3/20/2015

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Cản dòng chảy thoát lũ là nguy hiểm

                                                                                                      
Nhiều nhân sĩ, trí thức và người dân tiếp tục có ý kiến phản đối mạnh mẽ việc lấp sông Đồng Nai để làm dự án.

>> Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chủ đầu tư ‘thắng’, dân ‘chết’

Ông Đỗ Đức Dũng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết: Sông Đồng Nai không phải là sông riêng của tỉnh Đồng Nai mà có ảnh hưởng đến nhiều địa phương.

Không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, khai thác giao thông đường thủy, sông Đồng Nai còn có nhiệm vụ thoát lũ.

Theo tính toán lưu lượng thoát lũ trên hệ thống sông này rất lớn, với khoảng 18.000 – 20.000 m3/giây, nếu có bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến dòng chảy thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đoạn sông đang có dự án bị cong và kèm theo xói lở bờ. Nếu việc can thiệp tác động mà có thể ngăn chặn được hiện tượng xói lở nhưng không ảnh hưởng đến lưu lượng thoát lũ thì có lẽ không có gì phải bàn cãi, đó là việc phải làm, đáng làm.

Tuy nhiên cũng phải đặt ra tình huống ngược lại, hành động can thiệp đến dòng chảy có thể làm thay đổi đến chức năng truyền tải thoát lũ, cản trở dòng chảy là rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ gây ngập lụt hoặc phát sinh thêm các điểm sạt lở trong hệ thống. Còn mức độ cụ thể ra sao thì cần phải có nghiên cứu thực tế và có tính toán cụ thể hơn.

Người dân chưa được tôn trọng

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Trưởng văn phòng luật sư Tri Ân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), nhận định: “Việc tỉnh có một dự án giúp nâng cao cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là điều tốt.
“Lúc lập dự án và được cấp phép thì chắc chắn chủ đầu tư đã có đánh giá tác động môi trường. Về mặt khoa học, dự án có làm thay đổi dòng chảy, sạt lở… như thế nào, tôi không phải cơ quan chuyên môn nên không thể đánh giá.

“Song tôi thấy việc ảnh hưởng đến dân cư ven sông là rất lớn. Cần phải xem lại chủ đầu tư đã làm đến nơi, đến chốn hay chưa, hay là chỉ quan tâm đến lợi ích của mình”.

Th.S Lê Tuấn Đạt – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Đồng Nai, thì cho biết ông không thể hình dung sẽ thế nào nếu Cù lao Phố biến mất. Th.S Đạt nói: “Là một người dân của TP.Biên Hòa yêu mến nơi mình sinh sống, tôi rất ngạc nhiên khi biết tin đoạn sông này đang bị lấn.

“Tôi, cũng như nhiều người dân quan tâm đến vấn đề này, đã ra bờ sông xem thử, và những gì tôi thấy đã gợi nên những cảm giác khó tả và khó chịu.

Mấy chục năm trước đây, gần khúc sông này non một cây số, có một cù lao nhỏ có người sinh sống hẳn hoi, gọi là Cồn Gáo. Việc xây dựng cầu Đồng Nai những năm xưa ấy đã khiến cho cái cù lao nhỏ này biến mất không để lại dấu vết. Việc lấn sông lần này có quy mô lớn hơn việc xây cầu năm xưa rất nhiều lần”.
Đụng vào những giá trị linh thiêng
Nhà báo Mai Quốc Ấn, ngụ TP.Biên Hòa, đã thốt lên như vậy. Ông Ấn nói: “Khi biết tin Công ty Toàn Thịnh Phát định thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai cách đây mấy năm, tôi đã khá lo lắng. Cách họ làm có thể được khoác bằng nhiều mỹ từ nhưng tôi coi đó là dự án không chỉ xâm hại các giá trị văn hóa mà còn đụng đến những điều linh thiêng của lịch sử, con người và của dòng sông”.
Ông Ấn nói thêm: “Biên Hòa là vùng đất tứ linh, là trung tâm của vùng Đồng Nai xưa, bao gồm cả Đồng Nai thượng (cao nguyên Lâm Viên) và Đồng Nai hạ (gần như cả khu vực Đông Nam bộ bây giờ).

Như đa phần các trung tâm tâm linh, văn hóa, thương mại khác trên thế giới được hình thành từ các dòng sông, đất Biên Hòa trở nên linh thiêng, bồi đắp thêm các giá trị văn hóa, thành điểm giao thương tấp nập hơn 300 năm nay là nhờ dòng sông Đồng Nai. Những ngôi chùa, mái đình, bãi chợ, nhà dân, cây cối… bên bờ sông là chứng nhân lịch sử cho các giá trị ấy.

Cho đến thời điểm này Công ty Toàn Thịnh Phát cũng như chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa hề công bố các nghiên cứu về việc những di sản văn hóa bên bờ sông có thể bị tác động bởi thi công. Chưa kể phía bờ bên kia sông Đồng Nai có thể sẽ bị xói mòn vì dòng chảy bị thay đổi.

Nhà báo Ấn kể thêm: “Tôi từng gặp ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát, và nghe ông này nói về dự án lấn sông Đồng Nai. Khi được hỏi rằng công ty đã khảo sát ý kiến các hộ dân ở khu vực ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án hay chưa thì ông Kiệt trả lời tôi rằng đã thực hiện và nhận được ý kiến ủng hộ của nhiều người dân.

“Chỉ bằng vài cuộc điện thoại, mấy câu hỏi bâng quơ, 1 hoặc 2 lần ghé xuống thăm người quen là tôi xác định được chủ đầu tư dự án chưa hề cung cấp thông tin một cách chính xác trung thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án”.

.

No comments:

Post a Comment