7/31/2015

Trung quốc và Ấn Độ "có thể đánh nhau" do tranh sông làm thủy điện

 

Vĩnh Thụy (theo National Interest)
 31-07-2015



TQ xây đập thủy điện trên sông Nhã Lỗ Tạng

Ngoài việc Trung Quốc tuyên bố độc chiếm biển Đông khiến thế giới lo ngại, còn một sự kiện khác đáng thu hút sự chú ý: Trung Quốc - Ấn Độ có thể đánh nhau bởi tranh sông làm thủy điện, theo trang National Interest.

Chuyện Trung Quốc - Ấn Độ có thể đánh nhau do tranh sông làm thủy điện diễn ra ở vùng Himalaya, nơi có con sông Nhã Lộ Tạng – Brahmaputra dài 2.880 km bắt nguồn từ Tây Tạng (TQ gọi là sông Nhã Lộ Tạng) trước khi chảy đến đông bắc Ấn (sông Brahmaputra) và Bangladesh (sông Yamuna).

Việc TQ - Ấn tranh con sông có giá trị về thủy điện và nguồn nước này bắt đầu từ ngày 11.7.2000, sau khi một vụ vỡ đê ở Tây Tạng gây lũ lụt, khiến 30 người chết và gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng đông bắc bang Arunachal Pradesh (Ấn).

Một số quan chức chính phủ Ấn Độ nghi TQ cố tình gây lũ lụt, thậm chí nghi TQ có thể biến con sông thành một thứ vũ khí gây họa, hoặc chặn dòng để dọa nạt Ấn.

TQ làm ầm lên về sự nghi ngờ này, sau đó vụ việc nhạt nhòa khi ảnh chụp vệ tinh xác nhận đê vỡ tự nhiên.

Cuối năm 2002, Ấn - Trung ký văn bản ghi nhớ đầu tiên về chia sẻ thông tin thủy học trong những tháng mưa. Hoạt động này từng bị gián đoạn sau khi Ấn - Trung có chiến tranh biên giới 1962.

Năm 2008, vụ tranh chấp bùng phát trở lại, khi Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu xây dựng đập thủy điện Zangmu ở giữa sông Nhã Lỗ Tạng.

Các nhà quan sát Ấn nói đập này là sự khởi đầu của một dự án phân nhánh sông sẽ làm kiệt sông Brahmaputra. Những đồn đoán, nghi ngờ về chuyện này càng dày, vì TQ từ chối cung cấp thông tin, với lý do “đây là chuyện nội bộ”.

Nỗi quan ngại của Ấn khiến các nhà bình luận cảnh báo về một cuộc chiến tranh giành chủ quyền con sông này, và việc phân dòng có thể dẫn đến một lời tuyên chiến.

Vấn đề nghiêm trọng sớm gây quan ngại nơi quốc hội Ấn, và trở nên một trọng tâm trong những trao đổi song phương cấp cao. Trong những lần trao đổi này, Ấn tìm sự trấn an, thúc đẩy việc tăng cường chia sẻ dữ liệu thông tin.

Việc tranh chấp nguồn nước vì thế liên quan các kế hoạch xây đập và phân dòng. Sông Nhã Lỗ Tạng có tiềm năng thủy điện 79 gigawatt, TQ đang lên kế hoạch xây 20 đập dọc sông này.

Bên cạnh kế hoạch xây đập, TQ cũng xem xét kế hoạch phân nhánh nguồn nước từ miền tây lên miền bắc thường bị hạn hán nặng.

Ấn Độ sợ các kế hoạch của TQ sẽ làm “tắt” 30% nguồn nước của mình. Có số liệu rằng 70% nguồn nước của sông Brahmaputra là từ các cơn mưa rơi trên đất Ấn.

Tuy nhiên, dù kêu gọi minh bạch và có tư vấn, Ấn cũng đua xây các đập thủy điện trên sông Brahmaputra, nhằm tranh thủ tiềm năng thủy điện, cũng như củng cố tuyên bố chủ quyền ở bang Arunachal Pradesh, khu vực mà TQ gọi là “Nam Tây Tạng” thuộc TQ.

Theo trang National Interest, không có nhiều lý do để sợ một cuộc chiến tranh Ấn - Trung giành nguồn nước, vì nhiều yếu tố chỉ ra các hoạt động của TQ không tác động đến dòng sông. Ví dụ các đập TQ được xác nhận là không trữ nước. TQ cũng bác kế hoạch phân dòng do chi phí cao và tác động đến môi trường. Trên hết, lãnh đạo TQ nói họ không muốn hù dọa Ấn.

"Thuộc địa TQ sát gần Ấn"

Dù vậy, sự nghi kỵ vẫn tồn tại ở Ấn, vốn cũng lo ngại TQ có thể xây đảo nhân tạo gần Ấn. Nỗi sợ này từ việc quốc hội quần đảo Maldives thông qua hiến pháp sửa đổi, lần đầu tiên cho phép người nước ngoài đầu tư 1 tỉ USD để làm chủ đất ở Maldives, nơi vốn có 1.200 đảo trên Ấn Độ Dương.

Một số quan chức, nghị sĩ chống sửa đổi hiến pháp Maldives nói với trang The Diplomat: sự nhượng đất này sẽ khiến “đất nước chúng tôi trở thành thuộc địa của TQ”.

Bà Eva Abdullah, một trong 14 nghị sĩ bỏ phiếu chống, nói: “Điều tôi sợ là chúng tôi mở đường cho TQ lập các căn cứ ở Maldives, và biến đất nước thành một mặt trận giữa Ấn với TQ, từ đó làm rối loạn tình trạng cân bằng quyền lực hiện nay trên Ấn Độ Dương. Chúng ta chớ nên quên sự thù địch ngày càng tăng giữa TQ với Ấn”.

Dù vậy,các quan chức Maldives và TQ đang cố xóa tan nỗi sợ. Bộ Ngoại giao TQ nói Bắc Kinh luôn tôn trọng, ủng hộ nỗ lực bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Maldives và tuyên bố: "Những gì người ta nói việc TQ xây căn cứ ở Maldives là hoàn toàn thất thiệt”, vì TQ sẽ không bao giờ xây căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Tổng thống Maldives, ông Abdulla Yameen cũng muốn xóa nỗi sợ TQ xây căn cứ quân sự: “Chính phủ Maldives đã bảo đảm với chính phủ Ấn cùng các nước láng giềng của chúng tôi, rằng sẽ giữ Ấn Độ Dương là một khu vực phi quân sự”.
Phó tổng thống Ahmed Adeeb nói với báo The Hindu (Ấn): “Chủ quyền của chúng tôi không phải để bán… Chúng tôi không muốn bất kỳ nước láng giềng nào, gồm Ấn… phải quan ngại. Chúng tôi không muốn ở vào một vị trí mà chúng tôi trở thành nỗi đe dọa cho các nước láng giềng”.


Người Maldives đón ông Tập Cận Bình

Chỉ mất một giờ sửa đổi hiến pháp

Xem ra chính phủ Ấn Độ chấp thuận sự trấn an của Maldives, nhưng các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Nhà phân tích Anand Kumar thuộc Viện phân tích, nghiên cứu quốc phòng (IDSA, Ấn) lưu ý: “Hiến pháp Maldives sửa đổi có lợi cho TQ. Chỉ mỗi TQ có thể sở hữu 70% đất”.

Những người khác cảnh giác trước việc hiến pháp sửa đổi được thông qua quá nhanh. Các nguồn tin Ấn của National Interest lưu ý giới truyền thông Maldives đã ghi nhận việc thông qua các chủ trương ở Maldives thường mất hàng tuần hoặc hàng tháng.

Ngược lại, một nguồn tin nói với báo Indian Express: “Ủy ban sửa đổi thông qua hiến pháp chỉ sau một giờ… làm gióng lên chuông báo động”.

Ngay cả trước khi hiến pháp sửa đổi được thông qua, Ấn ngày càng gia tăng quan ngại với Maldives, một quốc gia được cho là chịu tầm ảnh hưởng của Ấn.

Đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Narendra Modi hủy một chuyến thăm Maldives, sau khi một số thành viên đối lập bị chính quyền Maldives bỏ tù.

Cũng ngay trước khi hiến pháp sửa đổi được thông qua, các quan chức Ấn báo động vì mối quan hệ ngày càng tăng giữa Maldives với TQ, kể từ khi Tổng thống Yameen nắm quyền lực ở Maldives hồi tháng 11.2013.

TQ đầu tư mạnh vào quần đảo này trong những năm gần đây, như một phần chủ trương “Con đường tơ lụa trên biển” của Bắc Kinh. Năm ngoái, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng thăm Maldives, hứa đầu tư mạnh hơn, gồm vào sân bay quốc tế Male.

Những năm gần đây, du khách TQ đến Maldives tăng ồ ạt, đem lại một nguồn lợi kinh tế béo bở cho quốc gia bé nhỏ này.

TQ cũng đang đầu tư nhiều vào các quốc gia Nam Á, như Sri Lanka, trong chiến lược “Chuỗi ngọc” nhằm để TQ hiện diện mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương.

Vĩnh Thụy (theo National Interest)

No comments:

Post a Comment