4/6/2016
Thêm một người trộm chó ở Bắc Giang bị đánh chết. Bức ảnh nạn nhân nằm co quắp dưới đất chịu trận đòn trông quá thê thảm, chung quanh là người dân vung gậy chực quật xuống. Có lẽ trên quả đất này, chỉ Việt Nam có “nghề” trộm chó, và có lẽ cũng là nơi duy nhất xảy ra nhiều vụ người ta bị tước đoạt mạng sống vì trộm chó.
Mỗi người Việt suy nghĩ gì khi đọc những bản tin kinh hãi này?
Báo Lao Động từng có bài viết không đồng tình với việc người dân đánh kẻ trộm chó cho đến chết, ngay sau đó nhận được nhiều ý kiến phản ứng cho rằng, những kẻ trộm chó thường rất hung hãn, thậm chí sử dụng cả súng để chống trả, vì thế phải trừng trị đích đáng.
Người dân quá bức xúc vì nạn trộm chó nên không thể kìm nén được sự giận dữ khi bắt được kẻ trộm. Có thể chia sẻ sự bức xúc của người dân, nhưng cho dù nhiều người lên tiếng đòi phải đánh để dẹp nạn trộm chó, Báo Lao Động vẫn giữ quan điểm không được quyền tước đoạt mạng sống của bất cứ ai. Người có hành vi vi phạm pháp luật thì có pháp luật phân xử, đó mới là một xã hội văn minh.
Có điều, vấn đề sâu xa của các vụ án mạng vì trộm chó không phải là do thiếu luật pháp mà ở chỗ khác.
Câu hỏi “người Việt suy nghĩ gì?” đặt ra trên để chúng ta tìm nguyên nhân và lời giải ở gốc, chạy theo cái ngọn như lâu nay mãi mãi không thể hóa giải được “kiếp nạn” của người trộm chó cũng như những người liên quan vướng vòng lao lý.
Gốc rễ chính là sự nghèo đói và tăm tối. Cái nghèo thì đã rõ, không ai đủ ăn đủ mặc lại đi trộm chó để bị đánh cho đến chết. Một đất nước còn có nhiều người nghèo phải kiếm sống bằng cái nghề kinh khủng này thì bất cứ công dân nào cũng không thể bình tâm xem đó là chuyện của kẻ trộm cắp.
Tăm tối còn tệ hơn nghèo. Bởi vì nhiều người nghèo nhưng họ vẫn sống lương thiện, chỉ có nghèo đi với tăm tối mới có những “cẩu tặc”, “đinh tặc”. Tăm tối vì không được học hành, vì không được giáo dục, vì không được sống trong môi trường văn minh.
Mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân, nhưng tạo ra một môi trường sống có ánh sáng văn minh đẩy lùi tăm tối không chỉ là việc của người dân. Trên thế giới có nhiều quốc gia ít trộm cắp, thậm chí không có trộm cắp như Bhutan, là do chất lượng của nền cai trị và văn hóa của các quốc gia đó.
Còn nghèo khổ và tăm tối, những bản tin cẩu tặc bị đánh hội đồng đến chết sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo.
No comments:
Post a Comment