4/09/2016

Tiếp tục soạn thảo Tự Ðiển Tiếng Việt cho người Việt hải ngoại

Nguyên Huy/Người Việt
4/9/2016

Một cuốn tự điển tiếng Việt do chính người Việt hải ngoại biên soạn, không chỉ là sự mong ước của thế hệ cao niên người Việt tị nạn, mà còn là sự mơ ước của tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại khi tiếng Việt hải ngoại càng ngày càng bị “lai căng,” không chỉ từ ngôn ngữ nơi sinh sống mà từ sự tràn ngập ngô nghê từ ngôn ngữ trong nước dưới sự chỉ đạo của nhà nước Cộng Sản.


Một lớp Việt Ngữ tại Little Saigon. (Hình minh họa: Người Việt)

Ðây là nỗi trăn trở của những người làm văn học hải ngoại nên từ gần bốn năm qua Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đã có quyết tâm lao vào công việc này.

Trong một cuộc họp của câu lạc bộ này, Giáo Sư Song Thuận nói: “Kể từ 30 Tháng Tư, 1975, văn hóa miền Nam Việt Nam bị truy bức, đốt phá, xuyên tạc, và gần đây, tại một vài thư viện Mỹ, một số sách và tự điển được biên soạn trước năm 1975 đã bị phá hoại khiến sinh viên Việt Nam không thể tra cứu được, đành phải tìm những cuốn tự điển xuất bản từ trong nước. Tất nhiên là những sách vở tài liệu này đều bị kiểm soát khắt khe, thường phải theo đúng sự chỉ đạo, theo đường lối của đảng.”

Sau khi đưa ra một số thí dụ về những từ ngữ đặc Hán như “lễ tân” (tiếp khách), tham quan (du ngoạn, thăm viếng...), đăng ký (ghi tên, ghi danh) mà người trong nước buộc phải dùng nay đã hầu như quen thuộc, đương nhiên người Việt đã bị Hán hóa ngôn ngữ rất nhiều đến độ mọi người cứ “vô tư” mà không để ý tới, thậm chí đã lan truyền cả ra hải ngoại, Giáo Sư Song Thuận kêu gọi mọi người cùng tiếp tay nhau mà soạn ra một cuốn tự điển tiếng Việt để các bạn trẻ hải ngoại dùng cho đúng thứ chữ nghĩa và ngôn ngữ truyền thống của người Việt.

Lời kêu gọi của ông được nhiều người trong đó có đủ các thành phần từ trí thức, khoa bảng cho tới người bình dân, thương mại... hưởng ứng.

Một ủy ban soạn thảo được hình thành với 24 người quan tâm đến tiếng Việt từ gần bốn năm nay.

Theo Giáo Sư Song Thuận cho biết, Ủy Ban Soạn Thảo làm việc rất say mê. Công việc được chia ra như sau, mỗi người nhận phụ trách biên soạn một chữ cái, thí dụ chữ A. Ngoài phần giải nghĩa tiếng Việt như các tự điển thông thường, nếu có thể, còn ghi thêm cách viết, chính tả, nghĩa theo địa phương hay theo tiếng lóng kể cả việc ghi chú thêm tiếng Anh, Pháp nữa.

Mỗi người khi nhận phụ trách một chữ rồi có thể qui tụ thêm bạn hữu để thành một nhóm bàn bạc, soạn thảo với nhau. Việc soạn thảo, tất cả đã đồng ý tôn trọng một số điều lệ căn bản như:

-Có tinh thần dân tộc, dân chủ và mở rộng, không Cộng Sản.
-Dùng tiếng thuần Việt, bỏ những tiếng ngô nghê như “xưởng đẻ.”
-Dùng tiếng Hán-Việt nhưng theo cách viết và nói của người Việt.

Trong việc soạn thảo sẽ có một ban tham vấn có uy tín để các soạn thảo viên tham khảo ý kiến. Ban tham vấn này cũng phụ trách phần hiệu đính khi việc soạn thảo hoàn tất.

Ðến nay, sau hơn ba năm làm việc, các soạn thảo viên mới đến chữ L và M.

Ðặc biệt công việc soạn thảo không giống như các “viện sĩ” hàn lâm, tuy làm việc riêng, nhưng công việc làm đến đâu lại đưa lên Internet để nhận được những đóng góp của mọi người. Cứ sau một thời gian không cố định mà thấy cần phải ngồi lại với nhau để thẩm định chung thì lại có một buổi họp để đúc kết.

Cho đến nay, theo Giáo Sư Song Thuận, công việc của mọi người đang tiến hành tốt đẹp, không có một trở ngại gì.

Theo dõi công việc của ủy ban mới thấy mọi người nhận lãnh công việc soạn thảo đã tỏ ra rất thận trọng trong việc giải thích nghĩa. Khi gặp khó khăn lại đưa lên Internet để tham khảo ý kiến chẳng hạn như những danh từ địa phương như “giời” (tiếng Bắc) và “trời” (tiếng Trung và Nam) thì chọn tiếng nào cho chuẩn hay để cả hai tiếng mà thích nghĩa, v.v...

Việc theo dõi ấy cho thấy có những góp ý rất thích thú, xin được trích đăng một vài đoạn góp ý với việc soạn thảo tự điển tiếng Việt như sau:


Nỗi buồn tiếng Việt

Chu Ðậu

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng 50 năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày Cộng Sản toàn chiếm Việt Nam, 30 Tháng Tư, 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam.

Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng. Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.

Thế nhưng, dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu? Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi, người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Quốc bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Sau đây, chúng tôi xin ghi lại một số từ ngữ (được tạm xếp theo vần abc) mà chế độ CSVN ép dân chúng dùng, đọc lên, nói lên sai với nguyên nghĩa, nghe thô tục, kỳ lạ và ảnh hưởng Tây phương rất nặng, khó có thể chấp nhận, thí dụ như

“Cải tạo” = transform, improve; re-education. Họ không phân biệt “cải tạo vật chất” với “cải tạo tư tưởng,” quan niệm chính trị. Nói: “Phải dùng cát để cải tạo đất,” khác với “trung úy miền Nam bị đi tù cải tạo.” Nếu muốn chữa cho đất có màu mỡ hơn nên dùng “cải tiến,” “cải thiện”... Khoảng 50 năm nay từ “cải tạo” cả nước đã hiểu là ở tù rồi!

“Chất lượng,” đây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ “quality” của tiếng Anh. Nhưng than ôi! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là “quality.” Lượng là số nhiều ít, là “quantity.” Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là “quality.” Mình đã có sẵn chữ “phẩm chất” rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ “chất lượng.” Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta.

“Ðại trà” = on a large scale = cỡ lớn, quy mô lớn. Thí dụ: “Ðồng bào trồng cây cà phê đại trà.” Tại sao không dùng như trước là “quy mô lớn?” Ngoài ra dùng “đại trà” là bắt chước Trung Quốc. Có thể gây hiểu lầm là “cây trà lớn!”

“Ðăng ký” = register = ghi tên, ghi danh. Nghĩa rất đơn giản, nhưng bắt chước Trung Quốc, cố dùng Hán-Việt. Câu nói sau đây nghe kỳ lạ: “Tôi đã đăng ký mua khoai mì ở phường...” Tại sao không dùng “ghi danh,” “ghi tên?” “Ðăng ký” là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ đến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước. Trước đây, ta đã có chữ “ghi tên” (và “ghi danh”) để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ “đăng ký” để dịch chữ “register” từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ “ghi tên” hay “ghi danh” cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu!

“Ðầu ra, đầu vào” = output, input = cái đưa ra, cái đưa vào, dòng điện cho vào máy; dữ kiện đưa vào máy vi tính. Họ còn dùng có nghĩa là vốn, hoặc thì giờ, công sức bỏ vào và kết quả của cuộc đầu tư đó. Nhưng dùng “đầu ra, đầu vào” nghe thô tục (giống như từ bộ phận = một phần việc, một nhóm, tổ, đã bị nhà văn nữ Kathy Trần đốp chát, hỏi: “Bộ phận gì?” bộ phận của đàn ông, đàn bà hả). Có thể dùng “vốn đầu tư” và “kết quả sản lượng.”

“Giải phóng” = liberate, emancipate/ free, relieve, release = giải tỏa, xả, thả, trả tự do. Chữ “giải phóng” chỉ nên dùng cho con người, không dùng cho loài vật, đất, vườn... Họ lạm dụng chữ giải phóng, nghe không thuận tai và sai nghĩa. Thí dụ: “Ðã giải phóng (giải tỏa) xong mặt bằng để xây dựng nhà máy,” “Anh công an lưu thông tích cực công tác để giải phóng (giải tỏa) xe cộ,” “Em X giải phóng (thả) con chó!” Những câu sau đây mới là dùng đúng cách: “Phong trào giải phóng phụ nữ,” “Công cuộc giải phóng nô lệ.”

“Hiển thị”: “Chỉ cần ấn nút thì mọi nhu cầu sẽ được hiển thị trên máy tính...” (appear on screen). Tại sao không nói “sẽ thấy hiện rõ trên máy.”

“Khả năng”: Chữ này tương đương với chữ “ability” trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam người ta dùng chữ “khả năng” trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là “Trời hôm nay có thể mưa,” thì người ta lại nói: “Trời hôm nay có khả năng mưa,” nghe vừa nặng nề, vừa sai. “Có khả năng”: Ðây là cách sử dụng rất Tây, thí dụ: “Hôm nay thời tiết có khả năng mưa,” chúng ta tạm chấp nhận (sao không nói giản dị là: “Hôm nay trời có thể mưa?”). Thí dụ này khó chấp nhận: “Học sinh X có khả năng không đạt điểm tốt nghiệp.” Có khả năng là ability; aptitude; capacity và luôn luôn dùng ở trạng thái tích cực (positive), không bao giờ dùng với trạng thái tiêu cực (negative). Những câu sau đây nghe rất chướng: “Bệnh nhân có khả năng bị hôn mê.” “Ðịch có khả năng bị tiêu diệt...”

“Khả thi” = feasible, applicable; ability to carry out = có thể thực hiện được, có thể thi hành được. “Khả thi” và “bất khả thi” cũng chịu ảnh hưởng nặng của Trung
Quốc. Sao không dùng: “Không thực hiện được” hay “không thực hiện nổi.” Ngoài ra “khả thi” sẽ đưa đến sự hiểu lầm là “có thể dự thi được.”

“Khẩn trương”: Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính Cộng Sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ “nhanh chóng.” Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ “nhanh chóng” để dùng chữ “khẩn trương.” Ðáng lẽ phải nói là: “Làm nhanh lên” thì người ta nói là: “Làm khẩn trương lên.”

“Kích cầu” = to level the bridge/needing to sitimulate = nhu cầu để kích thích/nâng cao cái cầu lên. Cả hai nghĩa đều hàm ý là chất xúc tác, kích thích tố khiến sự việc tiến nhanh hơn. Cách dùng hơi lạ: Bên công chánh có lối dùng những con đội để nâng cao cái cầu giao thông lên. Tại sao không dùng “kích thích tố,” “chất xúc tác,” như trước?

“Liên hệ”: Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. “Liên hệ” là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người Cộng Sản Việt Nam dùng chữ “liên hệ” để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là “nói chuyện” cho đúng và giản dị. Chữ “liên hệ” dịch sang tiếng Anh là “to relate to,” chứ không phải là “to communicate to.”

“Nghệ nhân”: Ta vốn gọi những người này là “nghệ sĩ.” Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ “nghệ sĩ,” họ dùng chữ “nghệ nhân.” Có những người tưởng rằng chữ “nghệ nhân” cao hơn chữ “nghệ sĩ,” họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người Cộng Sản Việt Nam dùng chữ “nghệ nhân” là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.

“Quản lý” = management = quản trị, chịu trách nhiệm. Bắt chước từ Trung Quốc và bị lạm dụng. Nói: “Anh X quản lý một xí nghiệp” thì được, nhưng câu sau nhái lại khôi hài “Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lý đời anh...” “Quản lý” chỉ dùng để trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hành chánh. “Quản lý” không dùng cho lĩnh vực tình cảm được, tình cảm không phải là một lô hàng, không phải là một xí nghiệp.

“Sự cố”: “Sự cố kỹ thuật”: tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như “trở ngại” hay “trở ngại kỹ thuật” hay giản dị hơn là chữ “hỏng?” (Nói “xe tôi bị hỏng” rõ ràng mà giản dị hơn là nói “xe tôi có sự cố”).

No comments:

Post a Comment