Bùi Văn Phú
25.01.2016
Truyền thông quốc tế cũng như truyền thông Việt ngữ khắp nơi đang chú ý đến Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vì quốc gia với hơn 90 triệu dân này đang đứng trước ngã ba đường: chọn lối mòn chính trị xưa cũ với định hướng xã hội chủ nghĩa hay bước sang cải cách thể chế để đưa đất nước ra khỏi những bế tắc, phát triển nhanh hơn.
Sau Đại hội XII, nếu Nguyễn Phú Trọng còn giữ chức tổng bí thư thì Việt Nam vẫn không có nhiều thay đổi. Trong báo cáo đọc hôm khai mạc đại hội ngày 21/1, ông Trọng tái xác nhận kiên định với chủ nghĩa Mác-Lê, với tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo và Việt Nam tiếp tục theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được ghi trong Hiến pháp. Như thế chính sách kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ có những xung đột với những yêu cầu của Hiệp định TPP, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu về sự giới hạn của vai trò của nhà nước trong kinh doanh, về tính minh bạch trong kinh tế, về việc thành lập công đoàn độc lập và về việc bảo vệ quyền lợi công nhân mà Việt Nam phải tuân thủ.
Cải cách kinh tế được Hà Nội khởi xướng từ sau Đại hội VI năm 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đến nay tăng trưởng kinh tế đã giảm quán tính và cần một lực đẩy mới. Luật kinh doanh của Việt Nam còn nhiều nhiêu khê đưa đến nạn tham nhũng, quan liêu, cửa quyền nên dù kinh tế tăng trưởng trên dưới 10% trong nhiều năm mà vẫn chưa đưa Việt Nam lên hàng những quốc gia phát triển, dù so sánh tiềm năng thì không thua các nước trong vùng như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Malaysia hay Thái Lan, Philippines. So sánh sức mua tính theo đầu người, một chỉ số về phát triển kinh tế, Malaysia đạt 26 nghìn đô một năm, Nam Triều Tiên 36 nghìn đô và Nhật Bản 38 nghìn đô, trong khi Việt Nam có sức mua 6 nghìn đô, còn thua cả Thái Lan, 16 nghìn đô, và Philippines, hơn 7 nghìn đô.
Vì chính sách kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo nên Việt Nam vẫn chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Một khi đã chính thức phê chuẩn Hiệp định TPP, Việt Nam không thể không có những cải cách sâu rộng về kinh tế cũng như về chính trị để có thể hòa nhập và cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Ba mươi năm trước, với Đại hội VI đưa ra chính sách Đổi mới đã đem đến cho người dân những quyền tự do về kinh tế, sinh hoạt xã hội, tự do đi lại. Nhưng đến nay người dân vẫn chưa có tự do phát biểu quan điểm chính trị, chưa có tự do báo chí hay tự do tổ chức và tham gia các tổ chức chính trị, và các tổ chức xã hội dân sự không nằm trong Mặt trận Tổ quốc vẫn không được phép công khai hoạt động. Nhiều người có quan điểm bất đồng với chính sách nhà nước vẫn bị bắt giam, sách nhiễu hay hành hung. Truyền thông báo chí vẫn do nhà nước kiểm soát. Các quyền tự do lập hội, ứng cử vẫn bị ngăn cấm.
Sinh hoạt chính trị tại Việt Nam là dân chủ tập trung trong nội bộ Đảng Cộng sản, nay có tên gọi mới là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” do Chủ tịch Nước Nguyễn Tấn Sang đề xuất trong ngày khai mạc Đại hội XII.
Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điều bất cập. Trước hết, đã không có một bộ luật quốc gia quy định sinh hoạt đảng vì chưa bao giờ có luật về đảng chính trị. Nội bộ đảng chỉ có Điều lệ Đảng. Tuy nhiên Ban Chấp hành Trung ương vẫn có thể đưa ra những quyết định, như Quyết định 244 về ứng cử và đề cử vào các chức vụ lãnh đạo cao nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký năm ngoái để loại bỏ đối thủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như thế, ngay trong nội bộ đảng đã không có quyền tự do ứng cử hay đề cử.
Tại Đại hội Đảng, những lãnh đạo cao nhất là tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội được bầu chọn. Sau đại hội vài tháng có bầu quốc hội để chọn 500 đại biểu mà kết quả chắc chắn phải có những người đã được Đảng chọn làm lãnh đạo trước đó. Như thế ai đã được Đảng chọn làm lãnh đạo, khi tranh cử vào quốc hội chắc chắn sẽ thắng. Như thế gọi là “đảng cử dân bầu” là không sai.
Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản nên đảng bao trùm trong mọi sinh hoạt quốc gia, từ nhà nước, quân đội, công an cho đến các cơ quan giáo dục, kinh tế, xã hội. Cũng theo Điều lệ Đảng, ngân sách dành cho sinh hoạt đảng là từ ngân sách nhà nước. Ngân sách quốc gia do quốc hội thông qua, mà hơn 90% đại biểu quốc hội lại là đảng viên cộng sản, như thế có xung đột quyền lợi nghiêm trọng.
Những năm gần đây đã có nhiều kiến nghị với chữ ký của hằng nghìn trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi tách đảng ra khỏi guồng máy nhà nước, quân đội và công an; đòi cải cách chính trị.
Theo báo Tuổi Trẻ Online ngày 16/6/2014, khi bàn về luật tổ chức bầu cử quốc hội, Đại biểu Huỳnh Nghĩa từ Đà Nẵng đã đòi xóa bỏ cơ chế “đảng cử dân bầu”. Đại biểu Trần Du Lịch từ Tp. Hồ Chí Minh nhận định bầu cử quốc hội vẫn còn theo cơ chế Mặt trận, nghĩa là ai muốn ứng cử phải được sự chấp thuận của Mặt trận Tổ quốc, là cơ quan ngoại vi của đảng kiểm soát mọi sinh hoạt hội đoàn.
Phát biểu tại Đại hội Đảng hôm 22/1 Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã kêu gọi cần có đổi mới chính trị song hành với đổi mới kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9/2015 với BBC Việt ngữ, ông Vinh cho biết Việt Nam đang nghiên cứu về cơ chế để dân có thể chọn và bãi nhiệm lãnh đạo cao nhất khi họ không làm được việc.
Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cả hai phe đều cho là mình có được sự ủng hộ của dân chúng. Khi hơn 1500 đại biểu họp hành, bầu chọn thì người dân vẫn chỉ đứng ngoài xem. Nếu có cạnh tranh, có phát huy dân chủ thì cũng chỉ là “dân chủ tập trung” hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, còn người dân vẫn không được quyền chọn, dù là chọn ông Trọng hay ông Dũng.
Những bế tắc ở Việt Nam ngày nay là vì chủ thuyết cộng sản đã đưa đến một chế độ độc tài đảng trị. Mà độc tài dễ dẫn đến tha hoá, tham ô, cửa quyền. Đã đến lúc đất nước cần có một thể chế chính trị tự do dân chủ, cần có một nhà nước do dân bầu chọn qua các cuộc bầu cử tự do, đa đảng.
Một nền dân chủ pháp trị sẽ ít tham nhũng vì các đảng giám sát lẫn nhau, thi đua làm tốt hơn để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Các chế độ tự do dân chủ trên thế giới có nhiều hình thức. Chế độ tổng thống như ở Hoa Kỳ, Pháp, Mexico, Nam Phi, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Indonesia, Philippines… nơi người dân bầu chọn tổng thống. Chế độ quân chủ lập hiến như ở Anh Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay chế độ đại nghị như ở Canada, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Myanmar… nơi người dân bầu chọn đại biểu quốc hội từ danh sách ứng cử viên của nhiều đảng và đảng nào chiếm được đa số ghế sẽ chọn người lãnh đạo quốc gia.
Sau ba thập niên tăng trưởng kinh tế, nay nếu chịu thay đổi thể chế thì Việt Nam sẽ có thể hòa nhập với xu thế thời đại, tăng tiến độ phát triển kinh tế. Đảng không thể đưa ra lí do đất nước còn nghèo, dân trí còn thấp và điều kiện lịch sử để kìm hãm sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Đài Loan lúc nào cũng bị Trung Quốc đe doạ, nhưng hôm 16/1 cử tri đã bầu chọn bà Thái Anh Văn của Dân tiến Đảng, một ứng cử viên có chủ trương Đài Loan được độc lập. Bà đánh bại ứng viên Chu Lập Luân của Quốc dân Đảng là đảng cầm quyền đang ủng hộ chính sách “một quốc gia hai chế độ” của Trung Quốc.
Myanmar nghèo hơn Việt Nam, cũng có biên giới chung với Trung Quốc, mà trong vòng 5 năm qua, sau nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân phiệt, lãnh đạo nước này đã đưa ra một lộ đồ dân chủ hóa, với việc thả tù chính trị, ban hành chính sách hòa giải quốc gia, các luật về tự do báo chí, về tổ chức đảng chính trị và tổ chức bầu cử một quốc hội mới. Tháng 11 năm ngoái Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã chiếm được đa số ghế trong quốc hội và sẽ chọn người lãnh đạo cho Myanmar.
Để độc quyền cai trị, Đảng Cộng sản Việt Nam thường biện luận là đất nước còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao để có thể sinh hoạt chính trị đa đảng, để dân có quyền tự do chọn người lãnh đạo cho đất nước. Lập luận như thế ngày nay có lô-gíc hay không?
No comments:
Post a Comment