7/13/2015

Tại sao thảm đỏ đối với các lãnh đạo CS thường là một vấn đề quan trọng?


Trần Trung Đạo (Danlambao)





Nhiều người có thể ngạc nhiên nhưng thảm đỏ lại là một trong hai mục đích chính của Nguyễn Phú Trọng trong chuyến viếng thăm Mỹ. Mục đích thứ nhất là dùng Mỹ để làm lực đối trọng với Trung Cộng và mục đích thứ hai là được Mỹ thừa nhận tính chính danh lãnh đạo Việt Nam. Nếu buổi sáng ngày 6 tháng 7, Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden hay Ngoại Trưởng John Kerry ra tận cầu thang máy bay tiếp đón và cùng Nguyễn Phú Trọng duyệt hàng quân danh dự trên thảm đỏ dài dành cho quốc khách, Nguyễn Phú Trọng đã đạt được thành công lớn. Nhưng không. Việc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng vừa qua cho thấy Mỹ vẫn xem lãnh đạo đảng CSVN là một đảng tiếm danh...

Đáp lại chính sách bành trướng một cách lộ liễu của Trung Cộng hiện nay, TT Barack Obama đã chọn những phản ứng cứng rắn qua việc bắt tay với cựu thù CS Việt Nam. Chuyến viếng thăm Mỹ của TBT đảng CS Nguyễn Phú Trọng là một trong những phản ứng đó. TT Barack Obama và Phó Tổng Thống Joe Biden tiếp Nguyễn Phú Trọng khá trọng thể. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chính phủ Mỹ công nhận đảng CS thật sự là đảng chính danh lãnh đạo Việt Nam mà chỉ thừa nhận yếu tố CSVN trong việc giải quyết các xung đột Biển Đông.

Thảm đỏ hay không thảm đỏ?



Trước ngày Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Mỹ, các giới truyền thông tại Việt Nam và cả vài bài báo ngoại quốc đều dự đoán chính phủ Mỹ trải thảm đỏ đón tiếp y. Ký giả Grant Peck của Associated Press, trong bài báo U.S. Wooing Vietnam, Readies Red Carpet for Communist Chief cũng nghĩ Mỹ sẽ trải thảm đỏ chờ Nguyễn Phú Trọng như quốc khách. Kết quả, không như lời tiên đoán, đồn đãi hay hứa hẹn.

Một số phim ảnh ghi lại khi Nguyễn Phú Trọng vừa đặt chân xuống khỏi cầu thang máy bay cho thấy có thảm đỏ. Tấm thảm ngắn được đặt ngay chân cầu thang gọi là Red carpet aisle runner thường dùng trong đám cưới hay tiếp đón nghệ sĩ chứ không phải là một phần của nghi thức ngoại giao dành cho quốc khách. Thảm dành cho buổi tiếp đón quốc khách dài từ cầu thang máy bay đến tận khán đài VIP hay xe đón quốc khách.



Khi Nguyễn Phú Trọng rời máy bay, chẳng những không có thảm đỏ được trải dọc theo lối vào khu VIP, đại diện của chính phủ Mỹ cũng không phải là Bộ trưởng Ngoại Giao hay ít nhất viên chức cấp Thứ trưởng Ngoại Giao. Người đại diện chính phủ Mỹ là Scot Marciel chỉ là Trợ Lý Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương.

TTXVN rõ ràng đã photoshop thảm đỏ dài thêm từ chân cầu thang máy bay dọc theo lối ra của Nguyễn Phú Trọng. Việc thay đổi, thêm bớt người, nơi chốn là một đặc điểm cố hữu của bộ máy tuyên truyền CS. Trong thời kỳ Stalin, hàng trăm nhân vật hàng lãnh đạo CS bị thanh trừng và hình ảnh của họ bị xóa mặc dù đã được chính thức công bố trước đó. Stalin chết hơn 60 năm, bộ máy tuyên truyền CS Liên Xô đã thành viện bảo tàng đen của nhân loại nhưng phương pháp vô cùng bỉ ổi vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.

Thoạt tiên, người viết cũng cho đó là sản phẩm của một tên nịnh hót nào đó trong ban kỹ thuật của TTXVN, có vốn kỹ thuật nhưng ngu xuẩn vì không nhớ mình đang sống trong thời kỳ tin học toàn cầu hóa, nội dung các buổi gặp gỡ mới là quan trọng. Thế nhưng khi google một vòng mới hiểu, thì ra, chuyện thảm đỏ không phải là chuyện nhỏ. Thảm đỏ đã là vấn đề quan trọng với các lãnh đạo CS từ thời Mao, Khrushchev, Bulganin hơn nửa thế kỷ trước, mới đây với TT Trung Cộng Lý Khắc Cường và tuần qua với TBT CS Nguyễn Phú Trọng.

“The Red Carpet Treatment”



Tại các nước Tây phương có câu “The Red Carpet Treatment” để chỉ cách tiếp đón trang trọng nhất. Thảm đỏ thường được thấy trong các quan hệ ngoại giao đón tiếp quốc khách, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quan trọng hàng năm như giải Academy Awards (Oscar), Golden Globe Awards, Cannes Film Festival.

Nguyên thủ các quốc gia dù nhỏ bao nhiêu khi đến viếng thăm chính thức Mỹ đều có thảm đỏ trải dài từ chân cầu thang máy bay, nơi ngoại giao đoàn, viên chức bộ ngoại giao đang đứng dàn chào đến bục VIP.

Thảm đỏ có một lịch sử lâu dài và lần đầu tiên được ghi nhận từ thời cổ Hy Lạp vào năm 486 trước Thiên Chúa trong vở kịch qua đó vợ của chàng Agamemnon đã trải thảm đỏ để đón tiếp chàng trở về sau một chuyến đi xa. Lúc đầu anh chàng Agamemnon do dự không bước trên thảm đỏ vì nghĩ chỉ dành cho bậc thánh. Dù sao, anh chàng cũng bước lên thảm đỏ. Từ đó, thảm đỏ được dùng để chỉ những đón tiếp cao cấp nhất, trang trọng nhất.

Các quốc gia vùng Tây Á và khu vực Biển Caspian được xem là những nơi sản xuất thảm đầu tiên. Chiếc thảm đỏ Pazyryk Carpet được dệt vào thế kỷ thứ năm BC được xem là tấm thảm xưa nhất còn lại và đang được giữ gìn tại viện bảo tàng St. Petersburg, Nga. Thảm đỏ xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ Âu sang Á, không chỉ trong văn hóa nghệ thuật, mà cả trong tôn giáo. Trong quan hệ ngoại giao, thảm đỏ được dành để tiếp đón các nguyên thủ quốc gia.

Thảm đỏ cũng là dấu hiệu của hòa giải

Thảm đỏ cũng được dùng trong một số trường hợp để chứng tỏ tinh thần hòa giải giữa các quốc gia vốn một lần thù địch. Tháng Tư 1992, TT Nigeria Ibrahim Babangida chống Phân biệt Chủng tộc đã trải thảm đỏ tiếp đón TT FW de Klerk của Nam Phi sau cuộc trưng cầu dân ý đồng ý giải tán chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi. Thảm đỏ là cách quan trọng để nhà lãnh đạo da trắng Nam Phi biết Tổ Chức Đoàn Kết Phi Châu do Ibrahim Babangida làm chủ tịch thật tâm muốn hòa giải.

Tương tự, tháng 11 năm 1977, chính phủ của Thủ Tướng Do Thái Menachem Begin dành cho TT Ai Cập Anwar Sadat một cuộc tiếp đón long trọng chưa từng có. Hãng tin AP loan tin tất cả thảm đỏ, ngay cả thảm đỏ tại phi trường Ben-Gurion dành cho buổi tiếp đón đều được giặt sạch sẽ. Từ 1948, hai quốc gia Ai Cập và Do Thái đã đánh nhau nhiều trận, nhất là trong chiến tranh Yom Kippur 1973, nhưng đã ký thỏa ước hòa bình 1979.

Tại sao thảm đỏ đối với các lãnh đạo CS thường là một vấn đề quan trọng?

Đơn giản bởi vì đảng CS, dù một đảng lớn như đảng CS Trung Quốc hay nhỏ như đảng CS Lào, đều chỉ là những đảng độc tài tiếm danh chứ không phải là lãnh đạo chính danh của một quốc gia, đại diện cho một nước, một dân tộc. Các lãnh đạo CS luôn mặc cảm bị nhân loại rẻ khinh.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi CS Liên Xô còn tồn tại, chuyện thảm đỏ cũng đã được đặt ra nhiều lần.




Năm 1956, khi hai lãnh tụ CS Liên Xô Khrushchev và Bulganin chính thức viếng thăm Anh Quốc, dư luận không muốn chính phủ Anh đón tiếp họ bằng lễ nghi quân cách dành riêng cho lãnh đạo quôc gia trong đó có việc trải thảm đỏ. Mặc dù trước ngày đi, Khrushchev tuyên bố ủng hộ giải pháp Liên Hiệp Quốc về Trung Đông, nhiều báo chí và ngay cả một phim hoạt họa được phát hành để mỉa mai hai lãnh tụ CS rằng khi đến Anh Quốc phải mang theo cả thảm đỏ và tự trải để dùng. Nghệ sĩ Edwin Marcus (1885-1961) phát hành cuốn phim hoạt họa trong đó Khrushchev và Bulganin mỗi người một đầu cui lui trải thảm mang qua từ Liên Xô. Năm 1957, khi Khrushchev và Bulganin thăm viết Phần Lan, một quốc gia trung lập vùng Baltic, cũng bị dư luận phản ứng tương tự.

Năm 1958, để trả thù việc Stalin đối xử lạnh nhạt và bày tỏ thái độ chống đối chính sách “xét lại”, khi Nikita Khrushchev chính thức viếng thăm Trung Cộng, Mao chỉ thị các viên chức phi trường “Không thảm đỏ, không quân đội danh dự dàn chào, không ôm hôn”. Theo lời thông dịch viên của Mao kể lại. Ngoài ra, Mao còn để Khrushchev cư ngụ trong một tòa nhà không máy lạnh giữa mùa hè Bắc Kinh.

Mới đây. Tháng Sáu năm 2014, Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường viếng thăm Anh Quốc để ký kết các hiệp ước thương mại có giá trị nhiều tỉ pounds, nhưng theo họa đồ chỉ dẫn nghi thức, thảm đỏ dành cho y bị ngắn 3 mét. Trước ngày Lý Khắc Cường đến, chính phủ Trung Cộng đã chính thức khiếu nại đến Ed Llewellyn, tham mưu trưởng của Thủ Tướng Anh David Cameron. Chính phủ Anh, thoạt đầu, cũng từ chối cả việc cho phép Thủ Tướng Lý Khắc Cường được Nữ Hoàng Anh tiếp cho đến khi Trung Cộng đe dọa hủy bỏ chuyến đi. Chính phủ Anh lo ngại tổn thất kinh tế đã miễn cưỡng để y được Nữ Hoàng Anh tiếp.

Lãnh đạo CSVN Nguyễn Phú Trọng không phải là nguyên thủ quốc gia, không phải đại diện cho nhân dân nước Việt Nam và cũng không có quyền lực ảnh hưởng quốc tế nào cả mà chỉ là con cờ trong tranh chấp Mỹ-Trung; do đó, việc bộ máy tuyên truyền CSVN trong tuần lễ trước đó tràn ngập bài viết “Mỹ trải thảm đỏ, đón chờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của Matthew Pennington chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Nay đã bị tổ trác.

Nhiều người có thể ngạc nhiên nhưng thảm đỏ lại là một trong hai mục đích chính của Nguyễn Phú Trọng trong chuyến viếng thăm Mỹ. Mục đích thứ nhất là dùng Mỹ để làm lực đối trọng với Trung Cộng và mục đích thứ hai là được Mỹ thừa nhận tính chính danh lãnh đạo Việt Nam. Nếu buổi sáng ngày 6 tháng 7, Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden hay Ngoại Trưởng John Kerry ra tận cầu thang máy bay tiếp đón và cùng Nguyễn Phú Trọng duyệt hàng quân danh dự trên thảm đỏ dài dành cho quốc khách, Nguyễn Phú Trọng đã đạt được thành công lớn. Nhưng không. Việc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng vừa qua cho thấy Mỹ vẫn xem lãnh đạo đảng CSVN là một đảng tiếm danh.

No comments:

Post a Comment