Sổ Tay Tháng Năm (Link)
Bài này được viết vào cuối năm 2009. Đã 6 năm qua, đến nay, tình trạng và điều kiện làm việc cho những người trẻ muốn về VN làm việc lại càng tệ hại hơn. Tham nhũng và bè phái tăng lên hàng chục lần so với năm 2009. Các thủ tục hành chánh vẫn rườm rà không giảm; các chức vụ làm việc cho nhà nước đều phải bị mua với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Quan trọng hơn nữa, là rất nhiều đảng viên và những người đã làm giầu đang tìm cách rời khỏi Việt Nam. Chỉ có mỗi một con số thay đổi đó là lương tháng của giáo viên không còn là 2,000,000 một tháng nữa. Nhưng để đủ ăn tiêu, những giáo viên này vẫn phải dậy thêm học trò của mình sau giờ dậy học ở trường.
Liệu 6 năm nữa, có ai muốn về Việt Nam làm việc cho CSVN nữa hay không?
BHL
NGƯỜI TRẺ NÊN HAY KHÔNG NÊN VỀ VIỆT NAM LÀM VIỆC (từ motgocpho.com)
Bùi Hồng Lĩnh (tsl)
Đây là một câu hỏi rất mơ hồ và tổng quát. Người viết chỉ muốn giới hạn đề tài này lại và chỉ nói về những người còn trẻ tuổi, rời VN lúc còn thơ ấu hay được sinh trưởng ngoài Việt Nam, và trong hạn tuổi từ 24 đến 34. Nói rành tiếng Việt và đã tốt nghiệp Đại học tại các quốc gia khác cũng như đang có việc làm tương đối vững chắc tại các nước này. Chỉ biết VN qua sách báo, computer, video và qua những kinh nghiệm được kể lại do các bậc cha mẹ, bà con và những người đã trải qua phần lớn quãng đời tại VN, dưới chế độ VNCH cũng như CSVN. Bây giờ những người này đang suy nghĩ có nên về VN làm việc hay không?
Chúng ta cũng đã hình dung được nhiều câu trả lời, tùy theo kinh nghiệm riêng của người cho ý kiến và những câu trả lời này chắc chắn sẽ mang lại những tranh luận.
Tuy nhiên, nếu chúng ta viết xuống những câu hỏi và những nhận định liên quan đến vấn đề này và làm cách nào để những người trẻ này có dịp suy nghĩ độc lập và tìm cho chính họ câu trả lời thì có lẽ sự tranh luận sẽ bớt đi.
Sau đây là những nhận định và những câu hỏi:
I. Mục đích người trẻ về VN là gì? Nếu mục đích về VN để làm việc, kiếm tiền thì họ đã sẵn sàng và chấp nhận những sự thực sau đây không:
1.Tình trạng tham nhũng và hối lộ lan tràn đến mọi giai cấp trong xã hội cũng như các công tư sở. Sự quen biết bè đảng cũng như vị thế một đảng viên luôn luôn là yếu tố chính cho sự thành công và thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như trong sự phát triển của các hãng xưởng tư nhân. Những người trẻ muốn về làm việc cần phải biết rõ điều này để không có những ảo tưởng về điều kiện thành công của việc làm cũng như không ngạc nhiên nếu mình bị thất bại do những điều trên. Họ cũng cần biết chính sách diệt trừ tham nhũng của CSVN đã có kết quả thế nào và phản ứng của nhà cầm quyền đối với những người làm báo phanh phui sự tham nhũng ra sao?
2. Những giai đoạn để chuẩn bị và hình thành công ty cũng như những hoạt động sau đó sẽ bị lệ thuộc không phải từ những luật lệ thương mại nhất dịnh như ở các nước dân chủ thực sự mà những luật lệ cũng như cách được cấp giấy phép lại tùy thuộc phần lớn vào sự giải thích những luật lệ thương mại này bởi những nhân viên trực tiếp liên hệ đến việc cấp giấy phép, và nhất là sự giải thích này có thể sẽ bị hiểu với một cách khác một thời gian sau hay sau khi có sự thay đổi nhân sự của cơ quan liên hệ. Người muốn về VN làm việc phải biết rõ điều này để chuẩn bị cho những thay đổi bất lợi rất có thể xẩy ra. Người trẻ có biết rõ vai trò của Hội Đồng Nhân Dân các cấp, nôm na là Công An, đối với sự sinh tử của sự kinh doanh của họ hay không?
II. Nếu mục đích về VN là để giúp nước, xây dựng đất nước thì họ có sẵn sàng chấp nhận những sự thực sau đây không? ngoài những điều đã nêu trên:
1. Họ sẽ có ít dịp để thi thố tài năng hay áp dụng những điều học hỏi được trong một môi trường đố kỵ và cô lập tại VN. Nếu họ về làm việc cho một cơ quan quan trọng của nhà nước, chẳng hạn liên qua đến Kinh Tế thì họ phải tiên đoán là những nhân viên, chuyên viên làm chung với họ hay chỉ huy họ sẽ khó mà cho họ những cơ hội áp dụng những kiến thức mới từ trường ngoại quốc cũng như những kinh nghiệm từ những hãng xưởng ngoại quốc. Họ sẽ bị chèn ép và bị đối xử như một người từ nước ngoài về dành ăn hay dành ảnh hưởng của họ, đó là chưa kể vấn đề khác biệt về lương bổng nếu có sẽ tạo thêm sự ghen ghét lẫn nhau.
2. Họ sẽ sống và làm việc cho một chế độ CSVN không có tự do và dân chủ theo tinh thần và định nghĩa của các nước mà họ đã được đào tạo kiến thức cũng như cách sinh hoạt dân chủ tự do. Họ phải biết rằng họ sẽ không được có tiếng nói một cách tự do nếu những tiếng nói đó đòi hỏi sự thay đổi hay cải tổ bất cứ guồng máy cai trị nào của CSVN hay của đảng, kể cả những cơ quan nhỏ nhưng có đảng nhúng tay vào. Nói cách khác, họ phải chấp nhận hoàn toàn chế độ CSVN mà đảng độc quyền lãnh đạo trên 65 năm qua. Họ phải chấp nhận HCM mặc dù đã chết, là vị lãnh tụ tối cao của họ. Và họ phải đồng ý với hệ thống tòa án xét sử không rõ ràng của CSVN cũng như đồng ý với những bạo hành của nhà cầm quyền CSVN đối với những hoạt động tôn giáo, mặc dù những hoạt động này lại được chính quyền bảo vệ nếu xẩy ra trong những nước tự do dân chủ thực sự.
3. Họ cần biết rằng ai sẽ là người được hưởng những kết quả công việc làm của họ, nếu những việc họ làm có kết quả nào đó. Họ cũng cần biết rằng những khách sạn, nhà hàng, nơi giải trí mọc lên nhiều ở Saigon cũng như ở các tỉnh lớn do ai bỏ tiền ra và để phục vụ ai. Ai là những người có nhiều tiền bạc tại VN và tiền này từ đâu mà ra. Người dân thường với đồng lương cố định, thí dụ như giáo viên với khoảng 2,000,000 đồng một tháng họ nuôi sống gia đình họ cách nào.
4. Họ có biết rằng, nếu họ còn mơ tưởng đến một XHCN Cộng Sản và về làm việc cho CS thì cái chủ nghĩa đó bây giờ chỉ còn cái vỏ sau nhiều lần đổi mới. Các nền tảng chính trị kinh tế xã hội, tôn giáo, báo chí và giáo dục tại VN hiện nay không còn theo một chủ thuyết lý tưởng nào cả, ngoài lý tưởng đem lại và bảo vệ quyền lợi và quyền lực cho một đảng độc tài với những nhân sự không màng đến quyền lợi của dân tộc và quyền lợi của những thế hệ mai sau qua những sắc lệnh quản trị nước phản hiến pháp và qua những hiệp thương bất lợi với Trung cộng.
..
Những người trẻ khi đọc qua những câu hỏi và nhận định trên chắc sẽ nghĩ rằng đây là những câu hỏi chủ quan và thiên vị vì toàn là những câu hỏi bất lợi cho CSVN và có vẻ như là khuyến khích họ có một lựa chọn không về VN làm việc.
Những câu hỏi trên có vẻ chủ quan thật và có vẻ đã dựa vào những kinh nghiệm bi quan của một số người đã liên hệ với CSVN thật.
Nhưng sự chủ quan đó có nói lên sự thật hay không mới là điều quan trọng. Những người trẻ không nên tin vào những khẳng định kể trên và hãy dựa vào những câu hỏi đó như một khởi điểm để đi tìm sự thật. Và họ cần tìm hiểu sự thật càng nhiều càng tốt vì nếu họ không bỏ ra thì giờ để nghiên cứu sự thực thì họ không thể là một người “có sự khôn ngoan” đủ để quyết định một vấn đề quan trọng cho riêng họ cũng như cho gia đình họ.
Có khả năng chuyên môn chưa đủ yếu tố để một người quyết định về VN làm việc phục vụ đất nước. Họ cần có một thái độ chính trị và xã hội nữa về VN hiện nay; vì nếu họ không chuẩn bị cho mình một thái độ chính trị, họ sẽ bị cuốn hút vào trong một guồng máy mà sẽ không biết cách phản ứng thế nào. Một thái độ chính trị không hẳn là phải sự hoạt động chính trị, mà nó chỉ là một sự hiểu biết tường tận những vấn đề chính trị, xã hội đang xẩy ra tại VN và xây cho mình một lập trường để phản ứng khi cần. Một người trẻ có thể về VN để phục vụ đảng CSVN hay phát triển tầm ảnh hưởng của đảng này nếu thái độ chính trị của họ cho rằng tự do và dân chủ chỉ là những sự phù phiếm không cần thiết. Không ai cấm họ cả, nhưng nếu đã chọn như vậy, họ không thể nhân danh là một người tị nạn CS, hay một người chống cộng nữa khi làm việc cho CS.
Có người cho rằng để chính xác hơn, người Việt hải ngoại đứng tuổi (55-70 tuổi) nên đặt tâm tình và tâm trạng của mình vào những thế hệ trẻ để hiểu họ hơn và cho họ những lời khuyên khách quan khi những người trẻ muốn ý kiến là về VN hay không. Trong thực tế, làm gì có chuyện khách quan hoàn toàn và điều quan trọng ở đây không phải là sự khách quan mà là sự chân thành, hiểu biết và khôn ngoan của những người trong cuộc. Với sự chân thành, người trẻ và người đứng tuổi biết sự giới hạn và khả năng của nhau để không có sự kỳ vọng quá đáng. Với sự hiểu biết, người trẻ và người đứng tuổi thông cảm được thái độ của nhau, và với sự khôn ngoan, người trẻ sẽ tự mình quyết định sau khi lắng nghe từ mọi phía.
Về VN để giúp nước hay không? theo thống kê của bộ Ngoại Giao CSVN công bố trong cuộc họp "NVHN trên toàn thế giới" vừa rồi, NVHN có từ 300,000 đến 400,000 chuyên viên và trí thức nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 200 đến 300 người về nước làm việc. CSVN cũng không nói trong 200 hay 300 người này, bao nhiêu người ở lại.
Con số 300 trong 300,000 trí thức chuyên viên về VN hợp tác đã cho người trẻ một dữ kiện để suy nghĩ có nên về VN hay không. Đây là một thống kê rất quan trọng, đáng để cho người trẻ tìm hiểu lý do tại sao lại ít người trí thức về VN làm việc ?
Còn, cách nào để người trẻ tìm được sự thật? Đó là vấn đề của người trẻ. Họ đã được học cách nghiên cứu và suy luận để tìm hiểu một vấn đề trong trường học rồi. Những người đứng tuổi muốn những người trẻ lắng nghe họ chứ không cần nghe theo. Nhiều người đứng tuổi đã hiến cả tuổi thanh xuân và thân thể cho lý tưởng của họ, họ phải dựa trên một giá trị gì có ý nghĩa; hoặc họ đã cùng gia đình bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh ngoài biển cả, chấp nhận cái chết, thì họ phải dựa trên một giá trị gì cao quý, lớn hơn cả sự sống, đáng để giới trẻ lắng nghe lời giải thích sự chọn lựa của họ.
Đồng thời, hãy để cho những người trẻ tự quyết định, dù họ có thể vấp ngã. Những người đứng tuổi, ai cũng có đã một thời trẻ tuổi như vậy, vấp ngã nhưng rồi lại lồm cồm đứng lên.
No comments:
Post a Comment