2/17/2016
Ngày 17 tháng 2 à? Chỉ biết ngày 14 tháng 2 thôi chứ không nghe ngày 17 tháng 2. Đây là câu trả lời điển hình của nhiều bạn trẻ trong nước khi được Đài RFA hỏi có biết gì về ngày 17 tháng 2 năm 1979 hay không. Mặc dù ngày lễ Tình yêu Valentine, 14 tháng 2, du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian không lâu nhưng đây là một ngày lễ rất phổ biến đối với hầu hết thanh niên từ thành thị đến nông thôn. Thế nhưng, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung do Trung Quốc khai hỏa tấn công vào ngày 17 tháng 2 cách đây gần tròn 4 thập niên thì không phải bạn trẻ nào cũng biết đến.
Nói như thế không đồng nghĩa với thanh niên Việt Nam ngày nay hoàn toàn không có thông tin gì về thời gian 30 ngày quân và dân ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ bờ cõi quốc gia không rơi vào sự xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc lúc bấy giờ. Một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ bạn ấy tiếp cận thông tin về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 như thế nào:
“Về cuộc chiến tranh biên giới thì ngoài đời thường chỉ nghe các chú, các bác nói loáng thoáng, thông tin không được đầy đủ rõ ràng; chỉ nói ‘chiến tranh đánh Trung Quốc năm 1979 thôi’. Còn báo chí lề phải ít khi đề cập đến. Cách đây khoảng chục năm gì đó khi internet nở rộ và các trang báo lề trái xuất hiện thì tụi em được tiếp cận nhiều với thông tin về cuộc chiến tranh biên giới. Và những năm gần đây, các cuộc tuần hành được các nhóm xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm thì cũng tạo được ảnh hưởng và có sức lan tỏa.”
Lính Trung Quốc bị các binh sĩ Việt Nam bắt giữ trên chiến trường của Cao Bằng vào ngày 26 tháng 2 năm 1979. Sự ảnh hưởng và sức lan tỏa thông tin cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 từ internet đối với thanh niên ở Việt Nam không phải là nhỏ. Các bạn trẻ quan tâm đến tình hình đất nước trước động thái hung hăng lấn át của “người bạn 4 tốt-16 chữ vàng” đều chia sẻ những thông tin mà các bạn góp nhặt được liên quan đến cuộc chiến tranh bi hùng trong lịch sử cận đại chống Trung Quốc là số liệu tương quan lực lượng về nhân lực, kể cả phương tiện chiến đấu và vũ khí quá chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc. Dù cho vết tích lịch sử về những phụ nữ và trẻ em bị quân đội Bắc Kinh giết hại một cách dã man bị xóa bỏ hay mộ bia của các binh sĩ thuộc Lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh với dòng chữ “Quân Trung Quốc xâm lược” ở nghĩa trang đìu hiu hoang vắng tại các tỉnh phía Bắc bị đập phá sẽ mãi không bao giờ rơi vào quên lãng trong tâm tưởng của các thế hệ thanh niên tiếp nối, vì đối với họ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là một cột mốc lịch sử quan trọng xuyên suốt thời gian hơn 4000 năm, kể từ truyền thuyết thời Hồng Bàng của vua Hùng Vương phải phòng vệ trước sự xâm lược của giặc Ân.
Hiện tại muốn bỏ môn Lịch sử luôn… Trung Quốc xâm lược mình mà trong trường thì không dạy, cho đó là nhạy cảm. - bạn Vĩnh Vào năm 2014, báo giới chính thống trong nước đưa tin về kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung. Các nhân chứng lịch sử, các sử gia và những bậc lão thành cách mạng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Việt Nam cần phải đưa vào sách giáo khoa sự kiện Trung Quốc dùng 6 vạn quân đánh Việt Nam hồi năm 1979 để xem đó như là một chiến thắng chống giặc ngoại xâm của lịch sử dân tộc cũng như đối xử công bằng với những anh lính đã ngã xuống và thân nhân của họ bằng cách nói lên sự thật về cuộc chiến tranh biên giới can trường nhưng đầy mất mát. Đáp trả câu hỏi của Hòa Ái rằng các bạn trẻ ở Việt Nam đón nhận lời đề nghị này ra sao, bạn Vĩnh ở TP.HCM bày tỏ:
“Hiện tại muốn bỏ môn Lịch sử luôn, coi như là muốn che lấp hết luôn. Học thì toàn chỉ biết đánh Pháp, đánh Mỹ thôi chứ không có đánh Trung Quốc đâu. Trung Quốc xâm lược mình mà trong trường thì không dạy, cho đó là nhạy cảm. Không cần nói từ xưa mà bây giờ đây Trung Quốc từng bước tấn công Việt Nam đủ thứ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa rồi ngộ độc thực phẩm tràn làn hết. Lịch sử là như vậy thì phải đưa đúng như vậy nhưng em nghĩ là khó.”
Các bạn trẻ đài ACTD tiếp xúc nhân dịp tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung nhấn mạnh rằng khi chính phủ Hà Nội càng cố bưng bít những thông tin liên quan đến Trung Quốc mà cho là “nhạy cảm” bằng cách không đưa vào sách giáo khoa hay không cho các cơ quan truyền thông loan tải, hoặc ra sức ngăn cản các buổi tưởng niệm do các nhóm xã hội dân sự độc lập tổ chức thì càng không ngăn cản được sự tìm hiểu của thanh niên Việt Nam không chỉ về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà còn về trận chiến Gạc Ma năm 1988, Hội nghị Thành Đô năm 1990, Hiệp định Biên giới Việt-Trung từ năm 1999 đến nay, kể cả những chiếc “tàu lạ” tấn công ngư dân Việt hằng ngày ở Biển Đông vì theo họ lịch sử phải nên chấp nhận sự thật dù thắng hay thua và theo như câu nói của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là “sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù”
No comments:
Post a Comment