Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Thông tấn xã Reuters tường thuật rằng Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá giữa lúc hai nước láng giềng đang tìm cách hàn gắn các quan hệ sau vụ đối đầu hồi tháng 5 năm ngoái, khi Bắc Kinh cho điều giàn khoan dầu nước sâu trị giá 1 tỉ đôla vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố thuộc thềm lục địa của mình. Lúc đó, hành động của Trung Quốc đã khơi dậy các cuộc biểu tình bạo động ở Việt Nam.
Trong một thông báo tải lên trang mạng vào khuya thứ Bảy vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói lệnh cấm các hoạt động đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành “vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.”
Bản tin của tờ Lao Động hôm nay tường thuật rằng trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận I ở thành phố HCM hôm 17 tháng 5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố “phải tuyệt đối bảo vệ chủ quyền tổ quốc”. Ông Sang nói Việt Nam muốn có hòa bình để xây dựng đất nước, muốn giải quyết vấn đề dựa vào luật pháp quốc tế. Ông thừa nhận Trung Quốc đã có những hoạt động cải tạo, xây dựng dể ‘biến đảo chìm thành đảo nổi’, và nói rằng việc Trung Quốc xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam là để ‘thăm dò Việt Nam và dư luận thế giới’.
Trả lời một câu hỏi của cử tri, ông Trương Tấn Sang cho biết phía Việt Nam đã nói rõ quan điểm của mình trong các công hàm trao cho Trung Quốc trong những lần tiếp xúc song phương. Ông khẳng dịnh là Việt Nam ‘không sợ’ Trung Quốc.
Ông Sang nói: “Có một số ý kiến cho là chúng ta sợ, nhưng không có chuyện đó. Giữa các quốc gia là bình đẳng, không có chuyện sợ hay không sợ.”
Báo Việt Nam trích lời phát biểu của ông, nói: “Chủ quyền tổ quốc phải tuyệt đối bảo vệ, phải bảo vệ ngư dân, ngư trường, bảo vệ quyền khai thác dầu khí, quyền tự do đi lại, tự do hàng hải...”
Hãng tin AP tường thuật rằng sáng 18 tháng 5, Trung Quốc đã bác bỏ lời phản đối của Việt Nam đối với lệnh đánh bắt cá thường niên do Bắc Kinh ban hành ở Biển Đông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói rằng lệnh cấm đánh cá trong mùa hè là lệnh vẫn được Bắc Kinh ban hành hàng năm, và khi làm như vậy, Trung Quốc chỉ hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình để bảo vệ các nguồn cá. Dịp này, ông Hồng Lỗi lặp lại rằng “lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vẫn rõ ràng và trước sau như một.”
Nhưng trong thêm một dấu hiệu khác về thái độ nhập nhằng, không dứt khoát của Hà nội liên quan tới cuộc tranh chấp lãnh thổ và các quan hệ Việt-Trung, trong cùng ngày 17/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn gặp vị đồng nhiệm Việt Nam, Đại Tướng Phùng Quang Thanh trong cuộc tiếp xúc ở biên giới hai nước, được mô tả là cuộc ‘giao lưu hữu nghị quốc phòng’.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí, ông Phùng Quang Thanh nói đây là một cuộc gặp lịch sử và ông bày tỏ lạc quan rằng qua cuộc giao lưu này, quân đội hai nước đã gửi “những tín hiệu hết sức đáng mừng” tới nhân dân hai nước. Phát biểu ngay trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói hai nước đã ‘giải quyết tốt vấn đề trên biển’, và rằng hai nước có “đủ trí tuệ và khả năng để thành công trong việc xử lý các vấn đề hàng hải”.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm hồi năm 1999 để theo lời họ, “tăng tiến việc phát triển bền vững của ngành đánh cá trong Biển Đông và bảo vệ các quyền lợi cốt lõi của ngư dân Trung Quốc”. Nhà chức trách Trung Quốc đã đe doạ sẽ phạt vạ, rút giấy phép hành nghề đối với bất cứ ai vi phạm lệnh cấm đánh cá của họ, đồng thời dọa tịch thu tài sản và có thể, truy tố hình sự những người này.
Trung Quốc và Việt Nam có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên nhiều vùng biển rộng lớn trong Biển Đông, cũng như trên nhiều hòn đảo, bãi cạn hẻo lánh trong vùng biển này. Căng thẳng tăng cao hồi năm 2012 và năm 2014 sau khi Bắc Kinh bắt giữ nhiều ngư dân trong vùng biển tranh chấp. Cả hai bên đổ lỗi cho nhau là có hành động gây hấn và cố tình đâm va vào tàu của mình.
Nguồn: Reuters, AP, India Times.
dv
No comments:
Post a Comment