Tiêu sọ lúc còn xanh ở Tây Nguyên.RFA
Bổn cũ lặp lại, các nhà buôn Trung Quốc lại tiếp tục hoành hành đất Tây Nguyên như chốn không người, nông dân Tây Nguyên lại một lần nữa loay hoay trong thua lỗ và không tìm được lối ra cho sản phẩm của mình. Thời gian gần đây, các nhà buôn Trung Quốc đã dùng các đầu mối người Việt Nam để thu gom cau non ở Tây Nam Bộ và tiêu non, điều non, các loại nông sản chủ lực của Tây Nguyên bằng nhiều chiêu thức ma mãnh để rồi sau đó, hậu quả nặng nề lại ập xuống người nông dân nơi đây.
Bị lừa mà vẫn phải theo
Bà Thu, một nông dân ở Krong Pắk, Đắc Lắc, chia sẻ: “Năm ni đa số đều được, cà phê, điều.. Chỉ có cao su hạ, mủ cao su hạ lắm. Bây giờ nhọ điều chế thành miếng để trữ lại. Mấy năm ba mươi mấy nghìn, bốn chục nghìn một ký nhưng giờ chỉ có năm nghìn, sáu nghìn. Tại Trung Quốc không mua…”
Theo bà Thu, sản lượng tiêu trên đất Tây Nguyên năm nay sẽ bị giảm đáng kể bởi trong gần một tháng, người nông dân đã bán tiêu non phơi khô, giả tiêu lép cho các đầu mối và các đầu mối này lại thu gom để bán cho các nhà buôn Trung Quốc với giá 250 ngàn đồng mỗi ký lô. Riêng nông dân, mức giá bán được là 190 ngàn đồng trên mỗi ký.
Bà Thu lý giải thêm tại sao đã bị các nhà buôn Trung Quốc lừa nhiều lần nhưng người nông dân vẫn cứ lao theo những lời hứa của họ để rồi chịu thiệt. Theo bà, nguyên nhân chính vẫn do thiếu trầm trọng sự hỗ trợ và chính sách điều phối nông sản hợp lý từ phía nhà nước.
Giải thích rõ hơn, bà Thu cho rằng tất cả mọi nông dân trên cả nước nói chung và nông dân Tây Nguyên nói riêng đều bị thiệt thòi trong sản xuất. Sự thiệt thòi nằm trong nhiều khía cạnh nhưng có ba khía cạnh rõ nét nhất, đó là: Chính sách tiêu thụ nông sản còn manh mún; Người nông dân không có bất kỳ sự ưu đãi nào và; Thị trường bị thả lỏng vào tay người Trung Quốc.
Ở khía cạnh chính sách tiêu thụ nông sản, bà Thu nói rằng tuy bà tuy không có học vấn để phân tích một cách rành mạch nhưng kinh nghiệm sản xuất và bán nông sản lâu năm của bà cho thấy nhà nước không hề có một chính sách hợp lý trong tiêu thụ nông sản. Từ giá gạo trên thị trường quốc tế đến giá cà phê, giá hạt tiêu hay giá hành, tất cả đều do người nông dân tự cung tự cấp, tự trồng tự bán, giá cả như thế nào thì nhà nông chấp nhận theo kiểu đó. Và một khi thị trường quá bấp bênh, mùa bội thu đi nữa vẫn lỗ lã, người nông dân buộc phải lựa chọn cách làm ăn xổi ở thì, được đâu hay đó mới hy vọng lấy lại vốn, kiếm chút lãi được.
Cây cao su trở thành gánh nặng của các gia đình ở Tây Nguyên. RFA PHOTO.
Bà Thu lấy ví dụ như cây cao su, đó là một chính sách lớn, thu hút hàng ngàn nông dân Tây Nguyên bỏ tiền tỉ ra để đầu tư, phá bỏ những loại nông sản khác để đầu tư trồng cao su. Nhưng kết quả cuối cùng thì thua lỗ vuốt mặt không kịp bởi cây cao su cho mủ quá thấp mà lại không có chỗ tiêu thụ ổn định. Người nông dân hết tin vào chính sách điều phối của nhà nước nên đâm ra mất phương hướng, cứ thấy chỗ nào lấy được tiền là vịn vào.
Ở khía cạnh khác, người nông dân không có bất kỳ sự ưu đãi nào, bà Thu lấy ví dụ điện sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất ô tô có giá thành ngang với giá điện xoay chiều dùng để bơm nước trong tưới tiêu nông nghiệp. Hoặc giá xăng dầu để bơm nước cũng vậy, không có bất kì sự ưu tiên nào đối với người nông dân.
Hơn nữa, các loại dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, hiện tại vẫn là nhóm dịch vụ hái ra tiền. Mức chênh lệch giá giữa mua vào và bán ra các loại sản phẩm bảo vệ thực vật còn quá cao. Điều này chỉ làm giàu cho người làm dịch vụ nhưng nông dân lại phải nai lưng ra chịu trận. Chính vì mức phí chênh lệch quá cao, nhà làm dịch vụ gom được số lãi cao, chuyển sang làm dịch vụ cho nông dân vay nặng lãi để cuối vụ trả bằng nông sản. Dần dà, họ trở thành chủ nợ.
Và đáng sợ nhất vẫn là thị trường Việt Nam luôn là sân chơi không đóng thuế của các nhà buôn Trung Quốc, họ bày ra đủ các trò để lừa bịp nông dân và nhà buôn Việt Nam.
Những chiêu trò của các nhà buôn Trung Quốc
Một người khác tên Dậu, ở huyện Chư Sê, Gia Lai, chia sẻ: “Cái đó là chuyện lừa đảo, bọn Trung Quốc cố ý đánh kinh tế của mình. Nó nói mua điều non để về làm bánh kẹo gì đó nhưng mà thực tế nó tung tiền để nó phá kinh tế, chứ nó mua về không được gì hết đó. Nắng quá nên điều cháy hết, rụng hột nên hàng khan, giá cao. Nó mua tiêu non của mình mục đích là đánh kinh tế chứ tiêu đó đâu đã cay đâu. Thời kỳ mà con bò con trâu nó mua cái móng, trái bắp nó mua cái râu, chuyện đó là mấy ông lớn như ông Dũng, ông Sang lo chứ mình thì được giá thì cứ bán.”
Theo ông Dậu, người nông dân hay là nhà buôn Việt Nam sẽ khó mà không bị nhà buôn Trung Quốc sập bẫy, chỉ khi nào không chơi với họ thì mới hết bị họ sập bẫy. Hoặc chỉ để họ sang Việt Nam du lịch, làm gì đó nhưng đừng bao giờ để kinh tế Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc thì nhà nông mới yên thân, người Việt Nam mới có thể làm ăn bình thường.
Ông Dậu lấy ví dụ về thương vụ mua tiêu hạt lép vừa rồi của người Trung Quốc. Hiện tại, nông sản Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào người Trung Quốc, nên họ có quyền định giá cho các loại nông sản. Ví dụ như giá tiêu hạt loại xịn trên thị trường dao động từ 150 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng mỗi ký lô và đầu ra rất èo ọp. Nhà buôn Trung Quốc tìm sang các thương lái Việt Nam, mua tiêu lép với giá 250 ngàn đồng mỗi ký lô và đặt cọc.
Nhà buôn người Việt tung vốn đi mua tiêu lép với giá 190 ngàn, có ngày lên đến 200 ngàn đồng. Người nông dân bắt đầu tính toán, nếu để tiêu non chín rồi khô, bán với giá 150 ngàn đồng lúc đương vụ thì so với hái non, phơi qua loa cho lép để bán với giá 190 ngàn đồng, 200 ngàn đồng. Khỏi phải lo tưới tiêu, đỡ được khoản tiền chăm bón và nhiều khoản khác. Đó là chưa nói đến chuyện có thể tiêu hạt chín bị rớt giá thê thảm bởi người Trung Quốc đè giá vào vụ tới.
Chính vì thị trường quá bấp bênh, mông lung, thương lái Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ nông sản Việt Nam mà người nông dân cũng như nhà buôn luôn đối diện với thua lỗ và có thể bị họ lừa bất kỳ giờ nào. Mà nếu không bị lừa thì cũng bị ép. Đó là bài toán khó giải của nông sản Việt Nam trước nhà buôn Trung Quốc!
Nhóm phóng viên tường trình trình từ Việt Nam.
dv
No comments:
Post a Comment