TS Phạm Văn Hội
6-6-2016
Mới đây trên báo Nhân dân có bài: Trí thức đích thực sẽ không hành xử như vậy, của tác giả VIỆT QUANG và HOÀI ÂN. Nội dung bài báo nhằm đả phá các quan điểm về tự do học thuật, tự do tư tưởng của GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH NSW, Australia) – rất tiếc, những ai đã biết hoặc đã từng đọc các bài báo của GS Tuấn, sẽ không chấp nhận với sự qui chụp, lạc lõng và lạc hậu về tư duy của 02 tác giả này.
Cá nhân tôi chưa từng gặp GS Tuấn, chỉ đọc các bài viết của GS và hầu hết đồng tình với quan điểm của GS. Các bài về học thuật cũng rất có giá trị để học hỏi và tham khảo. Việt Quang và Hoài Ân trích thông tin về GS Tuấn từ một website của Việt Nam; và thông tin là tóm lược từ website của Viện Garvan, Úc: và các thông tin này (về hàm GS được phong tặng ở 02 cơ sở, về số ấn phẩm Quốc tế) là sự thật – Garvan chứ không phải Việt Nam để có thể gian dối những thông tin này!
Dù có một số thông tin bất lợi trong lý lịch học thuật của GS Tuấn mới đây, tuy nhiên, thậm trí là người bị tù tội, họ cũng có những sáng tạo làm thay đổi cả thế giới này; hoặc biện pháp hiện được áp dụng tương đối phổ biến đối với những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam là đổ keo 502 vào ổ khóa cổng – từng được phát minh bởi bọn trộm cắp để tránh chủ nhà truy đuổi khi phát hiện… Bên cạnh đó, hàng loạt các phát minh ở Việt Nam hiện là sản phẩm của chính người nông dân, chứ không phải các GS.TS hoặc các nhà lãnh đạo “khả kính”. Bởi vậy, trong bài viết này, tôi không nhằm mục đích bảo vệ uy tín cho cá nhân GS Tuấn, mà là bảo vệ một số quan điểm của ông, được trích dẫn trong bài báo Nhân dân nêu trên.
Xưa học đại học ở Việt Nam, có anh bạn học ngành Thú y K36 tên Lương (rất tiếc tôi không còn nhớ đủ họ tên) – rất nghịch ngợm. Dường như bố mẹ Lương lo sợ tình trạng này nên đã sắp xếp cho Lương sang Úc sau khi tốt nghiệp. Bằng ĐH Thú y ở Việt Nam không được Úc chấp nhận cho hành nghề (Lương nói: nếu muốn có license hành nghề, phải học bổ túc thêm khoảng 2 năm tại Úc), nên Lương đã học về xây dựng (sửa chữa tường nhà, thiết bị vệ sinh, điện, nước…), để có license làm việc tại Úc. Năm 2009 tôi ở Sydney và có qua nhà Lương chơi. Đó là vào 1 buổi sáng thứ 7, tôi đến điện thoại và Lương nói đang trên đường về. Khi Lương về, quần áo lấm lem, tất bật…một hình ảnh ngoài sức tưởng tượng của tôi sau khoảng 10 năm không gặp lại – người bạn đã thực sự khác biệt so với thời Đại học. Lương hiện đã mua được nhà ở khu ngoại ô Sydney khá đẹp. Ngạc nhiên hơn là khi được mời vào nhà, tôi mới biết Lương (đã bỏ) không uống bia và không hút thuốc. Khi đó, tôi đã nói vui với Lương rằng: “loại như mày, nếu ở Việt Nam, ít thì đang bóc lịch, mà nhiều thì có lẽ dựa cột rồi.” Đất nước Úc đã biến Lương thành người khác như thế!
Một ví dụ nữa là, vợ chồng tôi sang Úc cuối năm 2008, mang theo con gái nhỏ 4 tuổi. Cháu học khoảng 1 năm ở trường mẫu giáo HPC, Sydney. Sau đó cháu về Việt Nam học tiếp 1 năm mẫu giáo trước khi vào cấp I. Khi tôi hỏi con sự khác nhau giữa HPC và mẫu giáo Việt Nam là gì, cháu nói: Ở HPC thì tất cả chúng con ngủ trưa đều có gối, chỉ cô giáo không có; còn ở đây (Việt Nam), chỉ cô giáo ngủ có gối, còn tất cả chúng con không có gối!
Đấy là một phần những khác biệt giữa Úc và Việt Nam! Và một nước Úc như thế, thật khó để có thể có GS dỏm như ở Việt Nam – đến mức như bài viết mới đây của GS Nguyễn Đình Cống (ĐH Xây dựng): “khi được giới thiệu là GS.TS, thầy giáo P. ở Quảng Bình nói rằng: ‘giờ thấy ai giới thiệu là GS.TS, tôi không biết nên trọng hay nên khinh!” Vậy nên, nếu GS Tuấn phỉ báng các nhà khoa học Việt Nam làm việc theo đặt hàng của Nhà nước: “không thể là trí thức, mà có lẽ là văn nô hay công cụ của người khác” cũng không hoàn toàn thiếu cơ sở.
Bài báo của Việt Quang và Hoài Ân mang hàm ý diễu cợt, thay vì những phân tích và phán xét sòng phẳng đối với GS Tuấn và quan điểm của ông. Bài báo viết: “Với lý lịch có vẻ tầm cỡ và lại luôn xuất hiện trên in-tơ-nét như thế, việc bỗng dưng NVT khóa tài khoản trên facebook, đóng blog cá nhân khiến một số người bất ngờ, nhưng lại không bất ngờ với những người thường phản biện, trao đổi, phê phán NVT. Vì họ biết, sự kiện này là không ngẫu nhiên.” Thật tiếc, nội dung bài viết sau đó không có các thông tin để minh chứng cho nhận định: “… sự kiện này là không ngẫu nhiên” ngoài những thông tin về quan điểm (ngoài chuyên môn) của GS Tuấn – nhưng quan điểm đó gắn với sự thật Việt Nam – và nếu thông minh và cởi mở để chấp nhận – sẽ chỉ giúp Việt Nam mạnh hơn, chứ không phải ngược lại. Hơn nữa, luật pháp không cấm quan điểm ngoài chuyên môn. Đọc các bài viết “ngoài chuyên môn” của GS Hoàng Xuân Phú để thấy sự vĩ đại của ông – đã có sức lay động, khai sáng và truyền cảm hứng cho hàng triệu người Việt Nam….
“…song NVT vẫn viết rất bậy bạ: “tôi thấy bi quan cho cái viễn cảnh hòa giải – hòa hợp dân tộc. Sẽ không có hòa giải dân tộc khi cái ý thức hệ đó còn ngự trị trên đất nước ta. Sẽ không có hòa hợp dân tộc khi còn có những con người đánh đồng cái ý thức hệ đó như là một giá trị văn hóa dân tộc!” Câu này bậy bạ chỗ nào? Việt Quang và Hoài Ân thử xem phản ứng của cư dân mạng đối với nội dung bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh về Bob Kerry và Đại học FUV xem có đúng là “kiểu” ý thức hệ (mà GS Tuấn đề cập) vẫn tồn tại ở nhiều người, gồm cả những người được gọi là “tri thức”, từng giữ vị trí ngoại giao như bà Ninh? Rất may mắn là nhiều chỉ trích về bài viết của bà Ninh có nội dung xuất sắc – về nhận thức, trí tuệ, và nhân bản – những giá trị dựa vào nền tảng khai phóng và phát triển đất nước này – chứ không phải ngược lại: theo cách mà Việt Quang, Hoài Ân và báo Nhân dân đang muốn dẫn dắt người đọc.
“… Với quan điểm “tăng cường tuyên truyền, vận động kiều bào hướng về quê hương, xây dựng đất nước”, NVT bình luận: “tuyên truyền được xem là một sản phẩm của cộng sản,… vừa là một sự thừa thãi vừa là xúc phạm!” Việt Quang và Hoài Ân có biết tại sao GS Tuấn lại cho là “thừa thãi và xúc phạm không?” “thừa thãi” là bởi vì nhiều kiều bào biết nhiều hơn những thứ mà những người như Việt Quang và Hoài Ân (ở trong nước) biết (bởi vì, từ trải nghiệm cá nhân người viết, hầu hết những bài báo viết công phu nhất, trên cơ sở dữ liệu thực tế nhất, của giới học thuật tại Việt Nam thường gửi đăng trên tạp chí Quốc tế, chứ không phải báo trong nước! Hơn nữa, trong môi trường tự do, họ được tiếp cận nhiều nguồn tin hơn so với môi trường bị cấm đoán…); “thừa thãi” là bởi vì các nội dung tuyên truyền cũ rích, lặp lại và rất thiếu sáng tạo (VD: như nón lá với phở trong quảng bá du lịch; hoặc 700 đầu báo là “biểu tượng” của tự do ngôn luận; hoặc nhân dân làm chủ…; hoặc bầu cử là ngày hội của toàn dân…); “xúc phạm” là bởi vì: với nội dung tuyên truyền như thế, mà bắt những con người ở đất nước tự do (tự do tư duy, tự do tiếp cận thông tin) phải nghe thì hẳn “xúc phạm” là không quá ngoa ngôn (tương tự như hệ thống loa phường hiện nay, hỏi dân xem bao người thấy không bị làm phiền, những người hiểu biết có thấy bị xúc phạm vì nhiều thông tin lãng nhách, giả dối không? Việt Quang và Hoài Ân đi hỏi ông Tống Văn Công xem khi được tuyên truyền là “Hoàng Sa là bãi chim ỉa” xem ông ấy có thấy bị xúc phạm không?.
“…Ông ta khẳng định đạo văn làm “phiền phức cho đương sự và gây “ô nhiễm” học thuật cho cả một cộng đồng”, rồi bàn tới việc “ứng xử với đạo văn trong học thuật: vấn đề văn hóa khoa học”, đề nghị “các đại học Việt Nam nên có quy chế về đạo đức khoa học, đưa công bố quốc tế thành một trong những tiêu chuẩn để cấp bằng tiến sĩ”, “cần dạy cho học sinh – sinh viên về chuẩn mực đạo đức khoa học.” Là người làm trong lĩnh vực học thuật, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Một nền giáo dục muốn lành mạnh và phát triển phải theo đuổi nó. Chính tiêu chí đào tạo “thấp” về chất nhưng “cao” về thủ tục hành chính của Bộ GD&ĐT và các trường ĐH Việt Nam là nguyên nhân chính gây ra thảm cảnh “học giả, bằng thật” trong thời gian dài vừa qua.
“Có tác giả đã từng khuyến cáo: “Đất nước, người dân cần những bài viết mang hàm lượng tri thức, và khả dụng cao từ các vị trí thức chứ không phải “món gỏi xã hội chấm mù tạt”…” Tôi không biết tác giả này là ai, và có hiểu biết gì về GS Tuấn không, và đã công bố được những gì về học thuật. Tuy nhiên, “hàm lượng tri thức, khả dụng cao” là gì? Không lẽ những bài viết của TS. Nguyễn Thanh Sơn phân tích về tác hại của dự án Boxite là thiếu tri thức, thiếu khả dụng? nên không được lắng nghe và áp dụng (để rồi dự án đang lỗ và quả bom bùn đỏ đang lơ lửng trên nóc Tây Nguyên)? Không lẽ những ý kiến của Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang A…về các quả đấm thép Vinashine là thiếu tri thức, thiếu khả dụng? Bởi vậy không được lắng nghe và kết quả là Vinashine đã đấm vào chính người dân gày còm Việt Nam…? Hoặc các mục tiêu chính sách để Việt Nam trở thành “top of the world” về xuất khẩu gạo, để rồi hiện góp phần đẩy ĐBSCL vào tình trạng khô hạn và nhiễm mặn như hiện nay...
Việt Quang và Hoài Ân xem những bức ảnh cán bộ ngủ ngục khi hội họp ở Việt Nam – để thấy – kết quả của tuyên truyền mà thiếu sáng tạo và thực tế sẽ là như vậy. Cá nhân tôi cũng rất dị ứng với từ “tuyên truyền.” Tưởng tượng rằng nhiều nội dung tuyên truyền có cách đây hàng chục năm, hoặc che dấu, thổi phồng các sự kiện, thành tịu…liệu có còn ý nghĩa và tác dụng với người dân không – sau khi họ đã trải qua những trải nghiệm thất vọng về tham nhũng, chạy chức, chạy việc, gian dối trong thi cử, mua bằng, bưng bít thông tin…?
Thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, đại bộ phận người dân Việt Nam sẽ tiếp tục trải nghiệm và mưu cầu thay đổi, chỉ một bộ phận nhỏ là đang cố gắng duy trì “bền vững” những giá trị và tư duy lỗi thời như Việt Quang, Hoài Ân, và báo Nhân dân – những giá trị đã dẫn dắt đất nước vào bi cảnh như hôm nay: tài nguyên cạn kiệt, bị tàn phá; xã hội bất an vì thực phẩm bẩn, trộm cắp và lừa gạt….và sau 30 năm “đổi mới”, bất chấp lỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu CNH & HĐH đất nước vào năm 2020, đến giờ thế giới vẫn xếp Việt Nam vào nhóm CLMV (Campodia, Laos, Myanmar, Vietnam)….
No comments:
Post a Comment