3/01/2015

 
KHI NHẬT BẢN VƯỢT MẶT TRUNG CỘNG
 
 
 
Đăng Bởi -
 
Nhat Ban
 

Những ngày này, giới phân tích kinh tế thế giới đang được chứng kiến một sự đảo chiều lạ lùng đang diễn ra ở Châu Á giữa hai nền kinh tế hàng đầu ở phương Đông là Trung Quốc và Nhật Bản. Mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng đi xuống ở kinh tế Trung Quốc, trong khi điều ngược lại đang diễn ra ở Nhật Bản, luồng vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc lại đang có xu hướng chảy về Nhật Bản và tăng vọt một cách kỳ lạ. 

Điều ấy trên thực tế cũng không có gì khó hiểu, khi mà trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu lục, Nhật Bản đang đi trước Trung Quốc ít nhất là một bước. Quả thực, ở thời điểm hiện tại, nếu như nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng chùng xuống bao nhiêu thì kinh tế Nhật Bản lại đang năng động lên bấy nhiêu. 
 
Nếu như ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chậm lại và tổng cầu đang dần đạt đến mức bão hòa khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài thi nhau thoái vốn khỏi thị trường này dẫn đến những lo ngại về tình trạng thất nghiệp đang ngày càng gia tăng và chính phủ Trung Quốc đang phải đau đầu đưa ra các giải pháp để kích thích nền kinh tế, thì mọi thứ lại đang trái ngược hoàn toàn ở Nhật Bản.
 
Lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản từ đầu năm 2015 đến nay đã tăng vọt lên tới 181% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số chứng khoán cao và các gói kích thích kinh tế liên tục được Tokyo tung ra đang tạo nên một sự năng động cho nền kinh tế Nhật Bản đang rất hấp dẫn không chỉ giới đầu tư trong nước mà còn cả giới đầu tư quốc tế, mà phần lớn trong số đó là các luồng vốn vừa mới được rút ra khỏi thị trường Trung Quốc.
 
Sở dĩ như thế, là vì chính sách duy trì đồng Yen mệnh giá thấp đang không chỉ đem lại thuận lợi cho xuất khẩu của Nhật Bản, mà còn kích thích các nhà đầu tư quốc tế đến Nhật Bản. Tỷ giá đồng Yen giảm so với USD hay Euro đang khiến cho các tài sản ở Nhật rẻ hơn so với trước và các nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận từ điều này, đặc biệt là ở thị trường bất động sản. 
 
Các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Singapore, đang thiết lập văn phòng ở Nhật để dễ bề xử lý các phi vụ mua bán bất động sản mệnh giá lớn. Trong động thái mới nhất, một công ty địa ốc Singapore đã bỏ ra 1,7 tỉ USD – một số tiền kỷ lục - để mua một miếng đất cạnh ga Tokyo với sự tin tưởng rằng giá bất động sản ở đây sẽ còn tăng hơn nữa. Tất cả những điều này đang khiến thị trường địa ốc Nhật Bản sôi động hơn bao giờ hết và khiến cho giới kinh tế hết sức vui mừng vì sự đóng băng của thị trường bất động sản sẽ rất bất lợi cho phát triển kinh tế. 
 
Và điều này thì cũng đang trái ngược với thị trường bất động sản Trung Quốc, nơi tình trạng ế ẩm đang diễn ra, và các chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh lại đang khiến cho hàng loạt các dự án bất động sản quan trọng ở nước này đổ vỡ nhanh chóng hơn bao giờ hết. Không chỉ đang qua mặt Trung Quốc về việc tạo ra một trạng thái năng động của nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài, Nhật Bản cũng đang đi trước nước láng giềng về việc triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài. 
 
Khi tổng cầu của nền kinh tế quốc nội đạt đến độ bão hòa, điều đang diễn ra ở cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, thì mấu chốt vấn đề phát triển kinh tế sẽ phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Bắc Kinh cũng đã nhận thức được điều này khi Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị cấp cao APEC vào cuối năm 2014 đã tuyên bố một sự thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc là khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, và Trung Quốc cũng sẽ triển khai các dự án kết nối các nền kinh tế trong khu vực để nhận đầu tư từ Trung Quốc như Con đường tơ lụa.
 
Nhưng khi mà người Trung Quốc vẫn đang loay hoay với các đề án đầu tư ra nước ngoài của mình, thì người Nhật đã bắt tay vào việc tiến hành từ lâu, và thậm chí là với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, các tập đoàn kinh tế lớn nhất của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên sử dụng đến quỹ dự trữ tài chính của mình để đưa vào các hoạt động đầu tư quốc tế, theo ước tính quỹ dự trữ này lên tới gần 2.000 tỉ USD vốn là kết quả của một sự tích trữ trong nhiều năm. Số tiền khổng lồ này sẽ được sử dụng vào các mục đích thâu tóm cổ phần của các công ty ở nước ngoài và thậm chí là thâu tóm hoàn toàn các công ty phát đạt trên khắp thế giới. 
 
Đây được đánh giá thực sự là một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển kinh tế ở Nhật Bản, khi quỹ dự trữ là thứ được xem như bất khả xâm phạm để đề phòng rủi ro của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, và không hiểu thủ tướng Shinzo Abe đã thuyết phục như thế nào để các tập đoàn này chấp nhận mạo hiểm để vung tiền ra theo kiểu chơi sát ván như thế này.
 
Giới phân tích đánh giá đây là một cuộc chiến kinh tế toàn diện mà chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đang khơi mào. Vì trên thực tế xuất khẩu của Nhật trong quá khứ chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định như công nghiệp hay các sản phẩm điện tử, và những năm gần đây thì xuất hiện thêm lĩnh vực thực phẩm. Có vẻ như Tokyo cho rằng việc giới hạn xuất khẩu trong một số ít những lĩnh vực như thế đang hạn chế chính tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật. 
 
Đối tượng mở rộng được các tập đoàn Nhật Bản hướng tới trong chiến dịch thâu tóm này là các doanh nghiệp ở ngoại quốc hoạt động trong các lĩnh vực không có sự cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản ở nước ngoài như hàng gia dụng, thuốc lá, hóa chất và thực phẩm. Hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp làm ăn phát đạt và đang có được một chỗ đứng ổn định ở thị trường trong nước.
 
Không nghi ngờ gì việc vừa tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường Nhật Bản, vừa mở rộng mức độ đầu tư ra các thị trường nước ngoài một cách toàn diện và rộng khắp của các tập đoàn Nhật Bản đang tạo thành một chiến lược kép và khép kín để tạo nên sức bật đáng nể cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước Nhật trong giai đoạn sắp tới. 
 
Qũy đạo của sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sau hơn 2 năm triển khai Abenomics đang dần được hình thành và đi vào ổn định một cách rõ nét và đầy tương lai, trái ngược hẳn với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc thực sự là một đống ngổn ngang và bề bộn.
 
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
 
 

No comments:

Post a Comment