7/20/2015

Ai mớm cho Biden lẩy Kiều, và CSVN khen 2 câu này quá tuyệt mà không biết là đã tự từ bỏ Vô Thần.

Sổ Tay Tháng Bẩy

Bùi Hồng Lĩnh
20/7/2015
 

Đến hôm nay thì ai cũng biết hai câu Kiều mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc trong buổi ăn trưa của Bộ Ngoại giao nhân dịp tiếp đón Tổng Thư ký đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Hơn ai hết, CSVN và đảng hết lòng ca ngợi cái hiểu biết thâm thúy văn hóa Việt Nam, qua truyện Kiều, và đã bầy tỏ sự ngưỡng mộ cũng như lịch sự, của Biden đối với NPT và CSVN và hãnh diện về ý nghĩa sâu sa của 2 câu này.
Người ta nhớ lại cũng 15 năm trước, khi qua Việt Nam thăm viếng khi nối lại sự ngợi giao giữa Mỹ và CSVN, Tổng thống Bill Clinton cũng lẩy 2 câu Kiều. Sao mà Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ lại thâm hiểu văn hóa VN đến vậy, hơn cả nhiều “người lãnh đạo nước mình”, bằng chứng là nghe xong 2 câu Kiều sau này của Biden, NPT ngay lúc đó, và sau khi về nước, chẳng có vụ lẩy Kiều đáp lễ mặc dù NPT đã biết trước nội dung của bài phát biểu của Biden rồi; hay ít ra thì cũng mang văn chương của Mỹ ra mà tặng lại cho phải lẽ. Người ta cũng nhớ lại vài tháng trước đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cầm roi nẩy mực viết chữ TRĨ (chắc là TRÍ) để tặng Viện Đại học Quốc gia thành phố họ Hồ (không biết cái chữ này đã được treo lên ở chính phòng Viện Đại học này không). Nếu Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng im tiếng, thì tối thiểu Hàm Tiến sĩ Trương Tấn Sang phải lên tiếng, tặng lại một chữ cho Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ, thí dụ như “FRIEND FOREVER”, hay ít ra cũng là “DEAR…”, (lửng lơ như vậy, để ai nghĩ gì cũng được). Chúng ta chắc còn nhớ khi bà Đoàn Thị Điểm giả làm cô bán hàng để cho sứ giả Tầu phục tài dân Nam. Thấy bà gồng gánh bên đường, họ mới chơi xỏ, ra câu đối rất tục tĩu:
Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (Một tấc đất này của nước Nam -ám chỉ một bộ phận trong cơ thể, không biết đã bao nhiêu người “cày” rồi)

Không ngần ngừ, bà Đoàn thị Điểm đối lại:
Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất (Các đại trượng phu của Bắc quốc đều do “con đường ấy” mà ra cả)

Ít ra cũng phải đối như vậy mới xứng với vai trò ngang hàng của 2 quốc gia. NPT và phái đoàn đã không biết phản ứng thế nào khi NPT lên nói lời đáp lễ. Chắc đầu óc của Tổng Thư ký đảng còn đang suy tư vì không biết Tổng thống Mỹ và những người nhìn, nghe lời phát biểu của mình trong phòng Bầu Dục trước đó một tiếng, có ai nhận ra “16 chữ kim cương” mà NPT đã tặng cho Mỹ để nói lên cuộc “đón tiếp lịch sử này không. Chắc cũng ít ai để ý 16 chữ đó là: Gác lại quá khứ - Vượt qua khác biệt - Phát huy tương đồng - Hướng tới tương lai. Ý nghĩa của 16 chữ này nó rất cầu kỳ thú vị, nhưng đó lại là đề tài khác, bây giờ chúng ta trở lại đề tài chính trước khi người viết lạc đề.
Ở phút cuối của bài nói chuyện, Biden nói rằng. “a famous poet of VN, Nguyen Du has said “Thanks Heaven we are here today, to see the sun thru the departing fog and cloud” mà người thông dịch đã dịch ngay là: “Trời còn để có hôm nay - Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (thơ Nguyễn Du).

Nội dung chính của hai câu này đề cao vai trò của “đấng tạo hóa”, của “trời”, của những “đấng thiêng liêng”, duy linh và duy tâm, trái hẳn với chủ trương “vô thần” và duy vật của chủ nghĩa cộng sản, chứ không phải chỉ là  “sương tan với mây bay”. Đấng tạo hóa này không phải là những vị “thần” trong văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, như những vị thần hoàng của làng thôn, mà là những uy lực bao trùm cá nhân. Chúng ta không thể không biết được vai trò tinh thần của Trời trong tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam. Một thí dụ điển hình là người Thiên Chúa Giáo có “Đức Chúa Trời”, và người đạo Phật thì thường hay cầu “Trời Phật”. Ca ngợi 2 câu nói đó là vô tình, hay không có thể nhận biết được ý nghĩa chính của 2 câu này. Nguyễn Phú Trọng và CSVN và những người khen hai câu này là “rất hợp với tình thế”, đã công nhận cái quan niệm “duy linh” của đa số những tôn giáo hiện nay trong thế giới tự do tín ngưỡng.
Không hiểu ai đã cố vấn để Biden nói đến 2 câu Kiều này trong bài nói chuyện ngắn gọn chỉ có 11 phút trước cử toạ là NPT và toàn thể phái đoàn CSVN, vì khó có thể Biden có thì giờ đọc truyện Kiều, mà lại đọc kỹ để tự mang ra được 2 câu nằm sâu trong thi phẩm của Nguyễn Du.

Ai đã cố vấn để Biden mang ra một phạm trù tư tưởng quan trọng “sự chọn lựa giữa Duy linh và Duy vật”, giữa “đấng sáng tạo” và “kẻ vô thần”? và với sự suy nghĩ hiện nay của "Ủy Ban tư tưởng Hổ Chí Minh", thì khó mà hy vọng họ hiểu được cái tư tưởng trừu tượng này. Hy vọng người duy vật hiểu được những vấn đề duy tâm là sự hy vọng hão.

Bùi Hồng Lĩnh

No comments:

Post a Comment