8/14/2016

Tại sao họ thành người thô lỗ?

Ngô Nhân Dụng
8/12/2016

Quán Ngọc Quý ở Ðà Nẵng phải tìm cách từ chối khéo các du khách Trung Quốc; nhưng đó không phải là một trường hợp hiếm hoi. Những du khách này đã nổi tiếng khắp thế giới khi họ tràn ra ngoài lục địa đi “tham quan” thế giới. Năm ngoái có 120 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng 12% so với năm 2014. Họ chi tiêu 104 triệu đô la Mỹ, tăng 17%. Nơi tiếp đón số du khách này nhiều nhất là Nam Hàn. Một địa điểm được nhiều người thăm viếng là Ðại Học Ewha. Ngôi trường “Lê Hoa Nữ Ðại” này do các nhà truyền giáo Mỹ thành lập từ năm 1886, hiện nay là đại học lớn nhất thế giới dành riêng cho phụ nữ, và cảnh trí rất đẹp.

Nhưng các du khách Trung Hoa đã để lại cho ngôi trường nhiều ấn tượng xấu. Họ coi trường học cũng giống bất cứ điểm du lịch nào khác, họ đi lại khắp nơi, cười nói, chụp ảnh kỷ niệm. Họ vào cả thư viện, ngó ngắm chưa đã còn chụp hình dù các sinh viên đang cắm cúi ngồi đọc sách hay làm bài. Sinh viên than phiền, nhà trường phải bàn nhau tìm cách đối phó. Họ dựng một bảng cáo thị ngoài cửa: “Ðây là lối ra vào dành cho học sinh và nhân viên. Quý vị ‘nhân sĩ’ người ngoài xin dùng lối đi khác.” Ngoài chữ Hàn Quốc, tấm bảng còn viết thêm chữ Hán, du khách Tàu đọc chắc cũng cảm thấy hài lòng vì được gọi chung là nhân sĩ.

Nhưng không riêng các du khách người Tàu mới có thói quen chụp hình. Một lần chúng tôi đi dạo trong thành phố Seattle ở Mỹ, một người bạn tôi mở máy hình chụp lia lịa. Bỗng nhiên một bà xuất hiện, níu áo anh hỏi: “Tại sao anh chụp hình những người vô gia cư? Anh có xin phép họ không? Anh đã xâm phạm cuộc sống riêng của họ! Anh còn chụp nữa tôi sẽ báo cảnh sát!” Anh bạn tôi phải giải thích, nói rằng anh chụp đủ các góc cạnh trên đường đi, những người homeless cũng giống như những người khác, anh không để ý. Nói vậy, nhưng chúng tôi cũng nhận được một bài học nhớ đời. Phải chú ý đến cách cư xử khi đi ngoài đường!

Một lần khác, tôi đi thăm nước Israel. Tại Bethleem, tới một nơi người ta bảo đó là chỗ máng cỏ đặt Chúa Giê Su khi mới ra đời. Du khách đủ các quốc tịch chen chúc nhau trong cái phòng chật hẹp, nhiều người cũng chụp hình kỷ niệm. Một bà trong đoàn chúng tôi nằm nghiêng bên chỗ máng cỏ nhỏ bé, ngẩng đầu lên cười cho ông chồng chụp hình. Chưa đủ, bà còn xoay mình, ngó và nhoẻn miệng cười theo cách khác. Xong, bà ngồi dậy, lại kêu chụp thêm nhiều kiểu ngồi nữa. Bà chiếm chỗ lâu quá đến nỗi một du khách nổi giận, ông ta nói lớn bằng tiếng Anh: “Get out! Chinese!” (Ði chỗ khác, người Tàu!) Một chuyện ít khi xảy ra khi người Việt bị nhận lầm là người Tàu: Không ai trong đoàn cải chính rằng chúng tôi không phải người Tàu, chúng tôi là Con Rồng Cháu Tiên!

Kể chuyện trên để thấy rằng nhiều khi trong đám đông người Việt mình cũng có những hành vi thiếu văn minh, kém lịch sự, có thể coi là thiếu học, lỗ mãng. Nhưng người Trung Quốc ở lục địa hiện nay bị mang tiếng nhiều nhất. Mỗi năm nước Tàu gửi hàng trăm triệu người đi chơi khắp nơi. Chỉ cần một thiểu số, dưới mươi triệu người, không biết cách cư xử, ăn ở lỗ mãng, cũng đủ làm xấu mặt cả một dân tộc với bốn ngàn năm văn hiến.

Chính người Trung Hoa cũng lấy làm xấu hổ khi thế giới nhìn mình bằng con mắt nghi ngờ, lo tránh xa để khỏi bị xúc phạm vì những hành vi lỗ mãng. Một cuộc nghiên cứu dư luận của nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông đặt câu hỏi: “Tại sao nhiều dân Hồng Kông không thích người Tàu lục địa?” Phần lớn câu trả lời là “Vì hành vi của các du khách Tàu.” Vì vậy, một ký giả báo này đã viết một bài với tựa đề: “Tại sao du khách Trung Hoa thô lỗ?” (Why are Chinese tourists so rude?)

Bài báo viết năm 2013, năm ngoái còn được viết thêm, mở đầu bằng nhận xét về “một số đồng bào” (some compatriots) của ký giả: “Người ta thấy họ hay xô đẩy giành giật, ồn ào, thiếu lễ độ, vô trật tự, và ở đâu cũng thấy họ có mặt.” (They are seen as pushy, loud, impolite, unruly, and they are everywhere). Những bản tin về hành vi thô lỗ của du khách Tàu thường được độc giả tờ báo “đọc nhiều nhất;” và có khi hàng tháng sau vẫn được lên bảng “10 bài đọc nhiều nhất,” chứng tỏ dân Hương Cảng cũng thấy những du khách đó quả là thô lỗ! Vì vậy ký giả này đã phỏng vấn hỏi lý do, với nhiều chuyên gia nghiên cứu du lịch cùng các người hướng dẫn, tất cả đều là người Trung Hoa.

Một nhà nghiên cứu ở Hong Kong Polytechnic University nói rằng hầu hết các du khách “xấu” này không hề có ý làm một người “xấu” hay là làm “du khách” nên mới xấu. Họ thiếu học, cư xử đúng theo cách xưa nay họ vẫn cư xử. Nói cách khác, họ chỉ cư xử như người Tàu! Nói “hầu hết” bởi vì nhiều du khách Tàu không cư xử như vậy, vì họ là những người có học. Trong thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) ở bên Tàu, không trường học nào mở cửa, nhiều du khách lớn tuổi hoàn toàn không được đi học! Bây giờ họ làm ăn khá giả, có tiền đi chơi, nhưng vẫn là những người vô học, thô lỗ.

Hôm trước, Người Việt mới đưa lên mạng bản tin có tựa đề “Giành bàn ăn, hướng dẫn viên Trung Quốc giết người ở Phi Châu.” Anh ta rút dao đâm người, chỉ vì hai vợ chồng này không chịu nhường chỗ ngồi trong quán ăn, ở một điểm du lịch sang trọng, đắt tiền. Mà hai nạn nhân cũng là người Tàu, chắc cũng là du khách cả. Hung thủ là hướng dẫn viên du lịch thì chắc còn trẻ, lớn lên sau thời Cách Mạng Văn Hóa, chắc có được đi học, có thể tốt nghiệp đại học. Cho nên không phải chỉ những người ít học mới có hành vi lỗ mãng, hung bạo.

Hành vi thô lỗ có thể là do tâm trạng hãnh tiến của những người “mới giầu.” Một chuyên viên du lịch người Trung Hoa nhận xét: “Mình không thể nói chuyện phải chăng với những du khách này. Họ nghĩ khi có tiền thì họ muốn làm gì cũng được. Những người này ít học nên họ không quan tâm đến những luật lệ và phong tục của người nước khác.”

Tuy nhiên, thiếu giáo dục và làm giầu nhanh không phải là nguyên nhân chính khiến cho hàng triệu người Trung Hoa trong lục địa có hành vi, cử chỉ lỗ mãng khi ra nước ngoài. Nhà nghiên cứu ở Ðại Học Hong Kong Polytechnic còn nhìn thấy đằng sau đám đông thô lỗ đó là một xã hội đặc biệt, mà có lẽ trong mấy ngàn năm nước Tàu chưa trải qua, cho tới nửa thế kỷ gần đây.

Nguyên nhân lớn là những du khách này chưa bao giờ sống trong một xã hội dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp. Sống trong nước, họ đã tập thói quen “qua mặt luật lệ,” càng làm được nhiều điều trái luật thì càng chứng tỏ mình giỏi, mình đáng mặt “Hảo Hán!” Khi ra ngoại quốc họ vẫn sống theo thói quen đó.

Người dân ở đâu cũng không thích chính quyền, có thái độ chống quyền hành. Nhưng ở các nước tự do, dân chủ, người ta biết chính quyền cũng tôn trọng luật pháp. Dân chống chính quyền, cũng chống đối trong vòng pháp luật.

Ở những nước độc tài, dân biết người cầm quyền chỉ đặt ra luật pháp có lợi cho họ. Có luật lệ tức là có cớ để đè nén dân và cơ hội để bòn rút. Nhiều người dân thấy vi phạm luật lệ tức là mình giỏi! Kể cả luật đi đường! Ở một nước dân chủ tự do, người lái xe đến ngã tư thấy đèn đỏ thì ngừng, dù đi vào lúc 2 giờ sáng, chung quanh không thấy xe nào cả. Họ thản nhiên coi đó là một bổn phận công dân, chứng tỏ mình lương thiện. Trong một xứ độc tài đảng trị thì khác, ai vượt đèn đỏ, qua mặt được cảnh sát, thì coi như đã chứng tỏ mình không sợ, mình không thua gì các quan, mình ngang hàng với nhà nước!

Trong một nước độc tài Cộng Sản, người ta trông thấy cảnh người nhà nước bất chấp luật pháp. Có luật pháp xứ nào mà đi tới đâu cũng phải “bôi trơn” mới xong việc? Có xã hội pháp trị nào mà vô nhà thương là phải hối lộ các bác sĩ, y tá, ngoài tiền chữa bệnh? Có xứ nào mà học sinh phải hối lộ thầy, cô giáo ngay từ khi vào lớp mẫu giáo? Cứ sống như vậy thì mọi người sẽ tập thói quen nhìn cuộc đời như cả một tấn kịch giả dối. Luật lệ đặt ra là để bọn thống trị dè nén và bóc lột mình. Cả cuộc đời là một cuộc chạy đua, mỗi người hãy biết lo lấy phận mình, đừng trông nhờ vào luật pháp và xã hội! Ai phá rào mới là anh hùng!

Ở những nước tự do dân chủ người dân nhìn những “của công” thấy đó là “của mình.” Họ tự nhiên tôn trọng và muốn bảo vệ các nơi công cộng, từ đường sá, công viên, bãi biển, sân banh, hồ bơi cho tới cây cối trồng bên đường, và cả những cây cột đèn. Tinh thần công dân được nuôi dưỡng vì người ta biết đó là của chung, xây dựng lên do tiền thuế mình đóng góp. Sống dưới chế độ độc tài chuyên chế người dân không nghĩ như vậy. Họ coi người cầm quyền là thù địch, là bọn cướp ngày. Cho nên, cái gì bọn chúng muốn bảo vệ thì mình cứ việc phá!

Một lý do khác có thể giải thích tình trạng một số du khách người Tàu lục địa lỗ mãng, giành giựt, ích kỷ, là chế độ Cộng Sản đã phá bỏ cả nền luân lý dựa trên Khổng Giáo. Người Trung Hoa sống ở Ðài Loan, Singapore, Hồng Kông, hay ở các nước khác, vẫn còn dạy con cháu bằng các quy tắc luân lý đã có từ ngàn năm; họ không lỗ mãng và ích kỷ như vậy. Những nước Á Ðông như Nam Hàn, Nhật Bản, vẫn giáo dục trẻ em bằng luân lý Khổng Giáo; họ vẫn biết cách sống hòa mục, lịch sự và được người nước khác kính trọng.

Muốn chấm dứt cảnh du khách ra nước ngoài làm xấu hổ cho cả nước, thì phải thay đổi toàn diện và triệt để. Người Trung Hoa thường nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn,” hoặc “Thượng hành, hạ hiệu,” trên làm, dưới bắt chước theo. Người Việt có câu: Nhà dột từ nóc dột xuống. Muốn thay đổi, phải sửa từ cái nóc. Phải xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị. Khi người dân được sống tự do, dần dần người ta sẽ tập thói quen tự trọng. Các nhà hàng, quán ăn ở nước ta sẽ không phải viết cáo thị: Không tiếp người Trung Quốc! Và các hàng bách hóa ở Nhật không phải niêm yết lời khuyên bằng tiếng Việt: Không được trộm cắp!

No comments:

Post a Comment