8/13/2016

Quảng Bình! Mắt Đã Mở Đừng Nhắm Lại



Quảng Bình! Mắt Đã Mở Đừng Nhắm Lại

Bùi Hồng Lĩnh


Quảng Bình đang mở bừng đôi mắt
Trên bao la xanh ngắt, không gian vẫn lặng như tờ
Nhưng sao trong đôi mắt em hôm nay
bầu trời lại đầy hình bóng địch

Trên bờ cát trắng ngày nào
Trên mặt sóng mênh mông
Đôi mắt em lại tràn ngập những con thuyền ma quái hung hăng

Em ơi đừng nhắm mắt

Biển là bờ giam em hôm nay
Bờ cát trắng là bờ giam em ngày mai, ngăn những chuyến ra khơi
Những đợt sóng gào vào bờ như những tiếng than đã mất linh hồn
Như tiếng lao xao của người cai ngục
Dân ta chẳng lẽ chịu tù đầy

Rừng xanh cũng đêm đêm rền lên tiếng hú
Những đám lúa đêm nay cũng rền vang tiếng hú
Một Quảng Bình tang thương
Đêm và ngày núi và rừng
Biển và đất
Cá và em
Đang giẫy lên những lời u uất
Trong tù ngục bốn bên đất trời vây hãm
Em dừng lại bờ Đông, bờ đang tràn đầy thuyền địch
Anh dừng lại bìa Tây, rừng đang hú tiếng người ngoại xứ
Em dừng lại Hà Tĩnh, Vũng Áng chặn đôi chân em tiến về phương Bắc
Anh dừng lại xuôi Nam, kẻ thù đang vươn vai hăm hở

Anh ơi đừng nhắm mắt
Để còn thấy trên cao, khung trời thu hẹp vẫn còn xanh
Xanh đến ngày nào?

Đêm nay người Quảng Bình thao thức khơi lại năm xưa
Đêm nay em nằm trên cát, tay không còn vũ khí, em với lên cao
Nhặt vào buồng ngực
Áp vào trái tim
Những giọt sương mặn ngày xưa
Những oai khiên của một đời tranh đấu
Những bức tranh hoan ca của một đời hứa hẹn
Nay bốn bề kẻ thù vây hãm
Em nhớ âm thầm bài hát xung phong

Em ơi đừng nhắm mắt
Đêm có âu lo, em ơi đừng ngủ nữa
Giấc ngủ đã lâu, Quảng Bình ơi quê em cần trời sáng
Nắng có chói lòa đôi mắt, em ơi đừng lo ngại
Mắt nhắm đã lâu, phải quên đi bóng tối.
Quảng Bình ơi, dân ta cần anh nhìn cho rõ

Hãy quen với ánh sáng, dù ban đầu nao núng
Măt phải mở để thấy đời tang tóc
Tai phải nghe để biết sóng thương bờ
Cá đã chết để cho dân mình biết sống
Em và anh, giữ đất Quảng muôn đời

Em và anh, giữ đất Quảng muôn đời



Bài hát tuyên truyền "Quảng Bình Quê Ta Ơi" đã làm CSVN lộ mặt thật sự phản bội người dân


Bùi Hồng Lĩnh
7/2016





Trên 40 năm trước, CSVN đã cho phát thanh bài "Quảng Bình Quê Ta Ơi" hàng ngàn lần để khích động thanh niên (phía trên cầu Hiền Lương, trên vĩ tuyến 17 chia ranh giới Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Sản), tiếp tục hy sinh mạng sống cho cuộc chiến ủy nhiệm của Trung Cộng và Liên Sô (Lê Duẩn: Ta đánh đây là đánh cho Trung Hoa và Liên Sô). Chắc vài người lính VNCH trước 1975 đã có lần nghe tiếng hát lanh lảnh trong đêm khuya bài này đang lúc chiến tranh đang trong thời khốc liệt, và 2 câu khiến người nghe phải nghĩ ngợi, đó là "ôi! chị dân quan canh gác ven biển, và Ôi! anh lính chiến canh giữ bầu trời" - mặc dù tính cách không thực của nó, vẫn là một hình thức tuyên truyền để đẩy dân vào chỗ chết. Quảng Bình là một nơi gần đường mòn Hồ Chí Minh nhất từ biển và có lẽ là mục tiêu cho những chuyến ném bom bằng B-52 của Hoa Kỳ thời đó. Và máy bay B-52 phải bay từ phía biển vào đất liền, nên bài hát cho mấy anh chị dân quân đứng ngoài bờ biển canh gác để nếu thấy máy bay B-52 bay trên trời thì báo cáo. Nhưng sự thực thì B-52 bay thật cao, mắt thường không nhìn thấy được cho đến khi gần đến mục tiêu cho nên có canh gác thỉ cũng không bao giờ thấy máy bay B-52 trên trời. Hơn nữa, khi B-52 cất cánh từ vị trí thì có lẽ Rada của Liên Sô đã biết và báo cho CSVN rồi. Đó là lý do bài hát này chỉ có tính cách tuyên truyền đến với những thành phần thanh niên bị bịt mắt bịt tai.

Hai câu trên, nếu áp dụng cho ngày hôm nay, thì thật là mỉa mai vì nó đem ra sự thất bại hoàn toàn của CSVN sau 70 năm quản trị đất nước trên vĩ tuyến 17 cũng như sau 40 năm quản trị hoàn toàn đất nước, vì bầu trời và bờ biển Quảng Bình (cũng như Hà Tĩnh) bây giờ, hay sẽ không còn thuộc về người dân Quảng Bình nữa. Nói cách khác, người Hoa cộng và Đài Loan đã chiếm ngự vùng biển phía trên Quảng Bình tối thiểu 70 năm nữa mà người dân Việt Nam không thể lai vãng, và nếu có canh giữ bầu trời hay bờ biển của ngày xưa, thì cũng là để chống lại sự xâm nhập của Hoa cộng, những người mà trên 40 năm xưa đã đẩy CSVN vào cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa Cộng sản.

Bài viết này xin gửi người dân Quảng Bình, những người không nhiều thì ít, cũng đã nghe đến bài hát này mà hy sinh cho một chủ nghĩa bây giờ đã thất bại hoàn toàn trong Việt Nam. Chúng tôi cũng xin chia sẻ tinh thần đấu tranh mấy tháng nay của Quảng Bình trong những ngày biểu tình đòi đất, đòi biển, đòi được bồi thường nhưng lại bị CSVN đàn áp khiến người dân phải đổ máu. Vì Quảng Bình là vùng đất tiêu biểu đã được CSVN dùng để tuyên truyền, cho nên trong bài này, khi nói đến biển Quảng Bình thì cũng như nói đến những vùng Biển Việt Nam, và nói đến rừng Quảng Bình thì cũng như nói đến những vùng rừng núi Việt Nam.

Sau đây, chúng tôi xin đăng lại bài hát "Quảng Bình Quê Tôi Ơi" và một vài nhận xét với những sự kiện đang xẩy ra trong Quảng Bình mà người Quảng Bình đang phải gánh chịu. Nếu bạn đọc có đăng lại nơi nào, xin đăng nguyên văn và toàn bài, để tránh hiểu lầm là quảng cáo cho CSVN (bài hát được viết bằng chữ in nghiêng.

Quảng Bình Quê Ta Ơi


Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới
Rằng : có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi
Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt
Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa


Năm nay 2016, trên 40 năm sau khi bài hát này ra đời, đời sống người dân Quảng Bình đang cơ cực hơn. Chỗ nào đâu sẽ là những nhà “ngói mới”, là những “đồng lúa tốt” hay chỉ là những hứa hẹn không bao giờ thành sự thực, những lời hứa đã bị bội ước. Bây giờ người dân sẽ hỏi vì sao đời sống của người dân Quảng Bình nên nông nỗi này để họ phải tính đến việc bỏ xứ ra đi để kiếm sống. Đồng lúa có thể còn có lúc xanh tươi, nhưng nguồn sống chính của dân Quảng Bình là hải sản thì đã bị đầu độc.

Quảng Bình (Khoan khoan hò khoan)
bao mến thương (Khoan khoan hò khoan)
Đã mười năm rồi quê ta bao đổi thay rồi (Khoan khoan hò khoan)
Từ biển xanh (Khoan khoan hò khoan)
đến rừng núi xanh (Khoan khoan hò khoan)
Xinh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan


Bờ biển Quảng Bình bây giờ là mồ chôn của hàng ngàn tấn cá chết, và nước biển đầy chất độc cho đến trên 40 năm nữa. Rừng núi có còn xanh nhưng nhiều nơi người dân Quảng Bình đã không thể lui tới vì đã bị sang nhượng cho Hoa cộng, những kẻ năm xưa thời chiến tranh đã giúp CSVN vũ khí. Những tiếng “hò khoan”, không biết ngày xưa đã có chưa, nhưng bây giờ là những tiếng gào thét của người dân Quảng Bình đang đòi lại quyền sống, quyền đất đai, trong sự bịt miệng, đàn áp của CSVN, những người mà trên 40 năm trước đã hứa hẹn dân Quảng Bình hãy hy sinh cho một tương lai rực rỡ. Những sự hứa hẹn không đưọc thực hiện.

Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê
Ơi chị dân quân canh gác ven biển
Ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời
Mỗi ngày quê ta trưởng thành
hạt giống cách mạng đã nảy mầm xanh tươi
Quảng Bình quê ta ơi !

Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu qúy


Quảng Bình trưởng thành hay Quảng Bình đang dẫy chết, đang thê lương. Dân Quảng Bình đang cố gắng bám lấy nơi chôn nhau cắt rốn nhưng nguồn sống, nguồn sinh kế chính đã bị hủy hoại, bị tước đoạt một cách dã man không thương tiếc của những người nước ngoài với sự đồng tình và bao che của CSVN. Chị dân quân ngày xưa canh gác ven biển, hôm nay lại canh gác để phát hiện những người ngoại quốc Hoa cộng đang bóc lột họ, đổ bến Quảng Bình. Và anh lính chiến, bầu trời mà anh muốn canh gác, để phát hiện ai? Có phải là để phát hiện máy bay Mỹ không? Hay là những máy bay của Hoa cộng? Trên 40 năm sau ngày “giải phóng”, anh lại tự nguyện canh giữ biển, giữ bầu trời để chống lại những người lãnh đạo và đồng bọn của họ, đang chiếm lĩnh và hủy hoại quê hương yêu quý của mình.

Quảng Bình quê ta ơi !
Muôn người như một gửi về Trịnh Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà
Có ai về Đại Phong xin vô ghé thăm vùng bến Tiến
Tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn


Người Quảng Bình đã gửi về Trịnh Thiên tấm lòng sắt son từ nhiều năm trước vì bị sự tuyên truyền của những người lãnh đạo, và hôm nay, tay cuốc khai hoang sẽ lại bắt đầu lại từ đầu, có thể không còn ở Quảng Bình nữa, mà ở nơi xa xôi nào đó. Quá khứ không những đã nghèo nàn, mà tương lai không những vẫn còn nghèo nàn mà còn mang nặng nỗi uất hận vì bị CSVN phản bội. “Chiến thắng”, là chiến thắng ai? Chiến thắng được cái gì? Và “chiến thắng” để 40 năm sau Quảng Bình phải đối diện với sự thực phũ phàng như ngày nay?

Có ai về Quảng Phú vui nghe tiếng hò kéo lưới
Hợp tác chung trời chung biển cá tươi đầy khoang
Vẻ vang thay (Khoan khoan hò khoan)
bao tấm gương (Khoan khoan hò khoan)
Bám biển đêm ngày (Khoan khoan hò khoan)
Đồng luá xanh (Khoan khoan hò khoan)
với hàng cây xanh (khoan khoan hò khoan)
Vui trên bến thuyền ngược xuôi giữa dòng
Nhật Lệ như những con thoi suốt ngày từng đoàn xe đi


Đau xót thay cho người Quảng Bình, tiếng “hò kéo lưới” đã bị tước đoạt hẳn và thay vào đó, hôm nay, ngày mai, anh sẽ kêu gào đòi CSVN phải trả đất, trả biển xanh lại cho họ. Vẻ vang thay hay uất hận thay? Người Quảng Bình có muốn bám biển đêm ngày cũng không được nữa. Họ đã bị bức tử, biển xanh đã là những nguồn thuốc độc trong thật nhiều năm. Còn ai dám “vui trên bến thuyền ngược xuôi giữa dòng” vì đã có nhiều tầu đánh cá của dân Quảng Bình đã bị tầu Hoa cộng theo đuổi và đánh đắm.

Ơi chị thanh niên phơi muối ven biển
Ơi anh công nhân đắn gỗ trên rừng
Lứa tuổi thanh xuân hai mươi tuổi đời
cùng với quê hương lớn lên rồi cả cuộc đời mới


Hôm nay chị thanh niên ngày xưa hay con cháu chị làm sao dám phơi muối ven biển vì muối đầy cặn bã của chất độc thải ra từ những lò máy làm thép của Formosa sẽ giết dần mòn những người ăn phải muối này. Chị thanh niên chắc chắn phải nhớ lại những ngày xưa, CSVN đã thi vị hoá cuộc đời của chị và những anh thanh niên. Bây giờ anh có dám vào rừng mà người ngoại quốc Hoa cộng đang làm chủ thuê 50 năm, để đẵn gỗ không? Tuổi thanh xuân của người Quảng Bình đã lãng quên và bị bạc đãi như những đống tro tàn, như những cụm rong rêu chết dạt vào bờ vì bị chất độc.

Quảng Bình quê ta ơi !
Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu qúy
Quảng Bình quê ta ơi !
Muôn người như một gửi về Trịnh Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà


Dân Quảng Bình ngày nay có còn nghĩ là mình đã chiến thắng “kẻ thù sau vĩ tuyến 17, sau cầu Hiền Lương” nữa hay không? Quảng Bình đã tỉnh giấc mộng “chiến thắng về trong một nhà” chưa? Khi những người lãnh đạo họ đã chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng viên CSVN mà quên đi cái mục đích “toàn dân hạnh phúc, ấm no”, một bánh vẽ mà đến nay người Quảng Bình chắc đã nhận biết.

Có ai về Rào Nam xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm
Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu
Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió
Truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây

Anh và chị hôm nay nếu có đứng ở “làng chiến đấu, chốn xưa”, nơi mà CSVN gọi là “nơi đầu sóng gió”, anh có thấy làng anh có đang “đổi mới muôn mầu” hay không? Hay chỉ còn lại một mầu thê lương, một mầu tang tóc khi người dân Quảng Bình có thể sẽ phải rời bỏ làng quê để tìm nơi khác sinh sống. Biển đã chết, cá đã hết, rừng đã bị ngăn cấm, muối biển đã bị độc hại; anh chị phải cho CSVN biết, ở lại, anh chị sẽ sống bằng cách nào? Anh chị cho CSVN biết, cái gọi là “truyển thống đánh giặc giữ làng” ngày xưa tại sao lại mang lại một kết quả bi thảm như ngày hôm nay.

Dòng sông Giang (Khoan khoan hò khoan)
với hàng dương (Khoan khoan hò khoan)
Đời đời hát ca tên anh, những người anh hùng (Khoan khoan hò khoan)
Có còn nhớ chăng (Khoan khoan hò khoan)
những ngày kháng chiến (Khoan khoan hò khoan)
Đêm đêm ngóng chờ tin thắng trận bến Xuân Bồ
Ôi ! nhớ sao các mẹ các anh chị dành gạo nuôi quân


Đời đời nhớ tên anh? Ai nhớ tên anh, tên chị của những ngày “kháng chiến”? Kháng chiến, một từ ngữ rất đẹp, rất hùng tráng và cũng rất quyến rũ để CSVN lợi dụng và lạm dụng để kêu gọi dân Quảng Bình hãy tiếp tục hy sinh, để hoàn thành sứ mạng mà Lê Duẩn gọi là “Ta đánh đây là đánh cho Trung Cộng, cho Liên Sô”. Không còn ai nhớ tên anh chị khi anh chị đã bị tước đọạt đi cái phương tiện sống cho gia đình, cho tương lai của con cháu, và sẽ phải tha phương cầu thực, hoạc cố ở lại thì cũng đối diện với cái khổ cực và nghèo đói hơn xưa.

Ơi ! chị dân quân canh gác ven biển
Ơi ! anh chiến sĩ canh gác bầu trời


Ôi! Đã bao người dân Quảng Bình ngày xưa đã chết vì 2 câu trên? Và ngay hôm nay, máu người dân Quảng Bình đang đổ trong những cuộc biểu tình để đòi lại biển sạch và để đòi lại vùng trời của Hoàng sa, Trường Sa, và nhất là vùng trời Vũng Áng, vùng trời bờ biển Quảng Bình, nơi mà dưới lòng bầu trời đó, đã mất đi sự sống của cá tôm Quảng Bình, của người Quảng Bình. Quảng Bình bây giờ thực sự muốn canh gác ven biển và muốn canh gác bầu trời chống lại sự xâm phạm của Hoa cộng với sự đồng loã của CSVN, chứ không phải chỉ canh gác giả tạo như bài thơ đã tuyên truyền.

Mỗi ngày qua quê ta trưởng thành
hạt giống cách mạng đã nảy mầm xanh tươi
Quảng Bình quê ta ơi !
Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu qúy
Quảng Bình quê ta ơi !
Muôn người như một gửi về Trịnh Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà


“Một mùa thu năm xưa cách mạng tiến ra”, đó là lời của một bài hát tuyên truyền của cuộc “Cách mạng mùa thu tháng 8, 1945 sẽ đem lại độc lập, hạnh phúc và cơm no áo ấm cho toàn dân” mà CSVN đã gieo vào đầu người dân trên 70 năm nay. Đến nay, người Quảng Bình, và người Việt Nam đã đạt được những gì? Người dân Quảng Bình hãy cho CSVN biết câu trả lời, và người dân Việt Nam đang sống trong sự quản trị của CSVN hãy cho CSVN biết câu trả lời.

BHL

No comments:

Post a Comment