Dịch giả Trần Văn Minh
3/31/2016
TUYÊN BỐ CỦA TỔ CHỨC ÂN XÁ QUỐC TẾ
Việt Nam phải chấm dứt việc dùng luật pháp để trấn áp và phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện cho 6 nhà hoạt động bị kết án trong 8 ngày qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.
Vào ngày 30 tháng 3 năm 2016, bốn nhà hoạt động bị kết án theo Điều 88, “tuyên truyền chống nhà nước”, trong hai vụ xử khác nhau. Trong một vụ, ba người phụ nữ – bà Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Trí và Nguyễn Thị Bé Hai – đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án. Bà Ngô Thị Minh Ước bị tuyên phạt 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, trong khi bà Nguyễn Thị Trí và bà Nguyễn Thị Bé Hai nhận 3 năm tù giam và 2 năm quản chế. Truyền thông nhà nước tường thuật rằng bà Ngô Thị Minh Ước lãnh thêm 3 tháng tù giam từ Tòa án nhân dân phía nam tỉnh Bình Phước mà không đưa ra cáo trạng hoặc giải thích những vấn đề liên quan đến bản án bổ sung này.
Có ít thông tin được công bố về ba người phụ nữ này. Truyền thông nhà nước đăng tải rằng họ đã thừa nhận tham gia một tổ chức có tên là ‘Phong Trào Cách Mạng Dân Oan Phục quốc Cứu Nước’. Thông tin từ các nguồn khác cho biết, họ là những nạn nhân của nạn cướp đất và họ đã mang cờ tự may của [chính phủ] miền Nam Việt Nam trước đây đến Đại sứ quán Mỹ hồi tháng 7 năm 2014, nơi họ kêu gọi sự thay đổi chính quyền.
Trong một vụ xử khác, blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, đã bị tuyên phạt 4 năm tù giam và 3 năm quản chế trong một phiên tòa kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Ông Già, người đã bị giam giữ trước khi xét xử từ ngày 27 tháng 12 năm 2014, là một blogger tích cực đã gửi bài đăng trên các trang mạng độc lập như Dân Làm Báo và Dân Luận, gồm những bài viết liên quan đến việc kết án hình sự những người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam. Một thời gian ngắn trước khi bị bắt, ông Già đã trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, trong đó ông lên án vấn đề tra tấn tù nhân lương tâm.
Bốn bản án hôm 30 tháng 3 xảy ra một tuần sau khi bản án của ông Nguyễn Hữu Vinh, người thành lập trang blog phổ biến Anh Ba Sàm và phụ tá của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, theo Điều 258, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Cả hai đã nhận được án tù 5 năm và 3 năm, theo thứ tự, sau khi đã trải qua gần 2 năm bị giam giữ trước khi đưa ra xét xử.
Sự bùng phát các bản án đối với quyền phát biểu chính đáng xảy ra 2 tháng sau khi Việt Nam công bố những thay đổi trong giới lãnh đạo cao cấp của đất nước. Các bản án cũng trùng với việc Bộ Công an ban hành quy định mới nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình liên quan đến các phiên tòa. Theo Điều 14, Thông tư 13/2016 / TT-BCA, tiếp theo sau một cảnh báo bằng lời nói, công an có thể “huy động lực lượng để ngăn chặn rối loạn trật tự công cộng, cô lập và bắt giữ các thành phần đối kháng, kẻ xúi giục và những người cầm đầu gây ra xáo trộn”. Thông tư do ông tướng Công an Trần Đại Quang ban hành, ông là người được sắp xếp để trở thành tân chủ tịch nước trong vài tuần tới.
Bối cảnh
Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và, dựa theo hiến pháp, có bổn phận phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do hội họp nhưng các điều khoản diễn đạt mơ hồ của Bộ luật Hình sự, bao gồm Điều 88 và 258, thường được sử dụng để bỏ tù những người thực thi các quyền này một cách chính đáng. Những nhà hoạt động khác, cụ thể là luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài và đồng sự của ông, bà Lê Thu Hà, đang chờ xét xử về những cáo buộc đến từ các hoạt động nhân quyền chính đáng. Tổng thống Mỹ Barack Obama được dự trù sẽ viếng thăm Việt Nam lần đầu đầu tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận sự tra tấn và các hình thức đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hay cách đối xử tệ hại đối với các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, gồm cả trong lúc bị giam giữ trước khi xét xử, được sử dụng với mục đích ép buộc nhận tội.
Chính phủ miền Nam Việt Nam, có tên chính thức là Việt Nam Cộng Hòa, là chính phủ cai quản phần nửa phía nam của Việt Nam từ năm 1955 đến khi thống nhất với miền Bắc Việt Nam, tên chính thức là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, từ năm 1975 sau Chiến tranh Việt – Mỹ.
No comments:
Post a Comment