4/09/2016

Bạch Ốc chối việc ‘bịt mồm’ Hải Quân Mỹ trước Trung Quốc ở Biển Ðông

Nguoi-Viet
4/6/2016


WASHINGTON (NV) - Cả Tòa Bạch Ốc và Ðô Ðốc Harry Harris đều lên tiếng phủ nhận là Tòa Bạch Ốc ra lệnh buộc các tướng lãnh im lặng về tranh chấp Biển Ðông, khác với sự cáo buộc của tờ Navy Times.

Hôm Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016, tờ Washington Post cho hay như vậy về bản tin hai ngày trước đó của tờ Navy Times mà báo này nói rằng trong các phiên họp kín, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, mỗi khi đòi hỏi phải tiếp tục có thêm các thách thức trực diện với Trung Quốc trên Biển Ðông, thì đều bị Tòa Bạch Ốc ngăn cản.


Khu trục hạm USS Curtis Wilbur từng đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Hình: AFP/Getty Images)

Tùy viên báo chí của Ngũ Giác Ðài, Peter Cook, cho hay Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter và Ðô Ðốc Harry Harris đã “cố vấn thẳng thắn và đầy đủ thông tin cho tổng thống và Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia về một loạt các vấn đề liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương mà họ chịu trách nhiệm.”

Theo lời ông Cook, hoàn toàn không có chỉ thị “bịt mồm” giới quân sự như một nhân vật không được nêu tên mô tả trong bài viết của báo Navy Times.

Ðồng thời, người ta thấy Ðô Ðốc Harris gửi tới báo Washington Post một bản minh xác nói rằng “bất cứ sự khẳng định nào rằng có sự không phối hợp giữa Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương và Tòa Bạch Ốc là hoàn toàn không thật.”

Ông Harris còn cho hay trên tờ Washington Post rằng ông đã đưa nhiều đề nghị, kể cả đề nghị tái diễn các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hải hành trên Biển Ðông, đã được Tòa Bạch Ốc “lắng nghe và cứu xét.” Ông nêu ra một số lần điều trần ở Quốc Hội và tiếp xúc với báo giới ông đều nêu những quan ngại về khu vực Ðông Nam Á và mưu đồ của Trung Quốc quân sự hóa Biển Ðông. Cho nên, nếu bảo rằng Tòa Bạch Ốc muốn “bịt mồm” ông là không đúng.

Tờ báo của Hải Quân Mỹ (Navy Times, một tờ báo độc lập) hôm Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016 có bài viết khá dài thuật lại các cuộc họp giữa tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương với các giới chức Tòa Bạch Ốc. Phía quân đội muốn gia tăng hành động trên Biển Ðông nhưng đều bị Tòa Bạch Ốc “kỳ đà cản mũi.”

Theo tờ Navy Times, Ðô Ðốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đề nghị Mỹ phải phản ứng mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo, kể cả việc đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các nơi này. Ðó là nỗ lực cần phải làm để Trung Quốc đừng lập ra “trường thành cát” trên biển, chỉ cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 140 dặm.

Ông Harris và các tư lệnh khác của ông đã kiên nhẫn mở chiến dịch, cả công khai lẫn trong riêng tư, những tháng vừa qua để báo động hành động của Trung Quốc là quân sự hóa Biển Ðông.

Tuy nhiên, chính phủ Obama chỉ còn có 9 tháng chót cầm quyền, nên chỉ muốn đàm phán với Bắc Kinh trên một số vấn đề, từ phi liên kết hạt nhân đến một chương trình mậu dịch đầy tham vọng với Trung Quốc. Do vậy, giới chuyên viên cho rằng chính phủ Obama không muốn làm Biển Ðông dậy sóng. Cũng vì vậy, cả ông Harris và các tư lệnh quân sự khác đều bị bịt miệng cho tới ngày Tổng Thống Obama gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hoa Thịnh Ðốn.

Theo Navy Times, Tòa Bạch Ốc muốn Ðô Ðốc Harris và các tướng lãnh khác tuyên bố dịu giọng hơn trong khi họ cùng một giọng tố cáo Bắc Kinh muốn nuốt trọn Biển Ðông. Thậm chí, Cố vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice còn ra chỉ thị “bịt mồm” họ, không cho nói gì về Biển Ðông những ngày gần đến cuộc họp thượng đỉnh của ông Obama và Tập Cận Bình tuần trước.

“Ðôi khi thì được phép nói ra các sự kiện để vạch ra những gì Bắc Kinh đang làm, nhiều lúc khác thì không được phép.” Một viên chức, không nêu tên, được nhìn thấy chỉ thị của bà Rice, nói. “Trong khi đó, Trung Quốc thì hoàn toàn trước sau như một khi đưa ra các thông điệp.”

Cái lệnh của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia đè áp lực tới Ngũ Giác Ðài nên họ phải buộc các vị tư lệnh không được tuyên bố công khai gì về Biển Ðông, ngay cả sau khi cuộc họp thượng đỉnh đã qua đi. Sự ngăn cản của cơ quan này khiến người ta nghĩ rằng sự chập chờn không thống nhất hành động đã thúc đẩy Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn.

Giới quân sự Mỹ diễn giải lệnh “bịt mồm”cho rằng họ phải im lặng trước các hành động lấn tới của Trung Quốc kiểm soát hầu hết Biển Ðông. Bởi vậy, họ ngại rằng các phản ứng yếu xìu của Mỹ lại càng kích thích cho Bắc Kinh làm tới trong khi các đồng minh và bạn bè Mỹ ở khu vực thì âu lo.

Giới phân tích thời sự cho rằng Bạch Ốc cố tìm một giải pháp đối phó với Trung Quốc mà không phải kình chống trực diện. Nhưng thái độ “chờ xem” của Mỹ đã thất bại mà bằng chứng là kế hoạch làm đảo nhân tạo và biến thành các căn cứ quân sự khống chế Biển Ðông của Trung Quốc tiến hành với tất cả sức lực của họ.

Bên cạnh việc bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, mở rộng và tăng cường võ khí tối tân ở quần đảo Hoàng Sa, đang có những bằng chứng cho thấy Bắc Kinh nhắm biến bãi đá ngầm Scarborough Shoal, chỉ cách Manila 140 dặm, thành một đảo nhân tạo khổng lồ nữa. Vùng biển này cũng hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Philippines.

Nếu đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở đây hoàn tất, các căn cứ Mỹ đặt ở Philippines sẽ hoàn toàn nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.

Ðô Ðốc Harris và các tư lệnh khác của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương đã áp lực với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, Quốc Hội cũng như Ngũ Giác Ðài là phải gửi thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ không dung thứ hành vi tiếp tục hà hiếp láng giềng. Một trong những cách gửi thông điệp là phải đưa nhiều các tàu đi tuần gần các đảo nhân tạo.

Một chuyên viên tại Thượng Viện Mỹ nhìn nhận rằng nếu Trung Quốc làm xong đảo nhận tạo tại bãi Scarborough (cướp của Philippines hồi năm 2012), các căn cứ Mỹ đặt tại Subic Bay, Manila Bay và tại eo biển Luzon sẽ bị hỏa tiễn địch đe dọa.

Giới chuyên viên tin rằng không có các phản ứng mạnh mẽ thì chỉ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục chính sách bá quyền bành trướng trên Biển Ðông.

“Trên Biển Ðông, các hành động của Trung Quốc là làm mất ổn định ở khu vực và có thể đe dọa các hải lộ thương mại.” Tướng Joe Dunford, tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, phát biểu trong một buổi hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Ðốn tổ chức ngày 29 tháng 3, 2016.

Theo ý kiến của ông Dunford, các chuyến hải hành nhằm bảo vệ tự do hải hành của lực lượng Mỹ tuy có tác dụng trấn an phần nào các đồng minh nhưng không hề ngăn cản được Bắc Kinh phát triển khả năng quân sự trên Biển Ðông kể cả những nơi đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.

Theo ông Sean Liedman, một đại tá hải quân đã nghỉ hưu, hiện là một chuyên viên tại Hội đồng Ðối Ngoại, một tổ chức tư vấn độc lập tại Hoa Thịnh Ðốn, nếu không ngăn cản được việc Bắc Kinh làm đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough sẽ dẫn tới xung đột nhiều hơn. (TN)

No comments:

Post a Comment