7/09/2015

Biển Đông: Cần giữ nguyên trạng hay phải thay đổi?




Nguyễn Hưng Quốc 07.07.2015

Liên quan đến các âm mưu xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, một số giới chức Việt Nam, trong đó, gần đây nhất là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, và Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc Hội, thành thực nhìn nhận là họ không thể chiếm lại được những gì đã mất vào tay Trung Quốc. Một số người còn nói thêm: Nếu đời nay chúng ta không lấy lại được thì con cháu của chúng ta sẽ làm việc đó.

Trên các diễn đàn xã hội, rất nhiều người phê phán một cách gay gắt luận điệu ấy. Họ cho nói vậy là hèn, là nhục, thậm chí, là bán nước. Họ nêu đích danh những người phát ngôn để chửi. Tôi thông cảm với những sự phẫn nộ ấy. Nhưng tôi cho những lời kết án cũng như chửi rủa ấy là đổ oan. Lý do là không phải chỉ có những người ấy mới có cách suy nghĩ như vậy. Thật ra, đó là cách suy nghĩ chung, hơn nữa, là chính sách chung của cả giới cầm quyền Việt Nam hiện nay.

Dĩ nhiên, giới cầm quyền hiếm khi nói thẳng ra như vậy. Nói như vậy chẳng khác gì một lời tuyên bố đầu hàng. Nhưng chỉ cần chú ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay điều đó. Chính sách của Việt Nam đối với Biển Đông là gì? Rất khó biết được bởi chưa có ai trình bày một cách công khai, hệ thống và cụ thể cả. Nhưng trong những lời phát biểu đây đó, chúng ta bắt gặp một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề trên Biển Đông: “giữ nguyên trạng” và “không làm phức tạp hoá” vấn đề để có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Trong mấy cách diễn tả trên, quan trọng nhất là nhóm từ “giữ nguyên trạng” (status quo). Trong bài “The South China Sea: Defining the ‘Status Quo’”, Andrew Chubb cho đó là từ được nhiều quốc gia lặp đi lặp lại nhưng đó cũng là một từ rất mơ hồ với những cách nhìn và cách nghĩ có khi khác hẳn nhau. Giới chức cao cấp của Mỹ cũng như các quốc gia quan tâm đến tình hình Biển Đông, trong đó, có cả Úc, thường kêu gọi các quốc gia liên hệ ở Biển Đông đừng “làm thay đổi nguyên trạng qua các hình thức bạo lực hoặc cưỡng ép”. Giới lãnh đạo Nhật và Philippines cũng vậy: Họ cũng phản đối các nỗ lực đơn phương làm thay đổi “nguyên trạng” trên các hòn đảo trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều đáng ngạc nhiên là chính Việt Nam cũng tham gia vào giàn đồng ca ấy bằng những lời kêu gọi các nước tự kiềm chế, đừng làm phức tạp hoá vấn đề bằng cách thay đổi “nguyên trạng” trên các bãi đá và các rạn san hô ở Biển Đông.

Tại sao các nước khác kêu gọi “giữ nguyên trạng” thì được mà Việt Nam thì không?

Trả lời câu hỏi này không khó. Với Nhật, “giữ nguyên trạng” là hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn thuộc về họ; với Philippines, là bãi cạn Scarborough và một số hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa vẫn thuộc về họ; với Malaysia, là bảy bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa vẫn thuộc về họ; với Đài Loan, đảo Ba Bình và bãi Bàn Than vẫn thuộc về họ. Ngay với Trung Quốc, quốc gia duy nhất đòi thay đổi cái gọi là “nguyên trạng” ấy bằng cách không ngừng tìm cách cải tạo các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo cũng như âm thầm mưu toan lấn chiếm thêm các hòn đảo khác, cũng muốn “giữ nguyên trạng” ở một địa điểm: quần đảo Hoàng Sa.

Còn Việt Nam? Yêu sách “giữ nguyên trạng” của Việt Nam thực chất là thừa nhận hai điều: thứ nhất, Hoàng Sa là của Trung Quốc; và thứ hai, các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm cứ từ Việt Nam vào năm 1988 cũng thuộc về Trung Quốc.

Nói cách khác, lập trường của chính phủ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là: Một, từ bỏ ý định đòi lại Hoàng Sa cũng như các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Hai, họ chỉ muốn ngăn chận xu hướng bành trướng thêm của Trung Quốc qua các việc: (1) cải tạo các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo; (2) trên cơ sở các hòn đảo nhân tạo ấy, đòi mở mở rộng chủ quyền trên lãnh hải mà cụ thể nhất là hợp thức hoá con đường lưỡi bò (hay con đường chín đoạn); và cuối cùng (3), hợp thức hoá vùng nhận dạng hàng không tương ứng với con đường lưỡi bò ấy.

Lập trường ấy, thật ra, không phải hoàn toàn sai. Trong hoàn cảnh và với tương quan lực lượng hiện nay, cần thực tế để nhận ra một điều: Việc chiếm lại Hoàng Sa và các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam là một điều bất khả. Việt Nam không thể làm được điều đó. Mà cũng không có quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể giúp Việt Nam làm được điều đó. Trong bài “Serenity in the South China Sea”, Gareth Evans, cựu Ngoại trưởng của Úc, nhấn mạnh: Mỹ cần phải chấp nhận một thực tế là, với những sức mạnh về kinh tế và quân sự hiện nay, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc trong khu vực và cái thời mà Mỹ làm bá chủ duy nhất ở vùng châu Á – Thái Bình Dương đã qua rồi. Ông cũng nhấn mạnh thêm: Mỹ không có cách gì có thể ngăn chận được việc Trung Quốc cải tạo các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa và sau đó, quân sự hoá các hòn đảo ấy. Điều Mỹ có thể làm là ngăn chận việc nhân danh các hòn đảo nhân tạo ấy, Trung Quốc tuyên bố mở rộng chủ quyền trên lãnh hải chung quanh chúng, từ đó, hợp thức hoá con đường lưỡi bò chiếm đến 80% toàn bộ diện tích của Biển Đông.

Điều Mỹ không thể làm được, Việt Nam lại càng không có sức để làm. Tuy nhiên, việc từ bỏ ý định đòi lại Hoàng Sa và các hòn đảo, bãi đá và rạn san hô trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam vẫn là một tính toán sai lầm. Sai về phương diện pháp lý: Nó mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các thực thể ấy. Nhưng quan trọng nhất là sai về phương diện chính trị: Nó giảm sức ép đối với Trung Quốc để Trung Quốc rảnh tay nhắm đến việc thực hiện các ý đồ mới của họ trên Biển Đông.

Bởi vậy, theo tôi, dù trên thực tế, chúng ta không thể lấy lại Hoàng Sa và một số hòn đảo tại Trường Sa, chúng ta vẫn cứ phải lớn tiếng đòi hỏi điều đó để cả thế giới biết rõ dã tâm xâm lược và bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông để từ đó, chúng ta mới có thể tập hợp được thế liên minh và sự hợp tác của các quốc gia khác trên thế giới trong trận chiến đối đầu với những âm mưu xâm lấn mới của Trung Quốc.





dv

No comments:

Post a Comment