5/05/2015
Báo Observador (Bồ Đào Nha): Cộng sản khác quốc xã ở chỗ nào?
José Milhazes
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) - Sự khác biệt quan trọng nhất giữa chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản nằm ở chỗ nào? Theo tôi, chỉ khác nhau ở chỗ, quốc xã giết người vì dấu hiệu sắc tộc, còn cộng sản giết người vì thành phần xuất thân. Không biết cái nào xấu hơn.
Quốc hội Ukraine đã thông qua một quyết định đánh đồng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã, thông qua luật cấm sử dụng những biểu tượng của hai chế độ độc tài chính của thế kỷ XX trên lãnh thổ của đất nước này. Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng tuyên bố ý định phục hồi tất cả các tổ chức đấu tranh chống lại sự “chiếm đóng của Liên Xô” trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1991, và cho phép tiếp cận với tất cả các tài liệu lưu trữ của KGB (an ninh chính trị của Liên Xô).
Quyết định tương tự cũng đã được một số nước thuộc khối Liên Xô cũ thông qua: Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania..v.v.. Tất cả các nước này có thừa lý do để lên án cả hai chế độ do Hitler và Stalin lập ra, nạn nhân của chúng là hàng triệu con em họ.
Tại những nước cộng hòa Baltic và những vùng phía Tây Ukraine và Belarus, tức là những khu vực đã trở thành một phần của Liên Xô theo hiệp ước do Hitler và Stalin ký vào năm 1939, chỉ trong vòng 2 năm, nhà cầm quyền cộng sản mới được thành lập đã kịp thực hiện nhiều tội ác đến mức năm 1941, khi quân Đức tiến vào, họ được chào đón như lực lượng giải phóng. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã hiểu được bản chất thực sự của chế độ quốc xã và bắt đầu đấu tranh chống lại nó.
Khi quân đội Liên Xô chuyển sang phản công và tiến vào các nước bị quốc xã chiếm đóng, ban đầu họ cũng được chào đón như những người giải phóng. Tuy nhiên, cùng với việc áp dụng chế độ độc tài của Stalin, người ta bắt đầu coi Hồng quân là quân đội chiếm đóng, những trung tâm kháng chiến bắt đầu bùng lên. Năm 1949, hàng chục nghìn người Estonia, Latvia và Lithuania, trong đó có cả trẻ em, đã bị trục xuất tới Siberia và Kazakhstan. Sau chuyện này, các Xô Viết còn chờ gì nữa?
Ở nước Nga hiện nay - dựa trên phán quyết của tòa án Nuremberg - kết án tử hình các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đức quốc xã và cấm tuyên truyền tư tưởng phát xít - người ta luôn luôn có phản ứng tiêu cực trước những nỗ lực nhằm đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với quốc xã.
Nhưng điện Kremlin làm như không biết rằng chính phủ Liên Xô đã cung cấp bằng chứng giả cho các thẩm phán để họ biện hộ cho tội ác của họ. Trường hợp nghiêm trọng nhất là vụ thảm sát ở Katyn, nơi hàng ngàn binh sĩ và sĩ quan Ba Lan đã bị giết hại. Stalin buộc tội Hitler, nhưng hiện nay chúng ta biết rằng nó đã được thực hiện theo đơn đặt hàng của nhà độc tài Liên Xô (ý nói Stalin buộc tội Hitler là đã giết hại người Ba Lan – ND).
Trong lúc đó, các đồng minh phương Tây của Liên Xô muốn nhanh chóng thực hiện ý muốn của Stalin hơn là bảo vệ sự thật. Họ đã trao hàng ngàn người không muốn về nước cho phía Liên Xô, dù họ có phạm tội ác chiến tranh hay là không. Nhiều người trong số họ cuối cùng đã bỏ xác trong các trại tập trung của Liên Xô.
Viết như thế, tôi không muốn thanh minh cho bên này hay bôi nhọ bên, mà chỉ cố gắng tìm hiểu rõ hơn lịch sử, lịch sử được xây dựng trên các sự kiện mà bây giờ mới được tiết lộ. Vì vậy, xin đề xuất một câu hỏi: tại sao các nhà lãnh đạo Nga hiện nay tiếp tục giữ tài liệu lưu trữ của họ, trong đó có các tài liệu lưu trữ của KGB, trong tình trạng tuyệt mật? Có câu ngạn ngữ: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Tại sao Điện Kremlin không lên án ngay lập tức tất cả những tác giả của những chương đen tối nhất trong lịch sử nước Nga, không lên án hệ tư tưởng và cách hành xử đã giết chết hàng triệu người Nga và người của các dân tộc khác của Liên Xô?
Có phải là vì, trong xã hội Nga người ta đang tìm cách nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng lãnh đạo một đất nước rộng lớn và đa dạng như Nga, chỉ có thể là hệ thống quản lý tập trung, và chí ít là độc tài? Một người lãnh đạo “cứng rắn”, “người bảo vệ chủ quyền quốc gia, không để kẻ thù xâm phạm?”. Định nghĩa Stalin là một nhà “quản lý hiệu quả” xuất phát từ quan niệm như thế ...
Câu hỏi về những người đã cầm súng chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô đang ngày càng trở nên phức tạp. Không nghi ngờ gì rằng nhiều người tự nguyện đứng vào hàng ngũ quốc xã và theo lệnh chúng, đã phạm những tội ác nghiêm trọng, ví dụ, tàn sát người Do Thái, nhưng cũng có rất nhiều người đã chiến đấu chống lại cả quốc xã lẫn cộng sản.
Dĩ nhiên là hiện nay không ai chấp nhận cho các cựu chiến binh SS hoặc thanh niên với những biểu tượng của Đức quốc xã hay phát xít, thậm chí đã được cách điệu, tham gia vào các cuộc duyệt binh ở châu Âu. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ cho dù điều đó diễn ra ở Ukraine, Latvia hay Nga. Vâng, kể cả ở Nga, bởi vì, trong khi điện Kremlin tự gọi mình là người chiến sĩ có vai trò quan trọng nhất trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít thì lại nhắm mắt làm ngơ trước việc những tên phát xít mới tổ chức hội nghị quốc tế ở thành phố-tử đạo St. Petersburg/Leningrad hoặc tài trợ cho các chiến dịch bầu của các lực lượng cực hữu ở châu Âu.
Các chính trị gia cần quan tâm nhiều đến phúc lợi của các công dân nước mình hơn là quan tâm tới lịch sử và xem xét lại lịch sử - dành những vấn đề này cho các nhà sử học thì tốt hơn. Có lẽ, như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm câu trả lời cho câu hỏi: cuối cùng thì đâu là khác biệt quan trọng nhất giữa chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản?
Theo tôi, khác nhau chỉ là quốc xã giết người vì dấu hiệu sắc tộc, còn cộng sản giết người vì thành phần xuất thân. Chẳng cái nào tốt hơn cái nào.
Nguồn: O que defere o comunismo do nazismo?
Dịch theo tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20150415/227506355.html
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment