6/06/2017

NƯỚC SÔNG CƯU LONG BÂY GIỜ LÀ MỘT MÓN HÀNG TRAO ĐỔI:

Bùi Hồng Lĩnh
6/6/2017

* người viết xin cám ơn Luật sư Trần Đình Hoành đã nêu ra một số nhận định và ý kiến giá trị trong khi trao đổi ý kiến với người viết về đề tài này


TỔ CHỨC HỢP TÁC THƯƠNG MẠI SÔNG MÊ KÔNG?


Một trong những giải pháp trong GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đưa ra trong bài viết có tựa đề “Chỉ đúng nguyên nhân ĐBSCL - đồng bằng sông Cửu Long sạt lở và các khuyến nghị” (đã đăng trong NMVN ngày 3 tháng 6, 2017, nguồn baodatviet ngày 2 tháng 6, 2017) để giải quyết vấn đề “sạt lở” sông Cửu Long, là giải pháp số 9 sau đây:

“… (9) Kiên trì xây dựng một cơ chế sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Cơ chế này cần được quy định bằng một điều ước quốc tế. (tham khảo Công ước Liên hiệp quốc về dòng chảy các sông Vienne 1997, Công ước về sông Rhin của Cộng đồng châu Âu, cải tiến Hiệp định MRC 1995).

Trước mắt, có quy định về việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực. Phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ biến đổi khí hậu trong lưu vực.”

Giải pháp dựa trên luật quốc tế xử dụng nước hay dựa vào Uỷ Ban Sông Mê kông (Mekong River Commission – MRC), một Thoả Thuận được ký kết năm 1995 mà GS Trân gián tiếp nói đến ở trên, không thể thực hiện được vì tính cách “không bắt buộc” những hội viên ký kết Thỏa Thuận này phải tuân theo.

Bốn hội viên chính thức của Uỷ Ban Sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Thái và Cam Bốt thì không ai có quyền phủ quyết nên chẳng ai bảo được ai, cứ lợi cho nước mình hay cho nhóm là xây đập để làm Thủy Điện hay xây những hồ lớn chứa nước Bằng chứng là năm 2013, Lào cứ mặc nhiên tiến hành xây đập Xayabouri mặc cho có sự chống đối của VN và Cam Bốt, và năm 201 cũng bắt đầu xây một đâp nước khác. Còn 2 nước trên thượng nguồn là Miến và Trung Hoa thì không là hội viên của MRC nên họ có xây đập ngăn nước cũng không cần lấy ý kiến của các nước hạ nguồn. Năm ngoái VN thiếu nước trầm trọng, nhờ Trung Hoa nhả đập một thời gian nhưng số lượng nước này lại bị Lào, Thái và Cam Bốt mang về những đập của nước họ nên VN cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Dù những nước hội viên MRC có tranh cãi nhau về xây hay không xây đập, Liên Hiệp Quốc cũng không dính dáng vào những tranh chấp nước sông Cửu Long đựợc vì các đề nghị đều không có điều kiện pháp luật hay luật quốc tế để những nước tranh chấp phải thi hành.

Nhiều quốc gia đã đề nghị những giải pháp hợp tác nhưng không nước nào có những giải pháp đưa ra được tất cả các hội viện MRC đồng nhất chọn lựa, và Việt Nam là nước ở cuối nguồn phải lãnh đủ hậu quả của những chính sách xây đập của 5 nước thượng nguồn với trên dưới 20 đập nước to nhỏ đã và đang xây.

VN đã làm gì để đối phó với tình trạng có thể thiếu nước do các nước thượng nguồn sông Cửu Long giữ nước lại (hay thừa nước nếu các đập trên thượng nguồn đều xả nước ra cùng lúc). Câu trả lời là: không có biện pháp hay giải pháp nào. VN bậy giờ là "con tin" của Trung Hoa và 4 nước thượng nguồn. CSVN đã có thể dựa vào số ngoại tệ khổng lồ từ kiều hối có được từ nhiều năm nay, hay ngăn bớt sự thua lỗ mà ngân hàng nhà nước phải bù vào lên đến hàng chục tỉ Mỹ Kim cho những công ty quốc doanh để thực hiện một số đề nghi như xây đập để ngăn nước biển tràn vào sông, hay xây đập xây hồ để trữ nước của sông Cửu Long khi vào đến VN và do đó điều khiển sự giữ hay thải nước theo nhu cầu của nước mình. Nhưng CSVN đã không làm thế. Những giải pháp của những nước ngoại cuộc đề nghị cách phân phối nước từ sông Cửu Long (CL) hay cho đồng bằng sông CL của Nhật Bản hay Hà Lan đều bị lờ đi

Năm 2014, tờ New York times có một bài báo nói về tình trạng này và đã đề cập đến một nguồn năng lượng tự tái tạo, đó là năng lượng mặt trời để chế ra điện (gọi t1ăt là Solar Electricity) để thay thế những đập thủy điện trên sông CL. Nếu hoạch định cho đúng, điện từ năng lượng mặt trời này (solar electricity) sẽ đủ cung cấp cho những nhu cầu điện quan trọng của nhiều vùng, nhiều thành phố bằng hay hơn số điện đến từ những đập Thủy Điện và kết quả sẽ là trên song CL, số lượng đập giữ nước sẽ không gia tăng. Nói đến sự dùng điện từ năng lượng mặt trời, Trung Hoa cũng đã và sẽ là một trong những nước xử dụng solar electricity nhiều nhất trên thế giới trong thập niên tới. Riêng nước Mỹ, dự trù số solar electricity sản xuất cho đến cuối năm 2021 sẽ đủ cung cấp cho 22,000,000 (22 triệu) căn nhà trong nước Mỹ. Các nước bên bờ sông Cửu Long đã đến lúc phải nghĩ đến solar electricity phụ với thủy điện. Nếu theo con số 22,000,000 căn nhà trong nước Mỹ có solar electricity vào năm 2021, thì cần đủ điện cho 6 triệu dân nước Lào (khoảng 1 đến 2 triệu căn nhà) thì không phải là chuyện không tưởng. Vấn đề không phải là kỹ thuật hay dùng đến nước sông CL, mà là nước Lào có đủ lợi để dùng solar electricity hay không.

Nhũng giải pháp điạ phương hay khu vực (mà đồng bằng sông CL với những tỉnh, thành phố), hay cho toàn vùng đồng bằng sông CL trong VN đi nữa, chỉ có hiệu quả khi những nước thượng nguốn có giải pháp thích đáng cho nhu cầu điện, hay nhu cầu “dẫn thủy nhập điền” của họ. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, nước dùng cho thủy điện không bị mất đi. Những thứ bị mất đi đó là phù sa và những loại cá không thể bơi vào đập được. Những chuyên viên đã dự đoán rằng khi Lào xây xong đập Xuri…, trên 100 loại cá và thủy sản sẽ không xuôi xuống hạ nguồn được.

Sau đây là một vài dữ kiện liên quan đến sông CL mà chúng ta nên biết:

1. Nước Lào, với dân số chưa tới 6 triệu (với trên 1/3 dân số có mức lợi tức rất thấp- dưới $2 dollars một ngày) nhưng đã và đang xây nhiều đập thủy điện (2 cái đang xây, một là sẽ bán điện cho Thái Lan, và một là đang có sự đầu tư vốn của Mã Lai). Tổng số đâp trong nước Lào sẽ là 6. Họ cũng không lưu tâm đến sự phản đối của Ủy Ban Sông Mê Kông, với lý do xây đập là cần thiết cho sự phát triển kinh tế.

2. Thái Lan cũng đang muốn hợp tác với những nước thượng nguồn như Trung Hoa để nới rộng lòng sông, phá hủy những bãi đá, cù lao nhỏ trên sông cho những thuyền tầu lớn có thể di chuyển để phát triển kỹ nghệ du lịch và mậu dịch với những nước này. Thái Lan cũng dự trù xây đâp thủy điện.

3. Cam Bốt cũng không để yên, dự trù xây 3 đập nước

4. Ngoại trừ một số nước từ sông Cửu Long sẽ được mang vào sâu trong đất liền, lượng nước để dùng cho thủy điện sẽ không bị mất đi nhiều và sẽ trở lại dòng sông. Tuy nhiên, sự thiệt hại do thiếu hụt phù sa, thủy sản, tôm cá,.... cho những nước hạ nguồn sẽ rất lớn vì những đập này sẽ ngăn cản tôm cá lớn xuôi dòng (đã nói đến ở trên)

5. Hầu như những đập được xây là để phục vụ nhu cầu kinh tế của những nước xây đập, bất kể sự ảnh hưởng đến những nước khác, cho nên, vì không có tính cách ràng buộc pháp lý, Ủy Ban Sông Mê Kông sẽ chỉ là một tổ chức "ngồi chơi xơi nước", chỉ có tính cách chia sẻ những tin tức có tính cách kỹ thuật.

Bản đồ và danh sách một số đập nước đã và sẽ xây trên sông CL:



Với những điều trên, cộng thêm sự hoạt động của những đập nước của Trung Hoa, Miến Điện trên thượng dòng sông Cửu Long, đời sống của trên 18 triệu dân Việt Nam sống trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Đã đến lúc VN phải nghĩ là không thể dựa vào quốc tế hay dựa vào sự “nhân đạo” của các nước khác trong bờ sông CL để giải quyết những nguy hại sắp tới do sự lên xuống bất thường của nước song CL hay do sự tràn về của nước biển do mực nước sông CL thấp hơn mực nước biển.

VN nên nghĩ đến việc "mua nước" từ những nước thượng nguồn, bằng cách đầu tư vào những nhà máy thủy điện của họ hay đầu tư vào những chương trình Solar electricity để họ có những lợi tức thay thế những lợi tức họ sẽ có hoặc mất đi khi không còn có sự đầu tư từ những nước khác nữa. Sự "mua nước" này được thực hiện song song với những chương trình xây những hồ chứa nước dọc sông Cửu Long cũng như đi sâu vào nội địa. Chính phủ VN phải nghĩ đến chuyện"mua bán nước sông Cửu Long" thay vì đòi hỏi những nước thượng nguồn tuân theo những luật xử dụng nước quốc tế. Mekong River Commission nên đổi thành "Mekong River Trading Partnership". Nếu đã thương thuyết với thế yếu như VN đang làm bây giờ và không đem lại kết quả tốt đẹp, nhà cầm quyền VN nên đổi chiến thuật, đặt mình trong vị trí những nước này và mang lợi ra làm nguyên tắc của sự thảo luận.

VN cũng nên khai thác lợi thế địa dư của mình, đó là những cửa biển mà Cam Bốt, Thái và Lào không có. Một sự hợp tác về kinh tế để khai thác sông CL có lẽ là một giải pháp cho VN. Chúng ta thử tưởng tượng:

- Những du thuyền hàng ngàn người lên xuống trong lòng sông CL, ghé thăm Vạn Tượng, ghé Thái, ghé Cam Bốt và thăm viếng mua bán tại những thành phố ven sông VN trước khi đổ ra biển và trở về. Bên Âu Châu bấy lâu nay có những chuyến du lịch trên sông qua một số nước mà du khách tốn cả trên dưới $20,000 dollars chưa kể những số tiền mua sắm trên bờ. Hay:

- Những tầu đánh cá biển ngoài bờ biển VN, khởi xuất từ Lào, từ Thái, Cam Bốt. Những dân tộc như Lào hay Miến Điện không có biển, thực phẩm từ biển sẽ là những thức ăn sẽ được ưa chuộng. Hay:

- Những kiện hàng trao đổi giữa những nước trong vùng hay đến từ những nước khác sau khi những tầu lớn đổ hàng xuống nơi những cửa biển tại Việt Nam. Hình như cho đến nay, sông CL chưa được khai thác đúng mức về cách thông thương này, để hàng hóa đến các nước bên bờ sông CL và những nước lân cận có thể được hưởng những phương tiện này.

Để đạt được những sự phát triển kể trên qua 3 phương diện Du Lịch, Thực Phẩm và Hàng Hóa, những nước tham gia cần hợp tác để thực hiện những dự án sau, cần thiết cho sự phát triển 3 kỹ nghệ kể trên:

a. Hợp tác sửa đổi lòng sông và bờ sông để đủ chiều sâu và độ rộng cho tầu bè di chuyển dễ dàng.

b. Hợp tác để phân phối và điều chỉnh lượng nước trong sông CL quanh năm hay từng mùa, điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của 3 kỹ nghệ kể trên cũng như đời sống của dân chúng mà phần lớn dựa vào sông CL.

c. Xây dựng những khu vực giải trí, thăm viếng dọc theo sông CL hay trong đất liền, thể hiện và giữ nguyên được tính chất địa phương tại mỗi nước để du khách có lý do đến khu vực sông CL để du lịch. Tính chất mới là và đặc biệt của sông CL, có những vùng vẫn còn rất hoang dã sẽ là sự thu hút đặc biệt cho du khách.

Những sự hợp tác cho chương trình phát triển sông CL này dựa trên nguyên tắc sau: đóng góp những gì mỗi quốc gia có sẵn để cùng phát triển và hưởng lợi chung thay vì chia cho nhau những gì đang thuộc về mỗi quốc gia, một sự đòi hỏi mà cho đến nay đã thất bại.

Tóm lại, "Nước sông Cửu Long" bây giờ là một "món hàng có giá", khi chảy qua nước nào, nó trở thành tài sản của nước đó, không phải chỉ là sản phẩm của thiên nhiên nữa. VN cần phải thay đổi tận gốc rễ sự suy nghĩ về vấn đề sống còn này.

Bùi Hồng Lĩnh

No comments:

Post a Comment