Quốc Hùng
3/24/2015
UBND tỉnh Quảng Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp vào chiều 23-3 -Ảnh: báo Nhân Dân online
(TBKTSG Online) - Tập đoàn Chow Tai Fook (Hồng Kông) và Sun City (Macao) là hai nhà đầu tư mới chính thức thay thế Genting Berhad (Malaysia) trong dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ được cấp phép từ năm 2010 ở tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam chiều hôm qua (23-3) đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đối với dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng Nam Hội An nói trên cho ba nhà đầu tư chính thức thực hiện gồm hai nhà đầu tư mới là Tập đoàn Chow Tai Fook và Tập đoàn Sun City, cùng đối tác cũ trong dự án này là Tập đoàn VinaCapital.
Nhà đầu tư trước trong dự án này là Genting Berhad Malaysia chính thức rút khỏi dự án đầu tư này tại khu vực hai huyện: Duy Xuyên và Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trao đổi với TBKTSG Online qua điện thoại sáng nay 24-3, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - đơn vị tư vấn cho tỉnh về dự án này - cho biết trước đây, khi hợp tác với Genting Berhad Malaysia, VinaCapital nắm giữ cổ phần chi phối trong dự án. Với việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư mới này thì giờ đây nhà đầu tư mới là tập đoàn Chow Tai Fook (Hồng Kông) sẽ nắm tỉ lệ cổ phần chi phối trong dự án.
Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai cho biết đã xác minh rất kỹ về năng lực của hai nhà đầu tư mới này và cho thấy đây là hai nhà đầu tư lớn có tiềm lực mạnh về tài chính để rót vốn thúc đẩy việc triển khai nhanh dự án đầu tư này.
Chow Tai Fook là một tập đoàn chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý của Hồng Kông và Sun City là một tập đoàn chuyên kinh doanh lĩnh vực khách sạn, giải trí, trong đó có casino của Macao.
Ông Diện cho biết, theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của dự án này thì giai đoạn một của dự án sẽ được triển khai với số vốn 500 triệu đô la Mỹ gồm xây khách sạn, sân golf, khu trò chơi có thưởng cho người nước ngoài... Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ hoàn thành giai đoạn một để đưa vào khai thác vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Ông Diện cho rằng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ cho việc triển khai toàn dự án Nam Hội An sẽ không thay đổi, nhưng có một số thay đổi liên quan đến quy mô và tiến độ triển khai thực hiện.
Dự án Nam Hội An có tổng vốn đăng ký 4 tỉ đô la Mỹ được cấp phép vào cuối năm 2010 với mục tiêu xây dựng một khu nghỉ dưỡng phức hợp, trong đó có hạng mục khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Theo giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, đây là dự án liên doanh giữa VinaCapital và Genting Berhad Malaysia, trong đó VinaCapital nắm giữ 80% cổ phần trong dự án, còn Genting chỉ là 20%.
Tuy nhiên, cuối năm 2012, Genting Berhad đã tuyên bố rút khỏi dự án, khiến cho VinaCapital phải nỗ lực tìm kiếm đối tác mới để duy trì dự án. Tháng 11 năm 2013, VinaCapital đã đề xuất với Quảng Nam tập đoàn Peninsula Pacific thay thế Genting Berhad. Tuy nhiên, trong khoảng một năm sau đó, thông tin về đối tác phát triển dự án Nam Hội An cùng với VinaCapital vẫn chưa ngã ngũ.
Nhưng cuối cùng giờ đây tập đoàn Chow Tai Fook và Sun City lại chính thức thay thế Genting Berhad Malaysia chứ không phải Peninsula Pacific.
Trước đó, vào cuối năm ngoái thông tin Chow Tai Fook muốn đầu tư dự án khu nghỉ mát kèm casino có vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ này ở tỉnh Quảng Nam cũng được đại diện tập đoàn này chia sẻ trên Bloomberg, nhưng không tiết lộ tên và chi tiết của dự án. Theo Bloomberg, Chow Tai Fook nằm dưới sự kiểm soát của gia đình người giàu thứ tư của Hồng Kông là Cheng Yu-Tung.
Hiện tại, ở Việt Nam, đối với các dự án casino quy mô lớn mới chỉ có Hồ Tràm Strip đã đi vào hoạt động một phần giai đoạn I. Việc dự án Nam Hội An có hai nhà đầu tư mới thay thế Genting tham gia đầu tư cho thấy nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trở lại các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp có khu trò chơi có thưởng cho người nước ngoài ở Việt Nam. Hai dự án casino có quy mô lớn khác là ở Vân Đồn và Phú Quốc hiện cũng chưa tìm được nhà đầu tư.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, ngoài dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An nói trên, chiều hôm qua 23-3 chính quyền tỉnh còn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án khác, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 50 triệu đô la Mỹ và 5 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 1.685 tỉ đồng.
Trong số này có dự án nhà máy may, dệt, nhuộm Tam Thăng (Khu Công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ) của Công ty PanKo (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 30 triệu đô la Mỹ; và nhà máy sản xuất hàng may mặc ONEWOO (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được) của Công ty One Woo – Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư 6 triệu đô la Mỹ.
Các dự án trong nước đều liên quan đến lĩnh vực dệt-may, trong đó có Khu liên hợp Sợi – Dệt – Nhuộm – May (tại huyện Quế Sơn) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng; Nhà máy sợi Bình Phục (huyện Thăng Bình) của Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, với vốn đầu tư 180 tỉ đồng; Nhà máy may thêu xuất khẩu Sơn Hà (huyện Duy Xuyên) của Công ty Sơn Hà, với tổng vốn đầu tư 160 tỉ đồng; và Nhà máy may xuất khẩu (Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc) của Công ty TNHH May Nam Vương với tổng vốn đầu tư 95 tỉ đồng…
No comments:
Post a Comment