4/02/2016

Văn Quang: Những cái chết thầm lặng

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
4/1/2016


Vấn đề tôi nêu ra ở đây thật ra chẳng có gì mới. Đó là những chuyện cũ rích nhưng nó vẫn cứ “đổi mới”. Cách đây chừng 5-7 năm, chuyện thực phẩm bẩn đã rộ lên khiến người dân và khách nước ngoài kinh sợ. Bẵng đi một thời gian, đến nay vấn đề đó lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mặc dù nhà cầm quyền VN đã cố gắng dẹp tệ nạn này, nhưng chặt đầu này, nó mọc đầu kia. Cái đầu mới lại tinh vi xảo quyệt hơn thủ đoạn cũ, bởi nó chịu “đổi mới”, có “tư duy sáng tạo” còn biện pháp thì cứ cũ mèm nên nó mạnh hơn và nó lại thắng. Các cơ quan có trách nhiệm lại ra sức đuổi theo tiêu diệt nó, nhưng nó chạy như ngựa phi đường xa, còn các quan cứ như cầm đèn chạy trước ô tô. Anh đuổi cứ đuổi, anh ngồi đếm tiền cứ ngồi. Thế thì dân làm sao không chết. Có lẽ chỉ vì cái sự thật kinh hoàng là bệnh ung thư đang lan tràn rất mạnh ở VN trong thời gian vừa qua nên các quan mới nháo nhác đi tìm nguyên nhân phát sinh bệnh. Thật ra đó là thứ bệnh ai cũng biết.



Các công nhân nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo vào ngày 10-3.

Con số người chết vì ung thư ở VN tăng nhanh nhất thế giới
Số liệu mới nhất tại hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” do Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam tổ chức tại TP Sài Gòn ngày 26/3 vừa qua cho thấy, hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới, với 75.000 ca tử vong, khiến VN trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư ở mức báo động, con số này có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Phòng Chống Ung Thư Việt Nam: Nguyên nhân chủ yếu do các loạihóa chất độchại có trong thức ăn hàng ngày. Điều này làm cho Việt Nam là nước có bệnh nhân ung thư nhiều nhất trên thế giới. Một số quốc gia nhỏ chỉ có mấy triệu người dân thôi. Số người chết vì ung thư ở nước ta chỉ trong mấy chục năm có thể bằng cả một quốc gia bị xóa sổ.

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Lý do là mỗi ngày họ phải sử dụng những chiếc áo ngực Trung Quốc có chứa đủ thứ hóa chất gây bệnh mà không hề hay biết.

Hàng ngày, người dân phải ăn những loại thực phẩm bị tẩm độc bởi những loại hóa chất độc hại từTrung Quốc. Chỉ tính trong năm 2012 đã có hàng ngàn vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc trong nước bị phát hiện và bắt giữ. Trong đó, hầu hết đều có chứa các chất bảo quản gây nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người tiêu dùng: táo, khoai tây, lê…

Người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc và lựa chọn thực phẩm trong nước nhưng cũng chẳng được an toàn hơn khi hàng loạt các thực phẩm, hoa quả trong nước được tẩm ướp và chế biến, bảo quản bằng hóa chất như giá đỗ, chuối, đu đủ, cà chua, mít…

Ngay cả những thứ quà vặt cho trẻ em như bim bim, bánh kẹo hay những thứ đồ chơi cho trẻ như thú nhún, cây thông Noel cũng trở nên nguy hiểm đổi với con người bởi bên trong đó là những loại hóa chất trở thành tác nhân gây ra bệnh ung thư. Chỉ trong vòng 5 năm, số bệnh nhân ung thư tăng gấp ba. Chỉ trong năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước có thể đã ăn tới 6 tấn chất cấm trong chăn nuôi.
Từ đó đến nay bệnh ung thư vẫn tiếp tục lan tràn. Tại sao?

Hàng chục tấn chất tạo nạc trôi nổi trên thị trường
Theo báo điện tử Vietnam Net, trong khi con số nhập khẩu chất tạo nạc giữa Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế đưa ra “vênh” nhau một trời một vực thì nhiều tấn hóa chất nguy hại này vẫn trôi nổi trên thị trường. (Tức là hai bộ mỗi ông nói một phách).

Tại hội nghị trực tuyến về về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, 9 tháng đầu năm 2015 có tới 68 tấn Salbutamol - chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi, được nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ trưởng Phát đặt nghi vấn các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập lậu chất này và bán ra thị trường một cách bất chính cho người chăn nuôi sử dụng trộn vào thức ăn để vật nuôi siêu nạc, mau lớn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, 9 tháng đầu năm 2015 mới chỉ cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol và chỉ những công ty có số đăng ký các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập, nhà máy đạt GMP mới được sản xuất.. Việc nhập khẩu Salbutamol được căn cứ trên nhu cầu thực tế. Do đó, không có chuyện Bộ Y tế cho phép nhập khẩu đến 68 tấn Salbutamol như thông tin đã đưa.

Hai bộ đốp chát, bên nói có, bên nói không, anh dân đen ngơ ngác chẳng biết tin ông nào. Kết luận chất tạo nạc vẫn nhởn nhơ giữa thị trường bán cho người cần mua dù đó loại chất cấm, chỉ sử dụng cho việc cữa bệnh điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ làm cho người bệnh thở dễ dàng hơn. Salbutamol và Clenbuterol nếu tồn dư trong thịt sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người khi đưa vào cơ thể. Còn kháng sinh tồn dư trong thực phẩm làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc điều trị cho người. Hiện nay, cả 2 chất tạo nạc này đều bị cấm dùng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay - chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Kết quả giám sát cũng cho thấy, các chất cấm, chất kháng sinh không chỉ bịphát hiện ở thịt lợn mà còn có cả ở thịt gà.

Còn rất nhiều vụ phát hiện chất cấm trên thực phẩm đã bị phanh phui. Ngoài bọn gian thương Tàu tuồn hàng cấm vào VN, chính người Việt cũng nhẫn tâm hại đồng bào mình. Những vụ ngâm tẩm hóa chất độc hại bị phát hiện như thịt trâu tẩm hóa chất độc hại, làm giả thành thịt bò; cà phê làm từ bột đậu nành tẩm hóa chất hương cà phê có khả năng gây ung thư; da heo, mỡ bẩn tẩy trắng bằng hóa chất độc hại; rau tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; heo có chất tạo nạc, uống thuốc an thần. Gần đây, người dân ở Phú Yên sử dụng hóa chất, phẩm màu để nhuộm ruốc theo yêu cầu của thương lái. Việc này đã có từ lâu nhưng chính quyền địa phương và người tiêu dùng nay mới biết!

Tôi chỉ nêu hai thí dụ điển hình đó thôi, bạn đọc có thể hiểu được nỗi nguy rình rập hàng ngày của hầu hết người VN là thế nào.

Như thế người dân ăn gì cũng chết. Còn uống cũng nhiều thứ dễ chết như nhau. Hầu như thức uống nào cũng có thể bị nhuộm xanh nhộm đỏ chứa đầy hóa chất. Thứ mà người dân từ thượng lưu trí thức đến người bình dân ngồi vỉa hè quen dùng hàng ngày là cà phê cũng bị làm giả, bị nhiễm độc nặng. Những hàng quán vỉa hè cũng chứa đầy chất độc, không ai kiểm tra. Người dân vẫn cứ ăn, cứ uống.

Cà phê tẩm hóa chất chế biến ngay giữa TP Vũng Tàu
Sáng 24-3, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở rang cà phê tại số 268, đường Trương Công Đinh, TP Vũng Tàu và phát hiện một số lượng lớn cà phê, đậu nành và các phụ gia chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở rang cà phê trên do ông Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) làm chủ.
Khi cơ quan công an kiểm tra, phát hiện nhiều bao cà phê, đậu nành nằm la liệt ở dưới sàn nhà cáu bẩn, bụi bám đen sì, các dụng cụ dùng để rang cà phê như chảo, muỗng đều đã chuyển màu và nằm dưới sàn nhà. Thùng để chứa bơ bẩn thỉu, dơ dáy, cơ sở bốc mùi khét lẹt. Một số thùng đã qua sử dụng được chất vào bên trong kho của cơ sở trên đều ghi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Chủ cơ sở trên cho biết số cà phê trên được ông mua từ các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk; riêng các phụ gia để tẩm ướp thì được mua tại TP Sài Gòn.

Tại nơi sản xuất ra cà phê cũng làm giả
Phóng viên tờ báoNgười Lao Động giả làm chủ cửa hàng,đi mua 50 kg cà phê bột, chúng tôi tới cơ sở rang xay ở phường Hòa Khánh, TPBuôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, nhiều bao cà phê bột đóng sẵn chờ tiêu thụ, ngổn ngang can, lọ đựng hóa chất, nguyên liệu toàn bắp và đậu nành để dưới nền nhà. Theo chủ cơ sở này, mấy ngày qua phải tăng 300% công suất nhưng cũng phải làm tới 29 Tết mới đủ hàng.
Trước đó, cuối tháng 1, Phòng Cảnh sátPhòng chống tội phạm về môi trường của công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của ông Nguyễn Đình Quang (ngụ xã Hòa Khánh). Xưởng chế biến là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, bụi bặm; nguyên liệu cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất để dưới nền xi măng cáu bẩn.
Ông Quang không xuất trình được các giấy tờ liên quan đếnhoạt động sản xuấtcà phê bột nhưng thừa nhận mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg cà phê bột. Cà phê bột của ông Quang chỉ có 10% cà phê, còn lại là bột bắp, đậu nành rang cháy và các loại hóa chất không rõ nguồn gốc.

Theo Hội Bảo vệngười tiêu dùngĐắk Lắk, qua khảo sát 30 cơ sở chế biến thì có 73,3% cơ sở ngoài cà phê còn dùng thêm đậu nành; 46,7% cơ sở dùng thêm bắp; 6,7% dùng thêm đậu đỏ và 4/27 mẫu cà phê không đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc khảo sát chỉ tập trung ở các cơ sở có tên tuổi; còn các cơ sở chế biến chui, nhỏ lẻ thì chắc chắn còn nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Lý,chủ quán cà phêBảo Tàng (đường Lê Duẩn,TP Ban Mê Thuột), hiện rất ít người dùngcà phê nguyên chất dù loại cà phê này chỉ hơn cà phê pha sẵn 3.000 đồng/ly. Trung bình mỗi ngày, quán bán hơn 200 ly, trong đó chỉ khoảng 20-30 ly là cà phê nguyên chất xay pha trực tiếp.
Còn theo chủ mộtdoanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ xuất khẩu chứ không cạnh tranh nổi ởthị trường nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp có hàm lượng cà phê khoảng 80% nên giá cao hơn, không đắng và sệt so với các loại cà phê mà các quán thường bán.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cho rằng cà phê bẩn tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bột đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất nếu dùng lâu ngày sẽ rất nguy hại.

Nguy hại tới người khác thì mặc kệ, miễn có thêm tiền là cứ làm. Như thế còn dã man hơn cả trộm cướp. Chính ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng “Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật, điều hành của các cấp mà còn là minh chứng của xuống cấp đạo đức xã hội”.
Văn hóa suy đồi, xã hội tham nhũng đầy rẫy là hiện tượng rõ rệt lương tâm đang chết dần. Chẳng cơ quan nào cứu được, xã hội không thay đổi thì đạo đức loạn là đúng.

Sự thật là những cái chết thầm lặng không có tiếng súng kia ngày ngày vẫn âm vang khắp nơi. Chẳng ai quan tâm, còn mải… đếm tiền!
Văn Quang 01 tháng 4-2016

No comments:

Post a Comment