4/05/2016

Kinh tế Trung Quốc: Khi bong bóng ở khắp mọi nơi

Nhàn Đàm (theo Reuters)
4/4/2016



Nói cách khác, dòng tiền đầu tư của người dân Trung Quốc giờ đây không khác gì một con ngựa bất kham, chạy đến đâu gây ra nguy cơ đến đó cho nền kinh tế Trung Quốc.

Những tin tức tốt lẫn xấu đang đến xen kẽ trong nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này trong hai tháng đầu năm vừa được thống kê vẫn duy trì được sự ổn định bất chấp những rối loạn tại thị trường chứng khoán (TTCK), tuy nhiên tin xấu cũng đến ngay sau đó khi kết quả công bố của bốn ngân hàng lớn nhất nằm trong nhóm Big Four về doanh thu trong năm 2015 đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ. Sự sụt giảm lợi nhuận của bốn ngân hàng lớn nhất, cộng với việc tỷ lệ nợ xấu lại đang tăng lên đạt mức kỷ lục trong vòng gần 10 năm trở lại đây đang được xem là tín hiệu xấu.

Trên thực tế, những điều này là không có gì bất ngờ, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng bong bóng ở khắp mọi nơi.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện tại có lẽ là một trong những trường hợp đặc biệt trong lịch sử kinh tế thế giới, khi dù đang lâm vào tình trạng giảm tốc và trì trệ, bong bóng kinh tế lại đang được tạo ra nhiều hơn và trên nhiều lĩnh vực hơn. Thông thường, chỉ các nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nóng và tiền đầu tư được đổ vào nhiều mới dẫn đến tình trạng bong bóng kinh tế, điển hình là Nhật Bản những năm 1970-1980, hay chính Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái trước khi bong bóng trên TTCK nước này vỡ tung vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, điều kỳ lạ đó lại đang là sự thật, khi có tới ít nhất là 2 lĩnh vực trong nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bong bóng: thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu.

Nguyên nhân của tình trạng này không quá khó hiểu. Nó bắt nguồn từ chính thứ được xem là thành quả của việc kinh tế nước này tăng trưởng nóng trong vòng gần ba thập kỷ qua, đó là mức độ tích lũy vốn của một bộ phận dân cư thuộc tầng lớp trung lưu tăng cao. Một phần lớn số tiền này được người Trung Quốc dùng vào đầu tư kiếm lời. Đó là một khoản tiền khổng lồ, được thu hút phần lớn vào TTCK – nơi có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, cũng là nơi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân đổ tiền vào đầu tư. Đây được xem là một phần nguyên nhân khiến cho bong bóng trên TTCK Trung Quốc phát triển nhanh hơn, bùng nổ sớm hơn dự kiến. Gần như có rất ít người có thể dự đoán được việc TTCK Trung Quốc sụp đổ vào cuối tháng 7.2015.

TTCK Trung Quốc chưa kịp hồi phục đã tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tháng 1.2016, phần lớn dòng vốn đầu tư bắt đầu được rút đi để chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực khác. Hai trong số lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư chọn nhất là thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu.

Việc một khoản tiền quá lớn được đổ vào trong một thời gian ngắn đang khiến bong bóng bắt đầu xuất hiện ở hai lĩnh vực này. Tại thị trường bất động sản, giá nhà đất ở Thâm Quyến và Thượng Hải đã tăng tới 35% trong một năm qua, được dự báo sẽ còn tăng thêm. Điều tương tự diễn ra tại thị trường trái phiếu, nguồn cung trái phiếu chính phủ ở Trung Quốc đang tăng mạnh hơn bao giờ hết, từ mức 936 tỷ nhân dân tệ trong cả năm 2015 lên mức 1.400 tỷ nhân dân tệ chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2016.

Nói cách khác, dòng tiền đầu tư của người dân Trung Quốc giờ đây không khác gì một con ngựa bất kham, chạy đến đâu gây ra nguy cơ đến đó.

Việc dòng vốn bị rút ra khỏi TTCK khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn trong việc huy động vốn để tiếp tục hoạt động, trong khi đó dòng vốn chảy sang thị trường bất động sản và trái phiếu lại đang gây ra nguy cơ bong bóng tại hai lĩnh vực này. Kịch bản lý tưởng là chính phủ Trung Quốc cần nắn dòng vốn từ hai thị trường trên quay về TTCK. Có lẽ đó là lý do vì sao Bắc Kinh vừa đưa ra một quyết định gây tranh cãi là cho phép quỹ hưu trí ở Trung Quốc được phép đầu tư vào TTCK. Cụ thể, theo tờ China Daily, chính phủ Trung Quốc đã chính thức phê duyệt đề án này, quỹ hưu trí có thể dùng một nửa số tiền đang nắm giữ (lên đến 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 614 tỷ USD) để đầu tư vào TTCK. Theo số liệu của Bộ an sinh xã hội và nhân lực Trung Quốc, trong thời gian tới, số tiền được quỹ hưu trí đem vào đầu tư ở TTCK có thể lên đến 600 tỷ nhân dân tệ, tương đương 92,1 tỷ USD.

Việc chính phủ Trung Quốc cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK có thể được xem là một động thái hút vốn từ thị trường bất động sản và trái phiếu quay trở lại. Nó là một động thái cho thấy Bắc Kinh tự tin về những chỉnh sửa của mình tại TTCK sau sự sụp đổ vào mùa hè 2015 và vào tháng 1.2016, vì việc cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK là một hành động được đánh giá là khá mạo hiểm. Quỹ này đang nắm giữ tới 90% số tiền của tất cả các quỹ an sinh ở Trung Quốc, chỉ cần một sơ sảy nhỏ trong việc đầu tư cũng sẽ tạo ra sức ép xã hội khổng lồ.

Tình trạng tăng cường sử dụng các quỹ an sinh cũng như kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào TTCK thay vì tiếp tục cho phép hệ thống ngân hàng thực hiện các khoản vay mới trong nền kinh tế, có thể được xem như dấu hiệu của việc các kênh tài chính ở Trung Quốc đang gặp vấn đề.

Theo báo cáo doanh thu của bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc trong năm 2015 vào ngày 28.3 vừa qua, doanh thu của nhóm Big Four đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng mức nợ xấu lại tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ. Cụ thể, tổng mức nợ xấu của bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, ngân hàng Công thương và N:gân hàng Nông nghiệp tính đến hết năm 2015 đã lên tới 1.270 tỷ nhân dân tệ, tương đương 195 tỷ USD. Theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, các ngân hàng này đang bị buộc phải trích lập các quỹ dự phòng để giải quyết dần các khoản nợ xấu. Tính đến cuối năm 2015 thì mức dự phòng rủi ro cho toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc là 181%, tuy nhiên mức này ở Ngân hàng Trung Quốc mới chỉ là 153,7% và tại Ngân hàng Công thương mới là 157,6%.

Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại về khoản nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của mình. Theo dự báo của Kyle Bass, người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007, mức nợ xấu hiện nay đủ sức để đẩy hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào khủng hoảng, nếu điều đó xảy ra Trung Quốc chỉ có thể phá giá đồng nhân dân tệ để cứu vãn tình hình, đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng.

Đang có ít nhất 3 lĩnh vực trong nền kinh tế Trung Quốc dễ bị nổ bong bóng, đó là thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu và hệ thống ngân hàng.

Nhàn Đàm (theo Reuters, CafeF)

No comments:

Post a Comment