4/20/2015

Trung Quốc: gã khổng lồ cô độc



Trung Quốc vừa có những bước đi xa nhất trong nhiều năm qua khi sự thách thức đã lan sang tận Ấn Độ với việc triển khai tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương. Nhưng, tất cả những sự hung hăng ấy đang chứng tỏ một thực tế nghiệt ngã rằng: Trung Quốc hiện không có lấy một đồng minh.

Một trong những tiêu chí chủ chốt nhất để chứng tỏ sức mạnh của một quốc gia trên thế giới là có bao nhiêu đồng minh. Nói cách khác, sẽ có bao nhiêu nước sẽ ủng hộ quốc gia đó trong những cuộc tranh chấp và xung đột trên thế giới. Tiêu chí này đang đúng với cường quốc mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại là Mỹ, với số lượng đồng minh chính trị và quân sự đông đảo nhất toàn cầu.

Bằng cách sử dụng hệ thống đồng minh dày đặc, Washington có thể dễ dàng sắp đặt trật tự thế giới và giải quyết những xung đột ở các khu vực mà đôi khi không cần phải nhúng tay. Đã qua rồi cái thời kỳ sức mạnh của một quốc gia được đong đếm dựa trên tiềm lực kinh tế và quân sự, sức mạnh của một quốc gia giờ đây phụ thuộc vào số lượng và sức mạnh các đồng minh của nó.

Và xét theo khía cạnh này, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải mất rất lâu nữa mới có thể ngang bằng với Mỹ về sức mạnh kinh tế và quân sự.

Việc Trung Quốc không có lấy một đồng minh ở thời điểm hiện tại được giải thích là bởi, bối cảnh thế giới hiện nay không thích hợp để thực hiện điều đó. Xu thế chủ đạo trên thế giới hiện nay vẫn là hợp tác và hòa bình, trừ những khối liên minh quân sự cũ như NATO và các liên minh song phương được thiết lập trong quá khứ, thì rất khó để thành lập một liên minh mới. Bất cứ nỗ lực thành lập liên minh chính trị và quân sự nào hiện nay cũng sẽ bị coi là việc gia tăng căng thẳng và sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Đây được xem là một bất lợi nghiêm trọng với Trung Quốc, khi giai đoạn nước này mở cửa phát triển kinh tế và trở nên hùng mạnh – tức là giai đoạn phù hợp nhất để thiết lập các liên minh – thì lại trùng khớp với giai đoạn thế giới đặt xu thế hòa bình và ổn định lên hàng đầu. Ngoại trừ trường hợp Triều Tiên, thì Trung Quốc gần như không thể có một đồng minh ở thời điểm hiện tại.

Những động thái mới nhất trên bàn cờ châu Á Thái Bình Dương lại càng chứng tỏ điều đó. Những ngày qua, người ta thấy một Trung Quốc hung hăng khi liên tục thách thức thế cân bằng trong khu vực, từ việc xây dựng phi pháp các đảo san hô trên biển Đông cho đến công khai thách thức Ấn Độ bằng việc cử tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương.

Nhưng đó cũng lại là một Trung Quốc cô độc. Gần như không có một sự ủng hộ nào, dù là ủng hộ ngầm, đối với những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc. Các nhà phân tích thừa nhận rằng, những ngày vừa qua là khoảng thời gian thích hợp nhất để Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động của mình khi mà Mỹ đang vướng bận vào vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng cũng chưa khi nào thế giới lại thấy một Trung Quốc cô độc đến thế.

Trái ngược lại với Trung Quốc, cái lưới mà Mỹ giăng ra ở châu Á Thái Bình Dương thì ngày càng rộng dần về quy mô. Ngoài những đồng minh cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippins hay Thái Lan, thì cái lưới mà Mỹ giăng ra với Trung Quốc lại vừa có thêm một sự hỗ trợ khác là Ấn Độ. Không hẳn là đồng minh của Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng cảm nhận được sự đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, và New Delhi chấp nhận bắt tay với Mỹ và gia nhập vào mạng lưới mà Washington đang giăng ra ở châu Á Thái Bình Dương.

Việc Trung Quốc điều tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương được xem như một sự cảnh cáo rằng Ấn Độ không nên can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông, khi mà Mỹ tuyên bố bán cho Ấn Độ những thiết bị tối tân nhất có thể giúp các tàu sân bay của Ấn Độ di chuyển đến biển Đông bất cứ lúc nào. Nhưng Trung Quốc muốn cảnh cáo thì cứ việc, còn việc Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế cân bằng ở biển Đông đã là điều không thể ngăn cản.

Thậm chí, cách mà Mỹ đang sử dụng để đáp trả những động thái hung hăng của Trung Quốc cũng đang cho thấy ưu thế tuyệt đối của Mỹ ở khu vực. Thay vì có những động thái can thiệp trực tiếp như cử hạm đội đến biển Đông như vẫn thường xảy ra, Mỹ lại đáp trả bằng việc tổ chức một hội nghị tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington.

Mục tiêu của hội nghị này là giải quyết sự bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, chủ yếu do những bất đồng trong quá khứ, và nối lại đàm phán an ninh song phương “Hai cộng hai”, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham gia tích cực hơn vào mạng lưới vành đai đang bao quanh Trung Quốc mà Mỹ sắp đặt. Vành đai phong tỏa xung quanh Trung Quốc vẫn đang nguyên vẹn, và việc mà Mỹ cần làm hiện nay chỉ là làm cho nó vững chắc hơn mà thôi.

Châu Á - Thái Bình Dương vì thế đang là cuộc đọ sức giữa một Trung Quốc cô độc và một mạng lưới những quốc gia trong một hệ thống do Mỹ sắp đặt. Với tiềm lực của mình, Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trong bất cứ cuộc xung đột tay đôi nào về chính trị cũng như quân sự, nhưng với cả một hệ thống các nước đang tạo thành một vành đai thì không.

Người Trung Quốc vì thế đang có lý do để vội vã hơn là người Mỹ ở thời điểm hiện tại. Một khi vấn đề Trung Đông đã được giải quyết và Mỹ tập trung hoàn toàn vào khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì cũng là lúc cái lưới xung quanh con cá bự Trung Quốc sẽ siết chặt nhất. Đó là kết quả tất yếu của một thực tế, là Trung Quốc không có đồng minh.

Nhàn Đàm (theo The Diplomat)





dv

No comments:

Post a Comment