưa ra các chính sách thận trọng để duy trì các nguyên tắc quốc tế về chế độ pháp trị trong khi ngăn chặn những tranh chấp lãnh thổ, không để leo thang thành những cuộc xung đột vũ trang. Hoa Kỳ phải khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tiếp tục những chiến dịch tự do di chuyển trên biển (FONOPS), và khuyến khích sự tham gia của các nước khác như Úc và Ấn Độ. Đồng thời, các quốc gia châu Á sẽ không cổ vũ cho một chính sách đối đầu buộc họ phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc. Hoa Kỳ nên mở rộng đối thoại quân sự với Trung Quốc, và làm việc để tăng cường tính minh bạch của cả hai quốc gia trong những hoạt động hải quân và không quân của mỗi nước. Một sự kết hợp của chiến lược tham gia và bảo hiểm rủi ro, dựa trên một trật tự quốc tế có nền tảng pháp trị, sẽ làm cho chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tốt hơn so với việc đối đầu hoặc nhượng bộ.

Châu Á và thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Việc hình thành những tổ chức đa phương mới để hợp tác gìn giữ an ninh, cùng lúc duy trì những liên minh song phương hiện hữu, sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy lợi ích an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực và giảm chi phí kinh tế và các tốn phí vô hình khác để bảo đảm an ninh. Nó sẽ làm giảm độ mất lòng tin, mở không gian mới cho sự hợp tác giữa các nước lớn để giải quyết vấn đề an ninh chưa giải quyết xong như tranh chấp ở Biển Đông và chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, đồng thời cung cấp một phương tiện để huy động các nguồn lực quốc tế cho những hợp tác an ninh không theo lối cổ.

Một số quốc gia châu Á đang đối đầu với các vấn đề xã hội và chính trị như đô thị hóa quá nhanh, gia tăng ô nhiễm, bất bình đẳng thu nhập tăng cao, và những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng. Hoa Kỳ có truyền thống là một nhân tố điều hợp những nỗ lực trong khu vực, là một nguồn đầu tư, đặc biệt về mặt xã hội dân sự, và như là một mô hình cai trị dân chủ. Hoa Kỳ nên tiếp tục giữ vai trò hướng dẫn khi được yêu cầu, và hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự để phát huy giá trị của dân chủ và thị trường tự do, trong khi tránh lớn lối và can thiệp vào nội bộ của các quốc gia châu Á một cách không cần thiết. Mỹ nên tăng cường trao đổi văn hóa và giáo dục, và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức tư nhân trong việc sử dụng “quyền lực mềm”.


Kết quả và Đề nghị

Cuộc bầu cử 2016 tại Hoa Kỳ đã trở thành một thời điểm và tín hiệu trong tiến trình tiến hóa của sự tham gia với thế giới và cam kết với trật tự quốc tế mà Mỹ đã có công xây dựng. Đồng thời, với 60 phần trăm dân số toàn cầu và một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, tầm quan trọng chiến lược đang tăng của châu Á là điều không thể phủ nhận được. Ở đây, chúng tôi chỉ tóm tắt một số ít trong những vấn đề nổi cộm trong ba phiên họp tiểu khu vực châu Á tại Bangkok, Colombo, và Seoul. Sau đây là một số đề nghị cụ thể mà chúng tôi, ba Chủ tịch người Á châu của dự án, cảm thấy là quan trọng nhất. Ngoài những vấn đề và những đề nghị này, những chương tiếp theo của tập báo cáo này sẽ đi vào một cách chi tiết hơn về những quan ngại của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ quan trọng nhất đối với cả ba tiểu khu vực. Nếu Tổng thống thứ 45 và Quốc hội của Hoa Kỳ nhiệm chức vào tháng Giêng 2017 thông qua những đề nghị này, chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với châu Á, nói chung, sẽ cải thiện và phát triển thịnh vượng.

1. Duy trì sự hiện diện mạnh mẽ, bền vững và nhất quán của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tổng thống và chính quyền Hoa Kỳ kế nhiệm nên tiếp tục và khai triển chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Obama đối với châu Á. Giảm thiểu tham gia ở châu Á của Hoa Kỳ sẽ gây nhiều bất lợi cho lợi ích của hầu hết các nước châu Á cũng như của Hoa Kỳ. Bất kỳ suy giảm uy tín náo của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các quốc gia châu Á hướng đến sự tự vệ trong lĩnh vực an ninh và kích hoạt những bất ổn lớn của trật tự ở khu vực.

2. Hỗ trợ cấu trúc khu vực và các tổ chức châu Á. Trong khi quan hệ song phương là quan trọng, cơ chế đa phương và ngoại giao nhằm thúc đẩy sự liên kết hơn nữa giữa các nước châu Á là điều rất cần thiết cho chính sách tái cân bằng của Mỹ. Hoa Kỳ cần hỗ trợ sự liên kết của khối ASEAN, coi ASEAN là trung tâm, và các tổ chức của ASEAN (APEC, ARF, EAS, ADMM+, và AEC). Mỹ nên hỗ trợ nhiệm vụ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu, bằng cách tham gia hoặc thông qua hợp tác và tham gia một cách xây dựng, cùng lúc hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ để cung cấp những điều kiện hấp dẫn hơn cho sự phát triển cơ sở hạ tầng phẩm chất cao tại châu Á.

3. Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hoa Kỳ phải tiếp tục duy trì một trật tự kinh tế tự do ở châu Á dựa trên những định chế pháp trị. Mỹ không nên phản ứng với một nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bằng những chính sách theo chủ nghĩa dân tộc hoặc bảo hộ hẹp hòi. Không phê chuẩn Hiệp định TPP, nền tảng của hợp tác kinh tế tương lai của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ làm cho người châu Á nghi ngờ sức mạnh bền bỉ của Mỹ trong khu vực.

4. Suy nghĩ lại chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Chương trình và hoả tiễn hạt nhân của Bắc Hàn là một mối đe dọa có thể xảy ra hơn bao giờ hết. Chỉ trong một vài năm nữa, nước CHDCND Triều Tiên sẽ có khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ bằng hoả tiễn xuyên lục địa vũ trang hạt nhân (ICBM). “Sự kiên nhẫn chiến lược” của Hoa Kỳ đã thất bại. Sau khi cứng rắn trừng phạt về mặt kinh tế, Hoa Kỳ cuối cùng đã phải bắt đầu các cuộc đàm phán với Bắc Hàn để tìm một giải pháp lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng cho sự bất ổn chính trị bất ngờ ở CHDCND Triều Tiên, và tiếp tục tham vấn với những nước liên hệ, trong đó có Nam Hàn và Trung Quốc.

5. Theo đuổi một sách lược cân bằng đối với Trung Quốc. Khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy như một sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ phải chống lại sự cám dỗ của những chính sách hay tu từ phân cực. Các nước châu Á đánh giá cao sự hiện diện kinh tế và mặt an ninh của Mỹ, nhưng họ không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Sự kết hợp của sự tham gia chiến lược và lập rào cản rủi ro là một chính sách tốt hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thay vì một chính sách đối đầu hoặc nhượng bộ.

6. Phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Mặc dù Hoa Kỳ đang tuân thủ UNCLOS như một một luật pháp quốc tế, việc Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu vị trí của Hoa Kỳ ở Biển Đông và trên trường luật pháp quốc tế, nói chung. Hoa Kỳ nên tiếp tục những chiến dịch tự do di chuyển trên biển và khuyến khích các nước khác như Nhật Bản và Australia cùng thực hiện FONOPS của riêng họ để làm cho hoạt động đó có tính đa phương hơn.

7. Hợp tác với Ấn Độ để giải quyết an ninh ở Nam Á. Vì nó đưa Ấn Độ vào một vai trò lớn hơn trong lĩnh vực an ninh châu Á, Washington phải làm việc với Delhi để phát triển một phương pháp điều hợp nằm chống khủng bố, khuyến khích Pakistan ứng xử chính trị ôn hoà, và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực trong tiểu lục địa Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.
8. Đừng bỏ rơi Afghanistan. Sự rút lui hoàn toàn khỏi Afghanistan là một quyết định không khôn ngoan. Cai trị kém thường là cái nôi nuôi khủng bố và bất ổn, và để đối phó với những bất ổn như vậy, Mỹ phải tiếp tục thúc đẩy chế độ pháp trị, xây dựng xã hội dân sự, và hỗ trợ bằng các biện pháp kinh tế và phát triển làm tăng năng lực quốc gia của Afghanistan để cai trị một cách hiệu quả và để bảo vệ được an ninh riêng của họ.

9. Tiếp tục giữ một vai trò hàng đầu trong lãnh vực an ninh không theo lối cổ. Nói chung, các quốc gia châu Á chậm hơn so với Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức về an ninh như biến đổi khí hậu, cứu trợ nạn nhân của thiên tai, của khủng bố và vì thiếu lương thực. Hầu hết các nước châu Á hoan nghênh khả năng chuyên môn của Mỹ trong lãnh vực viện trợ nhân đạo, ứng phó trước thiên tai và giải quyết tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu, và họ muốn Hoa Kỳ tiếp tục dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực an ninh này.

10. Tiếp tục khuếch trương “quyền lực mềm”. Không có quốc gia nào trên thế giới có thể so với với ảnh hưởng của “quyền lực mềm” của Mỹ ở châu Á. Hoa Kỳ có thể tăng cường lực lượng tự do và hiện đại hóa ở châu Á bằng sự thể hiện ảnh hưởng độc đáo của mình trong quan hệ đối tác với các sáng kiến ​​địa phương thay vì áp đặt một nghị trình với và can thiệp vào nội bộ của các quốc gia trong khu vực. Cuộc hiện đại hóa chính trị do chính người châu Á chủ động sẽ nâng cao vị thế chính trị của Mỹ và thúc đẩy các mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ về lâu về dài. Mỹ nên tiếp tục phát triển mối quan hệ giáo dục và văn hóa với châu Á, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và đổi mới công nghệ, và làm gương như là một mô hình cai trị tốt bằng cách xây dựng năng lực và chia sẻ những tập quán tốt nhất.


http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2016/11/TAFs-recommendations.jpg
10 đề nghị của TAF với Tổng thống thứ 45 và lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment