Nguyen Tuong Thuy
2/21/2017
Ngày 21-2-2017, một nhóm những người đấu tranh vì chủ quyền của Tổ Quốc đã gửi thư yêu cầu đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thanh phố Hà Nội. Nội dung bức thư xoay quanh sự kiện buổi tưởng niệm 38 năm ngày Trung quốc xâm lược Việt Nam 17-2 bị đàn áp.
Sau khi nhắc lại các cuộc xâm lược của Trung Quốc thôn tính lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ hiện đại 19-1-1974, 17-2-1979, 14-3-1988, gây nên cái chết của hàng chục nghìn chiến sĩ và đồng bào ta, bức thư nêu lên một thực tế phũ phàng:
“Thế nhưng giờ đây, rất nhiều người Việt Nam hoàn toàn không hề nhớ đến, hay biết đến những ngày này. Không chỉ lớp trẻ sinh sau những biến cố đau thương đó không biết đến, mà cả người lớn cũng quên”.
Sau khi nhắc lại sự việc một nhóm mang theo cờ đảng, phá rối lễ tưởng niệm ngày 14/3/2014 bị dư luận và báo chí kịch liệt lên án, thiết tưởng “việc tưởng niệm này đã trở thành một nếp văn hóa tâm linh tốt đẹp của người Hà Nội. Nó không chỉ phù hợp với văn hóa người Việt, mà còn là quyền tự do dân chủ của người dân Việt Nam”, bức thư tố cáo:
“Thế nhưng ngày 17/2/2017 vừa qua, nhiều người đã bị chặn cửa không cho họ ra khỏi nhà, hoặc bị bắt bớ một cách thô bạo bởi một lực lượng dân sự khi họ đang trên đường tới địa điểm thắp hương và bị đưa vào đồn công an. Tại đồn công an, họ bị vu khống là tụ tập đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, bị khám xét một cách trái phép đồ đạc, thân thể, lục lọi thông tin cá nhân trong điện thoại. Có người bị xóa hết hình ảnh về cuộc tưởng niệm, cướp tài khoản facebook trong điện thoại. Có người bị phá hỏng các thiết bị đắt tiền như máy ảnh, điện thoại”…
Và khẳng định: “Tất cả những hành vi này của công an Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do dân chủ của người dân, xúc phạm thô bạo đến vong linh của những người đã chết vì Tổ Quốc”
Cuối cùng, những người ký đơn yêu cầu được đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung với tư cách là Chủ tịch thành phố Hà Nội hoặc người có thẩm quyền, nhằm chấm dứt việc ngăn cản, bắt bớ những người đi tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc.
17 người đã ký tên vào bức thư này. Nhóm khởi xướng không có điều kiện lấy được nhiều chữ ký hơn.
Một cuộc đối thoại với lãnh đạo theo yêu cầu của người bị xâm hại quyền lợi là hoàn toàn phù hợp với pháp luật nhưng khả năng được đáp ứng là vô cùng thấp do họ thói quen coi dân như cỏ rác, hoặc trốn tránh vì biết rõ việc làm vô pháp luật của mình. Thông thường, những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị như thế này, nhà chức trách không đáp ứng, thậm chí không cần đọc.
Tuy nhiên, chị Đặng Bích Phượng một trong những người khởi xướng cho rằng việc không chịu đối thoại là việc của họ, mình yêu cầu là việc của mình chứ không thể để họ muốn làm gì thì làm. Mình mà im lặng là mặc nhiên chấp nhận cái sai của họ.
No comments:
Post a Comment