2/07/2016

Ngày Xuân, dông dài với chữ “ba” trong tiếng Việt mến yêu

Bùi Hồng Lĩnh
1/21/2016


Ngôn ngữ người Việt có nhiều cái lắc léo và khó hiểu nếu chỉ thay đổi một chút. Thí dụ “ba ngày tết” khác với “ba cái ngày tết với nhứt”. “Ba ngày tết” là để chỉ mồng một, mồng hai và mồng ba tết; còn “ba cái ngày tết với nhứt” là để chỉ chung những ngày tết, chắc từ cận tết cho đến hết mồng ba hay mồng mười. Như vậy, tuy nói là “ba” nhưng không chỉ có con số 3. Hơn nữa, chữ “ba” của câu sau còn có ngụ ý là người nói câu này chắc không được thoải mái lắm với “ba cái ngày tết” này.

Chữ “ba” trong ngôn ngữ Việt Nam được xử dụng thật là phong phú. Chữ này thường được ghép với một chữ khác để diễn tả nhiều hành động hay cách xử sự của con người. “ba xạo” chắc là hai chữ được quần chúng dùng nhiều để chỉ những người hay “nói dóc”, nói những điều không thật và nhiều khi nói lung tung những điều không đầu không đuôi, gọi là “ba láp” hay “bá láp”. Ai mà hay ba xạo mà lại thêm cái tính cà ngông không biết trên dưới thì còn bị gọi là đồ “ba trợn”. Ba trợn thường đi đôi với “ba lơn"”hay là chuyên môn đùa cợt nhã, không có biết nghiêm trang đứng đắn hay biết trên dưới với người lớn tuổi. Ba trợn khác với “ba gai”. Ba gai thường nói về những anh lính không muốn nghe theo quân phong quân kỷ, hay cãi lệnh thượng cấp. Khó mà lên chức nếu cứ ba gai mãi. Ba gai nhiều và bựa, cứ ì ra đó và càng ngày càng ngang hơn thì bị gọi là “ba búa”, và nhiều người ba gai tụ họp với nhau thì cũng đáng bị gọi là “ba bè một lứa”.

Thế nhưng tại sao lại chỉ là “ba” chứ không phải “hai” hay “bốn” hay một số khác? Sao không phải là “bốn trợn” hay “năm trợn”, hoặc “hai xạo” thay vì “ba xạo”?. Xạo thì nhiều khi nhiều lần quá đếm không hết, mà người bị gọi là “ba xạo” thì chắc chắn phải xạo cả chục cả trăm lần nên mới có biệt danh đó. Cũng liên quan xa gần đến Ba Xạo, và chắc chắn là nhiều hơn ba lần, đó là “ba chớp ba nhoáng”, “ba hoa chích choè”, “ba điều bẩy chuyện”.

Chưa hết, chữ “ba” còn được dùng trong nhiều trường hợp nữa, thí dụ như hồi xưa lúc còn “Thầy Gòn, Chợ Lớn” trong những năm 1950, 60, mấy người Tầu, người Tiều còn được gọi là “chú ba”, “chú ba Tầu”. Chữ “ba” trong trường hợp này chắc nói lên thứ bậc trong gia đình, chứ không thể nào có 3 chú được. Chú Tiều này được mang vào trong gia đình, và hàng chú em hay chú bác. Người Việt khôn, không để chú Tiều này vào hàng anh Hai hay bác Hai

Không những được dùng trong dân gian, người ta còn dùng chữ ba lên đến tận “ba toà quan lớn” nữa. Tại sao là “ba toà” thì cũng khó hiểu, chắc không phải tòa Sơ thẩm, Thượng thẩm hay tòa Hòa giải gì đó cho đủ số 3 đâu, mà chỉ là tiếng đệm vào cho nó vần điệu dễ nghe. Có phải vậy không?

Bây giờ chúng ta mang chữ “ba” lên một bậc nữa, đó là “đồ…ba que xỏ lá”. Nhóm 4 chữ này có ngụ ý chửi vụng những người có tính lọc lừa hay trêu chọc người khác. Chúng ta thử lấy ba cái que và cố gắng xỏ hay đâm xuyên qua những cai lá cây thì nhận ra ngay là rất khó. Lá cây nó cứ còng xuống làm cái que nó cứ trượt trượt mãi. Kêu người khác dùng que để xỏ qua chiếc lá là hành động chơi xỏ, chơi đểu người khác vì làm điều này rất khó. Nhưng sao lại “ba”. Ba cái anh cộng sản thì cứ muốn gắn “ba que” này là “ba quẻ ly” trong lá cờ ngày xưa, và “quẻ” đọc mãi thành “que”, và gọi lá cờ thân yêu của người dân yêu chuộng tự do là cờ ba que, cho có vẻ xỏ lá. Chữ “ba” được dùng nhiều trong tiếng nói của người miền Nam, nhưng ngoài Bắc lại có hai anh chuyên môn đuà phá thiên hạ làng trên xóm dưới, đó là “Ba Giai và Tú Xuất”, cũng là “ba”. Sau này ở trong miền Nam lại có “chị Ba Hàng Xanh”, người đã đối phó với cộng Sản nằm vùng không nương tay, tên tuổi nổi như cồn trong những năm 1970.

Đã hết đâu, nếu ai đó không có lập trường thì bị gọi là đồ “ba phải”, nghĩa là ai nói gì cũng dạ dạ vâng vâng, gì gì cũng đúng, cốt là để vui lòng mọi người. Ba phải khác với “ba mặt một lòng”, để nói về những người đổi trắng thay đen không thủy chung, chỉ có một cái bụng, một con tim, một lòng một dạ mà có đến ba vẻ mặt khác nhau hay ba cách cư xử khác nhau trong cùng một trường hợp. Nhưng chắc chắn trong trường hợp này, “ba” không phải chỉ là “3”.

Lan man mãi, từ thế giới người sống, chữ “ba” lại lò mò xuống đến thế giới vô hình, nơi cõi người chết. Người chết có “ba hồn bẩy viá” sau khi sống trên dương gian với cuốc sống hạnh phúc hay cuộc sống “bẩy nổi ba chìm”. Mấy vị nhà nho xưa có thể ngồi đếm vành vạch tên của ba hồn và bẩy cái viá của con người, thật chứ không phải đùa. Thế nhưng, bẩy nổi mà chỉ có ba chìm thôi thì làm sao nó không bị lật thì thật là tài. Thường thì bẩy phần chìm, ba phần nổi như những tảng băng trên Bắc Cực thì mới đứng vững cũng như đôi chân phải ….dài hơn cái đầu thì loài người mới đi đứng đàng hoàng được (!).

Sống một cuộc đời trước khi xuống hay lên thế giới khác nhiều khi là để trả nợ “cuộc ba sinh – hương lửa”, nhiều khi phải hứng chịu những ngọn “sóng ba đào”, và nhiều khi cuộc đời cũng trải qua những trận đau yếu thập tử nhất sinh, “ba phần chết chỉ có một phần sống”.

Nói đến sóng, cũng có vài chữ “ba” nữa, mặc dù được phiên âm từ tiếng Hán, từ “phong ba bão táp”, hay trong một câu thơ nổi tiếng của người xưa, đó là: “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân” hay là “mưa không có then khóa mà giữ được khách, và sắc đẹp không có sóng mà làm đắm đuối người”, cũng từ “ba là sóng” mà khi thì vũ bão như tát vào mặt, khi thì êm đềm làm mê đắm lòng người; không như cái anh ba xạo ba gai kia.

Không phải chỉ có người trần tục mới bị nhiều cái “ba”, mà mấy vị chân tu trên tận núi cao cũng không thoát khỏi “ba cái lăng nhăng” của loài người cho nên thỉnh thoảng cũng bị “ba cô đội gạo lên chùa, một cô yếm trắng bỏ bùa cho sư”. Hồi những năm 1950 thì cần gì phải đội gạo lên đầu, cứ cho tất cả lên xe “ba gác” vững vàng với 3 bánh thì tới đâu mấy cô yếm đủ mầu này mà chả tới được để tìm sư mà bỏ bùa yêu. Không chỉ có gạo, ba cô này còn dấu giếm đem cho mấy nhà sư mắm con “ba khía” hay sau này nồi kho cá “ba sa” và niêu cơm Tám Thơm, thì có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi ba cái bóng hồng này.

Qua cái ngưỡng cửa nửa trần tục nửa “cõi trên” của sư chú bị ba cô bỏ buà là một thế giới tâm linh cũng đầy chữ “ba”, hay đúng hơn, đầy ý niệm về “ba”. Trong thế giới đó, bắt đầu bằng “Thiên, Điạ, Nhân - Trời, Đất và Người” (3) mà người đời thường dựa vào “thiên thời địa lợi nhân hòa” để tính toán công việc. Tính gì thì tính, có tài giỏi đến đâu thì cũng phải lưu ý rằng “chữ Tâm kia mới bằng Ba chữ Tài” (một câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du). Vừa có 3 yếu tố thiên nhiên, lòng người và thêm cái tâm thiện nữa thì việc gì mà không hoàn tất tốt đẹp? Mà phải nhiều gấp 3 lần cái Tài thì tâm mới có kết quả tốt đẹp (!). Đó là một trong những triết lý sống của người xưa, một triết lý có sự ảnh hưởng phần nào của “Tam (ba) giáo đồng nguyên - Phật, Lão và Khổng”. Nói đến Phật giáo, là Phật tử chắc không ai lại không biết đến Ba “giá trị / phạm trù” trong Phật giáo, đó là “Phật, Pháp và Tăng”. Và cũng từ con số 3 đó, chúng ta lại liên tưởng đến Thiên Chúa Ba ngôi trong Thiên Chúa Giáo - Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Thế giới tâm linh và thế giới của lòng người đều bàng bạc ý niệm 3, có thể đến từ “ba cõi của thiên nhiện và con người” hay không, đó là “không gian, trái đất và loài người sống trong đó”, và có thể đến từ “ba cõi: con người (1) sống và chết gắn liền với trên cao giải thoát, thiên đàng (2), và dưới sâu trong điạ ngục, trong kiếp luân hồi? (3)”, vì ngoài 3 cõi này, còn có cõi nào nữa cho nhân gian?.

Nhưng chuyện tâm linh xin hãy để yên đó vì bài viết này không dám động chạm đến những đề tài tâm linh hay tôn giáo, và ghé qua một lãnh vực khác dùng đến chữ “ba”, mà không phải chỉ là 3 (!). Đó là những chữ “ba” có trong văn chương truyền khẩu của dân gian. Và những câu ngụ ngôn, ca dao hay tục ngữ có chữ “ba” thì nhiều vô kể. Cũng vì nhiều vô kể nên chúng ta đành phải trở lại trong những lần sau. Người viết chỉ đưa ra một vài thí dụ để làm quà vui ngày Tết, ở cuối bài này.

Ngôn ngữ là một sản phẩm của con người, của mỗi dân tộc nhưng là thứ sản phẩm mà dân tộc phát minh ra sản phẩm đó lại không thể và không được phép giữ làm của riêng. Một dân tộc không thể bắt một dân tộc khác không được xử dụng ngôn ngữ của mình, hay ngược lại, bắt phải xử dụng ngôn ngữ của mình trừ trường hợp dân tộc đó bị đô hộ và bị chiếm đóng. Một dân tộc giầu chữ nghĩa dễ có điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ về văn học lẫn văn hóa, với điều kiện ngôn ngữ phải rõ ràng và mạch lạc. Mà giầu chữ nghĩa là mỗi ngày mỗi thêm những từ mới vào ngôn ngữ của nước mình, một phần là “du nhập” từ ngôn ngữ của nước khác, nhất là những chữ liên quan đến kỹ thuật hay y học. Nước Mỹ và nước Anh là những thí dụ về sự phát triển ngôn ngữ đưa đến những tiến bộ về các lãnh vực khác như kỹ thuật, xã hội và kinh tế theo cách đó. Hàng năm, quyển Tự Điển của hai nước này đã thêm hàng trăm chữ mới, với gốc gác hay thêm bớt hay vay mượn từ những quốc gia khác. Ngôn ngữ Việt Nam ngày trước cũng được phát tiển theo chiều hướng đó. Hàng ngàn chữ trong tiếng Việt đã được mang vào từ tiếng Pháp, tiếng Mỹ và tiếng Trung hoa qua hình thức “tương tự phát âm”, thí dụ như “Oẳn Tù Tì” từ “One Two Three” của tiếng Mỹ mà ra. Một số chữ “ba” cũng đến từ những ngôn ngữ khác, thí dụ “ba gai” có thể đến từ tiếng Pháp, hay xe “ba gác” có thể đến từ tiếng Pháp. Còn “sóng ba đào” thì từ đâu mà ra, vì “ba đào đã là sóng, sóng lớn từ tiếng Trung hoa rồi, thêm chữ “sóng” vào, hóa ra dư thừa (đã dư là đủ rồi, thêm thừa…thì lại dư chữ). Hình như “ba đào” đã trở thành một loại âm thanh (thanh ba), tượng thanh để thêm vào chữ sóng, mặc dù sự tượng thanh này không có rõ ràng như “bì bạch” trong “da trắng vỗ bì bạch”.

Chuyện chữ “ba” trong tiếng Việt, từ thể nói, đến thể viết cho đến những [hạm trù tâm linh, vô hình thì không bao giờ hết. Người viết dông dài ba cái chuyện lông bông này để tặng bạn đọc vài phút vui trong ngôn ngữ “tiếng nước ta”, không có ý cho đây là một bài nghiên cứu.

Mời bạn đọc xem qua một số thí dụ về xử dụng tiếng “ba” trong văn chương truyền khẩu Việt Nam:




No comments:

Post a Comment