3/19/2017

Trung Quốc: Nỗi ám ảnh của người Việt

Dân Ý
3/19/2017


Thương lái Trung Quốc

“Thời Việt Nam Cộng Hoà, cù lao Cái Bè là trung tâm xuất cảng trái cây sang các nước Nhựt Bổn, Đài Loan, Hương Cảng v.v…Nhất là chuối không bao giờ bị ế hàng. Anh Chệt không có cửa mà mua. Còn bây giờ chuối chỉ xuất khẩu qua Trung cộng. Nếu anh hàng xóm ‘4 tốt-16 chữ vàng’ bẻ chĩa không mua thì mình đem về ép mỏng phơi khô để dành ăn trừ cơm, cũng đâu có mất mát gì đâu phải không, thưa quý bà con nông dân quốc nội?”

Đây là chia sẻ của một vị thính giả ở hải ngoại gửi đến những nông dân trồng chuối tại Việt Nam, sau khi nghe thông tin thương lái Trung Quốc ngưng mua mặt hàng này khiến cho họ bị rơi vào tình cảnh điêu đứng, cũng như nhiều nông dân khác phá sản vì trồng chanh dây lấy giống từ Trung Quốc.

Một vài thính giả nhắn tin cho Hòa Ái rằng dòng chia sẻ vừa rồi nghe có vẻ thật là chua chát cho số phận của nông dân Việt Nam, luôn bị cuốn vào vòng xoáy thương trường do thương lái từ Trung Quốc bày vẽ ra mà chính những nông dân siêng năng, cần cù này lại không bao giờ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Hòa Ái cũng ghi nhận có không ít thính giả lên tiếng “Tại sao nông dân Việt Nam cứ hết lần này rồi đến lần khác để thương lái Trung Quốc lừa?” Họ liệt kê nào là dưa hấu, là bắp cải là đĩa…đã bao lần khiến cho nhà nông Việt Nam tay trắng. Nhưng người nông dân vẫn không học được bài học kinh nghiệm nào, lại cứ chui cổ vào tròng. Và những vị thính giả này đặt câu hỏi “Phải chăng là lỗi của họ?”

Tuy vậy, rất nhiều thính giả RFA khẳng định lỗi thuộc về Chính phủ Việt Nam. Thính giả Minh Quy nói rằng:


Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm.
– Thính giả Minh Quy

“Nguyên do là xây dựng nền tảng kinh tế yếu kém và thiếu kế hoạch trong dự báo thị trường cùng với chính sách của chính phủ… Điều này lập lại rất nhiều lần và không một người nào của chính phủ chịu trách nhiệm”.

Song song với thông tin nông dân quốc nội đối mặt khó khăn vì trồng chuối và trồng chanh dây Trung Quốc thì Việt Nam nhập khẩu rau quả, trị giá đến 2 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Và nguồn hàng này nhập từ Trung Quốc được tiên liệu sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa, do mức thuế suất là 0%. Thính giả Nguyễn Thanh Long bày tỏ:

“Với cách thức làm ăn ‘sống chết mặc bây, tiền ông bỏ túi’ ở Việt Nam thì người dân không thể sống nổi. Môi trường thì tan hoang và nhiễm độc. Đại đa số dân chúng vẫn chủ yếu bán sức lao động để lấy cái ăn, cái mặc. Tình trạng mua đất, xây cất trái phép, lập phố người Trung Quốc. Đất đai, lãnh thổ đang mất dần theo phương thức loang da báo đang xảy ra khắp ba miền Bắc-Trung-Nam…Ôi, không hiểu Dân tộc và Tổ quốc Việt nam liệu còn tồn tại được bao lâu nữa đây?”

“Phố Tàu” xây tại Đà Nẵng?

Bên trong công trình đang xây dựng này còn có đường xá, đèn điện, quảng trường thu nhỏ.Courtesy of baogiaothong.vn

Trong tuần qua, thông tin một công trình đang xây dựng bí mật tại Đà Nẵng vừa bị phát hiện khiến dư luận hoài nghi rằng khu “Phố Tàu” sắp mọc lên ở thành phố trọng điểm miền Trung hay không? Những du khách Trung Quốc đã được một hướng dẫn viên du lịch, thuộc Công ty Overseas Travel Đà Nẵng, hướng dẫn tham quan một “khu phố” xây dựng trái phép trong nhà kho của Công ty VietMay Home, ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Người hướng dẫn viên đó đã bị xử phạt hành chính vì là hướng dẫn viên du lịch “chui”.

Còn công trình xây dựng không có giấy phép này được giới chức địa phương cho biết là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liên hợp Thế Duy thuê đất để xây Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam. Hiện, công trình đã bị đình chỉ xây dựng. Thính giả Ha Tran đề nghị cơ quan chức năng Đà Nẵng nên cưỡng chế, đập bỏ để làm gương vì doanh nghiệp xây dựng trái phép như thế là quá xem thường pháp luật. Trong khi đó, một số thính giả nhận xét “Đây là công trình được xây đúng quy trình của lãnh đạo tham nhũng tại Việt Nam. Và cứ chờ mà xem!”

Tượng đài tử sĩ Gạc Ma

Nhiều người dân Việt Nam, trong tuần qua, hồi hộp rồi có phải công trình xây dựng bí mật ở Đà Nẵng sẽ là một khu phố của người Trung Quốc hợp pháp trong tương lai, trong khi rất nhiều khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do tỏ ra hài lòng trước thông tin Khu tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma với biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, được xây ở Khánh Hòa, sắp hoàn thành.

“Hoan nghênh và ủng hộ. Việc này nên làm và đáng làm. Chỉ mong có một điều đừng mượn công trình này để thò bàn tay lông lá của tham nhũng vào ăn chia. Hãy trong sáng trong việc làm để hương hồn các Liệt sĩ Gạc Ma mỉm cười nơi chín suối.”

“Dù muộn còn hơn không, có nơi để đồng bào ta thắp nhang tưởng nhớ 64 chiến sĩ Việt Nam ôm cờ chịu trận để cho quân lính của Trung Quốc ung dung tha hồ diễn tập.”

“Cũng trông làm cho mau hoàn thành để người Việt có nơi mà tưởng niệm những tử sĩ đã ngã xuống trước họng súng xâm lược của kẻ thù phương Bắc, chứ không riêng gì sự kiện Gạc Ma.”

Tuy nhiên cũng có những quan điểm trái chiều như các ý kiến sau đây:

“Dân chúng tưởng niệm và biểu đạt thì không cho. Xây lên làm gì cho tốn kém?”

“Xây xong rồi có cho bà con đến thắp nhang tưởng niệm họ không? Hay lại cấm như ở Tượng đài Lý Thái Tổ?”

“Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ ngã xuống ở biên giới, hải đảo bị Trung cộng giết hại.”


Người dân đặt hoa và thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma. Ảnh chụp hôm 14 tháng 3 năm 2016 ở Hà Nội. AFP photo



Liên quan đến thông tin những người đi thắp hương tưởng niệm những người lính Việt Nam đã bất khuất hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 và trận Gạc Ma năm 1988 với Trung Quốc bị ngăn cản, đánh đập và bắt bớ, thính giả lấy tên Vô Danh đặt câu hỏi rằng:

“Tôi không biết mấy năm về trước có nhiều người Việt quan tâm đến việc tưởng niệm như bây giờ không?”

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, Hòa Ái xin được thưa những gì thuộc về lịch sử dù không được nhắc đến hay thậm chí bị cấm đoán với mục đích nào đó, chẳng hạn người dân Việt Nam thường được nghe lời giải thích từ chính quyền rằng “không có lợi cho quốc gia”, thì luôn không đồng nghĩa tất cả dân chúng lãng quên lịch sử của dân tộc. Hòa Ái được dịp trao đổi với những nhân viên, cán bộ làm việc trong ngành truyền thông chính thống của Việt Nam và được cho biết họ luôn luôn nhận chỉ thị không được đưa tin tức “nhạy cảm”, trong đó có những thông tin liên quan đến các cuộc chiến với Trung Quốc và chỉ được đưa tin trong phạm vi cho phép.

Người dân trong nước luôn tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân tất cả những anh hùng vị quốc vong thân trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 ngàn năm văn hiến của Việt Nam.


Xây lên cốt để mị dân thôi, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mà có tâm tưởng nhớ thì đã không ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và đánh đập người dân đi thắp hương tưởng niệm các vong linh liệt sĩ …
– Thính giả

Và một điều không thể chối cãi, những hình ảnh người dân đi thắp hương tưởng niệm bị gặp trở ngại, bị ngăn cản, bị quấy rối, hay thậm chí bị đánh đập, bắt bớ ngày càng được truyền tải rộng rãi qua các trang mạng xã hội khiến dư luận thắc mắc liệu rằng nếu không có internet thì những tin tức như thế sẽ bị bưng bít đến bao giờ?

Theo RFA

No comments:

Post a Comment