7/05/2015

Vixileaks, tháng 7




Nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay: để “trừng phạt” Julian Assange, ông chủ của trang mạng WikiLeaks đã rò rỉ tin lùm xùm về tình trạng của Phùng Quang Thanh trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam có mặt ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác đơn xin tỵ nạn của Assange.

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, Assange nói rằng Tổng thống Pháp đã có thái độ bất công với ông bởi vì ông chỉ làm nhiệm vụ thông tin thường lệ. Nếu ông Thanh bị ám sát thì tin của ông chính xác, còn nếu ông ta được mổ để chữa bệnh thì điều đó một lần nữa cho thấy tính xạo ke của người Cộng sản, miệng thì hô hào tiến lên XHCN, nhưng khi “ho ra máu” thì cầu cứu đến các nước TBCN.

Dịp này, Assange còn cho biết nay mai, trang mạng của ông sẽ mở thêm một tab lấy tên Vixileaks để loan những tin ít người biết về “Viet cong.” Và theo đúng chủ trương của Wikileaks, các tin của Vixileaks cũng được dựa trên các nguồn ẩn danh, ai muốn tin hay không thì tùy, Vixileaks không chịu trách nhiệm.

Assange cho Le Monde biết một tin sẽ được phổ biến tại Vixileaks như sau.

- Alô, anh Tư hả?

- Chào đồng chí Tổng bí thư, có chuyện gì vậy?

- Chẳng có gì quan trọng. Mình chỉ định hỏi anh vài câu trước khi đi Mỹ để mình rút kinh nghiệm ấy mà.

- Vậy hả, chuyện nhỏ như con thỏ, đồng chí cứ hỏi vô tư.

- Tốt. Thế thì trên đường đoàn xe của tôi đi vào Nhà Trắng, tôi nên để ý những gì?

- Đồng chí đừng bận tâm đến đám người cầm cờ ba que đứng biểu tình trước cổng vào Nhà Trắng. Tôi không hiểu sao trước khi tôi đến, người Mỹ không hốt hết bọn biểu tình phản động này cho rồi. Bọn này dùng những cái loa cực mạnh đồng chí ơi. Tôi ngồi bên trong Nhà Trắng vẫn nghe vọng lại những tiếng hô đả đảo, dù tường và kính đã được cách âm. Muốn khỏi dị ứng với những tiếng đả đảo này, tôi đề xuất với đồng chí là ta cứ giả định đó là những lời hoan hô, thế là xong.

- Nhất trí! Trong khi nói chuyện với Ngài Obama, ngoài chuyện xoay trục, TPP, Biển Đông, vũ khí sát thương, hàng dệt may, tôm cua cá basa, tôi nên nói thêm đề tài gì?

- Đồng chí nói cái gì cũng được nhưng cần nhất là không nên cám ơn Ngài Obama đã chăm sóc cho cộng đồng Việt kiều ở Mỹ. Kỳ đó tôi nói hớ câu này nên bị bà con trên mạng ném đá dữ quá, giống như đồng chí Sáu Phong cũng bị ném đá vì định “phân hóa nội bộ” nước Mỹ vậy đó.

- Còn khi đến dự bữa ăn trưa do Ngài Ke-ri chiêu đãi thì tôi nên để ý những gì?

- Cái này thì như đồng chí đã biết, đại khái những người được mời đến ăn là các cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, các học giả Mỹ quan tâm đến Việt Nam, những người Mỹ đã góp công xây dựng lại mối quan hệ hai nước, đại diện các công ty có đầu tư tại Việt Nam, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức làm từ thiện tại Việt Nam, đại diện gia đình MIA, các Việt kiều đã về Việt Nam làm ăn và thành đạt… Đâu khoảng gần trăm người. Bữa đó tôi buồn ngủ quá sức vì mình bị lệch múi giờ sau chuyến bay dài, nhưng tôi cũng rán mở cặp mắt để bắt tay và nói vài lời xã giao với những người đến dự. Rút kinh nghiệm này, tôi đề xuất đồng chí nên ăn ít ít ở bữa trưa đó, uống nước lọc cho thật nhiều, và khi hai bên nâng ly cầu chúc tình hữu nghị hai nước đời đời bền vững, thì mình nói ít ít thôi, để sau đó còn biến lên xe ngủ gục một chút, trước khi chuẩn bị cho sự kiện kế tiếp.

- Anh vừa nhắc đến chuyện ăn uống. Tôi không quen ăn thức ăn Mỹ, mình phải xử lý thế nào?

- Dễ thôi, đồng chí cứ bảo ban bảo vệ đảng mang theo một thùng mì gói là ổn rồi. Phòng khách sạn lúc nào cũng có sẵn máy nấu nước sôi.

- Lại nhất trí lần nữa với anh. Khách sạn mình ở có ổn không anh?

- Dứt khoát là phải ổn thôi. Đó là một khách sạn 5 sao của Ma-ri-ốt, gần một trạm xe điện ngầm, nằm ở một góc khuất và yên tĩnh của Hoa-xinh-tơn, bọn phản động có đứng trước khách sạn biểu tình cũng ít người thấy. Khách sạn này do đại sứ quán của ta thuê bao trọn gói hẳn một từng cho cả đoàn.

- Tôi nghe nói khách sạn đó nằm gần sở thú của Hoa-xinh-tơn?

- Đại sứ quán của ta chọn chỗ đó cũng đúng thôi, họ nhắc cho chúng ta là hàng xóm của chúng ta là khỉ và vượn cổ đấy mà. Nhưng cái quan trọng là đồng chí chịu khó quán triệt với đoàn, sáng sáng có thèm điếu thuốc lá chạy ra bên ngoài khách sạn phì phèo thì nhớ trang phục, đi hia đội mão cho nó đàng hoàng, ngoại hình phải sach nước cản. Chớ có nên trang phục đồ ngủ, đầu tóc rối nùi do đêm trước bia bọt nhiều quá, người Mỹ họ sẽ cười cho đấy.

- Tôi muốn tham quan khu Eden một chút anh thấy có nên không?

- Nên, với điều kiện đồng chí phải đội nón sụp, đeo kiếng đen, để râu; làm theo gương bác Hồ bịt râu đi xem xử bà Nguyễn Thị Năm vậy.

- Vậy thì chả dại. Thế tôi muốn đến thăm một căn nhà của một gia đình Việt kiều trong vùng thủ đô để một là chứng tỏ cho thấy đường đường tôi cũng là ông vua đi thăm dân cho biết sự tình, hai là cho thấy cộng đồng Việt kiều Mỹ cũng niềm nở tiếp đón tôi một cách trọng thị, vậy thì tôi phải làm sao?

- Cái này khó đa. Ngay cả cái đám Việt kiều làm giàu nhờ về Việt Nam làm ăn cũng tìm cớ này cớ khác để từ chối, bởi vì họ biết thế nào ngay sau khi đồng chí rời khỏi nhà họ thì họ sẽ bị ném đá tới tấp. Đồng chí thử xem cái đám người Việt đi từ Hà Nội bây giờ làm cho U-ơ Băng hay IMF xem họ có thể tiếp đồng chí tại nhà không?

- Phức tạp quá thì thôi vậy. Thế còn nếu bây giờ tôi muốn mua ít thực phẩm chức năng để mang về làm quà cho bà con thì sao?

- Đồng chí nói các cán bộ ở sứ quán dẫn đi cái cửa hàng gọi là Kốt-xì-cô đó. Ở đó có nhiều loại thực phẩm chức năng như xương sụn cá sấu, chống khớp thoái hóa, chống ốc-xy hóa, chống lão hóa rất tốt cho người già. Muốn mua ở cửa hàng này phải có thẻ thành viên. Các cán bộ sứ quán ta ai cũng có thẻ. Khi tính tiền, họ đưa hộ chiếu ngoại giao ra cho thâu ngân là được miễn thuế mua hàng tiêu dùng của bang Viếc-di-nhia, dường như là 6 phần trăm, tiết kiệm được ít đô la cho đồng chí.

- Rõ! Thế nếu tôi muốn mua vài cái Ai-fôn Ai-pát mang về làm quà cho các cháu giai cháu gái thì sao?

- Trong khu vực Hoa-xinh-tơn có hai cái khu thương xá cực kỳ hoành tráng. Một là Pen-ta-gân Xi-ty gần Lầu Năm Góc, hai là Tai-xơn. Hai chỗ đó chỗ nào cũng có cửa hàng Trái Táo. Bọn nhóc bán hàng ở đó thấy mặt đồng chí là biết ngay là dân Tàu hoặc dân Việt Nam mua hàng trả bằng tiền tươi. Chúng cũng biết phải bán cho đồng chí loại máy mang về Việt Nam là xài được ngay, khỏi cần bẻ khóa. Đồng chí cần cẩn thận chia đống tiền mặt mang theo thành từng gói nhỏ, giải quyết từng máy một, xong một máy thì móc từng gói nhỏ tiền nhỏ ra trả, rồi giải quyết đến máy kế tiếp. Đồng chí chớ nên móc nguyên gói tiền lớn ra một lần, bọn trẻ bán hàng nó choáng, và có thể bọn móc túi hoặc cướp giựt đứng gần đấy nó chớp mất.

- Thế thì chả khác gì Hà Nội mình. Nếu chỉ có đủ thời gian đi xốp ở một trong hai thương xá đó thì anh nghĩ tôi nên chọn cái nào?

- Tôi sẽ chọn Tai-xơn, bởi vì ở đó, đồng chí đi thêm vài bước, qua đường bên kia là gặp một khu thương xá khác, có những cửa hàng hiệu thời trang cao cấp như Lờ Vờ, Củ-Chi, Hét-Mét-Xơ… đồng chí tha hồ chơi vài cái túi xách về tặng cho các cháu gái chân dài tới nách trong ngành showbiz.

- Cám ơn anh. Trước khi dứt cuộc điện này, anh còn tư vấn gì nữa cho tôi hay không anh Tư?

- Có, đồng chí ơi. Tôi đề xuất đồng chí chớ có nên mang đề tài XHCN ra mà nói với người Mỹ…

- Tôi biết rồi, tôi chỉ lú thôi chứ đâu có ngu. Tôi biết thừa là cả trăm năm nữa chưa chắc nước ta đã đạt đến XHCN hay chưa, dại gì mà mang ra nói.

- Vậy là tốt.

- À này, tôi cũng xin góp ý với anh một chuyện.

- Chuyện gì vậy, đồng chí.

- Anh có để ý từ nãy đến giờ tôi toàn gọi anh là anh, còn anh cứ gọi tôi là đồng chí. Anh cũng hiểu là ta đang năn nỉ quốc tế công nhận nền kinh tế của ta là nền kinh tế thị trường, mà anh cứ gọi tôi là đồng chí thì phải nói thực với anh rằng thì là anh vẫn chưa có chuyển biến tốt đấy nhé.

- Nhất trí! Lần tới tôi sẽ khắc phục.


Châu Quang






dv

No comments:

Post a Comment