10/12/2016
Đây là cuốn sách một tập hay nhất về lịch sử cận đại Việt Nam bằng tiếng Anh. Nó đập đổ nhiều huyền thoại, và đặt câu hỏi về tương lai chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Di tích chiến tranh ở Điện Biê Phủ. Nguồn: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images
Trong 40 năm qua, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Năm 1975, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hà Nội sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam (còn gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai), với hơn một triệu người Việt Nam và hơn 58.000 người Mỹ thiệt mạng. Giới lãnh đạo của Mỹ (ở miền Nam) và đồng minh Việt Nam Cộng hoà đã chạy trốn khỏi Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) trong một cuộc không vận bằng trực thăng nổi tiếng và lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đến nay, dù vẫn là một chính quyền áp bức, một quốc gia gọi là cộng sản, Việt Nam đã trở thành một trong những nước bạn mến yêu nhất của Washington ở châu Á.
Hải quân Mỹ thường xuyên ghé đến hải cảng của Việt Nam. Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, đã có từ khi chiến tranh kết thúc, cho Hà Nội. Thương mại song phương giữa hai quốc gia lên đến khoảng 45 tỉ đô-la tỷ hàng năm. Khi người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam thăm Washington năm ngoái, ông ta đã đi một vòng thăm viếng chính thức, ngồi vào cuộc đàm phán chính thức, đọc diễn văn ở những think tank và nghe báo cáo như một người hùng chiến thắng.
Sự thay đổi mối quan hệ giữa hai nước như thế xem chừng không bình thường. Kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam đưa người Mỹ đến Việt Nam, báo giới, sử gia và nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đã nhìn quốc gia này qua một lăng kính hẹp: Việt Nam là một nước nhỏ nhiều lần bị các cường quốc xâm lược, từ đế quốc Trung Hoa đến thực dân Pháp rồi Mỹ; nó là một quốc gia có một dân tộc kiên cường, được hun đúc qua bao nhiêu trận chiến chống ngoại xâm. Những anh hùng hàng đầu của Việt Nam, chẳng hạn như hoàng đế Quang Trung ở thế kỷ thứ 18, và Hồ Chí Minh, là những người chiến đấu đánh đuổi các nước lớn, mạnh ra khỏi Việt Nam.
Nhà xuất bản Allen Lane (July 26 2016)
Nhưng cuốn sách mang tính đột phá của Christopher Goscha cho thấy, Việt Nam luôn luôn là một nơi phức tạp hơn như vậy nhiều – về mọi mặt, chính trị, chiến lược, kinh tế và văn hóa – hơn hình ảnh của một đất nước kiên cường, đoàn kết chiến đấu. Goscha đã cố gắng cho đọc giả thấy (là một việc không phải dễ) sự phức tạp của Việt Nam mà không làm người đọc lạc lối vì quá nhiều chi tiết. Goscha biết rằng Việt Nam là một đất nước mà các đại cường thèm muốn từ lâu – đó là một giải đất hẹp cạnh biển với những vùng đồng bằng màu mỡ, là một một trong những đoạn đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng nó, Việt Nam, cũng đã là một cường quốc trong khu vực. Có lúc, nó đã chiến đấu chống lại thế lực nước ngoài, nhưng những lúc khác, nó đã tìm cách liên minh ngoại giao, hoặc đón nhận người nhập cư vào một nước rất đa dạng về sắc tộc và tôn giáo.
Việt Nam đã có những giai đoạn thống nhất trong lịch sử, nhưng ngay cả đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang chia rẽ hơn hầu hết mọi người ngoại cuộc có thể nhận thấy. Và hôm nay, sự thống nhất của Việt Nam có có những rạn nứt nghiêm trọng.
Đơn giản là Goscha đã viết một cuốn sách rất hay, rất dễ đọc, chỉ một tập[400 trang – TM], tóm gọn hầu hết lịch sử cận đại của Việt Nam bằng tiếng Anh. Goscha đánh đổ một số huyền thoại dai dẳng về Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam đã và đang không ngừng bị săn đuổi. Trong thời kỳ tiền thuộc địa, các đế chế của Đông Nam Á liên tục xâm chiếm lẫn nhau. Một loạt các đế chế Việt Nam đã xâm chiếm nhiều vùng đất của Lào và Campuchia ngày nay trong khoảng giữa thế kỷ 15 và 19, cùng lúc luân phiên vừa đối đầu vừa xoa dịu giới lãnh đạo Bắc Triều, những người đã coi Việt Nam như là một nước chư hầu.
Thứ hai, Goscha cho thấy các triều đại Việt nam đã tích cực hiện đại hóa đất nước trước khi bị thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa vào giữa đến cuối thế kỷ 19. Các triều nhà Nguyễn đã lập hệ thống thuế khoá và thủy lợi, trường học và một bộ máy quan liêu hiện đại khi Pháp tuyên bố chế độ thực dân ở Đông Dương.
Dưới thời nhà Nguyễn, người Pháp và hai chính phủ ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, đất nước này là hầu như không phải là đồng chủng, dù những hình ảnh mà hầu hết người Mỹ thấy ở Việt Nam là của một dân tộc Việt. Việt Nam, như Goscha lập luận, từ lâu đã bị ảnh hưởng không chỉ vì khối đa số người Việt và văn hóa Nho giáo của Trung Hoa, chạy cả vào nam qua nhiều thế kỷ, mà còn bị ảnh hưởng của một số lớn những nền văn hóa và những dân tộc khác.
Một cuộc tấn công bằng bom napalm gần toán quân Mỹ đang tuần tiễu ở miền Nam Việt Nam, 1966. Nguồn: Ảnh AP
Trong thời Pháp và Mỹ còn ở Việt Nam, Paris và Washington đã coi trọng việc bảo vệ tôn giáo thiểu số bị áp bức là điều cần thiết — phần lớn là để bảo vệ người Thiên Chúa giáo Việt Nam — như một lý do để can thiệp quân sự ở Đông Dương. (Đây không phải là động lực chính của chính sách của Mỹ, dựa trên các tính toán chiến lược, nhưng nó là một công cụ hùng biện có hiệu quả.) Cuộc di cư của gần một triệu người miền Bắc, đa số là người Thiên Chúa giáo, vào Nam sau khi Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954, bằng những chiến hạm một phần do lực lượng Hải quân Mỹ cung cấp, đã hằn sâu trong trí óc của người Mỹ và châu Âu. Cuộc di cư đó cũng đã tạo nên hình tượng những anh hùng dân gian như Tom Dooley, một Bác sĩ Hải quân Thiên Chúa giáo Mỹ, đẹp kiểu Kennedyesque, nhân vật đã giúp những người di cư tị nạn và sau đó đã viết một cuốn sách bán rất chạy về nó.
Một số người phương Tây khác lại thấy người Thiên Chúa giáo và những tôn giáo ít tín đồ khác một cách nào đó không phải là đại diện cho Việt Nam – một ý tưởng không đứng vững vì trên thực tế Tổng thống Ngô Đình Diệm, người lãnh đạo đệ I Việt Nam Cộng hoà, là một Ki-tô hữu [và cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đệ II Cộng hoà, cũng vậy – TM.] Nhưng, ở đây Goscha cũng đưa vào những vấn đề phức tạp. Ông đã cho thấy rằng người Thiên Chúa giáo, giới Phật giáo cấp tiến và nhiều tôn giáo địa phương được sự ủng hộ rộng lớn của quần chúng, và đã thường là những lực lượng hiện đại hóa và cũng là thế lực làm thoái hoá xã hội. Và các chính sách của Pháp và Mỹ không phải lúc nào cũng đơn giản là ủng hộ giới Thiên Chúa giáo. Trong thời kỳ thuộc địa, nước Cộng hoà Pháp là một nhà nước gay gắt chống giáo sĩ, và chính quyền ở Paris vốn đã không tin tưởng vào các linh mục Thiên Chúa giáo Pháp ở Việt Nam, những người đi truyền đạo bằng ngôn ngữ địa phương và thường tinh tế làm suy yếu chế độ thuộc địa.
Goscha cũng thêm vào đống những bằng chứng cho thấy rằng hầu như tất cả các chính sách sai lầm do Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã được Pháp thực hiện, gần như giống y, trong chiến tranh Đông dương trong khoảng 1946 và 1954. Goscha nhận định, tất nhiên, quân đội Mỹ đã tăng cường đáng kể trong cuộc chiến tranh không cân xứng khi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Các chiến dịch ném bom của Mỹ quy mô và rất khác với khi Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người lập chính sách ở Mỹ khẳng định khi đó – và sau này một số vẫn cả quyết – là họ đã hành động khác với Pháp, rằng nước Mỹ không phải là một quyền lực thực dân tại Việt Nam và Mỹ có thể thành công, họ nghĩ, bằng cách làm việc với các nhà lãnh đạo quốc gia. Mỹ đã làm như vậy ở Philippines, ủng hộ anh hùng sau chiến tranh thế giới thứ hai, Ramon Magsaysay, và giúp ông đánh bại cuộc nổi dậy của cộng sản trong những năm 1950. Nhưng Magsaysay đã có sự ủng hộ mạnh mẽ trong quần chúng, và hoàn cảnh ở Philippines không có ở Việt Nam.
Từ năm 1975, khi đất nước đã thống nhất vào cuối cuộc chiến, và đầu những năm 90, xã hội bầm dập của Việt Nam đã trải qua nhiều biến động nà ít người ở ngoài có thể hiểu được. Quân đội Nhân dân Việt Nam xâm lược Campuchia và loại bỏ cựu đồng minh của nó là Khmer Đỏ vào năm 1979. Hà Nội đã đụng độ với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh biên giới vào cùng một năm. Sau đó, Việt Nam đã phải vật lộn suốt mười năm với nghèo đói. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến nước này phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, và di sản của chiến tranh vẫn còn nán lại 15 năm sau đó, khi Mỹ vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn cũ, bây giờ là một siêu đô thị nhộn nhịp. Ảnh: Alamy
Việt Nam đã bắt tay vào cải cách kinh tế trong những năm cuối thập niên 80 và đầu những năm 90, cùng lúc với sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh cho phép Mỹ và các nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam, khôi phục lại quan hệ ngoại giao và kinh tế với quốc gia này. Những đổi mới [kinh tế] này đã nuôi dưỡng hai mươi năm tăng trưởng và chuyển hóa thành phố Hồ Chí Minh thành một siêu đô thị châu Á đang phát triển.
Nhưng những cải cách đã mở ra một phần của nền kinh tế và cũng đã để lại một số lượng tham nhũng và nợ trong các doanh nghiệp nhà nước đáng kinh ngạc. Thay đổi kinh tế đã không đi kèm với thay đổi chính trị. Giới trẻ Việt Nam đã quen với cuộc sống xã hội tự do và một mức độ tự do nào đó trên mạng Internet; họ tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự phá hủy môi trường và tính hai mặt của nhà chức trách, và họ không còn sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của Hà Nội mà không đặt vấn đề.
Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng sản vẫn khá mơ hồ, và lằn ranh – giữa những người được coi là cấp tiến với nhóm ủng hộ các quy luật khắc nghiệt của chế độ độc đảng – rất khó mà phân biệt.
Nền kinh tế Việt Nam đang tiến về phía trước nhưng người ta khó mà tưởng tượng được các bước tiến tiếp theo cho nền chính trị Việt Nam sẽ ra sao.
Cuốn “A Great Place to Have a War: America in Laos and the Birth of a Military CIA” của Joshua Kurlantzick sẽ được Simon & Schusterxuất bản. Cuốn “The Penguin History of Modern Vietnam” do NXB Allen Lane phát hành. Có bán trên Amazon và những nhà sách.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
© DCVOnline
Nguồn: The Penguin History of Modern Vietnam by Christopher Goscha. Joshua Kurlantzick, The Guardian.com, Saturday 8 October, 2016.
No comments:
Post a Comment